Vùng Du Lịch Đồng Bằng Sông Hồng Và Duyên Hải Đông Bắc

Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang dòng sông Công. Hồ được khởi công xây dựng năm 1972 với mục đích cung cấp nước cho hệ thống thủy nông và nước cho sinh hoạt của người dân thành phố Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Diện tích mặt hồ khoảng 2.500 ha, dung tích chứa nước khoảng 175,5 triệu m3. Trên mặt hồ có tới gần 100 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, đàn dê, có đảo dựng đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn…

Khu du lịch hồ Núi Cốc được xây dựng trên một khuôn viên rộng có những cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành mát mẻ, xung quanh hồ là những dãy núi, cây rừng bao phủ và những đồi chè xanh mướt nhấp nhô. Từ năm 2001, tỉnh Thái Nguyên đã lập Quy hoạch chung Khu du lịch Hồ Núi Cốc với diện tích 18.940 ha.Thái Nguyên đang quy hoạch Khu du lịch Tâm linh có qui mô rất lớn, trung tâm là hồ Núi Cốc.

5.2.5.3 Đô thị du lịch: Thị trấn Sa Pa

Sa Pa là điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 336 km về phía Tây Bắc, độ cao 1.500m, nằm trên sườn đông của dãy Hoàng Liên Sơn. Khí hậu Sa Pa mát mẻ quanh năm. Trong các tháng mùa đông có nhiều ngày rét lạnh, cá biệt có năm nhiệt độ xuống rất thấp, có tuyết rơi và nước đóng băng. Vì ở vùng núi cao nên Sa Pa rất sẵn các loại thực vật nhiệt đới và ôn đới, tạo nên phong cảnh tự nhiên khác lạ so với nhiều vùng khác. Điển hình nhất là các rừng thông gai (hay samu, pơmu) và các loại đào, lê, mận táo có năng suất và chất lượng rất cao.

Đây cũng là nơi rất thích hợp với việc ươm trồng các loại rau và hoa ôn đới.Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc, động Thủy Cung, hang Gió, Cổng Trời, rừng Trúc... nhiều công trình đẹp như Cầu Mây, các biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn và Đài vật lý địa cầu.

Sa Pa còn là nơi xuất phát của các vận động viên, các nhà khoa học và những người ưa thích leo núi chinh phục đỉnh cao Fansipan và nay đã có hệ thống cáp treo lên đỉnh núi.

Những ngày phiên chợ ở Sa pa cũng thật nhộn nhịp, vui mắt và có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch từ phương xa tới. Một trong những nơi thu hút khách du lịch quốc tế là thung lũng Mường Hoa, với cánh đồng ruộng bậc thang trải dài, bao quanh những bản làng của các dân tộc người H’mông, người Dao và chiêm ngưỡng những hình vẽ lạ của người xưa trên bãi đá cổ Sa Pa.


BÀI ĐỌC THÊM


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Cao nguyên Đá Đồng Văn (Hà Giang): Là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.

Giá trị địa chất

Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 11

Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua tất cả các giai đoạn phát triển của vỏ trái đất, từ Đại cổ sinh, Đại trung sinh đến Đại tân sinh với 13 hệ tầng địa chất đã được phân chia, hệ tầng cổ nhất có niên đại khoảng 540 triệu năm. Các cổ sinh vật hóa thạch này đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh bức tranh lịch sử phát triển địa chất vùng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và địa chất khu vực đông bắc Việt Nam - nam Trung Quốc nói chung.

Giá trị địa mạo

Cao nguyên Đồng Văn có sự đa dạng địa chất cao cùng với sự thay đổi của khí hậu nên quá trình tiến hóa karst đã tạo ra các “vườn đá”, “rừng đá” rất đa dạng và phong phú như: vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá hình bông hoa, nụ hoa, nhành hoa muôn hình muôn vẻ; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) có các chóp đá, tảng đá, tháp đá hình rồng cuộn, hổ ngồi…; vườn đá Vần Chải (Đồng Văn) có các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông tựa như đàn hải cẩu hàng nghìn con nằm nghỉ trên bãi biển... Tuy nhiên, những dãy núi có dạng kim tự tháp đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau cao ngất trời mới là phổ biến nhất, tạo cho cao nguyên đá Đồng Văn một sự uy nghi hùng vĩ. Hệ thống hang động trên cao nguyên đá Đồng Văn cũng là sản phẩm của quá trình tiến hóa karst và là những điểm tham quan du lịch rất kỳ thú như: hang Rồng, hang Khố Mỷ, động Én…

Giá trị sinh thái

Cao nguyên đá Đồng Văn còn là vùng có hệ địa - sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng. Quần xã rừng nguyên sinh ở đây còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đỏ, dẻ tùng sọc nâu, đỉnh tùng, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ… Đặc biệt, trên những hoang mạc đá ở cao nguyên Đồng Văn có tới trên 40 loài lan, điển hình là lan hài. Cao nguyên Đồng Văn còn là môi trường sống của các loài động vật hoang dã với trên 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, voọc mũi hếch, hoẵng, lợn

rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, hoạ mi… tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động của vùng cao nguyên đá.

Giá trị văn hóa

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, thể hiện ở những lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng; lễ hội Cấp Sắc (lễ trưởng thành) của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào (hội chơi đồi hay hội chơi núi) của dân tộc Mông...Những phiên chợ vùng cao chính là nơi chứa đựng không gian văn hóa đậm nét nhất của đồng bào các dân tộc. Chợ thường họp mỗi tuần một lần vào sáng sớm những ngày cuối tuần, chợ phiên đã trở thành nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Giá trị khảo cổ

Các nhà khảo cổ đã phát hiện trên cao nguyên đá 2 di chỉ thuộc thời đại đồ đá cũ là Cán Tỷ (Quản Bạ) và Phó Bảng (Đồng Văn) cùng 2 di chỉ thời đại đồ đá mới ở Bạch Đích và thị trấn Yên Minh (Yên Minh). Ngoài ra, cặp trống đồng cổ mà đồng bào dân tộc Lô Lô ở Đồng Văn đang cất giữ là di vật tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2000 năm.

Với những giá trị đặc sắc, nổi bật, ngày 3/10/2010, tại Lesvos (Hy Lạp) đã công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu. Như vậy, Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á (sau công viên Langkawi của Malaysia).

Đặc sản: Vào các dịp chợ phiên vào chủ nhật (chợ phiên Đồng Văn; chợ phiên Mèo Vạc…) du khách có thể thưởng thức các món như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, bánh ngô, thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa, thắng cố, thịt hun khói và lạp sườn hun khói, rượu ngô… Du khách có thể mua sắm các sản phẩm lưu niệm truyền thống như: thổ cẩm, vải lanh, các đồ trang sức.


5.3 Vùng du lịch đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc

5.3.1 Khái quát

Vùng du lịch có vị trí địa lí: phía Bắc giáp vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ và Trung Quốc; phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ và phía Nam giáp vùng du lịch Bắc Trung Bộ.

Vùng bao gồm Thủ đô Hà Nội và 10 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, thành phố Hải

Phòng, Quảng Ninh. Vùng có diện tích 21.063,1km2, dân số 19.770 người (2010), mật độ 939 người/km2.

Đây là vùng thể hiện một cách đặc trưng nhất về đất nước và con người Việt Nam. Vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc được bồi đắp bởi phù sa của hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình, hình thành nên một trong hai vựa lúa lớn nhất cả nước. Khu vực này được coi là cái nôi sinh trưởng, phát triển của người Việt.

5.3.2 Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú (biển, núi, hang động, sông, hồ, tài nguyên sinh vật). Địa hình chủ yếu là đồng bằng châu thổ sông Hồng, gắn liền với một phần trung du, đồi núi và phần địa hình ven biển và hải đảo. Cảnh quan thiên nhiên gắn liền với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Bờ biển dài gần 800km với nhiều bãi biển đẹp Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Hải Thịnh.... Trong đó, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới - Kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long.

Về lịch sử, đây là vùng được hình thành sớm nhất nước ta, có lịch sử lâu dài hơn 4000 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm cùng nhiều triều đại phong kiến, ngoại xâm. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã để lại nhiều di tích, di sản có ý nghĩa lớn và các danh nhân văn hoá của dân tộc.

Hệ thống các di tích lịch sử văn hoá đồ sộ mang nhiều giá trị đã minh chứng cho nền văn hoá hưng thịnh - văn minh sông Hồng. Trước hết là các di tích kinh đô qua các triều đại xây dựng tại đây có di tích Cổ Loa, Mê Linh, Hoa Lư và Thăng Long - Hà Nội, hệ thống các di tích đền, đình, chùa, các di tích văn hoá tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc tử Giám, các di tích về lịch sử giữ nước của dân tộc, di tích làng Việt cổ... Những di tích lịch sử còn được bảo tồn nguyên hiện trạng hoặc sưu tầm được qua các triều đại lịch sử nước ta rất có giá trị về mặt khoa học và giáo dục truyền thống, truyền bá kiến thức. Những lễ hội truyền thống như hội Đền Trần, hội Phủ Giầy, hội Đền Đinh, hội Lim, hội Gióng, hội pháo Đồng Kỵ, hội Chùa Hương, hội làng rất phổ biến ở các địa phương,... đậm đà màu sắc dân tộc. Nơi đây là quê hương của những làn điệu chèo, khúc ca quan họ, câu hát văn, câu hò ví dặm, của nghệ thuật tuồng, rối nước, âm nhạc cồng chiêng và các điệu múa cổ truyền của các dân tộc.

Một kho tàng kiến trúc, mỹ thuật độc đáo như chùa Tây Phương, chùa Keo, tháp Cổ Lễ, chùa Bút Tháp, chùa Một Cột đã tạo nên nét văn hoá độc đáo cho vùng.

Trong vùng này tập trung hầu hết những viện bảo tàng lớn và có giá trị nhất Việt Nam như các Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Quân Đội, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.

Về kinh tế - xã hội đây là vùng truyền thống về sản xuất nông nghiệp. Những nông sản nhiệt đới quý giá như gạo tám thơm, nếp cái, các hoa quả thơm ngon nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà cùng các loại thực phẩm thủy sản rất phong phú theo mùa.

Hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng hầu hết nguyên liệu trong nước gồm các mặt hàng truyền thống như mây tre đan, sơn mài, gốm sứ, thêu ren, chạm khắc đạt trình độ thẩm mỹ rất cao có thể thỏa mãn nhu cầu của các loại khách du lịch và xuất khẩu.

Nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, chọi trâu, đi chợ hoa ngày Tết hoặc tham dự các lễ hội, xem rối nước, đấu vật, đánh du, ném còn, đi săn là thú tiêu khiển được nhiều người ưa thích. Ở một số điểm du lịch đã xây dựng được chỗ chơi thể thao, bể bơi, nơi tổ chức vũ hội, biểu diễn nghệ thuật, trình bày trang phục dân tộc và thời trang... thu hút được đông đảo khách du lịch.

Đặc biệt, khu vực này có rất nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, và Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. Ngoài ra, vịnh Hạ Long còn được tạp chí New7Wonders vinh danh là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

5.3.3 Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Vùng du lịch ĐBSH và Duyên Hải Đông Bắc đã có cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch phát triển. Hệ thống đường giao thông tương đối tốt với các trục đường chính từ thủ đô Hà Nội tỏa đi khắp các nơi trong vùng là các quốc lộ 1, 2, 3, 5, 6, 18 từ Hà Nội đi các tỉnh trong vùng và các vùng khác của lãnh thổ. QL 10 là tuyến đường hành lang ven biển. Cụ thể, Quốc lộ l: từ Lạng Sơn qua Hà Nội và chạy xuyên suốt đất nước đến Cà Mau; quốc lộ 2: Hà Nội - Hà Giang, quốc lộ 5: Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 18: Bắc Giang - Quảng Ninh... Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là Quốc lộ 5B) là cao tốc hiện đại, thuộc dự án đường ô - tô cao tốc loại A dài 105,5 km từ Thủ đô Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương tới thành phố cảng Hải Phòng. Trong tương lai, sẽ kết nối đường cao tốc Hạ Long -

Hải Phòng sẽ góp phần hoàn thiện kết nối tam giác kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tuyến đường sắt Thống Nhất song song với QL 1A; tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai. Đường hàng không: sân bay QT Nội Bài, Cát Bi. Đường sông có hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Thái Bình chảy qua hầu hết các tỉnh trong vùng. Một số cảng biển lớn như cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng. Vùng có đường biên giới đường bộ với Trung Quốc dài 133km, với cửa khẩu quốc tế quan trọng Móng Cái.

Tất cả các điểm du lịch, khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế đều có thể đi lại bằng các phương tiện giao thông khác nhau. Một số tuyến du lịch có thể sử dụng các phương tiện liên vận đường sắt đường bộ, đường thủy và đường hàng không khép kín, bảo đảm cho khách du lịch có thể đi bằng một lối và trở về một lối, cùng một chuyến đi mà đến được nhiều nơi. Trong thời gian qua tất cả các loại hình giao thông đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới đảm bảo chất lượng tương đối tốt và giao thông thuận tiện.

Vùng có 2 thành phố trực thuộc trung ương là thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Thành phố của các tỉnh là đô thị loại 1, 2, 3.

Vùng được thừa hưởng hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật của các đô thị lớn để phục vụ du lịch. Ngày nay có hàng nghìn cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu giải trí mới được xây dựng ở các thành phố và các khu du lịch với nhiều khách sạn hiện đại, các khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tập trung nhiều ở Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò,... Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng được Trung tâm hội nghị quốc tế hiện đại, có thể phục vụ cho những hội nghị quốc tế lớn như APEC....

5.3.4. Sản phẩm du lịch và địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu

5.3.4.1. Sản phẩm du lịch đặc trưng

Du lịch văn hóa gắn với nền văn minh sông Hồng; du lịch lễ hội, tâm linh, du lịch biển đảo, MICE, sinh thái nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí.

5.3.4.2. Địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu

- Thủ đô Hà Nội: gắn liền với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa nội thành và các cảnh quan tự nhiên vùng phụ cận.

- Quảng Ninh - Hải Phòng gắn với cảnh quan biển đảo Đông Bắc đặc biệt là Hạ Long - Cát Bà, Vân Đồn, Đồ Sơn.

- Ninh Bình gắn với Tam cốc - Bích Động, Hoa Lư, Tràng An, Vân Long, Cúc Phương, Tam Chúc - Ba Sao.


5.3.5 Điểm du lịch, khu du lịch, đô thị du lịch, trung tâm du lịch

5.3.5.1 Điểm du lịch quốc gia

1. Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395ha, bao gồm: khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn. Cụm di tích này nằm ở quận Ba Đình,năm 2010 Khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

Hoàng thành Thăng Longvới hơn nghìn nămlịch sử. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Sang đến đời nhà Lê sơ, Hoàng thành cũng như Kinh thành được xây đắp, mở rộng thêm ra. Trong thời nhà Mạc và Lê Trung Hưng, Kinh thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần. Đầu năm 1789, vua Quang Trung dời đô về Phú Xuân, Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Thời Nguyễn, những gì còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long lần lượt bị các đời vua chuyển vào Phú Xuân phục vụ cho việc xây dựng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành. Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ và cho xây dựng Thành Hà Nội theo kiểu Vauban của Pháp với quy mô nhỏ hơn nhiều. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Khi chiếm xong toàn Đông Dương, người Pháp chọn Hà Nội là thủ đô của liên bang Đông Dương thuộc Pháp và Thành Hà Nội bị phá đi để lấy đất làm công sở, trại lính cho người Pháp. Từ năm 1954 khu vực Thành Hà Nội trở thành trụ sở của Bộ quốc phòng. Như vậy giá trị đầu tiên của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.

2. Thành phố Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh thuộc vùng đất Vũ Ninh - Kinh Bắc, một trong miền đất cổ của Việt Nam; nơi sản sinh ra nền văn hoá Quan họ đặc sắc. Một trong những nét văn hiến đặc sắc của xứ Kinh Bắc đó là truyền thống khoa bảng nổi danh và có nhiều đình chùa, lễ hội dân gian. Văn miếu Bắc Ninh tại phường Đại Phúc được biết đến là một di tích lịch sử quan trọng, vinh danh 677 vị tiến sĩ từ thời Lý đến hết thời Nguyễn, chiếm 1/3 các vị đại khoa Hán học cả nước. Người dân thành phố vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, các lễ hội giàu truyền thống như hội Đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh), hội thi hát Quan họ làng Viêm Xá (xã Hoà Long), hội Đền Thánh Tổ (Bồ Tát) ở Đại Phúc, hội rước nước làng Thị Cầu (phường Thị Cầu), hội hát Quan họ làng Ó (khu Xuân Ổ), Khả Lễ, Bồ Sơn (phường Võ Cường). Là một thành phố trẻ nhưng giàu truyền thống văn hoá, thành phố Bắc Ninh có điều kiện quy hoạch, xây dựng đô thị bài bản theo hướng hiện đại, phát triển tiềm năng về thương mại dịch vụ, công nghiệp.

3. Chùa Hương

Chùa Hương là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng vào bậc nhất nước ta, cách Hà Nội 60 km về phía Tây Nam. Đây là một khu vực rộng lớn gồm cả núi, rừng, hang động, sông, suối, nằm trên địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.

Chùa Hương là một quần thể của những thắng cảnh và di tích. Đó là các dòng suối Yến và suối Tuyết; con đường chính dẫn khách du lịch đến thăm các di tích là các quả núi có hình dáng đẹp được gọi tên theo hình vật quen thuộc: núi Mâm Xôi - Con Gà, núi Voi, Núi Lân, núi Qui, núi Phượng... ; là các động chùa Tiên, động Hương Tích, động Hinh Bồng, động Ngọc Long (Tuyết Sơn); là các chùa Ngoài (chùa Chò), chùa Trong (chùa Hương), chùa Hinh Bồng, chùa Long Vân, chùa Báo Đài... ; là 5 pho tượng bằng đá trắng ở chùa Tiên, tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo có từ thời Tây Sơn, hay tượng Cửu Long bằng đồng được đúc cách đây hơn 200 năm. Trọng điểm của thắng cảnh chùa Hương là động Hương Tích với chùa Hương. Nơi đây còn ghi lại bút tích Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khắc vào vách đá 5 chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Cũng ở khu vực chùa Hương đã tìm thấy dấu vết của người nguyên thuỷ, những hiện vật khảo cổ học rất có giá trị của thời kỳ văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn.

Ngoài các cảnh đẹp và di tích, chùa Hương còn có nhiều đặc sản như các vị thuốc hoa kim ngân, củ khúc khác, củ sâm bay, cây ổ rồng chữa bệnh rất hiệu nghiệm hoặc các đặc sản nổi tiếng như mơ, rau sắng, củ mài.

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 22/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí