PHẦN KẾT LUẬN
Nghiên cứu sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, chúng tôi đi sâu vào các phương diện cơ bản như đề tài, nhân vật và bút pháp nghệ thuật.
1. Nhìn một cách tổng thể, đề tài trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh khá phong phú và có thể chia làm bốn mảng: đề tài chiến tranh, đề tài lịch sử, đề tài nông thôn và đề tài “nửa quê nửa phố”. Nhìn theo sự vận động, các mảng đề tài đó có hai mạch phát triển tương đối rõ nét: từ đề tài chiến tranh đến đề tài lịch sử và từ đề tài nông thôn đến đề tài “nửa quê nửa phố”.
Mạch vận động thứ nhất có sự liên kết là cái nhìn của nhà văn hướng vào những vấn đề lớn của lịch sử, của đất nước. Từ cái nhìn đó, nhà văn tìm kiếm chất liệu, xử lý đề tài một cách cụ thể. Hướng vận động là từ đề tài chiến tranh, ngòi bút của nhà văn bắt sang đề tài lịch sử, điểm mốc của sự vận động giữa hai mảng đề tài là truyện ngắn Dị Hương. Trên hành trình vận động, ưu thế về độ dài thời gian và số lượng tác phẩm thuộc về đề tài chiến tranh; song ưu thế về tính “đột biến” của sự sáng tạo lại thuộc về đề tài lịch sử. Và một điểm cần thấy trong trạng thái vận động đề tài của Sương Nguyệt Minh là, mặc dù khi ngòi bút nhà văn đã chuyển sang đề tài lịch sử thì đề tài chiến tranh vẫn tạo lực thúc đẩy ngòi bút nhà văn trên hành trình sáng tác. Vì thế cùng thời điểm xuất hiện truyện ngắn về đề tài lịch sử Sương Nguyệt Minh vẫn có tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Sự xuất hiện của đề tài lịch sử có thể mới là thể nghiệm ban đầu của nhà văn, thành công đã được khẳng định song ý kiến tranh luận cũng nhiều. Điều đó cho phép người đọc hy vọng sự vận động tiếp nối của đề tài lịch sử trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh trong những chặng đường phía trước. Đề tài chiến tranh là sở trường của nhà văn, đem lại cho người đọc nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, motip quen thuộc của
mảng đề tài này dễ tạo cảm giác đơn điệu. Hy vọng khi chuyển từ thể loại truyện ngắn sang thể loại tiểu thuyết (như nhà văn dự định) thì đề tài chiến tranh của Sương Nguyệt Minh sẽ có được sức bật mới.
Ở mạch vận động từ đề tài nông thôn đến đề tài “nửa quê nửa phố”, những tập truyện ngắn đầu tay của Sương Nguyệt Minh chủ yếu tập trung vào đề tài nông thôn nhưng sau đó không lâu, mảng đề tài “nửa quê nửa phố” cũng được khởi động và tăng gia tốc rất nhanh. Trong quá trình sáng tác của Sương Nguyệt Minh, hai mảng đề tài này khi song hành, khi đan xen; nhưng trong những sáng tác gần đây, mảng đề tài “nửa quê nửa phố” có phần lấn lướt. Cái không khí “thuần hậu nguyên thủy” của đề tài nông thôn loãng đi, không khí “nửa quê nửa phố” đậm đặc dần lên choán hầu hết các tác phẩm. Nét đặc biệt là, mạch vận động của hai mảng đề tài này, khi riêng biệt, khi song hành, khi đan xen kết hợp lại tạo nên bầu khí quyển riêng khó lẫn của truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.
2. Sự vận động về đề tài kéo theo sự vận động trong thế giới nhân vật, bởi vì, nhân vật là phương diện hình thức quan trọng để thể hiện nội dung. Tương ứng với đề tài, nhân vật trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh gồm bốn kiểu chính là nhân vật người lính, nhân vật lịch sử, nhân vật nông dân và nhân vật “nửa quê nửa phố”. Bốn kiểu nhân vật này tạo nên hai mạch vận động chính: đó là từ nhân vật người lính đến nhân vật lịch sử; từ nhân vật nông dân đến nhân vật “nửa quê nửa phố”.
Có thể bạn quan tâm!
- Giới Thuyết Về Bút Pháp Hiện Thực - Lãng Mạn, Hiện Thực - Lãng Mạn, Kỳ Ảo
- ? Đến Bút Pháp Hiện Thực - Lãng Mạn – Kỳ Ảo
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 11
- Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 13
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Ở nhánh vận động thứ nhất, sợi dây liên kết sự vận động này chính là sự quan tâm của nhà văn đến những con người làm nên lịch sử (người lính) và cả những con người đã nổi danh trong lịch sử (Nguyễn Ánh). Qua sự vận động về nhân vật, ta thấy Sương Nguyệt Minh luôn muốn tìm hiểu, khám phá con người ở chiều sâu nhân bản. Đằng sau những vết thương trên gương mặt, thân thể người lính là nỗi đau nhức nhối, khó lành trong tâm hồn họ. Và sau
vẻ ngoài oai phong lẫm liệt của một đấng thiên tử là niềm khát khao cháy bỏng nhưng không kém phần đau đớn về tình yêu, cái đẹp. Với Sương Nguyệt Minh, con người là một thế giới đầy bí hiểm mà văn học luôn cố gắng chinh phục, giải mã. Và để giải mã, có lúc ông đã phải mượn cả những nhân vật, dữ kiện trong quá khứ.
So với hướng vận động thứ nhất thì sự vận động từ nhân vật nông dân đến “nửa quê nửa phố” diễn ra nhanh và liên tục hơn. Hai kiểu nhân vật này xuất hiện trong tất cả các tập truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh. Nếu lúc đầu, nhân vật nông dân xuất hiện nhiều thì càng về sau nhân vật “nửa quê nửa phố” lại tăng dần lên và chiếm ưu thế. Điều đó cho thấy Sương Nguyệt Minh đã theo kịp bước đi của đời sống xã hội và thấy được sự đổi thay tất yếu của con người trước những đổi thay của hoàn cảnh.
3. Cùng với sự đổi mới về mặt đề tài, nhân vật là sự đổi mới trong bút pháp nghệ thuật. Trước đây, bút pháp nghệ thuật Sương Nguyệt Minh hay sử dụng là hiện thực lãng mạn, được coi là rất phù hợp với những đề tài truyền thống mà ông hay viết. Đến tập truyện ngắn Dị hương, người đọc hoàn toàn bất ngờ trước một bút pháp nghệ thuật mới lạ, trẻ trung nhưng không kém phần dữ dội của Sương Nguyệt Minh. Đó là bút pháp hiện thực lãng mạn và kỳ ảo. Đưa yếu tố kỳ ảo vào trong tác phẩm, nhà văn có cơ hội khám phá cuộc sống ở nhiều tầng vỉa, kể cả ở những tầng vỉa khó nắm bắt nhất như đời sống tâm linh, những khát vọng thầm kín của con người. Khi cuộc sống vô cùng phức tạp thì việc sử dụng một bút pháp nghệ thuật sẽ rất hạn chế việc phản ánh đời sống của nhà văn. Yếu tố kỳ ảo với tư cách là một phương tiện nghệ thuật cùng với những yếu tố nghệ thuật khác sẽ giúp nhà văn thâm nhập, phát hiện đời sống ở nhiều chiều khác nhau.
4. Từ sau thời kỳ đổi mới, truyện ngắn Việt Nam đã xuất hiện nhiều yếu tố kỳ ảo, chất lãng mạn đã ít đi nhiều, xuất hiện những truyện ngắn thuộc
dòng ý thức hoặc hậu hiện đại… Chính vì thế mà chúng ta có mảng truyện ngắn không hề đơn điệu. Có được điều này là do các nhà văn đã mạnh dạn đi vào nhiều đề tài, thử nghiệm nhiều loại bút pháp khác nhau. Cùng với các nhà văn khác, Sương Nguyệt Minh cũng đã có những tìm tòi, đổi mới cho truyện ngắn của mình, góp phần vào sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tạo nên sự đa dạng của các quan niệm nghệ thuật, ý thức nghệ thuật; sự phong phú của các loại hình cảm quan đời sống của các nhà văn; sự đa dạng về phong cách, bút pháp, giọng điệu… Việc làm này của Sương Nguyệt Minh thực sự có ý nghĩa đối với nền văn học, bởi góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn, một quan điểm sống… là nhà văn cũng đã góp phần vào đổi mới văn chương nghệ thuật nước nhà.
5. Sự vận động trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh một mặt bắt nguồn từ hiện thực đời sống đang từng ngày, từng giờ thay đổi. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại, phải theo kịp bước chân của lịch sử xã hội. Văn học do đó cũng vận động, biến đổi theo. Mặt khác, Sương Nguyệt Minh là một nhà văn có ý thức rất cao trong việc sáng tạo nghệ thuật. Ông luôn quan niệm “nhà văn phải khác biệt” và chính quan niệm đó luôn hối thúc nhà văn phải viết khác những gì trước đây đã viết. Không phải chờ cho đến tập truyện ngắn Dị hương mà ngay ở tập truyện Người ở bến sông Châu, Mười ba bến nước chúng ta đã thấy được sự cố gắng của ông khi muốn thoát ra khỏi “những cái thông thường mòn nhẵn”. Đến Dị hương thì sự đổi mới, khác biệt ấy đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Sương Nguyệt Minh. Hiện nay, ông đang chuyển sang viết tiểu thuyết, nhưng dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết thì với bản lĩnh của một nhà văn luôn nỗ lực vượt qua rào cản của chính mình, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào cuốn tiểu thuyết sắp ra đời sẽ mang lại cho người đọc nhiều điều bất ngờ thú vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Hoàng Anh (2009), “Dị hương và lối viết như nhập đồng”, Tiền phong cuối tuần (số 47), tr.5-6.
2. Tạ Duy Anh (2011), “Giữa thế giới hư hư thực thực”, Văn nghệ (số 32), tr16.
3. Nhật Anh (2012), Nhà văn phải khác biệt, Báo mới. com, ngày 31/1/2012.
4. Nguyễn Hoàng Vân Anh, Sương Nguyệt Minh – dị biệt từ Dị hương, Phongdiep.net, ngày 11/2/2011.
5. Thủy Anna (2009), “Dị hương lên tiếng…bảo vệ đàn ông”, Thể thao và văn hóa, tr.3.
6. Lê Huy Bắc (2011), “Những khuynh hướng chính trong văn chương hậu hiện đại”, nguvan.hnue.edu.vn, ngày 11/5/2011.
7. Khánh Bằng (2011), “Sương Nguyệt Minh viết khác mình”, Công an nhân dân.
8. Ngô Vĩnh Bình (2011), “Văn học về đề tài chiến tranh – thách thức thành công và bài học”, Tạp chí Tuyên giáo số 5.
9. Lê Nguyên Cẩn (2003), Cái kỳ ảo trong tác phẩm của Balzac, NXB Đại học sư phạm.
10. Văn Chinh (2008), Tôi muốn cái lục lạc ấy bằng đất nung, Vanchinh.net, ngày 18/12/2008.
11. Hà Minh Đức, Lê Bá Hân (1985), Cơ sở lý luận văn học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
12. Đoàn Ánh Dương (2009), Đọc Dị hương của Sương Nguyệt Minh, Cogaiviet. Blogs, ngày 17/11/2009.
13. Nguyễn Hoàng Đức (2008), Sương Nguyệt Minh – cây bút lung linh tình cảnh nhưng lầm lụi kiếp người, vantuyen.net, ngày 21/5/2008.
14. Phong Điệp (2011), Nhà văn Sương Nguyệt Minh – Giải thưởng văn học năm 2010: “Đã có người sợ tôi phiêu lưu rồi trắng tay!”, Sông cửu long online, ngày 21/1/2011.
15. Nhiều tác giả (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
16. Nhiều tác giả (2002), Truyện ngắn xuất sắc về chiến tranh, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
17. Hoàng Long Giang (2011), “Bước ngoặt trong hành trình sáng tác của Sương Nguyệt Minh”, Báo công an nhân dân.
18. Gia Đình Xã Hội (2002), Nhà văn Chu Lai: Viết để neo tâm hồn vào cuộc đời, nguồn: VNExpress, ngày 06/4/2002.
19. Phùng Hữu Hải (2006), “Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975”, http://evan.vnexpress.net, ngày 19/6/2006.
20. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
21. Trần Thị Phương Loan (2010), Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, Luận văn thạc sỹ văn học, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
22. Nguyễn Văn Long (2003), Văn học Việt Nam trong thời đại mới (Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945), NXB Giáo dục.
23. Phương Lựu (chủ biên) (2006), Lý luận văn học, NXB Giáo dục.
24. M.B Khrapchenkô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội.
25. Cao Minh (2011), Sương nguyệt Minh: không có cây bút truyện ngắn xuất sắc, Sài Gòn Giải Phóng online, ngày 30/1/2011.
26. Sương Nguyệt Minh (1998), Đêm làng Trọng Nhân, NXB QĐND.
27. Sương Nguyệt Minh (2001), Người ở bến sông Châu, NXB Hội nhà văn.
28. Sương Nguyệt Minh (2005), Đi qua đồng chiều, NXB Thanh niên, Hà Nội.
29. Sương Nguyệt Minh (2005), Mười ba bến nước, NXB Thanh niên, Hà Nội.
30. Sương Nguyệt Minh (2007), Chợ tình, NXB Thanh niên, Hà Nội .
31. Sương Nguyệt Minh (2009), Dị hương, NXB Hội nhà văn, Hà Nội .
32. Nguyenmanhhung (2009), “Dị hương – Sương Nguyệt Minh”, TT&VH,
75@yahoo.com .
33. Thu Phố, “Bước ngoặt” mới của Sương Nguyệt Minh”, Hà Nội Mới.
34. Trần Đình Sử (1992), Dẫn luận Thi pháp học, NXB Giáo dục .
35. Đoàn Cẩm Thi (2004), Chiến tranh, tình yêu, tình dục trong văn học Việt Nam đương đại, www.tonvinhvanhoadoc, tháng 3/2004.
36. Nguyễn Huy Thiệp (2005), Truyện ngắn, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
37. Nguyễn Huy Thiệp (2011), Tính dục trong văn học hôm nay, nguồn: báo điện tử VietNamNet, ngày 15/4/2011.
38. Lý Hoài Thu (2001), Sự vận động của các thể văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới, Phongdiep.net, tháng 3/2001.
39. Khuất Quang Thụy (2005), “Cuộc hành trình không bờ bến” (Lời giới thiệu tập truyện Mười ba bến nước), NXB Thanh niên, Hà Nội .
40. Yên Trang (2006), Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Từ trục trặc tới “mùa được giải, http://ca.cand.com.vn, ngày 10/1/2006.
41. Trinhhonghaivn (2011), “Sự cố vạ chữ của nhà văn Sương Nguyệt Minh”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
42. Vũ Anh Tuấn (2001), “Văn học Việt Nam hiện đại – Nhận thức và thẩm định”, NXB KHXH Hà Nội.
43. Văn hóa - nghệ thuật, số 242 – 2011, "Sương Nguyệt Minh mới với “Dị hương”.
44. Hoàng Vân, Tọa đàm giới thiệu tập truyện Dị hương, nguồn: www.tonvinhvanhoadoc.vn, ngày 3/10/2009.
Phụ lục 1:
PHỤ LỤC
Chân dung nhà văn Sương Nguyệt Minh
Phụ lục 2:
Hình ảnh các tập truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh