Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 16


Chữ Hiếu của Nho giáo khi vào Việt Nam được vận dụng theo hai mục đích rò ràng: đối với giai cấp cầm quyền, đó là nền tảng đạo đức để trói buộc người dân vào bổn phận làm tôi con phục vụ cho việc củng cố địa vị, bảo vệ quyền lợi giai cấp và giữ vững trật tự xã hội từ sự hòa mục trong gia đình; về phía người dân lao động, với họ, hiếu kính với cha mẹ là một Đạo lý cao đẹp, thể hiện tính nhân văn hoàn hảo, họ tiếp nhận chữ Hiếu với mục đích biện giải một cách chặt chẽ cho lòng yêu thương, tôn kính cha mẹ vốn có trong văn hóa bản địa.

Trước khi tiếp xúc với chữ Hiếu thiên về lý trí của Nho giáo như chúng tôi giới thiệu ở trên, người con của dân tộc Việt đã biết dành cho cha mẹ tình cảm sâu sắc và sự chăm sóc ân cần không cần lý giải. Qua một số câu tục ngữ miêu tả hình ảnh cha mẹ không mấy lạc quan trong cấu trúc so sánh với những sự vật mong manh, mềm yếu dễ hư tổn chúng ta có thể nhận ra được điều đó: “Mẹ già bóng ngã cành dâu”, “Mẹ già như chuối chín cây”... Những câu tục ngữ đó bộc lộ nỗi niềm lo lắng và cả lo sợ của người con qua những “biểu tượng”: “bóng cành dâu”, “chuối chín cây” hết sức chóng vánh và tạm bợ, rất dễ vuột mất. Tuy nhiên, hai hình ảnh đó cũng nói lên một ẩn ý về cảm giác mát dịu và ngọt ngào mà sự chở che và tình yêu thương cha mẹ dành cho con. Chính vì vậy, nó càng làm cho người con lo sợ cho một ngày bóng dâu tan biến, chuối chín rụng đi, cha mẹ ra đi để họ bơ vơ. Những ẩn ý đó chứng minh tình cảm sâu đậm, quan hệ khắng khít giữa cha mẹ và con cái của người dân Việt. Đặc biệt là mẹ, người đã mang lại cho con hơi ấm, sự ngọt ngào của tình mẫu tử: “Mẹ già như chuối ba hương”. Về phía người con, họ tự nhủ với bản thân phải nâng niu, trân quý những giây phút được sống với cha mẹ vì họ hiểu rằng: “Có cha có mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn không dây” [74. tr. 599]. Đối với họ việc chăm sóc, thăm nom cha mẹ xuất phát từ tình yêu thương sâu đậm do mối quan hệ huyết thống, cùng với sự ân cần chia sẻ giữa những người thân với nhau. Vì thế, nếu không thực hiện được, sẽ làm cho người con day dứt. Người con bảo rằng: “Mẹ già ở tấm lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con” [74, tr. 1468].


Khi Phật giáo vào Việt Nam, tình yêu thương cha mẹ của người con dung hợp với triết lý hiếu kính của Phật giáo: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu” [75, tr. 2483]. Rồi nó trở nên thiêng liêng khi người con đã siêu hình hóa sự tồn tại của mối quan hệ bằng hành động cầu xin Trời, Phật kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ để họ có thêm thời gian được thương yêu và yêu thương cha mẹ: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con” [74, tr. 1500]. Tình thâm càng sâu đậm, càng tha thiết thì khi xa cách càng xốn xang, đau lòng. Quan sát hình ảnh một cô gái đang trong tâm trạng thương nhớ trông về mẹ mà người dân vẽ ra, chúng ta có thể cảm thấu được tình cảm giữa cha mẹ và con cái sâu đậm như thế nào: “Chiều chiều ra đứng ngò ngó xuôi/ Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương” [74, tr. 514]. Đôi khi nhớ thương đến độ người con bỏ ăn, bỏ ngủ:

Gió đưa cây cửu lý hương, Giờ xa cha mẹ thất thường bữa ăn,

Sầu riêng bữa chẳng muốn ăn Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.

[74, tr. 1147]

Chính mức độ sâu đậm của tình cảm và những hành động chứng tỏ sự yêu thương bộc phát từ tâm của chữ Hiếu dân gian đã tạo điều kiện cho những nội dung mang tính nhân văn của Hiếu Nho giáo nhanh chóng được tiếp nhận. Hiếu Nho giáo đã giúp cho người con nhận ra được lý do của sự hiếu kính và thấu tỏ nỗi lòng của cha mẹ khi sinh dưỡng con cái. Người con giờ đây nhận thức rò mình cần phải làm gì và tại sao phải làm để trọn “đạo con”. Bài ca dao mà ai cũng thuộc nằm lòng thể hiện đầy đủ:

Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

[74, tr. 712]

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 16


Bốn câu thơ đã giải thích rò lý do của sự hiếu kính và chỉ ra cách hành xử theo Hiếu cho người con. Nội dung tập trung vào lý trí, nhắc nhở người con về bổn phận đối với cha mẹ và đó cũng là “đạo làm người”. Đây là nét nghĩa Hiếu kính của Nho giáo được người dân vận dụng xuyên suốt để dạy dỗ con cái, nhắc nhở nhau trong cách cư xử với bậc sinh thành. Nỗi nhớ thương của người con giờ đây đã trở thành một sự day dứt, thương tưởng công lao nuôi dạy như trời biển mà cha mẹ đã dành cho họ không chỉ là tình thương yêu bộc phát theo bản năng:

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau

Thương thay chín chữ cù lao

Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

[75, tr. 2536]

Chữ Hiếu đã bao hàm cả chữ Nghĩa, Nghĩa báo đáp công ơn sinh dưỡng của cha mẹ. Xưa kia Kinh Thi liệt kê bằng chín chữ: sinh, cúc, dục, phủ, xúc, trưởng, cố, phục, phúc (tạo ra hình hài, nâng đỡ, dạy dỗ, vuốt ve, cho bú mớm, nuôi lớn khôn, trông nom, ôm ấp, bảo vệ). Trong ca dao “chín chữ” thường song hành cùng với điển “cù lao” để chỉ sự khó nhọc không gì có thể sánh được với công lao sinh dưỡng của cha mẹ. Kết hợp với chủ trương tích cực giáo dục ý thức đền công sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ cho con cái của cả xã hội đã biến tấm lòng hiếu thảo của người con trở thành nguyên tắc sống, “đạo làm người” cao đẹp nhất trong chuẩn tắc đạo đức của người Việt. Hiếu trở thành quy tắc ứng xử của người con: “Làm người trước liệu hiếu thân/ Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con” [74, tr. 1346]. Đồng thời, đó cũng là chuẩn tắc đạo đức quan trọng nhất mà xã hội dành riêng cho người con trai:

Làm trai nết đủ trăm đường

Trước tiên là hiếu đạo thường xưa nay Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ...

[74, tr. 1355]


Trong 300 bài ca dao chuyển tải nội dung tiếp biến chữ Hiếu từ Nho giáo theo xu hướng tích cực có đến 42 bài đề cập đến công cha nghĩa mẹ, trong đó có 2 bài rất dài, một bài 36 câu và một bài 26 câu (Phụ lục, tr. 81; 89) với thể lục bát diễn giải cụ thể và chân thành nhưng hàm ý răn dạy, nhắc nhở người con về công sinh dưỡng của cha mẹ, đặc biệt tập trung vào việc miêu tả sự khó nhọc, đức hy sinh của mẹ khi con còn trứng nước hay bé bỏng thơ ngây. Chức năng giáo dục của thơ ca cũng như sự thống nhất giáo dục từ trong gia đình ra ngoài xã hội đã thiết lập ý thức báo đáp ơn sinh thành, nghĩa dưỡng dục của cha mẹ nơi người con. Từ cơ sở này Hiếu chi phối mọi hành vi, mục đích sống của người con. Lẽ sống của họ nhằm vào mục tiêu cuối cùng là làm sao cho cha mẹ vui lòng.

Niềm vui đối với các bậc cha mẹ vào thời phong kiến không gì lớn bằng con cái được vinh danh trên con đường khoa cử. Người con mơ rằng: “Bao giờ cá lí hóa long/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa” [74, tr. 240 ].

Như chúng tôi đã đề cập ở chương một, từ thời Hậu Lê chủ trương tuyển cử tập trung vào những đối tượng đủ tiêu chuẩn về tài trí, đức hạnh theo triết lý làm người của Nho giáo. Triều đình tích cực mở rộng giáo dục Nho học, đồng thời dựa vào Nho giáo để đề ra nội dung và cách thức thi tuyển, chọn nhân tài làm việc cho triều đình. Mặt khác, song song với các chủ trương nhằm khuyến khích học tập và bổ nhiệm nho sinh, nho sĩ vào những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, triều đình còn cấp cho những ai đỗ đạt nhiều quyền lợi về vật chất và tinh thần đủ để phục vụ cho việc “nuôi dưỡng cha mẹ và làm rạng danh muôn đời”. Đây là động lực cơ bản thúc đẩy các chàng trai nỗ lực dùi mài kinh sách thánh hiền.

Một người thi đỗ đại khoa được triều đình ban bổng lộc, được lưu danh nơi bia đá, vinh quy về quê với kẻ hầu người khiêng, thôn làng nghênh đón bằng những nghi thức long trọng... Bấy nhiêu sự hào nhoáng ấy đủ để cả gia đình, dòng họ hạnh phúc và hãnh diện. Các bậc cha mẹ kỳ vọng vào con trai:

Trai thời đọc sách ngâm nga Dùi mài kinh sử để chờ đại khoa


Nữa mai nối đặng nghiệp nhà

Trước là mát mặt sau là hiển thân.

[74, tr. 671]

Chữ Hiếu đến đây có một sự khác biệt so với chữ Hiếu vốn dĩ của người dân, nặng về “danh”. Trước đây hành động và mục tiêu của người con đơn giản, bình dị nhưng gần gũi và ấm áp tình thương. Họ bảo rằng: “Khó nghèo xé vạt vá vai/ Làm thuê nuôi mẹ không quản ai chê cười” [74, tr. 1294 ].

Thêm một nét nghĩa nổi bật, phản ánh sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo vào quan niệm đỗ đạt trên con đường khoa cử của người con đang phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ chính là việc người dân cho rằng: đó không chỉ là kết quả nỗ lực, phấn đấu của cá nhân người con ở hiện tại mà nó còn là hậu vận của lối sống, những việc làm Nhân, Nghĩa, Hiếu hạnh mà cha mẹ ông bà tích lại, giờ đây người con thụ hưởng. Người dân bảo rằng:

Khi nên Trời cũng chiều người Có công đèn sách ắt thời làm nên

Bởi lòng cha mẹ thảo hiền

Cho nên ta mới đậu liền khôi khoa...

[75, tr. 1594]

Vì một lẽ, lòng hiếu thảo không chỉ là một quy tắc ứng xử mà còn là ý chí của Trời, đạt đạo Hiếu là thỏa lòng Trời, Trời sẽ ban cho phúc lộc, được hiện thực hóa ở sự thành đạt của thế hệ con cháu. Điều này đã được chúng tôi đi sâu trong phần Thiên mệnh. Việc thành danh trên con đường cử nghiệp của người con không phải là thành quả, là danh dự của riêng anh ấy mà nó còn phản ánh nề nếp, gia phong, đạo đức của cả một dòng tộc. Quan hệ nhân quả đó diễn ra như một quy luật:

Trứng rồng lại nở ra rồng

Hạt thông lại nở cây thông rườm rà Có cha sinh mới ra ta

Làm nên thì bởi mẹ cha vun trồng Khôn ngoan nhờ ấm cha ông


Ba câu sau vạch rò bổn phận phải thực thi, nếu người con gặt hái được thành công:

Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ

Đạo làm con chớ hững hờ Phải đem hiếu kính mà thờ từ liêm.

[75, tr. 2478]

Cách lập luận dù duy tâm, khiên cưỡng nhưng lại tạo được giá trị thiêng liêng, tác động mạnh đến ý thức tri ân, báo hiếu nơi người con, buộc họ phải điều chỉnh hành vi theo hướng khiêm nhường, cung kính cha mẹ.

Quy luật nhân quả này đã tác động rất lớn vào tiêu chí chọn bạn đời của các cô gái. Các cô luôn ước vọng được làm dâu trong gia đình có cha mẹ “thảo hiền”. Họ không hề che dấu ý định: “Kiếm nơi cha thảo mẹ hiền, gửi thân khuya sớm, bọc tiền không ham” [76, tr. 1494]. Làm dâu trong gia đình như thế, họ vừa được đối đãi tử tế, vừa được hưởng phúc ấm. Phúc ấm thực tế nhất chính là nếp nhà trên dưới hiếu hòa làm gương cho thế hệ sau, kết quả tất yếu như quy luật của Thiên mệnh, khi Trời luôn đứng về phía những người hiếu thuận: “Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi” [76, tr. 1345]. Khoan bàn tới yếu tố duy tâm, quy luật nhân quả, chỉ nói đến phương pháp giáo dục treo gương, chúng ta cũng đủ thấy tính khái quát và tính kinh nghiệm trong câu tục ngữ trên. Vì sự tiếp nối gia phong, giữ gìn vị thế của gia tộc mà những người đời trước luôn phải sống đúng với danh phận của mình để làm gương cho người đời sau. Đây cũng là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất mà Nho giáo xuất xướng trong mục tiêu thiết lập chuẩn mực đạo đức thống nhất cho toàn xã hội.

Về phía người con trai, việc lập gia thất của người con trước hết là một bổn phận, trọn đạo làm con. Người con hiểu rò rằng: “Thờ cha, kính mẹ đã đành/ Theo đôi, theo lứa mới thành thất gia” [75, tr. 2188]. Và anh con trai đã đặt thẳng vấn đề với đối tượng của mình: “Anh lấy em về thờ kính mẹ cha/ Đến khi có khách đỡ anh trăm bề” [74, tr. 133]. Như vậy, để trọn đạo hiếu thảo với cha mẹ, bên cạnh những việc chăm sóc, phụng dưỡng hàng ngày, thành danh ở đời, đối với người con trai, anh ấy còn phải lo nghĩ đến việc lập gia đình. Lập gia thất chính là bổn phận duy trì


nòi giống, tiếp nối sự thừa tự và để thỏa ý nguyện của cha mẹ. Các bậc cha mẹ luôn mong mỏi: “Nuôi con những tưởng về sau/ Trao duyên phải lứa, gieo cầu phải nơi” [75, tr. 1804]. Vì mục đích này, chuyện hôn nhân lứa đôi không đơn giản chỉ là một thủ tục tác hợp tình duyên mà còn là đạo lý gắn với tinh thần vì người khác: cha mẹ, gia đình, dòng họ. Ở đây có sự gặp gỡ, hòa hợp giữa hai bổn phận: bổn phận của cha mẹ là sinh, giáo, dưỡng dục, lập thành gia thất cho con và bổn phận làm tròn Đạo hiếu của người con. Cả hai, nếu ý thức đầy đủ về vị trí và trách nhiệm của mình sẽ mang đến một sự hòa mục trong gia đình, tạo nên sự ổn định, bền vững cho xã hội theo quan niệm của Nho giáo. Như vậy, việc trai lớn lấy vợ, gái lớn theo chồng không chỉ là vấn đề tình cảm riêng tư mà còn là việc thực thi trách nhiệm của cá nhân với gia đình và xã hội. Chính vì tính hệ trọng này mà luật pháp và tục lệ phải can thiệp sâu.

Tìm hiểu cổ luật Việt Nam, chúng tôi thấy có một số điều dành đặc quyền cho cha mẹ, bậc tôn trưởng trong việc cưới gả con cháu. Điều 314 Luật Hồng Đức quy định:

Kẻ cưới vợ nhưng không đủ sính lễ để đưa đến nhà cha mẹ đàng gái, (nếu cha mẹ chết cả thì đến nhà người trưởng tộc hay trưởng làng) để xin cưới, còn thành thân cẩu thả thì bị biếm một tư, phải nộp tiền tạ (xin lỗi) xử theo luật sang hèn (nếu cha mẹ chết cả thì nộp cho trưởng tộc hay trưởng làng), người con gái bị đánh 50 roi [130, tr. 173].

Nội dung điều luật đã gián tiếp khẳng định hai hành vi hợp pháp: cưới hỏi phải có đủ lễ nghi, hôn sự phải trình qua bậc trên và phải được sự chấp thuận của họ. Nếu vi phạm, hai bên trai gái đều bị phạt tội. Còn Luật Gia Long, chương “Hôn nhân” khẳng định quyền chủ hôn là do cha mẹ, ông bà hay những người khác trong dòng họ thuộc bậc trên, con cái tuyệt đối không được tự mình làm chủ. Luật quy định: “Cưới gả đều do ông bà cha mẹ làm chủ hôn. Nếu không có ông bà cha mẹ thì do những người thân thuộc khác làm chủ hôn” [128, tr. 319]. Thực tế, những thủ tục lễ nghi xuất phát từ sự tuân thủ luật pháp, lâu dần trở thành phong tục, người dân tuân thủ theo nhận thức là một điều phải làm mà không cần biết lý do. Insun Yu, khi


nghiên cứu về pháp luật triều Lê đã nhận xét: “Quan niệm Nho giáo về mối quan hệ vợ chồng đã được đề cao đến tột bậc về phương diện pháp lý đối với người Việt Nam” [62, tr. 113]. Luật pháp có khả năng định hướng, thống nhất cách hành xử của xã hội và nâng chúng lên thành chuẩn mực. Ở vị trí đó, chúng trở thành các khuôn mẫu bắt buộc cho mọi công dân, vì thế khó có thể tồn tại hiện tượng chỉ những gia đình quan lại, quý tộc tuân thủ theo Đạo lý Nho giáo, tầng lớp bình dân với tư cách là một công dân cũng không thể đứng ngoài quy định của pháp luật. Sự lo lắng của đôi trai gái khi lỡ hành xử vượt Lễ đã phản ánh thực tế xã hội:

Gặp nhau giữa quãng đường này Xóm làng thì ngái, mẹ thầy thì xa

Lấy ai định liệu cho ta?

Mặt lại nhìn mặt, tay đà cầm tay.

[74, tr. 1110]

Nỗi lo lắng của họ không đơn giản chỉ vì vấn đề nan giải mà còn là vì họ đã vượt Lễ, có dấu hiệu “mặc áo qua khỏi đầu”, tự ý trao tình và vi phạm nguyên tắc “nam nữ thọ thọ bất thân”, như thế là bất hiếu. Họ biết chắc rằng Hiếu là nết đứng đầu trong trăm nết, là phẩm hạnh cơ bản mà xã hội nhìn vào bình xét nhân phẩm của họ. Họ đã sai về “luật” và lỗi về Đạo. Đạo làm con không cho phép họ làm trái ý cha mẹ như họ từng nói: “Mẹ cha là biển là Trời/ Nói sao hay vậy, đâu dám cãi lời mẹ cha” [74, tr. 1456], vượt quyền cha mẹ thì càng không thể, đặc biệt trong hôn sự thì sự việc càng nghiêm trọng vì làm tổn hại về danh: cha mẹ họ hàng xấu hổ, xóm làng chê cười... Vì mối quan hệ nhân – quả giữa nhân cách, đạo đức của người con và danh tiếng của gia đình vốn đã trở thành định kiến: “Con khôn đẹp mặt mẹ cha/ Ví là con dại, nhuốc nha trăm đường” [74, tr. 660]. Đây là điều làm người con lo sợ nhất. Vì vậy, chuyện hôn sự nhất nhất họ chờ và nghe theo quyết định của cha mẹ.

Sự thụ động và thuận tùng cha mẹ trong hôn sự, cùng với sự bảo trợ của luật pháp làm nảy sinh một thực tế bất nhân. Một số bậc sinh thành đã vì những cái lợi vật chất mà gả bán, ép duyên con. Thực trạng này khá phổ biến dưới chế độ phong

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022