Thực Trạng Pháp Luật Giao Thông Đường Bộ

Chương 2

KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

BẰNG PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Ở VIỆT NAM (TỪ 1995 ĐẾN NAY)


2.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Trước sự tác động của nền kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong 5 năm đầu của thập kỷ 90 đã có những bước nhảy vọt, các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển mạnh, nhu cầu phát triển giao thông vận tải nói chung, GTĐB nói riêng đã kéo theo sự tăng nhanh của các phương tiện tham gia giao thông và các loại hình giao thông, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông còn chậm phát triển, chưa phù hợp với sự bùng nổ dân số và các loại phương tiện tham gia giao thông. QLNN trong lĩnh vực GTĐB ở thời điểm này còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, tình hình trật tự an toàn giao thông ở những năm đầu của thập niên 90 còn nhiều diễn biến phức tạp, tình hình vi phạm các quy tắc an toàn giao thông như lái xe không giấy phép, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, xây dựng lều quán trái phép, lấn chiếm lòng đường và vỉa hè gây ùn tắc giao thông…diễn ra khá phổ biến trong phạm vi toàn quốc. Đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông tăng nhanh cả về quy mô số vụ cho đến thiệt hại gây ra cho xã hội. Trước tình hình đó, ngày 26-5-1995 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 317/TTg về tăng cường công tác quản lý trật tự an toàn giao thông đô thị. Ngày 29-5-1995 Chính phủ ban hành Nghị định 36/CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, đồng thời ban hành Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị (Ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ). Điều lệ gồm 7 chương, 74 điều. Có thể nói rằng: Nghị định 36/CP và Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị là văn bản QPPL quy định tương đối đầy đủ, chi tiết các hoạt động liên quan đến GTĐB ở nước ta. Vì vậy, Nghị định 36/CP đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Sau hơn 3 năm thực hiện bản Điều lệ, những tiến bộ nhất định trong thực tiễn QLNN trong lĩnh vực GTĐB đã khẳng định giá trị to lớn và sự đúng đắn của nó. Tuy vậy, bản Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị cũng đã bộc lộ những thiếu sót, có

những quy định không còn phù hợp với sự vận động và phát triển của các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực GTĐB. Vì lẽ đó, ngày 26-9-1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/1998/NĐ - CP về việc sửa đổi bổ sung 21 điều trong Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định 36/CP.

Qua mấy năm thực hiện Nghị Định 36/CP, Nghị định 75/CP tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực và đã được “cải thiện một bước đáng kể nhưng vẫn nảy sinh những diễn biến không bình thường”.

Từ năm 1995 đến năm 1999 bình quân gia tăng về tai nạn giao thông của năm sau so với năm trước là 7.9% số vụ, 5.5% số người chết và 9.3 số người bị thương. Nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn xảy ra thường xuyên: Thành phố Hà Nội có 28 điểm và 38 tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc; Thành phố Hồ Chí Minh có 72 điểm và 22 tuyến đường thường xuyên xảy ùn tắc, bình quân một tuần xảy ra 2-3 vụ, mỗi vụ từ 1 giờ đến 3 giờ [32, tr.73].

Tệ nạn đua xe trái phép diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác gây nhức nhối, bất bình trong dư luận cán bộ và quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó ngày 27 tháng 4 năm 2001 Thủ tướng Chính Phủ đã ra Chỉ thị số 08/2001/CT-TTg về việc tập trung thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường trách nhiệm QLNN trong lĩnh vực GTĐB. Bộ Công an phải tập trung chỉ đạo công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm pháp luật GTĐB; thực hiện tốt việc tổ chức giao thông và phân luồng giao thông; thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn bằng được nạn đua xe mô tô trái phép. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan vận động tuyên truyền liên tục rộng rãi mọi người đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng an toàn phương tiện và tổ chức tốt công tác đào tạo, thi lấy giấy phép lái xe… Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho Giám đốc các Sở Giáo Dục - Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để tổ chức kiểm tra tất cả các trường việc đi môtô, xe máy của học sinh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

Bước vào thế kỷ XXI, nhiều vấn đề trong nước và quốc tế đã biến đổi to lớn, với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đặt ra cho đất nước ta nhiều cơ hội mới và cũng không ít những thách thức mới. Do đó đòi hỏi phải tăng cường công tác lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật GTĐB. Vấn đề tăng cường QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực GTĐB là đòi hỏi bức xúc hiện nay. Trước đòi hỏi đó phải có một đạo luật có giá trị pháp lý cao điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực GTĐB. Để đề cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực QLNN nhằm bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, trật tự, an toàn, thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu đi lại của nhân dân, ngày 29 tháng 6 năm 2001 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá X đã thông qua Luật Giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Luật giao thông đường bộ là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực GTĐB, đề cao trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội, buộc các chủ thể tham gia giao thông phải tuân thủ những quy định pháp luật GTĐB nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực GTĐB, ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn GTĐB.

Trong khi chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn cụ thể thi hành Luật này đồng thời vẫn duy trì tốt việc QLNN trong lĩnh vực GTĐB, đảm bảo trật tự an toàn GTĐB, ngày 10 tháng 7 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2001/NĐ-CP về việc bảo đảm trật tự an toàn GTĐB và trật tự an toàn giao thông đô thị. Nghị định này thay thế Nghị định 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ và Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 36/CP. Sau một thời gian thực hiện Nghị định số 36/2001/NĐ-CP và Nghị định số 39/2001/NĐ-CP tình hình trật tự an toàn GTĐB và trật tự an toàn giao thông đô thị vẫn chưa có chuyển biến mạnh, tai nạn GTĐB vẫn còn xảy ra nhiều về số vụ và mức độ thiệt hại. Trước tình hình đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Mặt khác, Nghị định số 36/2001/NĐ-CP và Nghị định số 39/2001/NĐ- CP sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số thiếu sót, một số nội dung không còn phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Vì vậy, Chính phủ đã ban

Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay - 5

hành Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ; Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thay thế hai Nghị định trên. Ban Bí Thư đã ra Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 2 năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tiếp đó Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 04/2003/CT-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2003 triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 24 tháng 2 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Năm 2004 Chính phủ ban hành ba nghị định liên quan đến lĩnh vực GTĐB: Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 12/01/2004 về việc quy định niên hạn sử dụng xe tải và xe chở người; Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16/6/2004 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải; Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 quy định về việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cùng với những văn bản QPPL trên, pháp luật GTĐB còn được cấu thành từ những quy định của Luật hình sự với những tội danh trong lĩnh vực GTĐB. Qua mười bốn năm thực hiện, Bộ luật hình sự năm 1985, sửa đổi bổ sung qua các năm 1989, 1991,1992,1997 đã phát huy tác dụng to lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đó có các tội phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông. Tuy vậy, Bộ luật hình sự quy định các hành vi phạm tội ở ba lĩnh vực giao thông khác nhau: đường bộ, đường thuỷ, hàng không trong một tội danh với cùng khung hình phạt là chưa khoa học, chưa tuân theo nguyên tắc cá thể hoá hành vi làm cơ sở để cá thể hoá trách nhiệm hình sự. Hành vi xâm phạm an toàn giao thông ở ba lĩnh vực có biểu hiện và tính chất nghiêm trọng không giống nhau, nhưng lại quy định chung vào một điều luật. Đây là một bất hợp lý, làm giảm bớt tác dụng phòng ngừa, đấu tranh chống các tội phạm này. Luật hình sự của nước ta mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn mang tính chắp vá, nhiều vấn đề cần đổi mới toàn diện để làm công cụ tổ chức và quản lý phù hợp với điều kiện, tình hình trong nước và quốc tế đã thay đổi, đặc biệt khi nước ta bước vào giai đoạn CNH, HĐH đất nước. Do vậy, Bộ luật hình sự 1999 ra đời nhằm

đáp ứng yêu cầu đó. Bộ luật hình sự 1999 đã sửa đổi cả phần chung và phần các tội phạm. Các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông được chia theo bốn lĩnh vực giao thông: đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường không, chia nhỏ khung hình phạt theo hình thức mới về phân loại tội phạm, đồng thời bổ sung một số tội danh mới.

Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định riêng từng hành vi phạm tội thuộc lĩnh vực GTĐB và cụ thể hoá trách nhiệm hình sự, với các hành vi tương ứng làm căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh với những tội phạm trong lĩnh vực này, góp phần giữ gìn trật tự an toàn GTĐB.

Tóm lại, pháp luật GTĐB từ năm 1995 đến năm nay đã đạt được những thành tựu như sau:

Thứ nhất, pháp luật GTĐB được ban hành tương đối kịp thời, khá đầy đủ đã thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động GTĐB trong thời kỳ mới.

Pháp luật GTĐB là công cụ, là sự thể chế, đồng thời cũng là điểm kết tinh của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động GTĐB. Cùng với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế nước ta, GTĐB ngày càng phát triển về quy mô và tính đa dạng, đóng vai trò quan trọng, là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy giao lưu hội nhập khu vực và quốc tế.

Các văn bản về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn GTĐB được ban hành kịp thời, đầy đủ trong đó phải kể đến Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí Thư, Nghị quyết của kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XI, các văn bản này có tác động to lớn đến xã hội, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn GTĐB; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP đã xác định đúng đắn nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông, đã xây dựng được các giải pháp lâu dài và trước mắt có tính khả thi cao, đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Để thực hiện Luật Giao thông đường bộ đến cuối năm 2003 Chính phủ và các Bộ đã ban hành 90 văn bản QPPL. Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định, 01 Nghị

quyết, 01 Chỉ thị; Bộ Giao Thông vận tải đã ban hành 54 Quyết định; 12 Chỉ thị của Bộ trưởng, 04 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ về các lĩnh vực: quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB, đào tạo, sát hạch, cấp giấy lái xe, kiểm định phương tiện cơ giới, quản lý vận tải, kiểm tra trọng tải xe, thanh tra giao thông, Bộ Công an đã ban hành 10 văn bản (04 thông tư, 06 Quyết định) hướng dẫn về đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2002/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đề án “Tăng cường biên chế, trang bị, đào tạo, chế độ chính sách cho lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ”; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an ban hành 1 thông tư liên bộ về đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Nghị quyết về đảm bảo trật tự an toàn GTĐB; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ban hành Quyết định hoặc Chỉ thị để thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ.

Như vậy, pháp luật GTĐB là kết quả của quá trình thể chế hoá đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động GTĐB nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước - một thời kỳ đòi hỏi GTĐB phải thống suốt “ở chất lượng cao”, pháp luật GTĐB phải là chuẩn mực, là thước đo cho mọi hoạt động GTĐB.

Thứ hai: pháp luật GTĐB bước đầu đã đảm bảo được tính thực tiễn.

Tính thực tiễn là yêu cầu cao nhất của pháp luật. Nếu pháp luật không xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hoặc nói cách khác là không điều chỉnh những quan hệ của thực tiễn đòi hỏi, thì pháp luật tự nó không còn ý nghĩa.

Pháp luật GTĐB của nước ta là bộ phận pháp luật xuất pháp từ thực tiễn GTĐB của nước ta nhằm điều chỉnh những quan hệ GTĐB đang đặt ra đối với nước ta. Trong quá trình đổi mới, GTĐB phát triển nhanh. Mạng đường bộ năm 2000 có chiều dài gấp 2 lần 1985 và gấp 1,5 lần năm 1995. Quốc lộ mặt rải nhựa năm 1990 chiếm 31%, đến

năm 2000 chiếm 60%. Đường tỉnh được rải nhựa năm 1990 chiếm 20%, đến năm 2000 chiếm 30%. Vận tải đường bộ năm 1995 so với năm 1990 tăng 81,9% và năm 2000 tăng so với 1995 là 61,8% về hàng hoá luân chuyển. Năm 1995 so với năm 1990 tăng 52,5% và năm 2000 tăng so với năm 1995 là 31,1% về lượng khách đi lại so với toàn bộ nhu cầu.

Song, trong GTĐB cũng phát sinh những mặt tiêu cực gay gắt như: tai nạn GTĐB chiếm 96,4% số vụ; 96,6% số người chết và 98,8% số người bị thương trong tổng số tai nạn giao thông của cả nước. Số lượng ôtô từ năm 1990 đến giữa tháng 5 năm 2001 tăng gấp 2 lần, môtô, xe máy tăng gấp 7 lần.

Pháp luật GTĐB được xây dựng và ban hành, chính là để điều chỉnh những quan hệ phát sinh đó và đó cũng là ý nghĩa thực tiễn cao nhất của pháp luật GTĐB

Thứ ba, pháp luật GTĐB bước đầu đã thể hiện được tính đồng bộ.

Thực chất của tính đồng bộ là sự đầy đủ, toàn diện ở các yếu tố, là sự đồng thời của các yếu tố.

Phạm vi điều chỉnh của pháp luật GTĐB đã đảm bảo tính đồng bộ: để bảo đảm giao thông an toàn thì những chuẩn mực trong đi lại, những quy trình bắt buộc trong vận tải đến các yếu tố vật chất cho giao thông như điều kiện đường sá, công trình báo hiệu, phương tiện giao thông và người điều khiển đều đã được điều chỉnh. Như vậy, cả yếu tố động và yếu tố tĩnh; cả yếu tố vật chất, cả ý thức của người tham gia giao thông đã được điều chỉnh.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được như đã đề cập ở trên, pháp luật GTĐB từ năm 1995 đến nay vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế như sau:

Một là, tính phù hợp của pháp luật GTĐB chưa cao thể hiện ở việc pháp luật GTĐB chưa theo kịp với tình hình, còn thiếu vắng nhiều những quy định, những chế định cần thiết. Chẳng hạn, tại Điều 15 Nghị định số 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về GTĐB cần bổ sung hành vi “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả tai nạn giao thông” đối với tổ chức, cá nhân không chỉ đạo và không thực hiện biện pháp khắc phục các hành vi vi phạm như: phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản...trên đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ, để vật liệu, phế thải, xây dựng đường ngang trái phép....gây cản trở giao thông. Vì đây là những hành vi vi phạm đã và đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp, kéo dài. Người dân thì cố tình vi phạm nhưng các cấp có thẩm quyền không có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm nên tình trạng này tiếp tục xảy ra và tai nạn GTĐB gia tăng. Vì vậy, cần bổ sung hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục vi phạm là rất cần thiết. Hoặc hiện nay tình trạng vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ đang trở thành phổ biến nhưng

không có văn bản QPPL nào điều chỉnh, vấn đề kiểm định đối với một số loại phương tiện tham gia giao thông như xe lam, xe công nông, xe lôi chưa được đặt ra.

Tại điểm a Khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ đường bộ năm 2001 quy định: cấm dừng xe, đỗ xe bên trái đường một chiều. Quy định này trên thực tế không phù hợp với xe cơ giới khi dừng mua vé tại các trạm thu phí giao thông trên các quốc lộ, vì phía bên phải của các trạm thu phí giao thông đều là đường dành cho xe hai bánh lưu thông. Vậy nên các xe ôtô dừng bên phải đường mua vé vô hình chung đã làm cản trở các xe 2, 3 bánh lưu thông cùng chiều.

Hai là, pháp luật GTĐB được xây dựng và ban hành còn chậm so với yêu cầu cần điều chỉnh các quan hệ GTĐB; tính đồng bộ còn hạn chế. Trong thời gian khá dài các quan hệ GTĐB chưa được điều chỉnh bằng một văn bản luật có giá trị pháp lý cao mà chỉ có các văn bản như nghị định, quy tắc, điều lệ, thông tư, chỉ thị… nên giá trị pháp lý thấp, hiệu quả điều chỉnh các quan hệ GTĐB chưa cao; chưa thể hiện được các biện pháp mạnh mẽ trong phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật GTĐB một cách triệt để; chưa xác định được trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong lĩnh vực GTĐB

Để có đủ cơ sở pháp lý bảo đảm trật tự an toàn GTĐB, phục vụ quá trình CNH, HĐH đất nước, Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng dự án Luật đường bộ Việt Nam từ năm 1992. Qua thời gian dài nghiên cứu xây dựng dự thảo, lấy ý kiến để hoàn chỉnh, đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá X ngày 29 tháng 6 năm 2001 đã thông qua Luật Giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Như vậy, từ khi xây dựng dự án đến khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực là mất mười năm. Mười năm để cho ra đời một đạo luật không phải là quá lâu nhưng trong mười năm đó các quan hệ GTĐB của nước ta luôn đòi hỏi phải có một đạo luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực GTĐB.

Trong lĩnh vực đăng ký quản lý xe, trước đây Chính phủ giao cho ngành công an tiến hành kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện, nếu đủ điều kiện mới tiến hành đăng ký, nay cơ quan Công an tiến hành đăng ký, nhưng cơ quan kiểm định là ngành Giao thông vận tải. Vì vậy trên thực tế viêc phối hợp giữa hai ngành còn chưa đồng bộ, để xảy ra trường hợp có xe lưu hành trên đường đã đăng ký nhưng chưa kiểm định.

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 15/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí