Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân - 7

định hạnh phúc của mình. Không chỉ những thân phận làm lẽ phải chịu thiệt thòi cay đắng, mà ngay cả khi làm vợ cả cũng phải chịu bao nhiêu tủi nhục vì số phận hẩm hiu. Đó là tình cảnh của cẩn trong truyện ngắnBà mẹ Cẩn. Cuộc đời chồng con của Cẩn chịu nhiều đau khổ, dở dang. Người ta cưới Cẩn về không phải để làm vợ, mà thực chất làm một con hầu không công. Chồng Cẩn là: “Một thằng bé sún răng và mũi lúc nào cũng chảy tận mồm”[ 28, 509]. Suốt ngày Cẩn quần quật, đầu tắt mặt tối lo hầu hạ bố mẹ chồng, chăm bẩm chồng. Đến khi chồng trở thành “anh lực điền, khoẻ mạnh” lại chê Cẩn già xấu xí, “bỏ đi cưới vợ lẽ”. Trong một lần, ngoài ý muốn, người chồng đã để lại cho Cẩn một đứa con. Thế là Cẩn phải chịu bao nhiêu khổ sở vì đòn ghen tuông trái ngược của người vợ lẽ. Chế độ đa thê và nạn tảo hôn là cái ách đã trói buộc cuộc đời Cẩn vào trong khổ đau, nhục nhã.

Tiếp nối mạch cảm xúc về những mảnh đời khổ đau của người phụ nữ là nhân vật cô Vịa trong truyện ngắn cùng tên. Vịa chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm gia đình ngay từ lúc còn bé nhỏ. Mẹ chết, cha lấy kế mẫu. Cô phải sống kiếp mẹ ghẻ con chồng, bị hành hạ khổ sở “dưới quyền hành độc ác” của người mẹ kế. Năm 10 tuổi, người cha - chỗ dựa tinh thần của cô cũng rời bỏ cô sau một trận ốm ngã nước “rừng thiêng nước độc”. Mới 10 tuổi đầu, cô bị đánh đập hành hạ “da diết suốt ngày”, cơm ăn không đủ no, đêm ngủ không tròn giấc. May nhờ có ông anh họ đem về cưu mang. Rồi cô cũng có một gánh hàng xén nho nhỏ tuy không dư dả cũng đủ nuôi sống qua ngày. Nhưng sự đời nào đâu có thể bình lặng với những ước muốn, khát khao bình dị của cô. Thiếu thốn tình cảm gia đình từ thuở nhỏ, cô khao khát một mái ấm gia đình. Nhưng cô đã rơi vào bẫy tình của một chàng họ Sở. Cú sốc bị lừa tình đã cướp hết ở cô cái xuân thì tuổi hai mươi. Cô trở nên thân tàn ma dại: “Mắt trắng dã giương lên lại nhìn xuống, da vàng xủm bấm ra nước. Cái váy đụp cũn cỡn để hở mấy vết chó cắn. Nước vàng rỉ ra loang lổ đọng lại trên cặp chân gầy guộc” [30, 25]. Nhưng nấc thang về cuộc đời khổ đau của Vịa

chưa dừng lại ở đó. Sau lần vấp ngã, cô được gia đình anh họ tìm về lo lắng thuốc thang, cô luôn có ảo tưởng được làm vợ Phán Đường, sống một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc. Nhưng khát khao của cô cũng chỉ là một giấc mơ, nó cũng giống như lời nói đùa của ứng, không bao giờ là sự thật. Con đường tìm đến hạnh phúc gia đình tắt ngấm, cô trở nên điên dại. Bộ dạng lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch, miệng nghêu ngao hát: “Ăn mày là ai ? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày, xừ xang xê ứ ư...” [30,25].

Truyện kết thúc trong cái chết tội nghiệp của Vịa trên con đường kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Cái chết của Vịa như một hồi chuông nguyện cầu hãy rủ lòng yêu thương con người. Nếu không có tình yêu thương, con người sẽ dễ dàng rơi vào hố thẳm chông chênh của cái chết mà lằn ranh mỏng manh là kiếp sống ăn mày lang thang.

Có thể nói, nhân vật nữ trong truyện ngắn Kim Lân đại diện cho những mảnh đời xót xa, cay đắng của phụ nữ nông thôn bị “quan niệm”, lề thói xã hội “ăn cắp” mất bản ngã của mình.

Hiện thực cuộc sống đa dạng phong phú, nên có khá nhiều “lát cắt”, khá nhiều những mảnh đời khổ đau khác nhau trong truyện ngắn Kim Lân. Dường như các nhân vật “đầu thừa đuôi thẹo” đều gửi đại diện của họ vào trong truyện ngắn của Kim Lân. Ở truyện Anh chàng hiệp sĩ gỗ những mảnh đời khốn khó được hiện lên qua giọng văn đầy trăn trở, yêu thương của nhà văn. Đó là cảnh đời cô đơn, nghèo khó của ông lão làm nghề múa rối rong. Năm tận tháng cùng, một mình côi cút thân già “đẩy cái xe gỗ lọc cọc đi tha phương cầu thực”. Đó là nỗi niềm ai oán, cùng cực của lão ăn mày mù loà. Lão có một con chó vàng rất khôn ngoan. Ngày ngày con chó “vẫn dắt ông lang thang khắp chợ ăn xin, đêm về hai thầy trò lại ôm nhau ngủ dưới gốc đa ngoài quán trọ ” [28,35]. Con chó là người bạn chung thuỷ của ông, cùng ông kiếm sống và giúp ông vượt qua những tháng năm cuối cùng của tuổi già. Nhưng một “kẻ ác tâm nào đó” đã đánh bả con chó của ông lão “cướp đi cái

nguồn sống và tình yêu thương cuối cùng của con người tàn tật ấy”[ 28,35].

Tài năng của một nhà văn thường là ở chỗ cảm nhận được, nghe được, nhìn thấy được ý nghĩa sâu xa trong những việc bình thường nhỏ nhặt. Đúng vậy, truyện ngắn Kim Lân không viết về những vấn đề to tát mà truyện của ông bắt nguồn từ những cái vụn vặt, bình thường trong cuộc sống của người lao động nghèo. Nhưng chính từ những cái bình thường, vụn vặt ấy lại là những cái chân thực nhất của cuộc sống. Truyện của Kim Lân vì thế đem đến sự gần gũi và đồng cảm sâu sắc. Đó cũng chính là nét độc đáo, hấp dẫn riêng của tác phẩm Kim Lân.

Trước Cách mạng tháng Tám, thân phận bé nhỏ của người lao động nghèo trở nên rẻ rúng, khốn khổ hơn trong cảnh đói. Cái đói đeo bám, hành hạ họ khổ sở về mặt thể xác, đắng cay về mặt tinh thần. Ngô Tất Tố, Nam Cao có nhiều tác phẩm viết về cái đói. Trong những truyện ngắn Một ổ chó và một đứa con, Cái bánh chưng, Mớ rau trong hòm, Ngô Tất Tố viết cảnh đói khát tuyệt vọng ở quê hương ông. Nhà văn cất lên tiếng kêu đầy đau xót phẫn nộ: hãy cứu đói cho người nông dân. Với những truyện ngắn Một bữa no, Tư cách mõ, Trẻ em không ăn được thịt chó, Nam Cao đã viết về miếng ăn của những người đói. Và tác giả đã gióng lên hồi chuông hãy cứu lấy nhân phẩm, nhân cách con người đang bị cái đói và miếng ăn huỷ họai, tha hóa đi. Truyện ngắn Kim Lân cũng xoay quanh nỗi khốn khổ vì đói của những người lao động nghèo, những người nông dân thấp cổ bé họng. Cái đói và cái chết trong truyện ngắn Ngô Tất Tố, Nam Cao lại làm ta rụng rời, khủng khiếp. Cái đói trong truyện ngắn Kim Lân làm chúng ta xót xa thương cảm.

Trong nền văn học Việt Nam, nhiều nhà thơ, nhà văn đã viết về cái đói với một sự xúc động, thương cảm sâu sắc. Nhưng dường như chưa có ai khắc họa rõ nét nạn đói trong một thời gian cụ thể, một không gian đậm màu thê lương ảm đạm như Kim Lân. Ở truyện Tìm em, cái đói quay cuồng đã cướp đi mạng sống của năm người trong gia đình Viên. Còn lại hai anh em

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

cũng không thể nuôi nổi nhau khiến em của Viên phải “ra phố lê la trên những đống rác nhặt nhạnh những miếng xương trâu, xương bò thối gặm ăn”. Và rồi Viên hốt hoảng “đi tìm em suốt buổi sáng trên những đống rác thối, trên những đống xác người chết đói tái ngắt” [26, 261].

Còn khi đọc truyện Vợ nhặt, chúng ta như đang cảm nhận, đang chứng kiến cảnh làng xóm, cỏ cây, nhà cửa nhuộm trắng trong sắc lạnh của chết chóc. Một không khí khủng khiếp, ghê rợn khi khắp nơi ngổn ngang xác người chết đói. Con người như đang mấp mé bên bờ vực thẳm, tranh giành từng gang tấc giữa cái sống và cái chết. Miêu tả chi tiết, sinh động nạn đói trong một không gian, thời gian cụ thể, Vợ nhặt của Kim Lân đã làm nổi bật số phận thê thảm, khốn cùng của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Họ sống mà chẳng khác nào những ngọn đèn leo lét, vật vờ trước gió.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân - 7

Vợ nhặt đã khẳng định tài năng viết truyện ngắn của Kim Lân. Không một lời tố cáo, một lời kết tội, chỉ là những dòng miêu tả, khắc họa chi tiết, sinh động cái đói ghê gớm và chuyện lấy vợ khác người của Tràng, vậy mà sức nặng tố cáo của tác phẩm cứ dậy lên từng câu từng chữ. Tố cáo tội ác bóc lột, tố cáo tội ác hủy diệt bắt dân nhổ lúa trồng đay của Pháp - Nhật đã khiến hàng triệu người lao động nghèo rơi vào cảnh chết đói thảm thương. Giá trị con người trong nạn đói trở nên rẻ rúng như “rơm rác” có thể “nhặt” được đầu đường xó chợ. Vợ nhặt xứng đáng là một truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân và cũng là một truyện ngắn hay nhất viết về cái đói và thân phận của người lao động nghèo trong văn xuôi hiện thực Việt Nam.

Với tấm lòng yêu thương, luôn quan tâm, xúc động trước những cảnh đói khổ của người lao động nghèo, Kim Lân đã có được một chùm sáng tác liền mạch trong cả hai giai đọan trước và sau Cách mạng tháng Tám. Trước Cách mạng tháng Tám, truyện ngắn Kim Lân viết về người lao động nghèo chủ yếu trong mối quan hệ làng xóm, gia đình (Cô Vịa, Cơm con, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu). Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân

vẫn chung thuỷ với làng quê và người lao động nghèo nhưng ngòi bút nhà văn đã có ý thức xã hội rõ rệt hơn. Kim Lân đã thấy rõ mâu thuẫn gay gắt giữa người nông dân và tầng lớp áp bức bóc lột, hiểu rõ nguyện vọng thiết tha có ruộng, có đất của người nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, người nông dân bị bọn địa chủ, cường hào tước đoạt hết ruộng đất, họ trở thành những người cày thuê cuốc mướn dưới sự bóc lột của bọn chúng. Họ phải lìa bỏ quê cha đất tổ, tha phương cầu thực tìm đất để sinh sống. Khát vọng có ruộng đất là khát vọng mãnh liệt nhất trong những khát vọng khác của người lao động nghèo trước Cách mạng. Khát vọng đó được Kim Lân thể hiện rõ trong câu chuyện tìm đất của gia đình ông Tư Mủng ở truyện ngắn Bố con ông lão gác máy bay trên núi Côi Kê. Không thể từ đời này sang đời khác sống kiếp nhà nông không có ruộng. Gia đình ông Tư quyết định rơì bỏ làng quán, lang thang đi tìm đất. Nhưng con đường lên mạn ngược vẫn mù mịt, vô định. Đói rét bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của họ: “ Người chết dọc đường, kẻ phải đi ở, người bị bán làm lẽ thứ bốn, thứ năm”. Cuối cùng, khi tìm được đất sinh cư lập nghiệp, cả gia đình mười một con người khốn khổ ấy chỉ còn độc nhất một mình Tư Mủng, số phận li tán, tha phương cầu thực của gia đình ông Tư Mủng cũng là số phận của hàng vạn gia đình nông dân khác bị tước đoạt hết ruộng đất, bị đẩy vào con đường bần cùng hoá. Nhiều gia đình phải lìa bỏ quê cha đất tổ, xiêu bạt khắp nơi kiếm sống qua ngày (Nên vợ nên chồng, Chị Nhâm, Tìm em). Trong số họ không ít người bị rơi vào con đường tha hóa hoặc rơi vào thân phận của những kẻ hành khất bỏ mạng nơi xứ người. Thế mới biết, trước Cách mạng tháng Tám, người lao động nghèo phải chống chọi, gánh chịu bao nhiêu cay cực vất vả. Sức nặng của nghèo đói, cùng cực cứ mãi chất đầy lên tấm thân còm cõi của họ.

Tiếp nối những trang viết về cuộc sống mòn mỏi, lắt lay, bất hạnh của những người lao động nghèo trước Cách mạng, Kim Lân dành tấm lòng nhân hậu với những con người tài hoa, phận bạc, thất cơ lỡ vận. Đó là thân phận

đáng thương của ông Trạch trong truyện ngắn Người kép già. Một thời, ông sống hào hoa, phù phiếm, hào nhoáng bởi ánh đèn sân khấu. Thời gian trôi đi, nghề hát tuồng trở nên thứ nghệ thuật cổ, lạc hậu tàn theo năm tháng. Sau những tháng ngày nay đây mai đó, hóa thân vào những vai tuồng với đủ cả “ái, ố, hỉ, dục, nộ, ai, lạc", người kép già tài giỏi, sắc sảo một thời trở về với vai diễn cuối cùng của đời mình: vai một người tài bị số phận dập vùi, ôm tài nuốt tiếng sống cô đơn, trơ trọi trong sự hoài niệm về một quá khứ rực rỡ. Cuộc đời ông như thứ ánh sáng hào nhoáng của đèn sân khấu vụt sáng vụt tắt. Cuối cuộc đời, người kép già đành thu mình đón nhận lòng thương hại của người cháu họ: “Như biết thân biết phận, ông chỉ thậm thụt trong gian buồng lụp xụp, ẩm thấp”. Cứ tối đến lại “leo lét ánh dầu lạc” như thân phận bé nhỏ sắp tàn của ông. Ngay cả trong tiếng cười của ông cũng héo hắt “bao hàm một nỗi gì như tức giận, lép vế”[26, 28].

Cùng chung thân phận bé nhỏ của người nghệ sĩ nghèo dưới xã hội cũ là nhân vật ông lão trong truyện ngắn Ông lão hàng xóm. Ông không có nổi một cái tên dẫu là quê mùa hay xấu xí. Nhân vật hiện ra bất ngờ như trong một cảnh quay của bộ phim dài. Chỉ đôi nét phác thảo, Kim Lân đã tái hiện lên cả cuộc đời cơ cực khốn khổ của ông: “Một cụ già đầu trọc nhẵn đang ngồi la đà uống rượu một mình trên Ổ rơm. Ông lão mặc chiếc áo bông cũ vá chằng vá đụp, đắp lên không biết bao nhiêu là mụn xanh, trắng, nâu đỏ.... Ông lão vốn là một tay kép tuồng đã về già, không có vợ, không có con, sống một thân một mình trong cái nhà thờ họ đổ nát bỏ hoang” [28, 64]. Cuộc đời ông lão cứ thế tàn đi, lụi đi trong ngôi nhà thờ đổ nát, xiêu vẹo. Trước Cách mạng, thân phận của người nghệ sĩ nghèo phải chịu nhiều bất công, dường như họ không có chỗ đứng trong xã hội, không được tôn vinh lại luôn bị khinh khi. Cuộc đời ông lão cũng chỉ là một trong bao nhiêu cuộc đời bèo bọt của người nghệ sĩ nghèo dưới chế độ cũ.

Khép lại những trang viết về những mảnh đời mòn mỏi, lắt lay, bất

hạnh của người lao động nghèo trước Cách mạng là mảnh đời cay đắng của Nhâm trong truyện ngắn Chị Nhâm, số phận của Mộc trong truyện ngắn Người chú dượng. Cuộc đời Nhâm cũng như bao người lao động nghèo khác dưới chế độ cũ. Cô không chỉ bị bóc lột dã man sức lao động, bị hành hạ khổ sở về mặt tinh thần mà cô còn là nạn nhân của chế độ thần quyền, mê tín dị đoan. Sau ba năm đi ở chịu bao khổ cực tủi nhục, đến năm mười sáu tuổi, Nhâm lại bị Tổng Đáng rắp tâm “đem đi chôn sống làm thần giữ của” [26, 276]. May nhờ bà Kiểm mách bảo, Nhâm luồn theo ống cống trốn thoát lên rừng. Từ đó cô sống chui lủi nơi chốn rừng sâu mịt mù. Nếu không có Dung - một chàng trai tốt bụng giúp đỡ, chắc cô đã phải bỏ mạng nơi rừng thiêng. Còn cuộc đời của Mộc dường như tụ hội tất cả những oan ức, khốn đốn của người lao động nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Thiên tai, mất mùa đói kém, sưu cao thuế nặng đã khiến gia đình Mộc phải lìa bỏ quê hương lên tận miền bán sơn địa kiếm sống, ở vùng đất mới, “Chồng cày mùa, vợ tát nước, đi cấy, làm cỗ” quanh năm không hết việc cho nhà Bạ Dưỡng. Nhưng ở nhà Bạ Dưỡng, vợ chồng anh Mộc không những bị bóc lột sức lao động mà nơi đó là cội nguồn gieo rắc tai họa, bi kịch xuống gia đình anh. Con trai Bạ Dưỡng tìm cách tán tỉnh, ve vãn vợ Mộc để thoả mãn ham muốn dục vọng “thấy gái thì chơi chứ thiết gì đứa con gái nghèo khổ, có chồng ấy”. Trong một cơn ghen tuông của người đàn ông, Mộc đã chém nhầm vào vai vợ thay vì chém chết kẻ tình địch. Bi kịch cuộc đời Mộc bắt đầu từ đây. Dân làng cứ thế một đồn năm, năm đồn mười, thêu dệt đủ chuyện xấu xa, tàn ác về Mộc “tay chơi can án giết người vừa vượt ngục” nào là “đâm chém cha con bạ Dưỡng” nào là “trộm lúa bị người ta cắt gân chân”. Thôi thì đủ thứ xấu xa, tàn ác ỡ đời đều ném vứt vào con người Mộc. Sau khi người vợ bị bệnh, sinh con rồi chết, người ta cũng dựng lên bao nhiêu chuyện “giết vợ tàn ác” của Mộc. Người ta biến Mộc thành một “quỉ dữ ác độc” mà ngay đến bản thân Mộc cũng không biết. Họ xa lánh, sợ sệt Mộc chẳng khác nào dân làng Vũ Đại xa lánh Chí Phèo “người ta nhắc đến tên Mộc gù bằng một giọng thì

thầm sợ sệt. Cả trại Han, không ai giao dịch với hắn, thấy hắn từ xa người ta đã rẽ sang lối khác”. Càng bị xã hội xa lánh, Mộc lại càng khát thèm tình cảm xóm giềng, khát khao tình cảm bạn bè để được chia sẻ, tâm sự, nhưng “mỗi bận bế con vào xóm thì cả xóm hôm ấy nháo lên. Người ta thì thầm bảo nhau rằng: “Hôm nay thằng Mộc gù nó vào đấy”. Khốn nạn, người ta lại cứ nghĩ tưởng rằng tôi vào đó là để ăn trộm hay thăm đất dắt cướp” [28, 489]. Khát khao muốn được làm bạn vói mọi người nhưng không được chấp nhận làm cho Mộc “điên lên, căm thù tất cả mọi người! Tưởng có thề cầm dao đâm người được thật”. May mà cái sự “tha hoá” của Mộc mới chỉ là trong tư tưởng, mới chỉ là giả định “tưởng có thể... được thật”. Từ suy nghĩ đến hành động chỉ là gang tấc. Và chính giữa gang tấc khủng khiếp ấy, lòng nhân đạo của Kim Lân đã kịp ra tay cứu vớt. Khác với Chí Phèo của Nam Cao, Mộc chỉ “tha hoá” trong tư tưởng, trong lời đồn thổi của mọi người. Một khi anh có thể làm người ta tin, yêu thì sự “tha hoá giả tạo” bị gắp bỏ ấy của anh sẽ được hóa giải. Nếu so với Chí Phèo - hình tượng nhân vật điển hình của Nam Cao thì nhân vật Mộc của Kim Lân vẫn còn nhiều điểm chưa tới. Hình tượng nhân vật Mộc tuy không phải là đại diện cho cá nhân anh ta, nhưng cũng chưa đủ để khái quát thành một hình tượng mang tính qui luật về sự tha hoá của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến.

Bi kịch của cuộc đời Nhâm, Mộc là bi kịch của những người lao động nghèo không làm chủ được cuộc đời mình, họ chịu nhiều oan ức, khổ sở, khốn đốn về vật chất lẫn tinh thần dưới chế độ thực dân phong kiến.

Một trong những đặc điểm nổi bật của ngòi bút Kim Lân là đã đưa những chuyện đời thường nhiều khi rất nhỏ nhặt, vụn vặt vào trong tác phẩm của mình một cách tự nhiên. Nhưng sự thực cuộc sống cứ hiện rõ mồn một trong từng truyện ngắn của ông. Một sự thật không nhẹ nhàng, thanh thản mà qui tụ chất chứa bao đắng cay, chua xót về những mảnh đời “đầu thừa đuôi thẹo” từ khắp các xó xỉnh khuất lấp của cuộc sống.

Những mảnh đời “đầu thừa đuôi thẹo” trong truyện ngắn Kim Lân quả

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 18/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí