Quan Niệm Của Kim Lân Về Việc Viết Văn

tâm linh luôn hỗ trợ cho hoạt động vật chất của con người, mọi người đều mang một niềm tin về những xui xẻo năm cũ đã qua, những ấm no, may mắn năm mới sẽ tới. Sau những nghi lễ ấy, cuộc sống con người như thuận lợi, tốt đẹp hơn. Niềm hạnh phúc như thấm đẫm trong từng cảnh vật và mỗi con người: “Cảnh vật như thấm nhuần một nguồn sống mới mẻ. Mấy cây đa hai bên hồi đền vừa đổi lá. Những búp non hồng hào mẫm mạp vươn lên hớp lấy ánh sáng, lấy khí trời. Trẻ con hớn hở trong áo mới, sự sung sướng bồng bột, hồn nhiên trên nét mặt ngây thơ. Tiếng chúng nó vang vang trong gió. Đôi lúc những xác pháo hồng bay tung lên như muôn nghìn bông hoa đỏ quấn quít cả những tà áo mới. Hạng lớn hớn hở hơn thì túm năm tụm ba mê man với quân bài. Những cô gái đến thì e lệ trong áo mới theo mẹ ra đền lễ thờ với một niềm vui kín đáo. Những cậu trai mới lớn hãnh diện với điếu thuốc lá phậm phè trên môi. Các bô lão, mặt đỏ gay, hể hả được ngày say tuý luý. Ai ai cũng vui. Tất cả những vẻ đăm chiêu vì cuộc sống hàng ngày không còn vương trên mặt họ lúc này. Một bầu không khí đề huề thân mến. Chủ nợ gặp người vay, họ đã thành thật quên hết cả những tị hiềm trước. Thành thật vồ vập nhau, thành thật chúc tụng nhau muôn nghìn sự tốt đẹp” [27, 123].

Hạnh phúc của người dân quê thật đơn giản và mộc mạc. Niềm vui và quan niệm về cái đẹp của nhà văn cũng mộc mạc, bình dị như thế. Cái bình dị của con người gắn bó máu thịt với nông thôn, với vui buồn, sướng khổ của những con người chân chất. Chọn các phong tục văn hoá để viết, dùng phong tục văn hóa để khám phá, nhìn nhận, Kim Lân muốn nhắc nhở mọi người hãy tôn trọng lịch sử dân tộc, hãy biết giữ gìn và bảo vệ các di sản ngàn đời của cha ông này. Đó là vẻ đẹp của quê hương, là truyền thống của dân tộc. Các phong tục văn hóa không chỉ là sức mạnh, là kết quả của trí tuệ, sức lực tập thể mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, nơi tô đậm thêm những tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, đất nước. Và nhà văn đã tìm ra cái đẹp ở những chốn tưởng chừng như bình thường nhất như thế.

Với vốn sống và năng lực quan sát tuyệt vời của một nhà văn nhạy cảm và tinh tế với tất cả những gì diễn ra xung quanh mình, Kim Lân đã đem đến cho người đọc những trang văn có sức cuốn hút lạ thường. Tác phẩm của ông thực sự giống như những trang khảo cứu vừa chi tiết, vừa chân thực, lại có hồn, lôi cuốn... cho những ai muốn tìm hiểu về nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng xã cổ truyền xưa. Khám phá và thể hiện cái đẹp đặc trưng này, nhà văn đã thực sự xây dựng được trên trang văn của mình những bức họa đồng quê khá sâu sắc, tái hiện một nhịp sống dân dã, yên ả, thanh bình mà không kém phần hào hoa, đậm chất nghệ sĩ. Ẩn sau đó là một niềm tự hào vô bờ bến của ông với miền quê văn vật, rộng ra là niềm tự hào với cả một nền văn hiến dân tộc bền lâu. Ông thật xứng đáng với lời tôn vinh của Lữ Quốc Văn: “Kim Lân là nhà tiểu thuyết phong tục hạng nhất ở nước ta ”.

Cùng với Nguyễn Tuân khi viết Vang bóng một thời, Kim Lân thực sự đã góp phần đắc lực trong công cuộc đưa những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền của dân tộc vào văn học, biến chúng thành những đối tượng của nghệ thuật, thành cái Đẹp. Khám phá và thể hiện chúng cũng là một cách để nhà văn bảo tồn và lưu truyền chúng, những vẻ đẹp bao đời của cha ông. “Văn hóa được tích tụ hàng ngàn năm, hàng trăm năm” đâu dễ gì mà mất, mà bỏ bởi một tấm lòng, một niềm tin như thế.

1.2.3. Quan niệm của Kim Lân về việc viết văn

Nhà văn Kim Lân từng kể về đời mình: “Tôi không được học đến nơi đến chốn. Đang học dở lớp nhất ở trường huyện thì bố tôi mất, tôi bỏ nhà, xuống Hải Phòng tìm việc làm, không được, lại quay về làng. Tôi đi học nghề sơn guốc của một ông họa sĩ làng bên. Trong sự rẻ rúng của gia đình (ông là con trai người vợ ba cụ thân sinh), nhiều bạn bè đồng học vân đi,về, đèn sách nhởn nhơ, tôi buồn bực vô cùng. Đúng ra là tự ái. Tự nhiên tôi nhìn xung quanh thấy nhiều sự nhăng nhít, vô lý và nhất là lòng ham viết, thích viết của tôi lại càng nung nấu. “Ta cũng chẳng kém gì các người ” - cái ý nghĩ cương

quyết, ngây thơ đó đã khiến tôi cầm bút” [31]. Như vậy, Kim Lân viết văn, trước hết, có hai động lực khởi nguồn đó là lòng “ham viết, thích viết” trước “nhiều sự nhăng nhít, vô lý” của cuộc sống xung quanh nhà văn lúc ấy. Sau nữa, việc cầm bút viết văn của người thợ sơn guốc đó có ý nghĩa lớn lao, mang tính nhân văn, đó là: “đòi cho mình một thân phận, một nhân phẩm, một chỗ đứng trong cuộc sống nhỏ bé quẩn quanh của quê hương”.

Như những nhà văn chân chính khác, mối quan tâm lớn nhất của Kim Lân là mối quan hệ giữa văn học với đời sống, với thời đại. Ngay từ thời kỳ đầu cầm bút, ông đã quan niệm: điều quan trọng là văn chương “phải thật, phải giản dị” “trong văn phải có cái tâm”. Từ tác phẩm đầu tay Đứa con người vợ lẽ cho đến những tác phẩm sau cuối, trang văn của ông ngập tràn muôn mặt những cảnh đời, cảnh sống, đầy ắp những không khí của thời cuộc. Trước Cách mạng tháng Tám, nhà văn viết nhiều về những day dứt của cuộc sống con người trong dòng xoáy xã hội nơi cái khuôn làng bé nhỏ của mình. Từ những cái “nhăng nhít, vô lý” của cuộc sống cá nhân đến cái “nhăng nhít, vô lý” của xung quanh đều thấy hiện diện trong các tác phẩm. Đâu đó là thân phận kẻ “thừa” trong những gia đình lắm vợ lẽ, con thêm - đứa con đẻ của hôn nhân thời phong kiến (Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Thượng tướng Trần Quang Khải - Trạng Vật). Lại có cả những thói tật của người nông dân với nỗi lòng luyến tiếc, hoài cổ cái nhã thú văn hóa cổ truyền (gánh hát tuồng của làng) gặp phải sự dửng dưng của lớp thanh niên trẻ (Người kép già), chuyện thách đố trêu chọc đám con gái nhà lành của đám thanh niên (Nỗi này ai có biết), chuyện đi trả lại đòn thù truyền đời truyền kiếp của những trang “hảo hán làng” (Trả lại đòn), hay cả chuyện đối xử của những thành viên trong gia đình với nhau (Cơm con)... Chừng ấy chuyện trên trang sách cũng là chừng ấy chuyện trên trang đời mà ông hằng trải qua hay chứng kiến. Sau Cách mạng, nhà văn còn đưa vào tác phẩm của mình rất nhiều những sự kiện gắn với những dấu mốc quan trọng của lịch sử đất nước

như chuyện tản cư (Làng), chuyện cải cách ruộng đất (Nên vợ nên chồng), chuyện nông dân vào hợp tác xã (Ông Cả Luốn gốc me). Mỗi câu chuyện, Kim Lân đều viết bằng một lối văn mộc mạc, bình dị, như chính con người ông. Tất cả, đó là những chuyện, những người mà ông đã từng gặp, từng trải qua, từng quen biết và gần gũi. Dù có quan niệm rằng: không thể dung nạp được cái thứ văn “kêu quá, bóng bẩy quá, cứ như là đánh bóng mạ kền ...” thì văn Kim Lân vẫn có một sức hút riêng. Có được điều đó không phải từ những câu chữ đẽo gọt chăm tỉa mà từ chính cái chất của người nông dân mà nhà văn đã thổi được vào tác phẩm.

Là người viết không nhiều nhưng Kim Lân luôn được bạn văn nể trọng, bạn đọc lưu nhớ. Sở dĩ có được điều đó là bởi ông luôn tâm niệm “chỉ viết những gì mình nắm chắc”. Con người ấy đã gạt bỏ mọi sự lôi cuốn của nhịp sống thời đại để giữ cho mình một lối viết rất riêng, chậm rãi, cẩn trọng và đậm chất nông nhàn. Khi xung quanh ông, những Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan xoáy sâu vào những mâu thuẫn, những mặt trái của xã hội thực dân thì Kim Lân lại đi vào một mảng riêng biệt, cái thú “phong lưu đồng ruộng”. Nhìn suốt các sáng tác của nhà văn, đâu đâu bạn đọc cũng bắt gặp những không gian, những sự việc gắn với người nông dân, trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Đó chính là cái “chiếu” riêng của ông, chính là lĩnh vực mà ông am hiểu sâu sắc, cũng chính là nơi ông có thể mặc sức gửi gắm cái tình yêu làng lắm lắm của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Là một con người chịu nhiều thua thiệt, việc viết văn, với ông, còn là niềm khao khát được thể hiện rõ nét chính con người mình trên trang giấy. Ông đã tự nhận rằng: “xem văn như người... Văn tôi giống tôi trước hết là cách nói, cách nghĩ, cách xử sự... Văn của tôi đã nói được tiếng nói và sự suy nghĩ của tôi. Nhiều khi cách xử sự của nhân vật trong truyện cũng là cách xử sự của tôi trong cuộc sống hàng ngày”. [9, 36-94]. Con người ông, dù với người hay với đời, với văn chương, luôn có ý thức và thực sự đã là “một

người tử tế” như từ chính ông đã sử dụng. Cái chất tử tế trong việc viết văn có khi là cái nhận thức đúng đắn về tài năng và nhân cách của người cầm bút; cũng có khi lại chính là việc họ nên biết điểm dừng của mình trên lộ trình sáng tạo nghệ thuật. Ông đã từng cho rằng: “Viết văn phải có tài. Cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên. Tôi thấy nhiều nhà văn lúc chưa biết nghề nếp tẻ ra sao, hồn nhiên, thoải mái, viết cái mình yêu, mình thích, thì viết lại rất hay, đến lúc hiểu kỹ về nghề thì viết lại tồi đi rất nhiều. Hay chăng cái mình biết đã gò bó cái tự nhiên của mình. Những hiểu biết về nghề văn là rất cần. Nó nâng tầm nhà văn lên, nhưng nếu để nó khống chế mình, làm mất cái thiên bẩm của mình đi thì nhà văn ấy không còn là chính mình nữa”. Và khi lý giải việc tạm ngừng sáng tác một thời gian dài của mình, ông cũng nói trên cái quan niệm rất táo bạo mà chuẩn xác đó: “Cái đáng viết thì đã viết rồi, còn cái không đáng viết thì viết làm gì. Viết nhiều mà nhạt thì thà không viết còn hơn, vả lại giời cũng chỉ cho mình có thế, muốn hơn cũng không được. Viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm...!”.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân - 6

Và như thế, nhà văn Kim Lân đã giữ trọn vẹn cái Tâm của người cầm bút trên suốt hành trình cống hiến nghệ thuật của bản thân. Xin được mượn lời đánh giá của nhà văn Trung Trung Đỉnh để khép lại vấn đề về quan niệm sáng tạo nghệ thuật của ông: “Ông già đa cảm, đa chuyên, ham sống, thích vui, hết lòng vì bạn, chơi với bạn, dù trẻ, dù già, lấy cái chữ Tin nhau, Yêu nhau làm trọng. Bản tính ông là thế!”. Tất cả cái bản tính ấy ông đều mang cả vào mỗi trang văn tươi rói của mình.

Tiểu kết chương 1:

Qua những ý kiến vừa nêu trên, chúng ta thấy rằng các sáng tác của Kim Lân đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Nhân vật của ông là những người nông dân thật thà, chất phác, từ người “thừa” trong những gia đình lắm vợ lẽ đến người nông dân với nỗi lòng luyến tiếc, hoài cổ cái nhã thú văn hóa cổ truyền, mỗi nhân vật là một số phận khác nhau, tuy sống trong cảnh cơ cực nhưng ở họ vẫn lạc quan. Viết về đề tài nông thôn, với những phong tục truyền thống, ông đã đưa những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền của dân tộc vào văn học, biến chúng thành những đối tượng của nghệ thuật, thành cái Đẹp. Những truyện ngắn của ông được viết bằng một lối văn mộc mạc, bình dị, như chính con người ông. Tuy là người viết không nhiều nhưng so với các tác giả khác, truyện ngắn của ông vẫn có một phong cách riêng, đánh dấu những thành công trong cuộc đời sáng tác của nhà văn Kim Lân, giúp ông khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học Việt Nam, là một trong số những cây bút hàng đầu bên cạnh các tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam…

Chương 2

CÁC DẠNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA KIM LÂN

Trong văn học nghệ thuật, truyện ngắn là một thể tài có nội dung súc tích trong kết cấu ngắn gọn. Nhà văn S.Aimatôp nói: “Truyện ngắn giống như thứ tranh khắc gỗ, lao động nghệ thuật ở đây đòi hỏi chặt chẽ, cô đúc, các phương tiện phải được tính toán một cách kinh tế, nét vẽ phải chính xác”. Truyện ngắn là một thể tài khó viết, do đó mỗi nhà văn đều tìm tòi, sáng tạo theo phong cách riêng của mình, vì thế truyện ngắn thường mang đậm dấu ấn của tác giả. Kim Lân tuy viết không nhiều nhưng ông là một trong các nhà viết truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Truyện ngắn Kim Lân mộc mạc, bình dị, nồng ấm hơi thở cuộc sống và có sức hấp dẫn từ cách dựng truyện rất riêng của ông. Cụ thể là việc xây dựng các mẫu nhân vật:

2.1. Nhân vật mang thân phận bé nhỏ

Con người bao giờ cũng là đối tượng chính trong tác phẩm văn học. Cuộc sống thiên hình vạn trạng, niềm vui luôn đi đôi với nỗi buồn, ánh sáng luôn tồn tại bên cạnh bóng tối và cái xấu len lỏi giữa cái tốt, hạnh phúc xen lẫn nỗi đau. Và những khổ đau, bất hạnh của con người xưa nay vốn là nỗi bức xúc lớn nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút.

Kim Lân đã bước vào con đường văn học với một sự thôi thúc như thế. Khi Kim Lân đến với văn chương chính là lúc xã hội Việt Nam ngột ngạt, bế tắc và đầy biến động. Đời sống người nông dân khốn đốn trăm bề. Nạn đói, nạn sưu thuế, lũ lụt, hạn hán, dồn dập ập xuống thân phận bé nhỏ của người lao động nghèo. Xuất thân trong một hoàn cảnh éo le, con một người vợ lẽ thứ ba nghèo túng, không ruộng đất, làm thuê làm mướn khắp nơi, Kim Lân ý thức rất rõ về cuộc sống mòn mỏi, lắt lay, cơ cực của những người lao động nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Nhà văn chú tâm vào những cảnh đời cụ thể, chọn một khoảng khắc tiêu biểu trong cuộc sống của nhân vật để miêu tả nhưng chất liệu hiện thực cứ ngồn ngộn trong từng trang

viết của ông. Kim Lân đã đem đến cho người đọc sự cảm thông, tình yêu thương xen lẫn nỗi chua xót, đắng cay về thân phận của những con người bé nhỏ dưới chế độ cũ. Ông thấy rõ họ là: “Những con người bị cái đói nghèo đọa đầy cho đến thành tàn tật, thành ngớ ngẩn”. Kim Lân sáng tác truyện ngắn của mình bằng cảm hứng dạt dào yêu thương của một trái tim nhận hậu và tấm lòng rộng mở vì những người lao động nghèo. Truyện ngắn của ông đúng như lời nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh: “Là những trang số phận của các đầu thừa đuôi thẹo, được đưa từ khắp các xó xỉnh tối khuất lên mặt giấy trắng chất chứa nhân thế, nhân tình” [39,369].

Đứa con ngứời vợ lẽ là truyện ngắn đầu tay, khẳng định chỗ đứng của nhà văn trên văn đàn. Tác phẩm mang tính chất tự truyện. Cuộc đời đói nghèo, thận phận hẩm hiu của mẹ con Tư chính là phiên bản về cuộc đời, thân phận của hai mẹ con nhà văn. Mẹ của Tư là người phụ nữ cần mẫn, chịu thương chịu khó nhưng lại là nạn nhân của chế độ đa thê. Bà là người vợ lẽ thứ ba, cuộc hôn nhân của bà không có tình yêu. Thân phận lẽ mọn của chế độ đa thê đã cay cực, tủi nhục mà ngay đến con cái họ cũng bị ruồng bỏ hắt hủi. Tư sống giữa gia đình mà như không có gia đình, anh em, họ mạc đều thờ ơ với Tư. Cái đói quay, đói quắt không chỉ hành hạ Tư về thể xác mà còn xoáy sâu vào tâm can Tư một ý nghĩa chua chát về thân phận bèo bọt của mình: “Làm một thằng con người vợ lẽ, không phải vì hương khói, chỉ là một thằng thừa trong gia đình” [28, 27]. Quả là cuộc đời thật oái oăm! Hiện thực cuộc sống luôn hiền hòa, ưu ái với một số ít người giàu sang nhưng lại khắc nghiệt, tàn nhẫn với số đông người nghèo. Chính cuộc đời khổ đau, chịu thiệt thòi như nhân vật trong tác phẩm tự truyện này, mà Kim Lân đã ý thức sâu sắc hơn về thân phận cơ cực của những người lao động nghèo trước Cách mạng.

Từ thân phận hẩm hiu của mẹ mình, Kim Lân thấu hiểu và thông cảm với số phận của những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội cũ. Họ là “nô lệ của nô lệ”, họ thường là nạn nhân của chế độ đa thê bị tước đoạt quyền quyết

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 18/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí