mới so với những gì trước đây ông vẫn viết. Không dễ bằng lòng với những cái mình đã tạo dựng, nhà văn luôn luôn đổi mới cách viết, đổi mới chính mình, vượt qua chính mình để ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Ông cho rằng: “Nhà văn là người sáng tạo không ngừng như dòng sông chảy liên tục chở nặng phù sa tươi tốt bồi đắp cho bờ bãi, ruộng đồng. Dòng sông không chảy là dòng sông lấp, sông chết. Nhà văn ngừng sáng tạo là nhà văn rơi vào lãng quên trong lòng bạn đọc. Tự mình thỏa mãn, nhấm nháp quả ngọt của quá khứ cũng tệ hại như viết mà lặp lại mình. Nó là sự trì trệ, ì ra, đứng lại, không phát sinh, phát triển. Đổi mới sáng tác trước hết là khác với cái mình đã viết, còn vượt qua những tác phẩm cũ của mình thì lại càng khó khăn, nhọc nhằn hơn. Nó là cuộc nhà văn thi đấu maratông khắc nghiệt với chính mình. Nhà văn luôn phải khác biệt mới không lẫn vào đám đông làng văn” [3]. Những nguyên nhân căn bản đó đã dẫn đến sự ra đời của truyện ngắnDị hương vào năm 2009. Truyện ngắn về đề tài lịch sử này đã được Hội nhà văn và bạn đọc đánh giá cao và coi đây là “bước ngoặt trong hành trình sáng tác của Sương Nguyệt Minh”.
Văn học Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến “sự lên ngôi” của truyện viết về đề tài lịch sử với tên tuổi của những nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết), Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Nguyễn Xuân Khánh (Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly), Hữu Tuân (Thiên tình sử Âu Lạc, Bản tình ca cùng huyết thống, Giọt lệ kinh thành…) và Sương Nguyệt Minh với truyện ngắn Dị hương… Điều này cho thấy, lịch sử là một đề tài hấp dẫn đối với nhiều cây bút trong văn học đương đại. Tuy nhiên, đây là một đề tài khó. Người viết phải tránh cách viết của sử gia (mô phỏng lại lịch sử như nó vốn có); đồng thời, còn phải đặc biệt chú ý xử lí việc hư cấu, nhào nặn lịch sử theo ý đồ chủ quan của mình để tránh sự phản cảm từ phía người đọc. Vì thế, chọn đề tài lịch sử là một thách thức lớn. Người viết phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa văn và sử, làm cho người đọc dù đã biết về lịch sử vẫn muốn tìm
đến tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử để thêm thấu hiểu về lịch sử; như Salygin đã nói: “Chúng ta phải tin ở các nhà sử học trong việc miêu tả sự kiện, và các nhà sử học phải tin vào sự hiểu biết của chúng ta về trái tim con người”. Nếu như các nhà sử gia thường quan tâm đến các sự kiện, bài học cảnh giác thì văn học lại chú ý đến tính nhân bản, nhân văn của các nhân vật lịch sử. Văn học xem các nhân vật lịch sử trước hết là một con người bình thường, cũng có những nhu cầu tự nhiên như bao người khác, cũng có đời sống tình cảm và có cả những sai lầm. Đến với tác phẩm văn học về đề tài lịch sử, người đọc có cơ hội hiểu rõ về các nhân vật lịch sử hơn, điều mà họ khó tìm được khi chỉ đọc sách lịch sử.
Văn học viết về đề tài lịch sử thường có hai xu hướng: một là tái hiện lịch sử một cách giản đơn như nó vốn có nhằm ca ngợi nhân vật lịch sử; hai là xu hướng “con người hóa lịch sử” – lịch sử được khai thác thông qua số phận con người. Văn học viết về đề tài lịch sử cũng có sự hư cấu và thường hư cấu sự kiện, hư cấu nhân vật và hư cấu tâm hồn nhân vật. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nhận định: “lịch sử là một đề tài khó và những người dám viết truyện lịch sử là những người dũng cảm”. Sương Nguyệt Minh vốn gắn bó với đề tài về chiến tranh nhưng đến năm 2009, ông lại mạnh dạn chuyển ngòi bút sang “thử sức” ở đề tài lịch sử với truyện ngắn Dị hương. Với tác phẩm này, ông đã mạnh dạn đi vào một đề tài khó mà trước đó chưa từng viết.
Ở đề tài lịch sử, Sương Nguyệt Minh vẫn tiếp tục phản ánh mặt trái của chiến tranh đối với số phận con người (như các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh) nhưng cũng có điểm mới. Với đề tài này, ông xoáy sâu vào nhân vật lịch sử trong các mối quan hệ đan chéo phức tạp và tưởng như đối lập: anh hùng – mỹ nhân, tuyệt mỹ - phàm tục, chiếm đoạt – tôn thờ, bạo tàn
– cái đẹp, loạn lạc – an lành.v.v…Từ đó nhà văn giúp người đọc có được một cái nhìn đầy đủ hơn về những vấn đề không đề cập đến trong chính sử.
Tuy là tác phẩm duy nhất viết về đề tài lịch sử trong sáu tập truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh nhưng Dị hương đã thể hiện được sự vận động trong tư duy và bút pháp nghệ thuật của nhà văn. Tác phẩm được viết dựa trên cảm hứng về hai nhân vật có thật trong lịch sử là vua Gia Long và công chúa Lê Ngọc Bình. Truyện gợi nhớ lại bối cảnh vua Quang Trung – Nguyễn Huệ vừa mới qua đời, triều đình nhà Tây Sơn đang lâm vào tình cảnh rối ren. Ở Đàng Trong, vua Gia Long Nguyễn Ánh đang ngùn ngụt ý chí phục tộc, chờ đợi thời cơ thuận lợi sẽ đưa quân ra Bắc đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất bờ cõi. Trong lúc chờ đợi, Nguyễn Ánh đã gặp và yêu hoàng hậu Lê Ngọc Bình - vợ vua Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn. Nhưng Sương Nguyệt Minh không có ý tái hiện lại lịch sử mà muốn xây dựng các nhân vật lịch sử theo cách nhìn, cách nghĩ của mình. Thông qua các nhân vật ấy để nói lên những điều vô cùng nhân bản của con người, thể hiện “nỗi băn khoăn về anh hùng – mỹ nhân, là giày vò về loạn lạc – an lành, là đau đớn về bạo tàn – cái đẹp”. Trong tác phẩm, nhà văn đã hư cấu nhân vật Trần Huy Sán, hư cấu về mùi hương lạ trên người công chúa Ngọc Bình và thành công nhất của ông là hư cấu bản thể con người Nguyễn Ánh. Qua việc hư cấu nghệ thuật đó mà tư tưởng đi tìm con người – nhân bản của tác phẩm được thể hiện rõ hơn.
Có thể bạn quan tâm!
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 1
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 2
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 3
- ?đến Đề Tài “Nửa Quê Nửa Phố”
- Từ Nhân Vật Người Lính Đến Nhân Vật Lịch Sử
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 7
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Dưới cái nhìn của Sương Nguyệt Minh, dù là vua chúa hay thường dân cũng có những nhu cầu bản năng như nhau. Có khác chăng là những nhu cầu đó được biểu hiện như thế nào ở mỗi con người. Trong Dị hương, Sương Nguyệt Minh đã xây dựng nhân vật Nguyễn Ánh như một con người bình thường hơn là một nhà vua hay là một nhà chính trị, đã phản ánh những ham muốn đời thường, thậm chí còn bị coi là tầm thường của Nguyễn Ánh. Là con người ai cũng yêu cái đẹp, khát khao cái đẹp, cho nên việc vua Gia Long nghiêng ngả trước vẻ đẹp tuyệt vời của công chúa Ngọc Bình, say mê mùi hương lạ trên cơ thể nàng cũng là điều tự nhiên. Nhưng các quan văn võ trong triều thì lại coi đó là một điều tầm thường, xỉ nhục. Họ cho rằng thiếu gì con
gái đẹp mà nhà vua “phải hạ mình trước con đàn bà vợ ngụy Quang Toản” nên ra sức ngăn cản tình yêu của hai người. Ngay cả việc nhà vua muốn ân ái với Ngọc Bình ở giữa chốn thiên nhiên hữu tình cũng bị đám quần thần phản đối quyết liệt. Họ cho đó là việc làm chỉ có ở bọn thợ sơn tràng hạ dân. Vì là vua nên Nguyễn Ánh phải sống cho số đông chứ không được sống cho riêng mình, không được sống thực với những gì mình khao khát, phải đè nén dục vọng. Đây cũng là bi kịch của những bậc đế vương. Chẳng phải thế mà đã có lúc Ánh phải kêu lên rằng: “Sao đế vương khổ thế? Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư?” [31, tr.32].
Nếu bi kịch của vua Gia Long – Nguyễn Ánh là do những phép tắc hà khắc của triều đình phong kiến thì bi kịch của Ngọc Bình lại một phần do chính Nguyễn Ánh gây ra. Ngọc Bình là “dị hương” đại diện cho cái đẹp, hòa bình – một vẻ đẹp tuyệt mỹ khó gặp trong cõi đời. Còn Nguyễn Ánh là “tà hương”, đại diện cho bạo tàn, chiến tranh, chết chóc. Hai nhân vật đối lập nhau về tất cả nhưng số phận đã sắp đặt cho họ gặp nhau. Nguyễn Ánh là ước mơ của Ngọc Bình từ thuở nhỏ, giờ nàng được Nguyễn Ánh hết lòng yêu thương; Nguyễn Ánh khao khát Ngọc Bình giờ đã có được nàng trong tay. Nhưng giữa họ là bức tường vô hình ngăn cách bởi cái đẹp không bao giờ sống chung với cái ác, dị hương không lẫn với tà hương. Cho nên, “Ánh càng yêu quý đức phi Ngọc Bình bao nhiêu thì nàng lại càng thờ ơ, lạnh lùng bấy nhiêu” và mỗi lần ân ái với Nguyễn Ánh, Ngọc Bình đều “nhợt nhạt. Khô xác. Và thất sắc”, dị hương trên cơ thể nàng lại bị hút kiệt. Suốt hai nhăm năm bôn tẩu, Ánh đã bước qua bao nhiêu xác người, xác ngựa, binh khí nên “Mùi tanh của máu người, mùi khét lẹt của binh khí va chạm lại thành mùi chết choc ngấm vào da thịt Ánh”. Vì vậy mà mỗi khi ở bên Nguyễn Ánh, Ngọc Bình lúc nào cũng “ngửi thấy mùi máu tanh tưởi, mùi cháy khét của binh khí chạm nhau và mùi thuốc súng lẩn quất ở long sàng” [31, tr.31]. Điều đó khiến nàng không thể hạnh phúc trong niềm ái ân.
Bi kịch của công chúa Ngọc Bình được đẩy lên đến đỉnh điểm và kết thúc bằng cái chết. Cái chết của Ngọc Bình là cái chết của cái đẹp trước bạo tàn, là bi kịch của dị hương trước sự lấn át của tà hương. Do đó, số phận của nàng còn có ý nghĩa tiêu biểu cho số phận của những người con gái tài sắc sinh phải thời loạn lạc. Số phận của công chúa Ngọc Bình làm chúng ta liên tưởng đến số phận của những người phụ nữ tài sắc trong những truyện ngắn lịch sử của nhà văn Hữu Tuân, như nàng Điểm Bích trong Tiếng gọi mùa xuân, chỉ là phép thử đối với Huyền Quang, cuối đời lại bị giáng đi tu; hay số phận của nàng An Tư trong Mùa xuân kinh thành phải làm vật cống nạp cho tên giặc Thoát Hoan, và ái khanh Bích Châu phải làm mồi cho Hà Bá để thuyền vua Trần Duệ Tông có thể sóng yên bể nặng đến đất Chiêm Thành. Trong thời loạn, cuộc đời người phụ nữ tài sắc như một món hàng, một phương tiện hưởng lạc của các bậc đế vương. Người phụ nữ chỉ biết cam chịu, nhẫn nhục. Qua cuộc đời của những người phụ nữ tài sắc ấy, ta thấy được sự cảm thông sâu sắc và nỗi xót xa của nhà văn dành cho những số phận éo le, bất hạnh, đầy nước mắt.
Ngoài bi kịch của bậc đế vương như Nguyễn Ánh và của người con gái tài sắc như công chúa Ngọc Bình, tác phẩm còn đề cập đến bi kịch của những kẻ sỹ “sinh bất phùng thời” như Trần Huy Sán. Dù đây là nhân vật hư cấu nhưng đã được Sương Nguyệt Minh hết sức tập trung miêu tả tỉ mỉ từ nguồn gốc, lai lịch đến ngoại hình: “Sán vốn là bộ hạ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Huệ thấy Chỉnh hẹp hòi, đố kỵ, gian hùng lòng dạ hai nơi nên giết đi. Xã hội loạn lạc, nhiễu nhương, Sán không tìm được minh chủ ở đất Thăng Long (…) Sán bơ vơ ở Thăng Long một thời gian rồi bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh” [31, tr.10]. Sán là một con người “dị biệt”: “người lùn tịt. Chân tay ngắn tủn. Cổ bé, dài ngẳng, chằng chịt những mạch máu như đường gân xanh. Nhưng, đầu to như cái chõ xôi. Tóc búi tó củ hành to như vốc tay” [31, tr.10- 11]. Nhưng Sán là người có tài: “Y có tài văn thơ, hiểu nho y lý số. Những ý nghĩ dù u tối hay ranh mãnh sáng sủa trong đầu Ánh đều không qua mắt Sán”
[31, tr.11]. Tính tình Sán khảng khái, trí lực hơn người nên được Nguyễn Ánh rất trọng dụng. Tuy vậy, Sán cũng không tránh khỏi bi kịch. Chính Sán cũng hình dung được trước bi kịch của đời mình. Nguyễn Ánh là một người hùng thời loạn, hai lăm năm nếm mật nằm gai nuôi chí phục tộc, cơ hội đến Ánh đánh bại nhà Tây Sơn thống nhất giang sơn. Hai con người như Sán và Ánh ở gần nhau sẽ có ngày triệt hạ nhau, và ai sẽ là người bại thì Sán là người biết rõ: “Thiên hạ này chỉ có hai kẻ cao ngạo, Sán là một, có dễ Ánh là người thứ hai. Trước sau rồi mình cũng chết dưới lưỡi gươm của Ánh” [31, tr.14].
Trần Huy Sán từ lâu đã thầm yêu trộm nhớ công chúa Ngọc Bình, nay Ngọc Bình đã là của Ánh nên Sán cũng không tránh khỏi tâm lý thường tình của kẻ đang yêu. Sán ghen với Nguyễn Ánh và cho rằng Ánh không xứng đáng với nàng mà chỉ có Sán mới xứng, Sán ghi trong Phú xuân thực lục rằng: “Ánh là tà hương, âm u, lạnh lẽo, thiên về sức mạnh độc đoán. Ngọc Bình là dị hương, là mùi thơm vừa trần tục vừa thanh tao, dịu dàng mà quý phái, cuồng dại mà thanh bình… chỉ hợp với Sán này” [31, tr.40]. Khi Ánh đọc được những dòng này thì cũng là lúc dự đoán của Sán về bi kịch của đời mình thành sự thật. Trần Huy Sán đã chết dưới lưỡi gươm tàn nhẫn của Nguyễn Ánh. Sán sinh ra là một người tài giỏi nhưng không tìm được minh chủ đề thờ, đến khi tìm được Ánh thì cả Sán và Ánh lại cùng yêu công chúa Ngọc Bình. Nếu lúc đầu vì cái tài mà Sán và Ánh tìm đến nhau thì về sau vì tình yêu mà họ ghen ghét, đố kỵ và thù ghét nhau. Đây chính là mầm mống bi kịch của cuộc đời Sán.
Đề tài lịch sử tuy không phải là mới nhưng là một đề tài khó. Đối với Sương Nguyệt Minh thì đề tài này là một sự thử sức mới của ông. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã khẳng định: “Nhà văn không nhất thiết phải viết hay hơn người khác, nhưng đến một lúc nào đó, nhà văn phải viết khác mình. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã làm được điều này” [44]. Khi viết về đề tài này, Sương Nguyệt Minh muốn đưa ra một cái nhìn mới về lịch sử. Với góc
nhìn nhân bản, ông đã đưa các nhân vật lịch sử lại gần chúng ta hơn, người hơn, đời hơn rất nhiều. Nguyễn Ánh, công chúa Ngọc Bình, Trần Huy Sán, ba con người, ba địa vị, ba số phận khác nhau nhưng đều rơi vào bi kịch. Làm vua có được cả thiên hạ nhưng Nguyễn Ánh có thật sự mãn nguyện? Ngọc Bình được Nguyễn Ánh hết mực yêu thương nhưng hẳn đã có hạnh phúc? Trần Huy Sán tài trí hơn người, được Nguyễn Ánh trọng dụng nhưng vì sao phải chết? Dị hương không đơn thuần là mối tình tay ba giữa Nguyễn Ánh, Ngọc Bình và Trần Huy Sán mà còn là bi kịch của Cái Đẹp trước bạo tàn. Bạo tàn không có đất sống cho Cái Đẹp và ngược lại Cái Đẹp không tồn tại bên sự bạo tàn là quy luật muôn đời.
Tác phẩm Dị hương đánh dấu sự chuyển đổi đề tài sáng tác của Sương Nguyêt Minh. Từ đề tài chiến tranh chuyển sang đề tài lịch sử là một việc làm khá táo bạo của Sương Nguyệt Minh. Đó vừa như một sự thử sức đối với chính bản thân mình, để ông có thể viết khác với những gì trước đây đã viết, lại vừa để ngòi bút nhà văn “cơi nới” hiện thực, mở rộng phạm vi phản ánh, khám phá chiều sâu bản thể con người. Mặc dù không phong phú như đề tài chiến tranh, nhưng tác phẩm viết về đề tài lịch sử của Sương Nguyệt Minh đã đạt được những thành công nhất định. Hiện nay, xung quanh truyện ngắn này còn rất nhiều những ý kiến trái chiều, nhưng đó cũng là điều bình thường trong đời sống văn học. Điều quan trọng là với Dị hương, Sương Nguyệt Minh đã vượt qua được chính mình, tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Và, trong thập niên gần đây, có lúc đề tài văn học nước ta dường như đang tạm thời chững lại, các nhà văn trẻ đang cố gắng tìm những đề tài mới thì Dị hương giống như một hương lạ mang đến cho văn học một không khí mới. Người đọc vốn không chấp nhận sự lặp lại mòn nhẵn của tác phẩm mà luôn đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo của nhà văn. Dị hương của Sương Nguyệt Minh đã đáp ứng được nhu cầu đó của đông đảo bạn đọc.
1.2. Từ đề tài nông thôn đến đề tài “nửa quê nửa phố”
1.2.1. Từ đề tài nông thôn…
Khi Sương Nguyệt Minh viết về nông thôn thì đề tài này không còn xa lạ trong văn học nước nhà và đối với bạn đọc. Các nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Minh Châu… đã viết rất thành công về đề tài này với các tác phẩm tiêu biểu như Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Khách ở quê ra… Đây là những tác phẩm được đánh giá cao, phản ánh sâu sắc tình trạng nông thôn Việt Nam những năm đầu đổi mới. Tuy nhiên, từ “đổi mới” đến nay, những nhà văn gắn bó với đề tài nông thôn không nhiều. Trong số đó có một nhà văn quân đội vẫn cần mẫn “cày xới” trên mảnh đất mà ít người để mắt tới, đó là nhà văn Sương Nguyệt Minh. Mặc dù rời quê ra phố đã lâu nhưng chưa bao giờ ông tự nhận mình là người thành phố. Cái gốc gác nông thôn vẫn nguyên vẹn trong ông và in đậm trong những sáng tác về nông thôn – một nông thôn vừa truyền thống, vừa hiện đại. Có lẽ vì thế mà Sương Nguyệt Minh được gọi là “nhà văn của cảnh sắc đồng quê”.
Như ông đã nói: “Mình chỉ viết được những cái gì mình hiểu nhất”. Sương Nguyệt Minh sống nhiều ở thành phố nhưng những năm tháng gắn bó với quê hương, làng quê đất Ninh Bình đã cho nhà văn có một sự am hiểu về cuộc sống nơi đây. Đọc truyện ngắn về đề tài nông thôn, ta thấy rất rõ điều này, tất cả không nằm ngoài mảnh đất nhà văn đã sinh ra và lớn lên. Từ những cái tên như đầm Vạc, gò Mã Giáng đến tên làng Yên Hạ… cũng đều xuất phát từ huyện Yên Mô – quê hương tác giả. Cũng như đề tài về chiến tranh, đề tài nông thôn trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh chiếm một số lượng đáng kể. Nhìn vào Bảng khảo sát 2 (Phụ lục 3) ta thấy trong tổng số 55 truyện ngắn thì có tới 21 truyện viết về đề tài nông thôn và đề tài“nửa quê nửa phố” (chiếm 38,2%) và nó xuyên suốt sáu tập truyện ngắn của ông.