Cảm Hứng Nghệ Thuật Gắn Với Thế Giới Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng.

ngợi ca gắn với những con người đẹp đẽ, cảm hứng cảm thương gắn với những con người bất hạnh, cảm hứng châm biếm, phê phán những con người vô học tối tăm và những kẻ xảo trá, tàn bạo.

1.2. Cảm hứng nghệ thuật gắn với thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

Nhà văn Vi Hồng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo dân tộc Tày ở bản Phai Thin xã Đức Long huyện Hoà An tỉnh Cao Bằng. Từ nhỏ, ông đã gắn bó với quê hương, được tiếp xúc với rất nhiều con người và những cảnh đời khác nhau. Có lẽ vì thế mà Vi Hồng có điều kiện thể hiện hình ảnh những đồng bào của mình trên trang viết một cách sâu sắc.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng rất đa dạng, phong phú. Trong thế giới ấy có nhân vật phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, thày mo, chẩu mường, quan Tây... Mỗi nhân vật có một tính cách riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng họ đều là những người con của núi rừng Việt Bắc.

Có thể nói, nguồn suối văn học dân gian cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy sáng tạo nghệ thuật của Vi Hồng. Ngay từ nhỏ ông đã được tắm mình trong môi trường văn hoá dân gian, được nghe những bài dân ca trữ tình Tày, Nùng và những điệu hát then của gia đình, quê hương. Trưởng thành, ông lại được làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian ở trường đại học hơn 30 năm. Trong văn học dân gian trắng - đen, thiện - ác được phân biệt một cách rõ ràng. Nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng cũng được phân chia thành hai nhóm rõ rệt: chính diện và phản diện, cao đẹp và tầm thường, thánh thiện và gian ác.

Tuyến nhân vật chính diện thường là những con người đại diện cho cái đẹp, cái thiện. Họ có những suy nghĩ, hành động cao cả mang đầy tính nhân văn. Tuyến nhân vật phản diện thường là những nhân vật xấu xa, đại diện cho cái ác trong xã hội. Hai tuyến nhân vật này được đặt cạnh nhau, đấu tranh với nhau. Và cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về cái tốt, cái thiện. Tuy nhiên để có được chiến thắng, nhân vật chính diện phải trải qua rất nhiều khó khăn, đau khổ thậm chí cả sự hi sinh nữa. Sáng tạo hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện trong tiểu

thuyết của mình, nhà văn Vi Hồng muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp đậm chất nhân văn: “Hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất là những con người đẹp đẽ, cao cả,đồng thời đem hết sức mình ra trừ diệt cái ác, kẻ ác. Trừ khử những kẻ phản bội trắng trợn, nguyền rủa những kẻ “béc kha cải” (đại nịnh hót), khinh bỉ lũ yếu hèn” [43, 61]. Quan niệm trên đã chi phối toàn bộ sáng tác của Vi Hồng cũng như việc xây dựng nhân vật của ông.

1.2.1. Cảm hứng ngợi ca gắn với những con người đẹp đẽ.

Nghệ thuật thời nào cũng vậy, luôn luôn có xu hướng khuyếch đại cái tốt để nó trở nên đẹp đẽ, lộng lẫy, từ đó lôi cuốn, hấp dẫn mọi người, làm cho mọi người tin rằng trên đời bao giờ cũng còn có công lí, lương tri, bao giờ cũng có người tốt. Từ đó khơi dậy ở mỗi người khát vọng vươn tới lí tưởng, muốn noi gương, bắt trước, làm theo điều thiện, điều hay. Vì vậy, trong nghệ thuật không bao giờ thiếu được cái đẹp, thiếu chất lí tưởng, thiếu chất anh hùng lãng mạn, thiếu nhân vật tích cực. Có thể nói, cảm hứng ngợi ca cái đẹp, cái thiện đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong văn học Việt Nam mọi thời.

Hướng tới giá trị nhân bản truyền thống ca ngợi cái đẹp, cái thiện, lên án cái xấu, cái ác đã trở thành nhu cầu bức thiết của tất cả các nhà văn nói chung và của Vi Hồng nói riêng. Ông say sưa sáng tác và đã dành nhiều trang viết để ngợi ca cái đẹp, nhất là những con người đẹp đẽ, cao cả.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

1.2.1.1. Ca ngợi những con người có vẻ đẹp lí tưởng về hình thể.

Vẻ đẹp hình thể là vẻ đẹp bên ngoài mà con người có thể nhìn ngắm được. Nó hiện lên qua vóc dáng, khuôn mặt, nước da... Đọc tác phẩm của Vi Hồng, người đọc thường có ấn tượng khá đậm về những con người có vẻ đẹp ngoại hình hoàn hảo mang đặc trưng của con người miền núi.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 3

Đó là những chàng trai khoẻ mạnh với những bắp thịt nở nang, đường gân cuồn cuộn, giỏi nghề săn bắt, đối mặt với hổ, gấu, chó sói mà không hề khiếp sợ. Mi Tráng trong Mùa hoa Bioóc Loỏng khoẻ như một con gấu ngựa... Những bắp chân, bắp tay với những thớ thịt đỏ au nổi lên cuồn cuộn. Tấm ngực rộng thênh như như võ sĩ trên màn ảnh”. Vẻ đẹp đó là kết tinh của những gì là tinh tuý,

sự hoà quyện của núi rừng. Hình ảnh: “bộ ngực rất khoẻ của anh cũng nổi lên cuồn cuộn trong lần áo” khiến người đọc có thể cảm nhận được sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ của người lao động. Anh xuất hiện trong trò chơi bắt vịt ở lễ hội Lồng tồng của mường Khoang Đông trước sự thán phục của mọi người. Trong khi mọi người “lặn đến đứt hơi” mà không bắt nổi một con thì anh chỉ cần một hơi đã bắt được tới ba con vịt. Không những thế Mi Tráng còn là người giật giải nhất trong các cuộc đua ngựa. “Cũng như mọi người khác, anh quắp lấy bụng con Mạ Lài, rạp người xuống nắm lấy bờm con Mạ Lài. Mạ Lài chạy rất êm và tốc độ không thay đổi”. Hình ảnh đó khiến Mi Tráng hiện lên như một kị binh thời trung cổ với sức mạnh bạt núi băng rừng, chiến thắng tất cả.

Với một thân hình cao lớn, khoẻ mạnh, Tập Tạng trong Vào hang đã “đi săn gấu khắp núi rừng Cao – Bắc – Lạng, Thái – Tuyên – Hà. Ông đi khắp sáu tỉnh ngày ấy” bắt gấu, bắt hổ bằng tay không mà chưa hề thất bại.

Nhân vật Cốc trong Núi cỏ yêu thương hiện lên với một thân hình khoẻ đẹp như một tượng đồng: “Cốc đen như mầu đồng đúc tượng, đậm chắc, những thớ thịt ở bắp chân, bắp tay xoắn cuộn với nhau như những thớ lõi gỗ nghiến, gỗ lim”. Được phân công thuần hoá hai con trâu khoẻ nhất, dữ nhất của trại chăn nuôi, nhiều lúc chúng húc nhau chí tử. Khi ấy anh phải dùng sức của “hai bắp tay gân nổi cuồn cuộn...” để can không cho hai con trâu khỏi húc nhau. Với sức khoẻ như thế, Cốc không những đã thuần phục được con trâu tưởng như bất kham ấy mà anh còn cùng mọi người tham gia làm cầu. Anh là người khoẻ nhất: “Cốc khiêng những hòn đá to. Mỗi ngày, họ phải thay mấy lần quang làm bằng dây rừng chắc, to, nếu với người khác họ phải dùng suốt tháng mới hỏng”. Cùng với vẻ đẹp về hình thể là một sức khoẻ dẻo dai, họ góp phần làm cho bản mường giầu đẹp hơn.

Đọc tiểu thuyết của Vi Hồng, ta còn bắt gặp rất nhiều những con người như thế. Đó là Ki Nọi trong tiểu thuyết Đoạ Đầy, Đán trong Núi cỏ yêu thương... Họ đều là những người trai khoẻ mạnh, luôn phải đối mặt với thú dữ và cả những khó

khăn nguy hiểm mà chưa một lần bó tay. Họ chính là kết tinh sức mạnh của núi rừng Việt Bắc.

Vẻ đẹp của những người phụ nữ trong sáng tác của Vi Hồng thường được so sánh với các nàng tiên trong cổ tích. Thu Lạ trong Mùa hoa Bioóc Loỏng đã được miêu tả theo bút pháp phóng đại: “Hàn Thu Lạ, cô gái tuổi hai mươi đẹp như một nàng tiên vừa từ trên trời xuống dự hội”. Đường nét trên khuôn mặt nàng được tác giả miêu tả tỉ mỉ, ấn tượng: “Cặp lông mày sắc như nước, vầng trán thon thả thanh tú... Cặp mắt đen láy long lanh, cặp môi nàng đều đặn, đỏ chót lúc nào cũng tủm tỉm cười. Nàng nói líu lo như tiếng chim hoạ mi”. Đúng là người thanh cái tiếng cũng thanh, “cái tiếng của nàng cũng khẽ khàng, mơ màng như chính sinh ra từ những làn gió núi, hay là cái tiếng đi về của những làn mây trắng như bông trên các mái đại ngàn”. Thu Lạ quả là một bông hoa rừng ngào ngạt hương sắc.

Không gian miền núi thường là nơi sinh ra những con người kết tinh vẻ đẹp diệu kì. Hạ Chi cũng là một cô gái mang vẻ đẹp thần tiên như thế: “Hạ chi từ trong nhà tắm bước ra, mặt mũi tươi rói mới mẻ như một nàng tiên vừa qua lò luyện mĩ nhân trong một truyện cổ” khiến Mi Tráng ngắm nhìn Hạ Chi mà tưởng như đang ngắm nhìn “một pho tượng tuyệt sắc của trời đất... Choáng cả rừng xanh, lấp cả mọi thung lũng. Một kì công vĩ đại”. Tạo hoá không chỉ ban tặng cho miền núi một không gian đẹp đẽ trong lành mà như để hài hoà với cảnh, tạo hoá lại gửi đến đó những con người đẹp như nàng tiên lạc lối xuống trần gian và những chàng trai khoẻ mạnh tràn đầy sức sống.

Cũng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người, nhân vật Ngọc trong Tháng năm biết nói của Vi Hồng mang vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ Việt Bắc: “Xinh đẹp mà lại khoẻ mạnh. Thân hình tròn chắc..., nước da trắng như cây chuối bóc, mịn và thơm như bột nếp nhuyễn, má hồng như cánh hoa mạ vách núi, eo như lưng con ong mật, lông mày đen, sắc như con chim hoạ mi, cặp mắt cũng cặp mắt hoạ mi, cặp môi là quả nhót chín mọng”.

Nhiều nhân vật phụ nữ khác trong tiểu thuyết của Vi Hồng, cũng mang vẻ đẹp giầu tính lí tưởng và ước lệ như thế: Xinh Xông trong Mùa hoa Bioóc Loỏng, Lả trong Lòng dạ đàn bà, Thu Lú trong Chồng thật vợ giả, La Bội Hoan trong tiểu thuyết Đoạ đầy, Băng trong Tháng năm biết nói... Họ gần nhau ở nét chung mà ít phân biệt ở nét riêng, khiến ta cứ có cảm giác quen quen như đã gặp họ ở đâu đó. Điều này làm giảm đi phần nào khả năng tạo hình nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

1.2.1.2. Ca ngợi những con người bình thường có tấm lòng nhân hậu, vị tha.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng vô cùng phong phú. Nhân vật trung tâm trong sáng tác của ông là những người lao động miền núi. Họ là những người bình thường nhưng đầy tình nghĩa, giầu lòng yêu thương con người. Những phẩm chất ấy thật đáng quý, đáng trân trọng. Phải bắt nguồn từ lòng nhân đạo cao cả, lòng yêu thương con người sâu sắc, Vi Hồng mới có thể xây dựng được những nhân vật mà trong mọi hoàn cảnh, ngay cả đối với kẻ thù của mình vẫn có thể cưu mang, đùm bọc, giúp họ thoát chết và hy vọng họ hoàn lương.

Xét về phương diện này, ta nhận thấy các nhân vật trong tiểu thuyết của vi Hồng có nét gần gũi với nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Nhìn chung họ đều có số phận éo le trắc trở. Bằng nghị lực và lòng nhân hậu, họ cố gắng vươn lên tự khẳng định mình trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đầy thử thách và qua những tình huống đời sống ấy nhân vật bộc lộ hết tính cách và những phẩm chất tốt đẹp của mình.

Trong tiểu thuyết Lòng dạ đàn bà, người đọc không thể quên một cô Lả thông minh, xinh đẹp nổi tiếng nhất vùng và mang một khát vọng cao đẹp: “Sống cùng với văn minh một năm còn hơn sống trăm năm ở nơi tối tăm, lạc hậu”. Ước mơ đến với văn minh cứ luôn vẫy gọi, thôi thúc khiến Lả quyết định bỏ Tu để yêu Nghít dù “Lả yêu Tu hơn yêu Nghít, Tu đẹp trai hơn, khoẻ mạnh hơn”.

Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, Lả theo Nghít về mường Nước Hang Rơi đông người, văn minh, lịch sự để làm dâu. Chị cùng chồng vun vén xây đắp ngôi nhà hạnh phúc. Chị không chỉ giúp chồng trong công việc làm ăn mà còn

dành chồng từ trong nanh vuốt của chúa sơn lâm. Một người đàn bà dám hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ chồng, đáng lẽ phải được hưởng tình yêu, hạnh phúc từ người chồng ấy, nhưng chị đã bị Nghít đối xử tàn tệ. Vì say mê sắc đẹp của Mã Thả An, Nghít đã quên đi tình nghĩa vợ chồng. Anh vô tình với người vợ thuỷ chung, nhân hậu, quan hệ với Mã Thả An ngay trong nhà mình. Lả hết lời khuyên can nhưng không có kết quả. Đau đớn và thất vọng, chị đã tìm đến dòng nước Sông Trong gửi mình cho hà bá, thuồng luồng để quên đi tất cả. May mắn thay chị không chết mà đã được Tu và Ban cứu giúp.

Sống trong rừng sâu nhưng chị vẫn luôn hướng về gia đình, chồng con. Nhờ vậy, Lả đã cứu được Nghít thoát khỏi bàn tay độc ác của kẻ lòng lang dạ thú định hãm hại anh bằng thuốc độc. Hơn một tháng trời Lả hết lòng chạy chữa, chăm sóc tận tình, Nghít mới hồi phục, nhưng lại bị mù cả hai mắt. Anh chàng Nghít trẻ trung, đẹp trai tràn đầy sức sống, giờ đây phải sống trong cảnh đêm tối, đó phải chăng là đòn trừng phạt của ông trời vì những việc làm tội lỗi mà Nghít đã gây ra cho Lả. Nhưng Lả lại không coi là thế. Chị tận tình cứu chữa cho Nghít và chăm lo cuộc sống cho ba bà cháu trong cái vỏ của người đàn bà khác. Sự ân hận, hối cải của Nghít đã khiến Lả xúc động. Nhiều lần Lả muốn nói thật nhưng rồi chị lại kìm nén được. Chị quyết định dành dụm tiền để đưa Nghít xuống bệnh viện tỉnh chữa mắt. Chị không ngần ngại dành con mắt phải của mình để hiến tặng cho Nghít, cứu Nghít ra khỏi cảnh mù loà, tăm tối. Nếu không có một tình yêu sâu sắc, một trái tim nhân hậu lớn lao thì Lả không thể có được hành động cao cả như vậy. Cuối cùng sự hy sinh ấy đã được đền bù xứng đáng. Nghít đã nhìn thấy “bá tiên đen” lại trở thành cô Lả xinh đẹp ngày xưa. Họ cùng trở về ngôi nhà hạnh phúc của mình.

Nếu tình yêu thương của Lả làm xúc động bao trái tim người đọc thì tình bạn trong sáng và sự giúp đỡ tận tình xuất phát từ tình yêu thương của Tu và Ban cũng thật cảm động. Bị khước từ tình yêu, Tu vô cùng đau đớn, nhưng không vì thế mà anh căm thù hay xa lánh Lả. Ngược lại, anh đã cùng Ban dõi theo Lả để rồi giúp Lả thoát chết khi nàng quyết định gửi mình cho Hà Bá, rồi lại cưu mang,

động viên, an ủi và giúp đỡ Lả trong hoàn cảnh khó khăn, chung tay giúp đỡ những người thân của Lả thoát khỏi hoạn nạn, đem đến cho họ một cuộc sống no đủ, vun vén tình yêu và hạnh phúc cho Lả và Nghít. Tu và Ban chính là những bông hoa đẹp về lòng nhân ái mà tác giả đã dụng công xây dựng.

Thu Khoan trong Dòng sông nước mắt cũng sinh ra ở một vùng núi cao nghèo nàn, lạc hậu. Ngay từ nhỏ cô đã có cảm tình với Kim Công. Một người dưới nước, một người trên bờ nhưng họ gắn bó với nhau như hình với bóng. Tình yêu nẩy nở, thế rồi họ yêu nhau say đắm. Khi biết Thu Khoan yêu Kim Công, bố mẹ đã ngăn cấm cô bằng những trận đòn roi đau đớn. Nhưng họ vẫn hẹn hò với nhau vào những đêm trăng trên đồi Pò Mần và ngay cả trong căn phòng của Thu Khoan mà không ai biết. Tình yêu của họ càng ngày càng gắn bó, nhưng rồi Thu Khoan bị ép gả cho Kin Xa giầu có nhiều hơn cô mười tuổi – một kẻ kiêu ngạo và độc ác. Ngày cưới của cô cũng là ngày khép lại quãng đời tươi đẹp của tuổi thơ và tình yêu trong sáng với Kim Công, đồng thời nó cũng mở ra một quãng đời đầy bất hạnh của Thu Khoan. Kin Xa nghiện thuốc phiện nặng, của cải trong nhà nhanh chóng “đội nón ra đi” và cuối cùng, hắn nhẫn tâm đem vợ đi bán. Thật may thay, người mua nàng lại chính là Kim Công – người mà cô đã từng yêu dấu. Không chỉ có Thu Khoan mới ngạc nhiên và cảm động mà người đọc cũng phải rơi nước mắt xúc động trước tình yêu chung thuỷ, một trái tim nhân hậu giầu lòng thương người của Kim Công. Bao nhiêu năm Thu Khoan đi lấy chồng, anh lặng lẽ tích cóp những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của cái nghề sông nước vốn đã khó khăn, và hy vọng một ngày nào đó sẽ đem đến cho Thu Khoan. Anh cố ý không để Thu Khoan biết để mong cứu cô thoát khỏi cơn hoạn nạn. Và hôm nay số tiền ấy đã thực sự cứu giúp được Thu Khoan. Nhờ có tình thương ấy mà Thu Khoan đã thoát khỏi cuộc sống nhục nhã. Cô tràn ngập trong hạnh phúc, để rồi kết quả của tình yêu và hạnh phúc ấy là một đứa con xinh đẹp đã ra đời. Nhưng hạnh phúc của những con người nhân hậu ấy không được trọn vẹn, vì Kin Xa ngày càng nghiện nặng, trở thành kẻ ăn mày rách rưới với nước da bủng beo chỉ còn nằm chờ chết. Kim Công giục vợ đi thăm kẻ thù và sắm sanh quà cáp chu đáo

để Thu Khoan mang cho Kin Xa. Hành động cao cả của Kim Công mà anh gọi là “tấm lòng làm người của chúng ta” ấy thật là cảm động. Cảm động hơn nữa khi cặp vợ chồng Thu Khoan và Kim Công còn chấp nhận thêm một nỗi đau khi nàng phải đánh đổi cả nhân phẩm của mình cho quan phủ Trần Hồi (mặc dù nàng rất ghê tởm) đổi lấy những viên thuốc kí ninh chữa bệnh sốt rét cho Kin Xa. Hai trái tim nhân hậu đã gặp nhau để rồi bùng lên ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn cô đơn bất hạnh giúp Kin Xa thoát khỏi cái chết vì những cơn sốt rét hoành hành, đang dần lấy đi tính mạng của hắn, đưa hắn trở về với cuộc đời. Có được những tấm lòng như thế thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Cứu giúp người trong hoạn nạn là phẩm chất thường thấy ở nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng. La hay chính là The trong Vãi Đàng là một cô gái thông minh, xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình nghèo, bố nghiện ngập phải bán hết cả ruộng nương cho Tổng Nhự, thậm chí bán cả cô cho hắn. Khi đã trở thành bà quan, cô chỉ chuyên tâm giúp người nghèo khổ. Cách mạng đến, được giác ngộ, La lập tức từ bỏ cuộc sống giầu sang đi theo cách mạng. Cô không chỉ hoạt động rất dũng cảm mà còn luôn giúp đỡ mọi người mỗi khi họ gặp hoàn cảnh éo le. Người được cô hai lần giúp đỡ thoát khỏi cảnh đoạ đầy là Đàng. Cả hai lần, Đàng đã may mắn được The cứu giúp bằng tình yêu thương và sự sẻ chia chân thành, không một chút tính toán thiệt hơn. Những hủ tục lạc hậu đã phải lùi bước trước lẽ phải và lòng tốt của con người. Đoàn tụ và hạnh phúc, tất cả đến thật bất ngờ. Nếu không có những con người giầu lòng nhân ái, có tình yêu thương sâu sắc, vượt qua mọi rào cản của hủ tục lạc hậu như The thì đời Đàng đâu có được những giây phút hạnh phúc như thế.

Những con người như Thu Khoan, Kim Công, Tu, Ban và cả The nữa giúp con người ta vững tin hơn trong cuộc sống, bởi cho dù xã hội nào đi nữa, ở đâu đi chăng nữa thì vẫn có những con người tốt, giầu lòng yêu thương, sẵn sàng sẻ chia, đồng cảm, yêu thương giúp đỡ đồng loại thoát khỏi những bế tắc để tìm đến với chân trời hạnh phúc.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023