Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình - 2


LỜI MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài luận văn:

Thực hiện chức năng trung gian tài chính, Ngân hàng đã thể hiện vai trò là mắt xích quan trọng cấu thành nên sự vận động nhịp nhàng của nền kinh tế. Với việc thu hút vốn dư thừa để chuyển sang những nơi có nhu cầu, ngân hàng giúp cho sự bình ổn thị trường tiền tệ, kiềm chế và đẩy lui lạm phát, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển thị trường vốn, thị trường ngoại hối, tham gia thanh toán, hỗ trợ thanh toán…

Tín dụng là một trong những nghiệp vụ chủ yếu và quan trọng nhất trong hoạt động ngân hàng. Nó mang đến nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng thậm chí là lợi nhuận chủ yếu đối với một số ngân hàng nhỏ. Mặc dù với xu hướng hiện đại hóa Ngân hàng, cùng với việc giảm tỷ lệ lợi nhuận từ thu nhập tín dụng tăng tỷ lệ lợi nhuận từ thu dịch vụ nhưng hoạt động tín dụng vẫn nắm phần cốt lõi đối với các ngân hàng hiện nay.

Như ta đã biết, hoạt động tín dụng gắn liền với rủi ro tín dụng ngay cả đối với các khoản tín dụng có tài sản thế chấp. Hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới cũng đã phát triển những luật lệ, những biện pháp, những cách thức, công cụ … nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro mà hoạt động tín dụng mang đến.

Xác định tầm quan trọng cũng như là những khó khăn trong việc quản trị, hạn chế rủi ro tín dụng thì các ngân hàng ở Việt Nam đang phải dần dần từng bước hoàn thiện các công cụ cảnh báo, ngăn ngừa, ngăn chặn cũng như là xử lý các khoản nợ xấu của mình. Xuất phát từ tính cấp thiết của đề tài và kinh nghiệm thực tế làm việc tại lĩnh vực ngân hàng trong nhiều năm nên tôi đã chọn “Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình” là đề tài cho luận văn thạc sỹ của mình.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn

Quản trị rủi ro tín dụng là một vấn đề muôn thủa của các ngân hàng thương mại (NHTM) và luôn là đề tài được quan tâm bởi tính thời sự cũng như cấp bách của các ngân hàng, đặc biệt nó càng được quan tâm hơn nữa trong thời gian gần đây khi mà khủng hoảng hệ thống tài chính tiền tệ trên thế giới và ở Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Do đó, đã có nhiều công trình nghiên cứu như sau:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

- Đề tài: “Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam- Chi nhánh nam Thừa Thiên Huế” - của tác giả Hoàng Ngọc Mạnh - Học viện Hành chính quốc gia năm 2012 [4]. Trong nội dung trình bày thì tác giả đã đề cập khá đầy đủ cơ sở lý luận về quản trị rủi ro tại ngân hàng thương mại cũng là căn cứ để tác giả phân tích các thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản trị rủi to tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh nam Thừa Thiên Huế. Phần giải pháp, kiến nghị của tác giả cũng đã nêu lên được các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng. Phạm vi trình bày của tác giả gói gọn trong chi nhánh Thừa Thiên Huế, một số giải pháp do hạn chế về phạm vi khiến chưa mang tính khả thi và đồng bộ với quy trình và nghiệp vụ cũng như chiến lược phát triển của ngân hàng.

- Đề tài: “Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương – Chi nhánh Thăng Long” - của tác giả Nguyễn Quốc Việt - Học viện ngân hàng năm 2013 [21]. Trong nội dung trình bày thì tác giả đã hệ thống hóa một cách khoa học về hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại. Đánh giá thực trạng tín dụng và đưa ra nhưng nguyên nhân chủ quan và khách quan của rủi ro trong hoạt động tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương – Chi nhánh Thăng Long. Từ đó nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương – Chi nhánh Thăng Long.

Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình - 2

- Đề tài: “Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị” - của tác giả Phạm Phú Phúc - Học viện Ngân hàng năm 2012 [22]. Trong nội dung thì tác giả đã trình bày rất cụ thể nội dung nghiên cứu khoa học về quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại. Tác giả nêu lên được tình hình hoạt động quản trị rủi ro tín dụng hiện tại của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị như giám sát phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro,... những hạn chế và nguyên nhân để từ đó đưa ra những giải pháp mang tính thời sự, cấp thiết và những giải pháp mang tính lâu dài. Ngoài ra, tác giả cũng đã đề xuất một số kiến nghị thiết thực đối với Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực quản trị rủi ro tín dụng.


- Đề tài: “ Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – Chi nhánh Huế” năm 2012 của tác giả Lê Thị Ngọc Châu - Học viện Hành chính quốc gia [6]. Trong nội dung trình bày thì tác giả đã phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng và công tác quản trị rủi ro tín dụng tại chi nhánh, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – Chi nhánh Huế.

- Đề tài: “Quản trị rủi ro tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế” năm 2013 của tác giả Đinh Khắc Nhật Tảo - Học viện hành chính quốc gia [3]. Đề tài với định hướng chính là phân tích rủi ro tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế. Đề tài đã đưa ra được những giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tín dụng cho chi nhánh, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của chi nhánh phát triển theo hướng ổn định, an toàn. Đề tài đã hoàn thành được những nội dung sau: Hệ thống hóa, làm rõ cơ sở lý luận về khái niệm phân tích tín dụng, các khía cạnh của rủi ro tín dụng như khái niệm, cách phân loại, nguyên nhân, hậu quả, mục tiêu của việc phân tích rủi ro tín dụng, các yếu tố ảnh hưởng tới rủi ro tín dụng cùng việc xây dựng, lựa chọn các thước đo để đánh giá rủi ro tín dụng. Qua phân tích thấy được thực trạng rủi ro tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế.

- Đề tài: “Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng BIDV – Nam Định” năm 2014 của tác giả Vũ Thị Thanh Bình - Học viện hành chính quốc gia [28]. Đề tại đã làm rõ và góp phần hoàn thiện lý luận về quản lý rủi ro tín dụng. Phân tích thực trạng hoạt động tín dụng, nguyên nhân dẫn đến rủi ro và các phương pháp quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Định. Trên cơ sở lý luận và phân tích thực trạng rủi ro tín dụng, từ đó đưa ra một số giải pháp trọng yếu nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản trị, đồng thời cũng kiến nghị đến ngân hàng nhà nước Việt Nam và BIDV một số vấn đề nhằm hỗ trợ các giải pháp cho các ngân hàng thương mại trong công tác quản trị rủi ro tín dụng.


Các đề tài nêu trên đã đưa ra những cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn về quản trị rủi ro tín dụng phát sinh tại các chi nhánh Ngân hàng. Các bài viết đã nêu lên những thực trạng khách quan và những tồn tại mang tính chủ quan trong quản trị điều hành quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng; các sách lược, phương án và công cụ nhằm hạn chế rủi ro tín dụng và cũng đã có những đề xuất mang tính thiết thực giúp hoàn thiện bộ máy và hoạt động phòng ngừa rủi ro tín dụng tại các chi nhánh Ngân hàng ở địa phương. Mặc dù vậy, các công trình nghiên cứu trên chỉ dừng lại phạm vi ở một chi nhánh của một ngân hàng mà chưa có công trình nghiên cứu nào trên phạm vi toàn ngân hàng. Điều này cũng là một hạn chế của các công trình nghiên cứu đã đề cập ở trên vì công tác Quản trị rủi ro tín dụng cần phải được thống nhất, tập trung trên phạm vi toàn ngân hàng chứ không chỉ dừng ở phạm vi một chi nhánh. Với xu thế hiện nay, các ngân hàng luôn mong muốn tạo nên sự tập trung quản lý nghiệp vụ ở Hội sở, các chi nhánh chỉ tồn tại như các điểm giao dịch trực tiếp với khách hàng. Như vậy, với những vấn đề nêu trên nên học viên đã chọn đề tài “ Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình” để làm công trình luận văn thạc sỹ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng - Học viện Hành chính quốc gia.

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

Luận văn tập trung hệ thống hóa những lý thuyết về rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP). Phân tích những kinh nghiệm và bài học về quản trị rủi ro tín dụng của một số ngân hàng TMCP Việt Nam.

Luận văn phân tích một cách khách quan thực trạng quản trị rủi ro của Ngân hàng TMCP An Bình. Đưa ra đánh giá thành tựu và hạn chế cũng như nguyên nhân dẫn đến những rủi ro tín dụng còn tồn tại của ngân hàng.

Luận văn đưa ra định hướng phát triển và các mục tiêu cụ thể trong quản trị rủi ro ngân hàng từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng Ngân hàng TMCP An Bình.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

- Đối tượng nghiên cứu: Rủi ro tín dụng ngân hàng và quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng TMCP .


- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP An Bình trong khoảng thời gian 3 năm từ 2014 đến 2016.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn

- Phương pháp luận: Luận văn sử dụng phương pháp luận: Duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và logic.

- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn chủ yếu áp dụng phương pháp nghiên cứu chuyên ngành như thống kê, so sánh, phân tích và tổng hợp, diễn giải, quy nạp... đối chứng so sánh, trừu tượng hóa khoa học để thấy điểm mạnh, điểm yếu của quản trị rủi ro tín dụng. Ngoài ra, từ những vấn đề lý luận kết hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quản lý theo chuẩn mực quốc tế để đề ra giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

- Ý nghĩa lý luận: Ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ trong nền kinh tế. Trong các nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng thì có thể khẳng định nghiệp vụ tín dụng là quan trọng nhất vì các hoạt động trong lĩnh vực này có sự ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần phải đảm bảo được là hoạt động tín dụng luôn ổn định thông qua việc quản trị rủi ro tín dụng. Muốn hoạt động quản trị rủi ro tín dụng được tốt thì ngân hàng cần hiểu và thực thi quy trình quản trị rủi ro tín dụng hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của ngân hàng nhất.

