Đây Là Loại Hình Nhân Cách Văn Hoá Hy Hữu Trong Lịch Sử, Họ Là Những Công Thần Số Một Của Triều Đại Mới, Cùng Với Anh Hùng Sáng Nghiệp Kết

Khát vọng nhức nhối nhất, chi phối toàn bộ suy tư và hành động của họ là khát vọng lập lại trạng thái thái bình cho thiên hạ. Hai đặc điểm nổi trội nhất quán xuyến toàn bộ cách làm và ứng xử của nhóm này là: một, họ luôn luôn tìm kiếm một minh chúa phò tá, qua vị minh chúa này hiện thực hoá khát vọng của mình, họ không đứng ra quy tụ với tư cách là minh chúa tương lai. Hai, trước sau họ đều trung thành với một minh chúa mà mình đã chọn lựa. Đặc điểm này vừa là đặc trưng của mẫu người này so với nhóm nhân vật khác trong thời loạn, đồng thời còn là cơ sở để suy nguyên về cội nguồn văn hoá cũng như nguyên mẫu của nhóm nhân vật này.

Trong văn hoá Trung Hoa cổ đại, hai hệ tư tưởng chính trị xã hội và triết học Nho gia và Lão Trang chi phối sâu sắc bậc nhất đến toàn bộ văn nhân sĩ đại phu. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên chép lại một câu chuyện kể về phương thức ứng xử của Khổng Tử và Lão Tử. “Truyện Lão Tử” trong Sử ký, Tư Mã Thiên chép: “Lão Tử người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở, họ Lý, tên Nhĩ, tên tự là Bá Dương, tên thụy là Đam. Ông làm quan sử giữ nhà chứa sách của nhà Chu. Khổng Tử đến Chu, muốn hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử nói: Những người ông nói đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ thôi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghêng ngang; không gặp thời thì như cỏ bồng xoay chuyển. Tôi nghe nói: “người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta dường thấy như không có hàng, người quân tử có đức tốt thì diện mạo dường như ngu si”. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hăm hở cùng cái chí tham lam đi. Những cái ấy đều không có ích gì cho ông. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi.” Lão Tử trau dồi đạo đức, học thuyết ông cốt ở chỗ giấu mình, kín tiếng. Ông ở nhà Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi” [156, tr. 329 - 331].

Câu chuyện của hai nhà tư tưởng hàng đầu Trung Hoa này trở thành mô thức ứng xử kinh điển chi phối rất lớn đến văn nhân sĩ đại phu. Đồng thời nó cũng là định hướng ứng xử gốc của hai hệ phái này. Với Nho gia, trước sau đều phải tìm kiếm một vị quân vương để thực thi đạo của mình. Với Lão Trang, thời bình ta xuất, thời loạn ta ẩn.

Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn là, Lão Trang và mẫu hình nhân vật thuộc trường phái Lão Trang không phải là nguyên mẫu của nhóm này.

Căn cứ vào đặc điểm và đặc trưng loại hình của nhóm, những vấn đề cốt lòi đều có trong học thuyết Nho gia. Như vậy, có thể nguyên mẫu của nhóm này được hình thành từ cội nguồn văn hoá nhà Nho.

Từ Khổng qua Mạnh đến những bậc đại nho sau này như anh em họ Trình, Vương Dương Minh… trong nội dung học thuyết có thể có những cách thức giải thích khác nhau, nhưng luận điểm lòi trở thành phương châm hành động của nhà nho là tìm kiếm và phò tá một ông vua để qua đó thực thi đạo của thánh hiền. Vấn đề mấu chốt là nhà nho luôn luôn tìm kiếm một điểm tựa để thi triển học thuyết của mình một cách không mệt mỏi như đức Khổng Tử, ông tổ của học thuyết đã từng làm. Khương Tử Nha đến khi đầu bạc vẫn ngồi câu cá đợi minh chúa đến rước đi dùng. Khổng Minh ở sâu trong Ngoạ Long cương đợi Lưu Bị ba lần đến lều cỏ. Trương Lương sau cùng cũng lựa chọn một minh chủ… Nguyễn Trãi nghiền ngẫm binh thư và tìm kiếm minh chủ. Đào Duy Từ vào Nam ra mắt chúa Nguyễn… Như vậy, khát vọng tìm kiếm minh chủ để qua đó thi triển tài năng của mình giúp đời có thể hoàn nguyên nó về cội nguồn văn hoá nhà nho.

Mặt khác, nho gia dạy môn đồ của mình, có thể thủ mệnh nhưng không phản trắc. Có thể can gián nhưng không phản nghịch. Điều này đã được nhà nho thuộc nằm lòng. Tất cả nhà nho trong thời bình đều quán triệt và thực thi triệt để tư tưởng này. Nếu không hài lòng với vua chúa, họ có thể từ quan về ở ẩn (Chu Văn An), hoặc cao nhất, họ có thể tự vẫn để phản đối (Khuất Nguyên) chứ không tồn tại trong họ khái niệm làm phản. Trong nhóm anh hùng thời loạn, một lần nữa có thể thấy sự chi phối của tư tưởng này đối với họ. Phạm Lãi biết có nguy cơ bị bức tử nhưng ông không tìm phương thức hành xử là phản nghịch mà bỏ đi. Khổng Minh biết Lưu Bị không thành đại nghiệp nhưng với lòng trung dành cho họ Lưu, không bỏ đi. Khi Lưu Bị chết, tiếp tục phò tá A Đẩu. Chi tiết điển hình bậc nhất là khi Lưu Bị dặn dò Khổng Minh: Ấu chúa còn nhỏ, không quyết được việc quân cơ, quân sư cứ tự mình lo liệu. Khổng Minh đáp, thần không

dám, sẽ dốc sức vì đại nghiệp họ Lưu. Chi tiết này điển hình cho phương thức hành xử tuyệt đối trung thành với vua chúa theo quan điểm nhà nho. Trương Lương tuy thành danh với Hán nhưng qua Hán báo ân Hàn. Tuy là người của Hàn nhưng trung với Hán. Khi Hán có nguy cơ lung lay, Trương Lương một lần nữa thể hiện lòng trung của mình.

Như vậy, mạch tư tưởng chi phối sâu sắc và nhất quán mẫu người này là tìm kiếm minh chủ và trung thành với minh chúa đã thờ. Tư tưởng này có cội nguồn văn hoá từ văn hoá nho gia. Do vậy, có thể kết luận rằng, nguyên mẫu của nhóm người này có cội nguồn văn hoá từ nhà nho.

Việc hoàn nguyên cội nguồn văn hoá của mẫu hình nhân vật sẽ là cơ sở quan trọng bậc nhất giúp chúng ta có thể đọc được ở tầng sâu nhất mọi ứng xử và căn nguyên khát vọng của mẫu người này. Nhìn từ cấu trúc, giữa Nho gia và các tri thức của hệ phái khác đóng những chức năng khác nhau trong mẫu người này. Hệ giá trị nho gia, cấu trúc gồm tìm minh chúa phò tá và trung thành là trụ cột bất di bất dịch, đóng vai trò đường hướng lớn xuyên suốt trong những ứng xử và khát vọng của nhóm này. Những hệ giá trị khác như Pháp gia, Lão Trang, Thuyết khách gia, Mặc gia, Phong thuỷ âm dương… là những tri thức đóng chức năng giúp hiện thực định hướng giá trị lòi từ hệ giá trị Nho gia. Hay nói cách khác, hệ giá trị khác vẫn quay quanh trục hệ giá trị Nho gia.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Mặt khác, việc hoàn nguyên cội nguồn văn hoá nhân vật đế sư là cơ sở cốt lòi nhận diện những nhân vật đồng dạng ở các quốc gia ngoài Trung Quốc. Như vậy, về lý thuyết, những quốc gia ảnh hưởng sâu của văn hoá Trung Hoa về cấu trúc xã hội và hệ tư tưởng Nho gia sẽ là quốc gia xuất hiện nhiều nhân vật đồng dạng gần với mẫu gốc nhất của nó. Và ngược lại, những quốc gia tuy có ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nhưng cấu trúc xã hội có nhiều dị biệt với Trung Hoa hoặc có những đặc thù của quốc gia sẽ có những dị thù theo hướng xa hơn với mẫu gốc phát xuất từ Trung Hoa. Nhưng bất kể là có những khác biệt như vậy, những nhóm người này ở các quốc gia khác nhau vẫn sẽ tồn tại một nét chung khẳng định tư cách đế sư của nhóm.

1.3.3. Đặc điểm nhân vật đế sư

Trương Lương - Hình mẫu của tiểu loại nhân vật đế sư trong trước tác các tác giả nhà nho Khảo sát nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam - 7

1.3.3.1. Đây là loại hình nhân cách văn hoá hy hữu trong lịch sử, họ là những công thần số một của triều đại mới, cùng với anh hùng sáng nghiệp kết thành “cặp đôi” nổi tiếng trong lịch sử

Mẫu người này xuất hiện cùng với sự ra đời của triều đại mới. Nên theo logic, mỗi khi có một triều đại mới kiến lập sẽ kiến tạo ra một đế sư. Tuy nhiên, thực tế trong lịch sử, không phải triều đại mới kiến lập nào cũng tạo ra đế sư. Sự tương ứng một triều đại với một đế sư vốn đã hy hữu, nhưng không phải triều đại nào cũng tạo ra được một đế sư thì loại hình này càng hy hữu hơn.

Và đương nhiên, vươn lên trở thành đế sư, đóng vai trò kiến tạo triều đại mới trong lịch sử, họ trở thành công thần số một của triều đại, trở thành nhân vật ở đẳng cấp cao nhất trong số những công thần của triều đại. Với tư cách đế sư, trở thành bậc thầy của vua chúa cả về trí tuệ và công lao. Với vai trò và tầm vóc trí tuệ như vậy, sẽ ít người có thể vươn tới và sự hy hữu của nó có căn nguyên từ chính lý do này.

Tiến trình kiến tạo triều đại mới của đế sư thường gắn với minh chúa là hoàng đế khai triều. Trong khát vọng của bất kỳ hoàng đế nào, đế sư như những bảo vật sống, đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp “tranh bá đồ vương” của họ. Sẽ không ngẫu nhiên, Lưu Bị ba lần trong giá rét đến lều cỏ tìm Khổng Minh. Điều này có nghĩa, đế sư là một thành tố cốt yếu bổ khuyết cho thành tố sẽ đóng vai trò hoàng đế tương lai. Hai thành tố này trở thành cặp đôi tương tác trong những thời đại loạn lạc, trở thành quy luật lịch sử, được định danh là cấu trúc quyền lực cặp đôi1. Trong suốt tiến trình lịch sử, mỗi đế sư thường gắn với

một minh chúa nổi tiếng, sự tương tác của họ đi sâu vào tâm thức lịch sử theo nghĩa, nhắc đến người này sẽ liên tưởng đến người kia và ngược lại. Nhắc đến Hán Cao Tổ hẳn sẽ liên tưởng đến Trương Lương, nhắc đến Lưu Bị không thể không nhắc đến Khổng Minh, nhắc đến Lê Lợi không thể không nhớ về Nguyễn Trãi... và ngược lại.


1 Xem thêm Trịnh Văn Định, “Vạn Hạnh – Lý Công Uẩn nhìn từ cấu trúc quyền lực cặp đôi”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1, 2011, tr. 15 - 21.

1.3.3.2. Nhân vật đế sư trong so sánh với nhân vật khác

Như trên đã chỉ ra và chứng minh, cội nguồn nhân cách văn hóa đế sư là văn hóa nho gia. Điều này có nghĩa, nếu hoàn nguyên, đế sư nguyên gốc là những nhà nho. Tuy nhiên, điểm khác căn bản so với nhà nho là ở chỗ, mẫu người này biến sinh và phát triển trong thời loạn. Cung đường vận động của hai nhóm này là khác nhau, định hướng tìm kiếm giá trị thể hiện bản ngã là khác nhau căn bản.

Như trên đã chỉ ra, cùng gốc nguồn nho gia, do vậy hai mẫu hình nhà nho này đều chia sẻ giá trị Nho, trong đó có thể thấy, việc tôn thờ một minh chủ và trung thành với một minh chủ là giá trị lòi của cả hai mẫu người này.

Tuy nhiên do hình thành và phát triển trong những bối cảnh khác nhau nên con đường và cách thức vươn lên thể hiện bản ngã và cơ hội thể hiện bản ngã cũng không giống nhau. Những nhà nho trong thời bình đến với ngôi đế vị khi đã có một ngôi đế vị chính thống tồn tại, nhiệm vụ của họ là tiệm cận ngai vàng thông qua con đường thi cử. Mẫu hình tiêu biểu nhất của nhóm này là thi đỗ và làm quan, phục vụ nền chuyên chế và tu dưỡng đạo đức thánh hiền nghiêm cẩn. Bản ngã mà họ thể hiện trong chính quá trình thi cử, làm quan và thực thi đạo đức thánh hiền. Chính phương thức thể hiện bản ngã này đã tạo ra mẫu hình hiền nhân quân tử, vua sáng tôi hiền. Phương diện đức nhân nổi bật ở nhóm nhà nho này.

Ngược lại, sinh ra trong thời loạn, thời mà cái chính thống về cơ bản còn chưa xác lập, cần phải xác lập trở lại cái chính thống, các nhà nho anh hùng thời loạn phải tự mình suy tính, hành động, tìm kiếm minh chủ phò tá, cùng nhau tạo lập thời đại thái bình, qua đó lưu danh sử sách. Nếu thành công, họ trở thành người có vai trò vĩ đại trong kiến lập triều đại mới. Nếu như nhà nho thánh hiền trong thời bình thể hiện đặc sắc cá nhân mình bằng cách tu dưỡng theo chuẩn mực thánh hiền thì nhà nho đóng vai anh hùng thời loạn, huy động trí tuệ quyền mưu của hệ phái mình và nhiều hệ phái khác như Pháp, Binh, Lão, Mặc, Âm Dương, Tung hoành, phong thủy, địa lý… để phò tá minh chúa lập lại thái bình, khai mở triều đại. Vì vậy, nổi bật ở người thánh hiền là nét nhân nghĩa, nổi bật ở người anh hùng đế sư là trí mưu.

Nếu như hình dung toàn bộ hệ giá trị Nho gia là bảo vệ cho ngôi đế vị thì những nhà nho trong thời bình nỗ lực để củng cố ngôi vị đó. Còn nhà nho anh hùng thời loạn nỗ lực xác lập nên ngôi vị này. Xét về mục đích đều giống nhau. Họ đều lưu danh trong lịch sử thông qua hai phương thức khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Lưu lại đặc sắc cá nhân mình trong lịch sử theo hướng của các nhà nho thời bình là thực thi và tu dưỡng tốt theo định hướng Nho gia. Tức cần nhiều hơn sự thực hành tu luyện. Lưu lại đặc sắc theo hướng của anh hùng thời loạn cần nhiều hơn nét trí mưu. Trí tuệ và tài năng của họ chủ yếu huy động để thực thi cho mục đích này. Nét trí của người thời loạn là sự tổng hợp tri thức và quyền mưu của nhiều học phái khác nhau: Pháp - Thuật - Thế của Pháp gia, những tri thức thiên văn địa lý, những tri thức binh pháp, thuật du thuyết hùng biện, và cả những mưu thuật tồn tại của Trang học... Vì vậy, tổng hợp trong nét trí của người thời loạn tạo ra những khác biệt căn bản với người thời bình. Gốc nguồn của họ là Nho gia, định hướng chi phối hành trạng của họ là hệ giá trị Nho gia nhưng để thực hiện những giá trị này, họ phải thâu nạp vào mình và hiện thực hóa trong thực tiễn những tri thức này. Do vậy, phong cách của họ nổi bật với tư cách là một đế sư mưu lược gia hơn người hiền mẫu mực nghiêm cẩn phục tùng. Hay nói như giáo sư Trần Đình Hượu: “Trong lịch sử trước đây, vào những tình thế gay go, họ phải tiếp thu thêm hoặc là cái phóng khoáng của Đạo gia, hoặc là cái nghĩa hiệp của Mặc gia hoặc là cái cơ trí của

Pháp gia – đều là những yếu tố trái ngược với Nho gia – mới có thể thành người hành động, làm được những công việc táo bạo”1.

Mặt khác, trong thời bình, ngôi đế vị đã được kiến lập, vì vậy sự tác động của nhà nho trong thời bình chủ yếu dừng lại ở mức độ “tư vấn” và can ngăn. Ngược lại, khi chưa xác lập được ngôi vị chính thống, đồng thời ngôi vị chính thống còn ở dạng tiềm năng, mặt khác những minh chủ này xét về trí tuệ đều khiêm tốn so với đế sư, vì vậy, họ luôn cần tìm kiếm một quân sư kiểu Chu Văn Vương tìm Khương Tử Nha, Lưu Bị cầu Khổng Minh... nên trong thời loạn, những đế sư lớn như Phạm Lãi hoặc Gia Cát Lượng, về cơ bản chi phối ngược lại gần như tuyệt đối với minh chủ tương lai và có tiếng nói quyết định trong nội bộ và sự thành bại của


1 Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam (1900 - 1945), Nxb Giáo dục, 2001, tr. 99.

liên minh này phụ thuộc phần lớn vào đế sư. Với tư cách này, họ chứ không phải là minh chủ mà họ phò tá nổi bật nhất trên sâu khấu chính trị thời đại loạn lạc. Với những nhà nho, đây là thời điểm họ vươn lên cao nhất và có tiếng nói quyền uy bậc nhất. Bản ngã, cá tính cùng tài năng của họ được thể hiện nổi bật nhất trong thời đoạn này. Thời bình, với sự tồn tại tuyệt đối của ngôi đế vị, không có cơ hội tuyệt đối cho tiếng nói của họ. Thời loạn là thời điểm hiếm hoi những nhà nho có cơ hội vượt lên trên đỉnh, chi phối ngược trở lại đối với ngôi vị tuyệt đối, ngôi đế vị. Đó cũng là thời điểm mà họ có cơ hội đi vào lịch sử với tư cách không phải bảo vệ ngôi vị chuyên chế mà với tư cách kiến tạo đế chế mới. Thoát ra khỏi những chi phối thường ngày, ở đỉnh điểm của quyền lực, thời điểm này thể hiện đầy đủ nhất tài năng và trí tuệ của họ. Đây chính là thời điểm, họ lưu lại trong lịch sử huy hoàng

nhất giá trị cá nhân họ chứ không phải nhân cách hoàng đế. Những minh chủ trong tay họ như những quân cờ để họ thể hiện tài thao lược của mình1. Nếu như những nhà nho trong thời bình bị kẹt bởi những hệ giá trị nho gia định sẵn mà họ phải theo vào khuôn khổ đó, những nhà nho thời loạn cũng vẫn chưa thoát ra khỏi một định hướng phò tá một minh chủ nhưng rò ràng ở họ, chúng ta có thể tìm kiếm được tài năng của họ thể hiện trong thời loạn, thời của tiến trình đưa một ứng viên hoàng đế

lên ngôi. Ít nhất, đây là những thời điểm hiếm hoi cho chúng ta thưởng thức đầy đủ tài trí của họ, ở đó tuy vẫn nằm trong sự kết hợp của những tri thức lớn đã biết như Pháp gia, Lão Trang, Binh gia, Âm dương... nhưng ở những thời điểm khác nhau, với những tình huống khác nhau và với những con người cụ thể, họ huy động những trí tuệ và ứng dụng theo những cách khác nhau để mang đến thành công. Tài năng và trí tuệ của họ được hình thành và để lại trong lịch sử theo cách như vậy.

Từ xuất phát điểm với tư cách một nhà nho, tìm kiếm và tôn thờ một minh chúa là định hướng giá trị xuyên suốt trong mỗi đế sư. Tuy nhiên, trong thực tế lịch sử, đặc biệt ở những đế sư tài ba có khả năng xoay chuyển thời đại và là nơi tụ hội của quyền uy dần xuất hiện những dấu hiệu của những ứng xử nhiều khi phá


1 Vì mang cảm hứng này nên trong bài Trương Lưu Hầu phú, Nguyễn Hữu Chỉnh viết về Trương Lương: Đạo ấy sá bàn chân với ngụy, Đấng cao minh chi vướng sự hữu vô; Lòng này ai biết Hán hay Hàn, phải biện bạch kẻo thẹn cùng phủ ngưỡng. Hoặc trong bài Trương Lương từ Hán Vương quy Hàn, Phan Bội Châu mượn lời Trương Lương xem Lưu Bang như quân cờ trong tay mình: Đi một bước tình sâu như bể, Chàng Lưu Bang chưa hẳn biết ta, Ngẫm tương lai việc lớn tày trời, Khách Ba Thục ngăn sao được tớ.

vỡ định hướng có cội nguồn từ văn hoá nhà nho. Thông thường là đến những giai đoạn đại cục đã thành công, xuất hiện nhiều mâu thuẫn và xung đột dần phá vỡ định hướng ban đầu được quy định từ giá trị Nho gia. Nhiều anh hùng sáng nghiệp khi lên ngôi, luôn sợ những thế lực lớn có khả năng uy hiếp ngôi đế vị, ngoài những thế lực đối lập còn sót lại, những công thần hàng đầu, đặc biệt là những đế sư luôn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa ngôi đế vị. Tại thời điểm này trong lịch sử đã tạo ra nhiều cung cách ứng xử khác nhau, và cũng từ đó tạo ra nhiều dấu ấn trái ngược nhau trong lịch sử. Tại thời điểm này, thông thường nhất trong lịch sử nảy sinh hai định hướng, một là tiếp tục trung thành với minh chủ và dòng họ mà ở đó mình thành danh nhưng ý thức rất rò nguy cơ tiềm ẩn. Hai là, để bảo toàn thân mạng, bỏ minh chúa ra đi. Chính tại thời điểm này có nhiều khả năng nhất xuất hiện những suy tư đi ra khỏi sự chi phối của hệ giá trị Nho gia. Tuy nhiên trong thực tế lịch sử, đặc biệt hiếm hoi những đế sư có khả năng vượt qua được sự chi phối này. Về bản chất, đây là sự lựa chọn vi quân hay vi thân, vì lý tưởng hay vì bản ngã?

1.3.3.3 Đặc điểm nhân vật đế sư nhìn từ định hướng giá trị tìm kiếm thể hiện bản ngã (so sánh với nhân cách hoàng đế)

Với tư cách là nhân vật hình thành và kết tinh trong lịch sử, nhân vật đế sư hẳn là đại diện, hay nói cách khác là biểu trưng cho một khuynh hướng tinh thần, định hướng giá trị của kẻ sĩ trong lịch sử Trung Hoa và Việt Nam. Do vậy, với tư cách là một loại hình nhân cách đặc biệt, hẳn khuynh hướng tinh thần và định hướng giá trị mà loại hình nhân cách này đã vươn tới và kết tinh trong lịch sử là hết sức đáng lưu ý.

Sở dĩ tìm hiểu định hướng giá trị của mẫu hình nhân cách đế sư đặt trong sự tương tác, so sánh với mẫu hình nhân cách hoàng đế là bởi những lý do sau: Trước hết, đây là hai mẫu hình vận động song song, tương tác và định hướng song song trong cùng thời điểm lịch sử, có thể hình dung là những cặp đôi quyền lực trong lịch sử ở thời loạn. Mặt khác, mẫu hình nhân cách hoàng đế là mẫu hình nhân cách đặc biệt, chi phối đến tiến trình hình thành nhân cách tất cả các loại hình nhân cách khác trong lịch sử, trong đó có mẫu hình nhân cách đế sư. Do vậy, chỉ ra và tìm hiểu định

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022