Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 3


một người tàn tật mà còn mất đi hoài bão, sự nghiệp và tương lai: “Anh chỉ sợ mất bàn tay phải thôi. Mất bàn tay phải là không vẽ được” [30, tr.101]. Chiến tranh thật tàn ác, điều anh lo nhất đã xảy ra. Anh bị pháo địch bắn, bị thương vào sống lưng và cụt tay phải đến khuỷu. Chiến tranh đã biến người lính trẻ thành kẻ tàn tật và cướp luôn ước mơ trở thành họa sĩ của anh. Nhưng quá khứ không thể chìm vào dĩ vãng. Người lính ấy đã đi tìm mua lại bức tranh Biên giới lúc hoàng hôn để lưu giữ kỉ niệm đẹp đẽ của một thời trai trẻ đã qua, để không bao giờ mất đi quá khứ đáng tự hào.

Có thể nói, trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào thì phụ nữ cũng là người chịu nhiều đau đớn và mất mát nhất. Chiến tranh không chỉ tước đoạt của họ tình yêu, niềm hạnh phúc được làm mẹ mà ngay cả khi chiến tranh kết thúc thì nó vẫn tiếp tục gây ra bất hạnh khôn lường. Sương Nguyệt Minh đã không nguôi trăn trở, xót xa cho những người phụ nữ phải chịu đựng hậu quả của chiến tranh. Ông gửi gắm tình cảm của mình trên trang viết với sự sẻ chia và cảm thông sâu sắc, tiêu biểu như truyện ngắnNgày xưa, nơi đây là cửa rừng. Truyện phản ánh nỗi bất hạnh của một người phụ nữ sau chiến tranh. Trước đây, Miên – nhân vật chính của truyện - có một tình yêu rất đẹp với Sinh là người lính trẻ đã cứu cô khỏi bị nước cuốn. Nhưng chiến tranh lại cướp Sinh khỏi cuộc đời Miên. Sinh đã hy sinh nhưng những kỷ niệm tình yêu với anh lúc nào cũng sống mãi trong trái tim Miên. Vì vậy mà sau này, khi đã lấy chống, Miên không thể có một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Chồng Miên biết vợ vẫn chưa quên được người yêu cũ, anh tôn trọng tình yêu của vợ, không ghen với người đã mất mà chỉ xin Miên một điều: “đừng để thân xác em ở bên chồng còn tâm hồn em dành cho người yêu cũ” [30, tr.57]. Miên đã không làm được điều đó. Chiến tranh đã để lại một vết thương quá lớn trong lòng Miên, nó không chỉ cướp đi người cô yêu mà giờ đây còn gây ra nỗi bất hạnh cho gia đình cô. Gia đình Miên đang đứng trên bờ vực của sự tan vỡ chỉ


vì Miên “ngoại tình với người đã chết”. Có lúc Miên tự hỏi lòng mình: “nếu tôi không yêu Sinh, tôi không hiến dâng hết mình đời con gái cho Sinh thì tôi có yên ổn khi sống với chồng không?” [30, tr.58]. Câu trả lời có thể là không và cũng có thể là có. Bởi Miên đã có một tình yêu đầu đời rất đẹp với Sinh, không có gì phải hối hận, chỉ có điều mối tình đó sâu đậm quá để lại cho cô bao buồn đau, day dứt. Miên không có lỗi, chồng Miên không có lỗi; Sinh càng không có lỗi. Bởi vì, lỗi tại chiến tranh!

Dì Mây (Người ở bến sông Châu) đã để lại một bàn chân, một phần tuổi trẻ và nhan sắc ở chiến trường. Niềm hạnh phúc duy nhất để chị cố sống trở về là tình yêu với San. Nhưng thật trớ trêu, ngày chị về cũng là ngày người yêu đi lấy vợ. Đám cưới của San đã dập tắt mọi niềm vui, khát vọng của Mây và để lại cho Mây sự bẽ bàng, cô đơn. Mây đau đớn “nhắm mắt lại trốn tránh ánh đèn măng sông đám cưới. Đó là thứ ánh sáng hạnh phúc của người tình xưa chiếu vào tận sâu thẳm lòng dì. Nó như muôn vàn mũi kim nhọn châm, chích vào trái tim dì đang rỉ máu…” [27, tr.30]. Mây xót xa nhìn cái chân cụt đến đầu gối và tấm thân còm nhom, xanh lướt của mình. Mặc dù đau đớn là vậy nhưng khi San muốn từ bỏ tất cả để quay lại thì chị lại từ chối. Mây đã có những năm tháng sống hết mình nơi chiến trường, dám hy sinh tính mạng để đồng đội được sống, nay hòa bình trở về, lại một lần nữa hy sinh tình yêu của mình cho người đàn bà khác khỏi đau khổ: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ (…) Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn” [27, tr.33]. Đó là sự hy sinh cao cả chỉ có ở tấm lòng bao dung và nhân hậu.

Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh” đã chiêm nghiệm: “Chiến tranh là bài ca kinh hoàng, là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại…, là thế giới bạt sầu, thế giới vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của thế giới con người…”. “Chiến tranh có thể làm người ta điên


lên hoặc chết rũ ra vì khiếp sợ”. Sương Nguyệt Minh cũng đã nhìn thấy mặt hiện thực tối tăm của chiến tranh. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm mà hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng, gieo rắc bao nhiêu bất hạnh cho con người. Chất độc dioxin đến nay vẫn là nỗi kinh hoàng đối với người Việt Nam. Có bao nhiêu đứa trẻ sinh ra không được làm người? Có bao gia đình bất hạnh vì sinh ra những đứa con dị dạng? Và có bao nhiêu khát khao được làm bố, làm mẹ bị dập tắt? Truyện ngắn Mười ba bến nước đã đề cập đến nỗi bất hạnh đó của con người một cách đau đớn, ám ảnh.

Sao trong Mười ba bến nước có được tình yêu, hạnh phúc với chồng nhưng lại bất hạnh vì không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Chồng chị đi chiến trường may mắn trở về, nhưng chiến tranh đã cướp đi quyền thiêng liêng nhất vợ chồng Sao. Chồng chị đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Vì vậy mà mấy lần chị sinh nở đều sinh ra những bọc thịt như trứng con Thuồng Luồng: “Cục thịt đỏ hỏn chỉ có cái miệng tròn tối om, há ra ngậm vào như cá mắc cạn ngáp lúc sắp chết” [29, tr.147]. Đây không phải là nỗi bất hạnh của riêng Sao mà là nỗi bất hạnh chung của những người phụ nữ có chồng ra trận bị nhiễm chất độc màu da cam. Vì vậy, có một thời người ta thấy trên mặt sông dầy đặc những bè chuối chở những liễn sành màu da lươn đựng những hài nhi dị dạng. Qua mấy lần sinh nở không thành, Sao đã phải làm cái việc mà từ xưa ở làng chưa ai làm là “lấy vợ mới cho chồng”. Chị hy vọng người vợ mới sẽ sinh được những đứa con lành lặn cho gia đình nhà chồng. Cũng giống như Mây, Sao đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc của riêng mình để mang lại niềm hạnh phúc cho người khác. Nhưng việc chị làm không mang lại kết quả như mong muốn. Người vợ mới cũng sinh ra những cục thịt, vì quá sợ hãi và không chịu đựng nổi đã bỏ đi. Còn Sao lại quay lại “bến nước thứ mười ba” để chăm sóc những người thân quá nhiều nỗi bất hạnh của chị

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.


Chiến tranh gây nên những mất mát, đau thương trên thân thể và trong tâm hồn con người, nhưng trước hết và hơn hết “nó đã làm ức chế, tước đoạt những nhu cầu tự nhiên nhất của bản năng con người”. Cho nên, trong mảng đề tài về chiến tranh, Sương Nguyệt Minh còn đề cập đến những khát vọng tưởng rất đỗi bình thường của người phụ nữ. Đó là nhu cầu được gần gũi về mặt thể xác. Nếu văn học trước 1975 có ý né tránh đến vấn đề tế nhị, nhạy cảm này, thì giờ được Sương Nguyệt Minh mạnh dạn đề cập đến với một tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc.

Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 3

Thương trong Đêm làng Trọng Nhân vì nỗi nhớ chồng cùng với nỗi khát khao bản năng mà có lúc cô rơi vào trạng thái vô thức với những cơn mộng mị ân ái: “Thương tự nhiên mơ màng thấy Tường bay trong không trung. Chị đứng dưới gốc đa. Chị gọi tên anh. Anh hạ xuống, ngắt một cái lá đa đặt trên đầu chị. Anh bảo đó là mũ cô dâu. Thương bước vào phòng cưới lại thấy anh giáo Mười đi bên cạnh mặc áo chú rể. Đêm tân hôn. Chị lại thấy Tường bế mình lên giường. Anh hôn lên tóc Thương. Rồi chị thấy mình ân ái với chồng” [26, tr.145-146]. Có khi nhớ chồng quá, Thương phải đi tắm để làm dịu ngọn lửa lòng: “Thương múc từng gàu nước đổ rào rào. Dường như cơ thể Thương đang nóng bừng lên và nước lạnh dội ào ạt vẫn không dập tắt được ngọn lửa trong lòng Thương” [26, tr.146].

Sao trong Mười ba bến nước khi phải xa chồng thì nhận ra một điều: “Người vợ xa chồng có trăm ngàn cơ cực, chẳng nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Có những đêm dài ghê gớm, tôi lục sục không ngủ. Nằm một mình ôm gối, nhớ chồng, trằn trọc chờ sáng. Tôi lôi cái áo cũ bạc màu của chồng ra ấp vào mặt, nỗi nhớ càng nôn nao, da diết hơn. Khốn khổ nhất là mấy ngày áp kỳ kiêng kỵ sử dụng xô màn của đàn bà. Hai bầu vú tôi cứng nhưng nhức. Nhũ hoa sân lại. Má đỏ hồng tươi tắn. Mắt long lanh… Lúc nào cũng chỉ mong chồng về” [29, tr.152]. Những lúc như vậy, chị thường dậy đổ lúa vào


xay, hoặc múc nước giếng khơi đổ ào ào tắm cho lòng dịu đi, hoặc sang ngủ chung giường tìm hơi mẹ chồng cho vơi đi nỗi nhớ nhung khao khát… Chiến tranh đã tước đoạt của con người quá nhiều thứ, từ những khát vọng lớn lao đến những ước ao rất đời, rất người của họ. Đi sâu vào những ước muốn nhỏ bé, thầm kín ấy, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện một cái nhìn cảm thông, sự sẻ chia đối với người phụ nữ. Qua đó, tiếng nói tố cáo, phê phán chiến tranh đã cướp đi cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc của con người càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Chiến tranh là một đề tài có sức hấp dẫn lớn, lôi cuốn sự chú ý của rất nhiều nhà văn. Sương Nguyệt Minh cũng nằm trong lực hút từ trường đó. Nhưng là một người “không dễ dàng chấp nhận dừng lại ở sự quen thuộc, sự mòn nhẵn thông thường” [39], nên ở một đề tài quen thuộc như vậy, ông không đi vào con đường mòn mà cố gắng tìm cho mình một cách thể hiện mới, tạo nên sự vận động trong nội bộ đề tài. Vì vậy mà từ tập truyện Đêm làng Trọng Nhân (1998) đến tập truyện ngắn Người ở bến sông Châu (2001), Mười ba bến nước (2005) đề tài chiến tranh đã có sự vận động. Sự vận động này bắt nguồn từ nhu cầu sáng tạo của nhà văn và đòi hỏi của văn học là nhà văn phải đi sâu vào đời sống để phát hiện ra những vấn đề mới. Điều này làm cho sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh không chỉ diễn ra giữa đề tài này với đề tài khác mà còn diễn ra ngay trong cùng một đề tài.

Trong các truyện ngắn đầu tay: Dòng sông Trinh Nữ (1994), Đêm làng Trọng Nhân (1996).v.v…, Sương Nguyệt Minh viết chủ yếu theo mô típ truyền thống: người lính ra chiến trận còn người vợ, người yêu ở nhà thủy chung chờ đợi. Đến truyện ngắn Người ở bến sông Châu viết năm 1997 đã có điểm khác. Mô típ quen thuộc ta thường gặp trong văn học là người lính từ chiến trường trở về, do thất lạc tin tức hoặc báo tử nhầm mà người yêu (hoặc vợ) đã đi lấy chồng …Còn trong truyện Người ở bến sông Châu, người từ chiến trường trở


về là một cô gái, còn người ở lại hậu phương là một chàng trai. Ngay trong phần mở đầu câu chuyện Người ở bến sông Châu chúng ta đã thấy có sự khác lạ: “Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ”. Người khoác ba lô từ chiến trường trở về là người con gái. Khi đất nước xảy ra chiến tranh, San thì đi du học còn Mây vào bộ đội: “Người con gái ở Trường Sơn đạn nổ bom rơi, người con trai ở xứ bạn đầy hoa tuyết trắng rơi rơi, êm ả, thanh bình…” [29, tr.32], Sương Nguyệt Minh đã phát hiện ra những hiện tượng “tréo ngoe” nhưng không phải là không có trong cuộc sống. Nhưng chính điều đó lại phản ánh một hiện thực trong thời chiến. Chiến tranh đã đẩy những cô gái chân yếu tay mềm như Mây phải cầm súng ra chiến trường ác liệt. Nếu không có chiến tranh thì vị trí của Mây là ở bên bến sông Châu, ngày ngày chờ đợi San đi du học về và cuộc đời Mây sẽ không phải trải qua nỗi bất hạnh về thân phận phụ nữ của mình.

Điểm khác biệt trong truyện ngắn Người ở bến sông Châu không phải ở sự hoán đổi giản đơn vị trí người ở lại và người ra đi, đúng như nhà văn Khuất Quang Thụy đã nói trong lời mở đầu của tập truyện ngắn Mười ba bến nước: “Vấn đề không phải là ở chỗ có sự đổi vai trò, đổi giới tính giữa người ra đi và người ở lại. Mà, vấn đề là ở chỗ, đây cũng là một nét hiện thực độc đáo của chiến tranh Việt Nam, nhưng đã chưa được hoặc ít được người ta chú ý tới” [29, tr.8]. Sương Nguyệt Minh đã phát hiện ra mảng hiện thực còn ít được khai thác: bi kịch chiến tranh đối với những người con gái đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Cùng với Minh Chuyên và nhiều cây bút khác, Sương Nguyệt Minh đã xoáy sâu vào “tầng vỉa” này của đời sống hiện thực. Đối với ông, hiện thực cuộc sống còn nhiều điều các nhà văn chưa đào xới hết và mỗi người cầm bút đều có thể tiếp tục khai phá.

Trong truyện ngắn Mười ba bến nước, sự khác biệt được thể hiện ngay ở cái tên “Mười ba bến nước”. Thường ta vẫn hay nghe dân gian nói “đời


người mười hai bến nước” nhưng Sương Nguyệt Minh đã không dừng lại ở con số mười hai mang tính biểu tượng, quen thuộc mà đã phát hiện ra “bến nước thứ mười ba” của người phụ nữ. Người phụ nữ thời chiến phải lênh đênh thêm “bến nước” của những người vợ có chồng đi chiến đấu bị nhiễm chất độc màu da cam, khát khao được làm mẹ không thành.

Theo dòng thời gian, hiện thực chiến tranh trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh ngày càng được mở rộng biên độ và chiều sâu nội dung phản ánh. Nhiều truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đã phản ánh hậu quả của chiến tranh đối với con người như Đêm làng Trọng Nhân, Người ở bến sông Châu, Ngày xưa nơi đây là cửa rừng… Đến Mười ba bến nước, cái nhìn của nhà văn càng sâu sắc và trải nghiệm hơn. Sương Nguyệt Minh không đi vào miêu tả trực tiếp chiến tranh mà thông qua số phận của những người phụ nữ lênh đênh mười ba bến nước để phản ánh bộ mặt khủng khiếp của chiến tranh với sức tàn phá hủy diệt ghê gớm, dai dẳng và khẳng định giá trị tinh thần bền vững của những tâm hồn Việt Nam. Viết về chiến tranh, Sương Nguyệt Minh đã tránh được cái nhìn một chiều, đơn giản. Cuộc chiến tranh dân tộc ta đã trải qua trong trang viết của nhà văn có cả vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau. Đọc truyện ngắn của ông, người ta biết đến nhiều chiến công không viết thành bài ca, nhiều hi sinh thầm lặng không đi vào sử sách và càng thấu hiểu hơn những tình yêu không trọn vẹn, những nỗi đau không thể nói lên lời. Bằng những trải nghiệm cuộc sống nơi chiến trường, bằng một trái tim đôn hậu, nhạy cảm và tấm lòng khâm phục, trân trọng phẩm chất cao đẹp của những người lính, Sương Nguyệt Minh đã viết nên những truyện ngắn thật cảm động về chiến tranh mà dư ba của nó thấm thía mãi trong lòng người đọc.

Viết về đề tài chiến tranh, Sương Nguyệt Minh có được cái nhìn sâu sắc với những trang viết giàu trải nghiệm và chất sống thực tế, hiện thực đến nghiệt ngã mà vẫn lãng mạn, trữ tình. Với một ý thức sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, ngay trong


mảng đề tài quen thuộc này, ông đã tìm được một lối đi tránh khỏi sự “mòn nhẵn thông thường”. Mặc dù “đây mới chỉ là những chặng đầu tiên, những “bến nước” đầu tiên trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật” (theo cách nói của nhà văn Khuất Quang Thụy), Sương Nguyệt Minh cũng đã có đóng góp không nhỏ. Ngòi bút của ông đã góp phần làm cho đề tài chiến tranh trong văn học thêm phong phú, vòng sóng của nó thêm nhiều dư ba. Cần nói thêm, khi đề tài này có biểu hiện giảm sút ít nhiều sự hấp dẫn đối với một số nhà văn trẻ, thì những tác phẩm của Sương Nguyệt Minh có tác dụng khôi phục lại vị trí của nó trong đời sống văn học. Nhà văn đã góp một tiếng nói khẳng định: chiến tranh sẽ vẫn là một siêu đề tài mà các lớp nhà văn mới có thể và cần phải tiếp tục đào sâu, khám phá để đem lại những tác phẩm có giá trị cho đời sống văn học nước nhà.

1.1.2. …đến đề tài lịch sử

Từ đề tài chiến tranh, đến truyện ngắn Dị hương viết cuối năm 2009, Sương Nguyệt Minh đã tìm đến một đề tài mới, đó là đề tài lịch sử. Theo chúng tôi, sự vận động này diễn ra do tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trước hết, bắt nguồn từ sự tác động của tinh thần đổi mới, nhu cầu nhận thức lại một số vấn đề quá khứ, như ông đã nói: “Thế gian biến cải khôn lường, đời sống xã hội thay đổi, phức tạp, đa dạng, cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ. Văn chương có chức năng phản ánh xã hội, nhà văn không đứng ngoài xã hội mà là người luôn can dự trực tiếp vào đời sống xã hội nên văn chương vận động, thay đổi theo thời cuộc cũng là điều dễ hiểu” [25]. Tiếp đến là do tính dân chủ trong đời sống văn học đã khuyến khích tinh thần sáng tạo của người nghệ sỹ. Nhà văn có thể lựa chọn mọi đề tài, phản ánh mọi khía cạnh, không phải né tránh những vấn đề “nhạy cảm”. Sự chuyển hướng đề tài này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của độc giả. Cuối cùng và quan trọng hơn cả là do chính nhu cầu trong sáng tạo nghệ thuật của Sương Nguyệt Minh khi muốn thử sức ở một đề tài mới, bút pháp

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 18/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí