Yêu Cầu Nâng Cao Chất Lượng Tái Thẩm Ở Việt Nam


Chương 4

YÊU CẦU VÀ CÁC GIẢI PHÁP

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÁI THẨM Ở VIỆT NAM


4.1. Yêu cầu nâng cao chất lượng tái thẩm ở Việt Nam

4.1.1. Đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng

Việc nâng cao chất lượng tái thẩm xuất phát từ quan điểm có tính chất chỉ đạo, định hướng cho quá trình về cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nâng cao chất lượng tái thẩm bảo đảm bám sát mục tiêu đã đề ra: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại hoá, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Trong quá trình cải cách tư pháp, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp được đặt lên đầu tiên, trong đó chỉ rò “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rò trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ”. Nâng cao chất lượng tái thẩm bảo đảm hoàn nhiệm vụ đặt ra trong cải cách tư pháp, theo sát những thay đổi trong quan điểm chỉ đạo thể hiện trong các kết luận: Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, VKS và Cơ quan điều tra; Kết luận 92-KL/TW ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Cải cách tư pháp theo nghị quyết số 49/NQ-TW.

4.1.2. Đáp ứng yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền

Việc nâng cao chất lượng tái thẩm trong TTHS đáp ứng yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền với hai nội dung cơ bản là bảo đảm pháp chế, bảo đảm các

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.


quyền, lợi ích cơ bản của công dân và tăng cường trách nhiệm của Nhà nước với công dân. Về phương diện lập pháp, việc nâng cao chất lượng tái thẩm bảo đảm quá trình xét lại bản án, quyết định có HLPL có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, một trong những nội dung quan trọng là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan đến bản án, quyết định có HLPL của cơ quan tư pháp, nâng cao chất lượng tái thẩm hướng tới bảo đảm nội dung quan trọng này. Nâng cao chất lượng tái thẩm đề cao trách nhiệm của Nhà nước với công dân qua đó khắc phục nhanh hậu quả trong phán quyết sai lầm của cơ quan Toà án, mặc dù có thể đây chỉ là sai lầm về mặt nhận thức sự kiện, không phải là vi phạm pháp luật đồng thời xác định trách nhiệm của công dân trong việc tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp.

Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 15

4.1.3. Để phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản luật đã ban hành

Nâng cao chất lượng tái thẩm với các giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm cụ thể hoá quy định trong Hiến pháp 2013 có HLPL từ ngày 01/01/2014 như bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo quy định tại Điều 30; bảo đảm Toà án thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 102; đồng thời bảo đảm bản án, quyết định có HLPL được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành quy định tại Điều 106. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về tái thẩm để nâng cao chất lượng tái thẩm bảo đảm phù hợp với quy định trong Luật tổ chức TAND năm 2014, Luật tổ chức VKSND 2014 về tổ chức, thẩm quyền kháng nghị tái thẩm, thẩm quyền tiến hành tái thẩm tại Toà án.

4.1.4. Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh, xử lý tội phạm

Việc nâng cao chất lượng tái thẩm trong TTHS Việt Nam xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay [69]. Những năm qua, tình hình tội phạm luôn có xu hướng tăng, áp lực của việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án hình sự đã dẫn đến khả năng sai sót nhiều hơn trong quá trình giải


quyết. Số lượng đơn thư khiếu nại oan sai không giảm, việc giải quyết chậm gây mất lòng tin của nhân dân với Nhà nước và pháp luật. Các giải pháp nâng cao chất lượng tái thẩm đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh chóng, khẩn trương nhưng chính xác để kịp thời phát hiện sai lầm trong các bản án, quyết định của Toà án có HLPL và có phương án giải quyết bảo đảm quyền lợi của người bị oan sai.

Nâng cao chất lượng tái thẩm trong TTHS đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội tại thời điểm cụ thể khi đề xuất. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng được cân nhắc trong xu thế phát triển của pháp luật Việt Nam nói chung và hệ thống pháp luật TTHS nói riêng để không lạc hậu ngay khi đề xuất. Quá trình đưa ra giải pháp có tham khảo để tiếp thu, chọn lọc những ưu điểm trong quy định của một số quốc gia có thủ tục tương tự và có tính khả thi.

4.1.5. Đáp ứng yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng tái thẩm bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bởi thể hiện việc Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Đặc biệt các giải pháp nâng cao chất lượng tái thẩm tạo điều kiện thực thi quy định tại khoản 6 Điều 14 Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 mà Việt Nam tham gia. Việc nâng cao chất lượng tái thẩm bảo vệ quyền con người, đưa ra được các bảo đảm có khả năng thực thi trên thực tế, có ý nghĩa trong quá trình toàn cầu hoá.

Nâng cao chất lượng tái thẩm đề xuất các giải pháp dựa trên 5 quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt quá trình cải cách tư pháp là:

Thứ nhất, cải cách tư pháp phải bảo đảm ổn định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;

Thứ hai, cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gắn với đổi mới công tác lập pháp, cải cách hành chính;


Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân;

Thứ tư, cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đạt được của nền tư pháp XHCN Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai;

Thứ năm, cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi vững chắc.

4.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng tái thẩm ở Việt Nam

4.2.1. Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự về tái thẩm

Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua BLTTHS (BLTTHS năm 2015) thay thế BLTTHS năm 2003. Tái thẩm vẫn được ghi nhận là một thủ tục để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Quy định về thủ tục tái thẩm trong BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi nhất định. Việc đánh giá mức độ phù hợp với thực tiễn của những sửa đổi này tại thời điểm hiện tại là chưa thể thực hiện. Vì vậy, các giải pháp hoàn thiện pháp luật đưa ra dưới đây tiến hành trên cơ sở lý luận đã xây dựng, cùng với việc đánh giá thực trạng pháp luật về tái thẩm trong BLTTHS năm 2003 thông qua thực tiễn áp dụng, kết hợp với so sánh, đối chiếu những điểm thay đổi bổ sung trong BLTTHS năm 2015.

4.2.1.1. Hoàn thiện quy định về tính chất của tái thẩm

Quy định về tính chất của tái thẩm trong BLTTHS bao hàm các nội dung sau: Thứ nhất, bản chất pháp lý của tái thẩm là thủ tục xét lại bản án quyết định có HLPL. Tái thẩm xem xét tình tiết mới phát hiện đặt trong mối quan hệ với bản án, quyết định có HLPL của Toà án. Do đó, tái thẩm là thủ tục bao gồm hai bước cơ bản: một là, xem xét tình tiết để có cơ sở kháng nghị, mở ra thủ tục tái thẩm tại Toà án; hai là, Toà án tái thẩm xem xét nội dung bản án, quyết định có HLPL, kết luận

kháng nghị có căn cứ hay không.


Thứ hai, đối tượng của tái thẩm là bản án, quyết định của Toà án có HLPL. Tái thẩm quyết định “số phận” pháp lý của các phán quyết trong bản án, quyết định này dựa trên việc xem xét tình tiết mới phát hiện. Các bản án, quyết định bị tái thẩm đã qua các cấp xét xử theo quy định của pháp luật, đã được giải quyết xong vấn đề về nội dung vụ án bằng các thủ tục luật định. Các quyết định của Toà án là đối tượng của kháng nghị tái thẩm không chỉ là các quyết định giải quyết thực chất vụ án mà còn là các quyết định khác của Toà án ra sau khi đã giải quyết xong vấn đề về mặt nội dung vụ án (liên quan đến trách nhiệm hình sự, hình phạt hoặc vấn đề khác).

Thứ ba, thẩm quyền kháng nghị tái thẩm thuộc về cơ quan có chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng là VKS.

Thứ tư, thẩm quyền tái thẩm xét lại bản án, quyết định có HLPL của Toà án chỉ thuộc về Toà án có thẩm quyền.

Thứ năm, bổ sung mục đích của tái thẩm để thấy sự khác biệt giữa mục đích của tái thẩm với hoạt động xét xử cũng tiến hành tại Toà án, đặc biệt với thủ tục giám đốc thẩm.

Từ những phân tích trên, kiến nghị sửa đổi quy định của BLTTHS về tính chất tái thẩm: “Tái thẩm trong tố tụng hình sự là thủ tục trong đó Toà án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị người có thẩm quyền kháng nghị vì mới phát hiện tình tiết làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án không biết khi ra bản án hoặc quyết định đó nhằm khắc phục sai lầm trong nội dung các bản án, quyết định.”

4.2.1.2. Hoàn thiện quy định của pháp luật về kháng nghị tái thẩm

* Về đối tượng của kháng nghị tái thẩm

Đối tượng của kháng nghị tái thẩm là bản án, quyết định của Toà án có HLPL. Thời điểm phát sinh HLPL của bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm được pháp luật quy định rò tại khoản 2 Điều 238, khoản 3 Điều 248, khoản 2 Điều 253, khoản 1 Điều 288, khoản 1 Điều 299 BLTTHS năm 2003. BTTHS năm 2003 quy định thời điểm phát


sinh HLPL của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm như sau: bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có HLPL kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bản án sơ thẩm có HLPL kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Điều 343 BLTTHS năm 2015 vẫn giữ nguyên, không sửa đổi quy định về hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị. Quy định này dẫn đến cách hiểu khác nhau về thời điểm phát sinh HLPL của bản án sơ thẩm. Có thể hiểu bản án sơ thẩm có HLPL căn cứ vào thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với từng chủ thể. Cũng có thể hiểu bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có HLPL kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (tính theo thời hạn kháng nghị của VKS cấp trên là từ ngày 31 sau khi tuyên án sơ thẩm) [28, tr. 14; 29, tr. 147; 57, tr. 11; 52, tr. 17]. Chúng tôi đồng ý với cách tính thời điểm có HLPL theo quan điểm này vì kể cả trong trường hợp bị cáo vắng mặt tại phiên toà thời hạn kháng cáo vẫn nằm trong thời hạn kháng nghị tối đa dành cho VKS cấp trên trực tiếp (Điều 229 BLTTHS năm 2003 quy định trong thời hạn giao bản án, niêm yết tại trụ sở chính quyền xã phường thị trấn trong trường hợp xử vắng mặt tại phiên toà là 10 ngày).

Pháp luật không quy định thời hạn giao bản sao bản án hoặc trích lục án cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc đại diện hợp pháp của những người này trong trường hợp họ vắng mặt tại phiên toà, vì vậy không thể tính được thời điểm bản án, quyết định có HLPL trong trường hợp xử vắng mặt họ mặc dù pháp luật quy định thời hạn kháng cáo của họ là 15 ngày tính từ ngày được giao bản sao bản án hoặc trích lục án. Về vấn đề này chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến bổ sung vào Điều 229 BLTTHS năm 2003 theo hướng: “Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tuyên án. Toà án có trách nhiệm cấp trích lục hoặc bản án bản án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có yêu cầu”. Điều 240 BLTTHS năm 2003 cần


bổ sung quy định: “Bản án, quyết định sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp” [29, tr. 148].

* Về thời hạn kháng nghị tái thẩm

BLTTHS năm 2003 quy định thời hạn kháng nghị tái thẩm theo hướng có lợi và không có lợi cho người bị kết án. Thực tế tái thẩm, có những tình tiết khi phát hiện và được xác minh cho thấy làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định nhưng không theo hướng có lợi hay không có lợi cho người bị kết án mà ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Thực tế là trường hợp kháng nghị tái thẩm phần quyết định tịch thu tài sản, kháng nghị này không theo hướng có lợi hay không có lợi cho người bị kết án mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu hợp pháp chiếc xe máy [72]. Để giải quyết bất cập này kiến nghị nên quy định việc kháng nghị trong những trường hợp khác được tiến hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày VKS nhận được tin báo về các tình tiết mới được phát hiện. Không nên chỉ quy định theo hướng có lợi và không có lợi như tại Điều 295 BLTTHS năm 2003 cũng như tại Điều 401 BLTTHS năm 2015.

BLTTHS năm 2003 cũng như BLTTHS namư 2015 quy định việc kháng nghị về dân sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự tức là thời hạn được kháng nghị phụ thuộc vào việc kháng nghị về dân sự đối với đối tượng nào. Có ý kiến cho rằng vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm các khoản trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại Điều 42 Bộ luật hình sự năm 2009 và phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật dân sự. Những khoản khác như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, tài sản là phương tiện phạm tội, quyết định kê biên tài sản, tạm giữ đồ vật, án phí... không phải là dân sự trong vụ án hình sự [42, tr. 57]. Thực tiễn tái thẩm cũng như chính quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan cho thấy có trường hợp kháng nghị về dân sự liên quan đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng đồng thời liên quan


đến quyền lợi của người bị kết án và thời hạn vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì mới đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể [79]. Việc quy định thời hạn kháng nghị về dân sự chỉ giới hạn trong các đối tượng hạn chế như quy định của pháp luật hiện nay là không phù hợp. Ngoài ra không nên chỉ rò thời hiệu truy cứu trách nhiệm quy định tại Điều bao nhiêu của Bộ luật hình sự, tránh trường hợp phải sửa chữa khi có thay đổi trong Bộ luật hình sự. Kiến nghị sửa đổi quy định về thời hạn như sau:

“Điều 295. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

1. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

2. Trong những trường hợp khác kháng nghị được tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định trong Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới.

3. Thời hạn kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

* Về căn cứ kháng nghị

Quy định của BLTTHS về căn cứ kháng nghị tái thẩm thiếu rò ràng, gây nhầm lẫn với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Như đã phân tích tại phần 3.1.2.2, việc phát hiện các tình tiết làm thay đổi cơ nội dung bản bản án, quyết định mà Toà án không biết khi ra bản án, quyết định là căn cứ kháng nghị tái thẩm dẫn đến việc phải xem xét lại bản án, quyết định của Toà án. Khi quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm cần thay đổi về kỹ thuật và nên có hai phần: một mang tính khái quát về căn cứ kháng nghị để không nhầm lẫn với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và một mang tính cụ thể hoá để dễ áp dụng.

Phần quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm có tính khái quát, thể hiện được bản án, quyết định có HLPL bị xem xét lại do có tình tiết mới được phát hiện. Tình tiết này tồn tại ngay tại thời điểm ra bản án, quyết định có HLPL mà Toà án không biết được và nó làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định đó.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022