Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 17


3. Trường hợp giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia do Chánh án Toà án nhân dân tối cao làm Chủ tọa phiên toà. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Trường hợp giám đốc thẩm bằng Hội đồng gồm năm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì một Thẩm phán được Chánh án Toà án nhân dân tối cao phân công làm chủ tọa phiên toà. Hội đồng biểu quyết và quyết định theo đa số”.

Quy định tại Điều 382 BLTTHS năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 về thẩm quyền giám đốc thẩm còn xác định thêm các trường hợp giám đốc thẩm bởi Hội đồng toàn thể Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao và Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC khi đã giám đốc thẩm bằng Hội đồng 3 Thẩm phán hoặc 5 Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

* Về phạm vi tái thẩm

BLTTHS năm 2003 chưa có quy định về phạm vi tái thẩm vì vậy không có cơ sở pháp lý để Hội đồng tái thẩm thực hiện quyền hạn. Điều 387 BLTTHS năm 2015 quy định “Hội đồng giám đốc thẩm xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị”, quy định này cũng được áp dụng khi Tòa án tái thẩm (Điều 403 BLTTHS năm 2015). Qua phân tích quy định của pháp luật và thực tiễn tái thẩm cho thấy bản án, quyết định của Toà án có thể phán quyết về một hoặc nhiều nội dung khác nhau về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, quyết định về xử lý vật chứng, quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù... Trong vụ án hình sự cụ thể, tình tiết mới được phát hiện là căn cứ kháng nghị tái thẩm có thể làm thay đổi một nội dung nào đó mà không ảnh đến tất cả các nội dung khác trong bản án, quyết định hoặc trong vụ án có đồng phạm chỉ ảnh đến một hoặc một vài đối tượng nhất định. Thực tế kháng nghị tái thẩm, chủ thể có thẩm quyền chỉ quyết định kháng nghị phần bản án bị ảnh hưởng, bị thay đổi cơ bản bởi tình tiết mới được phát hiện đã được xác minh. Vì vậy, khi tiến hành tái thẩm Hội đồng tái thẩm không nhất


thiết phải xem xét toàn bộ bản án, quyết định mà phụ thuộc vào nội dung kháng nghị. Việc xem xét toàn bộ vụ án như quy định về phạm vi giám đốc thẩm sẽ làm ảnh hưởng đến HLPL của bản án hoặc quyết định, làm mất đi tính ổn định của các phán quyết đó. Tuy nhiên nếu giới hạn Hội đồng tái thẩm xem xét trong nội dung của kháng nghị thì có trường hợp không giải quyết được triệt để sai lầm trong bản án, quyết định có HLPL. Quy định Hội đồng tái thẩm xem xét cả những phần không bị kháng nghị sẽ hạn chế khả năng tái thẩm nhiều lần do tái thẩm lần trước bị giới hạn bởi nội dung kháng nghị. Việc có xem xét nội dung khác ngoài kháng nghị hay không sẽ do Hội đồng tái thẩm quyết định nhưng không được làm xấu đi tình trạng của người bị kết án. Tạo cơ sở pháp lý để Hội đồng tái thẩm thực hiện quyền hạn, bổ sung quy định về phạm vi tái thẩm với nội dung đề xuất như sau:

“Điều 297a. Phạm vi tái thẩm.

Hội đồng tái thẩm xem xét trong nội dung của kháng nghị. Trong trường hợp cần thiết Hội đồng tái thẩm có thể xem xét các nội dung khác không bị kháng nghị trong bản án hoặc quyết định nhưng không được làm xấu đi tình trạng của người bị kết án”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

* Về những người tham gia phiên toà tái thẩm

Kiến nghị sửa đổi theo hướng triệu tập những người có liên quan đến phiên toà tái thẩm. Khi tiến hành tái thẩm tại Toà án, sự tham gia của người bị kết án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị là cần thiết. Bởi nếu giám đốc thẩm giải quyết trên hồ sơ vụ án hiện có thì tái thẩm lại có tính chất rất khác như đã phân tích. Việc khẳng định tình tiết mới được phát hiện là khách quan, tồn tại ngay trong quá trình giải quyết vụ án mà Toà án không biết và làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định có HLPL phải thông qua các hoạt động kiểm tra, xác minh. Các hoạt động này có tính chất giống như các hoạt động điều tra và tùy nguồn tin để quyết định áp dụng hoạt động nào. Tính chất của các hoạt động này cũng có điểm tương đồng như hoạt động tiền khởi tố. Kết quả có thể xác định được dấu vết của tội phạm mới, khởi động một vụ án hình sự mới hay chỉ dùng để xác định có sự thay đổi cơ bản trong bản án hoặc quyết định của Toà án. Vì vậy, chúng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng để bảo đảm tính chính xác, khách quan, mọi chứng cứ phải được Toà án xem xét, điều tra trực tiếp tại phiên toà, những người có liên

Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 17


quan đến tình tiết mới được xác minh như người làm chứng gian dối, người phiên dịch sai, người bị kết án, người thực hiện hành vi phạm tội… phải được triệu tập đến phiên toà, được xét hỏi và trong trường hợp cần thiết có sự tranh luận. Chỉ sau khi tiến hành điều tra trực tiếp tại phiên toà về các tình tiết này, nghe đại diện VKS phát biểu ý kiến thì Hội đồng tái thẩm mới ra quyết định [10, tr. 7].

Mặt khác, nếu VKS cùng cấp vắng mặt tại phiên toà tái thẩm thì phiên tòa không thể tiến hành. Để thống nhất về kỹ thuật lập pháp, kiến nghị bổ sung quy định hoãn phiên toà khi đại diện VKS vắng mặt. Nội dung này BLTTHS năm 2015 chưa được đề cập.

Từ những phân tích trên, kiến nghị xây dựng điều luật về những người tham gia phiên toà tái thẩm như sau:

“Điều 297b. Những người tham gia phiên toà tái thẩm.

Phiên toà tái thẩm có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu đại diện Viện kiểm sát vắng mặt thì phải hoãn phiên toà.

Người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tái thẩm được triệu tập tham gia phiên toà. Phiên toà tái thẩm vẫn có thể được tiến hành nếu những người này đã được triệu tập hợp lệ và sự vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc tái thẩm”.

* Chuẩn bị phiên toà và thủ tục phiên toà tái thẩm

Xây dựng quy định mới về thủ tục phiên toà tái thẩm bảo đảm thẩm tra được tính khách quan, độ chính xác, tin cậy của kết quả xác minh tình tiết mới được phát hiện, đánh giá được ý nghĩa của tình tiết này với phán quyết đã tuyên trong bản án, quyết định có HLPL. Từ đó, giúp Hội đồng tái thẩm xác định có sai lầm hay không trong bản án, quyết định có HLPL bị kháng nghị và đưa ra phương án giải quyết.

Về công tác chuẩn bị phiên toà, giữ nguyên quy định phải làm bản thuyết trình để gửi cho các thành viên của Hội đồng tái thẩm. Do thẩm quyền tái thẩm thuộc về TAND cấp cao và TANDTC nên cần xem xét cơ cấu tổ chức của các toà để quy định chủ thể nghiên cứu hồ sơ và làm bản thuyết trình. Quy định Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án và làm bản thuyết trình là thành viên Hội đồng tái thẩm như quy định đã được sửa đổi tại Điều 384 BLTTHS năm 2015 và là người trình bày


bản thuyết trình tại phiên toà (về người trình bày bản thuyết trình, Điều 386 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định là thành viên của Hội đồng, không xác định cụ thể là người làm bản thuyết trình). Quy định trong BLTTHS năm 2003 không cụ thể dẫn đến cách hiểu Thẩm phán làm bản thuyết trình có thể không tham gia phiên toà, công việc làm bản thuyết trình là công việc có tính chất hành chính tư pháp. Trong khi việc chuẩn bị mở phiên toà tái thẩm cũng giống như sơ thẩm và phúc thẩm đòi hỏi phải nghiên cứu hồ sơ vụ án. Đặc biệt đối với tái thẩm, vụ án có thể qua nhiều cấp xét xử, tình tiết mới được xác minh là các tài liệu hoàn toàn mới trong hồ sơ vụ án nên việc nghiên cứu lại càng cần thiết. Tại phiên toà người đọc thuyết trình trước Hội đồng tái thẩm chính là Thẩm phán đã làm bản thuyết trình để giải thích những điểm chưa rò ràng trong đó.

Đề xuất triệu tập người bị kết án, người có liên quan đến tình tiết mới đến phiên toà tái thẩm để có thể hỏi trực tiếp. Tái thẩm tiến hành để kiểm tra tình tiết mới về độ khách quan, tính chính xác, tin cậy và xem xét bản án, quyết định có HLPL bị ảnh hưởng ở mức độ như thế nào khi xuất hiện tình tiết đó. Do vậy, cần thiết phải kiểm tra trực tiếp tình tiết là căn cứ kháng nghị, không thể chỉ căn cứ vào hồ sơ xác minh để đánh giá. Nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ xác minh do VKS tiến hành điều tra cũng có thể có sai lầm do kết quả xác minh không chính xác hoặc có vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra, xác minh. Vì vậy, tại phiên toà tái thẩm trước khi hỏi những người có liên quan đã được triệu tập, nên để đại diện VKS trình bày kết quả xác minh tình tiết mới phát hiện. Sau đó Hội đồng tái thẩm sẽ trực tiếp kiểm tra thông qua hoạt động hỏi những người được triệu tập, khi cần thiết có thể tiến hành tranh luận.

Trên cơ sở phân tích trên, đề xuất xây dựng quy định riêng về thủ tục phiên toà tái thẩm như sau:

“Điều 297c. Chuẩn bị phiên toà tái thẩm và thủ tục phiên toà tái thẩm.

1. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân cấp cao phân công một Thẩm phán là thành viên Hội đồng Tái thẩm làm bản thuyết trình về vụ án. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án, các bản án, quyết định của Toà án


các cấp và nội dung của kháng nghị. Thẩm phán đã làm bản thuyết trình phải gửi bản thuyết trình cho các thành viên của Hội đồng tái thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên toà tái thẩm.

2. Tại phiên toà, Thẩm phán đã làm bản thuyết trình trình bày bản thuyết trình về vụ án. Viện kiểm sát trình bày kết luận kiểm tra xác minh tình tiết mới, phát biểu quan điểm về quyết định kháng nghị.

Hội đồng tái thẩm kiểm tra kết quả xác minh tình tiết mới bằng cách hỏi người bị kết án và những người có liên quan đến việc kháng nghị. Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án.

Trước khi biểu quyết, các thành viên Hội đồng tái thẩm phát biểu ý kiến. Khi biểu quyết về nội dung kháng nghị, biểu quyết theo trình tự những ý kiến đồng ý với kháng nghị, những ý kiến không đồng ý với kháng nghị”.

* Về thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

BLTTHS năm 2015 cũng như BLTTHS năm 2003 chỉ quy định Hội đồng tái thẩm có những quyền gì mà không đưa ra các căn cứ cụ thể. Việc không quy định căn cứ cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất trên thực tế như đã phân tích. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, chúng tôi có một số đề xuất sau:

- Về thẩm quyền “Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định có HLPL” (khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2003).

Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định có HLPL khi tình tiết mới không làm thay đổi cơ bản nội dung bản án hoặc quyết định [47]. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị đều dẫn đến giữ nguyên bản án có HLPL do có thể xảy ra trường hợp không thể giữ nguyên bản án. Vì vậy, cần phải có quy định loại trừ những trường hợp Hội đồng tái thẩm có thể hủy bản án, quyết định có HLPL để điều tra lại hoặc xét xử lại và trường hợp hủy bản án, quyết định có HLPL và đình chỉ vụ án.

Đề xuất xây dựng quy định về căn cứ không chấp nhận kháng nghị:


“Điều 298a. Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định có HLPL nếu xác định tình tiết mới không làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 298b và 298c của Bộ luật này”.

- Bổ sung quy định về căn cứ cho thẩm quyền hủy bản án hoặc quyết định có HLPL để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Không phải trong mọi trường hợp việc hủy bản án, quyết định của Toà án cũng dẫn đến toàn bộ nội dung bản án, quyết định bị kháng nghị đều bị hủy bỏ. Như đã phân tích trong phần phạm vi tái thẩm cũng như đối chiếu thực tiễn tái thẩm, việc hủy toàn bộ hay một phần bản án phụ thuộc chủ yếu vào tình tiết là căn cứ kháng nghị tái thẩm có ý nghĩa như thế nào đối với phán quyết Toà án đã tuyên. Trong trường hợp tình tiết là căn cứ kháng nghị tái thẩm ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung bản án, quyết định, Hội đồng tái thẩm phải hủy toàn bộ bản án, quyết định và điều tra lại từ đầu. Nếu tình tiết mới là căn cứ kháng nghị tái thẩm ảnh hưởng đến một phần bản án, quyết định (như trường hợp tình tiết mới chỉ làm thay đổi phán quyết đối với một đối tượng trong vụ án có đồng phạm) thì chỉ hủy phần bản án, quyết định có liên quan đến đối tượng đó.

Thực tế áp dụng có ba trường hợp sau: 1) Hội đồng tái thẩm tuyên hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại; 2) Hội đồng tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định phúc thẩm để phúc thẩm lại; 3) Hội đồng tái thẩm hủy quyết định tái thẩm để tái thẩm lại. Hội đồng tái thẩm quyết định hủy một phần hay toàn bộ bản án, quyết định và quyết định xét xử lại từ cấp nào tùy thuộc vào tình tiết mới phát hiện có đặc điểm xuất hiện, tồn tại ở thời điểm nào trong quá trình tố tụng trước đó và ảnh hưởng như thế nào đến bản án, quyết định đang xem xét. Ngoài ra cũng cần sửa quy định tại Điều 300 BLTTHS năm 2003, bởi quy định như hiện nay tại điều luật dẫn đến cách hiểu: Hội đồng tái thẩm chỉ có quyền quyết định xử lại từ cấp sơ thẩm mà không có quyền quyết định xét xử lại ở các cấp khác. Căn cứ này đặt cùng với nội dung hiện nay tại Điều 300 BLTTHS năm 2003, cụ thể kiến nghị quy định như sau:


“Điều 298b. Hủy bản án, quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại.

1. Hội đồng tái thẩm hủy bản án, quyết định bị kháng nghị để điều tra lại nếu tình tiết mới là căn cứ để kháng nghị làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định xét thấy cần phải điều tra lại từ đầu để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Trong trường hợp cần xét xử lại, Hội đồng tái thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

2. Trường hợp Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.

3. Trường hợp Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật để xét xử lại thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Toà án có thẩm quyền để xét xử lại theo thủ tục chung”.

- Bổ sung căn cứ hủy bản án, quyết định có HLPL và đình chỉ vụ án.

Căn cứ không khởi tố vụ án quy định tại Điều 107 BLTTHS năm 2003 cũng là các căn cứ để Hội đồng tái thẩm tuyên hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án. Việc thừa nhận đây là các căn cứ để Hội đồng tái thẩm đình chỉ vụ án được đề cập trong nhiều nghiên cứu [67, tr. 42; 94, tr. 17].

Các căn cứ này có thể xuất hiện trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền không nhận thức được hoặc nhận thức không đúng vì vậy đã khởi tố, điều tra, thậm chí đã có bản án tuyên có HLPL. Hội đồng tái thẩm hủy và đình chỉ toàn bộ hay hủy và đình chỉ một phần bản án, quyết định phụ thuộc vào tình tiết mới làm thay đổi cơ bản toàn bộ hay thay đổi cơ bản một phần bản án, quyết định bị kháng nghị [51].

Kiến nghị bổ sung căn cứ hủy bản án, quyết định có HLPL và đình chỉ vụ án: “Điều 298c. Hủy bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án Hội đồng tái thẩm hủy bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị

và đình chỉ vụ án nếu có căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này”.


- Bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng tái thẩm để phù hợp với thực tiễn.

Thực tiễn tái thẩm có trường hợp Hội đồng tái thẩm hủy quyết định có HLPL nhưng không thể quyết định điều tra, xét xử lại hay đình chỉ vụ án. Đó là những trường hợp Hội đồng tái thẩm hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Toà án vì có tình tiết mới dẫn đến phán quyết cho giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Toà án là không có căn cứ mà khi xét giảm Toà án không biết [48]. Trường hợp này, Hội đồng tái thẩm hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt là đúng nhưng không thể đình chỉ vụ án hay điều tra, xét xử lại bởi vì về thực chất vụ án đã giải quyết xong, vấn đề giải quyết chỉ liên quan đến xét giảm hay miễn hình phạt. Việc hủy quyết định miễn giảm hình phạt tù đồng nghĩa với việc hình phạt đã tuyên trong bản án, quyết định có HLPL đang thi hành không thay đổi, không cần điều tra lại hay xét xử lại và cũng không có lý do để đình chỉ vụ án. Dưới góc độ bảo đảm pháp chế Xã hội chủ nghĩa trong TTHS, quyết định đó của Hội đồng tái thẩm không rơi vào bất cứ trường hợp nào về thẩm quyền quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2003. Trên thực tế, trường hợp phải tái thẩm quyết định loại này không phải là cá biệt (đã nêu trong phần đánh giá thực trạng). Việc bổ sung quy định của pháp luật về các trường hợp này giúp bảo đảm mọi phán quyết của Toà án có căn cứ, theo quy định của pháp luật [76, 77]. Do quyết định của Toà án không liên quan đến việc giải quyết thực chất vụ án hình sự nên có thể xây dựng một quy định riêng về kháng nghị tái thẩm các quyết định của Toà án hoặc bổ sung cho Hội đồng tái thẩm có thêm thẩm quyền tại khoản 4 Điều 298 như sau:

“4. Hủy quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị của Toà án và giữ nguyên quyết định đúng pháp luật”.

* Sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật có liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

Việc giải quyết vấn đề người bị kết án oan trong bản án có HLPL như hiện nay còn bất cập. Cụ thể, một người không thực hiện hành vi phạm tội nhưng bản án, quyết định kết án họ là người phạm tội và buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Bản án kết tội oan đã được thi hành, người bị kết án oan phải thi hành hình phạt tuyên

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí