(K.Mark) quay trở về cuộc sống thời bình, đối diện với bao khó khăn, phức tạp. Đời sống cá nhân của con người với các mối quan hệ chồng chéo trở thành đối tượng thứ nhất của văn học. Mỗi con người vừa là thành viên của một thể chế xã hội, cũng vừa là một con người cá nhân trong mối quan hệ với chính mình, với gia đình, với người thân, bạn bè …. Nhân vật được nhìn ngắm, soi chiếu trên trục lịch đại, là hình ảnh của hiện tại nhưng được đặt trong quá khứ để hiểu rõ về bản thân. Các nhân vật văn học đổi mới luôn có ý thức nhìn nhận về quá khứ để lí giải chính bản thân mình, để tự thú, để sám hối. Điều này chứng minh con người không phải là một thực thể siêu hình mà luôn vận động, biến đổi, ngày càng tiến tới cái Chân - Thiện - Mỹ. Trong sự vận động của chính bản thân: Con người tự nhận thấy cái cao cả - cái thấp hèn; cái tốt - cái xấu… trong chính mình. Như thế, với tư cách là đối tượng của văn học, con người phải được nhìn nhận như một nhân cách đích thực trong tính tổng thể và toàn vẹn, được soi chiếu từ mọi mối quan hệ, được thừa nhận ở mọi giá trị liên quan tới con người mà trong đó, giá trị xã hội chỉ là một yếu tố.
Vì đời sống cá nhân là đối tượng hàng đầu nên những gì thuộc về cá nhân đều được các nhà văn nỗ lực khai thác, khám phá. Nếu nhân vật của giai đoạn trước thường được nhấn mạnh ở góc độ xã hội giai cấp, tầng lớp thì nhân vật thời kì đổi mới được đặc biệt quan tâm thể hiện với tư cách cá nhân, với thế giới tâm hồn đầy bí ẩn. Những trăn trở, những suy tư, dằn vặt của nhân vật được nhà văn khắc họa sâu sắc nhằm thể hiện rõ hơn con người cá nhân. Thế giới nội tâm của con người được khám phá ở bình diện ý thức, tiềm thức và vô thức. Cùng với nó, đời sống cá nhân cũng được thể hiện rõ nét hơn. Những khát vọng, mong ước mang tính chất bản năng được nói đến nhiều hơn và thực tế điều này là tâm điểm của văn học giai đoạn đầu đổi mới. Vấn đề hạnh phúc cá nhân, tình yêu gắn với tình dục được nhắc đến như một phần tất yếu của con người và mang đầy tính nhân bản.
Văn học mở rộng khám phá con người trên nhiều bình diện: con người xã hội, con người tự nhiên và con người tâm linh. Với con người, yếu tố xã hội (tồn tại trong xã hội, quan hệ xã hội với những nhân vật khác, xung đột và giải quyết xung đột…) không còn mang tính duy nhất. Văn học ngày càng tiếp cận bề sâu của con
người, khám phá con người tự nhiên với những nhu cầu bản năng và con người tâm linh với những ý nghĩa đặc biệt về những sự giải thiêng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long cho rằng: “Mở rộng bình diện khám phá con người cũng đồng nghĩa với sự thừa nhận những giá trị khác nhau của con người, đồng nghĩa với việc đánh giá con người bằng thước đo giá trị nhân bản” [47, tr. 41].
Con người xã hội:
Con người trong tính hiện thực của nó luôn là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Con người tồn tại những thuộc tính xã hội của nó. Là một tế bào của xã hội, con người phản ánh nhiều mối quan hệ xã hội: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, dòng tộc, luật pháp… Mỗi thời điểm lịch sử, con người xã hội được thể hiện ở một phương diện khác nhau.
Trước 1975, con người chủ yếu được tồn tại với tư cách là con người xã hội. Đó là con người được xếp theo giai cấp nhất định, có tư tưởng rõ ràng, hành động kiên quyết. Ở các nhân vật này ta thấy sự kiên định sâu sắc.
Tiếp nối truyền thống, tiểu thuyết thời kì đổi mới vẫn xây dựng những nhân vật là con người xã hội. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, con người xã hội ngày nay không quá nặng nề yếu tố giai cấp, đấu tranh giai cấp. Trong cuộc sống mới, con người được xây dựng trong nhiều mối quan hệ xã hội. Nhân vật được xây dựng mang hơi thở của thời đại. Tuy nhiên, viết về những nhân vật đó, nhà văn không nhấn mạnh vào những biểu hiện bề ngoài mà đi sâu khám phá, lí giải phần chìm khuất trong nhân vật nhằm mang đến cho người đọc một nhận thức mới mẻ. Khác với giai đoạn trước, những nhân vật này thường mang cả hai nét tính cách tốt và xấu.
Có thể bạn quan tâm!
- Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - 1
- Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - 2
- Quan Niệm Về Sứ Mệnh, Bản Chất, Chức Năng Của Văn Chương
- Từ Con Người Lịch Sử, Cộng Đồng Đến Con Người Cá Nhân
- Từ Nhân Vật Đơn Tính Cách Đến Nhân Vật Đa Tính Cách
- Từ Nhân Vật Đơn Bình Diện Đến Nhân Vật Đa Bình Diện.
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Con người tự nhiên, bản năng:
Văn học thời chiến rất ít khi viết về cái tự nhiên, cái bản năng trong mỗi con người. Vì thế, việc xuất hiện con người tự nhiên là một chuyển đổi rất lớn của văn học đổi mới.
Trước đây, Nam Cao, đã miêu tả một phần con người tự nhiên qua Chí Phèo
trong đêm gặp Thị Nở. Vũ Trọng Phụng xây dựng hệ thống nhân vật trong tiểu
thuyết Số đỏ với sự dâm đãng, nhố nhăng. Nhưng mục đích của những nhà văn này hoặc tô đậm số phận bi kịch và bất hạnh của nhân vật (Chí Phèo) hoặc tạo ấn tượng mạnh, phê phán (Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, Cô Tuyết...). Yếu tố tự nhiên, bản năng trong con người được miêu tả đến đó thì dừng lại. Dân tộc ta bước vào một giai đoạn mới - chiến tranh - thời điểm toàn dân tộc chỉ có một mối quan tâm duy nhất: giải phóng dân tộc. Quang Dũng chỉ có một câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây Tiến) mà bị kiểm điểm nhiều lần vì cho rằng có dấu vết ủy mị của tiểu tư sản, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Dường như, suốt một thời gian dài, cái cá nhân với những nhu cầu đầy tính tự nhiên của nó bị quên lãng, thậm chí còn bị lên án.
Từ sau đổi mới, văn học quan tâm nhiều đến con người tự nhiên. Nguyễn Huy Thiệp - một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc những năm đầu đổi mới đã nói đến khía cạnh tự nhiên của con người một cách rõ nét. Trong những truyện ngắn Phẩm tiết, Những người thợ xẻ, Không có vua, Giọt máu... , bức tranh xã hội đầy rẫy những hình ảnh ngổn ngang đầy dục tính - tính chất tự nhiên cơ bản của con người. Chẳng hạn, trạng thái rung động con tim của chàng trai khi thấy thân hình gợi tình, gợi cảm của cô gái: “Tôi thót mình bởi mùi mồ hôi rất gần và cảm giác mềm mại của đôi vú chị Hiên áp vào lưng tôi quần áo ướt dính chặt vào người chị Hiên với cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên với cái Khanh đều tuyệt đẹp” [64, tr. 130]. Còn đây, là lời tự thú của một nhân vật: “Tôi đến gần bị kích động bởi thân hình gợi cảm và làn da trắng ngần ở cổ và ở vai cô gái thế là tôi ôm choàng lấy cô một cách liều lĩnh. Dục vọng trong tôi bừng lên như lửa.” [64, tr. 452]. Có lúc, tình dục là dục vọng không thể cưỡng chế, là tội lỗi của con người. “Anh Bường bảo: “Đừng bảo ông cụ vào, bọn anh chỉ mê em thôi. Ông cụ vào là bọn anh lãn công đấy. Lao động chân tay, em ạ, không thể lấy chính trị động viên được, chỉ lấy tiền và gái thôi, đấy mới là thuốc bổ chứ (…) Khi Quy đi qua chỗ anh Bường nấp thì vụt một cái, anh Bường chồm dậy. Tôi nghe thấy tiếng Quy kêu thất thanh. Anh Bường bịt miệng, bế thốc cô gái vào trong bụi rậm (…) Quy bị lột truồng, hai bắp chân trần rối rít khua lên trời” [64, tr. 327]. Như một lẽ tự nhiên,
thân thể và dục tình, vô hình là một thứ nam châm có sức hút lạ kì, dẫn dụ, chẳng biết bao giờ loài ngoài mới thôi và không bị ám ảnh.
Với tiểu thuyết, xây dựng nhân vật thể hiện con người tự nhiên là điểm được nhiều nhà văn chú ý. Nó đòi hỏi sự đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở; được thể hiện cảm xúc một cách thành thật nhất: Những sự yêu và ghét, những dục vọng, những đam mê đầy tính nhân bản. Sáng tác về kiểu con người tự nhiên thường mang đến những tranh luận trái chiều, đặc biệt khi đề cập đến vấn đề tính dục trong tác phẩm. Có thể nói, tình dục ngày càng được các cây bút thể hiện một cách táo bạo và xuất hiện ngày càng nhiều trong tiểu thuyết. Những tác phẩm đầu tiên viết về tình dục là những tác phẩm viết về hậu chiến. Trong chiến tranh, con người phải kìm nén mọi cảm xúc riêng tư, hành động riêng tư-trong đó có tình dục. Bước vào giai đoạn mới, ý thức cá nhân con người được giải phóng, nhà văn chân thực hơn trong thể hiện con người và việc xuất hiện những trang viết về tình dục là tất yếu. Tám Tính (Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai) đánh giặc kiên cường nhưng nhìn thấy các cô gái “đứng nhìn bằng con mắt dài dại của một bệnh nhân thần kinh, hay gần như thế. Ánh mắt tuột xuống eo lưng cô gái, tuột xuống chút nữa… Và dừng ở đó, đốt cháy… Một tiếng thở dài nặng nhọc nghe tựa tiếng rên đau của con thú đang cồn cào khát vừa gửi thấy mùi vị con mồi thì đã không còn thấy tăm dạng con mồi đâu nữa!” [41] “Cứ thấy hơi hướng đàn bà, bất kể già trẻ lớn bé, miễn là có da có thịt là tâm thần bấn loạn, mắt nhìn như lồi ra, toàn thân cứng ngắc như bị thôi miên, như bị hóa thạch, như cái dáng ngồi lì lợm kia” !” [40]. Các nhà tiểu thuyết không chỉ mô tả tính dục như một phần tất yếu của mỗi con người mà còn cho thấy nó có sức mạnh đặc biệt: có thể kéo con người từ cõi chết trở về. Cái tật mê gái, “vồ” gái tưởng như rất tầm thường và thô tục ấy lại chính là cội nguồn sinh lực, làm sống dậy và bùng lên khát vọng sống, khát vọng làm người của nhân vật này. Đang trong trạng thái “chín phần chết, một phần sống”, nhờ sức quyến rũ của màu trắng và mùi thơm ngậy từ bộ ngực cô y sĩ mà Tám Tính (Ăn mày dĩ vãng) đã có được một sức sống kỳ lạ, để suy nghĩ và vượt qua cái chết: “Cuộc đời còn đang đẹp thế, đàn bà con gái còn đang nhiều quá trời, thơm tho thế, chết uổng lắm, ráng mà sống,
sống què quặt cũng được…”. Đọc Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), chúng ta ấn tượng mà xúc động chuyện yêu đương kỳ lạ của phân đội trinh sát với ba cô gái Mây, HBia, Thơm thuộc khu trại tăng gia huyện đội 67 bị bỏ quên bên kia núi truông Gọi Hồn. Họ tìm đến với nhau, cùng nhau thỏa mãn nhu cầu dục vọng nhưng cũng là để gieo cho nhau sức mạnh và niềm tin trong cõi chết, trong thẳm sâu bất tận của “cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
Con người sinh sống ở làng quê, với người phụ nữ là phải biết chế ngự cảm xúc. Hôn nhân không mong muốn, nỗi thiếu thốn tình cảm khi xa chồng, xa người yêu dẫn đến những bi kịch của người phụ nữ: không có hạnh phúc trọn vẹn. Những nỗi khổ ấy, ngoài bản thân họ, không ai biết. Và những con người ấy cũng không có cách nào xoá đi những cảm giác cô đơn, trống trải ấy. Các nhà tiểu thuyết đổi mới, bằng tinh thần dân chủ, đề cao những nhu cầu đời tư chính đáng của con người đã viết thật thấm thía về vấn đề này. Bến không chồng (Dương Hướng) kết tụ và ngưng đọng đến mức dày đặc, không thể giải tỏa của nỗi buồn, nỗi cô đơn khi một người đàn bà trẻ đẹp, đang ở tuổi xuân xanh căng tràn nhựa sống phải sống xa chồng, lầm lũi trong cảnh bặt vô âm tín do sự chia cắt của chiến tranh, đã giày vò Hạnh. Cảnh nổi loạn của Hạnh ở Bến không chồng là sự thấm thía, xót xa cho cuộc đời thụ động chỉ biết chờ đợi và hy vọng. Hạnh ngâm mình dưới Bến không chồng, để mặc cho thân xác cô cuồng loạn trong nỗi khát thèm nhục dục: “Cơ thể lâu ngày khô héo bỗng rạo rực, ngập tràn hưng phấn. Hạnh vùng vẫy, quẫy đạp trong ham muốn làm tình với nước”. Dạ Ngân, một nhà văn nữ của miền Nam cũng viết thật xúc động về khát khao hạnh phúc của người phụ nữ. Tiệp trong Gia đình bé mọn không phải là một nhân vật nữ quá sắc sảo và nhiều tham vọng. Là một người nghệ sĩ, Tiệp “dị ứng” với cuộc sống không tình cảm. Cuộc hôn nhân với Tuyên không xuất phát từ tình cảm mà từ một hoàn cảnh của chiến tranh. Hôn nhân không tình cảm bao giờ cũng đi đến kết cục là sự bất hạnh và nhiều khi phải chia tay. Người phụ nữ trong các sáng tác những năm đầu của thế kỉ XXI không chờ đợi như tiểu thuyết những
năm 80 mà chủ động kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Bỏ Tuyên để ra Bắc với Đính (cũng là một nghệ sĩ, người tình của Tiệp) là hành trình chông gai mà Tiệp phải vượt qua: Dư luận xã hội, tình cảm mẹ con, sức ép từ phía gia đình mình và gia đình của Đính… Hạnh phúc do Đính mang đến cho Tiệp tất yếu có cả màu sắc của tính dục, nó khiến “từng tế bào được cựa quậy, tái sinh”.
Lại có những con người, vì địa vị xã hội mà hi sinh những đòi hỏi của chính bản thân. Với Nguyễn Vạn (Bến không chồng, Dương Hướng), con người muốn làm mực thước, làm thánh nhân để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của dân làng và đã hy sinh một đời cho ảo tưởng đó trong cuộc sống khắc kỷ đến ngốc nghếch, cũng không thể thoát khỏi sức cuốn mạnh mẽ của bản năng: “Nguyễn Vạn bàng hoàng cả người không hiểu mình đang mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nấu trái tim làm tâm trí Nguyễn Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn. Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn. Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình”.
Yếu tố tự nhiên bản năng của con người ngày càng được thể hiện rõ hơn trong tiểu thuyết với đầy đủ kiểu người không phân biệt tuổi tác, giới tính. Viết về con người tự nhiên đã và sẽ còn là xu hướng của văn học. Những nhà văn trẻ sau này, thế hệ 8X, 9X viết về cái tự nhiên (tình dục) như một phần tất yếu của con người, của cuộc đời. Hơn thế nữa, Sex còn là một phương tiện giải thiêng như trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Thuận, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú…
Con người tâm linh:
Khó có thể định nghĩa tâm linh là gì, song có thể khẳng định chỉ có con người mới có được khái niệm về tâm linh. Có những người khi áp lực về đời sống vật chất giảm bớt thì tìm đến với đời sống tâm linh, nhất là ở những người đã bước sang tuổi trung niên, như một quy luật tất yếu. Nhưng cũng có người vì sức ép đời sống mà tìm đến tâm linh. Trong văn học, con người tâm linh được thể hiện với nhiều mục
đích khác nhau.
Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới đã “mở cánh cửa vào thế giới tâm linh” với những mức độ và biểu hiện khác nhau. Nó bao gồm cái phi lý tính, cái tiềm thức, vô thức, năng lực đặc biệt do trời sinh ra (trực cảm, linh giác, những khả năng bí ẩn). Những nhân vật này tồn tại song hành với những con người bình thường (thậm chí, những nhân vật hồn ma cũng có khả năng đối thoại với con người)
Trước hết, đó là thế giới tồn tại trong những con người có hai cuộc sống: quá khứ và hiện tại, có sự đối lập về thân và tâm: thân ở hiện tại và tâm ở quá khứ. Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng là những con người như vậy. Quá khứ ấy luôn gọi họ tìm về, không phải để ru mình trong tháp ngà của những vinh quang chiến thắng mà để chiêm nghiệm, để dằn vặt, trở trăn về lẽ đời. Với họ, quá khứ là một ám ảnh không dễ từ bỏ.
Cũng có khi rơi vào trạng thái “bất an”, con người cũng tìm về với thế giới tâm linh. Ở đó, họ sẽ hé mở những bí ẩn của lòng mình. Thế giới tâm linh mà ông Hàm (Mảnh đất lắm người nhiều ma) hướng đến là những giấc mơ về người vợ đã chết. Bà vợ là nạn nhân của thói đam mê quyền lực của ông Hàm. Việc bà xuất hiện trong các giấc mơ của ông Hàm giống như một lời cận vấn, cũng giống như một sự ám ảnh về tội lỗi của chính bản thân lão Hàm. Cũng tương tự như vậy, nhân vật Ỷ Lan (Giàn Thiêu, Võ Thị Hảo) thường mơ thấy 11 bóng ma là những oan hồn bà ta đã bức hại. Những hồn ma đó trở về nhắc lại tội ác của Ỷ Lan. Điều này là một hướng lí giải nguyên nhân vì sao Ỷ Lan lại tôn sùng đạo Phật và xây dựng nhiều đền đài, chùa chiền như thế. Nó giống như một sự sám hối.
Thế giới tâm linh cũng là nơi có khả năng phát ra những tia sáng bất ngờ. Đó là những khả năng kỳ lạ của con người mà ngày nay khoa học rất quan tâm. Không ít trường hợp, con người có “linh tính” trước khi xảy ra những việc hệ trọng hoặc cảm nhận được những “điềm báo” kỳ lạ từ đâu đó bên ngoài lý trí của mình. Nhân vật Viên trong Ăn mày dĩ vãng có năng lực tâm linh đặc biệt. Cậu ta thường “có một linh cảm hoặc trực giác trận chiến gì đó rất kỳ quái”. Nghĩa là có thể biết trước điều sắp xảy ra, không chỉ đối với mình mà còn đối với những người khác (trường
không gian tâm linh rộng hơn), không chỉ một lần mà nhiều lần (mật độ dày đặc hơn). Điều này đã được kiểm chứng qua thực tế: “Trận nào mà hắn ta tươi tỉnh, thích nói thích cười thì trận đó dứt khoát sẽ xuôi chèo mát mái. Ngược lại, hôm nào hắn tỏ ra lì xì, hỏi không nói, gọi không thưa, động một tí cũng gắt gỏng là y như rằng hôm đó không gặp trục trặc này cũng đụng tình huống khác, có khi cha con ôm đầu máu trở về”. Nhân vật Mai Trừng trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái lạ hơn. Ở cô có một năng lực đặc biệt, có thể gọi đó là từ trường. Bất cứ ai có ý định hãm hại cô sẽ bị chết như vậy. Sự tồn tại của cô giống như một vị thần mang trong mình nhiệm vụ trừng phạt cái xấu. Cũng trong tác phẩm, nhân vật “tôi” trên hành trình đi tìm Mai Trừng để trả thù đã được sám hối và hiểu ra lẽ đời. Môi trường để anh ta hiểu ra điều đó cũng là một ngôi chùa. Các nhân vật trong Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh) tự thân đã mang nhiều yếu tố tâm linh (thuộc về văn hóa bản địa).
Con người tâm linh trong tiểu thuyết thời kì đổi mới tồn tại trong những tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết viết về cuộc sống đương đại. Điều này có ý nghĩa, tâm linh là vấn đề luôn đi cùng với con người cả trong quá khứ và thực tại. Sự tồn tại của kiểu nhân vật này không phải xuất phát từ quan điểm: con người ngày càng bất lực trước cuộc sống. Trái lại, nó cũng cho thấy, nhà văn ngày càng đi sâu tìm hiểu, khám phá những phần bí ẩn sâu xa trong thế giới tiềm thức, vô thức của con người, từ đó nhìn nhận về con người trung thực hơn, sắc sảo hơn.
*
* *
Những thay đổi về quan niệm con người đã mang đến hiệu quả trong nhìn nhận và đánh giá con người. Chúng ta thấy xuất hiện con người cô đơn, con người bi kịch, con người không có thật (kì ảo), con người dị dạng (ngoại hình và tính cách)... Trong mỗi con người lại bao hàm cả con người xã hôi, con người tự nhiên và con người tâm linh, tuy mức độ đậm nhạt khác nhau. Con người rõ ràng được nhìn nhận đầy đủ hơn, toàn diện hơn. Đồng thời, những điểm mới trong quan niệm về con người đã giải phóng cá tính sáng tạo của người viết. Nhà văn thử nghiệm