Khuyết tật trên được khắc phục bằng việc xây dựng hệ phương trình đồng thời. Đây là tập hợp của nhiều phương trình cấu trúc (structural equations) riêng lẻ. Mỗi phương trình cấu trúc bao gồm một biến nội sinh (endogenous variable) và nhiều biến ngoại sinh (exogenous variables). Mỗi biến nội sinh trong phương trình cấu trúc này lại được xác định đồng thời qua các phương trình cấu trúc khác. Việc xây dựng hệ phương trình để phân tích là cách mà Erenburg (1993), Khan và Kumar (1997), Erden và Holcombe (2005), Aysan và cộng sự (2007), Eden và Kraay (2014), Andrade và Duarte (2016) đã thực hiện khi nghiên cứu về sự chi phối của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân.
Như vậy, mô hình nghiên cứu của luận án sẽ bao gồm: (1)- Phương trình 1: phương trình tác động của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân: nhằm xác định sự ảnh hưởng của chi tiêu công lên đầu tư tư nhân, từ đó đề xuất hàm ý chính sách phù hợp cho chính sách chi tiêu công. Biến chi tiêu công trong phương trình 1 lại là biến nội sinh trong phương trình 2. (2)- Phương trình 2: phương trình chi tiêu công: thể hiện các nhân tố ảnh hưởng đến chi tiêu công. Cụ thể như sau:
priit = α0 + α1pgexit + α2pfdiit + α3pcreit + α4ririt + α5git + α6infit + α7labit + α8sch1it
+ α9ptra1it + α10polit + uit (1)
pgexit = β0 + β1pgrevit + β2lgdpr2it + β3ygap2it + β4age2it + β5inf2it + β6effe2it + β7cor2it + vit (2)
Trong đó: i: là quốc gia thứ i, i = 1-14
t: là năm t, t = 2000-2018
α, β: tham số ước lượng của mô hình
u, v: phần dư của mô hình
Ký hiệu, cách đo lường và nguồn dữ liệu của từng biến được trình bày ở bảng dưới đây.
Bảng 3.1. Giới thiệu các biến nghiên cứu trong mô hình
Tên gọi | Cách đo lường | Nguồn dữ liệu | |
pri | Đầu tư tư nhân | Logarit của đầu tư tư nhân | WB |
pgex | Chi tiêu công | Tỷ lệ chi tiêu công/GDP (%) | IMF |
pfdi | Vốn FDI | Tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài/GDP (%) | WB |
pcre | Tín dụng tư nhân | Tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân/GDP (%) | WB |
rir | Lãi suất | Tỷ lệ lãi suất thực (%) | WB |
g | Tốc độ tăng trưởng kinh tế | Tốc độ tăng của GDP thực (%) | WB |
inf | Lạm phát | Tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (%) | WB |
lab | Quy mô lao động | Logarit của lực lượng lao động | WB |
sch | Vốn nhân lực | Số năm đi học trung bình (năm) | HDI |
ptra | Độ mở thương mại | Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP (%) | WB |
pol | Sự ổn định chính trị | Sự ổn định về mặt an ninh, chính trị của đất nước (%) | WGI |
pgrev | Thu ngân sách | Tỷ lệ thu ngân sách/GDP (%) | IMF |
lgdpr | Quy mô GDP | Logarit của GDP thực tế | WB |
ygap | Khoảng cách sản lượng | Tỷ lệ % của sự chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng (%) | WB |
age | Dân số phụ thuộc | Tỷ lệ dân số phụ thuộc (%) | WB |
effe | Hiệu quả của chính phủ | Mức độ hiệu quả của chính phủ (%) | WGI |
cor | Mức độ kiểm soát tham nhũng | Mức độ kiểm soát tham nhũng (%) | WGI |
Có thể bạn quan tâm!
- Các Nhân Tố Tác Động Đến Đầu Tư Tư Nhân
- Tác Động Của Chi Tiêu Công Đến Đầu Tư Tư Nhân
- Khoảng Trống Nghiên Cứu Về Tác Động Của Chi Tiêu Công Đến Đầu Tư Tư Nhân
- Tình Hình Chi Tiêu Công Và Đầu Tư Tư Nhân Ở Một Số Nền Kinh Tế Châu Á
- Cơ Cấu Gói Kích Thích Kinh Tế Của Trung Quốc (Tỷ Nhân Dân Tệ)
- Ma Trận Hệ Số Tương Quan Giữa Các Biến Trong Phương Trình 1
Xem toàn bộ 167 trang tài liệu này.
Nguồn: Tác giả thực hiện dựa trên tổng quan nghiên cứu
3.2.2. Giả thuyết nghiên cứu của phương trình tác động của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân
Dựa trên phân tích tổng quan nghiên cứu và khung lý thuyết, những giả thuyết nghiên cứu trong phương trình 1 - nghiên cứu tác động của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân - sẽ được đề xuất. Có 9 giả thuyết tương ứng với 10 biến chính, cụ thể như sau:
Chi tiêu công
(+,-)
Vốn FDI
(+)
Tín dụng tư nhân
(+)
Lãi suất
(-)
Tăng trưởng kinh tế
(+)
Đầu tư tư nhân
Lạm phát
(-)
Nguồn nhân lực
(+)
Độ mở thương mại
(+)
Sự ổn định chính trị
(+)
Chú thích: Dấu (+): Nhân tố tác động cùng chiều đến đầu tư tư nhân. Dấu (-): Nhân tố tác động ngược chiều đến đầu tư tư nhân.
Nguồn: Tác giả thực hiện dựa trên tổng quan nghiên cứu
Hình 3.2. Quan hệ giữa các biến số trong phương trình 1
Các giả thuyết cụ thể bao gồm:
- Giả thuyết H1: Chi tiêu công bổ trợ (đồng biến) hoặc lấn át (nghịch biến) đầu tư tư nhân
Tổng quan từ nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, ở nhiều nước đang phát triển, các doanh nghiệp từ khu vực công thường dễ dàng tiếp cận vốn và nhận được sự bảo trợ từ ngân sách nhiều hơn so với khu vực tư nhân. Thêm vào đó, những khoản chi tiêu công kém hiệu quả có thể gây tác động chèn lấn đầu tư tư nhân. Điều này đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu khác nhau (Ahmed & Miller, 2000; Ghura & Goodwin, 2000).
Tuy nhiên, một số tác giả lại khẳng định những tác động tích cực mà chi tiêu công mang lại còn lớn hơn ảnh hưởng tiêu cực. Điều này đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu khác nhau của Blejer và Khan (1984), Ghura và Goodwin (2000),
Blanchard và Perotti (2002), Erden và Holcombe (2005), Gjini và Kukeli (2012); đặc biệt là trong trường hợp Việt Nam như Đào Thị Bích Thủy (2014), Su và Bui (2016).
Vì thế, giả thuyết đặt ra ở đây là Chi tiêu công có thể có tác động bổ trợ, hay nói cách khác là đồng biến với đầu tư tư nhân; hoặc có tác động lấn át, nghĩa là nghịch biến với đầu tư tư nhân.
- Giả thuyết H2: Vốn FDI đồng biến với đầu tư tư nhân
Nhiều quan điểm nghiên cứu khác nhau đã đề cập đến tác động đa dạng của vốn FDI đến khu vực tư nhân trong nước, thậm chí là quan hệ trái chiều nhau. Có trường hợp FDI kích thích động lực sáng tạo và phát triển ở các doanh nghiệp trong nước; có trường hợp khu vực nội địa phải phá sản trước sự lớn mạnh của FDI. Nhưng không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh khan hiếm vốn ở nhiều nền kinh tế châu Á thì FDI là một nguồn động lực cực kỳ quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt của nền kinh tế. Nhìn tổng thể, vốn FDI thường có hiệu ứng tràn theo hướng tích cực đến vốn đầu tư tư nhân như đã được đề cập trong các nghiên cứu của Al-Sadig (2013), Kim & Seo (2003), Haskel và cộng sự (2007), Xu & Wang (2007), Altaleb & Alokor (2012). Đây cũng là giả thuyết được đặt ra ở nghiên cứu này.
- Giả thuyết H3: Tín dụng tư nhân đồng biến với đầu tư tư nhân
Từ phân tích ở chương 2, nhiều nghiên cứu đã khẳng định vai trò của yếu tố tín dụng trong mô hình đánh giá ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân và cho ra kết luận cùng chiều; từ phạm vi một quốc gia (Ribeiro và Teixeira, 2001; Acosta và Loza, 2005; Tadeu và Silva, 2013); cho đến một nhóm nước (Blejer và Khan, 1984; Ghura và Goodwin, 2000; Combey, 2016). Do vậy, trong nghiên cứu này, tín dụng tư nhân cũng được giả thuyết sẽ có quan hệ đồng biến với đầu tư tư nhân.
- Giả thuyết H4: Lãi suất nghịch biến với đầu tư tư nhân
Về lý thuyết, lãi suất và đầu tư có mối quan hệ nghịch biến với nhau. Đồng thời, nhiều nghiên cứu về hiệu ứng lấn át cũng cho thấy, lãi suất là nhân tố quan trọng và có tác động ngược chiều với nhu cầu đầu tư (Jorgenson, 1963; Ghura & Goodwin, 2000; Erden & Holcombe, 2005; Acosta và Loza, 2005; Roache, 2006; Gjini và Kukeli, 2012).
- Giả thuyết H5: Tăng trưởng kinh tế đồng biến với đầu tư tư nhân
Đầu tư là một thành tố của tăng trưởng kinh tế, và ngược lại, kinh tế tăng trưởng sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư tích cực rót vốn hơn nữa (Kormendi & Meguire, 1985; Blostrom và cộng sự, 1996; Erden & Holcombe, 2005; Acosta và Loza, 2005; Altaleb & Alokor, 2012). Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu về tốc độ tăng của GDP được xem là thang đo phù hợp để phản ánh sự tác động của nền kinh tế đến đầu tư tư nhân.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế (g)” - đo bằng tốc độ tăng của GDP thực - là chỉ tiêu thường được sử dụng để phản ánh mức độ biến động của nền kinh tế qua các năm. Khi quy mô kinh tế được mở rộng, tăng trưởng kinh tế tốt hơn thì sẽ kích thích hoạt động đầu tư diễn ra mạnh mẽ hơn; và ngược lại. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ dương với đầu tư tư nhân.
- Giả thuyết H6: Lạm phát nghịch biến với đầu tư tư nhân
Lạm phát được coi như một trong các yếu tố phản ánh sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, do vậy có ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các khu vực. Cụ thể, sự bùng nổ về giá thường kéo theo chi phí sản xuất gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực lên vốn đầu tư tư nhân. Vì thế rất nhiều tác giả bằng minh chứng thực nghiệm, đã khẳng định về mối quan hệ ngược chiều này (Acosta và Loza, 2005; Gjini và Kukeli, 2012; Ghura và Goodwin, 2000).
- Giả thuyết H7: Nguồn nhân lực đồng biến với đầu tư tư nhân
Lao động là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp nên nó cũng sẽ là nhân tố quyết định đến nhu cầu cung ứng vốn đầu tư. Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao sẽ là điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư. Do vậy, “lao động” thường xuyên xuất hiện trong các mô hình phản ánh các nhân tố ảnh hưởng đến vốn đầu tư hoặc các mô hình thể hiện hiệu ứng lấn át đầu tư (Khan và Kumar, 1997; Altaleb và Alokor, 2012; Su và Bui, 2016;).
Nguồn nhân lực được thể hiện ở khía cạnh số lượng và chất lượng. Trong nghiên cứu này, khía cạnh số lượng nguồn nhân lực được thể hiện ở quy mô lực lượng lao động của quốc gia (biến lab). Khía cạnh chất lượng nguồn nhân lực, được xem như vốn nhân lực - được phản ánh bằng số năm đi học trung bình (biến sch). Thông thường, thời gian đi học càng nhiều, số năm đi học càng cao thì trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động sẽ càng được cải thiện. Chỉ tiêu này đã được sử dụng làm thang đo năng lực trí lực (là một trong ba nhân tố phản ánh năng lực phát triển của con người) - cấu thành nên chỉ số phát triển con người HDI. Bên cạnh đó, người dân ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á có số năm đi học trung bình khoảng 6,69 năm, thấp hơn nhiều các nước phát triển khác. Đây cũng là một đặc điểm riêng của các nước trong mẫu quan sát; nên thang đo này sẽ là hợp lý để phản ánh tình hình nhân lực nói chung của các nước trong mẫu quan sát.
- Giả thuyết H8: Độ mở thương mại đồng biến với đầu tư tư nhân
Thực tế những năm gần đây, trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa, các nước mới nổi và đang phát triển đều tích cực đẩy mạnh việc hội nhập thông qua nhiều
hiệp định thương mại song phương, đa phương. Hoạt động thương mại càng vì thế mà càng thể hiện tầm quan trọng của mình với đầu tư tư nhân. Theo đó, nền kinh tế càng mở cửa, hoạt động giao thương càng trở nên thuận lợi, biến số độ mở thương mại có giá trị cao thì sẽ tạo động lực mở rộng nhu cầu đầu tư trong nước (Balasubramanyam và cộng sự, 1996; Acosta và Loza, 2005; Combey, 2016, Su và Bui, 2016).
- Giả thuyết H9: Sự ổn định chính trị đồng biến với đầu tư tư nhân
Sự ổn định chính trị là yếu tố cực kỳ quan trọng khi nghiên cứu về hiệu ứng lấn át đầu tư (Mauro, 1998; Everhart và Sumlinski, 2001; Everhart và cộng sự, 2009). Everhart và Sumlinski (2001) đã phát hiện ra rằng, hiệu ứng chèn lấn này có thể xảy ra ở các khu vực có nền thể chế, môi trường kinh doanh kém phát triển, đất nước bất ổn; sau đó giảm dần và chuyển thành tác động kích thích nếu môi trường chuyển hướng tốt lên. Do đó, giả thuyết được đặt ra là sự ổn định chính trị và đầu tư tư nhân có quan hệ cùng chiều với nhau.
Trong nghiên cứu này, chỉ số “Sự ổn định chính trị” được lấy từ bộ Chỉ số Quản trị toàn cầu của Ngân hàng thế giới. Nó phản ánh sự ổn định nền chính trị quốc gia, ít xảy ra bạo lực, khủng bố, bạo động chính trị. Chỉ số này càng cao càng tốt.
3.2.3. Giả thuyết nghiên cứu của phương trình chi tiêu công
Thu ngân sách
(+)
Quy mô, khoảng cách sản lượng
(+)
Dân số phụ thuộc
(+)
Chi tiêu công
Lạm phát
(+)
Thể chế
(-)
Ghi chú:
(+): Nhân tố tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế
(-): Nhân tố tác động ngược chiều đến tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Tác giả thực hiện dựa trên tổng quan nghiên cứu
Hình 3.3. Quan hệ giữa các biến số trong phương trình 2
Những giả thuyết nghiên cứu trong phương trình 2 bao gồm:
- Giả thuyết H10: Thu ngân sách đồng biến với chi tiêu công
Hoạt động chi tiêu sẽ khó thể thực hiện nếu không có nguồn thu; vì vậy mỗi sự thay đổi trong thu ngân sách sẽ gây ra những biến đổi trong chi tiêu công. Cụ thể, tăng thu ngân sách sẽ giúp chi tiêu công có thể mở rộng quy mô. Mối quan hệ tích cực này đã được khẳng định trong nghiên cứu của Friedman (1978), Okafor and Eiya (2011), Aworinde (2013), Dizaji (2014).
- Giả thuyết H11: Quy mô và khoảng cách sản lượng đồng biến với chi tiêu công.
Quy mô và khoảng cách sản lượng là một trong các nhân tố liên quan mật thiết đến chi tiêu công. Theo quy luật Wagner, khi nền kinh tế phát triển, quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ hơn, nhu cầu kinh tế của dân chúng sẽ ngày càng gia tăng. Điều này buộc các chính quyền trung ương lẫn địa phương phải tăng cường và mở rộng hoạt động cũng như chức năng của mình cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, do đó chi tiêu sẽ tăng lên. Sản lượng kinh tế càng cao, quy mô càng lớn thì nguồn thu sẽ đảm bảo hơn, cũng góp phần đảm bảo nguồn chi ngân sách. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh điều này (Kumar và cộng sự, 2012; Facchini và Melki, 2013; Magazzino và cộng sự, 2015; Sagdic và cộng sự, 2019).
Trong nghiên cứu này, biến số quy mô sản lượng của nền kinh tế được đo bằng quy mô GDP (lgdpr); biến số khoảng cách sản lượng được đo lường bằng khoảng cách giữa sản lượng tiềm năng và thực tế (ygap). Trong đó, kết luận từ Zandi và cộng sự (2011), Ostry và cộng sự (2010), Ghosh và cộng sự (2011) đã chứng minh mối quan hệ thuận chiều giữa khoảng cách sản lượng và chi tiêu công. Khoảng cách sản lượng càng mang giá trị dương thì sản lượng GDP tạo ra được càng cao hơn mức tiềm năng, kinh tế ở vào thời kỳ phát triển. Lúc đó, nguồn thu ngân sách trở nên dồi dào, đảm bảo cho chi tiêu nên quy mô chi tiêu sẽ được nới lỏng hơn. Ngược lại, khi nền kinh tế xấu đi, khoảng cách sản lượng càng đi về giá trị âm, nguồn thu trở nên khó khăn hơn thì chi tiêu cũng bị thu hẹp lại. Cụ thể, biến “Khoảng cách sản lượng” được đo bằng tỷ lệ % của sự chênh lệch giữa giá trị GDP thực tế và GDP tiềm năng. Trong đó, GDP tiềm năng được tính bằng bộ lọc HP (Hodrick - Prescott). Đây là bộ lọc dữ liệu được sử dụng trong kinh tế vĩ mô, để xây dựng các giá trị dài hạn từ những số liệu thực.
- Giả thuyết H12: Dân số phụ thuộc đồng biến với chi tiêu công.
Tỷ lệ dân số phụ thuộc càng cao phản ánh tình trạng già hóa dân số càng lớn, trách nhiệm của chính phủ đối với xã hội càng nhiều. Điều đó làm phát sinh nhiều khoản chi phí về an sinh xã hội, y tế, phúc lợi… làm gia tăng gánh nặng cho các khoản chi của
khu vực công. Vì vậy, khi lực lượng dân số phụ thuộc trong tổng dân số tăng lên, chi tiêu công cũng tăng lên (Đỗ Thiên Anh Tuấn (2011), Zandi và cộng sự (2011), Ostry và cộng sự (2010), Ghosh và cộng sự (2011)).
- Giả thuyết H13: Lạm phát đồng biến với chi tiêu công.
Lạm phát là một thành tố quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô. Lạm phát cao kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách bị giảm sút trong khi thất nghiệp nhiều hơn, chính phủ có thêm những gánh nặng xoay quanh việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, số nợ vay tăng lên… Do vậy, chi tiêu phải gia tăng để trang trải cho các hoạt động trên. Chính vì vậy, Ostry và cộng sự (2010), Ghosh và cộng sự (2011) cho rằng, lạm phát xảy ra sẽ có tác động thuận chiều đến chi tiêu công.
- Giả thuyết H14: Thể chế nghịch biến với chi tiêu công.
Nhân tố Thể chế đã được khẳng định về vai trò đối với nền kinh tế (Stiglitz, 1997; Acemoglu và Robinson, 2013). Thể chế càng tốt, khả năng điều hành của chính phủ càng hiệu quả thì càng hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, từ đó đảm bảo nguồn lực cho hoạt động chi tiêu. Đồng thời, Bradbury và Crain (2001), Schuknecht (2000), Ostry và cộng sự (2010) chỉ ra rằng chính trị càng ổn định, chính phủ hoạt động càng hiệu quả, tình trạng tham nhũng càng thấp thì càng có tác động tích cực đến hoạt động tài khóa. Ngược lại, cấu trúc thể chế yếu ở các nước đang phát triển gây khó khăn trong việc kiểm soát các nguồn thu chi, dễ dẫn đến việc chi tiêu tùy ý theo các mục tiêu chính trị, thậm chí gây sụp đổ bộ máy.
Để đo lường biến số này, nghiên cứu sử dụng chỉ tiêu “Hiệu quả của chính phủ” và “Mức độ kiểm soát tham nhũng” trong bộ chỉ số quản trị toàn cầu (WGI). Hiệu quả của Chính phủ phản ánh chất lượng dịch vụ công; chất lượng dịch vụ dân sự và mức độ độc lập khỏi áp lực chính trị; chất lượng xây dựng và thực thi chính sách; cũng như độ tin cậy của cam kết của chính phủ đối với các chính sách đó. Mức độ kiểm soát tham nhũng thể hiện nhận thức về mức độ thực thi quyền lực công cộng cho những lợi ích cá nhân. Nếu nhận thức càng cao thì người ta càng có xu hướng hạn chế việc lợi dụng quyền lực công, tình trạng tham nhũng càng giảm bớt, mức độ kiểm soát tham nhũng càng tốt hơn. Cả 2 chỉ số này nhận giá trị từ 0 đến 100, với giá trị càng cao thì kết quả càng tốt.
3.3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng đồng thời cả 2 phương pháp là nghiên cứu định tính và
định lượng, cụ thể như sau: