trong bản án, sau đó có kháng nghị tái thẩm vì phát hiện tình tiết mới khẳng định người thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án đã giải quyết là đối tượng khác không phải người đã bị kết án. Hội đồng tái thẩm tuyên hủy bản án có HLPL bị kháng nghị để điều tra lại thì kết quả người bị kết án oan sẽ được giải oan bằng phán quyết của cơ quan điều tra là đình chỉ điều tra đối với bị can (người đã có bản án kết tội oan sai). Ví dụ vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Quyết định tái thẩm số 18/2013/HS-TT ngày 06/11/2013 Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ra quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004 của TAND tỉnh Bắc Giang và bản án hình sự phúc thẩm số 1241/HSPT ngày 27/7/2004 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung theo kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC-V3 ngày 04/11/2013 của Viện trưởng VKSNDTC. Sau đó, ngày 25/01/2014, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Thanh Chấn do xác định Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội giết người và cướp tài sản. Trước đó ngày 29/10/2013, VKSNDTC đã ký quyết định số 17/QĐ-VKSTC-C6 khởi tố vụ án giết người, cướp tài sản tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (người bị hại chị Nguyễn Thị Hoan), khởi tố bị can đối với Lý Nguyễn Chung. Khi đối chiếu với các căn cứ đình chỉ điều tra quy định tại Điều 164 BLTTHS năm 2003 thì khó xác định đây là trường hợp đình chỉ theo căn cứ nào. Vì người bị kết án oan không rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 107 BLTTHS năm 2003, Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2009 và cũng không phải hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Thực tế đây là trường hợp bị can không thực hiện hành vi phạm tội, đây không thể hiểu là trường hợp không chứng minh được bị can phạm tội khi hết hạn điều tra. Vì vậy, để có căn cứ pháp lý giải quyết cho trường hợp này Điều 164 BLTTHS năm 2003 cần bổ sung thêm điểm c vào khoản 2 như sau “c. Bị can không thực hiện hành vi phạm tội”. Từ đó các quy định về căn cứ đình chỉ vụ án ở giai đoạn truy tố và xét xử cũng phải được bổ sung căn cứ này. Riêng ở giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm, khi xuất hiện căn cứ này Toà án phải ra bản án tuyên họ là người vô tội.
4.2.2. Một số giải pháp khác nâng cao chất lượng tái thẩm ở Việt Nam
4.2.2.1. Đổi mới công tác giải quyết khiếu nại, đơn yêu cầu, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ở Toà án và Viện kiểm sát.
Đổi mới công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để hạn chế số lượng đơn tồn đọng từ năm này sang năm khác. Xây dựng quy trình tại Toà án cũng như VKS để thực hiện được phân loại giữa khiếu nại, tố cáo trong TTHS với yêu cầu xem xét lại bản án có HLPL. Xác định về cơ bản yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định có HLPL cần được giải quyết theo thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm và thời hạn phải chuyển đến bộ phận có thẩm quyền giải quyết tiếp. Nên quy định rò về thời hạn trả lời yêu cầu xét lại bản án, quyết định có HLPL, có thể khác nhau giữa giám đốc thẩm và tái thẩm. Có quy trình báo cáo, kiểm tra hàng tháng hoặc hàng quý để lãnh đạo Toà án, VKS đưa ra phương án giải quyết kịp thời trong trường hợp số lượng đơn thư tăng cao ngoài khả năng xử lý của đơn vị. Điều chỉnh việc cấp kinh phí trong quá trình xác minh, điều tra cũng như tiến hành trang bị các phương tiện cần thiết như máy ghi âm, ghi hình để cán bộ kiểm tra, xác minh có khả năng hoàn thành công việc.
4.2.2.2. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng
Tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là giữa VKS và Toà án để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại và đề nghị xét lại bản án, quyết định có HLPL theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Về cơ sở pháp lý, ngoài các quy định của BLTTHS năm 2003 còn áp dụng Quy định số 200/QĐPH/ VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 26/01/2010 về việc phối hợp trong quan hệ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp. VKS và Toà án phối hợp trong việc: phân loại đơn khiếu nại và yêu cầu, xác định các đơn khiếu nại và yêu cầu có nội dung trùng lặp để thống nhất cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Với các khiếu nại hay đơn thư yêu cầu đã được giải quyết tiếp tục có khiếu nại, yêu cầu cần kiểm tra kỹ vì có khả năng phát hiện các tình tiết mới là căn cứ kháng nghị tái thẩm. Trong trường hợp có yêu cầu kháng nghị tái thẩm, Toà án nhanh chóng chuyển đơn đến VKS để giải quyết theo thẩm quyền. Khi có yêu cầu của VKS về việc chuyển hồ sơ vụ án, TANDTC cần có chỉ đạo đối với TAND các cấp đáp ứng yêu cầu chuyển
hồ sơ nhanh chóng, tạo điều kiện để VKS kiểm tra, xác minh xem có hay không căn cứ kháng nghị tái thẩm. Trong trường hợp có kháng nghị tái thẩm, phải chuyển ngay hồ sơ cùng kháng nghị cho Toà án có thẩm quyền. Về mối quan hệ giữa VKS và Cơ quan điều tra, cần có sự phối hợp để các hoạt động kiểm tra, xác minh tình tiết mới được thuận lợi, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu Cơ quan điều tra trực tiếp tham gia cùng để bảo đảm yêu cầu về nghiệp vụ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra và VKS sẽ giảm bớt áp lực cho bộ phận có trách nhiệm kiểm tra, xác minh tình tiết mới của VKS, đồng thời cho kết quả chính xác và nhanh chóng, do đây là cơ quan có nghiệp vụ điều tra.
Có thể bạn quan tâm!
- Yêu Cầu Nâng Cao Chất Lượng Tái Thẩm Ở Việt Nam
- Những Tình Tiết Khác Làm Cho Việc Giải Quyết Vụ Án Không Đúng Sự Thật”.
- Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 17
- Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 19
- Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 20
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
4.2.2.3. Nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ Toà án và VKS trực tiếp làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm
Tăng cường đội ngũ cán bộ Toà án, VKS, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp làm công việc thụ lý, xử lý, giải quyết các đơn thư khiếu nại nói chung và đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự nói riêng. Toà án, VKS cần xác định về mặt nhận thức cho cán bộ làm các công tác này hiểu rò tầm quan trọng của công việc mình được giao. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn cùng với việc thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, bổ sung kiến thức pháp lý chyên ngành cho cán bộ để đảm bảo xử lý kịp thời nhanh chóng các yêu cầu hợp pháp, đảm bảo khắc phục được các sai lầm trong bản án, quyết định của Toà án nếu có. Ngoài ra, Toà án và VKS cần lưu ý đến khối lượng công việc cán bộ Toà án, VKS phải tiến hành để nếu cần thiết tăng cường cho đủ số lượng cán bộ, không để tình trạng quá tải đối với cán bộ giải quyết yêu cầu giám đốc thẩm và tái thẩm như hiện nay. Nhanh chóng xây dựng chế độ đãi ngộ riêng có tính đặc thù cho cán bộ tư pháp để đảm bảo sự tận tâm trong công việc, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi các tác động vật chất có tính tiêu cực.
4.2.2.4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chuyên ngành; công tác sơ kết, tổng kết nhằm nâng cao chất lượng tái thẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề của các cơ quan chuyên ngành cần được tiến hành theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu để kịp thời phát hiện
những sai sót trong quá trình tái thẩm. Những chậm trễ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ được phát hiện kịp thời, tìm ra nguyên nhân để có phương án khắc phục cụ thể bảo đảm tìm ra căn cứ kháng nghị tái thẩm nhanh nhất nếu có, bảo đảm quyền của người bị oan, sai. Việc tổng kết công tác kháng nghị tái thẩm tại VKS, công tác giải quyết tái thẩm tại Tòa án cần được chú trọng ngoài mục đích hướng tới nâng cao chất lượng tái thẩm còn rút ra các bài học tổng kết thực tiễn giải quyết án hình sự để tránh lặp lại sai lầm tương tự trong các vụ án hình sự đang giải quyết hoặc sẽ giải quyết trong tương lai.
4.2.2.5. Tăng cường giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung và tái thẩm nói riêng.
Công khai, minh bạch trong tố tụng hình sự là đòi hỏi bắt buộc để tăng cường được việc giám sát của nhân dân, của các phương tiện thông tin đại chúng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kết quả của các hoạt động xét xử mà cụ thể là các bản án đã có HLPL cần được công khai để nhân dân có điều kiện kiểm tra, giám sát, bảo đảm phát hiện nhanh chóng, khẩn trương sai lầm nếu có. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để mọi người hiểu rò trách nhiệm của mình trong hoạt động kiểm tra, giám sát, đồng thời có đủ hiểu biết để nhận biết được đúng, sai trong bản án, quyết định có HLPL nhằm hạn chế việc yêu cầu, đề nghị giám đốc tái thẩm không cần thiết.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
1. Việc nâng cao chất lượng tái thẩm là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Yêu cầu nâng cao chất lượng tái thẩm bảo đảm quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền, bám sát các nhiệm vụ, phương hướng, yêu cầu trong quá trình cải cách tư pháp thể hiện trong các Nghị quyết, Kết luận có tính chất chỉ đạo quá trình này. Các giải pháp nâng cao chất lượng tái thẩm góp phần giải quyết được nhiệm vụ đặt ra trong TTHS; bảo đảm thực hiện được trên thực tế; có tính đồng bộ trong hệ thống các giải pháp; bảo đảm sự kế thừa lịch sử đồng thời tiếp thu có chọn lọc những quy định pháp luật các nước
trên thế giới phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xu thế phát triển của xã hội trong tương lai.
2. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tái thẩm gồm các giải pháp hoàn thiện pháp luật TTHS về tái thẩm và một số giải pháp khác. Giải pháp hoàn thiện pháp luật có đối chiếu, so sánh với những sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS năm 2015 về thủ tục tái thẩm và theo hướng: xác định rò tính chất của tái thẩm; mục đích của tái thẩm; xác định rò căn cứ kháng nghị tái thẩm để tránh nhầm lẫn với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm; xác định rò trách nhiệm của Toà án, VKS trong tiến hành tái thẩm; đặc biệt luật hoá quy định về tiến hành kiểm tra xác minh tình tiết mới; giới hạn, làm rò phạm vi tái thẩm; xây dựng thủ tục phiên toà tái thẩm đảm bảo có khả năng đưa ra phương án giải quyết đúng đắn nhất; xác định lại thẩm quyền tái thẩm, cụ thể thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người bị oan trong TTHS.
3. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật TTHS được tiến hành đồng thời với các giải pháp khác. Đó là các giải pháp về tổ chức cán bộ tại VKS, Toà án; về tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chuyên ngành; tăng cường giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng... Việc tiến hành đồng thời các giải pháp hoàn thiện pháp luật cũng như các giải pháp khác sẽ bảo đảm nâng cao chất lượng tái thẩm trong TTHS, giúp phát hiện và khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định có HLPL của Toà án nhanh chóng, triệt để.
KẾT LUẬN
1. Việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án khi mới phát hiện tình tiết cho thấy nội dung trong bản án, quyết định không đúng là thủ tục quan trọng được ghi nhận trong pháp luật TTHS của nhiều quốc gia trên thế giới với tên gọi và quy định cụ thể khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống pháp luật, truyền thống pháp luật, mô hình tư pháp hình sự và hình thức tố tụng trong từng thời kỳ phát triển khác nhau của mỗi một quốc gia.
2. Trong thời kỳ đất nước còn chia cắt, việc áp dụng pháp luật khác nhau giữa các miền: tái thẩm được quy định trong TTHS miền Nam Việt Nam và không quy định tại miền Bắc. Năm 1981, lần đầu tiên thủ tục tái thẩm chính thức được ghi nhận trong pháp luật TTHS Việt Nam bên cạnh thủ tục giám đốc thẩm. Từ khi hình thành, pháp luật TTHS về tái thẩm từng bước phát triển và có đóng góp nhất định vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm.
3. Tính chất của tái thẩm thể hiện qua những đặc điểm riêng giúp phân biệt với sơ thẩm, phúc thẩm và đặc biệt là thủ tục giám đốc thẩm. Tái thẩm trong luận án được xác định là: thủ tục đặc biệt trong đó Tòa án có thẩm quyền xét lại bản án, quyết định hình sự đã có HLPL khi có kháng nghị vì mới phát hiện tình tiết làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định mà Tòa án không biết khi ra bản án, quyết định nhằm đảm bảo xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
4. Tái thẩm trong TTHS có vị trí, ý nghĩa quan trọng góp phần khắc phục các sai lầm trong giải quyết vụ án hình sự. Tái thẩm góp phần thực hiện các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền con người, bảo đảm vụ án hình sự được giải quyết khách quan, công bằng, củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án.
5. Quy định trong BLTTHS năm 2003 kế thừa những quy định tiến bộ, khoa học trong BLTTHS năm 1988, đồng thời có tiếp cận với luật pháp quốc tế và pháp luật của các nước khác trên thế giới. Về cơ bản, quy định về tái thẩm trong
BLTTHS năm 2003 đáp ứng được về cơ bản thực tiễn tái thẩm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định của pháp luật về tái thẩm phải được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu thực tiễn hiện nay trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền.
6. Số lượng bản án, quyết định có HLPL bị kháng nghị tái thẩm ít trong khi số lượng đơn thư, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không có xu hướng giảm và tồn đọng chưa giải quyết lớn. Việc phát hiện các vụ án oan sai trong thời gian gần đây cho thấy hiệu quả tái thẩm chưa cao, có vụ oan sai để kéo dài xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị kết án oan. Quá trình tái thẩm cho thấy không có sự phân biệt rò ràng căn cứ tái thẩm với giám đốc thẩm, giải quyết của hội đồng tái thẩm theo quy định của pháp luật trong nhiều trường hợp không thực sự thỏa đáng với thiệt hại mà người đó phải chịu.
7. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn tái thẩm do nhiều nguyên nhân: pháp luật TTHS về tái thẩm chưa thực sự phù hợp, không đầy đủ; quan hệ giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong nhiều trường hợp không chặt chẽ; đội ngũ làm công tác tái thẩm án hình sự còn thiếu, chưa hiểu rò tầm quan trọng của việc tiến hành tái thẩm. Việc tìm hiểu rò nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn tái thẩm là một trong những cơ sở để xác định đúng đắn những giải pháp khắc phục và nâng cao hiệu quả tái thẩm.
8. Những giải pháp nâng cao hiệu quả tái thẩm theo hướng đảm bảo phát hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác vụ án oan sai; đảm bảo chất lượng cao của các quyết định tái thẩm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị kết án. Những giải pháp này phải xuất phát từ các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện của Đảng; đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền; đảm bảo tính khả thi cao; đảm bảo tính đồng bộ giữa các giải pháp và hệ thống pháp luật mới nhất; đảm bảo tiếp thu có chọn lọc pháp luật của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển của xã hội trong tương lai./.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Nguyễn Hải Ninh (2014), “Hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phạm vi và thẩm quyền của hội đồng tái thẩm”, Tạp chí Luật học (5), tr. 46 - 52.
2. Nguyễn Hải Ninh (2014), “Căn cứ kháng nghị tái thẩm vụ án hình sự”, Tạp chí Toà án nhân dân (10), tr. 9 - 12.
3. Nguyễn Hải Ninh (2014), “Tái thẩm trong tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (6), tr. 60 - 64.