Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 2

tìm thấy mình và cuộc sống của mình. Điều đó làm nên nét riêng khó lẫn trong sáng tác của Vi Hồng.

Nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng đa dạng, phong phú, và thường được khám phá ở hai bình diện đối lập, đó là nhận định của nhà giáo Cao Xuân Thử:“ Vi Hồng đã bước đầu nhận ra, nhìn thấy khá rõ hai phương diện khác nhau, trái nhau, đối lập nhau ở một con người”. Và khi nhận thấy điều đó thì: “Nhà văn thừa nhận sự tồn tại của cái xấu, cái ác, cái chưa hoàn thiện trong con người, nhà văn trình bày nó để nó tồn tại như là sự tất yếu cùng với cái tốt và cái thiện” [14, 88].

Đọc tiểu thuyết của Vi Hồng, Hồ Thuỷ Giang phát hiện ra rằng: “Vi Hồng ít đề cập đến sự phức tạp về tâm lí. Anh nghiêng về khắc hoạ những nét đẹp hoang sơ và thuần khiết của tâm hồn” [14, 81]. Lâm Tiến cũng nhận định: “Nhân vật của ông thường có sự thống nhất giữa ngoại hình và tính cách… đã đẹp nết thì đẹp người và ngược lại. Đó là kiểu mô típ quen thuộc trong văn học dân gian” [8, 103].

Khi tìm hiểu “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng”, tác giả Ma Thị Ngọc Bích đã phân loại nhân vật từ góc độ loại hình nghề nghiệp xã hội: đó là nhân vật trí thức và nhân vật người lao động. Từ cách phân loại đó, tác giả của luận văn đã khái quát toàn bộ thế giới nhân vật, từ tầng lớp trí thức đến những người lao động bình thường, từ những con người đẹp đẽ đến những con người xấu xa, tầm thường tạo thành một thế giới nhân vật hết sức phong phú, đa dạng.

Về không gian nghệ thuậttrong tiểu thuyết của Vi Hồng, nhìn chung các nhà nghiên cứu chú ý đến không gian bối cảnh thiên nhiên. Lâm Tiến nhận ra mầu sắc miền núi đậm nét trong không gian bối cảnh thiên nhiên: “Thiên nhiên trong tác phẩm của ông rực rỡ sắc mầu, rộn rã âm thanh, ngạt ngào hương vị như mang cả hơi thở cuộc sống, tâm hồn của người miền núi” [14, 17]. Cũng chung cảm nhận ấy nhà văn Hồ Thuỷ Giang phát hiện thêm một không gian huyền thoại: “Trong tiểu thuyết của Vi Hồng mọi cảnh sắc thiên nhiên từ mỏm đồi

đến con suối, từ nẻo đường rừng đến bờ vực sâu, từ ánh trăng đến tảng đá núi đều hiện lên lung linh như huyền thoại” [14, 81].

Vũ Minh Tú trong Chất thơ trong tiểu thuyết của Vi Hồng (Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2009) lại phát hiện ra một không gian thơ mộng, tràn ngập chất thơ. Chất thơ ấy được toát ra từ thiên nhiên, con người và cuộc sống miền núi. Qua việc khảo sát chất thơ trong tiểu thuyết của Vi Hồng, tác giả khẳng định: “Trong tiểu thuyết của ông, chất thơ của hồn núi rừng, làng bản cứ tuôn chảy lấp lánh, dạt dào từ ngòi bút có nghề” [41].

Khác với các nhà nghiên cứu trên, Hoàng Thi lại thấy: “Vi Hồng đã dẫn dắt người đọc trở về quê hương miền núi, về với bản làng mình sau những ngày đi xa, những cảnh vật quen thuộc (một cánh đồng, một dòng suối, một cây mận đang ra hoa…) một tiếng “úp lều” trâu húc nhau cùng với những con người xiết bao gần gũi mến yêu với những kỉ niệm êm đẹp từ thủa ấu thơ đến những ngày khôn lớn… Tất cả như đồng hiện kéo ta trở về cội nguồn” [15, 148]. Như vậy, theo Hoàng Thi không gian trong tiểu thuyết của Vi Hồng lại vô cùng quen thuộc, mộc mạc mà gần gũi thân thương đối với mỗi con người. Đó chính là cội nguồn nơi ta sinh ra và lớn lên.

Về bối cảnh xã hội trong sáng tác của Vi Hồng, cũng có một số nhận xét thật xác đáng. Nhà giáo Cao Xuân Thử đã nhận thấy: “Vi Hồng là người am hiểu văn hoá Tày, anh say đắm Si lượn. Anh hiểu cặn kẽ phong tục, tập quán, lề thói, tập tục đến lễ hội, đến cái ăn, cái uống, sự mặc, việc dựng nhà cửa... nghĩa là tất cả nề nếp sinh hoạt của đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc anh. Đặc biệt anh cảm nhận thấu đáo, cảm nhận được cái tinh tuý, minh triết trong sự lựa chọn và ứng xử của mỗi con người trong đời sống cá nhân, đời sống xã hội, đời sống cộng đồng Tày”. [14, 85].

Trong bài Cách viết tiểu thuyết của nhà văn Vi Hồng, Lâm Tiến khẳng định: “Vi Hồng cũng thành công trong việc viết về những phong tục, tập quán của dân tộc Tày. Những ngày hội mùa thật náo nhiệt trong Núi cỏ yêu thương, đám

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

ma của Ké Xanh trong Đất bằng, đêm khẩu tảo, đêm mở đầu của đám ma thật bận rộn cùng với lời nguyền mang độc địa của già Xanh...” [14, 18].

Hoàng văn Huyên trong đề tài Tính dân tộc trong tiểu thuyết của Vi Hồng

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 2

– luận văn Thạc sĩ khoa học năm 2003 cũng đã khái quát được bối cảnh thiên nhiên, bối cảnh xã hội. Tác giả khẳng định: “cả không gian, thời gian, sắc mầu của tự nhiên, con người và cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm luôn đậm đà bản sắc các dân tộc miền núi Việt Bắc” [78].

Về thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng, Lâm tiến có nhận xét thật sâu sắc: “Truyện thường phát triển theo mạch đi lên của thời gian. Nếu đảo lộn thì cũng chỉ là những đảo lộn đơn giản” .

Trong bài Cốt truyện trong văn xuôi các dân tộc miền núi, tác giả phạm Duy Nghĩa nhận định: “Xét theo tiêu chí thời gian, loại cốt truyện phổ biến nhất ở mảng văn xuôi dân tộc thiểu số là cốt truyện tuyến tính (tự sự theo mạch thẳng thời gian, duy trì theo quan hệ nhân quả)” [21, 54]. Theo ông thì việc trần thuật theo thời gian tuyến tính có tác dụng là để cho độc giả miền núi dễ nắm bắt nội dung ý nghĩa của truyện, song sự so le giữa diễn biến cốt truyện với sự trần thuật đã bị bỏ phí. Từ những điểm chung đó người viết nhận ra điểm khác biệt trong cách viết của Vi Hồng: “Vi Hồng có ý thức sớm về điều này nên ở tiểu thuyết Vãi Đàng đã đảo lộn ở một số thời gian nhất định” [21, 54]. Phạm duy Nghĩa khẳng định sự đổi mới trong cách xử lí thời gian: “Sự xử lí thời gian như một phương tiện nghệ thuật mới trở nên linh hoạt và thường xuyên hơn, quan hệ của các tuyến nhân vật cũng chồng chéo, phức tạp hơn” [21, 55].

Có thể nói vẫn còn rất ít những nhận xét về thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Vi Hồng. Nghiên cứu về không gian và thời gian nghệ thuật thì hầu như chưa có một công trình nào chuyên biệt.

Như vậy có thể thấy các yếu tố làm nên thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng đã được quan tâm ở một mức độ nhất định. Nhưng các ý kiến mới chỉ là những nhận định có tính khái quát, chung chung, chưa có một cái nhìn tổng thể, có tính hệ thống về toàn bộ thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

Thực tế đó đã gợi ý cho chúng tôi lựa chọn đề tài: Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

3. Giới thuyết về thế giới nghệ thuật.

Nhà văn Seđrin đã nói: “Tác phẩm văn học là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi sản phẩm nghệ thuật là một thế giới khép kín trong bản thân nó”. Như vậy, một tác phẩm toàn vẹn phải xuất hiện như một thế giới nghệ thuật. Bêlinxki cũng đã từng nhận xét: “Mọi sản phẩm nghệ thuật đều là một thế giới riêng mà khi đi vào đó thì ta buộc phải sống theo các quy luật của nó, hít thở không khí của nó”.

Từ những nhận xét trên ta có thể hiểu thế giới nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó là kiểu tồn tại đặc thù vừa trong chất liệu, vừa trong cảm nhận của người thưởng thức, vừa là sự thống nhất giữa nội dung và hình thức trong chỉnh thể thẩm mỹ của tác phẩm.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì thế giới nghệ thuật là: “khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tạo nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của một tác giả, một trào lưu). Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng và nghệ thuật (…). Khái niệm thế giới nghệ thuật giúp ta hình dung tính độc đáo về tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ ” [16, 251].

Thế giới nghệ thuật có tính độc lập tương đối so với thế giới tự nhiên hay thực tại xã hội. Đó chính là sự thừa nhận quyền sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm văn học không phải là sự sao chép, lệ thuộc máy móc vào thực tại bên ngoài, mà: “ là một thế giới riêng được sáng tạo theo các nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người, mặc dù nó phản ánh thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không gian, thời gian riêng, có quy luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng... chỉ xuất hiện một cách ước lệ trong sáng tạo nghệ thuật” [16, 251].

Như vậy thế giới nghệ thuật phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan và cách cắt nghĩa đời sống rất riêng của chủ thể sáng tạo. Mỗi tác phẩm lớn,

tác giả lớn đều có thế giới nghệ thuật riêng của mình thể hiện tính độc đáo trong tư duy và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Cách hiểu trên đây về thế giới nghệ thuật là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu thế giới nghệ thuật trong toàn bộ tiểu thuyết của Vi Hồng.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

4.1. Đối tượng nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là toàn bộ tiểu thuyết của Vi Hồng gồm 15 cuốn: "Đất bằng"(1980), "Núi cỏ yêu thương", (1984), “Thung lũng đá rơi” (1985), “Vào hang” (1990), "Người trong ống”, “Gã ngược đời"(1990), “Ái tình và kẻ hành khất” (1990), "Lòng dạ đàn bà" (1992), "Dòng sông nước mắt" (1993), “Tháng năm biết nói “(1993), “Phụ tình” (1994), "Chồng thật vợ giả"(1994), “Đi tìm giầu sang” (1995), “Đoạ đầy” (1997), “Mùa hoa Bioóc loỏng” (1997).

Tuy nhiên, khi nghiên cứu chúng tôi tập trung chú ý vào những tác phẩm tiêu biểu nhất của Vi Hồng.

4.2. Phạm vi nghiên cứu.

Luận văn không đi sâu vào nghiên cứu tất cả những vấn đề thi pháp mà chỉ tập trung vào một số phương diện cơ bản trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Vi Hồng. Đó là: Cảm hứng nghệ thuật gắn với thế giới nhân vật, thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật.

5. Mục đích nghiên cứu.

Nghiên cứu một số vấn đề thi pháp trong tiểu thuyết của Vi Hồng, chúng tôi nhằm mục đích làm rõ hơn những nét riêng trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Vi Hồng. Từ đó, có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về những đóng góp của Vi Hồng trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

6. Phương pháp nghiên cứu.

Để hoàn thành nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi sử dụng những phương pháp cơ bản sau:

- Phương pháp thống kê, khảo sát.

- Phương pháp hệ thống.

- Phương pháp khái quát, tổng hợp.

- Phương pháp đối chiếu, so sánh.

- Phương pháp nghiên cứu tác giả văn học.

- Phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại.

7. Cấu trúc luận văn.

Luận văn gồm 3 phần: phần Mở đầu, phần Nội dung phần Kết luận. Trong phần nội dung gồm có 3 chương:

Chương 1: Cảm hứng nghệ thuật gắn với thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

Chương 2: Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

Chương 3: Thời gian nghệ thuật nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

NỘI DUNG

Chương 1

CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT GẮN VỚI THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA VI HỒNG


1.1. Khái niệm cảm hứng nghệ thuật và thế giới nhân vật

Nghệ thuật là một phương tiện nhận thức thực tại. Đối tượng nhận thức của sáng tạo nghệ thuật không phải là những điều đã được nhìn thấy một cách thờ ơ mà là những xúc cảm được khắc sâu trong trái tim. Muốn thế, người nghệ sĩ phải có những tình cảm thật tha thiết, mãnh liệt với cuộc đời. Từ những xúc cảm ấy sẽ tạo thành những ấn tượng trực tiếp. Những tình cảm như: căm giận, buồn vui... sẽ chiếm lĩnh toàn bộ con người anh ta và thế là tư tưởng của nhà văn xuất hiện. Những biểu hiện tình cảm, tâm hồn của người nghệ sĩ được gợi lên từ những hiện tượng xã hội, được nhà văn phản ánh trong tác phẩm tạo thành nội dung cảm hứng của tác phẩm. Trong sáng tác nghệ thuật, cảm hứng được biểu hiện ở mọi biến thể, nhưng tất cả đều là sự ý thức về mặt tư tưởng và sự đánh giá về mặt cảm xúc.

Có thể nói: "Cảm hứng nghệ thuật là một tình cảm mạnh mẽ, mang tư tưởng và là một ham muốn tích cực đưa đến hành động, là niềm say mê khẳng định chân lí, lí tưởng, phủ định sự giả dối và mọi hình tượng xấu xa tiêu cực, là thái độ ngợi ca đồng tình với nhân vật chính diện, là sự phê phán tố cáo thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường" [25, 43].

Như vậy cảm hứng nghệ thuật là một phương diện đặc thù của tác phẩm văn học, bao gồm trong nó cả hai mặt chủ quan và khách quan. Nó xuất phát từ nhu cầu nội tại bên trong của người nghệ sĩ trước hiện thực khách quan. Cảm hứng phải là một trạng thái tình cảm sâu sắc mãnh liệt thể hiện tư tưởng của nhà văn trong sự chiếm lĩnh và khám phá bản chất cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu cho rằng : Cảm hứng nghệ thuật có thể có những biến thể khác nhau như cảm hứng cảm thương, cảm hứng ngợi ca, cảm hứng hài hước,

châm biếm... Các biến thể ấy vừa mang những đặc trưng riêng, đồng thời cũng có những mối quan hệ bổ sung và tương hỗ lẫn nhau. Trong từng tác phẩm, cảm hứng này có thể trở thành một phương diện của cảm hứng kia.

Cảm hứng nghệ thuật là một tình cảm xã hội được ý thức, nó đem đến cho tác phẩm một không khí cảm xúc nhất định, tác động mạnh mẽ đến người đọc. Cảm hứng nghệ thuật thống nhất tất cả các cấp độ và yếu tố nội dung cũng như hình thức của tác phẩm như: cốt truyện, kết cấu, xung đột, nhân vật, giọng điệu, ngôn ngữ trong đó nhân vật là nơi biểu hiện rõ nhất và trọn vẹn nhất cảm hứng nghệ thuật của nhà văn.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng như (Tấm Cám, chị Dậu, anh Pha) cũng có thể không có tên riêng như “thằng bán tơ”, “một mụ nào” trong Truyện Kiều” [202]

Trong tất cả các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, thậm chí cả thơ đều có nhân vật, đặc biệt với thể loại tiểu thuyết thì càng không thể thiếu nhân vật. “Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực ở tất cả mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [16, 277].

Giữa cảm hứng nghệ thuật và thế giới nhân vật trong sáng tác của một nhà văn thường có mối quan hệ gắn kết mang tính hô ứng, tương giao. Cảm hứng nào thì nhân vật ấy, và ngược lại. Mỗi nhân vật luôn gắn với một cảm hứng và một phương diện nào đó của cảm hứng nghệ thuật. Tìm hiểu sự thể hiện con người trong văn học thông qua thế giới nhân vật, trong mối quan hệ phù hợp và hô ứng với cảm hứng nghệ thuật của nhà văn là tìm hiểu một phương diện cơ bản trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, góp phần quan trọng vào việc xác định phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Khảo sát toàn bộ tiểu thuyết của Vi Hồng chúng tôi nhận thấy có một số cảm hứng cơ bản gắn với một số kiểu loại nhân vật phù hợp. Đó là cảm hứng

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí