hóa học. Trong quan hệ với chồng chính cái nghèo vật chất đã khiến không gian của tình dục bị tổn thương nghiêm trọng. Hai mối quan hệ sau lại bị cái nghèo tinh thần và trí tuệ làm tổn thương. Trải qua ba người đàn ông, người đàn bà rơi vào thẳm sâu bi kịch “Đầu óc tôi mụ mị. Tôi muốn chết”. Đỉnh cao bi kịch trong đời sống tình dục của người phụ nữ ấy là khi cô phải dùng “liệu pháp chim giả” để thay thế cả thế giới đàn ông. Trong tận cùng tuyệt vọng nhân vật bi kịch đã phải dùng dụng cụ công nghiệp để làm thỏa mãn những đòi hỏi của cơ thể đồng thời cũng là cách để giữ lấy sự kiêu hãnh của một tiến sĩ xã hội học. Và cô đã giải mã bản thân “Thực ra đó là hành trình tôi đang đi tìm kiếm tình yêu. Tôi đâu có lụy nhiều cái gọi là tình dục.” Như vậy thiếu tình yêu, tình dục chỉ là quan hệ xác thịt, đọng lại sau đó là nỗi đau xót cho thân phận luôn khao khát một tình yêu trọn vẹn. Sự xót xa thấm thía khi có tình yêu mà tình dục không được thỏa mãn, sự ê chề khi tình dục được thỏa mãn mà không có tình yêu chính là những giá trị nhân văn trong truyện của Y Ban. Ở Tự người ta không những hiểu mà còn rất thấm thía về cách đối xử với nhu cầu tình dục của con người trong xã hội. Con người cứ mải mê đi tìm rồi bị rơi vào cảm giác hụt hẫng, thất vọng rồi lại đi tìm. Câu chuyện thực sự đã “tạo được một cái nhìn trực diện vào chủ đề tình dục”, đặc biệt là tình dục với phụ nữ. Đã là con người thì tình dục là nhu cầu, mà là nhu cầu thì cần được đáp ứng. Hơn nữa đây là nhu cầu chính đáng của bản năng thì càng không thể “lờ đi” hoặc xem thường. Người phụ nữ có khát khao được dâng hiến nhưng họ cũng có khát khao được tận hưởng, được đạt tới sự khoái cảm trong tình dục. Nhân vật của Y Ban dù ít học như thị trong I am đàn bà hay có địa vị trong xã hội như người đàn bà trong Tự đều có ham muốn tự nhiên của con người nhưng đều bị cản trở bởi ranh giới của luân lí. Rồi họ cũng có những lựa chọn “là cái sự bất đắc dĩ của một tâm trạng rất đàn bà”. Y Ban đã thay mặt những người phụ nữ nói lên khát vọng sống mãnh liệt và đầy bản
năng của giới mình. Tuy nhiên trong I am đàn bà và Tự nhiều cảnh sex Y Ban miêu tả hơi “mạnh tay”, hơi quá “trần trụi” và nhà văn cũng công nhận là mình đã buông thả ngòi bút. Điều này khiến độc giả Việt Nam khó có thể chấp nhận ngay lối viết như vậy bởi họ chỉ quen với những hình ảnh đẹp, nên thơ. Đây là một cản trở trong việc tiếp nhận truyện ngắn của Y Ban.
Truyện ngắn của Y Ban còn đi sâu khai thác bi kịch của những người mẹ. Trong Mẹ không thể xin lỗi con ta có thể thấy bi kịch của hai người phụ nữ - hai người mẹ - trong mối quan hệ giữa ba thế hệ trong một gia đình. Bà ngoại “phải làm nhiệm vụ canh gác” cho ông dẫn “cô người yêu phi dê” về nhà tình tự. “Bà canh cho ông ấy trong trạng thái tức thở, tim bị bóp nghẹt, đầu bị kẹp chặt bởi hai thanh gỗ. Thi thoảng bà phải thở hộc lên để không ngã lăn ra đất. Mà khốn khổ nữa là, phải không được than thở, kêu rên trời đất. Một là để cho con cái không biết, hai là để cho hàng xóm không biết.” Bà phải chịu đựng để giữ gìn thanh danh cho chồng và để những đứa con không bị chết đói. Còn gì cay đắng và uất ức hơn khi chính tay bà phải dọn dẹp giặt giũ chăn chiếu mà đôi tình nhân đã quần thảo tướp tơ. Nhưng người chồng đã không hiểu cho bà mà còn lấn tới nên bà “phải đấm vào ngực” để cơn nghẹn trôi xuống. Cái kiếp của người phụ nữ sao họ chẳng được sống cho chính mình, suốt đời nhục nhã đớn đau cam chịu vì chồng vì con. Và đến khi bà “không còn sức chịu đựng nữa” thì nhiệm vụ “canh cửa buồng” lại do con gái lớn của bà đảm nhiệm. Nó mới 16 tuổi mà đã hiểu chuyện nhưng cô bé cũng “khốn khổ và dằn vặt” đến nỗi trong cơn mê ngủ cô thốt lên: “Bố, bố cũng là đảng viên. Con cũng đang phấn đấu trở thành đảng viên như bố mà.” Cô gái ấy lớn lên và trở thành người đàn bà “điêu toa, gian dối, miệng nam mô bồ tát, bụng một bát dao găm” sau khi giải quyết xong chuyện con gái mang về một đứa bé bị bỏ rơi. Người mẹ ấy “một mực im lặng” không giải thích về hành động của mình và chỉ đến bên giường con gái nhìn nó ngủ và “thở dài
quay đi” với những ẩn ức trong tâm hồn mình. Rồi đến khi cô con gái cũng trở thành người mẹ thì lại “lấy quyền làm mẹ, lấy quyền của thế hệ 7x để đàn áp” đứa con gái thuộc thế hệ 9x. Người mẹ ấy đã “nổi cơn điên” vì chuyện con gái mình tự nhận là hèn nhát khi không dám tố cáo tên trộm trên xe buýt. Điều đó đã khiến cô con gái “nhìn mẹ đầy vẻ ghê sợ rồi lặng lẽ đi vào trong phòng” bởi nó đã luôn tin tưởng vào người mẹ - một nhà báo “viết nhiều bài ca ngợi người tốt việc tốt”. Nhưng lần này mẹ lại dạy nó rằng: “Mày thích làm người dũng cảm, mày thích làm người tốt à? Không, không, không, bây giờ không có ai cần người như thế đâu. Mày phải biết thu mình lại, nhẫn nhịn chịu đựng…” Có thể thấy mỗi thế hệ người mẹ phải chịu đựng một bi kịch khác nhau nhưng tựu chung lại họ đều hi sinh bản thân để mang đến điều tốt đẹp cho con mình. Người bà phải nhẫn nhịn chứng kiến cảnh chồng cặp bồ ngay tại nhà mình để đổi lấy miếng cơm manh áo cho những đứa con. Nguyên nhân bi kịch của bà chính là người chồng trăng hoa, tàn nhẫn và khốn nạn. Người mẹ phải chứng kiến bi kịch của người bà khi mới 16 tuổi nên cũng sớm rơi vào bi kịch khi không biết phải dạy con gái mình sống như thế nào trong xã hội hiện đại đầy rẫy toan tính và lừa lọc. Y Ban đã cho người đọc thấy được sức chịu đựng bền bỉ của người phụ nữ vì sự yên ấm của gia đình họ. Đặt nhân vật của mình trong những khoảng thời gian nghệ thuật khác nhau, Y Ban giúp người đọc hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời của họ. Đồng thời nhà văn còn phản ánh được quá trình phát triển của xã hội hiện đại với những mảng tối trong cuộc sống gia đình. Trong truyện của chị ta còn thấy bi kịch của người phụ nữ nông thôn nghèo đông con (Ước mơ của chị Tĩn). Nhà anh chị Tĩn nghèo nhưng lại mắn con. Họ có 5 đứa con: Tĩn, Hùng, Thảo, Thơm, Thừa. Sau khi sinh cu Thừa chị có ước mơ mua một cái quạt máy cho đàn con đỡ nóng trong mùa hè bằng tiền bán bốn con chó con. Nhưng ước mơ của chị không thành hiện thực khi lũ chó con chết dần.
Con thì nhảy vào máng cám nóng, con thì chết đuối dưới ao. Đàn con của chị đau ốm, quấy khóc trong cái “nắng như thiêu như đốt”. Chị chỉ còn biết kêu trời: “Khốn khổ thân con tôi, ai làm con tôi nó khổ thế này. Trời ơi!” Đau đớn, dằn vặt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo thì “quả là chỉ có trời biết” ai làm khổ con chị. Ở đây nhà văn lại mở ra cho người đọc cảnh đời của những người phụ nữ nông thôn không làm chủ được cuộc sống của mình. Họ bị bủa vây bởi cái nghèo đói, họ không có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình. Đau đớn quá họ chỉ biết kêu trời. Bi kịch của chị Tĩn có thể là điển hình của những người phụ nữ nông thôn hay ở những vùng sâu vùng xa hiện nay. Họ cứ quẩn quanh với miếng cơm manh áo mà không tìm được nguyên nhân gây ra bi kịch cho cuộc đời mình. Họ muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo đói, thậm chí chỉ là một mơ ước nhỏ nhoi là có được cái quạt máy như chị Tĩn, nhưng không ai giúp họ. Và họ vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục đối mặt với bi kịch của cuộc đời mình.
Cuộc sống phát triển kéo theo nhiều vấn đề trong gia đình, những rãnh mòn quen thuộc và các ông chồng chưa chắc đã thỏa mãn được nhu cầu của người phụ nữ.Cùng chung một mái nhà nhưng khi người chồng đi “lạc đội hình” cũng đã khiến cho “niềm tin, niềm tự hào, chỗ dựa của người đàn bà bỗng nhiên sụp đổ”. Nhân vật nữ trong Gà ấp bóng là một người đàn bà thành đạt nhưng vẫn có những ẩn ức cần giải tỏa: “Chồng tôi rất yêu vợ con theo cách của anh ấy. Tôi có những cô bạn gái luôn chê chồng mình là nhạt. Còn chồng tôi dường như là mặn quá. Đôi khi sự vồ vập của anh và sự thái quá của anh làm tôi đau. Có thể tôi thiếu một thứ, đó là sự dịu dàng…” Người đàn ông ngoại quốc mà chị gặp trong một chuyến đi công tác lại có thừa sự dịu dàng mà chị đang thiếu. Chị đang rất cần được ôm ấp, vuốt ve nhẹ nhàng, cần được là chính mình chứ không phải gồng theo một khuôn khổ nào đó: “Giá mà em phải lòng được ai đó. Để được chia sẻ, nhớ nhung. Để cho chồng em
Có thể bạn quan tâm!
- Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Y Ban - 3
- Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Y Ban
- Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Y Ban - 5
- Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Truyện Ngắn Y Ban
- Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Y Ban - 8
- Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Y Ban - 9
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
biết, khi vợ mình phải lòng ai là thế nào. Em chán cứ phải lên gân là người đàn bà chính chuyên lắm rồi…” Có lẽ khuôn khổ chật hẹp của những giáo lí đạo đức về bổn phận của người đàn bà đã khiến cho nhận vật này mệt mỏi và muốn được giải phóng mình ra khỏi những điều đã cũ mòn trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên người phụ nữ luôn là phái yếu, cần được bảo vệ và chia sẻ. Họ cần sự khích lệ, cảm thông, tình yêu thương, niềm tin và cả sự bao dung của người đàn ông. Câu chuyện mà người đàn bà kể cho vị thẩm phán là lời tâm sự thành thật sau sự đổ vỡ của gia đình chị. Người đàn bà đứng trước gương cũng là một người đàn bà thành đạt danh giá với cuộc sống gia đình “nhiều người ngó vào mà mơ ước”. Nhưng khi tài năng văn chương thơ phú của nàng bột phát thì “cuộc sống gia đình nàng căng như dây đàn” và họ đã li hôn. Sau đó nàng sống với Hùng – một người đàn ông kém nàng vài tuổi nhưng yêu nàng thắm thiết và đầy ngưỡng mộ. Và khi đứng trước gương ngắm cơ thể của mình có cảm giác như mình vừa “lột xác”, nàng “không còn tự tin” để gặp lại chồng và Hùng. Giờ đây nàng chỉ “thương con nát ruột”. Sự thất vọng về đời sống vợ chồng là một trong những lí do của việc ngoại tình và cũng chính là nguy cơ dẫn đến những bi kịch. Và nếu như đàn ông ngoại tình là để thêm gia vị cho cuộc sống, thì đàn bà ngoại tình là để khỏa lấp sự trống trải và mong tìm được hạnh phúc. Nhưng với đàn bà ngoại tình thực chất cũng chỉ là một sự lựa chọn đầy bi kịch bởi thực tế họ không bao giờ muốn làm điều đó.
Nhân vật nữ trong Ai chọn giùm tôi hi sinh rất nhiều cho người mình yêu nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu. Suốt bảy năm cô sống trong tằn tiện, chăm chỉ, cần mẫn đan từng chiếc áo len để có tiền cho anh ăn học. Khi anh buồn bã, chán chường vì thất nghiệp cô đã sắm đồ hiệu, xe máy, di động cho anh ăn chơi để an ủi. Nhưng chưa bao giờ trong những cuộc vui của anh ta cô được tham dự. Đến khi có việc làm anh ta vội vã ra đi không quên đem
theo những thứ đồ đắt tiền mà cô đã sắm sanh cho. Thế là bao nhiêu hi sinh của cô cho tình yêu trở nên vô nghĩa. Quá đau khổ cô đã bán căn nhà của mình đi bởi một lẽ “Căn nhà đã ghi dấu những kỉ niệm buồn đến nỗi tôi không thể sống trong đó. Mỗi vật dụng trong nhà đều chứng kiến nỗi đau của tôi. Thậm chí đến không khí trong nhà cũng tăng độ ẩm vì nước mắt của tôi.” Trong hành trình tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc, người đàn bà gặp không ít những khổ đau, những dở dang mà ít ai được thỏa nguyện. Thực tế, người đàn bà sẽ bớt bất hạnh hơn nếu gặp được những người đàn ông tốt và những tình cảm lớn. Những trang viết của Y Ban làm rung động trái tim người đọc bởi những nhân vật của chị dù gặp nhiều khổ đau nhưng vẫn không ngừng lạc quan, khao khát và có những ước mơ tha thiết với cuộc đời.
2.4 Nhân vật kì ảo:
Theo TS Bùi Thanh Truyền “Đa số nhà văn hôm nay, khi sử dụng yếu tố kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật, họ đều có ý thức cao trong việc miêu tả thứ ngôn ngữ nằm giữa đường biên của hư và thực, bình thường và linh dị nhằm diễn tả một thế giới kì bí, đầy thách thức đối với trí tuệ, tình cảm con người. Người viết đã hoà trộn một cách nhuần nhuyễn cái ảo và cái thực khiến cho ý tưởng ẩn chìm vào mê trận ngôn từ. Sự đan chéo của cuộc đời, của hạnh phúc, sự sắp xếp lạ lùng của số phận các nhân vật gây cho người đọc tâm trạng hồi hộp, căng thẳng để rồi vỡ òa trong niềm hứng khởi khi bất chợt nhận ra thâm ý của người viết bên trong màn sương huyền thoại.” Trong những tác phẩm mang yếu tố kì ảo, việc xây dựng các nhân vật kì ảo được coi là một trong những phương diện quan trọng làm nên nét đặc trưng của tác phẩm. Các nhân vật kì ảo trong truyện ngắn Y Ban không chỉ đa dạng hóa thế giới nhân vật mà còn là bình diện mới để nhà văn khái quát sự biến đổi của đời sống. Y Ban xây dựng nhân vật kì ảo không theo một motif nhất định mà
có nhiều kiểu dạng khác nhau như: nhân vật thần thoại, cổ tích, nhân vật siêu thực là các hồn ma, nhân vật đời thường mang những khả năng thần kì.
Kiểu nhân vật thần thoại, cổ tích có nguồn gốc từ văn học dân gian. Đó là các vị thần hay thượng đế với diện mạo được phác họa sơ sài, đôi khi còn giữ nguyên chức phận như trong văn học dân gian, đôi khi lại phá vỡ nguyên mẫu để mang theo những biến thiên tính cách và tâm lí như con người. Nhân vật thiên thần trong Tiếng khóc thiên thần hay nhân vật thượng đế trong Câu chuyện tình yêu đều là lực lượng siêu nhiên mang chức năng răn dạy, chỉ bảo đối với loài người mu muội, tham lam hay để cứu rỗi những linh hồn tội lỗi. Thiên thần đêm trong Tiếng khóc thiên thần I đã cố gắng khuyên giải hai mẹ con để giữ lại sinh mạng cho anh con trai: “Dừng lại đi. Bà mẹ ơi bà có muốn cứu con bà không? Chàng trai ơi, anh biết cái giá của hai trăm nghìn đồng đắt thế nào không? Nó đổi lấy sinh mạng của anh đấy.” Nhưng họ “phớt lờ”. Và kết quả là anh con trai đã chết. Thượng đế trong Câu chuyện tình yêu giúp cô gái thực hiện lời cầu khẩn của mình là bắt chàng chăn cừu “phải yêu một người đàn bà yếu đuối, tẻ ngắt, xấu xí” và cuối cùng lời cảnh báo của thượng đế đã thành hiện thực “trái tim cô ta đã vỡ ra lần thứ hai” khi chàng chăn cừu đã được nàng tu sĩ đáp lại tình yêu của mình. Bên cạnh những nhân vật thần được giữ nguyên chức phận như trong văn học dân gian, Y Ban còn sáng tạo các nhân vật thần thoát khỏi nguyên mẫu một cách có chủ đích. Trong Thần cây đa và tôi thần cây đa cũng chỉ là một con người với hình hài một người phụ nữ và những câu chuyện “buôn bán” kiểu phụ nữ, những sở thích “bày đặt chuyện nọ, chuyện kia”. Hay trong Những nghịch lí của thần Airet vị thần ấy day dứt phân đôi cảm xúc giữa một bên là tình vợ chồng, tình cha con đầy màu sắc trần tục và một bên là thiên chức của một vị thần chuyên gây ra những trò nghịch lí. Y Ban đã tạo ra tính cách, xây dựng đời sống tình cảm cho nhân vật kì ảo để trả về cho họ những phẩm chất của con người và xóa bỏ
khoảng cách giữa độc giả và nhân vật. Chính vì vậy những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời được nhà văn gửi gắm qua nhân vật được đến với người đọc một cách dễ dàng. Tình yêu được hòa quyện giữa thần Airet và cô gái được miêu tả qua lăng kính ái ân là một biểu hiện của khát vọng con người: khát vọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.
Kiểu nhân vật siêu thực là các hồn ma đem lại cho người đọc một cảm giác khác với thế giới thần thánh ở trên. Kiểu nhân vật này có đặc điểm là đứng ngoài quy luật trôi chảy của thời gian, mang theo âm khí nặng nề mỗi khi xuất hiện hoặc có biểu hiện “phản vật chất”. Khi từ giã cõi trần họ đã bước sang một thế giới khác – thế giới vĩnh hằng – nên ở đó họ không hề thay đổi diện mạo so với lúc trước khi nhắm mắt xuôi tay. Đồng trong Mắt ma bị chết trong chiến tranh vì bị một mảnh bom phạt ngang mặt. Khi hiện về trong giấc ngủ của Huấn, anh cũng xuất hiện với hình hài “một bên mặt anh vỡ vụn, máu đã đông đặc” y như lúc anh rời xa cõi trần. Cô bé con ông lang Vọc trong Miếu hoang chết từ lúc còn nhỏ. Đến thời điểm cô hiện về gặp bà lão cô đơn nơi miếu hoang không rõ cô đã chết được bao lâu chỉ biết rằng “cách đây lâu lắm rồi, bà đến ăn xin ở đám ma cháu của lang Vọc, thọ chín mươi tuổi”. Trải qua mấy đời người nhưng cô bé hiện về trong chiếc áo xanh và đi hài xanh. Trong Chuyến xe đêm, Phương - cô gái xin đi nhờ xe của Trân - đã chết cách đó bốn chín ngày. Khi cô ta xuất hiện trong cabin thì “bỗng nhiên Trân rùng mình, một luồng khí lạnh buốt như chích vào da thịt anh”. Khi cô gái trò chuyện với anh thì tiếng cô rành rọt nhưng Trân không nhìn thấy cô ấy mở miệng ra để nói. Đó là những biểu hiện của cái “phản vật chất” ở những linh hồn. Sự tồn tại của họ là một cái gì đó mà ta không cảm nhận được bằng xúc giác. Hình hài của những người trong phiên chợ rằm dưới gốc dâu “không phải là da thịt mà chỉ như không khí cô đặc lại” và khi họ di chuyển bước chân “sao cứ như bay, như lướt” trên mặt đất (Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ).