Những Vấn Đề Về Tập Trung Kinh Tế Đặt Ra Tại Việt Nam‌

Theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2004 thì một trong các hình thức tập trung kinh tế là hợp nhất doanh nghiệp. Nhưng thực tế hiện nay, hình thức hợp nhất doanh nghiệp chưa xuất hiện tại Việt Nam. Nguyên nhân là với hình thức hợp nhất, các doanh nghiệp tham gia hợp nhất sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình mà thay vào đó là sự ra đời của doanh nghiệp mới. “Doanh nghiệp A + Doanh nghiệp B = Doanh nghiệp C”. Doanh nghiệp C có tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp bị hợp nhất. Và các doanh nghiệp tham gia hợp nhất có quyền quyết định ngang nhau trong Hội đồng quản trị mới. Tuy nhiên, việc chia sẻ quyền sở hữu, quyền lực và lợi ích một cách đồng đều và lâu dài luôn khó khăn và khó thực hiện giữa các cổ đông với nhau. Nói cách khác, hình thức hợp nhất đòi hỏi mức độ hợp tác rất cao giữa các doanh nghiệp khi tham gia. Hơn nữa, trình độ quản lý của Việt Nam chưa thể đáp ứng được mức độ hợp tác cao mà các vụ hợp nhất đòi hỏi. Và như vậy hiện nay, hình thức này chưa được phổ biến.‌

5. Về thành lập tổng công ty

Ở Việt Nam, hình thức tập trung kinh tế đầu tiên xuất hiện là các Tổng công ty 90, 91. Bởi sự ra đời của các tổng công ty nhà nước từ hơn một thập kỷ trước đây đã làm xuất hiện những thế lực độc quyền, hình thành nên các khu vực thị trường có mức độ và chỉ số tập trung lớn. Sự ra đời và tồn tại của chúng cũng đã làm thay đổi căn bản diện mạo cạnh tranh của khu vực thị trường mà chúng họat động. Tuy nhiên, lý thuyết về tập trung kinh tế không coi sự hình thành các tổng công ty nói trên là tập trung kinh tế thuộc phạm vi kiểm soát của pháp luật cạnh tranh. Bởi lẽ, cơ sở để các đơn vị thành viên liên kết thành tổng công ty là các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải là kết quả của quá trình tự sáp nhập, hợp nhất hoặc góp vốn, mua lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoa học pháp lý có thể coi hiện tượng này là một dạng biến thể của tập trung kinh tế trong điều kiện đặc biệt ở các quốc gia có cơ chế kinh tế chuyển đổi. Hiện tại, nhiều tổng công ty muốn chuyển đổi thành các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong những năm gần đây, chính các tổng công ty 91 là những chủ thể trong nước tiên phong thực hiện những hoạt động quản trị công ty liên quan đến sắp xếp, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp

của công ty trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, giao, bán khoán công ty nhà nước để hình thành các tập đoàn theo mô hình công ty mẹ - con mới

6. Về thành lập tập đoàn kinh tế

Có thể nói tập đoàn chính là một hình thức trá hình của tập trung kinh tế mà dưới góc độ Luật cạnh tranh thì đó chính là hình thức tập trung kinh tế khác (ngoài sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh). Việc hình thành các tập đoàn kinh tế của Việt Nam bắt nguồn từ việc đổi mới, sắp xếp lại một số doanh nghiệp nhà nước lớn. Tập đoàn đầu tiên chính thức thành lập ở Việt Nam Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), được thành lập theo quyết định số 245/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 26/12/2005 trên cơ sở sáp nhập Tổng công ty khoáng sản Việt Nam với tập đoàn than Việt Nam, nhằm tạo ra một tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ tập trung hoá và công nghệ cao. Sau đó là tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg ngày 9/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đây là tập đoàn được chuyển đổi từ Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Cho đến nay, nhiều tổng công ty khác cũng chuyển đổi thành tập đoàn.

Các chính sách tự do hóa đã khuyến khích sự phát triển đa dạng của các loại hình doanh nghiệp mới, tích cực thu hút nguồn vốn FDI, chú trọng cải cách đối với thị trường vốn. Sự kiện Việt Nam đã gia nhập WTO lại càng tạo môi trường và động lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Hiện nay Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp mạnh, tích hợp, liên kết các thế mạnh để hoạt động dưới một bộ máy điều hành chung, một thương hiệu chung tạo ra sự phát triển vượt bậc. Đây chính là sự liên kết, hình thành mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Tiêu biểu như FPT, Đồng Tâm, Kinh Đô, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên... Các tập đoàn này đều có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng ngàn cổ đông. Mặc dù có những bước đường phát triển với khó khăn thuận lợi khác nhau song các mô hình tập đoàn này đều có những điểm chung, đó là:

- Hầu hết các tập đoàn tại Việt Nam đều trong giai đoạn mới hình thành và phát triển.

- Hầu hết các mô hình tập đoàn này đều có điểm xuất phát là mô hình công ty gia đình hoặc nhóm nhà đầu tư thân cận.

- Hầu hết các mô hình tập đoàn này đều có xu hướng muốn mở rộng mô hình, ngành nghề, tăng cường liên kết, sáp nhập cũng như đẩy nhanh cổ phần hoá, đẩy mạnh chuyên nghiệp hoá.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

Bảng xếp hạng chung về doanh thu của các tập đoàn năm 2008, do Vietnam Report công bố thường niên, có thể thấy 8 trong số 10 doanh nghiệp hàng đầu là các tập đoàn kinh tế nhà nước: Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không Việt Nam … Và trong danh sách Top 500 Doanh nghiệp dân doanh lớn nhất Việt Nam có những công ty cổ phần tập đoàn, tổng công ty như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, công ty CP Prime Group, công ty CPTĐ Mai Linh, Tổng công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu FOODINCO, công ty CPTĐ Hoa Sen, công ty CPTĐ Hanaka, công ty CPTĐ Phú Thái, công ty CPTĐ CMC, công ty CPTĐ kỹ nghệ gỗ Trường Thành…

Việc hình thành tập đoàn kinh tế được coi là bước tất yếu trong sự phát triển của doanh nghiệp hiện đại, có lợi cho việc nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, trình độ kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và tiêu thụ. Mô hình tập đoàn có các ưu thế như quy mô lớn, khả năng chống đỡ rủi ro tốt, hiệu quả là lợi ích kinh tế cao, cạnh tranh thị trường vững, dễ dàng đa dạng hoá ngành nghề, thương hiệu mạnh… Lựa chọn mô hình tập đoàn cũng là một giải pháp để khắc phục những nhược điểm hiện nay của các tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, việc phát triển thành tập đoàn đang được xem như một phương thức để các doanh nghiệp khẳng định đẳng cấp quốc gia, đẳng cấp khu vực và tiến ra thế giới. Nhưng số lượng các tập đoàn ngày một phát triển và mở rộng hơn chắc chắn cũng có tác động không nhỏ đến môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng đến mối quan hệ với các doanh nghiệp cùng ngành không tham gia trong tập đoàn. Đặc biệt là việc một tập đoàn được hình thành có thể dễ dẫn đến vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh gây hạn chế cạnh tranh. Hơn

Tập trung kinh tế: xu hướng và những vấn đề đặt ra tại Việt Nam - 6

nữa, qua quá trình hoạt động, ở chính những mô hình mới này, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn và đặt ra hàng loạt các quan hệ đa dạng cần chế định về mặt pháp lý.

7. Các ngành có mức độ tập trung kinh tế cao nhất

Tại hầu hết các quốc gia có pháp luật về cạnh tranh, mức độ tập trung của một ngành được cơ quan quản lý cạnh tranh sử dụng như một chỉ số xác định quy mô tương đối của các doanh nghiệp trong quan hệ với toàn bộ các doanh nghiệp khác trong cùng ngành. Trong đó chỉ số tập trung thường được sử dụng nhất là tỷ lệ tập trung mức 3 (Concentration Ratio 3 - CR3) tức tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường ngành đó.

Theo số liệu về doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường Việt Nam, 20 nhóm ngành có mức độ tập trung kinh tế cao nhất đều có CR3 trên 50%. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong số đó là: ngành xử lý ô nhiễm và quản lý chất thải đặc biệt (100%), khai thác dầu thô và khí tự nhiên (99,97%), viễn thông (85,96%), vận tải hàng không (76,25%), sản xuất sản phẩm thuốc lá (57,74%). Xét về từng doanh nghiệp cụ thể, một số doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong các nhóm ngành có thể kể đến: Vietsovpetro (78% - khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên), VNPT (53% - viễn thông), Vietnam Airlines (51% - vận tải hàng không), Agribank (43% - dịch vụ tài chính – ngân hàng), Hualon Corporation Vietnam (33% - dệt), Nhà xuất bản Giáo dục (27% - xuất bản), Canon Vietnam (25% - sản xuất hàng điện tử), Công ty thuốc lá Sài Gòn (24% - sản xuất thuốc lá), Honda Vietnam (24% - sản xuất xe máy), Toyota Vietnam (21% - sản xuất ô tô).

Qua khảo sát có thể thấy chỉ số này phản ánh khá rõ thực trạng các ngành công nghiệp của nước ta và cũng thể hiện được đặc điểm của một nước có nền kinh tế chuyển đổi. Cụ thể là: các ngành, lĩnh vực có mức độ tập trung cao (trên 65%) đều là các lĩnh vực công ích, là các lĩnh vực mà khu vực tư nhân ít đầu tư (xử lý ô nhiễm và quản lý chất thải; hoạt động thư viện, lưu trữ và bảo tàng; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung;…) và các ngành đang dần chuyển từ độc quyền nhà nước sang mở cửa cạnh tranh như dịch vụ tài chính, vận tải hàng không, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên…

II. Những vấn đề về tập trung kinh tế đặt ra tại Việt Nam‌

1. Xác định ranh giới giữa tập trung kinh tế bị cấm và quyền tự do thành lập, đổi mới doanh nghiệp

Vấn đề đặt ra là mặc dù cần phải đưa ra các biện pháp kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế để tránh xuất hiện nguy cơ dẫn đến độc quyền, hạn chế cạnh tranh; song cũng nên xác định ranh giới. Bởi tập trung kinh tế cũng thuộc phạm trù của quyền tự do thành lập và thay đổi loại hình kinh doanh, được ghi nhận trong pháp luật về doanh nghiệp. Do đó việc áp dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh cũng phải đảm bảo phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về doanh nghiệp. Nói cách khác, phải xác định được ranh giới giữa những trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo Luật cạnh tranh và quyền tự do thành lập, đổi mới tổ chức và hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.

Quá trình hội nhập kinh tế đã gây sức ép lên Chính phủ, tạo áp lực để hình thành các tập đoàn kinh tế với hi vọng nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong trường hợp mô hình tập đoàn được nhân rộng thì chính sách này sẽ là một trong những nhân tố làm vô hiệu hoá Luật cạnh tranh theo góc độ kiểm soát tập trung kinh tế. Với thực tế trên, cần phải tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết mâu thuẫn giữa chính sách cạnh tranh và chính sách đổi mới doanh nghiệp nhà nước, giữa chính sách cạnh tranh và các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

2. Về cơ sở pháp lý cho tập trung kinh tế

Bên cạnh Luật Cạnh tranh, các văn bản luật khác cũng có những quy định liên quan đến tập trung kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán. Và đôi khi một số quy định tại các luật này còn chưa được thống nhất. Vì khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng, nằm rải rác tại nhiều văn bản và trong nhiều trường hợp xung đột nhau đã làm các cơ quan quản lý cả Trung ương và địa phương rất khó khăn trong việc áp dụng luật pháp. Ví dụ, các hoạt động tập trung kinh tế liên quan tới các doanh nghiệp đã niêm yết thì do UBCKNN quản lý, liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo một số doanh nghiệp có tham gia tập trung kinh tế thì cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay là trở ngại lớn đối với họ, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tiến hành hoạt động mua lại. Nếu viện dẫn các quy định pháp lý hiện nay, khi mua lại một doanh nghiệp thì bên mua phải chịu hoàn toàn mọi vấn đề liên quan đến pháp nhân của doanh nghiệp đấy. Những khoản nợ, những rủi ro trong hoạt động thương mại và cả những vấn đề liên quan đến pháp lý của doanh nghiệp bán khi chuyển nhượng cho bên mua thì bên mua phải chịu toàn bộ. Đây là một hạn chế khiến cho các doanh nghiệp mua trở nên khó khăn.

Ngoài ra, một số quy định còn chồng chéo nhau cụ thể như quy định về hình thức thanh toán. Việc thanh toán mua cổ phần bằng VND, ngoại tệ, vàng... cũng cần quy định rõ ràng và đồng nhất. Luật Doanh nghiệp quy định đồng tiền mua cổ phần bằng VND, ngoại tệ hay vàng, nhưng các quy định sau thì yêu cầu là VND.…

Khi tiến hành tập trung kinh tế, trong trường hợp này là hoạt động sáp nhập doanh nghiệp thì việc sáp nhập nhân lực là việc làm tất yếu; nhưng những quy chế về việc sáp nhập này cũng chưa được rõ ràng, gây khó cho những doanh nghiệp mua. Ngoài việc áp dụng luật lao động thì còn nhiều vấn đề pháp lý phát sinh như việc sử dụng lao động, việc thanh toán bảo hiểm xã hội…

Rõ ràng, trong tương lai rất cần một khung pháp lý thống nhất để làm cơ sở pháp lý cho thị trường này. Khung pháp luật cho việc quản lí kiểm soát tập trung kinh tế cần được nghiên cứu, xem xét trong mối quan hệ với những luật khác, tiếp tục hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lí xây dựng những biện pháp mới hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc kiểm soát quá trình tập trung kinh tế. Đây cũng là vấn đề cần phải được phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong quá trình thực thi Luật Cạnh tranh

3. Vấn đề liên quan đến tiêu chí thị phần

Theo Khoản 1 Điều 20 Luật Cạnh tranh năm 2004, “Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.” Tiêu chí này khó xác định vì theo Luật Cạnh tranh, thị phần là tỉ lệ doanh số của doanh nghiệp so với tổng doanh số trên thị

trường liên quan (theo tháng, quý, năm). Về lý thuyết, khái niệm này được giải thích hoàn toàn hợp lý và chính xác. Nhưng trên thực tiễn, cơ quan quản lý cạnh tranh khó có thể xác định được khái niệm này bởi không có số liệu thống kê thị phần của doanh nghiệp theo tháng, quý, thống kê theo năm cũng rất phức tạp. Tại hầu hết các quốc gia, quá trình xác định thị phần của doanh nghiệp luôn gặp khó

khăn do không thể thống nhất được ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp do tính phức tạp của thị trường liên quan15. Hơn nữa, bản thân các doanh nghiệp cũng không mong muốn cung cấp số liệu thị phần chính xác khi có ý định tập trung kinh tế, và việc xác định thị phần kết hợp trên thị trường liên quan là một vấn đề kỹ thuật khó đối với các doanh nghiệp. Để nghiên cứu thị phần, các doanh

nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn xem có phải thông báo cho Cục cạnh tranh hay không trước khi tiến hành hoạt động tập trung kinh tế. Như vậy, sẽ có không ít các trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tập trung kinh tế sẽ tránh thông báo với Cục quản lý cạnh tranh.

4. Về thông báo tập trung kinh tế

Việc thông báo tập trung kinh tế cho Cục Quản lý cạnh tranh hiện nay vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân một phần vì hơn 90% doanh nghiệp hiện nay ở nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên mức độ kết hợp thị phần còn thấp (dưới 30%). Nhưng bên cạnh đó, như đã đề cập thì việc thông báo tập trung kinh tế căn cứ theo tiêu chí thị phần cũng đã làm cho khá nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định thị phần mà cho rằng thị phần của mình không đạt ngưỡng quy định phải thông báo và như vậy, cũng không phải thông báo với VCA. Hơn nữa, tính minh bạch trong quản trị ở hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam lại rất yếu kém, không ít các công ty còn sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán. Một sổ được hạch toán dựa trên các hóa đơn chứng từ hợp pháp và đầy đủ là cơ sở để soạn lập báo cáo thuế và quyết toán thuế cuối năm. Một hệ thống sổ sách khác được theo dõi nội bộ mà trong đó, có các khoản doanh thu và chi phí vì nhiều lý do mà không có hóa đơn chứng từ


15 Khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan”.

hợp lệ. Khi sử dụng các con số để thuyết phục hay dùng làm số liệu quá khứ để dự đoán tăng trưởng của doanh nghiệp được định giá cho các nhà đầu tư, thì các doanh nghiệp thường dùng hệ thống sổ sách nội bộ do các số liệu này có thể làm tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, mặc dù thông tin này không bao giờ được doanh nghiệp công bố ra bên ngoài. Tuy cách làm này là vi phạm pháp luật, nhưng trên thực tế vẫn không thể tránh khỏi. Việc sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán dễ dẫn đến việc cung cấp thông tin không chính xác về mặt giá trị, giúp các doanh nghiệp dễ dàng lách luật hơn

Kết quả là, kể từ khi Luật Cạnh tranh năm 2004 có hiệu lực, mới có khoảng 20 trường hợp tập trung kinh tế tiến hành tham vấn (bằng văn bản hoặc làm việc trực tiếp) với Ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, thuộc Cục Quản lý cạnh tranh (VCA), trong đó chủ yếu là các vụ việc diễn ra trong các ngành bán lẻ, hóa chất, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ giải trí. VCA đã phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Sở để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật về tập trung kinh tế.

Trong năm 2007, VCA chính thức tiếp nhận 1 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đối với trường hợp một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại một công ty trong nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất - nhựa chuyên dụng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian xử lý vụ việc, các bên liên quan đã đi đến quyết định không thực hiện hợp đồng nữa. Còn trong năm 2008, VCA tiếp nhận 2 hồ sơ tập trung kinh tế thuộc loại hình mua lại và hợp nhất trong lĩnh vực điện tử

và giấy16. Nhìn chung, số vụ việc tập trung kinh tế có thông báo cho VCA, tính đến nay

còn ít nếu so với tổng số các vụ mua lại và sáp nhập diễn ra tại thị trường Việt Nam thời gian qua (trên 100 vụ), điều này cho thấy các hoạt động tập trung kinh tế thuộc đối tượng phải thông báo là rất ít tại Việt Nam.

5. Về loại tập trung kinh tế


16 Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, Báo cáo tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và dự báo, Hà Nội tháng 1 năm 2009

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 11/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí