Quan Niệm Về Sứ Mệnh, Bản Chất, Chức Năng Của Văn Chương


chỉ có thế, trong cuộc sống mới với biết bao phức tạp và biến động, mối quan hệ giữa “số phận” và “con người” cũng được đặt ra xem xét một cách tỉ mỉ và cẩn trọng. Nhà văn không còn là người thư kí trung thành của thời đại (với nhiệm vụ phản ánh) mà phải là người trăn trở, đào sâu những vấn đề thế sự nhân sinh. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nói rất hay về sứ mệnh của nhà văn: “Nhiệm vụ của nhà văn không phải là nói ra chân lí mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lí hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người trong họ” [65, tr. 38]

Muốn thế, nhà văn phải dũng cảm! Trong sự bộn bề của đời sống mới, nhà văn bằng kinh nghiệm, chưa đủ để tìm hiểu tường tận, khám phá được những ý nghĩa đích thực, những sự thật trong những đáy sâu của cuộc sống, của con người. Nhà văn thời đại mới phải là một nhà văn hóa, một nhà hoạt động xã hội để có thể nắm bắt kịp thời, sâu sắc cuộc sống đương đại.

1.2.2 Quan niệm về sứ mệnh, bản chất, chức năng của văn chương

Mỗi thời đại đều có quan niệm riêng về sứ mệnh của văn chương. Bởi văn chương luôn mang trong nó hơi thở của thời đại, mang dấu ấn thời đại và của thế hệ người viết. Cùng với thời gian, hai yếu tố đó đều thay đổi. Văn học sau 1986 thể hiện những quan niệm mới về sứ mệnh, chức năng của văn chương.

Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, văn học nghệ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cùng với các ngành nghệ thuật khác, văn học nghệ thuật đã góp phần xứng đáng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của Đảng để đánh thắng kẻ thù. Cuộc chiến tranh với mục tiêu hàng đầu là giải phóng dân tộc. Số phận của toàn dân tộc lấn át mọi mối quan hệ khác. Điều đó cũng in dấu rõ: Cái chung, cái cộng đồng, dân tộc là quan trọng nhất; cái riêng tư hầu như chưa được nói đến; chưa có cái quyền riêng... GS.TSKH. Lê Ngọc Trà đã tổng kết khá xác đáng về đặc trưng của văn nghệ giai đoạn trước 1975 [70] “Trước hết đó là văn học phục vụ chính trị (…) Do việc phục vụ chính trị, văn học đồng thời cũng phục vụ công nông binh, lấy công nông binh làm đối tượng miêu tả, đối tượng tuyên truyền, coi công nông binh là người đọc duy nhất, quan trọng nhất, người thẩm định giá trị của mọi sáng tạo nghệ thuật. (…) Về phương diện nội dung, các tác phẩm của văn nghệ cách


mạng hướng trước hết vào việc ghi chép những thành tích, những chiến công, những hành động tốt đẹp của con người trong lao động, chiến đấu, tức là cuộc sống mới và con người mới. Văn học chỉ cần phản ánh hiện thực, ghi chép trung thực đời sống cũng đã đủ, cũng đã có ý nghĩa to lớn. Một yêu cầu khác của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là nhiệt tình khẳng định, ca ngợi. Cảm hứng lạc quan, anh hùng phải là cảm hứng cơ bản của tác phẩm. Gắn liền với cảm hứng anh hùng là yêu cầu về tính đảng và tính nhân dân. Yêu cầu này đòi hỏi nhà văn trong sáng tác của mình phải công khai đứng trên lập trường của giai cấp vô sản và quần chúng lao động, bảo vệ những tư tưởng của Đảng, đường lối, chính sách của Nhà nước”. Sáng tác văn học được coi là hình thức giáo huấn đạo đức tuyên truyền chính trị, là phương diện cải tạo phong hóa xã hội.

Sau 1975, thay cho một thế giới phân cực với những kẻ thù cụ thể, hữu hình trong chiến tranh là một thế giới với bao nỗi đa đoan của cuộc đời và lòng người, văn học phải tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ với tất cả những nẻo khuất, góc tối, những mầm mống của cái xấu, cái ác manh nha trong mỗi con người. Trong cuộc chiến này, xác định đúng đối tượng để đấu tranh đã khó, dứt bỏ nó ra khỏi máu thịt của mình, khỏi những gắn bó thân yêu của mình còn khó hơn nhiều. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà đề tài thế sự, đời tư nổi bật lên như một vấn đề trung tâm của mọi nỗ lực sáng tạo trong tiểu thuyết đương đại. Ngay cả những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, đề tài nông thôn với quy mô hiện thực rộng lớn, nhiều tầng, nhiều mảng, nhà văn vẫn xoáy sâu vào những vấn đề cốt yếu của đời sống thông qua tâm điểm nhân vật. Những vui, buồn, được, mất… của con người đã đi vào văn chương một cách chân thực, nhân bản và giàu tính hướng thiện. Văn chương trở thành những suy tư, trăn trở về xã hội, về dân tộc, đặc biệt là con người và nó không còn chịu sự phán xét nghiêm ngặt của tính Đảng hay tính Nhân dân, tính giai cấp. Thêm vào đó, trong cách nhìn nhận mới, văn học gia tăng yếu tố trào lộng, giễu nhại,... để chứng tỏ nó thể nghiệm quan niệm về tính “trò chơi” của văn chương. Theo Nguyễn Thị Bình, nghệ thuật bao giờ chả có hư cấu, bịa đặt, nhưng hư cấu ở văn chương truyền thống là để thuyết phục người đọc tin vào tính chất thật của câu


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

chuyện được kể. Còn ở “trò chơi tiểu thuyết” bây giờ, sự hư cấu, bịa đặt lại cố cho lộ liễu để vừa gián cách người đọc với câu chuyện, vừa gây men ngờ vực trong họ. Không đặt mục tiêu thuyết phục độc giả, nhà văn bày ra một cuộc chơi, bước vào cuộc chơi ấy, độc giả có thể vừa thưởng thức, vừa chứng nghiệm. Thiên sứ mở đầu với lời ghi chú “cuốn sách này bắt đầu từ một điển tích của nhà văn G.G và những chuyện khó tin của nhà văn F”. Các chương như sự lắp ghép ngẫu nhiên những “mảnh vụn” rời rạc của hiện thực, những chi tiết như “tiện đâu kể đấy”. Cuộc “chơi kết cấu”, “chơi nhân vật” được công khai ngay từ hình thức văn bản, từ cách đặt tên chương mục đến cách mô hình hóa nhân vật. Mỗi nhân vật giống cuộc thử nghiệm của một “cái tôi” nhỏ bé, tính cách nhân vật không được nhà văn lý giải mà được người đọc quan sát từ “cuộc chơi” của chúng. Tạ Duy Anh xác nhận tính trò chơi trong Thiên thần sám hối bằng lời tựa: “Câu chuyện khó tin này là của một đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ. Nếu đọc xong quý vị vẫn không tin thì cũng không sao”. Mười lẻ một đêm của nhà văn Hồ Anh Thái có một khế ước mà tác giả đã thảo ra trước bạn đọc: “Các anh nên đọc hết cuốn sách này. Đọc xong các anh có thể tin hoặc không, vì những chuyện tôi kể có thể rất nghiêm túc hoặc có thể hết sức tầm phào”. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là trò chơi cấu trúc. Nguyễn Bình Phương tạo cho Thoạt kỳ thủy cấu trúc đứt gãy, nhảy cóc liên tục, đan cài vô thức với hữu thức, tô đậm cái bất lực của ngôn từ. Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Vân Vy (Thuận), Blogger (Phong Điệp)… đan xen bản thảo của một nhân vật được lồng trong tác phẩm chính. Như trò soi gương, hai văn bản đó phản chiếu nhau để nhân lên bội lần ý nghĩa của chúng. Tính trò chơi của văn học đã giúp nhà văn mạnh dạn sáng tạo.

1.2.3 Quan niệm về hiện thực

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - 3

Văn học luôn phản ánh hiện thực. Hiện thực được xem là môi trường, là mảnh đất để nhà văn phân tích lí giải, chiêm nghiệm cuộc sống và con người. Mỗi nền văn học, mỗi giai đoạn phát triển của văn học đều có những hiện thực lớn, bao trùm, thu hút sự quan tâm của xã hội nói chung, của nhà văn nói riêng. Hiện thực trước 1975 là đời sống chính trị xã hội với hai nội dung chính: cuộc đấu tranh vệ quốc và công


cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây chính là những mảng hiện thực tập hợp những sự kiện, những hiện tượng, những diễn biến quan trọng nhất của đời sống xã hội, thể hiện những nét bản chất nhất trong thời kì lịch sử đó. Sự giới hạn trong phạm vi hiện thực khiến cho nhà văn khó có thể phát huy hết khả năng của mình, đồng thời gặp phải nhiều khó khăn trong việc phản ánh gương mặt chân thực, toàn vẹn của lịch sử, của đời sống. Thực tế sáng tác thời kì trước 1975 cho thấy đối tượng phản ánh lớn nhất của văn học là đời sống chính trị - xã hội. Tuỳ theo vốn sống và sở trường của mình, mỗi nhà văn tìm đến một miền đất riêng để dụng võ: Đào Vũ, Nguyễn Khải, Chu Văn …. khai thác đề tài cuộc sống lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm, Con đường mòn ấy, Xung đột, Vùng quê yên tĩnh ...). Đó là những hậu phương rộn rã thông tin chiến đấu, tràn ngập tinh thần cách mạng và yêu nước; là những nông thôn hăng say trong công cuộc xây dựng cuộc sống xã hội chủ nghĩa... Các nhà văn đã mang đến niềm tin lạc quan vào cuộc sống mới, vào những đổi thay tốt đẹp cho cuộc sống của nhân dân, vào mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Nguyễn Thi, Phan Tứ, tập trung thể hiện đề tài chiến tranh. Bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến hào hùng, oanh liệt của dân tộc việt Nam với đế quốc Mĩ và tay sai đã được các nhà văn phản ánh chân thực trong các tác phẩm của mình. Đó là hiện thực lớn nhất trong Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Dấu chân người lính, (Nguyễn Minh Châu), …. Mẫn và Tôi (Phan Tứ)… Những tác phẩm này đã làm sống lại những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc trong khí thế tiến quân hào hùng, thấy được sức mạnh và niềm tin quyết thắng của cả dân tộc. Và cho dù thể hiện đề tài nào, qua đó, người đọc đều thấy tầm vóc vĩ đại của con người Việt Nam – những con người đấu tranh để giành độc lập, cũng những con người ấy vươn tới tương lai bằng sức mạnh phi thường.

Chiến tranh qua đi, với người viết, một vùng hiện thực cần được nhìn nhận lại. Xoay quanh vấn đề này có những câu hỏi đặt ra: hiện thực thế nào? mức độ tìm hiểu và phản ánh hiện thực? Phạm vi của hiện thực?... Rất nhiều nhà nghiên cứu thảo luận về quan niệm hiện thực.

Nhà văn Nguyên Ngọc trăn trở Đổi mới trước hết là sự tỉnh táo, cho rằng:


“Không dùng từ đổi mới mà dùng từ trở lại. Có một lúc nào đó ta đã nhìn nhận không đúng, hành động không đúng, không đúng với hiện thực, không đúng với quy luật. Nay trở lại chỗ đúng. Đổi mới không phải là bịa ra một cái gì mới, chưa từng có, mà là trở lại nhìn nhận hiện thực sao cho tỉnh táo hơn, khách quan hơn, hiện thực hơn, hiện thực đúng như nó có, không tô vẽ, không che giấu, không cắt xén. Nhìn nhận một cách tỉnh táo và dũng cảm. Hiện thực ngày nay đa dạng, phức tạp, muốn khai phá nó phải tiếp cận từ nhiều phía, bằng nhiều cách” [12]. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật sẽ có nhiều tác phẩm hay: “Lâu nay, người ta đề cập đến một thứ hiện thực một chiều, chứ không phải hiện thực như nó đang có, tôi gọi những tác phẩm đó là theo một thứ hiện thực “ảo huyền” (...) là hiện thực ảo (...) Đổi mới trong văn học theo tôi phải gọi sự vật đúng với cái tên của nó, phải phản ánh hiện thực trong cái vẻ toàn diện, nhiều chiều, nhiều mặt của nó chứ không chỉ một chiều” [12]. Như vậy, chúng ta có thể thấy, hai ý kiến trên đã đề cập đến vấn đề thay đổi cách nhìn nhận về hiện thực. Trước hết, cần có một tư duy mới về hiện thực: nhận thức đúng, đầy đủ về hiện thực. Nhà văn vừa đi sâu khám phá bản chất đồng thời phải mở rộng diện phản ánh của hiện thực.

Cùng viết về chiến tranh, trước 1975, phản ánh số phận cộng đồng qua chiến tranh là nhiệm vụ; sau 1975, những biến cố lịch sử chỉ là yếu tố ngoại cảnh trong mối quan hệ với số phận cá nhân. Nếu vấn đề đặt ra trong Hòn đất (Anh Đức), Mẫn và Tôi (Phan Tứ) là sức mạnh vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mỗi hình tượng nhân vật thì trong Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), …. người đọc lại cảm nhận: chiến tranh như những yếu tố ngoại cảnh chi phối sâu sắc đến số phận cá nhân con người. Chính vì vậy, cách đánh giá về chiến tranh cũng thay đổi. Người đọc nhận thấy sâu sắc sự tàn nhẫn của chiến tranh hằn in trên số phận mỗi con người.

Đề tài về người nông dân, về nông thôn cũng mang diện mạo mới. Vẫn là những làng quê quen thuộc, nhưng không khí ngột ngạt, căng thẳng. Các nhà văn


thời kì đổi mới dũng cảm viết về nông thôn trong những biến cố lớn của lịch sử: cải cách ruộng đất, công cuộc sửa sai, thời kì bao cấp, đưa nông dân vào hợp tác xã, khoán 10 trong sản xuất... Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng và Dòng sông mía của Đào Thắng, người đọc đều cảm nhận về một không khí bức bối, rối loạn thời kì cải cách ruộng đất. Nhịp điệu gấp gáp của tiếng trống, của những lời đấu tố đưa người đọc trở về với nông thôn Việt Nam trước năm 1945 những kì thu tô, thuế. Day dứt hơn, Nguyễn Khắc Trường đã khắc họa một “mảnh đất” thật sự “lắm người nhiều ma”- ma lớn, ma nhỏ sinh sôi nảy nở trong không gian nông thôn ngày đấu tố. Con người ta dường như đánh mất nhân tính trong bối cảnh đen tối như vậy.

Sự đào sâu hiện thực ở những mảng đề tài quen thuộc đã đem đến cho tiểu thuyết một khuynh hướng phát triển: khuynh hướng nhận thức lại quá khứ.

Trong xu hướng mong muốn nhận thức sự thật, nói thật, hiện thực trong văn học sau 1975 đã thay đổi. Đó là thứ hiện thực được mở rộng: từ một hiện thực được giới hạn trong sự chi phối của hệ thống đề tài có định hướng đến một hiện thực toàn vẹn hơn với sự phong phú đa dạng của đề tài. Những mảng đề tài từ hiện thực chính trị đến cuộc sống đời tư, từ sinh mệnh lớn lao của cả cộng đồng đến những số phận cá nhân với bao bộn bề phức tạp … đã đem đến cho văn học một gương mặt mới mẻ, chân thực, đậm chất nhân văn và thật sự gần gũi với con người.

Thế hệ nhà văn đương đại tìm cảm hứng trong các sự kiện thường nhật. Không còn khái niệm vùng cấm đối với các nhà văn. Các thế hệ người cầm bút ngày càng khai phá những mảng hiện thực mới. Từ đó, đối tượng của văn học trở nên phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết. Những tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Giàn thiêu Võ Thị Hảo,… đã đưa người đọc phiêu du vào những miền hoang sơ, bí ẩn của cõi tâm linh ..., Ma Văn Kháng khai phá một mảnh đất có khả năng lay động mãnh liệt lớp người muốn ngăn cản sự xói mòn, băng hoại đạo đức truyền thống, muốn bảo vệ, giữ gìn đạo lí truyền thống trong gia đình (Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú …).

Không chỉ có hiện thực được mở rộng, trong xu thế mới, hiện thực còn được


sáng tạo. Bởi lẽ, có một thế giới mới, khác với nhận thức thông thường xuất hiện: thế giới của những người điên, bất bình thường về tâm lí, thế giới của những giấc mơ. Nhà văn Ngô Tự Lập cũng cho rằng: “Ngay cả hiện thực cũng chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ hỗn loạn, vô tận, giấc mơ với những đường bay của mê lộ” [45]. Trong văn học đổi mới, chính bản thân người viết cũng là một hiện thực. Ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm mang tính chất tự truyện. Hiện thực là sự trải nghiệm của chính cá nhân. Nhà văn có điều kiện bộc lộ những cách nghĩ, cách nhìn và tiếng nói riêng trước những đòi hỏi khẩn thiết của hiện thực cuộc sống. Một cõi nhân gian bé tí (Nguyễn Khải), Thời xa vắng (Lê Lựu), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh),… dù đậm nhạt đều có tính tự thuật, cho thấy kinh nghiệm cá nhân của người sáng tác trước những vấn đề của nhân sinh, thế sự. Văn học chối bỏ sự minh họa và hiện thực một chiều, tạo ra một hiện thực đa dạng, sáng tạo hiện thực qua trải nghiệm cá nhân, gợi lên những suy nghĩ về đạo đức, nhân cách, đồng thời giải thích động cơ của những cách ứng xử, những kiểu quan niệm sống khác nhau. Hồ Anh Thái đã từng quan niệm: “Hiện thực là những gì ta thấy, ta nghe, ta trải nghiệm là chưa đủ. Hiện thực còn là cái ta cảm” [63, tr.269].

Những thay đổi trong quan niệm về hiện thực đã dẫn đến những cách tiếp cận phản ánh mới khác với truyền thống. Hiện thực được thể hiện không đơn giản xuôi chiều như trước mà đa dạng, phong phú và được soi chiếu từ nhiều kinh nghiệm bằng cả kinh nghiệm cộng đồng và kinh nghiệm cá nhân với những quan điểm nhân bản khác nhau. Khái niệm hiện thực được mở rộng, xuất hiện nhiều khuynh hướng cảm nhận hiện thực: Có khuynh hướng nhận thức lại hiện thực; có khuynh hướng đạo đức, thế sự, có khuynh hướng triết luận về mọi vấn đề của đời sống. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm biện chứng và toàn vẹn về hiện thực. Nhân vật Đoài trong Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp) nói rất ngắn gọn xác đáng về cuộc sống: "Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống. Rượu vừa ngọt vừa cay. Ai chấp nhận cuộc sống thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời". Cuộc sống là như vậy! Hiện thực được mở ra với nhiều nội dung, nhiều tính chất,


chứa đựng những nghịch lí đòi hỏi nhà văn phải thật tinh tường, trung thực mới có thể nắm bắt và thể hiện. Như vậy, có thể thấy, quan niệm về hiện thực của các nhà văn sau 1975 đã có sự thay đổi lớn. Hiện thực vừa là đời thực, vừa là hiện thực tâm lí và thậm chí là hiện thực tâm linh. Tuy nhiên, dẫu là hình thức nào, hiện thực ấy vẫn mang hơi thở cuộc sống đương đại, vẫn tái hiện số phận cá nhân con người. Sự thay đổi trong quan niệm hiện thực đã dẫn đến sự đa dạng các phương thức phản ánh. Và cùng với nó, một thế giới mới mở ra trước mắt người đọc với nhiều kiểu người trở thành những kiểu dạng nhân vật mới trong văn học.

1.2.4 Quan niệm về con người

Quan niệm nghệ thuật về con người là vấn đề cốt lõi của ý thức nghệ thuật, chi phối toàn bộ hệ thống quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Bởi vậy, quan niệm nghệ thuật về con người là điểm rất quan trọng trong tư duy của người viết. “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật” [22]. Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người chính là sự lý giải, khám phá con người, tức là cái nhìn, cách thụ cảm của nhà văn về con người, những nhận xét, đánh giá về nó, nhưng sự “cảm thấy”, sự lý giải, đánh giá đó đã chuyển hóa thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp… thể hiện con người trong văn học, nó phải tạo nên giá trị nghệ thuật-thẩm mỹ cho nhân vật. Quan niệm nghệ thuật về con người là vấn đề trung tâm của văn học. Đó là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới thông qua số phận con người. Văn học 1945-1975 với cảm hứng sử thi, chủ yếu quan tâm, khám phá con người với tư cách là động lực cách mạng, là một phần quan trọng của cộng đồng. Đó cũng là con người xã hội, con người của tầng lớp, giai cấp.

Việc chuyển đổi mối quan tâm của văn học chính là nguyên nhân chi phối sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người bởi nó đồng nghĩa với sự thay đổi vị thế của con người trong văn học: từ vai trò là điểm nhìn để nhà văn quan sát lịch sử xã hội trở thành đối tượng quan sát của nhà văn (từ phương tiện trở thành đối tượng).

Sau 1975, con người với bản chất là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 19/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí