? Đến Bút Pháp Hiện Thực - Lãng Mạn – Kỳ Ảo


Giữa cảnh chiến tranh ác liệt, Sương Nguyệt Minh đã điểm vào đó câu chuyện tình yêu như một câu chuyện cổ tích làm cho tác phẩm tuy viết về chiến tranh nhưng vẫn ấm áp, bay bổng. Nhà văn Tạ Duy Anh đã từng nhận xét về thiên nhiên trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh: “là một thứ ngôn ngữ đẹp, đầy tính hàm ý, ẩn nghĩa, không rực rỡ nhưng cực kỳ sinh động, có thể rê bút vẽ lại được. Nó cứ khiến ta ngứa bút muốn vạch đôi ba vần. Nó là yếu tố khiến tác phẩm của ông có một vẻ tráng lệ tự nhiên” [2].

Trong hầu hết sáng tác của Sương Nguyệt Minh, bức tranh đời sống thường được phản ánh bằng bút pháp hiện thực – nhiều khi hiện thực đến nghiệt ngã. Còn cảm xúc tình yêu và bức tranh thiên nhiên thường được tái hiện bằng bút pháp lãng mạn. Thiên nhiên trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh thường đẹp một cách dịu dàng, hòa quyện cùng với nhân vật, làm nổi bật nét tâm trạng của nhân vật.

Những tác phẩm viết về hiện thực nơi làng quê của Sương Nguyệt Minh cũng có sự kết hợp thường xuyên, linh hoạt bút pháp hiện thực và lãng mạn. Tiêu biểu là những truyện ngắn: Nỗi đau dòng họ, Đi trên đồng năn, Mây bay cuối đường, Đi qua đồng chiều…

Nỗi đau dòng họ mô tả cuộc tranh chấp, đố kỵ giữa hai dòng họ Ninh và Nguyễn. Vì sự đố kỵ mà họ Ninh mang hài cốt cụ tổ đem táng chung vào mộ tổ họ Nguyễn để họ mình được phát đạt còn họ Nguyễn ngày càng lụi bại. Từ việc làm đó mà hai họ trở thành kẻ thù của nhau: “Đời này qua đời khác ngọn lửa thù hằn giữa hai họ không bao giờ hết, lúc âm ỉ, lúc bùng lên dữ dội”. Mối thù của hai dòng họ đã không mang lại kết cục gì tốt đẹp mà còn đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh khốn khó. Tác giả đã phản ánh tình trạng đó bằng những chi tiết có giá trị tả thực: “Làng quê xơ xác, mùa màng thất bát, việc nông chểnh mảng, cỏ cây mọc đầy đồng, đói nghèo và nạn quân ôn bắt lính làm cho xuất đinh hai họ cứ ngày một vơi đi; có người chịu không thấu bỏ đi tha phương cầu thực” [29, tr.263]; cu Bần gần tết rồi còn bì bõm


đun riu để lấy lại hai tạ lúa đã bán lấy tiền xây mộ tổ, anh Cả cùng chị dâu phải dậy sớm hái rau răm đi chợ Bút bán: “Một gánh rau răm những một trăm bó, một bó chỉ bán được năm mươi đồng, mười gánh rau răm mới đủ tiền cho một suất đinh đóng góp xây mộ tổ” [28, tr.49]. Tấm lưng của người dân như còng thêm xuống khi bị bao hủ tục đè nặng trên vai. Phản ánh tình cảnh này, Sương Nguyệt Minh không hề có ý bôi nhọ tổ tiên, dòng họ nào. Ông chỉ muốn qua những chi tiết, hình ảnh giàu tính hiện thực của mình, mong người dân hãy bỏ những hủ tục để cuộc sống tốt đẹp hơn. Viết truyện ngắn Nỗi đau dòng họ, nhà văn không ngoài mục đích mong muốn người dân có thể xóa bỏ thù hận để có cuộc sống hòa bình và hạnh phúc: “Tôi viết về xung đột ấy và muốn gửi tới tất cả các làng quê hãy xóa bỏ hận thù, bước qua quá khứ, nhìn về tương lai, cùng sống trong hòa bình và hạnh phúc” [26, tr.33]. Với tinh thần như vậy, Sương Nguyệt Minh sử dụng nhiều chi tiết tả thực của bút pháp hiện thực. Dư vị của bút pháp trữ tình, lãng mạn được gợi lên từ những cảm xúc nhà văn bày tỏ: “Thương quá! Những người nông dân lam lũ ở làng tôi” [28, tr.50] và niềm hy vọng của nhà văn về cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người nông dân.

Mây bay cuối đường Đi qua đồng chiều là những truyện ngắn viết về khát vọng của những cô gái thôn quê muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng hiện tại, vươn ra thành phố. Nhà văn cũng sử dụng bút pháp tả thực để dựng lên quang cảnh cuộc sống nơi làng quê nghèo khó và suy nghĩ chân thực của nhân vật: “Làng Sơn Hạ lô xô những chóp nhà dưới chân đồi Bách Bạt và chân núi Lò Vôi. Từ xưa đến nay làng tôi vẫn vậy: nhỏ bé, giấu mình, im lìm trong vùng đất bán sơn địa heo hút” [27, tr.261]; đến ngày ba tháng chạp “đồng đất làng tôi chỉ một màu trắng nước”, người dân nơi đây lại lâm vào cảnh: “Ngày mỗi ngày, nồi cơm độn sắn khoai nhiều hơn”. Gấm muốn thoát khỏi làng Sơn Hạ để “không phải chèo thuyền hái sen, cấy lúa, chăn dê”; Na cũng không muốn một cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt ngày nào cũng chỉ “đi cấy, đi cắt cỏ, đi chăn dê và thỉnh thoảng đánh xe trâu thay cha lên ga Xép


rồi lấy chồng”. Bút pháp lãng mạn được sử dụng đan xen khi tác giả miêu tả vẻ đẹp thuần hậu của các cô gái miền sơn cước:“Con gái làng tôi tắm nước đầm Vực nước da trắng hồng”, Na có đôi mắt “đẹp như mắt nai”; ở những đoạn miêu tả cảm xúc của nhân vật về quê hương: “Mùi khói rơm lẫn với mùi cào cào, muôm muỗm nướng thơm ngầy ngậy”, “đám ruộng nhà ai đó chưa gặt, lúa trĩu bông vàng”.v.v… Viết lên những trang văn ấy, nhà văn không chỉ tái hiện hiện thực mà còn gửi gắm biết bao nỗi niềm tâm sự của mình về cuộc sống, con người. Sử dụng kết hợp bút pháp hiện thực và lãng mạn, Sương Nguyệt Minh vừa muốn tái hiện chân thực bức tranh đời sống, lại vừa muốn thổi vào đó tình nồng ấm của cõi nhân sinh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Sương Nguyệt Minh hầu như rất ít khi chỉ sử dụng một loại bút pháp, mà luôn có xu hướng kết hợp nhiều loại bút pháp để tăng khả năng phản ánh của tác phẩm. Sự kết hợp bút pháp hiện thực và lãng mạn đã làm cho những bức tranh về chiến tranh, nông thôn trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh hiện lên không chỉ chân thực, sống động mà còn mượt mà, ấm áp tình người. Trong những tác phẩm về chiến tranh, về nông thôn và cả một số truyện viết về cuộc sống “nửa quê nửa phố” chốn thị thành, nhà văn đều sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn hai bút pháp đó. Có lẽ vì thế, đọc truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh, người đọc có nhiều trạng thái cảm xúc đan xen: xót xa, đau đớn, phẫn nộ, cảm thương, tự hào, trân trọng v.v…Nhà văn đã góp phần bồi dưỡng đời sống tinh thần cho người đọc bằng giá trị đích thực của văn chương.

3.3.… đến bút pháp hiện thực - lãng mạn – kỳ ảo

Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 10

Việc sử dụng yếu tố kỳ ảo xuất hiện từ lâu trong văn học nghệ thuật. Nhà văn sử dụng nó như một phương thức nghệ thuật để chiếm lĩnh và khám phá hiện thực. Trong phương thức kỳ ảo, các nhà văn thường sử dụng các dạng thức khác nhau tạo nên các sắc màu phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho tác phẩm, góp phần cùng với các yếu tố nghệ thuật khác để xây dựng cốt


truyện, nhân vật, hướng đến việc bộc lộ chủ đề tư tưởng. Chính cái kỳ ảo cũng là một trong những yếu tố tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Sau 1975, nhất là từ sau 1986 trở lại đây là thời kỳ truyện ngắn được mùa, Nguyên Ngọc cho rằng: “vài ba năm trở lại đây chúng ta được mùa truyện ngắn”, Hoàng Minh Tường thì nhận định truyện ngắn giai đoạn này có nhiều đổi mới: “Chưa bao giờ truyện ngắn lại tung phá và biến ảo như thời kỳ này”. Sự “tung phá”, “biến ảo” của truyện ngắn được thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và hình thức thể hiện mà ở đây chúng ta đặc biệt chú ý đến sự đổi mới trên phương diện nghệ thuật. Bởi nếu theo dõi các cuộc thi truyện ngắn gần đây thì sẽ thấy nổi bật lên xu hướng viết theo bút pháp hiện thực huyền ảo. Như vậy, việc xuất hiện trở lại của yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại, đã cho thấy sự đổi mới thực sự của văn học trên nhiều phương diện mà trước hết là phạm vi phản ánh. Phạm vi phản ánh của văn học trước đây thường bị bó hẹp trong giới hạn của hiện thực đời sống, giờ đây với sự xuất hiện trở lại của yếu tố kỳ ảo, phạm vi của văn học được cơi nới, mở rộng hơn. Đề tài của văn học bây giờ không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà đã dần chuyển sang địa hạt tâm linh – hiện thực tâm hồn con người với những suy tư, trăn trở, day dứt… Nó cho phép nhà văn không chỉ khám phá những cái bên ngoài của đời sống mà còn nắm bắt được cả những cái tinh vi, trừu tượng trong thế giới tâm linh của con người. Do đó, con người trong văn học giai đoạn này không hề đơn giản, xuôi chiều như văn học giai đoạn trước mà ngày càng trở nên gần gũi, chân thực hơn. Họ đang trên con đường tìm lại bản ngã, dám đối diện với chính mình để có thể hiểu được mình, bởi suy cho cùng hiểu được mình là điều khó nhất.

Sương Nguyệt Minh không thuộc lớp nhà văn trẻ nhưng ông cũng có những tác phẩm viết theo bút pháp hiện thực kỳ ảo. Trong 6 tập truyện ngắn, phần lớn tác phẩm được viết theo bút pháp hiện thực – lãng mạn nhưng ở tập


truyện ngắn thứ 2 – Người ở bến sông Châu, xuất bản năm 2001, đã bắt đầu manh nha truyện có yếu tố kỳ ảo. Đó là truyện ngắn Nơi hoang dã đồng vọng. Mặc dù là tác phẩm đầu tiên viết theo khuynh hướng này nhưng đã gây được ấn tượng khá mạnh. Đến tập truyện Dị hương, xuất bản năm 2009 thì bút pháp hiện thực kỳ ảo đậm chất lãng mạn đã đạt đến độ biến hóa, đầy sức hấp dẫn.

Nếu như trong 5 tập truyện ngắn đầu, Sương Nguyệt Minh chủ yếu sử dụng bút pháp hiện thực – lãng mạn thì đến Dị hương, yếu tố hiện thực vẫn còn nhưng đã giảm đi rất nhiều, thay vào đó là sự “đầy” lên của yếu tố lãng mạn và kỳ ảo. Sương Nguyệt Minh không phải là nhà văn chuyên viết về cái kỳ ảo nhưng ông đã sử dụng yếu tố kỳ ảo cùng với những yếu tố nghệ thuật khác làm phương tiện để phản ánh hiện thực, chuyển tải tư tưởng tác phẩm. Điều này cho thấy nhà văn rất linh hoạt trong việc vận dùng nhiều bút pháp nghệ thuật trong quá trình sáng tác, mang lại hiệu quả thẩm mỹ, sức hấp dẫn cho tác phẩm. Số lượng tác phẩm viết theo bút pháp hiện thực, lãng mạn và kỳ ảo của ông tuy không nhiều (chỉ có trong 5/55 truyện ngắn: Nơi hoang dã đồng vọng, Đi trên đồng năn, Mười ba bến nước, Dị hương, Đồi con gái). Nhưng với số lượng đó cũng đủ để nhận ra sự vận động về bút pháp nghệ thuật của Sương Nguyệt Minh.

Khi nói về thế giới hư - thực trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, nhà văn Tạ Duy Anh đã rất nhấn mạnh tới vùng đất bán sơn địa Yên Mô – Ninh Bình. Nhà văn coi đây như là cái nôi, là cội nguồn cung cấp cho Sương Nguyệt Minh tư liệu để viết về cái kỳ ảo: “Không phải ngẫu nhiên mà yếu tố đầm hồ sông nước, cánh đồng, bến đò, sương mù, nghề chài lưới… gắn với những con vật có thật và không có thật luôn luôn xuất hiện trong các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh và nó thường tạo ra những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn đầy ma lực và gây nhiều tò mò” [2]. Tất cả những cái đó đều gắn liền với nơi Sương Nguyệt Minh sống và những câu chuyện đậm chất huyền thoại mà ông đã được nghe.


Nơi hoang dã đồng vọng (1999) là truyện ngắn đầu tiên của Sương Nguyệt Minh viết bằng bút pháp kỳ ảo. Ở đó, người, mèo, rắn, chuột cứ quấn quyện lấy nhau, cắn nhau và ăn thịt lẫn nhau, rất dữ dội, hoàn toàn khác với cách viết của Sương Nguyệt Minh trước đây chủ yếu viết bằng bút pháp hiện thực, lãng mạn. Một hiện thực có những số phận đau đớn, những va đập dữ dội, thậm chí có những nỗi buồn u ám nhưng nhìn chung vẫn yêu đời, yêu người, ấm áp nhân tình, không bi lụy sướt mướt. Điều này cho thấy, không phải đến Dị hương, Sương Nguyệt Minh mới viết về cái kỳ ảo mà nó đã được ông sử dụng từ rất sớm. Trước sự đổi mới tư duy và hình thức thể hiện này, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã khuyên Sương Nguyệt Minh “nên viết theo lối truyền thống, cũ mà chắc ăn, xác lập vị thế văn chương rồi hãy thay đổi cách viết”, không nên phiêu lưu mạo hiểm trong việc truy lùng hình thức thể hiện để rồi trắng tay. Đó là lời khuyên rất chân thành của nhà phê bình Bùi Việt Thắng, nhưng có lẽ cái bản lĩnh của nhà văn mặc áo lính Sương Nguyệt Minh là ở chỗ ông dám thể nghiệm những đề tài, bút pháp mới. Vì thế mà truyện ngắn của ông không hề đơn điệu, tẻ nhạt mà rất đa dạng, phong phú.

Nơi hoang dã đồng vọng, như đúng cái tên của nó, tác phẩm đưa người đọc về một không gian hoang sơ như thời nguyên thủy, linh thiêng đầy huyền bí: “Canh tư. Trời lạnh. Trăng suông, nhạt. Sương dày đặc, loãng dần bay dập dềnh ngoài cánh đồng. Gò đống hiện ra, ẩn mất. Gió dưới sông nổi lên, hun hút thổi vào hang hốc chồn, cáo, mèo hoang. Cánh đồng Miêu Linh hoang vắng, dài ra, rộng hơn, xa rợn” [27, tr.5]. Trong khung cảnh ấy, con người và thế giới loài vật gần như thù địch với nhau. Con người luôn tìm cách tiêu diệt rắn, mèo… biến chúng thành đặc sản phục vụ cho những thực khách có sở thích tàn bạo: “ăn mèo bao tử”, “ăn óc mèo” thậm chí ăn cả “rắn bao tử”. Cách con người ăn thịt các con vật mới thật mạn rợ và dã man: “Chát. Dùi đục phang mạnh. Miếng chỏm đầu con mèo trắng bay khỏi lưỡi tràng bạt


sáng loáng (…) cả bốn thực khách cười hô hố. Ộc ộc. Rượu tràn ly. Bốn vị cầm bốn thìa con múc. Mỗi lần thọc vào óc con mèo, chân nó lại co lên” [27, tr.8]. Như một sự phản kháng, thế giới loài vật cũng ra sức chống lại sự tàn bạo của con người đối với đồng loại của mình. Bà chủ quán Tiểu hổ bị chính những con rắn mình mua về cắn cho đến nỗi phải cắt chân, nằm liệt một chỗ, ngày đêm bị lũ chuột vào gặm nhấm: “Ba bốn con nữa châu đầu vào mỏm chân teo của bà. Đít đỏ, trụi lông, chổng lên, đầu chúng chúi xuống gặm gặm (…) Bà nhìn cái mỏm chân cụt đã teo: Chuột gặm nham nhở, xương chìa ra trắng hếu” [27, tr.13]. Người và vật hiện lên thật rùng rợn, như thực như mơ, con người cũng không còn ra con người nữa: bà chủ nằm liệt, hố mắt trũng sâu, trắng dã, mặt lì, ít nói; thực khách có giọng cười hô hố, mặt chuột… Ngay cả không gian ngôi quán cũng mang một vẻ hoang dã ghê người: “Ánh điện yếu ớt nhòe nhoẹt. Khu vườn rộng, tối sáng nhập nhòa. Bóng chồn, cáo, trăn, kỳ đà, gấu… nhồi đầy bụng trấu ngồi im ỉm ở gốc, leo nguềnh ngoàng trên cây, bò trên hòn non bộ… Vừa ma quái vừa hoang dã” [27, tr.11]. Giữa một thế giới hoang dã đầy thù địch như vậy, không chỉ có loài vật mới gặp nguy hiểm mà chính con người cũng bị rơi vào vòng hiểm nguy có khi là do chính đồng loại của mình gây ra…

Đây là truyện ngắn đầu tiên viết theo bút pháp kỳ ảo nhưng thực sự nó đã khiến người đọc rùng mình, khiếp sợ trước một không gian hoang dại, toàn rắn, chuột, mèo hoang. Nhưng đằng sau nó lại là cả một triết lý sống, quan điểm sống của nhà văn: “Dù đồng loại hay khác loại, đừng làm ác với nhau thì sẽ chung sống được” [27, tr.23]. Trong thời đại ngày nay, khi nhiều người đang sống vô cảm với nhau, thì triết lý sống đó là vô cùng quan trọng, cần thiết để chúng ta ứng xử đúng với nhau và với thế giới xung quanh.

Ở truyện ngắn Đi trên đồng năn (2003), Mười ba bến nước (2004) mặc dù yếu tố kỳ ảo còn ít, chủ yếu là hiện thực, lãng mạn, nhưng nó cũng góp


phần giúp nhà văn bộc lộ thái độ, quan niệm của mình về cuộc sống. Yếu tố kỳ ảo trong truyện Đi trên đồng năn được nhà văn sử dụng dưới hình thức giấc mơ, thông qua cuộc đối thoại tâm linh giữa người sống và người đã mất. Còn ở Mười ba bến nước lại là những câu chuyện đậm màu sắc huyền thoại về con Thuồng Luồng nửa người nửa vật. Cái kỳ ảo được sử dụng ở mỗi truyện tuy khác nhau nhưng nó đã tạo cho tác phẩm có một chiều sâu triết lý.

Cuộc đối thoại tâm linh giữa người cháu và cụ tổ trong Đi trên đồng năn mang lại cho người đọc nhiều suy ngẫm: con cháu thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ thế nào cho phù hợp. Ngày nay, con cháu xây mộ cho ông bà tổ tiên một phần là vì chữ hiếu, một phần cũng là vì để “đua” với thiên hạ. Cho nên, cố xây mộ sao cho thật to, thật đẹp, “to, đẹp nhất thành phố của những người đã chết” mà không cần để tâm xem làm như vậy có khiến cho ông bà, tổ tiên nơi suối vàng mát lòng hay không. Những lời nói của cụ tổ trong tác phẩm phần nào khiến chúng ta phải suy nghĩ : “chúng nó không hiểu ý nghĩ người già. Lúc sống đã không hiểu, lúc chết rồi, âm dương cách trở càng không hiểu. Cái ta cần thì chúng không biết. Cái chúng muốn thì ta không cần”. Người sống đang cố gán ghép suy nghĩ của mình cho người đã mất, người mất rồi cần gì đến mộ to, mâm cao cỗ đầy. Họ chỉ cần “một nấm đất xanh cỏ để trú ngụ”, hàng năm con cháu chăm chỉ tảo mộ là đủ… Những lời của cụ tổ trong tác phẩm hy vọng sẽ làm mọi người tỉnh ngộ, nhận thức lại việc mình làm.

Xây mộ cho người đã mất là việc làm khá phổ biến ở nông thôn. Sương Nguyệt Minh đã sử dụng khéo léo yếu tố kỳ ảo trong việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân. Vì vậy, khi đọc truyện của ông, người đọc không có cảm giác nặng nề như đang bị răn dạy, mà vẫn giúp độc giả nhận thức lại những vấn đề tưởng chừng như hiển nhiên đúng.

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 18/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí