Sự Khác Biệt Ở Kiểu Con Người Với Hành Trình Kiếm Tìm

thức hết được. Họ đến với nhau bởi sự hòa quyện ấy có khả năng mở ra một thế giới ngầm bên trong con người, dự báo tương lai... Creta có khả năng tách ý thức của mình ra khỏi thân xác thực và khi quan hệ với Toru Okada phần ý thức đó được chuyển qua người anh, làm một cuộc phiêu lưu trong cõi vô thức nhằm tìm lời giải cho những hiện tượng phi lí trong cuộc sống. “Một cảm giác thật kì lạ vượt khoái cảm tình dục đơn thuần. Dường như có một cái gì đó bên trong cô, một cái gì đó đặc biệt bên trong cô đang thông qua cơ quan sinh dục của tôi mà từ từ nhập vào tôi” [99, tr.231]. Đó chính là cách để họ tương thông ý thức với nhau để “biết nhiều hơn, biết sâu hơn” [99, tr.247] và là cách để ý thức của Toru Okada đi qua Creta rồi họ sẽ phân tích nó tìm ra điều bí ẩn còn khuất lấp.

Toru Okada đã hai lần làm tình trong giấc mơ cùng Kano Creta và cảm thức ái ân ấy nối dài đến hiện thực nóng rẫy những khát khao và đau đớn. Hình bóng Kumiko đổ dài trong vô thức của Toru, anh nhập nhằng giữa cô điếm tinh thần Kano và người vợ thân yêu của mình: “Trong giấc ngủ, tôi đang kéo khóa áo cho Kumiko. Tôi thấy tấm lưng trơn nhẵn và trắng ngần của nàng. Nhưng khi kéo áo lên đến đỉnh, tôi nhận ra đó không phải của Kumiko mà là Kano Creta” [99, tr.221]. Bản thân anh cũng không thể nào giải thích nổi “tại sao tôi lại gặp mộng tình chính trong giai đoạn khó khăn này của cuộc đời mình... Tại sao lại là Kano Creta. Tôi chưa lần nào nghĩ đến việc ngủ với cô ta cả. Ý muốn ngủ với cô ta chưa bao giờ nảy ra trong đầu tôi. Thế nhưng ở cô ta có cái gì đó quen lắm” [99, tr.224]. Cái gì đó quen lắm hiện hữu rõ nét trong lần cuối cùng khi Kano đề nghị bán thân cho Toru. Anh cảm nhận sex như là con đường vô hình đưa anh đến gần nơi Kumiko đang bị giam giữ và Kano trở thành cấu nối giữa ý thức hiện hữu trong anh với cõi vô thức đang lơ lửng đâu đó. Còn Kano, cô xem lần bán thân cuối cùng ấy là điểm phân giới để thoát khỏi cái vết nhơ kinh tởm, là giới hạn cuối cùng để cô vứt bỏ lòng thù hận và gột rửa sự ô uế tâm hồn mà Wataya Noboru đã gieo rắc trong cô. Sự gần gũi thân xác với người đàn bà trong “căn phòng mơ” lần đầu tiên xuống giếng đã để lại vết bầm trên khuôn mặt của Toru đánh dấu cuộc hành trình mới của anh trên con đường kiếm tìm bản ngã và chiến đấu với cái ác. Đó không phải là cảm giác khoái lạc bình thường mà là sự chuyển giao năng lực và thông điệp giữa người với người. Vì vậy

tình dục ở đây vừa là sự trốn chạy hóa giải bi kịch vừa là con đường để con người khám phá thế giới và hé lộ phương cách đi vào trung tâm của đời sống.

Con người với bản năng tính dục trong tác phẩm của Murakami còn tìm đến sex bởi sự cô độc, sự mong muốn chinh phục hay được chinh phục, sự khát khao lí giải về những hư ảo khó nắm bắt hết. Hơn thế nữa, họ còn vì ước vọng muốn thoát ra khỏi nổi ám ảnh của bản thể, lấp đầy cái tôi nhiều khoảng trống trong tâm hồn mình. Cậu bé Kafka, dẫu mơ hồ cảm nhận Miss Seaki là người mẹ mình đang tìm kiếm, cậu vẫn vô thức làm tình với bà. Hai cuộc ái ân diễn ra khi Kafka bị hút thỏm vào một đoạn cong vênh của thời gian. Kafka đã ráng sức níu lấy thực tại, cố xác định đâu là hướng của dòng chảy để bám trụ vào trục thời gian. Thế nhưng, Kafka không thể nào định vị được ranh giới phân cách thực với mộng, hoặc thậm chí cái gì là thực, cái gì là khách thể. Cậu chìm đắm trong ham muốn tột cùng của bản năng được yêu, được chiếm giữ tình yêu, tình thương của người mẹ. Đó là sự tổng hòa của khát khao sở hữu và ước mong vượt qua sự cách ly, lìa bỏ ngục tù cô độc của cậu bé mười lăm tuổi. Chính sự dịu dàng, vẻ đẹp thuần khiết và nụ cười đẹp như ánh sáng của Miss Saeki đã khơi dậy ở Kafka “xung năng tính dục” một cách mãnh liệt. Cậu bé yêu bà bằng cả tình yêu của một đứa con trai dành cho mẹ và của một thanh niên mang nỗi sợ hãi loạn luân. Kafka sẵn sàng đánh đổi số phận của mình với chàng trai trong tranh để tận hưởng tình yêu của Miss Saeki, để được “nàng yêu với tất cả tấm lòng; được vuốt ve mọi bộ phận trên cơ thể nàng và để nàng cũng làm như thế với cậu” [96, tr.275].

Về phần Miss Saeki, sự có mặt của Kafka trong thư viện trở thành tác nhân kích thích, khơi dậy mối tình đã chết trong tâm thức của bà, trong khi đó, Kafka lại bị ám ảnh bởi “mặc cảm Oedipe”, từ đó tạo nên sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa hai con người ấy. Họ đến với nhau, thâm nhập vào nhau, xoa dịu cho nhau bằng sự hợp nhất về thể xác để rồi mỗi người tìm thấy chính mình, khám phá ra cái phần thiếu hụt của bản ngã mình trong nỗi cực lạc thống khổ. Mặt khác, sự chung đụng thể xác giữa Miss Saeki với Kafka là sự cứu rỗi và thanh lọc tâm hồn đối với cả Miss Saeki và cậu bé. Người phụ nữ ấy đã có thể thoát khỏi sự ràng buộc của quá khứ, đối mặt và chấp nhận cái chết thanh thản sau khi giao lại

bản thảo hồi kí về cuộc đời mình cho ông già Nataka. Còn Kafka, cậu đã chạm đích lời nguyền, đối diện với bản năng gốc của chính mình.

Với con người bản năng tính dục trong sáng tác của Murakami, người đọc thấy rằng sex được miêu tả hoàn toàn mới lạ thể hiện tài năng sáng tạo vô tận của Murakami. Sử dụng rất nhiều yếu tố sex nhưng sáng tác của ông không hề tùy tiện mà luôn đi kèm những thông điệp mĩ học rất sâu sắc. Murakami đã để sex diễn ra trong tác phẩm của ông một cách rất tự nhiên, giản dị đến không ngờ, nhưng không hề tầm thường dung tục. Đó là chìa khóa để mở ra nhiều lớp nội dung ẩn chìm trong tác phẩm, là phương tiện để ông chuyển tải được bao thông điệp giàu ý nghĩa về tình yêu, tình bạn, về mối tương thông giữa người và người trong xã hội Nhật Bản hậu hiện đại vốn chứa đựng bao điều bất ổn đối với mỗi con người. Vì vậy, có thể xem con người với bản năng tính dục là một phương diện để nhà văn phản ánh hiện thực. Khai thác vấn đề tính dục nhà văn khắc họa tâm lí nhân vật đầy đủ nhất những khát khao, những ẩn ức. Nó giúp ông dấn thân vào địa tầng sâu thẳm nhất của con người kể cả thế giới tâm linh.

Xây dựng con người với bản năng tính dục nguyên thủy, Murakami còn thể hiện một cái nhìn sâu sắc hơn khi ông chú ý đến vấn đề này ở những người đồng tính. Đây cũng là một sự khác biệt mà khi khảo sát chúng tôi chưa thấy xuất hiện ở những sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái. Người tình Sputnik là câu chuyện đồng tính nữ đầu tiên của ông thể hiện cách nhìn nhận mới mẻ về tính dục của con người. Sumire - một cô gái cá tính, phóng túng và lạnh lùng mang giấc mộng trở thành tiểu thuyết gia sẵn sàng bỏ dở việc học đại học để thực hiện ước mơ viết văn của mình. Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, ma mị và bất thường. Cô yêu một người đàn bà đã có gia đình và nhiều gấp đôi tuổi cô. Miu đã đánh thức những ham muốn tình dục sâu xa trong cơ thể cô gái trẻ. Sumire khao khát Miu đến cháy bỏng và điên dại. Cô gần như tê liệt khi Miu chạm vào tóc cô, và cô giật mình nhận ra: “Chắc hẳn mình đã yêu người phụ nữ này rồi. Không nhầm được. Mình yêu rồi” [98, tr.36]. Cô ý thức được có sự bất thường nhưng không đủ sức cưỡng lại: “Cái dòng chảy ấy quá mạnh; mình không có sự lựa chọn nào... Có thể cuối cùng mình sẽ mất hết. Nhưng không quay lại được. Mình chỉ có thể xuôi theo dòng thôi. Ngay cả nếu điều đó có nghĩa là mình sẽ

bị cháy rụi, mãi mãi tiêu tan” [98, tr.36]. Cô khao khát Miu như một người đàn ông thực sự, đau đáu được làm tình cùng Miu, được thả mình trong phút giây thăng hoa cực lạc. Nhưng trớ trêu thay, Miu là đàn bà theo đúng nghĩa đàn bà, nên dẫu có yêu quý Sumire đến mấy đi chăng nữa thì cô cũng không thể thỏa mãn được ham muốn của cô. Bị từ chối, Sumire lựa chọn sự đi về phía bên kia, gặp gỡ và tận hưởng hạnh phúc với Miu của phía bên kia – Miu của hai mươi năm trước, tràn trề nhựa sống và khát khao yêu đương.

Cô bé học sinh của Reiko cũng là một trường hợp bị đồng tính và xem tình dục chỉ như trò chơi không hơn không kém để thỏa mãn nhu cầu sinh lí. Vấn đề sinh lí là cách giải thích để có thể hiểu được vì sao một đứa bé mười ba tuổi đã dựng lên một vở kịch dài để được tiếp cận với cô. Nó giả vờ học đàn, giả vờ dễ thương và chừng mực trong những tuần đầu, sau khi chiếm được tình cảm của Reiko nó giả vờ ốm để được đưa vào phòng trong nằm nghỉ, để được xoa bóp và cuối cùng nó đã giở trò đồi bại. Tất cả mọi hành động của cô bé để nhằm thỏa mãn nhu cầu dục tính đầy bệnh hoạn. Ngòi bút của nhà văn đã đào sâu vào bản năng con người khi miêu tả những pha tình dục như vậy. Bản thân cô bé là một thiên thần nếu ai cũng nhìn vào bề ngoài của nó. Nhưng bên trong tâm hồn nó, tất cả đã bị thối nát mục ruỗng. Cô bé là một nhân cách đáng thương trong giới hạn sinh lí của người bị khiếm khuyết về giới tính. Nhưng hành vi bất thường của cô bé ấy lại gây ra tội ác khi nó đang tâm phá vỡ cuộc sống bình yên của Reiko. Còn với Reiko - một người đàn bà như bao đàn bà khác, cô có một gia đình bình yên hạnh phúc. Đời sống tình dục của cô tưởng chừng bình thường khi không có sự tranh chấp giới tính nào từ bên trong. Vậy mà trong một khoảnh khắc do sự trỗi dậy của bản năng, cô đã không cưỡng lại được sự hãm hiếp của con bé. Cảm giác khoái lạc mà cô chưa bao giờ tìm thấy ở người chồng, trớ trêu thay lại tìm thấy ở một người đồng giới. Thì ra, nằm sâu trong con người vô thức, Reiko cũng là một người đồng tính, có điều bản năng ấy đã bị dồn vào vô thức bằng nhiều lí do xã hội nên chưa có điều kiện bộc phát. Sau đó, vì cảm giác tội lỗi, Reiko đã cự tuyệt con bé.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Với sự khám phá tính dục ở những người đồng tính Murakami cho thấy sự biểu hiện vô cùng phức tạp của con người bản năng. Giải quyết vấn đề bản năng tính dục trong trường hợp này không thể trông cậy bất cứ một đối tượng nào từ bên

ngoài chủ thể. Con người bản năng tính dục ở những người đồng tính trong sáng tác của Murakami phải đứng trước chính bản năng gốc của mình, soi mình trong tấm gương ấy để nhận diện bản thân. Vấn đề dục tính ở đây không chỉ là con người sinh lí đơn thuần mà thông qua những biểu tượng dục tính, Murakami muốn chuyển tải những thông điệp sâu xa về những quan niệm mĩ học của mình về nhân sinh.

Sự khác biệt của yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami - 13

Vì sao Murakami có thể xây dựng hình tượng con người với bản năng tính dục sâu sắc đến như vậy? Ngoài tài năng trác tuyệt của ông còn phải kể đến nền tảng văn học nơi ông được sinh ra. Văn học Nhật Bản từ xưa đã xem dục tính là một lĩnh vực khả thể trong việc khám phá chân tính con người. Họ xem chủ đề sex là một chủ đề bình đẳng như bao chủ đề khác. Bởi vì đó là một trong những hoạt động thiêng liêng nhất của con người. Cho nên yếu tố tính dục trong sáng tác của Murakami là một vấn đề có tính kế thừa. Nhật Bản thời kì Heian có cả một dòng văn học nữ lưu, người phụ nữ được ngưỡng mộ ngay từ thế kỉ thứ VIII. Truyền thống này đã hoài thai nên đỉnh cao văn học Nhật Bản thời cổ, đó là truyện Genji Monnogatari. Tác phẩm này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến truyền thống văn học Nhật với phạm trù thẩm mĩ aware (niềm bi cảm nhân sinh) tôn thờ cái đẹp mong manh chóng phai tàn. Còn nền văn học đô thị Edo đã quy phạm ra một số khái niệm mĩ cảm cơ bản cho văn học Nhật. Đó là khái niệm Ukiyo (phù thể) tôn thờ lối sống tự do phóng túng trong luyến ái sắc dục và tích cực hưởng lạc. Câu chuyện kể về các mối tình của chàng Genji đẹp trai hào hoa thực chất là để nói về hành trình đi tìm bản nguyên, ý nghĩa cuộc sống và nỗi đau đớn khi phải chứng kiến những người con gái đẹp đẽ tựa như bông hoa anh đào sớm nở chóng tàn.

Bước sang thời kì hiện đại, với sự xâm lăng của văn hóa phương Tây và sự hồi sinh mạnh mẽ của nền văn hóa Nhật Bản đã đem lại cái nhìn đầy tiến bộ cho các nhà văn đương đại. Vấn đề tính dục được đề cập đến nhiều hơn trong các sáng tác văn học nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá thể hiện thân phận con người và những ẩn ức trong đời sống tinh thần con người Nhật Bản hiện đại. Đặc biệt với tầng lớp thanh niên Nhật Bản. Tình dục trong đời sống trở thành một phương pháp “cứu rỗi” tâm hồn. Đất nước Nhật Bản trải qua thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai với những mất mát vô cùng to lớn. Bước ra khỏi chiến tranh, với tâm lí của kẻ bại trận, họ lao vào làm giàu bằng mọi giá. Sự giàu sang đã phải trả giá quá đắt khi mọi giá trị

truyền thống bị đánh mất. Giới trẻ Nhật Bản sinh sau chiến tranh bị đẩy vào trạng thái cô đơn, tuyệt vọng giữa một xã hội phồn thịnh vật chất nhưng thiếu vắng lí tưởng. Họ cảm thấy bi quan chán nản, họ hoài nghi cuộc sống. Thêm vào đó, cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây tràn vào Nhật Bản đã kích thích giới trẻ lao vào những cuộc chơi xả láng đẫm màu sắc dục. Tình dục trở thành sợi dây kết nối giũa con người với con người trong cuộc sống vô hướng và đầy cô độc, nó được xem như một liệu pháp, một sự gắng gượng để vượt qua nỗi đau của kiếp phù sinh.

Con người với bản năng tính dục đi vào văn học Nhật Bản hiện đại một cách tự nhiên như một dòng chảy đã được định hình rõ ràng. Nhà văn đoạt giải Nobel văn chương đầu tiên của nước Nhật Kawabata đã thể hiện con người dục tính trong tác phẩm với cảm quan thẩm mĩ truyền thống. Tuy nhiên, yếu tố tính dục trong tác phẩm của Kawabata không hoàn toàn hướng đến bản năng tự nhiên của con người mà còn nhằm vào mục đích ngơi ca vẻ đẹp con người. Bản năng tính dục trong tác phẩm Người đẹp say ngủ của ông được ngợi ca mang vẻ đẹp “sắc dục” bởi nó không đơn thuần phản ánh về sự bất lực trong đời sống tình dục của những con người phải mang gánh nặng tuổi tác mà còn là sự ngợi ca cái đẹp vĩnh cửu của con người. Đó là niềm bi cảm trước sự hữu hạn của cái đẹp trong sự đối sánh với thời gian.

Bước sang thời kì đương đại, khi con người đã chán ngấy với những thiết chế, với những định kiến, khi chủ nghĩa tự do đã được mở rộng biên độ giới hạn, vấn đề dục tính trong văn chương Nhật Bản đã trở thành một mảnh đất quá đỗi quen thuộc tiếp tục được các nhà văn khai phá. Bằng bản lĩnh của một cây bút bậc thầy, Murakami đã thể hiện con người bản năng tính dục một cách chân thực, nhẹ nhàng và thật tinh tế. Dục tính, đối với Murakami và một số nhà văn hiện đại Nhật Bản trở thành vấn đề muôn thuở của sự sống và cái chết, niềm hoan lạc và nỗi khổ đau bất hạnh của con người chứ không phải chỉ dừng lại ở những khoái lạc đơn thuần. Con người dục tính trong sáng tác của Murakami đã khác xa những bậc tiền bối. Chịu ảnh hưởng sâu sắc phân tâm học, con người dục tính trong sáng tác của ông được khắc họa một cách đầy đủ nhất, trọn vẹn, mang lại cho người đọc cái nhìn dân chủ, sòng phẳng và tiến bộ nhất về quan hệ luyến ái của con người. Tình dục, bằng bản năng riêng của nó, có thể giải tỏa những bi kịch của thân phận con người, giải tỏa những khát khao ẩn ức, và tình dục gắn liền với nỗi buồn da diết. Đối với

Murakami, tình dục vượt ra ngoài phạm vi của nó, trở thành một hoạt động tinh thần, nó gắn với quan niệm triết học về con người của ông. Đó là con người với bản năng nguyên thủy, bản năng gốc. Trong các sáng tác của Murakami, tính dục không còn nằm trong phạm trù đạo đức nữa. Murakami giải phóng con người bản năng khỏi những luân lí cứng nhắc và giả tạo được quy định trong những chuẩn mực xã hội. Vì vậy con người với bản năng tính dục trở thành một phương tiện chuyển tải ý nghĩa thẩm mỹ của nhà văn. Đó là nơi người đọc có thể tìm thấy những thông điệp sâu xa về con người, về sự sống và cái chết, về tất cả những gì liên quan đến hành trình tìm kiếm bản ngã của con người trong xã hội hậu hiện đại.

Tiểu kết:


Trong văn học xưa nay đã có những kiểu nhân vật bị ám ảnh về cái đói, cái khát, cái nghèo, không có lí do gì lại không xuất hiện kiểu nhân vật ám ảnh về khả năng tính giao. Nếu xét trên bình diện nhu cầu sinh học của con người thì tất cả những nỗi ám ảnh kia đều “bình đẳng” như nhau trước sự mổ xẻ của nhà văn. Tuy nhiên, yếu tố tính dục trong mỗi tác phẩm đạt hiệu quả thẩm mỹ đến đâu còn tùy thuộc vào “ tạng” và “ tài” của mỗi nhà văn [161].

Hai nhà văn Hồ Anh Thái và Haruki Murakami cùng có sự quan tâm đặc biệt đến khía cạnh tự nhiên, bản năng của con người đặc biệt là bản năng tính dục. Bóng dáng con người bản năng luôn xuất hiện đều đặn và trở thành một trong những yếu tố quan trọng của tác phẩm của họ. Tuy nhiên sự thể hiện con người với bản năng tính dục ở mỗi tác giả lại có những nét khác biệt khá cơ bản tùy thuộc vào tài năng và những kế thừa đáng quý từ văn hóa, văn học dân tộc.

3.3. Sự khác biệt ở kiểu con người với hành trình kiếm tìm

Con người với hành trình kiếm tìm thể hiện một thái độ hoài nghi và tinh thần sẵn sàng “giải thiêng” đối với hiện thực. Hành trình tìm kiếm cũng là hành trình để con người hậu hiện đại nhận thức lại những chân giá trị, đánh giá lại những mọi điều tưởng chừng được thiết lập rất vững chắc trước đó. Kiếm tìm ý nghĩa tồn tại là hành trình vĩnh cửu, là cuộc hành hương muôn thuở của con người trở về với chính mình, tìm hướng phục sinh cho cuộc sống.

3.3.1. Con người với hành trình kiếm tìm giá trị cuộc sống trong sáng tác của Hồ Anh Thái

Trong nhiều sáng tác của mình, Hồ Anh Thái đã thể hiện kiểu con người với hành trình kiếm tìm được xây dựng với những nét độc đáo riêng biệt. Đó là hành trình con người ngược dòng quá khứ tìm kiếm ở chiều sâu lịch sử ánh sáng soi chiếu hiện tại để ý thức rõ hơn về cuộc sống hiện tại của bản thân mình, tìm thấy ý nghĩa đích thực trong cuộc sống hiện tại của mình như nhân vật Tân ở tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra. Xuyên qua màn sương huyền thoại, Tân thực hiện hành trình tìm kiếm của mình để nhận thức lại quá khứ, không chỉ để thấy những con người anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, còn khám phá ra “chất người” và cả những thiếu sót, những gì chưa hoàn thiện. Với Toàn trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng lại là hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Trải qua chiến tranh với nhiều đau thương, mất mát: mất cha, mất mẹ, mất cả sự hồn nhiên trẻ thơ trong tâm hồn, bị ngăn cản trên bước đường học tập, phấn đấu… Những vết thương tinh thần biến anh thành con người cô đơn, sống tách biệt với con người. Hành trình của Toàn cũng là quá trình vượt qua những khó khăn thử thách. Cuối cùng anh cũng tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống đối với mình. Anh nhận ra rằng: “Hạnh phúc là được sống bình thường như mọi người” [143, tr.120]. Nó không phải là cuộc sống vật chất đầy đủ ở phía trời Tây nơi mà nhân vật bà Mai lưu lạc hơn ba mươi năm, hay người bạn của anh đang hướng tới: “Toàn bỗng nhận ra một điều mà giữa cuộc sống đắng cay vất vả thường ngày anh ít khi nhận thấy. Đó là hạnh phúc. Dẫu sao Toàn vẫn hạnh phúc hơn bà Mai gấp nhiều lần” [143, tr.332]. Cũng gần giống với Toàn nhân vật Hòa trong tác phẩm Người đàn bà trên đảo cũng là con người đang trên hành trình đi tìm lẽ sống. Tuy nhiên cuộc tìm kiếm của Hòa có phần phức tạp hơn khi nó diễn ra ngay trong chính con người của anh, trong cuộc chiến âm thầm, dai dẳng mà không kém phần quyết liệt giữa lí trí sáng suốt và phần bản năng, dục vọng thấp kém để đạt được một lối sống hài hòa.

Nhân vật Đông trong Cõi người rung chuông tận thế, Khắc trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, Anguli Mala trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi là nhóm nhân vật có đặc điểm tương đồng: nơi khởi phát cho hành trình kiếm tìm là lãnh địa của cái xấu, cái ác. Đông cùng hành trình trên cỗ xe cái ác, mang nỗi hận thù đi tìm

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/01/2023