Từ Nhân Vật Đơn Tính Cách Đến Nhân Vật Đa Tính Cách


Thêm vào đó, nhân vật vì là con người lịch sử nên chịu sự đánh giá của lịch sử. Nhiệm vụ chiến tranh mang đến cho văn học sự phân cực trong nhân vật với hai tuyến địch - ta, tốt - xấu rạch ròi. Sở dĩ, các tuyến nhân vật được duy trì là vì tính cách nhân vật gần như không có sự vận động, chuyển hóa. Bởi thế, phẩm chất tốt của nhân vật được duy trì từ đầu đến cuối tác phẩm. Thế nên, bên cạnh việc phản ánh những vận động của nhân vật ở tầm vĩ mô, các nhà văn chưa có điều kiện đề cập sâu sắc đến những “âm trầm nốt lặng” của số phận cá nhân, những khoảng riêng, bí ẩn của tâm linh, nhân cách con người cá nhân .

Sau 1975, bằng việc thay đổi quan niệm hiện thực và con người, văn học xây dựng được nhiều loại nhân vật từ với điểm nhìn của cá nhân. Họ là người nông dân, người trí thức (thầy giáo, nhà văn), người lính giải ngũ, người bình thường với mọi loại nghề nghiệp cũ và mới. Môi trường tồn tại cũng đa dạng: Từ không gian rộng chiến trường đến không gian hẹp của một gia đình. Những mối quan hệ cũng trở nên phức tạp hơn. Đó là mối quan hệ với đồng nghiệp, với bạn bè, với người thân trong gia đình, với giới tự nhiên, với chính bản thân mình. Những quy luật của cuộc sống thời bình đã quy định sự phát triển của văn học. Trong đó, con người đồng nghĩa với sự phức tạp và bí ẩn, mỗi cá nhân trở thành một tiểu vũ trụ. Hành trình của các nhà văn là cuộc tìm kiếm các phương diện tính cách con người. Cùng với sự thay đổi chung của văn học, tiểu thuyết thời kì đổi mới đã khắc phục cách nhìn đơn giản một chiều, áp đặt đối với con người.

Con người cá nhân không còn là phương tiện để thể hiện lịch sử. Nó tồn tại trong ý nghĩa đích thực của nó. Sau 1975, lịch sử được xem là một trong những hoàn cảnh bên ngoài tác động vào con người như rất nhiều các yếu tố khác. Thậm chí, ở một góc độ nào đó, lịch sử là tác nhân tạo nên sự bi kịch, sự tha hóa, sự cô đơn ở các nhân vật.

Con người cá nhân được nhìn nhận ở nhiều góc độ riêng tư. Nếu ở giai đoạn trước, những yếu tố riêng tư thường là những tình huống để nhân vật thể hiện những phẩm chất tốt, tô đậm sự anh hùng của nhân vật thì ở giai đoạn này, những nhu cầu rất cụ thể là yếu tố góp phần thể hiện bản chất của con người. Những chuyện ăn,


mặc, ở, đi lại, quan hệ tình yêu (bao gồm chuyện tình dục) ngày càng xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết. Qua cách chuẩn bị bữa cơm cúng Tết mà ta thấy Lý (Mùa lá rụng trong vườn, Ma Văn Kháng) một mặt là người rất tháo vát, đảm đang nhưng cũng thấy sức hút đặc biệt của đồng tiền đối với con người này. Lý coi trọng vật chất, thích một cuộc sống đầy đủ vật chất. Điều này là một trong những nguyên nhân đưa Lý vào sự tha hóa và bi kịch.

Con người cá nhân không còn chịu sự phán xét của lịch sử, chính xác hơn, với việc xóa bỏ khoảng cách sử thi, nhân vật tồn tại trong tính độc lập của nó và không chịu sự phán xét của bất kì lực lượng nào, ngoại trừ bản thân nó. Không chỉ có thế, nó được quyền phán xét đối với các hiện tượng liên quan đến bản thân nó. Tiểu thuyết đương đại có cả dòng tiểu thuyết hậu chiến, tiểu thuyết đề tài nông dân mang tính chất nhận thức lại. Đây được xem là thời kì ý thức cá nhân được đẩy đến cao độ. Cá nhân có thể lên tiếng cho những quyết định của mình. Tiểu thuyết từ xu hướng lấy lịch sử làm trung tâm, làm đích quy chiếu chuyển dần sang xu hướng coi con người là trung tâm, là đích quy chiếu của lịch sử. Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)… là những tác phẩm đầu tiên sử dụng hệ quy chiếu cá nhân lên lịch sử. Những nhân vật của họ thực hành một cuộc nhận thức lại lịch sử và trong hành trình ấy, họ nhận thức về chính mình. Các nhân vật trong sáng tác trước 1975 ít được thể hiện về mặt thế giới nội tâm, tâm hồn chủ yếu thể hiện qua chân dung lời nói, hành động. Sự đấu tranh trong con người thực chất là sự cá thể hoá cuộc chiến đầu thần thánh của dân tộc trong mỗi con người công dân. Sau chiến tranh, khi lịch sử xã hội chỉ là một trong rất nhiều mối quan tâm của con người thì sự quan sát bên ngoài là chưa đủ. Ở con người bây giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự ý thức, bằng lời nói, điều này không thể nào xác định được từ “bên ngoài”, từ “sau lưng con người”. Các nhân vật của Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Y Ban …. được soi chiếu bình dị trong dòng tâm sự, suy ngẫm, độc thoại nội tâm, tự nhận diện mình trong cõi riêng một mình mình biết, một mình mình hay. Khi để nhân vật lên tiếng


về cuộc sống cá nhân cũng là sự thức tỉnh ý thức trong họ. Từ đó, đặt vấn đề nhận thức lại quá khứ, nhận thức chính bản thân mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Khi mang trong mình bản chất đa dạng, nhân vật được thể hiện không còn là những mẫu mực lí tưởng xa vời, thuần khiết. Họ được miêu tả chân thực và gần gũi hơn trong ranh giới mỏng manh, mờ nhoà của những “tổ hợp lưỡng tính”, với những khao khát ham muốn đời thường, những yếu đuối, những va vấp thường gặp. Quy trong Chim én bay (Nguyễn Trí Huân) là một nhân cách đẹp với sự dũng cảm, nhân hậu, cũng là một tính cách phụ nữ chân thực trong những yếu đuối và khát khao rất con người. Ông “đại tá không biết đùa” (Đại tá không biết đùa) là một con người dũng cảm, nhiệt thành nhưng lại cực đoan, thái quá, nhiều khi trở thành tàn nhẫn. Trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), bên cạnh phẩm chất anh hùng, người lính còn có những khao khát rất đời thường: Nỗi khao khát tình yêu, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ… Đó là những cảm xúc chân thật đầy tính nhân bản của con người mà giai đoạn văn học trước đã không được thể hiện. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) là một người lính. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh anh vẫn mong muốn tình yêu của Phương. Ngòi bút của Bảo Ninh tái hiện trước mắt ta hiện thực về những con người sống trong thời chiến: họ hút thuốc, đánh bài, tìm kiếm những người phụ nữ … như chứng minh sự tồn tại của mình, cũng là để thoát khỏi nỗi sợ hãi về chiến tranh. Trong cá nhân mỗi con người, không ai là thánh nhân, bởi vậy, nhân vật ở giai đoạn này sẽ là sự phức hợp của cái tốt và cái xấu, cao cả và thấp hèn … cái sang trọng đi liền với cái nhếch nhác, cái trong suốt xen lẫn cái phàm tục.

Không còn kiểu nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, không còn kiểu nhân vật dễ nhận thức, dễ phán xét; quay trở về đời thường, không còn cảm hứng ngợi ca, nhân vật xuất hiện thực hơn, sinh động hơn trong tính toàn vẹn và tổng thể.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - 6

2.2. Từ nhân vật đơn tính cách đến nhân vật đa tính cách

Con người trong tiểu thuyết 1945-1975 là những con người luôn “khoác bộ áo xã hội”, luôn trùng khít với địa vị xã hội của mình, “những con người đơn trị, dễ hiểu đúng với quan niệm con người kiểu sử thi” (M.Bakhtin). Cũng vì thế, Niculin


đã nhận xét nhân vật của Nguyễn Minh Châu được nhà văn “tắm rửa sạch sẽ”, “được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”. Nhân vật đơn tính cách là hệ quả tất yếu của quan niệm con người lịch sử, cộng đồng. Con người luôn được đánh giá theo những chuẩn mực chung, những quy tắc được đa số cộng đồng thừa nhận. Chính vì thế mà trong một thời gian dài, tiểu thuyết của chúng ta đều phân tuyến thành địch - ta; xấu - tốt. Chúng ta có những người anh hùng rất dũng cảm, gan dạ và họ tốt từ đầu tác phẩm đến khi kết thúc tác phẩm. Khắc (Vỡ bờ, Nguyễn Đình Thi), sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tham gia hoạt động và trở thành một chiến sĩ cộng sản. Trong suốt quá trình hoạt động, dù bị địch bắt, phải chịu đựng sự tra tấn dã man của kẻ thù nhưng Khắc vẫn dũng cảm chịu đựng, thậm chí chấp nhận sự hi sinh. Cũng giống như khắc, An (vợ Khắc), cho dù mang thai trong hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn kiên cường và cuối cùng cũng trở thành quần chúng tin cậy của Đảng. Ở phía bên kia ta thấy kẻ địch và tay sai vô cùng xấu xa, tàn ác, đến chết chúng vẫn không giảm sự tàn ác. Như thế, tính cách nhân vật gần như không có sự vận động hoặc có thì sự vận động đó có ý nghĩa tô đậm cái khuôn mẫu tính cách nhà văn dựng lên. Cách nhìn này đã đơn giản hóa con người. Và nhà văn viết lên những câu chuyện mà người đọc xem phần đầu là biết được kết thúc. Ngoài vấn đề đấu tranh giai cấp, tình yêu đất nước, nhân vật gần như không được khám phá thêm bất kì một phương diện nào. Chị Sứ trong hoàn cảnh khó khăn, giặc bao vây vẫn liều mình đi lấy nước cho các chiến sĩ bị bao vây trong hang Hòn. Bị giặc phục kích, bị bắt, chị không nghĩ cho bản thân mà chỉ lo anh em trong hang uống phải nước suối đã bị giặc đầu độc. Giặc căm giận chém chị đến 4 nhát, chị không chết vì mái tóc dày mượt đã bảo vệ cho chị. Cuối cùng chúng treo chị lên cây dừa, trước khi chết, chị la lớn: “Cô bác ơi, trả thù cho con”. Cuộc đời chị Sứ tiêu biểu cho kiểu nhân vật đơn tính cách. Những phẩm chất tốt của chị trong mọi hoàn cảnh thử thách đều không thay đổi. Chị Sứ luôn một lòng lo cho đồng đội, câu nói của chị trước khi chết cũng là một kiểu kêu gọi ý chí chiến đấu của đồng đội. Khác với chị Sứ, Mẫn (Mẫn và tôi, Phan Tứ) - một cô gái mới hai mươi tuổi nhưng có sắc sảo của một bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng, đảng ủy viên của một khu vành đai


giáp mặt với Mĩ gồm mười hai xã. Mẫn là một hình tượng rất tiêu biểu cho tuổi trẻ miền Nam trong thời đại chống Mỹ thông minh, tháo vát, kiên quyết trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Ngay trong quan hệ tình yêu với Thiêm cô cũng bình tĩnh, lặng lẽ, chịu đựng nỗi niềm thương nhớ để thực hiện công việc chung. Cô còn dũng cảm vượt qua nỗi đau riêng của bản thân: mẹ bị chết trong một trận càn, đứa con nuôi bị địch bắn chết… để thực hiện nhiệm vụ. Lữ (Dấu chân người lính) là một thanh niên học giỏi, lãng mạn, có lí tưởng tiến bộ (từng có tư tưởng: chỗ đứng của thanh niên phải là những nơi gian khổ và ác liệt). Trong suốt quá trình hoạt động, Lữ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong trận đánh ác liệt tại Đồi Không tên để giành lại điểm cao 475, Lữ bị thương nhưng vẫn không rời điện đài và có hành động dũng cảm: gọi pháo ta bắn vào hầm nơi anh trú ẩn vì bọn địch đang tập trung quân nhằm bắt sống người mang điện đài. Như thế, mỗi nhân vật, dù bằng cách này hay cách khác đều là những nhân vật có tính cách hiếm có. Họ sẵn sàng hi sinh để thực hiện nhiệm vụ, hi sinh để góp phần mang lại vinh quang cho Tổ quốc.

Những nhân vật phản diện trong văn học trước 1975 được xây dựng là những tính cách xấu từ đầu tác phẩm đến kết thúc tác phẩm. Nhiều tiểu thuyết xây dựng theo chân lý “ở ác gặp ác”. Tên trung úy Xăm (Hòn đất) là một thằng ác ôn khét tiếng đã từng “mổ gan, lấy mật người gọn lẹ nhất”. Trước các hành động dũng cảm của chị Sứ, nó được lệnh chém chị. Tội ác của nó bị chính người mẹ trừng phạt. Nhân một lần Xăm về thăm mẹ, bà đã làm cơm rượu mời nó, sau khi nó say, bà báo hai du kích đến tiêu diệt thằng ác ôn. Thuyết- cha sứ (Xung đột), lãnh đạo đám con dân cuồng tín của thôn Hỗ chống phá Nhà nước. Hắn đưa tên Quý- một địa chủ lên chức chánh trương sứ, làm lễ minh oan cho cha Vinh - một tên phản động khét tiếng đã từng bị nhân dân kết án trong cải cách ruộng đất, lôi kéo, mua chuộc cán bộ cách mạng để thực hiện âm mưu chia rẽ nhân dân. Từ đầu đến cuối tác phẩm, tính cách của Thuyết không hề thay đổi. Lũng (Vùng quê yên tĩnh, Nguyễn Kiên), Kiếm (Dấu chân người lính) … là những tính cách nhất phiến. Những con người này được nhìn nhận với tính cách một chiều, đơn giản như vậy. Thực ra, đứng trên lập trường chính trị, việc xây dựng nhân vật với tính cách đơn phiến là tất yếu, là nhiệm vụ của


tiểu thuyết trong thời kì lịch sử.

Bước sang thời bình, không thoả hiệp, không khoan nhượng với cách nhìn nhận con người một cách đơn giản, một chiều, chỉ thấy mặt tốt đẹp, mặt lí tưởng, các nhà tiểu thuyết đương đại đã đặt nhân vật vào vòng xoáy hiện thực với đầy đủ các màu sắc, các cực đối lập: Nhân tính và phi nhân, đạo đức và thất đức, bản ngã và phi ngã. Đấy là con người mang trong mình đủ cả “tý trí thức-tý thợ cầy-tý điếm/ tý con buôn-tý cán bộ-tý thằng hề, Phật và Ma mỗi thứ tý ty / khốn nạn thân nhau nặng kiếp phân thân mặt nạ” (Nhìn từ xa Tổ Quốc- Nguyễn Duy)... Và cũng không né tránh những mặt khuất lấp của cuộc đời, kể cả những “góc tăm tối cuối cùng”. Thêm vào đó, hiện thực không chỉ có các mối quan hệ xác định rõ ràng mà còn có những quan hệ chồng chéo, phức tạp. Con người tồn tại trong các mối quan hệ đó tất yếu trở nên đa dạng trong tính cách. Trong trường hợp này con người là tốt nhưng trường hợp khác lại rất xấu xa. Điều này đồng nghĩa với tính chất hai mặt của cuộc sống mà nó hiện ra như bản tính con người trong những môi trường thử thách khác nhau. Nhân vật trong tiểu thuyết thời kì này, vì thế, không còn mờ nhạt, đơn điệu mà có sự kết hợp giữa hình dạng và nội tâm, giữa ý thức và vô thức, giữa dục vọng bản năng và ước mơ thánh thiện. Nhà văn không còn nhìn cuộc sống theo lối “chưng cất”, ở đó chỉ hiện lên những khuôn mặt đẹp đẽ, những tính cách “vô trùng” mà tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang dáng dấp của một một tổng phổ nhiều bè, đầy nghịch âm. Trong mỗi con người, có thể cùng lúc tồn tại cả cái tốt lẫn cái xấu, cái cao cả lẫn cái thấp hèn. Nguyễn Minh Châu là nhà văn sớm nhận ra điều này khi xây dựng nhân vật Quỳ (Người đàn bà mộng du), Khúng (Phiên chợ Giát). Bên cạnh đó là Nguyễn Huy Thiệp trong rất nhiều sáng tác: Tướng về hưu, Không có vua, Những người thợ xẻ … Đó là những nhân vật không bao giờ yên ổn với tính cách của mình, luôn có sự đan cài cái tốt – cái xấu, cao cả - thấp hèn … Lý (Mùa lá rụng trong vườn) là một phụ nữ tháo vát, sắc sảo, một tay nuôi con khôn lớn trưởng thành khi chồng đi đánh giặc. Nhưng người đàn bà ấy lại không thắng nổi dục vọng, chạy theo tiền - tình đánh mất tất cả. Trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), con người hiện lên ở sự chiến đấu trả lời cho đồng đội, “đánh trận trả thù”


và có lúc quá say mê với khói lửa chiến trận đến nỗi trở thành công cụ của chiến tranh, bị cuốn vào vòng quay vô hình của chiến tranh và tất nhiên không còn khả năng tự chủ với mình nữa chỉ còn bạo lực tàn khốc với chết chóc và đau thương. Chính trong tác phẩm này Bảo Ninh đã dũng cảm và trung thực chỉ ra cái ác, cái mất mát và gian khổ, mặt trái của chiến tranh, một cuộc chiến chưa từng được biết tới. Hồ Nguyên Trừng (Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh) lúc nào cũng u buồn, dằn vặt, giằng xé với bao nghĩ suy, phiền muộn. Đứng giữa sự giằng co của hai thế lực, hai thái cực, một bảo thủ (Trần Khát Chân), một cách tân (Hồ Quý Ly), Nguyên Trừng chính là biểu tượng cho sự giằng xé giữa "tri" và "hành", biết tất cả mà vẫn phải làm theo một cách khác, theo sự sai khiến đưa đẩy của một thế lực mà trong thâm tâm không muốn theo. Tâm lí, tính cách nhân vật trở nên khó xác định. Nhân vật dằn vặt, không yên ổn với những điều mình nghĩ, mình làm. Nhân vật Từ Lộ trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo) bề ngoài là vị đại sư núi Sài đức cao vọng trọng, nhưng bên trong cũng có cả những ích kỉ nhỏ nhen phàm tục. Ngài thấy bọn quyền quý hưởng xa hoa, làm đủ thứ bậy bạ, lại được quyền thay trời biến thiên hạ thành trò chơi trong tay mình, lại có quyền dựa danh đức Phật để tự an ủi và lấp liếm tội ác. Ngài tự thấy dù mình đã nhiều công tu trì, đã đạt tới những bậc cao trai giới, vậy mà nhìn sâu vào bản thân, ngài không dám chắc trong lòng không còn ước ao lầu son gác tía, không luôn mường tượng hình dáng người đàn bà đã cùng mình ân ái duy nhất một lần. Võ Thị Hảo đã có những thấu thị rất sắc sảo khi lựa chọn nhân vật Từ Lộ để kí thác quan niệm của mình. Nhân vật Từ Lộ dù là bậc chân tu nhưng không phải như một tấm gương hay một bản thành tích công đức, nghĩa là không phải như nhân vật sử thi, mà như một con người với số phận và tính cách riêng của nó, nghĩa là như một nhân vật tiểu thuyết. Nhân vật tốt hay xấu? Câu hỏi ấy không ai có thể trả lời một cách rõ ràng và rành mạch. Mới đây nhất trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, nhân vật xưng tôi - thằng bé lang thang là một tính cách phức hợp. Nhiều người bắt nạt nó khiến nó căm giận và buông lời nguyền rủa. Trớ trêu thay, bất kì người nào bị nó nguyền rủa đều phải chết. Có rất nhiều cái chết xảy ra ở làng Thổ Ô mà không ai biết rõ nguyên nhân. Thực tế, thằng bé không biết


sức mạnh trong những lời nguyền rủa của nó. Vậy, nó tốt hay không tốt? Câu hỏi này khó trả lời và dường như chúng ta cần phải tìm ra một cách diễn đạt mới trong trường hợp này. Người đọc có thể nhận thấy hàng loạt nhân vật phức tạp trong tiểu thuyết đổi mới: Giang Minh Sài (Thời xa vắng, Lê Lựu), đại úy Tường (Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai), Khoái (Tiễn biệt những ngày buồn, Trung Trung Đỉnh)….

Sự đa tính cách của nhân vật được biểu hiện ở nhiều dạng. Nhưng có thể thấy rõ nhất, trong tính cách nhân vật có sự vận động, chuyển biến. Có sự thay đổi khiến nhân vật rơi vào hoàn cảnh bi kịch, lại có sự thay đổi khiến nhân vật bị tha hóa hoặc cô đơn, lạc lõng trong cuộc đời. Tính cách nhân vật biến đổi (thường được nhấn mạnh ở sự tha hóa) như Năm Thành, Huấn (Vòng tròn bội bạc), Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng) của Chu Lai; Cúc, Thảo Miên (Đi tìm nhân vật) của Tạ Duy Anh, Trình (Đám cưới không có giấy giá thú) của Ma Văn Kháng, … Ban đầu họ là những con người có phẩm chất, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, họ thay đổi, trở thành tính cách khác. Cũng có khi, tính cách nhân vật không biến đổi nhưng nhân vật luôn dằn vặt với những gì mình đã làm. Anh ta không yên ổn với tính cách của mình. Lại có những con người cô đơn: không thể hòa nhập với cuộc sống: có khía cạnh tích cực nhưng cũng có khía cạnh không đúng, sự không thức thời. Kiên, cha và dượng của Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) là những con người cô đơn không thể hòa nhập với cuộc sống hiện tại.

Thế giới nhân vật trong các trang tiểu thuyết hôm nay khó phân tuyến. Họ bình đẳng mỗi người là một “nhân vị độc lập”. Hầu hết nhân vật trong tiểu thuyết sau 1975 luôn mấp mé bên “lằn ranh thiện ác”. Mà nếu không cẩn trọng, họ sẽ rơi xuống vực thẳm của tội lỗi, của cái ác, cái xấu. Bởi vậy, con người không ngừng đấu tranh để khẳng định bản thân, tính thiện trong con người. Quan niệm về nhân vật đa tính cách giúp khám phá những mặt hạn chế, những góc khuất trong bề sâu tâm hồn. Nhân vật vì thế hiện lên không “dẹt”, “phẳng” mà góc cạnh, nhiều chiều… Viết về con người không hoàn thiện không phải để chế giễu nhục mạ, ghét bỏ con người, mà để hiểu, khoan dung và thông cảm với những lẻ loi yếu đuối, những sa ngã, hạn chế của con người. Ẩn sâu trong vẻ tàn nhẫn, lạnh lùng, những nhận xét

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 19/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí