còn ra lệnh để khiển trách và răn đe các quan phải thực hiện nghiêm chế độ lương bổng: “Nhà nước đã có quy định lương bổng để giữ liêm khiết, lại có ban bố phép tắc để theo đó mà làm. Nay bọn các ngươi không chịu giữ phép, khi làm việc công thì mượn tiếng việc công để lo chạy việc tư, khi xét kiện tụng thì lo nhận hối lộ mà b cong phép nước, khiến những người đi đường ai cũng than oán. Xét mối tệ hại này hẳn không là việc nhỏ. Nay các ngươi phải gột rửa lòng mình, giữ thân liêm khiết, gắng gỏi việc công, yêu thương quân dân, khiến chúng thần dân được yên nghiệp, thì các ngươi cũng được yên nghiệp. Nếu vẫn mê muộn không chừa, bị người cáo giác, hoặc dò xét được thực trạng sẽ bị trị năng hơn luật thường 2 bậc. Quan trên và đồng liêu
không biết khuyên răn, thì khi việc bị phát giác, cũng bị trị tội theo luật và cắt phần thưởng”.13
Dưới triều Nguyễn, cùng với chế độ lương bổng được ban hành, cuối thời Gia Long, nhà vua còn quy định một khoản cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại, còn gọi là tiền dưỡng liêm. Lúc đầu khoản tiền này chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như Tri phủ, Tri huyện, bởi theo quan điểm của vua Gia Long thì “Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”. Sau này dưới thời Vua Minh Mạng đối tượng được hưởng khoản tiền dưỡng liêm này được mở rộng hơn, ngoài Tri phủ, Tri huyện thì các quan giữ chức Tri Châu, Đồng tri phủ cũng được cấp loại tiền này, vì theo Vua Minh Mạng thì “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”. Đặc biệt dưới thời Vua Tự Đức, tiền dưỡng liêm còn được cấp cho các phái viên thu thuế quan. Chế độ tiền dưỡng liêm chỉ được áp dụng cho các quan lại các cấp ở địa phương, quan chức thuộc bộ máy Trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này.
Theo các tài liệu lịch sử thì giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới triều Nguyễn rất lớn, nó tương đương với số lương bổng họ được nhận
13 Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội – 1998, tr.361.
thực hàng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm để bảo vệ tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham những trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.
Thứ ba, thành lập các cơ quan giám sát thực quyền và hiệu quả.
Cùng với việc cải cách, củng cố bộ máy quan lại, các triều đình phong kiến còn có những biện pháp, quy chế tương đối chặt chẽ để có thể giám sát hành vi của quan lại. Ngay từ thời nhà Trần, triều đình đã đặt Ngự sử đài là cơ quan làm nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại triều đình.
Dưới triều Lê, Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra 6 khoa để giám sát các quan lại thi hành công vụ. Ngự sử đài được đặt ở vị trí quan trọng, đứng đầu các bộ phận trong Ngự sử đài thường là những người có học vị tiến sĩ nắm giữ. Ngoài Ngự sử đài, triều đình còn đặt ra Lục khoa là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm tâu hặc quan lại sai trái và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ. Ở địa phương triều đình lập ra cơ quan Giám sát Ngự sử để đi xem xét công việc ở cấp đạo trở xuống. Mỗi đạo lại có Hiến sát sứ ty để thanh tra quan lại tránh sự nhũng nhiễu dân chúng, đồng thời còn để kịp thời phát giác và hạch tội các quan, làm rõ những điều uẩn khuất trong dân chúng.
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Và Các Tiêu Chí Hoàn Thiện Pháp Luật Về Phòng, Chống Tham Nhũng
- Sự Cần Thiết Và Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Việc Hoàn Thiện Pháp Luật Về Phòng, Chống Tham Nhũng
- Pháp Luật Và Kinh Nghiệm Về Phòng, Chống Tham Nhũng Trong Lịch Sử Phong Kiến Việt Nam
- Tổ Chức Cơ Quan Chống Tham Nhũng Hoạt Động Độc Lập, Trong Sạch, Hiệu Quả
- Những Giá Trị Tham Khảo Cho Việc Hoàn Thiện Pháp Luật Phòng, Chống Tham Nhũng Ở Việt Nam Hiện Nay
- Nội Dung Của Pháp Luật Về Trách Nhiệm Của Người Đứng Đầu Cơ Quan, Tổ Chức, Đơn Vị
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Năm 1804, dưới triều Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi, Vua Gia Long đặt các chức Đô ngự sử và Phó đô ngự sử. Năm 1827, vua Minh Mạng đặt thêm các chức Cấp sự trung và Giám sát ngự sử. Đến năm 1832, ông chính thức đặt Đô Sát viện với một quy chế đầy đủ bao gồm Lục khoa và Giám sát ngự sử các đạo. Đô Sát viện với một đội ngũ Ngôn quan được phép có lời nói thẳng, nói thật, khuyên ngăn việc nước. Chức năng của Đô Sát viện được xác định là: “Phàm hoàng thân quốc thích, quan viên lớn nhỏ có điều làm bất công, bất pháp, thực trạng tham nhũng hay liêm khiết, hay hoặc dở của quan chức trong ngoài, cùng các chương tấu có ý kiến không theo công lý đều được tham hặc…”. Nhiệm vụ của Đô Sát Viện là giám sát hành vi của các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích để phát hiện ra những hành vi khuất tất,
không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền đều phải tham hặc. Đô Sát Viện còn giám sát cả việc thi cử tuyển chọn nhân tài cho đất nước nhằm đảm bảo sự công bằng trong thi tuyển, lựa chọn được người hiền tài giúp nước, giúp vua.
Để thi hành công vụ, Đô Sát Viện có một hệ thống giám sát đoàn, Giám sát ngự sử 16 đạo trong Đô Sát Viện có nhiệm vụ giám sát dưới địa phương để phát hiện quan lại có tệ tham ô, tham hặc, những việc không công bằng, không giữ phép. Các quan chức trong Đô Sát Viện và các giám sát đoàn cũng có quyền “hặc tấu lẫn nhau”.
Đô Sát viện là cơ quan độc lập ở Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hoàng đế. Đó là cơ quan giám sát có quyền lực lớn nhất trong lịch sử tổ chức ngành Giám sát thời quân chủ ở Việt Nam. Có thể nói, Đô Sát Viện trên thực tế là cơ quan giám sát cao nhất và hoàn chỉnh nhất của triều Nguyễn, nó tạo nên một hệ thống giám sát từ Trung ương đến các địa phương chặt chẽ, vừa tăng cường được hiệu lực của cơ chế quân chủ tập quyền, vừa đảm bảo sự minh bạch, góp phần làm trong sạch bộ máy cai trị thời này.
Thứ tư, chống tham nhũng là việc của toàn dân.
Các quy định của pháp luật phong kiến đều thể hiện sự đề cao chế định tố cáo tham nhũng. Các triều đại đều có cơ chế khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng hiệu quả và coi đây là việc làm cần thiết vì phải có sự hợp lực bảo vệ, để người dân không bị trù dập khi tố cáo hành vi tham nhũng, ngăn chặn mọi yếu tố trả thù của k tham nhũng và vây cánh.
Thời Lý quy định những người tố giác việc ăn trộm thuế triều đình của các viên quan thu thuế thì được miễn lao dịch ba năm, người ở kinh thành cáo giác thì được thưởng. Quốc triều Hình luật của Nhà Lê cũng có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng xứng đáng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng: “Người thu lúa thuế ruộng, mà giấu giếm giảm bớt không đúng sự thực… thì người cáo giác được thưởng tùy theo việc nặng nhẹ” (Điều 351 Quốc triều Hình luật); Tuyển chọn quân lính không đúng quy định
thì người tố giác đúng sự thật thì có thưởng tùy theo việc lớn nhỏ (Điều 170 Quốc triều Hình luật)…
Pháp luật triều Nguyễn cũng thế hiện rất rõ những quan niệm này, Vua Gia Long quy định nếu người coi kho và người bảo vệ biết được hành vi và thủ đoạn người lấy trộm và tố cáo thì được miễn tội. Nếu người bên ngoài phát hiện quả tang hành vi thì được thưởng gấp 10 lần số tang vật. Nếu chủ kho và lính bắt được quả tang thì thưởng gấp 5 lần.
Để phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia vào công việc của triều đình nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng, các triều đại khác nhau đều có các hình thức thích hợp để khuyến khích họ. Vua Lê Thánh Tông cho đặt hòm thư tại sân đình để người dân có thể viết thư phản ảnh và bỏ vào đó; người dân được phép yết bảng nêu việc làm tốt, xấu của quan lại địa phương.
Dưới triều Nguyễn, Vua Gia Định đã mở hòm thư “dân ý” để thông suốt ý dân; nhà vua cũng ban chiếu “cầu ngôn” để được nghe lời nói thẳng, quy tụ nhân tâm, chiều mộ hiền tài. Để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng, nhà Vua quy định tất cả các quy chế nội dung công việc đều được công khai minh bạch, tạo điều kiện cho người dân giám sát dễ dàng. Nhà nước yêu cầu dân chúng, đặc biệt là binh lính, thợ thuyền phải luôn quan tâm đến tài sản, vật tư của quốc gia. Trên các công trường, các chỉ dụ của Vua về tội tham nhũng, cách xử tội, danh sách các quan vi phạm được làm thành nhiều bản, niêm yết nhiều nơi, nhằm công khai cho mọi người biết thủ đoạn moi ruột
công quỹ và biển thủ vật tư, từ đó để mọi người cảnh giác và phát hiện.14
Có thể thấy rằng ông cha ta trước đây luôn quan niệm coi phòng, chống tham nhũng là việc của toàn dân để từ đó đề ra những biện pháp, hình thức khuyến khích hợp lý để người dân tố cáo tham nhũng đã mang lại những hiệu
14 Phạm Thị Huệ , Phòng, chống tham nhũng trong pháp luật phong kiến Việt Nam, xem tại http://www.truongcanbothanhtra.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/nghien-cuu-trao- doi/1968-phong-chong-tham-nhung-trong-phap-luat-phong-kien-viet-nam.html
quả nhất định trong việc xây dựng bộ máy phong kiếm vững mạnh, thanh liêm, xây dựng niềm tin trong dân chúng.
2.1.2. Xử lý hành vi tham nhũng trong pháp luật phong kiến Việt Nam
Không chỉ chủ động phòng ngừa tham nhũng mà các triều đại phong kiến Việt Nam còn có những biện pháp xủ lý kiên quyết, nghiêm ngặt, kịp thời những quan lại có hành vi tham nhũng.
Nhà Lê, trong Quốc triều Hình luật đã quy định rõ các hành vi quan lại lợi dụng chức quyền để vụ lợi, tham nhũng như: nhận hối lộ, đòi hối lộ, sách nhiễu dân, gây khó dễ cho việc thu chi, giấu đất công, giấu đồ vật của công, chiếm ruộng đất công, sử dụng đất công quá hạn định, chiếm đoạt đất đai của lương dân, tự tiện đặt thêm quan chức, tự tiện thuyên chuyển quan dưới quyền, tự tiện sai khiến dân đinh, bắt dân phu làm việc riêng, lấy của dân vào việc riêng, dùng quân nhu vào việc riêng, tùy tiện thu thuế của dân, tự ý thu đồ vật của con nợ, đi công cán về tâu trình không đúng thực, chậm trễ, sao nhãng việc công, thi hành sắc lệnh không nghiêm… Ứng với mỗi hành vi đều có những hình thức xử lý nghiêm khắc, tùy thuộc vào tính chất, mức độ và nhân thân, sự cống hiến của quan chức.
Về nhận hối lộ, Quốc triều Hình luật quy định hình thức xử lý khá nghiêm, bên cạnh phải chịu hình phạt thì k nhận hối lộ còn phải nộp gấp đôi số tiền đã nhận vào ngân sách: “Quan ty làm ăn trái luật mà ăn hối lộ từ một quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức; từ 10 quan đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém. Những bậc công thần quý thần cùng những người có tài được dự vào hạng bát nghị mà ăn hối lộ từ một quan đến 9 quan thì xử phạt tiền 50 quan; từ 10 quan đến 19 quan thì phạt tiền từ 60 quan đến 100 quan; từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ, những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho” (Điều 138).
Bên cạnh việc xử lý quan lại ăn hối lộ, Quốc triều Hình luật cũng quy định việc xử lý đối với người đưa hối lộ nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh và động cơ của họ, số tiền hối lộ phải nộp vào ngân sách. Trong một số trường
hợp, những người biết tội phạm mà không báo cáo lại còn ăn hối lộ để bao che thì cũng bị xử lý. Điều 192 quy định: “Những người coi chợ và người lính thợ thấy trong chợ có người làm đồ vật giả dối hay phá hủy tiền đồng mà tha thứ không bắt trình quan, thì bị tội biếm hoặc phạt. Người ăn hối lộ dung túng việc đó thì tội cũng giống như chính phạm”. Trong một số trường hợp nếu nhận hối lộ mà làm không đúng quy định thì xử lý nặng hơn: “Viên quan được sai đi công tác, xem xét việc gì về tâu trình không đúng sự thực thì phải tội biếm hay đồ,… nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm 2 bậc” (Điều 120).
Đối với hành vi đòi hối lộ, Quốc triều Hình luật quy định xử lý trong một số trường hợp lợi dụng để đòi hối lộ và chế tài xử lý trong các trường hợp này là khá nghiêm khắc. Điều 626 quy định: “Các quan đại thần, quan hành khiển cùng các quan coi ngục tụng, nếu k tội nhân xét tình đáng thương, nên được vua ân tha cho mà lại tự nhận là ơn của mình, để đòi hối lộ, thì xử tội đồ, tội lưu hay tội chết”.
Đối với các trường hợp giấu đất đai, tài sản của công để chiếm đoạt hoặc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi đều bị xử lý nghiêm: “Giấu những đồ vật của công từ 1 quan trở lên thì xử tội biếm; từ 10 quan trở lên thì xử tội đồ; 20 quan trở lên thì xử tội lưu; 50 quan trở lên thì phải xử tử. Nếu giấu mà chưa chiếm hẳn làm của mình, thì được giảm tội hai bậc” (Điều 594); “Những người coi việc đào sông, làm cảng và quan đắp ải mà giấu bớt dân phu, sách nhiễu tiền của thì bị tội biếm hoặc đồ, phải bồi thường gấp hai, trả lại cho dân” (Điều 184); “Những người công sai đến các lộ, các huyện mà bắt ép phu khuân vác đưa đón và lấy lương thực, vật liệu quá nhiều thì bị tội xuy, đánh 50 roi, biếm một tư, phải bồi thường gấp đôi tang vật trả cho dân” (Điều 185); “Những người coi chợ trong kinh thành sách nhiễu tiền lều chợ thì xử tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư, lấy thuế chợ quá nặng biếm hai tư, mất chức coi chợ, bồi thường tiền gấp đôi trả cho dân” (Điều 186); “Những quan tướng hiệu cai quản (...) ăn bớt của công (…) xét tội nhẹ thì bị biếm hay cách chức, tội nặng thì bị đồ hay lưu. Nếu khi chống giặc mà phạm thì không kể nặng
nhẹ đều phải chém” (Điều 241); “Những đồ quân nhu mà tướng lĩnh lấy dùng vào việc riêng thì xử tội biếm hay bãi chức; và bồi thường gấp đôi nộp vào quân” (Điều 280); “Các quan ty tự tiện lấy của cải đồ vật của quân dân, dùng vào việc riêng tư, thì xử như tội ăn hối lộ, và phải bồi thường gấp đôi trả cho quân dân” (Điều 639). “Quan dân không theo chế độ ruộng đất mà lạm chiếm phần mình thì xử tội biếm hay đồ” (Điều 372); “Các nhà quyền quý chiếm đoạt nhà cửa ruộng đất ao đầm của lương dân, từ một mẫu trở lên, thì xử tội phạt; từ 5 mẫu trở lên, thì xử tội biếm. Quan tam phẩm trở xuống thì xử tội tăng thêm hai bậc và phải bồi thường như luật định” (Điều 370); “Những người phu dân thợ thuyền đang làm việc mà quan chủ ty giám đương lại sai làm việc riêng, thì xử tội biếm hay bãi chức, và phải trả tiền công thuê nộp vào kho” (Điều 571).
Những người có chức, có quyền để vợ và những người thân lợi dụng để vụ lợi cũng bị xử lý: “Các quan cai quản quan dân các hạt, vô cớ mà đi đến những làng xã trong hạt, hay là cho vợ cả, vợ lẽ, người nhà đi lại, mượn việc mua bán làm cớ, để quấy nhiễu quân dân, lấy của biếu xén, thì xử tội biếm hay bãi chức” (Điều 632). Quốc triều Hình luật quy định những trường hợp đòi tiền lương, tiền công quá mức cũng bị xử lý nhằm hạn chế những hành vi tham lam tư lợi của quan chức và những người có liên quan trong xã hội. Điều 193 quy định “Những người đòi tiền lương quá phận của mình, nếu là quan chức thì bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư, và bãi chức, viên thuộc lại bị tội đồ làm tù quét dọn nơi đang làm việc, người tư giám bị tội đồ làm tù quét dọn trong trại lính, phải bồi thường tiền gấp đôi trả theo luật. Người không đáng được ăn lương mà lại đòi tiền thì bị xử tội thêm một bậc”.
Quốc triều Hình luật quy định các biện pháp chế tài xử lý đối với các trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng, thuyên chuyển quan chức và người làm việc trong các cơ quan nhà nước không đúng quy định. Điều 97 quy định: “Quan lại đặt ra có số nhất định, nếu bổ dụng hay đặt ra quá hạn định, hay không nên đặt ra mà đặt ra (nghĩa là không tâu xin) thì thừa một viên phải
phạt 60 trượng, biếm hai tư và bãi chức; thừa 2 viên trở lên thì thì xử tội đồ, người sau biết mà để yên thì xử tội nhẹ hơn người trước một bậc”. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ đối với các trường hợp quan lại được bổ nhiệm nằm ngoài quy định cũng bị xử lý “Người xin vào chức đặt thừa ấy phải phạt 50 roi, biếm một tư… Những người ỷ thế nhà quyền quý để cầu cạnh xin quan tước thì xử tội biếm hay đồ; k dưới quyền quan ty cũng bắt tội như thế” (Điều 139). Đối với người quyết định bổ nhiệm, luân chuyển một cách tùy tiện, không theo thứ bậc cũng bị xử lý “Các quan sảnh, quan viện, phê vào sổ thăng trật, thuyên chuyển các quan văn võ bậc dưới và các quan coi tăng tạo mà chẳng theo thứ bậc, tự tiện thay đổi thì bị tội đồ và bắt cải chính; nếu phạm nặng thì xử thêm tội” (Điều 152).
Kế thừa tư tưởng của Quốc triều Hình luật, Luật Gia Long triều Nguyễn có 17 quyển riêng quy định về Luật hình đối với tội nhận đút lót (hối lộ) và gần 20 điều khoản liên quan đến nội dung này. Điều 392 Luật Gia Long quy định rõ: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư kho cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà nếu tang vật thu được lên đến 40 lượng thì bị chém”.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, dù ở những mức độ khác nhau, song nhìn chung các triều đại phong kiến Việt Nam đã có những biện pháp khá toàn diện và hiệu quả trong ngăn ngừa và xử lý tệ tham nhũng của đội ngũ quan lại. Trên một khía cạnh nhất định, hệ thống những biện pháp đó đã góp phần quan trọng giúp các triều đại phong kiến phòng, chống tham nhũng có hiệu quả đặc biệt là ở vào những giai đonạ chính trị. Ngày nay trong tình hình mới, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, những kinh nghiệm quý báu của ông cha ta trong lĩnh vực này vẫn còn nguyên giá trị.
2.2. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về phòng, chống tham nhũng
Như đã khẳng định trước đó, tham nhũng là “đại dịch toàn cầu”, là vấn nạn của mọi quốc gia trên thế giới. Giống như một căn bệnh ung thư quái ác,