- Ý nghĩa thực tiễn:

Do nhu cầu thực tiễn mà hệ thống quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng TMCP phải luôn hoàn thiện đáp ứng về môi trường kinh doanh cũng như công nghệ kinh doanh ngân hàng, nhất là với diễn biến nợ xấu tràn ngập tại các ngân hàng, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng TMCP, nơi mà năng lực quản trị vẫn còn chưa mạnh.

Đề tài tiếp cận và phân tích có hệ thống về các công tác quản trị rủi ro tín dụng và các công tác liên quan của Ngân hàng TMCP An Bình. Từ những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, luận văn đưa ra các phương án, giải pháp tối ưu hóa quản trị rủi ro tín dụng thống nhất từ Hội sở đến từng chi nhánh ngân hàng. Đề tài viết


ở phạm vi toàn ngân hàng của ngân hàng TMCP tạo điều kiện lãnh đạo ngân hàng có một cái nhìn tổng thể bức tranh quản trị rủi ro tín dụng mà từ đó có thể đưa ra sách lược đúng đắn nhất cho công tác này.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo thì Luận văn được chia làm 3 chương bao gồm:

Chương 1 : Cơ sở khoa học về quản trị rủi ro tín dụng các ngân hàng thương mại. Chương 2: Thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP An Bình.

Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP An Bình.


Chương1

CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI


1. TỔNG QUAN VỀ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1 Rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại

1.1.1 Khái niệm rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại

Rủi ro là một yếu tố vốn có trong mọi hoạt động kinh doanh mà Ngân hàng luôn phải đối mặt. Vì vậy, quản trị rủi ro đã trở thành một hoạt động thiết yếu, quan trọng trong mọi quyết định kinh doanh, ngay cả trong những tình huống kinh doanh an toàn nhất, nhằm cân bằng giữa mức độ chấp nhận rủi ro và mức lợi nhuận kỳ vọng

Như vậy có thể hiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng là khả năng xảy ra tổn thất làm giảm thu nhập, vốn chủ sở hữu hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của Ngân hàng thương mại. Tín dụng là hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nghiệp vụ ngân hàng và đem lại phần lớn lợi nhuận cho Ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng lại là hoạt động có nhiều rủi ro và phức tạp nhất. Hoạt động tín dụng liên quan chặt chẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi rủi ro trong các lĩnh vực này đều tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại. Trong hoạt động tín dụng, ngân hàng thương mại luôn đặt ra mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời tối thiểu hóa rủi ro. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi ngân hàng thương mại phải có những giải pháp thích hợp để quản lý và phòng ngừa rủi ro tín dụng.

Theo chuẩn mực quốc tế Basel II thì “Rủi ro tín dụng là khả năng khách hàng vay hoặc đối tác của ngân hàng không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận”. Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [10], thì “Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách


hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết”.

Từ những nhận định trên, có thể hiểu khái niệm Rủi ro tín dụng là rủi ro do bên được cấp tín dụng, bên có nghĩa vụ hoặc đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết. Cụ thể hơn, Rủi ro tín dụng xảy ra khi khách hàng không trả đủ cả gốc và lãi của khoản vay hoặc thanh toán nợ gốc và lãi không đúng kỳ hạn cam kết trong hợp đồng tín dụng vì bất kỳ lý do gì.

1.1.2 Phân loại rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại

Nhằm mục đích xác định đối tượng rủi ro tín dụng để thực hiện biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro mà Rủi ro tín dụng có thể được phân thành các loại như sau:

- Rủi ro tài sản đảm bảo: Rủi ro giá trị của tài sản dùng để đảm bảo cho một khoản vay, cho thuê tài chính hoặc cam kết có thể bị tổn thất một phần hoặc toàn bộ.

- Rủi ro tín dụng: Rủi ro do bên được cấp tín dụng, bên có nghĩa vụ hoặc đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết.

- Rủi ro thanh toán: Rủi ro khi việc hoàn thành hoặc thanh toán một giao dịch tài chính sẽ không diễn ra như mong đợi, bao gồm các yếu tố thanh khoản, thị trường, hoạt động và rủi ro danh tiếng cũng như rủi ro tín dụng. Mức độ rủi ro được xác định bởi các thỏa thuận cụ thể cho việc thanh toán. Các nhân tố trong thỏa thuận có ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng bao gồm thời gian của việc chuyển đổi giá trị, phạt chi trả/thanh toán, và vai trò trung gian và trung tâm thanh toán.

- Rủi ro trước thanh toán:

o Rủi ro khi đối tác sẽ vỡ nợ trước ngày thanh toán. Rủi ro trước thanh toán dẫn đến rủi ro chi phí thay thế, ví dụ như chi phí tiềm ẩn khi thay thế một giao dịch trong những điều kiện kém thuận lợi hơn so với những giá trị đạt được trong giao dịch ban đầu.

o Rủi ro chi phí thay thế phát sinh từ sự biến động của giá thị trường. Thông thường, chi phí thay thế chỉ bằng một phần so với vốn gốc. Tuy nhiên, nếu giá thị trường biến động đáng kể, rủi ro có thể trở nên đáng kể.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/11/2024