và Ngọc Bình gặp rồi yêu nhau, họ chìm đắm trong biển tình ân ái: “Thuyền rồng lắc lư, dềnh lên dập xuống. Sông Hương nổi song. Tay chân Ngọc Bình quấn lấy người Nguyễn Ánh(…) Ánh trôi vào mê mị. Tiếng rên rỉ trong niềm khoái lạc tột cùng của Ánh tựa hồ tiếng binh khí chạm vào nhau lan ra mặt sông làm váng đầu quan quân” [31, tr.29]. Công chúa Ngọc Bình suốt sáu năm làm vợ Quang Toản nhưng chưa một ngày được làm đàn bà đúng nghĩa. Nguyễn Ánh đã đánh thức bản năng người đàn bà trong nàng, mang lại cho nàng niềm khoái cảm tràn trề, viên mãn: “Thần thiếp đội ơn nhuần mưa móc của người. Sáu năm thần thiếp làm vợ Quang Toản, chưa một ngày được làm đàn bà đúng nghĩa. Phải như năng lượng đế vương thừa thãi, tính dục đàn ông dồi dào. Thần thiếp lấy làm sung sướng mãn nguyện lắm” [31, tr.30]. Sương Nguyệt Minh phản ánh nỗi niềm ẩn ức trong tâm hồn Ngọc Bình cũng như Nguyễn Ánh, thấu hiểu và cảm thông với họ. Cách xây dựng nhân vật của nhà văn có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi cái nhìn cố hữu trong mắt mọi người đối với các nhân vật lịch sử này. Khi viết về các nhân vật đã thành danh trong lịch sử, nếu như không ít người tránh né những vấn đề có liên quan đến tính dục thì Sương Nguyệt Minh đã mạnh dạn đối diện, khám phá và phản ánh. Nhà văn giúp cho người đọc hiểu rằng đó là một nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân mà con người cần tôn trọng.
Các nhân vật của Sương Nguyệt Minh trong những tập truyện ngắn trước đó, yếu tố sex xuất hiện còn ít thì đến nhân vật trong Dị hương yếu tố sex xuất hiện nhiều hơn. Đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Khi được hỏi về quan niệm của mình về sex trong văn chương, nhà văn đã thẳng thắn nói rằng: “Sex nếu miêu tả trong trang sách trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa đến mức nhơ nhớp, nhầy nhụa… thì chỉ để gây tò mò, kích thích ham muốn bản năng, thỏa mãn mục đích dục vọng thôi. Nó không phải là nghệ thuật. Sex trong văn chương phải là một chất liệu nghệ thuật phục vụ ý đồ sáng tác của nhà văn.”
[3]. Với một quan niệm như vậy, Sương Nguyệt Minh luôn có ý thức trong việc vân dụng yếu tố sex vào xây dựng chân dung nhân vật trong Dị hương. Đằng sau những câu văn miêu tả sex là sự trăn trở của ông về cuộc sống, con người. Ví dụ: “Trăng đầu tháng chênh chếch. Bóng Ánh đổ dài kéo thành vệt đến giếng nước. Mỹ nhân vội khép hai đùi, một tay che hai trái tuyết lê căng mẩy, một tay che đám long mu đen mượt. Thực ra, mỹ nhân không cần phải hốt hoảng che đậy vì chỏm đầu của Ánh đã đổ bóng đen lên ngực nàng” [31, tr.19]. Những câu văn này đâu chỉ đơn thuần là để miêu tả vẻ đẹp hình thể của công chúa Ngọc Bình. Đằng sau những câu chữ ấy ta còn thấy dụng ý của tác giả khi muốn nói đến sự ám ảnh bóng đen sức mạnh đè bẹp, lấn lướt, bao trùm của Nguyễn Ánh đến mọi nơi, mọi lúc, mọi sự việc, kể cả vẻ đẹp huyền ảo của mỹ nhân dưới ánh trăng cũng bị phủ lấp. Vì vậy, qua sự đối lập giữa một bên là dị hương – công chúa Ngọc Bình - biểu tượng của thanh bình và Cái Đẹp với một bên là tà hương – Nguyễn Ánh - hiện thân của chết chóc bạo tàn, Sương Nguyệt Minh muốn nói tới sức mạnh đen tối khủng khiếp của chiến tranh. Nó đi đến đâu là càn quét, đè bẹp, nuốt chửng Cái Đẹp, làm cho Cái Đẹp chết tức tưởi. Với ý đồ nghệ thuật đó đã tạo cho tác phẩm có chiều sâu tư tưởng. Yếu tố sex nhà văn dùng để miêu tả nhân vật là một thứ sex mang tính nghệ thuật cao. Với truyện ngắn Dị hương, Sương Nguyệt Minh muốn thông qua nhân vật của mình để mọi người thấy sex là nhu cầu chính đáng của con người, bất kể là người bình thường hay vĩ nhân. Vì vậy, đừng thần thánh hóa các nhân vật lịch sử mà hãy có cái nhìn cảm thông dành cho họ.
Sự phát triển của hệ thống nhân vật, từ nhân vật người lính đến nhân vật lịch sử đã thể hiện sự vận động trong thế giới nhân vật của truyện ngắn Sương Nguyệt Minh. Ông đã không dừng lại ở một kiểu nhân vật truyền thống quen thuộc mà muốn vươn xa ngòi bút của mình tới những nhân vật lịch sử. Điều này phản ánh nhu cầu sáng tạo của nhà văn không chịu bằng
lòng với những gì mình đã có. Thêm lý do nữa, có những vấn đề của ngày nay nhưng không thể dùng hiện thực hôm nay để giải quyết, nhà văn cần mở rộng phạm vi hiện thực, phải mượn bối cảnh lịch sử, nhân vật lịch sử để giải quyết. Nhưng dù viết về nhân vật người lính hay nhân vật lịch sử thì điều mà Sương Nguyệt Minh muốn hướng tới vẫn là những vấn đề về thân phận con người.
2.2. Từ nhân vật người nông dân đến nhân vật “dở quê dở phố”
2.2.1. Từ nhân vật người nông dân…
Có thể bạn quan tâm!
- ?đến Đề Tài “Nửa Quê Nửa Phố”
- Từ Nhân Vật Người Lính Đến Nhân Vật Lịch Sử
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 7
- Giới Thuyết Về Bút Pháp Hiện Thực - Lãng Mạn, Hiện Thực - Lãng Mạn, Kỳ Ảo
- ? Đến Bút Pháp Hiện Thực - Lãng Mạn – Kỳ Ảo
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 11
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Cũng như nhân vật người lính, người nông dân cũng là nhân vật xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên nhà văn có lưng vốn giàu có và tình cảm gắn bó sâu nặng với người nông dân để viết nhiều về họ. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, không chỉ đến truyện ngắn Sương Nguyệt Minh mới xuất hiện hình tượng người nông dân, hình tượng này đã đi vào văn học từ rất sớm và xuyên suốt trong các chặng đường văn học. Sở dĩ có hiện tượng này là vì nước ta vốn là nước nông nghiệp cho nên trong mỗi người Việt Nam, dù ở tầng lớp nào cũng có một phần “người nông dân” trong con người mình. Vì vậy, nhân vật nông dân trở thành đối tượng quen thuộc với nhiều nhà văn. Trong văn học sau 1975, có rất nhiều nhà văn đã đi vào khai thác cuộc sống của người nông dân ở nhiều phương diện; tiêu biểu là các nhà văn Lê Lựu (Thời xa vắng), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Nguyễn Minh Châu (Khách ở quê ra)… Họ đã viết rất thành công về nhân vật nông dân và ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Với tình cảm gắn bó sâu sắc với người nông dân và vốn liếng giàu có, Sương Nguyệt Minh vẫn mạnh dạn tiếp nối hệ thống nhân vật này. Trang viết của ông xoáy vào nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân và ân tình của họ với cuộc sống và con người quê hương.
Nỗi đau dòng họ là truyện ngắn đầu tiên viết về người nông dân, được Sương Nguyệt Minh viết từ cuối năm 1991, tác phẩm đã đi vào phản ánh nỗi
bất hạnh của người nông dân trước mâu thuẫn của dòng họ. Xung đột giữa các họ thì thời nào, ở đâu cũng có nhưng vấn đề là hậu quả của nó gây ra cho người dân. Người nông dân đứng trước những hủ tục đó thường là cam chịu, khuất phục. Mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ Ninh và Nguyễn đã đẩy cuộc sống của người dân trong làng vào tình cảnh đói nghèo. Nhiều người không chịu nổi đã phải bỏ làng, bỏ quê đi tha phương cầu thực: “Làng quê xơ xác, mùa màng thất bát, việc nông chểnh mảng, cỏ mọc đầy đồng, đói nghèo và nạn quan ôn bắt lính làm cho hai xuất đinh hai họ cứ ngày một vơi đi; có người chịu không thấu bỏ đi tha phương cầu thực” [27, tr.177]. Không chỉ thế, mối thù hận truyền kiếp đó còn là rào cản ngăn cấm trai gái của hai họ đến với nhau. Bi kịch đã đeo đẳng suốt cuộc đời của họ, như trường hợp của bà Gái và ông Đốn trong truyện.
Khi còn trẻ, ông Đốn và bà Gái vốn yêu nhau, chỉ vì dòng họ của hai người có mối thâm thù mà hai người không thể đến với nhau. Trước sự cấm đoán của mọi người trong họ, ông Đốn và bà Gái đã không thể bảo vệ tình yêu của mình, chấp nhận sự trừng phạt: họ Nguyễn thì đuổi bà Gái ra trại chuối với hủi, còn ông Đốn bị họ Ninh bắt ra coi nghĩa địa. Sự cố chấp của hai dòng họ trở thành luật lệ tàn nhẫn. Khi bà Gái mất, ông Đốn đến báo cho họ Nguyễn biết để làm ma, vậy mà “chờ một ngày không có ai ngó ngàng”, ông Đốn phải ôm xác bà Gái vào đặt ở sân đình Đông nhưng “làng nước vẫn không có người tới”. Sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn. Trong nỗi đau đớn đến tột đỉnh, ông Đốn đã đốt cả làng rồi tẩm xăng vào mình và bà Gái châm lửa tự thiêu. Một nhân vật vốn tính hiền lành, nhẫn nhịn đã phải “nổi loạn” một cách tiêu cực để phản ứng lại tập tục hà khắc.
Mối thù hận của họ Ninh và Nguyễn không chỉ khiến cho tình yêu của ông Đốn và bà Gái bị lỡ dở suốt một đời mà nó còn gây ra bất hạnh cho cả con cháu thế hệ sau, như trường hợp của anh Giáo và cô May. Không chịu
được sự ngăn cản và trừng phạt của hai họ, cô May đã nhảy xuống sông tự tử còn anh Giáo phải bỏ làng ra đi. Hành động đó của hai người cũng lại là sự phản ứng bất lực chống đối lại những định kiến, thù hận của hai dòng họ… Trong hoàn cảnh bị đè nặng bới hủ tục, những người nông dân bé nhỏ ở làng quê xa xôi chưa đủ bản lĩnh và không tìm được cách nào để vượt qua rào cản nghiệt ngã đó. Cho nên, có người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát, dù đó là cách làm tiêu cực.
Nhân vật nông dân của Sương Nguyệt Minh, đa phần là những người cả đời không đi khỏi lũy tre làng, phải sống quẩn quanh bế tắc, chấp nhận những hủ tục lạc hậu. Thế nhưng cũng có không ít người, đặc biệt là giới trẻ nuôi giấc mộng “đổi đời”. Nhiều người muốn rời bỏ làng quê ra thành phố nhưng mấy ai đã thoát ra được? Họ không biết làm thế nào để thay đổi cuộc sống. Gấm (Mây bay cuối đường), Na (Đi qua đồng chiều) đều thấm thía cuộc sống vất vả ở thôn quê, nơi mà “bùn đất, nước chua váng ở đồng cỏ làm rám đen từ đầu gối xuống bàn chân, còn ngón tay thì tù lại, ram ráp nứt nẻ đầy các đường chỉ mảnh” [28, tr.160 -161]. Gấm đã định bỏ làng ra đi, thoát khỏi công việc đồng áng nhọc nhằn: “muốn không phải chèo thuyền hái sen, không muốn phải cấy lúa, chăn dê.” [28, tr.161]. Gấm đặt hết hy vọng vào người yêu. Toàn đã khuyên cô: “Sao em cứ chịu làm thân phận người nông dân sống tù túng ở làng thế. Phải thay đổi đi”. Nhưng thay đổi bằng cách nào? Gấm đã trao thân cho Toàn, khắc khoải chờ ngày Toàn trở về đón cô ra Hà Nội. Đánh đổi cả cuộc đời con gái mà vẫn không thể “đổi đời”. Phải chăng số phận của cô và bao cô gái khác là phải ăn đời ở kiếp ở cái làng Sơn Hạ này?
Còn Na (Đi qua đồng chiều), từ nhỏ đã mơ ước được vào đại học như mấy chị ở làng bởi được học đại học đồng nghĩa với việc: “được ra Thủ đô học, được bay nhảy ở chân trời xa”. Nhưng ước mơ của cô cũng bị đóng sầm trước mặt khi cha cô tuyên bố: “Học nhiều chỉ tổ xí xớn theo giai. Đứng núi
nọ trông núi kia làm gì. Tao không thể nuôi báo cô mày mãi. Lấy chồng đi cho xong chuyện” [28, tr.260]. Việc học hành đành dừng lại, ước mơ bị dập tắt phũ phàng cho nên “chân trời xa của tôi chỉ dừng ở trong lũy tre làng”. Na không muốn chấp nhận cuộc sống hiện tại: “Chả lẽ cuộc đời tôi cứ đi cấy, đi cắt cỏ, đi chăn dê và thỉnh thoảng đánh xe trâu thay cha lên ga Xép rồi lấy chồng?” nhưng còn có cách nào khác chăng. Na tuy xinh đẹp nhưng là cái đẹp báo trước một cuộc sống tù đọng: “Người eo tuyệt vời. Con gái nhà quê, eo đẹp thế là sự lạ. Cái mũi dọc dừa. Mắt như mắt nai. Xinh lắm! Nhưng mà tù hãm, đôi mắt đang báo hiệu một sự tù đọng” [28, tr.262]. Dường như, những cuộc đời con gái như Gấm, như Na chỉ còn biết chấp nhận số phận của mình một cách xót xa. Những nhân vật như Gấm, Na luôn muốn thoát khỏi thân phận hiện tại của mình, muốn vươn ra thành phố với mong ước đổi thay số phận chính là dấu hiệu chuẩn bị cho sự xuất hiện nhân vật “nửa quê nửa phố” trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.
Khi viết về người nông dân, Sương Nguyệt Minh đã tái hiện một cách chân thực cuộc sống vất vả, quẩn quanh của họ nơi làng quê. Không đổi thay được cuộc sống ở quê hương, có những chàng trai, cô gái muốn vùng vẫy để thoát ra nhưng càng cố lại càng bế tắc hoặc thoát ra được lại bị tha hóa. Là một nhà văn xuất thân từ nông thôn, Sương Nguyệt Minh hiểu hơn ai hết sự vất vả, cực nhọc của người dân. Cho nên, ông càng xót xa hơn khi chứng kiến cuộc sống bấp bênh, bế tắc của họ, có lẽ vì thế mà tác giả luôn viết về họ bằng một thái độ cảm thông, chia sẻ của một trái tim đầy nhân ái.
2.2.2. … đến nhân vật “dở quê dở phố”
Đọc tập truyện ngắn đầu tay Đêm làng Trọng Nhân của Sương Nguyệt Minh (tập hợp 06 truyện viết từ 1985 đến 1996 của nhà văn), người ta gặp chủ yếu là nhân vật: người lính và nhân vật nông dân. Nhân vật “dở quê dở phố” mới xuất hiện lẻ tẻ (2/6 truyện: Chuyện gia đình bạn tôi và Bản kháng
án bằng văn). Nhưng trong những tập truyện tiếp theo, càng về sau, “típ” nhân vật này càng hiện diện nhiều hơn (tập truyện Chợ tình chiếm tới một nửa số truyện).
Nguyên nhân xuất hiện kiểu nhân vật “dở quê dở phố” trước hết là do Sương Nguyệt Minh có nhiều nguyên mẫu từ đời sống. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là những trăn trở của nhà văn về con người trong cuộc sống đang “đô thị hóa” từng ngày ở ngay chính quê hương và nơi ông sống. Phần lớn các nhân vật này có gốc gác nông dân nhưng do nhiều nguyên nhân đã “bám trụ” lại ở thành phố. Cũng có những nhân vật thường xuyên đi – về giữa hai vùng thành thị – nông thôn. Như Nam Cao đã nói: “Hoàn cảnh đổi, tâm tính đổi”, sự thay đổi hoàn cảnh sống của những nhân vật này đã làm xuất hiện dạng tính cách dở quê – dở tỉnh ở nhiều nhân vật. Bộc lộ rõ hơn cả là sự biến đổi trong lối sống. Từ những người gốc gác nông dân, sau một thời gian vươn ra thành phố, nhiều người bị “tha hóa” hoặc cố tình chối bỏ gốc gác của mình. Thuốc “típ” nhân vật này, có nhiều “chính bản” như Ngà (Chuyện gia đình bạn tôi), dì Hảo (Bản kháng án bằn văn), vợ Bần (Chiếc nón mê thủng chóp), “Nàng lớp trưởng” (Tha phương), Bống (giếng cạn), Thêm (Chuyến đi săn cuối cùng).v.v... mà “mẫu” chung của họ là “Em ra thành phố dần quên một thời”. “Phiên bản” của “típ” nhân vật này còn có nhiều dạng: bà chủ lò mổ trâu hạ gục trâu một cách thiện nghệ lại thích nghe thơ và đến vũ trường (Mùa trâu ăn sương); ông chủ lò mổ heo có thói quen nghe Xônát Ánh trăng trước khi cầm dao giết lợn (Ánh trăng xanh trong lò mổ).v.v... Không có nhân vật nào thật nổi trội, sắc nét nhưng mỗi nhân vật đều góp phần tô đậm tính cách kiểu nhân vật “dở quê dở phố” trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh.
Khi viết về “khát vọng đổi đời” của những người từ quê lên phố, Sương Nguyệt Minh không né tránh sự thật. Mạnh dạn mà điềm tĩnh, ngòi bút
nhà văn đã phơi trải trên trang viết những sự thật đau lòng, miêu tả những bức chân dung người nhà quên bị biến dạng bởi lối sống thực dụng để người đọc cùng suy ngẫm.
Bống (Giếng cạn) mới từ quê ra Hà Nội học có một thời gian mà: “Móng chân sơn đỏ choét. Mi giả uốn cong cong. Mí mắt tô xanh lè. Giầy cao gót nện trên đường quê khấp khểnh và lổn nhổn phân bò. Bống khoác xắc da nâu đỏ dập nổi hình con dao quăng. Thỉnh thoảng Bống lấy gương soi, kẻ lại lông mày, tô son môi đậm thêm” [30, tr.225]. Bống đã mất hết dấu vết của một cô Bống: “mặc quần phin mỏng, áo gụ, tóc buông vấn vương hương lá chanh lá bưởi”, không còn dấu vết “Hương đồng gió nội” thuở nào. Bống phụ bạc Lăng – người đã nuôi mình ăn học, cặp bồ với một ông người Đài Loan giàu có nhưng tuổi đã ngoại ngũ tuần để có thể bám trụ lại đất Hà thành
“Tôi” (Những bước đi vào đời), xuất thân trong cảnh nhọc nhằn, vất vả ở làng quê. Khi đỗ đại học ước mơ của cô là “làm cái gì cũng được, miễn là học xong được ở lại Hà Nội”. Để đạt được điều mong ước, cô sẵn sàng làm mọi cách, kể cả phụ tình người yêu để cặp bồ với người đàn ông giàu có để sớm được đổi đời. Nhìn thấy dinh cơ nhà Tùng soăn, cô thèm khát: “Choáng ngợp, tôi sung sướng, khao khát được là chủ nhân ngôi biệt thự to đẹp” [29, tr.139]. Khi có thai, những tưởng sẽ ép được Tùng cưới mình nhưng không ngờ hắn bảo: “Em đừng có ăn vạ. Biết có phải là con tôi không?”… Tính thực dụng đã đẩy cô vào bi kịch đầu đời đau đớn, bẽ bàng. Còn Văn trong Sao băng lúc mờ tối cũng muốn thay đổi thân phận “nhà quê”, mang giấc mộng được làm ông chủ mà cặp bồ với một người phụ nữ lớn tuổi, phụ bạc người yêu. Nhưng giấc mộng không thành, sau bao toan tính cuối cùng Văn cũng chỉ là một anh đi tẩm quất thuê. Việc vô tình gặp lại người yêu cũ giờ đã là bà chủ như một nhát roi quất vào lòng Văn, khiến anh đau đớn, tủi nhục.