Các Nhân Tố Tác Động Đến Đầu Tư Tư Nhân


2.2.2. Các nhân tố tác động đến đầu tư tư nhân

2.2.2.1. Lãi suất

Không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ nguồn lực chủ sở hữu để thực hiện việc đầu tư, do đó giải pháp phổ biến là vay vốn để bù đắp sự thiếu hụt này. Vì thế, lãi suất (cụ thể là lãi suất tiền vay) thường được xem như chi phí cơ hội của việc sử dụng vốn đầu tư, là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Khi lãi suất tăng lên, chi phí vay vốn sẽ trở nên đắt đỏ hơn khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc vay mượn. Nói một cách khác, hoạt động đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn do chi phí biên của vốn tăng lên trong khi lợi nhuận biên của đầu tư giảm xuống. Từ đây, Jorgenson (1963) khẳng định, lãi suất có quan hệ ngược chiều với vốn đầu tư. Đây là nhận xét phổ biến ở các nhà kinh tế học tân cổ điển. Lý thuyết trên đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu thực tế trên phạm vi thế giới, chẳng hạn ở 31 nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á, châu Phi cận Sahara và châu Mỹ La tinh từ năm 1975 đến năm 1992 (Ghura và Goodwin, 2000); hay 23 nước đang phát triển châu Á và châu Âu giai đoạn 1975-1987 (Greene và Villanueva, 1991). Trong phạm vi một quốc gia, Acosta và Loza (2005), Wuhan và Khurshid (2015) cũng chỉ ra ảnh hưởng ngược chiều của lãi suất đến đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, với Wuhan và Khurshid (2015), mối quan hệ âm này chỉ diễn ra trong dài hạn, còn trong ngắn hạn lại cùng chiều. Nghiên cứu này được thực hiện với trường hợp của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2012.

Tuy nhiên, một số tác giả khác có nhận định ngược lại. McKinnon (1973), Shaw (1973), Lugo (2008) bắt đầu ủng hộ trường phái tự do hóa tài chính như một phương tiện thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng. Điều này được dựa trên lập luận rằng lãi suất thực thường mang giá trị âm ở các nước đang phát triển vì các biện pháp kiểm soát hành chính thường tập trung vào lãi suất danh nghĩa cùng với các quy định khá cứng nhắc trên thị trường tài chính. Trường phái này cho rằng sự gia tăng của lãi suất thực tế sẽ kích thích hoạt động tiết kiệm và loại bỏ các dự án đầu tư có năng suất thấp, giữ lại những dự án sinh lợi tốt. Do vậy, lãi suất có tác động tích cực đến quy mô và chất lượng vốn đầu tư. Bằng quan sát nền kinh tế Ấn Độ trong hơn 40 năm, 1955-1995, Athukorala (1998) đã chứng minh rằng, lãi suất thực cao hơn dường như sẽ thúc đẩy tài chính và tiết kiệm, kích thích đầu tư tư nhân. Tương tự, nghiên cứu về Pakistan giai đoạn 1973- 2007 của Munir và cộng sự (2010) cũng khẳng định quan hệ cùng chiều giữa lãi suất thực tế và đầu tư tư nhân như giả thuyết của McKinnon-Shaw (1973).

Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes chia ra hai trường hợp là ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, lãi suất thực tế, đầu tư tư nhân và sản lượng có liên hệ mật



thiết với nhau. Tuy nhiên, trong dài hạn, điều này không xảy ra (Woodford, 2003). Trong dài hạn, lãi suất thực thường đạt được ở mức cân bằng trên thị trường vốn và được gọi là lãi suất tự nhiên. Tại đó, lạm phát không đổi, khoảng cách sản lượng bằng 0 (sản lượng thực tế trùng với sản lượng tiềm năng), tiết kiệm bằng với đầu tư. Nghiên cứu từ Nigeria giai đoạn 2980-2010 của Osundina và Osundina (2014) cho kết luận tương đồng với quan điểm này. Nhóm tác giả trên không tìm thấy bằng chứng thực nghiệm nào đủ thuyết phục để chứng tỏ tồn tại mối quan hệ giữa lãi suất và đầu tư tư nhân.

2.2.2.2. Nguồn tài chính của các khu vực kinh tế khác

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 167 trang tài liệu này.

Chi tiêu công

Chi tiêu công là một nhân tố đặc biệt khi vừa có thể hỗ trợ vừa có thể lấn át hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân. Đây cũng là nội dung chính của nghiên cứu này và sẽ được trình bày cụ thể ở các phần sau.

Tác động của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân – Nghiên cứu ở một số nền kinh tế châu Á và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - 4

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Mối liên hệ giữa vốn FDI và đầu tư trong nước của khu vực tư nhân đã thu hút nhiều nghiên cứu khác nhau. Các nhà khoa học thường tranh cãi xoay quanh hai xu hướng: FDI sẽ có hiệu ứng tràn theo hướng tích cực hay tiêu cực đến đầu tư tư nhân.

Theo hướng thứ nhất, các nghiên cứu đã tập trung về một số lập luận cơ bản. Một là, khi thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp trong nước có quan hệ làm ăn với doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu. Hai là, việc cọ xát với các doanh nghiệp FDI ngay trên thị trường nội địa giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội học tập kinh nghiệm quản lý, hoạt động và phải tham gia vào cuộc đua nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khả năng tổ chức quản lý doanh nghiệp; từ đó tăng tính năng động, khả năng cạnh tranh. Ba là, nếu dòng vốn FDI chảy vào các lĩnh vực mà trong nước còn yếu hoặc chưa đáp ứng được thì sẽ khai phá, tạo xu hướng và bổ trợ cho các nhà đầu tư tư nhân tìm hiểu hoạt động này (Romer, 1993). Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của Kim và Seo (2003), Haskel và cộng sự (2007), Xu và Wang (2007), Altaleb và Alokor (2012), Al- Sadig (2013), Omri và Kahouli (2014). Chẳng hạn, Omri và Kahouli (2014) đã tiến hành quan sát 13 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Theo đó, mô hình định lượng được xây dựng cho chuỗi thời gian 21 năm, từ 1990 đến 2010. Phân tích thực nghiệm cho thấy, FDI có quan hệ tích cực đến đầu tư tư nhân. Dài hơi hơn, Al-Sadig (2013) điều tra diện rộng trên 91 nước đang phát triển trong giai đoạn 1970-2000 và cũng đưa ra kết quả tương tự. Hơn nữa, hiệu ứng bổ trợ này sẽ mạnh hơn nếu thể chế chính trị tốt (Omri & Kahouli, 2014), hoặc mức độ sẵn có của vốn nhân lực (Al-Sadig, 2013).



Ngược lại, theo hướng thứ hai, việc gia tăng nguồn vốn FDI có thể gây khó khăn cho dòng vốn tư nhân trong nước. Nhiều doanh nghiệp FDI với tiềm lực tài chính lớn, kinh nghiệm quản lý tốt, hiệu suất làm việc cao… tạo áp lực với các doanh nghiệp nội địa. Hơn nữa, nếu vốn FDI đi vào các lĩnh vực mà nhà đầu tư trong nước đang thực hiện, tính chất cạnh tranh có thể trở nên gay gắt hơn, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của doanh nghiệp nội địa (Romer, 1993). Để minh chứng điều này, Adams (2009) tiến hành quan sát tình hình của 42 nước châu Phi khu vực cận Sahara trong các năm 1990-2003. Nghiên cứu định lượng đã cung cấp thêm bằng chứng về tương quan âm giữa FDI và đầu tư tư nhân ở nước sở tại. Kết quả cũng chỉ ra biến trễ FDI có ảnh hưởng cùng chiều đến đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ròng của biến số FDI và biến trễ FDI là âm; do đó nhìn chung FDI vẫn có sự lấn át đầu tư tư nhân. Nhận định này được khẳng định lại ở nghiên cứu của Udomkerdmongkol và Morrissey (2012). Nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu của 36 nước có thu nhập trung bình và thấp giai đoạn 1995-2001. Danh sách gồm 8 nước châu Á, 5 nước châu Phi, 10 nước châu Âu, 13 nước châu Mỹ La tinh và Caribe. Kết quả chỉ ra FDI ảnh hưởng ngược chiều lên đầu tư tư nhân nội địa ở các nước đang phát triển, và mức độ chèn lấn này sẽ cao hơn ở những nước có thể chế tốt hơn.

Đa dạng hơn, Agosin và Mayer (2000) đã phân tích tác động này trong các khoảng thời gian khác nhau. Nghiên cứu được thực hiện trên dữ liệu của 16 nền kinh tế mới nổi trong 30 năm, sử dụng hệ phương trình đồng thời, mỗi phương trình đại diện cho một nước. Bằng mô hình hồi quy 3 giai đoạn (3SLS), nhóm tác giả nhận thấy mối tương quan giữa FDI và đầu tư tư nhân phụ thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Về ngắn hạn, đa phần vốn FDI các nước có ảnh hưởng tích cực lên đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Về dài hạn, FDI có ảnh hưởng trung lập ở hầu hết các quốc gia; số còn lại tồn tại hoặc bổ trợ hoặc lấn át đầu tư tư nhân. Ở nghiên cứu tiếp theo của một trong các tác giả này, kết quả tương tự cũng xảy ra. Agosin và Machado (2005) phân tích dữ liệu giai đoạn 1971-2000 của 12 nước khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Các lập luận cho thấy FDI có xu hướng thay thế vốn đầu tư tư nhân trong nước ở châu Mỹ La tinh; trong khi ảnh hưởng không rõ nét ở 2 châu lục còn lại.

2.2.2.3. Tín dụng cho đầu tư tư nhân

Sự khan hiếm trong nguồn tài trợ vốn được nhìn nhận là một trong các yếu tố cản trở hoạt động đầu tư tư nhân. Minh chứng cho nhận định này, Loungani và Rush (1995) chỉ ra rằng nhiều chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất khó tiếp cận nguồn tài chính một cách trực tiếp trên thị trường chứng khoán. Họ thường tìm đến hệ thống các tổ chức tài chính và phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng. Vả lại, như đã đề cập ở nhân tố Lãi suất, việc đi vay là phổ biến với các nhà đầu



tư. Nguồn tài chính càng dồi dào thì việc cung ứng vốn cho hoạt động đầu tư càng diễn ra dễ dàng. Hơn nữa, nguồn cung vốn ở mức cao có thể kéo giảm lãi suất cho vay xuống, khiến nhà đầu tư thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn. Do vậy, việc mở rộng tín dụng cho khu vực tư nhân được xem là chỉ báo tốt cho dòng vốn khu vực này.

Từ cơ sở lý thuyết này, nhiều nghiên cứu đã đưa biến số tính khả dụng của tín dụng vào mô hình để đánh giá ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân, từ phạm vi một quốc gia (Ribeiro và Teixeira, 2001; Acosta và Loza, 2005; Tadeu và Silva, 2013); cho đến một nhóm nước như 24 nước đang phát triển giai đoạn 1971-1979 (Blejer và Khan, 1984), các quốc gia Tây Phi giai đoạn 1995-2014 (Combey, 2016)...

Quan hệ cùng chiều giữa nguồn tài chính với đầu tư tư nhân nhận được sự ủng hộ của Acosta và Loza (2005) khi xem xét bối cảnh Argentina giai đoạn 1970-2000. Cũng tập trung vào trường hợp của một quốc gia - Brazil - là nghiên cứu được thực hiện bởi Tadeu và Silva (2013), Ribeiro và Teixeira (2001). Nhóm tác giả này đặt ra giả thuyết các doanh nghiệp ở Brazil phải đối mặt với những khó khăn trong tín dụng. Lúc đó, tăng tín dụng cho khu vực tư nhân sẽ tạo đà cho việc mở rộng hoạt động đầu tư khu vực này trong năm đó. Kết quả cùng chiều này không đổi khi sử dụng mô phỏng Monte Carlo để dự đoán cho 6 năm tiếp theo, từ 2012 đến 2017.

Nhận định này cũng nhất quán với nghiên cứu của Ghura và Goodwin (2000) khi tiến hành quan sát 31 nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh năm 1975- 1992. Kết quả đưa ra cho thấy tỷ lệ tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân có ảnh hưởng thuận chiều đến tỷ trọng đầu tư tư nhân trong GDP, trừ các nước ở khu vực châu Mỹ Latinh. Đây cũng là những gì mà Blejer và Khan (1984) tìm thấy trong các nghiên cứu của mình.

2.2.2.4. Tăng trưởng kinh tế

Sức khỏe của nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đầu tư trong nước. Kinh tế tăng trưởng, thu nhập người dân cao hơn sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng, kích thích các nhà đầu tư mở rộng sản xuất. Việc mở rộng này đòi hỏi các nhà đầu tư phải cung ứng vốn nhiều hơn cho nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc đã xảy ra hiệu ứng tăng tốc (accelerator effect) của tổng cầu đến đầu tư; nghĩa là sự gia tăng trong thu nhập, tiêu dùng dẫn đến sự gia tăng trong đầu tư. Nói một cách khác, tăng trưởng kinh tế đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, GDP được cải thiện, đem lại thu nhập cao cũng tạo điều kiện cho hoạt động tiết kiệm trong dân cư. Điều này cực kỳ quan trọng với thị trường vốn khi mà nhiều nhà đầu tư phải đi tìm nguồn tài trợ. Lúc đó, tiết kiệm sẽ là nguồn lực dồi dào để



cung ứng vốn cho doanh nghiệp. Do vậy, kinh tế tăng trưởng, tiết kiệm được bổ sung thì đầu tư tư nhân sẽ được mở rộng.

Các nhận định trên đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu khác nhau (Greene và Villanueva 1991; Long và Summers, 1991; Blomstrom và cộng sự, 1996; Dehn, 2000; Acosta và Loza, 2005; Aysan và cộng sự, 2007; Su và Bui, 2016). Chẳng hạn, phân tích 23 nước đang phát triển những năm 1975-1987, Greene và Villanueva (1991) phát hiện thấy các nước có thu nhập bình quân đầu người cao thì tỷ trọng đầu tư tư nhân trong GDP cũng cao. Đây cũng là nhận định của Acosta và Loza (2005) trong trường hợp Argentina. Sử dụng dữ liệu chuỗi của quốc gia này giai đoạn 1970-2000, cả trong ngắn lẫn dài hạn, Acosta và Loza (2005) đều chứng tỏ quy mô sản lượng đầu ra là nhân tố tích cực thúc đẩy gia tăng đầu tư tư nhân với mức ý nghĩa thống kê rất cao.

2.2.2.5. Một số nhân tố vĩ mô khác

Lạm phát

Nhà đầu tư thường kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định vì đây là sự bảo chứng đáng tin cậy cho khả năng sinh lời của dòng vốn, cũng như có thể giảm thiểu những rủi ro trong kinh doanh. Ngược lại, kinh tế bất ổn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động đầu tư. Tính ổn định của nền kinh tế được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau như quy mô sản lượng, chính trị, tỷ giá hối đoái… và đặc biệt là sự biến động giá cả trên thị trường. Một mặt, mức giá chung tăng lên sẽ ảnh hưởng đến giá cả các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, khiến chi phí sản xuất gia tăng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm giảm nhu cầu đầu tư. Mặt khác, lạm phát xảy ra làm méo mó thông tin trên thị trường, khiến việc phân bổ nguồn lực trở nên kém hiệu quả, cũng gây tốn kém cho nhà đầu tư. Như vậy, lạm phát và đầu tư tư nhân có quan hệ ngược chiều nhau. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã sử dụng tỷ lệ lạm phát như một thang đo phù hợp cho sự không chắc chắn của nền kinh tế (Greene và Villanueva, 1991; Beaudry và cộng sự, 2001; Le, 2004; Erden và Holcombe, 2005; Acosta và Loza, 2005).

Chẳng hạn, Le (2004) khi tìm hiểu về 25 nước đang phát triển giai đoạn 1975- 1995 đã khẳng định mối liên hệ nghịch giữa lạm phát và đầu tư tư nhân bằng nhiều mô hình hồi quy khác nhau. Tương tự, Greene và Villanueva (1991) cũng sử dụng dữ liệu bảng và kết luận, lạm phát cao có tác động ngược chiều một cách mạnh mẽ lên đầu tư của khu vực tư. Trực tiếp phân tích ảnh hưởng của đầu tư công lên đầu tư tư nhân, Erden và Holcombe (2005) đồng thời đưa lạm phát vào mô hình nghiên cứu. Nhóm tác giả này quan sát 19 nước đang phát triển và 12 nước phát triển giai đoạn 1980-1997. Bằng nhiều phương pháp khác nhau như OLS, FE, RE, 2SLS, các tác giả chỉ ra tương quan âm giữa



lạm phát và đầu tư tư nhân. Thu hẹp phạm vi nghiên cứu còn trong một quốc gia, Acosta và Loza (2005) vẫn cho thấy kết luận trên là không đổi.

Bên cạnh đó, lạm phát cũng làm xói mòn sức mua của đồng tiền, nhu cầu tích lũy để gửi tiết kiệm của các hộ gia đình giảm xuống. Từ đây, việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại khó khăn hơn, quỹ cho vay bị thu hẹp, lãi suất cho vay có thể phải tăng lên. Diễn biến này kéo theo cơ hội tiếp cận vốn của khu vực tư nhân trở nên bất lợi. Như vậy, tồn tại mối quan hệ nghịch biến giữa lạm phát và đầu tư tư nhân (Hassan và Salim, 2011).

Nguồn nhân lực

Lao động là một nhân tố không thể thiếu trong các mô hình kinh tế cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn nhân lực dồi dào, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng, kinh nghiệm tốt… là những điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư. Đặc biệt, kinh tế càng phát triển càng đặt ra đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực. Một mặt, nguồn nhân lực chất lượng cao giúp quy trình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí quản lý, làm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp. Mặt khác, chất lượng nhân lực tốt sẽ song hành với việc cải thiện năng suất lao động, do vậy doanh nghiệp có thể giải quyết khối lượng công việc lớn hơn với một số lượng lao động ít hơn, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất. Điều này sẽ kích thích nhu cầu đầu tư được mở rộng (Pischke, 2005). Ngoài ra, yếu tố nhân lực còn được nhắc đến trong nhiều mô hình phân tích sự tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực (Kormendi và Meguire, 1985; Zhang và Zou, 1998; Bleaney và cộng sự, 2001). Tăng trưởng tốt sẽ tạo điều kiện mở rộng đầu tư. Do vậy, từ sự đóng góp cho quá trình tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực sẽ gián tiếp thúc đẩy mở rộng đầu tư.

Ghura và Goodwin (2000) khi tìm hiểu thành phần của đầu tư tư nhân cũng ủng hộ quan điểm trên. Ngoài ra, nhóm tác giả còn chỉ ra vốn nhân lực có liên quan mật thiết đến trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Việc đầu tư vào vốn nhân lực sẽ kích thích tiến trình đổi mới công nghệ, kéo theo việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sản xuất, làm tăng lợi nhuận dài hạn; từ đó tạo ngoại tác tích cực lên đầu tư.

Một nghiên cứu thực nghiệm gần đây của Su và Bui (2016) khi bàn về tác động của các khoản chi chính phủ đến đầu tư tư nhân cũng đưa yếu tố nhân lực vào mô hình. Các tác giả này đã sử dụng một nhóm biến số phản ánh yếu tố nhân lực gồm quy mô lực lượng lao động và tỷ lệ nhập học bậc cao đẳng trở lên. Nghiên cứu này đặt trong bối cảnh 63 tỉnh thành ở Việt Nam giai đoạn 2005-2013. Bằng phương pháp GMM, kết quả



cho thấy quan hệ tỷ lệ thuận của nguồn nhân lực đến đầu tư tư nhân với mức ý nghĩa thống kê cao.

Độ mở thương mại

Trong bối cảnh hợp tác toàn cầu như hiện nay, nhà đầu tư ở bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm đến tính mở của nền kinh tế. Ngoài thị trường trong nước, các doanh nghiệp của quốc gia này có thể phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, công nghệ, vốn đầu tư, đội ngũ chuyên gia, nhân công… đến từ các quốc gia khác trên thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế đem lại nhiều cơ hội cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, có tác động nhân quả tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp nội địa, kể cả khu vực tư nhân. Đồng thời, mức độ hội nhập kinh tế thế giới càng cao, việc thu hút đầu tư cũng càng trở nên thuận tiện, làm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa. Tính hội nhập - đứng từ góc độ kinh tế - thường được phản ánh thông qua hoạt động thương mại. Mức độ tự do hóa thương mại, có thể hiểu ngắn gọn là độ mở thương mại, thường đo bằng giá trị hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia. Với nhân tố này, nghiên cứu của nhiều tác giả cho thấy sự đồng nhất cao khi khẳng định hiệu ứng tích cực của độ mở thương mại lên đầu tư tư nhân, cho dù có sự khác nhau về thang đo biến số, phương pháp tiếp cận, đặc điểm mẫu điều tra… (Balasubramanyam và cộng sự, 1996; Combey, 2016; Su và Bui, 2016).

Tuy nhiên, mặt trái của sự mở cửa là có thể gây ra những cú sốc khi tiếp cận đột ngột với sự cạnh tranh từ dòng vốn nước ngoài. Lúc đó, một số nhà đầu tư tư nhân có thể không chịu nổi sức ép cạnh tranh và buộc phải tháo lui hoạt động đầu tư (Serven, 2003).

Sự ổn định chính trị

Ngoài các khía cạnh trên, sự ổn định về chính trị xã hội cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư. Chính trị xã hội ổn định sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giúp các doanh nghiệp yên tâm tiến hành hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất. Sự ổn định đó còn là dấu hiệu quan trọng đảm bảo rằng chính phủ và nền kinh tế có thể hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân giảm thiểu, khắc phục những rủi ro trong điều kiện khách quan. Đặc biệt, khi nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư trong dài hạn, số vốn bỏ ra thường lớn, nhất là các khoản chi cho hạ tầng, máy móc thiết bị. Số vốn này không dễ thu hồi trong tương lai, nên các doanh nghiệp cũng khó lòng đảo chiều hoạt động đầu tư hoặc rút vốn về. Nếu quốc gia bất ổn về chính trị thì rất có thể các chính sách kinh tế, các quy định pháp luật sẽ bị thay đổi, thậm chí gây khó khăn và tổn



thất tài sản đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư luôn mong muốn tình hình xã hội ổn định để đảm bảo cho khả năng sinh lời của dòng vốn (Serven, 2003; Manyong và cộng sự, 2005). Nói tóm lại, tình hình chính trị ổn định là nhân tố tác động tích cực đến đầu tư tư nhân,

đặc biệt là đầu tư trong dài hạn (Stasavage, 2002; Le, 2004; Combey, 2016).

Sự ổn định chính trị có thể được đo bằng tần số của các cuộc cách mạng, đảo chính hoặc chiến tranh (Mankiw và cộng sự, 1995); hoặc sự thay đổi chế độ thường xuyên, hay sự không chắc chắn về chính trị và bạo lực (Persson và Tabellini, 2006); hoặc sự tự do chính trị và chỉ số dân chủ (Feng, 2001); hoặc sự ổn định chính trị và không có bạo lực (Kaufmann và cộng sự, 2010).

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã tập trung vào các khu vực bất ổn chính trị để chứng minh tầm quan trọng của chính trị đến hoạt động đầu tư tư nhân (Mauro, 1998; Guillaumont và cộng sự, 1999; Everhart và Sumlinski, 2001; Everhart và cộng sự, 2009). Chẳng hạn, Guillaumont và cộng sự (1999) chỉ ra rằng những xáo trộn trong nền chính trị là chìa khóa quan trọng để giải thích sự kém hiệu quả một cách hệ thống của nhiều quốc gia. Kết luận này được đưa ra sau khi quan sát các nước châu Phi giai đoạn 1970-1990. Tương tự, khi nghiên cứu về 11 nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi những năm 2000-2009, Zouhaier and Kefi (2012) cũng phát hiện thấy tương tác ngược chiều giữa sự bất ổn chính trị và đầu tư. Le (2004) mô tả về tình hình bất ổn chính trị, thể hiện thông qua những sự chống đối. Mẫu nghiên cứu của tác giả này là 25 nước đang phát triển giai đoạn 1975-1995. Theo đó, bất ổn chính trị - xã hội đặc trưng bởi các cuộc biểu tình không bạo động sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân, trong khi các cuộc nổi dậy mang tính bạo lực lại kiềm chế đầu tư.

Cùng với đó, một số nghiên cứu thực nghiệm cũng chứng minh rằng thể chế chính trị có ảnh hưởng tích cực đến đầu tư tư nhân Özler và Rodrik, 1992; Udomkerdmongkol và Morrissey (2012). Özler và Rodrik (1992) quan sát 32 quốc gia trong giai đoạn 1975- 1985 và đưa ra kết luận rằng việc đưa ra các quyền chính trị sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động cung ứng vốn của khu vực tư nhân. Quốc gia nào càng có chế độ chính trị cởi mở, quốc gia đó sẽ ít phải đối mặt với sự suy giảm vốn nếu có xảy ra những cú sốc tiêu cực cho nền kinh tế. Udomkerdmongkol và Morrissey (2012) phản ánh bản chất của chế độ chính trị theo 4 thang đo cơ bản là tiếng nói và trách nhiệm giải trình, chất lượng của các quy định pháp lý, sự ổn định chính trị và mức độ kiểm soát tham nhũng. Kết quả cho thấy bộ máy chính trị càng tốt thì tỷ lệ đầu tư tư nhân trong nền kinh tế càng cao.

Đẩy phạm vi nghiên cứu đi xa hơn chứ không dừng ở thể chế tĩnh, Stasavage (2002), Le (2004) tiến hành đánh giá sự chuyển đổi của hệ thống chính trị. Stasavage

Xem tất cả 167 trang.

Ngày đăng: 09/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí