CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến Luận án
1.1.1. Các nghiên cứu ở nước ngoài
Đến nay trên Thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu lý thuyết các mô hình thực nghiệm liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro tín dụng. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về rủi ro tín dụng. Quan điểm rủi ro tín dụng ở các quốc gia và trong nền kinh tế dưới góc nhìn của các chủ thể khác nhau cũng có sự khác biệt. Từ năm 1988 đến nay, Hiệp ước Basel I, II, III lần lượt được thiết lập nhằm định hướng quản trị rủi ro tín dụng và thanh khoản cho các NHTM trên Thế giới. Thực tế chưa có chuẩn toàn cầu để định nghĩa về rủi ro tín dụng. Nhiều quan điểm đa dạng cùng song song tồn tại. Rủi ro tín dụng là khả năng người vay không thể đáp ứng đầy đủ và đúng hạn các yêu cầu thanh toán (credit risk (2014), “Credit risk management workbook of Citibank”).
Những nghiên cứu ở nước ngoài có thể được phân nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất các nghiên cứu tập trung về quan niệm, quan điểm và phương pháp nghiên cứu rủi ro tín dụng. Nổi bật là những nghiên cứu sau: Theo Thomas P.Fitch (2001), thì “Rủi ro tín dụng là loại rủi ro xảy ra khi người vay không thanh toán được nợ theo thỏa thuận hợp đồng dẫn đến sai hẹn trong nghĩa vụ trả nợ. Rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu trong hoạt động cho vay của ngân hàng”. Còn theo A.Saunders và H.Lange (2005) định nghĩa: “Rủi ro tín dụng là khoản lỗ tiềm năng khi ngân hàng cấp tín dụng cho một khách hàng, nghĩa là luồng thu nhập dự tính mang lại từ khoản vay của ngân hàng không thể được thực hiện cả về số lượng và thời hạn”
Có thể bạn quan tâm!
- Quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam - 1
- Quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam - 2
- Hoạt Động Tín Dụng Và Rủi Ro Tín Dụng Đối Với Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại
- Phân Loại Rủi Ro Tín Dụng Đối Với Doanh Nghiệp
- Các Tiêu Chí Đánh Giá Rủi Ro Tín Dụng Đối Với Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại
Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.
Về khái niệm hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (2005) cho rằng: “Quản trị rủi ro tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, các chính sách quản lý và kinh doanh tín dụng nhằm đạt được mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững”.
Những năm gần đây, vấn đề quản trị rủi ro tín dụng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng hậu quả trực tiếp của rủi ro tín dụng tăng cao trong hệ thống ngân hàng là phá sản. Nhiều nghiên cứu về nguyên nhân phá sản của ngân hàng chỉ ra rằng chất lượng tài sản là một yếu tố dự đoán vỡ nợ rất quan trọng về mặt thống kê và các tổ chức ngân hàng trước khi phá sản luôn có mức
độ rủi ro tín dụng rất cao. Nhiều lập luận cho rằng mỗi khoản do rủi ro tín dụng mang lại tại một khu vực tài chính được xem là hình ảnh phản chiếu của một doanh nghiệp yếu kém và không lợi nhuận, trì trệ kinh tế là một trong những nguyên nhân của rủi ro tín dụng. Như vậy, quản trị rủi ro tín dụng không chỉ là điều kiện để NHTM hoạt động ổn định và phát triển, mà còn để ngăn ngừa những tác động xấu đến nền kinh tế.
Nhóm thứ hai tập trung vào các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng: Trong các nghiên cứu trước có khá nhiều biến phụ thuộc thể hiện rủi ro tín dụng ngân hàng như: tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng tài sản của ngân hàng (Nabila Zribi & Younes Boujelbene (2011) Luc Laeven & Giovani Majnoni (2002) rủi ro tín dụng ngân hàng thể hiện tập trung nhất thông qua tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (Fadzlan Sufian & Royfaizal R.Chong, (2008); Rasidah M.Said & Mohd H.Tumi, (2011); Somanadevi Thiagarajan & ctg, (2011); Tobias Olweny & Themba M.Shipho, (2011).
Vấn đề xác định các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng là một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Trên Thế giới có nhiều giả thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm đề cập đến mối quan hệ giữa các yếu tố vĩ mô và yếu tố đặc thù (vi mô) tác động đến rủi ro tín dụng của NHTM.
Các yếu tố vĩ mô: thể hiện ảnh hưởng của môi trường và biến động kinh tế vĩ mô tới rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm kiểm định ảnh hưởng của môi trường kinh tế vĩ mô đến rủi ro tín dụng. Các tác giả đã đưa ra giả thuyết sự tăng trưởng mạnh trong một giai đoạn của nền kinh tế có mối tương quan với rủi ro tín dụng tương đối thấp và ngược lại. Trong lý thuyết về mô hình chu kỳ kinh tế và tiêu dùng phát triển bởi Modigliani và Miller (1967), “trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc hoàn trả nợ vay từ các NHTM do các cơ hội đầu tư và triển vọng kinh doanh thuận lợi hơn”. Ngược lại, trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái, các chủ thể kinh tế sẽ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và sử dụng vốn vay, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả NHTM. Carey (1998), lập luận tăng trưởng của nền kinh tế là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng.
Nghiên cứu thực nghiệm khác cũng có xu hướng khẳng định mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và rủi ro tín dụng như nghiên cứu của Salas và Saurina (2002) ước tính tác động tiêu cực đáng kể của tăng trưởng GDP đối với rủi ro tín dụng và kết luận việc truyền tải nhanh chóng của phát triển kinh tế vĩ mô đến khả năng trả các khoản vay của các đối tượng trong nền kinh tế; nghiên cứu của Fisher và cộng sự (2002) với hệ thống NHTM Mỹ và Canada; Jimenez và Saurian (2006)
với hệ thống NHTM Tây Ban Nha cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP thực và rủi ro tín dụng có quan hệ ngược chiều và khi nền kinh tế phát triển tốt thì các doanh nghiệp sẽ kinh doanh tốt hơn, nhờ đó giúp họ cải thiện được khả năng trả nợ hay Quagliarello (2007), cho rằng chu kỳ kinh doanh ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng với một dữ liệu bảng gồm các Ngân hàng Ý trong giai đoạn 1985-2002. Hơn nữa, Cifter và cộng sự (2009) cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho sự tụt hậu trong sản xuất công nghiệp và rủi ro tín dụng trong hệ thống tài chính Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2001-2007.
Bên cạnh đó tác giả Fofack (2005) “cho thấy áp lực về lạm phát góp phần làm tăng rủi ro tín dụng của một số nước ở Châu Phi. Tỷ lệ lạm phát cao dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng vốn chủ sở hữu của các NHTM và mức độ rủi ro tín dụng lớn hơn (Klein, 2013): Lạm phát làm giảm thu nhập thực tế và dẫn đến lãi suất cao làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ khi các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ để giảm phát nền kinh tế (Polodoo & cộng sự, 2015, “An econometric analysis regarding the path of non performing loans a panel data anlysis from Mauritian banks and implications for the banking industry”).
Các yếu tố đặc thù (vi mô): thể hiện ảnh hưởng của hiệu quả hoạt động, đặc điểm và hiệu quả quản trị của các NHTM tới việc kiểm soát và quản trị rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh
- Giả thuyết “Rủi ro đạo đức” của Keeton và Morris (1987) cho rằng “mức vốn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ rủi ro tín dụng”. Về bản chất, mức vốn hóa thấp của ngân hàng khuyến khích rủi ro đạo đức khi tăng mức độ rủi ro của danh mục cho vay và do đó làm tăng rủi ro tín dụng. Như vậy, theo giả thuyết rủi ro đạo đức, vốn ngân hàng có quan hệ ngược chiều với rủi ro.
Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã thực hiện nghiên cứu trên các NHTM bị thua lỗ tại Hoa Kỳ trong giai đoạn 1979-1985 đồng thời sử dụng tỷ lệ nợ xấu làm thước đo chính cho việc đo lường rủi ro tín dụng tại các ngân hàng này. Thông qua việc chọn các biến nghiên cứu là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng, mức độ chịu rủi ro của ngân hàng thể hiện qua các biến là vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, dư nợ cho vay trên tổng tài sản để kiểm tra giả thuyết này. Kết quả nghiên cứu cho thấy rủi ro tín dụng gia tăng đối với các ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản tương đối thấp. Sau đó là nghiên cứu của Sinkey và Greenwalt (1991), cũng lý giải tương tự về các yếu tố gây ra rủi ro tín dụng tại Mỹ. Họ thực hiện trên các NHTM lớn ở Mỹ và cho rằng cả 2 yếu tố bên trong và bên ngoài của các ngân hàng đều là tác nhân gây ra rủi ro tín dụng. Mối liên hệ ngược chiều giữa rủi ro tín dụng và các chỉ số
vốn cũng đã được tìm thấy trong nghiên cứu của Berger và DeYong (1997) “, Salas và Saurina (2002);
- Giả thuyết “Quản lý kém” của Berger và DeYoung (1997) lập luận hiệu quả thấp quan hệ cùng chiều với sự gia tăng rủi ro tín dụng trong tương lai. Nghiên cứu cho rằng quản lý kém liên quan đến các kỹ năng kém trong chấm điểm tín dụng, thẩm định tài sản bảo đảm và cam kết giám sát khách hàng vay nợ. Nghiên cứu tìm thấy các bằng chứng thực nghiệm về giả thuyết “Quản lý kém”, ngụ ý nguyên nhân từ hiệu quả thấp dẫn đến rủi ro tín dụng. Nghiên cứu kiểm tra giả thuyết trên gồm các NHTM của Mỹ trong giai đoạn 1985-1994 và kết luận hiệu quả giảm dẫn đến gia tăng các khoản vay có vấn đề trong tương lai. Podpiera và Weill (2008) tiếp tục kiểm dịnh mối quan hệ giữa hiệu quả và rủi ro tín dụng trong ngành ngân hàng tại Séc giai đoạn 1994- 2005. Nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ ngược chiều giữa hiệu quả giảm và rủi ro tín dụng trong tương lai. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong quá khứ cũng được Salas và Saurina (2002), Klein (2013) sử dụng để kiểm tra mối quan hệ với nợ xấu hiện tại. Các nghiên cứu cho thấy nợ xấu trong quá khứ cao thể hiện khả năng quản trị rủi ro trong cho vay của ngân hàng kém và tác động cùng chiều với nợ xấu hiện tại.
- Giả thuyết “Đa dạng hóa danh mục cho vay”: Cơ hội đa dạng hóa danh mục cho vay của các ngân hàng có mối liên hệ với chất lượng tín dụng. Đa dạng hóa danh mục cho vay làm giảm rủi ro tín dụng nên được kỳ vọng có quan hệ ngược chiều với tỷ lệ nợ xấu. Một số tác giả sử dụng quy mô ngân hàng làm đại diện cho các cơ hội đa dạng hóa. Salas và Saurina (2002) tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô với rủi ro tín dụng ngân hàng và cho rằng quy mô lớn cho phép cơ hội đa dạng hóa nhiều hơn. Rajan và Dhal (2003) đưa ra bằng chứng thực nghiệm tương tự khi sử dụng dư nợ cho vay ngắn hạn, quy mô ngân hàng làm các biến kiểm định giả thuyết này.
Bên cạnh đó, Jin-Li Hu và cộng sự (2004) tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô ngân hàng và rủi ro tín dụng ngân hàng. Lập luận của các tác giả cho rằng các ngân hàng lớn có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn và đương nhiên những ngân hàng này có nhiều cơ hội để nắm giữ danh mục cho vay ít rủi ro nhất nên có thể hạn chế được rủi ro tín dụng hơn những ngân hàng có quy mô nhỏ. Ngoải ra Somanadevi Thiagarajan và cộng sự (2011) “khi nghiên cứu tác động đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng ở Ấn Độ trong giai đoạn từ 2001-2010 hoặc nghiên cứu của Hess & cộng sự (2008) (trích bởi Daniel Foos và cộng sự, 2010) “Credit Losses in Australasian Banking”khi phân tích dữ liệu của 32 ngân hàng Australia trong giai đoạn 1980-2005 cũng tìm được kết quả tương tự.
- Giả thuyết “Quá lớn nên không thể bị phá sản”: Ngược lại với “Đa dạng hóa danh mục cho vay”, giả thuyết “Quá lớn nên không thể bị phá sản” cho rằng các ngân hàng lớn chấp nhận rủi ro quá mức bằng cách tăng sử dụng vốn cho vay của mình nên có rủi ro tín dụng nhiều hơn. Bởi vì kỷ luật thị trường không áp đặt cho các ngân hàng lớn, vì họ mong đợi Chính phủ bảo vệ trong trường hợp ngân hàng bị phá sản (Stern & Feldman, 2004), “Too Big To Fail: The Hazards of Bank Bailouts, Brookings Institution Pre”. Qua đó, các ngân hàng lớn tăng đòn bẩy của họ quá nhiều và cho vay với chất lượng khách hàng thấp hơn. Theo Boyd và Gertler (1994), trong những năm 1980, xu hướng các ngân hàng lớn của Mỹ có danh mục đầu tư rủi ro cao hơn bởi sự khuyến khích của chính sách “Too big to fail” (Quá lớn nên không thể bị phá sản) của Chính phủ Mỹ. Mặt khác, Ennis và Malek (2005) kiểm tra hiệu quả của các ngân hàng Mỹ bằng cách phân loại quy mô giai đoạn 1983-2003 và kết luận những bằng chứng về quy mô của các ngân hàng “Quá lớn nên không thể bị phá sản” không rõ ràng.
- Giả thuyết “Chính sách tín dụng có tính chu kỳ”: Mô hình của Rajan (1994) “Why Bank Credit Policies Fluctuate: A Theory and Some Evidence” giải thích mối tương quan giữa những thay đổi trong chính sách tín dụng và điều kiện từ phía nhu cầu. Trong mô hình này, chính sách tín dụng được xác định không chỉ bởi tối đa hóa thu nhập của các ngân hàng mà còn vấn đề uy tín trong ngắn hạn của việc quản lý ngân hàng hợp lý. Do đó, Ban quản lý cố gắng nâng cao thu nhập hiện tại bằng cách lợi dụng chính sách tín dụng tự do và giấu các khoản nợ xấu ở tương lai. Salas và Saurina (2002) “Credit Risk in Two Institutional Regimes: Spanish Commercial and Savings Banks” đã chỉ ra tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tác động cùng chiều với rủi ro tín dụng, tuy vậy mối quan hệ này có một độ trễ nhất định. Keeton (1999) phân tích ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng tín dụng đến rủi ro tín dụng của các NHTM Mỹ năm1982-1996 và kết quả cho thấy mối quan hệ cùng chiều với rủi ro tín dụng..
Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu được công bố trên một số công trình như: Peter S. Rose, Quản trị Ngân hàng thương mại, 2002, NXB Tài chính, Hà Nội; Eddua
W. Read, Ph.D và Eddua K.Gill, Ph.D, Ngân hàng thương mại, 2004, NXB Thống kê, TP Hồ Chí Minh. Các nghiên cứu này thường thiên về khía cạnh nhận dạng rủi ro, các kỹ thuật định lượng rủi ro và các giải pháp phòng ngừa rủi ro...
Tóm lại, các nghiên cứu trên đã đưa được quan điểm về rủi ro tín dụng và nhân tố ảnh hưởng đến quản trị rủi ro tín dụng, đặc biệt đã đưa ra một số phương pháp về kiểm định đánh giá tác động của các nhân tố lên rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng. Đây là nền tảng quản trị giúp cho nghiên cứu tiếp theo.
Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài tập trung khá nhiều về quản trị rủi ro ngân hàng và quản trị rủi ro tín dụng cho một số ngân hàng tại một số quốc gia, quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) mà chưa có đề tài nào đề cập và nghiên cứu về quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp.
1.1.2. Các nghiên cứu ở trong nước
Có thể nói ở Việt Nam chưa có công trình khoa học nào đề cập một cách hệ thống và toàn diện về khái niệm cũng như các nhân tố tác động đến tăng cường quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp. Cũng như chưa có giải pháp động bộ khả thi cho việc tăng cường quản trị rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp tại các NHTM Việt Nam. Tại Việt Nam, theo quy định của NHNN, rủi ro tín dụng (làm căn cứ phân loại nợ và trích lập dự phòng) được xác định bằng kết quả xếp hạng tín nhiệm hoặc thời gian quá hạn của khoản vay. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy ước Basel để tránh tình trạng chỉ số an toàn vốn tốt lại là tín hiệu mất an toàn như nhận định của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Nguyễn Xuân Thành (2013), “Chỉ tiêu kinh tế có mối quan hệ mật thiết với lãi suất”, Đầu tư chứng khoán). Hầu hết các nghiên cứu trong nước đều tập trung vào nghiên cứu đối tượng của rủi ro tín dụng và nhân tố hoặc nhóm nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hoặc đo lường rủi ro tín dụng với phạm vi nghiên cứu cho từng NHTM riêng lẻ là chính và thời gian nghiên cứu thường trước năm 2010. Cụ thể có thể chia thành 2 nhóm nghiên cứu: một nhóm thiên về nghiên cứu đối tượng của rủi ro tín dụng và một nhóm nghiên cứu về yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng.
Nhóm thứ nhất: nghiên cứu về đối tượng rủi ro tín dụng. Trên cơ sở đo lường rủi ro tín dụng bằng tỷ lệ nợ xấu, các nhân tố ảnh hưởng được xác định bao gồm: Chu kỳ kinh tế, lãi suất thực, tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng tín dụng, khả năng quản trị, quy mô hoạt động, cấu trúc vốn,... (Nguyễn Thị Thùy Dương (2014), “Phân tích định lượng đối với nợ xấu tại các NHTM”); tăng trưởng tín dụng quá mức, cơ cấu không hợp lý, thông tin tín dụng không chính xác, công nghệ ngân hàng bất cập, hành lang pháp lý không đầy đủ (Lê Thị Hồng Hạnh, (2013) “Giải quyết nợ xấu - vấn đề mấu chốt trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”;...cùng hàng loạt nguyên nhân khác được chuyên gia, phóng viên đề cập trên các phương tiện truyền thông.
Đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực quản trị danh mục cho vay của một số NHTM Cổ phần trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành năm 2012 do TS. Bùi Diệu Anh làm chủ nhiệm. Thành công của công trình nghiên cứu và làm rõ những cơ sở lý luận, phân tích đánh giá rõ thực trạng giai đoạn
2000-2012 và đề xuất 5 nhóm giải pháp, một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực quả trị danh mục cho vay tại một số NHTM Cổ phần trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Đề tài đã xây dựng mô hình đo lường rủi ro tín dụng nội bộ của NHTM Cổ phần trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành “Việc áp dụng những tiêu chuẩn an toàn hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế trong hệ thống NHTM tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” do TS. Hoàng Huy Hà làm chủ nhiệm, bảo vệ tại NHNN Việt Nam, tháng 10/2012. Thành công của công trình nghiên cứu đó là làm rõ cơ sở lý luận về quản lý rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam theo thông lệ quốc tế, làm rõ thực trạng và tiến hành khảo sát, đưa ra kết luận và khuyến nghị theo mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Gần đây, có một công trình được bảo vệ khá thành công với những đóng góp thực sự có giá trị cho hoạt động quản trị NHTM, Luận án Tiến sĩ “Quản lý rủi ro tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Đức Tú (2012), Đại học Kinh tế Quốc dân đề cập tới việc hạn chế và quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam. Tiếp theo, Luận án Tiến sĩ “Quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Tuấn Anh (2013), Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra những giải pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh của Agribank. Luận án Tiến sĩ “Quản lý nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam” của Nguyễn Thị Hoài Phương (2013), Đại học Kinh tế Quốc dân, tác giả lựa chọn cách tiếp cận nợ xấu Ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, hiệp ước Basel II được lựa chọn như một chuẩn mực trong cách tiếp cận, so sánh và đánh giá.
Như vậy, các nghiên cứu này đặt ra đối tượng nghiên cứu là vấn đề rủi ro tín dụng của ngân hàng, từ đó phân tích thực trạng rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam và đưa ra các giải pháp hạn chế và phòng ngừa. Luận án nghiên cứu trong giai đoạn các ngân hàng Việt Nam chưa thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngân hàng theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Nhóm thứ hai: nghiên cứu về mô hình quản trị rủi ro tín dụng và các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng.
Đối với Luận án Tiến sĩ trong nước, các đề tài chủ yếu nghiên cứu về quản quản lý rủi ro tín dụng nói chung. Luận án của Lê Tấn Phước (2007) “Đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của các NHTM Cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Luận án “Nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trong quá trình hội
nhập” của tác giả Nguyễn Thị Thu Đông (2012), Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong đề tài của mình, các tác giả làm rõ thêm các khái niệm và lý luận trong việc đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng tại các ngân hàng, chất lượng tín dụng ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế. Luận án đã chỉ rất rõ những hậu quả của rủi ro tín dụng, phân tích khá rõ các nhân tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn tín dụng ở các NHTM, đó là môi trường kinh tế, chính sách tín dụng, vấn đề lãi suất, quản lý rủi ro lãi suất, năng lực kinh doanh của khách hàng...Ngoài ra tác giả Lê Tấn Phước còn đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới từ đó đề ra những giải pháp khả thi góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của các NHTM Cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả Nguyễn Thị Thu Đông rất thành công trong việc áp dụng mô hình hồi quy logistic để kiểm định mô hình và giả thiết nghiên cứu trong việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của khách hàng pháp nhân tại VCB - Chi nhánh Đà Nẵng.
Luận án của tác giả Trần Thị Kỷ (2008) “Hoàn thiện phương pháp xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp vay vốn tại NHTM Việt Nam”, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tập trung làm rõ sự cần thiết khách quan của việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn tại các NHTM, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp vay vốn tại NHTM là gì? Những đặc trưng cơ bản của nó. Cơ sở xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn, cũng như cách thức tổ chức và quy trình xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, tác giả chỉ ra việc phân tích tín dụng định hướng theo rủi ro là cơ sở để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn và kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn đã giúp NHTM lựa chọn được khách hàng tốt để cho vay góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro tín dụng, giảm dư nợ quá hạn.
Luận án được bảo vệ khá thành công với những đóng góp thực sự có giá trị cho hoạt động quản trị NHTM, đó là “Luận cứ khoa học về xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống NHTM Việt Nam”, của tác giả Lê Thị Huyền Diệu (2010), Học viện ngân hàng, tác giả đã luận giải một cách có hệ thống các vấn đề cơ bản về quản lý rủi ro tín dụng và xây dựng mô hình quản lý rủi ro tín dụng từ đó phân tích các điều kiện thực tiễn áp dụng tại Vệt nam. Rủi ro tín dụng được đánh giá như là một mắt xích quan trọng trong quản trị ngân hàng. Quản trị rủi ro tín dụng chỉ mang lại hiệu quả nếu cơ chế quản trị rủi ro tín dụng được xây dựng trên nền tảng khoa học được kiểm chứng bằng thực tiễn.
Đề tài nghiên cứu cấp Viện của Lê Thị Kim Nga (2001) về “Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng của NHTM Việt Nam” đã giải thích những vấn đề cơ bản về quản lý rủi ro tín dụng và đề xuất khung quản lý rủi ro tín dụng cho các NHTM Việt Nam.