Đặc Điểm Của Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Ngành Du Lịch


1.3.2.4. Đặc điểm của tín dụng ngân hàng đối với ngành du lịch

Đầu tư tín dụng đối với ngành du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác, song bên cạnh đó ngành du lịch cũng có một số đặc điểm riêng, cụ thể là:

- Tính chất theo mùa: hoạt động du lịch được diễn ra thường xuyên trong năm. Tuy nhiên, trên thực tế du lịch vẫn mang một số đặc điểm riêng là hoạt động có tính chất theo mùa, tính chất theo mùa được thể hiện rất rõ là vào các dịp lễ, tết hay mùa hè, nghỉ đông người ta đi du lịch nhiều hơn… Điều đó thường được lý giải là vào mùa hè nóng nực du khách muốn tìm đến những nơi mát mẻ để nghỉ ngơi, hay mùa đông lạnh giá du khách tìm những nơi để trú đông; bên cạnh đó mùa hè cũng là một kỳ nghỉ dài ngày của học sinh, sinh viên đây cũng là dịp thuận lợi để gia đình cùng nhau đi nghỉ ngơi để thư giãn sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng…Vào mùa du lịch là một trong những thời điểm thích hợp để ngân hàng quyết định cho vay (đặc biệt là nguồn vốn lưu động) và thu nợ, vì thời điểm này khách hàng ngành du lịch thường có một nguồn thu khá lớn, đây là thời điểm thích hợp để các NHTM định kỳ thu hồi nợ vay.

- Đầu tư cho du lịch thường đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, thời gian đầu tư dài: ngành du lịch sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn khi được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật (khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng…) đồng bộ, hiện đại, đây là những dự án có chi phí rất lớn, do vậy, rất cần đến nguồn vốn đủ lớn để đầu tư. Trong khi đó, nguồn thu từ ngành du lịch thường là tiền bán vé, ăn, ở và chi phí sinh hoạt khác nên thời gian thu hồi vốn không phải ngày một ngày hai, thời gian thu hồi vốn thường kéo dài. Chính vì vậy khi đầu tư cho phát triển du lịch đòi hỏi phải có lượng vốn lớn và thời gian cho vay dài.

- Hoàn trả vốn tín dụng có thể diễn ra ngay trong quá trình đầu tư: trong quá trình đầu tư phát triển du lịch, chủ đầu tư vẫn có thể đón khách tham quan và thu phí bán các sản phẩm dịch vụ từ du khách. Khi đó, khách hàng sẽ thu được một lượng tiền nhất định và một khi đã thu tiền về thì tất nhiên khách hàng vay đã có tiền để trả nguồn vốn vay cho các NHTM.


- Chi phí tổ chức cho vay thấp và đòi hỏi kỹ năng thẩm định cao: thông thường khách hàng ngành du lịch thường vay với số tiền khá lớn hơn cho vay đối với kinh tế hộ cũng như nhiều ngành kinh tế khác, khách hàng thường tập trung tại một số điểm nhất định nên chi phí hồ sơ, tổ chức mạng lưới, nhân viên…sẽ không cao như cho vay kinh tế hộ và nhiều ngành kinh tế khác. Ngoài ra, ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp rất phức tạp nên khi cho vay, đòi hỏi cán bộ thẩm định phải có trình độ cao, am hiểu nhiều ngành nghề khác nhau mới có khả năng thẩm định tốt các dự án, ngoài ra còn có một số đặc điểm khác như:

+ Sản phẩm cho vay cũng có thể là hữu hình, song cũng có thể là vô hình, vì vậy việc quản lý các khoản cho vay của các NHTM thường rất khó khăn, phức tạp.

+ Sản phẩm du lịch được bán cho người mua, nhưng thực tế sản phẩm đó lại không chuyển quyền sở hữu cho người mua mà quyền sở hữu sản phẩm đó vẫn thuộc người bán.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.

1.4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM THU HÚT VỐN VÀ THU HÚT DU KHÁCH Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

1.4.1. Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc

Tài trợ của ngân hàng thương mại đối với phát triển ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng - 9

- Thu hút mọi nguồn vốn để đầu tư cho lĩnh vực du lịch: đầu tư vào ngành du lịch ở Trung Quốc được thực hiện từ nhiều nguồn vốn khác nhau, như: nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn tín dụng…các ngân hàng thương mại nước này rất quan tâm đầu tư đối với các khách hàng ngành du lịch, đặc biệt là các dự án có hiệu qủa kinh tế. Ở Trung Quốc, các ngân hàng thương mại đầu tư cho ngành du lịch thường ở dưới nhiều hình thức khác nhau như cho thuê vận hành, đầu tư trực tiếp, phát hành trái phiếu hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình. Từ các nguồn vốn thu hút được, ngành du lịch Trung Quốc đã đầu tư một cách đồng bộ, có hệ thống, từ đó đã tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

- Sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch khá tốt: tại quốc gia láng giềng Trung Quốc trong vài thập kỷ qua ngành du lịch đã đưa ra nhiều


sản phẩm dịch vụ rất hấp dẫn du khách, chẳng hạn như khai thác các tour du lịch thăm viếng các di tích lịch sử văn hoá: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, du thuyền trên sông, hồ ở Quảng Châu, tham quan thế giới thu nhỏ ở Thẩm Quyến, tham quan nơi sản xuất và giới thiệu du khách mua sản phẩm làm từ ngọc, trà, lụa tơ tằm, rượu,

…hay tại Chu Hải- Trung Quốc đã xây dựng nhiều danh hiệu hết sức ấn tượng để thu hút khách, chẳng hạn như: thành phố tình yêu, thành phố hoa, thành phố mỹ nhân ngư, thành phố màu xanh…

- Gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hoá, đảm bảo an ninh trật tự xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái: bảo tồn văn hoá dân tộc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng. Đến với Trung Quốc, du khách sẽ thấy rất rõ là các di tích văn hoá lịch sử , các hoạt động văn hoá của người Trung Quốc luôn được bảo tồn, gìn giữ cẩn thận. Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh trật tự xã hội luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Đến Trung Quốc du khách cảm thấy rất an toàn; đường phố và các điểm du lịch ở nước này khá sạch sẽ, đẹp đẽ.

1.4.2. Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan

- Thu hút mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để đầu tư cho phát triển du lịch: người dân Thái Lan rất tự hào khi được du khách đặt cho một cái tên là “đất nước nụ cười”, hễ một ai đã từng đến Thái Lan, gặp người Thái thì nụ cười luôn nở trên môi của mỗi người dân Thái để lại cho du khách một ấn tượng không dễ phai mờ. Du lịch Thái Lan có nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế, vì thế lượng khách đến Thái Lan có những bước phát triển nhảy vọt, nếu như năm 1998, lượng khách đến Thái Lan là 7,76 triệu lượt người, doanh thu là 250 tỷ Bạt, mười năm sau, con số này đã tăng lên gấp hai lần, với lượng khách 14,5 triệu người, doanh thu 540 tỷ Bạt. Có được sự thành công ấy ngành du lịch Thái Lan đã đưa ra nhiều chiến lược để thu hút nguồn vốn cho phát triển du lịch. Trên cơ sở qui hoạch phát triển du lịch, Thái Lan đã huy động mọi nguồn lực (vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, nguồn vốn tín dụng ngân hàng….), khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu


tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và đầu tư tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ việc thu hút khách du lịch, chẳng hạn vào năm 2007 đã hỗ trợ 50% giá tour cho mỗi du khách, các qui định về xuất nhập cảnh được nới lỏng, nhằm tạo điều kiện cho du khách được xuất nhập cảnh một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.

- Sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt: Thái Lan đã tận dụng một cách triệt để các điểm du lịch là những đền thờ Phật giáo, vì đây là quốc giáo của quốc gia này, chẳng hạn đến Băng Cốc du khách có thể đến thăm đền Phra Kaew Morakot, đền Wat Arun… Các sản phẩm du lịch khác như xem các trận đấu của các võ sỹ Muay Thái, đến xem các tour biểu diễn của các hoa hậu chuyển giới, tham quan nghỉ ngơi ở các bãi biển đẹp ở Phuket, Samui, đến đây du khách có thể bơi

lội, lặn, phơi mình trên những bãi cát trắng; mở ra nhiều trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, chỉ riêng ở Băng Cốc, đến năm 2008 đã có hơn 250.000 m2 không gian triển lãm, hội nghị triển lãm với đẳng cấp quốc tế với đầy đủ trang thiết bị được xây dựng ở các vị trí giao thông thuận lợi, điển hình là các trung tâm IMPACT, BITEC, Quốc gia Hoàng hậu Sirikit, Central World, Royal Paragon Hall. Đến Thái Lan mọi người cũng

có thể thưởng thức những chú voi biểu diễn những động tác như khom chân xuống cúi chào du khách, voi thực hiện vẽ những bức tranh sơn dầu; thăm quan làng dân tộc Long Neck (cổ cao) để xem các cô gái dệt những tấm thổ cẩm đủ loại, thăm những ruộng lúa với màu xanh, vàng như tranh vẽ…Tại Băng Cốc còn xây dựng nhiều khu mua sắm hàng hoá cao cấp, truyền thống miễn thuế, giá cả phải chăng, hàng năm đều có những đợt khuyến mãi lớn để lôi kéo du khách trong và ngoài nước đến mua sắm.

- Coi trọng ổn định an ninh chính trị: du lịch ở Thái Lan có những bước phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, số lượng du khách đến Thái Lan hàng năm đều có những bước phát triển ngoạn mục, du lịch là ngành mang lại nguồn thu đáng kể tại quốc gia này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến giữa năm 2009, trước những diễn biến bất ổn định về tình hình an ninh chính trị cũng như sự suy giảm của nền kinh tế thế giới đã làm lượng khách du lịch và doanh thu của ngành du lịch giảm đi nghiêm


trọng, doanh thu của ngành du lịch có thể giảm tới 190 tỷ bạt và lượng khách giảm đi hàng triệu lượt khách. Sự sụt giảm doanh thu đã buộc các cơ quan hữu quan của quốc gia này đưa ra giải pháp, trong đó có giải pháp về ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội nhằm phục hồi ngành du lịch, kết quả là du khách đã đến quốc gia này nhiều hơn.

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh: hệ thống hạ tầng du lịch tại Thái Lan rất hoàn thiện, hệ thống giao thông công cộng từ đô thị đến nông thôn hay các điểm du lịch khá rộng lớn và sạch đẹp, hệ thống điện, nước, công nghệ thông tin…rất hiện đại, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng cáo: công tác quảng bá hình ảnh và đất nước con người Thái Lan ở trong và ngoài nước luôn được ngành du lịch Thái Lan quan tâm. Vì thế, du lịch Thái Lan được rất nhiều người dân trên toàn thế giới biết đến. Điển hình là vào năm 2008, quốc gia này đã đưa ra chương trình quảng cáo để thu hút du khách mang tên “Thái Lan, một điểm đến, nhiều lựa chọn”. Theo tính toán, năm 2008, chỉ riêng du khách là các nhà triển lãm và các doanh nhân đến đây là 1 triệu lượt người.

1.4.3. Bài học kinh nghiệm từ Malaysia

- Tranh thủ tối đa các nguồn vốn và đầu tư một cách đồng bộ: tại Malaysia, nguồn vốn tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công tác xúc tiến đầu tư và thu hút khách du lịch được thực hiện bởi phát hành trái phiếu, nguồn vốn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng…Trong đó nguồn vốn phát hành trái phiếu và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng khá cao. Đối với các doanh nghiệp, ngoài nguồn vốn tự có, nguồn vốn bổ sung được thu hút trên thị trường chứng khoán, liên doanh liên kết còn có nguồn vốn vay hay thu hút đầu tư nước ngoài…để đầu tư vào các danh thắng, khu du lịch, siêu thị, khách sạn nhà hàng; ở Malaysia chọn chiến lược mua sắm kết hợp với du lịch làm hướng đi chính, đến Malaysia, du khách bắt gặp nhiều siêu thị khổng lồ, là nơi mua sắm của mọi tầng lớp nhân dân từ cao cấp đến bình dân. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển du lịch của mình, Malaysia còn tập trung thu hút mọi nguồn nhân lực để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của mình như


bãi biển trải dài, chế biến lương thực thực phẩm, tạo ra nhiều món ăn ngon, rẻ, Chính phủ tập trung lượng vốn lớn để trùng tu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giao thông công cộng, thông tin liên lạc…

- Gắn với việc phát triển du lịch là bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái: bảo tồn văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái là những lĩnh vực luôn được quan tâm tại Malaysia. Du khách đến Malaysia sẽ thấy được nhiều nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng các dân tộc ở quốc gia này. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường tại Malaysia đã và đang được Chính phủ và người dân Malaysia đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 1991-1995, đã sử dụng số tiền trên 5.000 triệu Ringgit để duy trì phát triển văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cấp thiết bị của ngành du lịch.

- Ngành du lịch liên kết rất chặt chẽ giữa các ngành với nhau để khai thác du lịch: hãng hàng không quốc gia Malaysia đã thực hiện nhiều chương trình bay với giá vé ưu đãi và được cộng thêm nhiều dịch vụ trong chuyến bay. Bên cạnh đó họ còn đưa ra chương trình khuyến mãi khác như mua vé máy bay khứ hồi giữa một số nước sẽ được nghỉ trong khách sạn 5 sao tại Malaysia; có nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng giảm giá trong một số tháng nhất định…

- Định hướng thị trường: xây dựng từng phân khúc thị trường để từ đó đưa ra các sản phẩm dịch vụ đối với từng đối tượng du khách, chẳng hạn nếu Penang nghiêng về thu hút khách phương Tây thì các khu vực ở Afamosa nghiêng về thu hút khách ở châu Á.

- Có chiến lược để phát triển du lịch: vào năm 2007, tại Malaysia Bộ Du lịch nước này đã phát động chương trình “ 2007- năm đến thăm Malaysia” đây là lần thứ ba Malaysia phát động chương trình này sau hai lần được tổ chức thành công vào các năm 1990 và 1994 trước đó. Trong đó, Bộ Du lịch Malaysia triển khai nhiều biện pháp, trong đó đưa ra bốn chiến lược thu hút khách là đa dạng hoá dịch vụ du lịch; đẩy mạnh phát triển thị trường; nâng cao tính chiến thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch; kịp thời nắm bắt diễn biến quốc tế tác động


đến thị trường du lịch. Kết quả đạt được là số lượng khách quốc tế đến Malaysia tăng đáng kể trong năm 2007.

1.4.4. Bài học kinh nghiệm từ Singapore

- Về thu hút nguồn vốn đầu tư cho ngành du lịch: ngành du lịch Singapore đã có nhiều biện pháp để thu hút vốn đầu tư, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn được đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn viện trợ từ nước ngoài…thì nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại đã được quan tâm. Các ngân hàng thương mại ở Singapore rất chú trọng đầu tư vào các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm có hiệu quả kinh tế - xã hội cao…Trên thực tế đã có nhiều điểm du lịch, khu du lịch, được các ngân hàng thương mại đầu tư hàng triệu đô la. Với việc tranh thủ mọi nguồn vốn và đầu tư một cách đồng bộ, cho đến nay ngành du lịch Singapore đã có nhiều điểm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm…có tầm cỡ thế giới và Singapore là điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng cáo ở trong và ngoài nước: điển hình là vào trung tuần tháng 4 năm 2009, nhằm giúp ngành du lịch thu hút được lượng khách nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã tung ra một chiến dịch tiếp thị du lịch toàn cầu với khẩu hiệu “2009 lý do để tận hưởng Singapore”. Đây là một phần trong các sáng kiến có tên gọi Boost trị giá 90 triệu đô la Singapore (gần 60 triệu USD) của Chính phủ Singapore nhằm để thúc đẩy du lịch phát triển. Chiến dịch quảng cáo ấy đã có tác dụng ngay lập tức, lượng khách đến Singapore được cải thiện đáng kể, cụ thể khách Việt Nam đến Singapore tăng 12,1%, du khách đến từ Malaysia tăng 5,1%, Philippines tăng 1,4%...

- Đảm bảo an ninh trật tự xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái: Singapore là một đất nước có tình hình an ninh trật tự vào bậc nhất trên thế giới, quốc gia này cũng được mệnh danh là quốc gia có chất lượng môi trường tốt nhất thế giới. Có được những thành quả ấy là quốc gia này đã có nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái, chẳng hạn như tại Singapore, người dân mà xả rác không


đúng chỗ tại các công trình công cộng sẽ bị phạt rất nặng hay phạt nặng người dân hoặc du khách ăn cắp, gây rối trật tự công cộng…

- Coi trọng công tác đào tạo: công tác đào tạo là một việc làm rất thường xuyên liên tục của ngành du lịch ở Singapore. Công tác đào tạo, đào tạo lại được thực hiện từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất, trong đó có các chuyên ngành đào tạo về pha chế rượu, quản lý khách sạn, nhà hàng, chuyên viên cao cấp, ngoại ngữ…Chính được sự quan tâm đào tạo nên cung cách phục vụ của nhân viên ngành du lịch rất chuyên nghiệp, du khách cảm thấy hài lòng khi đến với đảo quốc này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/05/2022