người dân, khi tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung là hiệu quả phát triển du lịch của quê hương, của đất nước.
Loại hình du lịch cộng đồng là một ví dụ điển hình nhất về nhận thức của người dân đối với vai trò của phát triển du lịch. Cộng đồng địa phương và cụ thể là từng cá nhân người dân tại địa phương có vai trò trong việc tổ chức, vận hành và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách dựa trên những giá trị về văn hóa, như phong tục tập quán, các di sản phi vật thể cũng như thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên của địa phương trong khuôn khổ quy định của pháp luật và những chính sách tại địa phương.
Như vậy đối với các loại hình du lịch cộng đồng hiện nay, vai trò và hình ảnh “chủ nhân” của điểm đến sẽ được hình thành và tôn vinh từ chính cộng đồng dân cư khi trực tiếp hay gián tiếp tham gia đón tiếp và thực hiện các dịch vụ du lịch. Nhìn từ góc độ bao quát hơn, phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với vai trò quan trọng của phát triển du lịch.
1.1.6.3. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch
Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực nói riêng và tổng thể cả quốc gia nói chung. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay càng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao hơn, trong đó bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch nói riêng. Nếu họ - “công bộc của Nhân dân” có sự hạn chế về năng lực, không đủ uy tín và thiếu tâm huyết trong công việc sẽ rất khó hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu đó, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.
Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về du lịch tại các địa phương hiện đã được chú trọng cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, về trình độ chuyên môn, đa số cán bộ, công chức dù có bằng đại học hoặc sau đại học nhưng thực tế chuyên ngành đào tạo không phải QLNN về du lịch mà thường về một lĩnh vực nhất định trong hoạt động phát triển du lịch như: nhà hàng khách sạn, kinh doanh lữ hành…
Ở những đơn vị đào tạo có chuyên ngành QLNN, nội dung liên quan tới du lịch thường được đề cập lồng ghép trong môn học QLNN về kinh tế. Do đó, tính chuyên sâu về quản lý trong lĩnh vực này sẽ có những hạn chế nhất định. Trong khi đó, những lớp tập huấn công tác QLNN về du lịch do các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức thường không nhiều, thời gian ngắn, số lượng tham gia hạn chế; còn ở địa phương công tác này lại không được thực hiện.
Quản lí nói chung là nghệ thuật hoàn thành công việc thông qua người khác; là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ chức, sử dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Chức năng cơ bản của quản lý là lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và kiểm tra. Như vậy, khi có kiến thức về nhà hàng khách sạn hay vấn đề kinh doanh dịch vụ lữ hành không có nghĩa sẽ trở thành người cán bộ, công chức quản lý tốt những hoạt động du lịch này.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - 2
- Đặc Điểm Của Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Tới Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch
- Phương Pháp Tổng Hợp, Phân Tích Thông Tin
- Thực Trạng Công Tác Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch Trên Địa Bàn Thị Xã Sa Pa, Tỉnh Lào Cai
- Kết Quả Thực Hiện Kế Hoạch Phát Triển Du Lịch
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Để đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về du lịch thực sự có chất lượng cần đảm bảo vừa có năng lực quản lý, vừa có kiến thức chuyên môn sâu đối với các hoạt động du lịch. Có như vậy những kế hoạch, quy hoạch, chương trình, chiến lược phát triển du lịch được đề ra mới thực sự phù hợp với thực tiễn và tạo động thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển. Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế ngày càng trở nên phổ biến, người làm công tác QLNN về du lịch cần phải tnâng cao hơn nữa khả năng sử dụng ngoại ngữ.
1.1.6.4. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý về du lịch
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi xác định những nguyên nhân chủ yếu
dẫn đến hạn chế, yếu kém của ngành du lịch có đề cập về sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý du lịch hiệu quả còn thấp. Các cấp, các ngành vẫn chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng. Đây là một yếu tố tác động quan trọng đến hiệu quả QLNN về du lịch hiện nay tại Việt Nam.
Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, nội dung phối hợp giữa các địa phương, giữa các ngành khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nói chung là một nguyên tắc hiến định, nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nNhà nước hiện nay tại Việt Nam. Trong đó, quản lý theo ngành là hoạt động quản lý các đơn vị, tổ chức kinh tế, văn hoá xã hội có cùng cơ cấu kinh tế - kỹ thuật hoặc hoạt động với mục đích giống nhau nhằm làm cho hoạt động của các tổ chức, đơn vị này phát triển một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đáp ứng được với yêu cầu của Nhà nước và xã hội.
Liên kết kinh tế vùng thực sự là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho cả vùng. Các hình thức liên kết kinh tế vùng có thể trên khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất. Chủ trương, chính sách phát triển vùng, liên kết vùng không những tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp các vùng khó khăn thực hiện tốt chức năng bảo tồn tài nguyên, sinh thái, an ninh, chính trị và xã hội.
1.2. Cơ sở thực tiễn của quản lý Nhà nước về du lịch
1.2.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch ở Thành phố Đà lạt
Đà Lạt nằm ở độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển, là vùng đất hiếm có của khu vực Đông Nam Á có khí hậu ôn đới trong vùng nhiệt đới, thời tiết quanh năm mát mẻ, ôn hòa, không cách xa các trung tâm dân cư và đô thị lớn của vùng và khu vực. Từ lâu Đà Lạt đã được biết đến là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn với rất nhiều phong cảnh đẹp hữu
tình. Hàng năm, Đà Lạt đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng và tận hưởng không khí trong lành, thưởng ngoạn nét rực rỡ quyến rũ của thành phố ngàn hoa.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính từ năm 2005 (năm đầu tiên tổ chức Festival Hoa Đà Lạt) đến nay, khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng liên tục tăng (năm sau luôn cao hơn năm trước). Cụ thể, năm 2005:1,6 triệu lượt; năm 2006: 1,8 triệu lượt; năm 2007: 2,2 triệu lượt; năm 2008: 2,3 triệu lượt; năm 2009:
2,5 triệu lượt; năm 2010: 3,1 triệu lượt…; năm 2016: 5,4 triệu lượt; năm 2017: 6 triệu lượt; năm 2018: 6,5 triệu lượt và trong 6 tháng đầu năm 2019, Đà Lạt đã đón 3.735 ngàn lượt khách.
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bên cạnh triển khai các chương trình, dự án quy hoạch của Trung ương như: Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030; Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”…, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU “Về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015” và Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tư tưởng xuyên suốt trong các nghị quyết của Tỉnh ủy xác định “Du lịch là ngành kinh tế động lực của sự phát triển Kinh tế - xã hội” địa phương trong giai đoạn mới.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự quan lý điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của ngành VHTTDL và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong nhiều năm qua đã tạo sự khởi sắc trong hoạt động du lịch, liên kết đầu tư, xúc tiến du lịch - thương mại. Lâm Đồng đã kết nối chương trình hợp tác “Tam giác” phát triển du lịch Lâm Đồng - Bình Thuận - TP.HCM; Hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh: Lâm Đồng - Hà Nội - Đắk Lắk - Gia Lai; Chương
trình khảo sát và ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng - Đồng Nai; ký kết thỏa thuận quốc tế giữa Sở VHTTDL Lâm Đồng và Ban Quản lý Jeju Olle - Hàn Quốc về phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến Du lịch và Thương mại với các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào...
Việc mở rộng thông thoáng các chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã thu hút 112 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng; trong đó, 31 dự án đã đưa vào khai thác kinh doanh. Phần lớn các dự án đầu tư khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông, dã ngoại, tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, trên địa bàn Đà Lạt hiện có 02 Khu du lịch (KDL) quốc gia đã và đang được đầu tư khai thác sẽ mở ra triển vọng lớn cho sự phát triển du lịch của thành phố sương mờ này; đó là KDL hồ Tuyền Lâm và KDL Đan Kia - Suối Vàng. TP. Đà Lạt vừa được kết nạp làm thành viên Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO); đây là điều kiện, cơ hội vô cùng thuận lợi để phát triển, quảng bá du lịch Đà Lạt trong tương lai gần…
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung khai thác tiềm năng lợi thế cạnh tranh; tập trung các chính sách đầu tư phát triển du lịch là chủ trương lớn, sự ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH của Lâm Đồng. Các cơ quan quản lý về du lịch đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ, quan tâm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các chương trình khuyến mãi, thực hiện niêm yết công khai giá các mặt hàng và bán đúng giá niêm yết; phục vụ khách du lịch với thái độ niềm nở, thân thiện…
Việc khảo sát, đánh giá, bổ sung các loại hình, mô hình du lịch, sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Đà Lạt được địa phương đặc biệt chú trọng. Sở VHTTDL đã tiến hành thẩm định mới, thẩm định lại 53 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn; rà soát, chấn chỉnh những sai sót của các cơ sở lưu trú du lịch,
nhất là đối với loại hình home stay (phát triển gần đây); thường xuyên phối hợp kiểm tra liên ngành các doanh nghiệp kinh doanh loại hình Du lịch thể thao mạo hiểm; đến nay, cơ bản đã khắc phục những thiếu sót, bất cập, đảm bảo an toàn cho du khách; nhìn chung, số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng nâng cao. Hiện trên địa bàn TP. Đà Lạt hệ thống cơ sở lưu trú được xây dựng và nâng cấp, có 1.590 cơ sở lưu trú du lịch, với 19.486 phòng; trong đó, có 438 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.501 phòng; có 32 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 3.127 phòng…
Toàn tỉnh có 64 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch; trong đó, có 26 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; có 35 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với 60 điểm tham quan miễn phí (các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo, làng nghề, khảo cổ...) và 30 điểm du lịch canh nông phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, tạo ra sự đa dạng, phong phú để xây dựng các tour, tuyến du lịch trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng.
Để du lịch Đà Lạt trở thành “ngành kinh tế động lực”, điểm đến hấp dẫn, an toàn và có tính bền vững, ngoài phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, địa phương cần giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập hiện nay; trong đó, phải gấp rút hoàn thiện về quy hoạch đô thị, hoàn thiện hạ tầng giao thông và chấn chỉnh những tiêu cực, hành vi, hình ảnh chưa đẹp của người dân và đối với khách du lịch. (Dương Thanh Hồng, 2019).
1.2.2. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch ở Thành phố Hạ Long
Hạ Long là một điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới, khách du lịch đến với Hạ Long không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp tự nhiên của vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới và rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác. Để phát triển Hạ Long trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế cần phát triển một cách đồng bộ các yếu tố cấu thành của điểm đến du lịch Hạ Long, bao gồm các điểm hấp dẫn du lịch, giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ, các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ, các hoạt động bổ sung.
Các yếu tố cấu thành tại điểm đến du lịch Hạ Long bao gồm:
Các điểm hấp dẫn du lịch: Hạ Long là điểm đến du lịch hội tụ đa dạng các điểm hấp dẫn bao gồm cả tài nguyên tự nhiên, các công trình nhân tạo do con người xây dựng và các sự kiện do địa phương tổ chức. Hàng năm, vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Có thể nói, vịnh Hạ Long là điểm hấp dẫn chính của Hạ Long, nhưng bên cạnh đó các điểm đến hấp dẫn khác tại Hạ Long cũng rất được du khách quan tâm như khu du lịch quốc tế Tuần Châu với nhiều hoạt động phục vụ khách liên tục, núi Bài Thơ hữu tình, thơ mộng thu hút đông đảo khách tham quan. Khởi đầu từ năm 2007, đến nay Carnaval Hạ Long đã trở thành một thương hiệu du lịch của Quảng Ninh với rất nhiều sự đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, tại Hạ Long còn có các điểm hấp dẫn khác như cảng Cái Lân, mỏ khai thác than,…có thể đưa vào phát triển du lịch.
Giao thông tại Hạ Long: Mạng lưới giao thông tương đối đồng bộ, xuyên suốt toàn tỉnh dọc từ Đông Triều đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đi qua điểm đến Hạ Long giúp du khách có thể đến Hạ Long bằng nhiều loại hình vận chuyển như ô tô, tàu thủy, tàu hỏa, trực thăng, thủy phi cơ… Hạ Long còn có hệ thống tàu thuyền dành cho khách du lịch tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh, đây là loại hình du lịch rất được du khách yêu thích. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhiều doanh nghiệp vận tải khách du lịch đã mạnh dạn đổi mới phương tiện, đầu tư nhiều tàu chở khách có trọng tải lớn, hình thức sang trọng, hệ số an toàn cao. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, vịnh Hạ Long ngày càng xuất hiện nhiều hơn những du thuyền nghỉ đêm được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp như các du thuyền Paradise Luxury, Emeraude Classic Cruise, Bhaya Classic Cruises, Âu Cơ... Quảng Ninh còn đang triển khai dự án xây dựng sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Vân Đồn, hứa hẹn trong thời gian tới lượng khách đến với Hạ Long bằng đường hàng không sẽ tăng lên đáng kể.
Hệ thống cơ sở lưu trú và ăn uống tại Hạ Long: Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng gần 1.000 cơ sở lưu trú du
lịch, trong đó có 99 khách sạn từ 1 - 5 sao. Hệ thống khách sạn từ 2 - 4 sao phần lớn tập trung ở TP Hạ Long, trung tâm du lịch của tỉnh. Tính đến nay, TP. Hạ Long có khoảng 60 khách sạn xếp hạng từ 2 - 4 sao. Vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào những khách sạn cao cấp hướng tới thị trường khách chất lượng cao. Không ít doanh nghiệp du lịch đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ để thu hút khách, đáp ứng yêu cầu của thị trường du lịch. Tại Hạ Long có nhiều nhà hàng ăn uống từ bình dân, đặc sản biển đến các quán ăn Âu, Á sang trọng. Các quán ăn cao cấp tập trung chủ yếu quanh khu vực Bãi Cháy, Hòn Gai và trong các khách sạn lớn. Du khách có nhiều lựa chọn địa điểm để thưởng thức, như trên tàu du lịch thăm vịnh, tại các nhà bè, trong nhà hàng, quán ăn, hay tại gia đình bạn bè, người thân…
Các hoạt động bổ sung tại Hạ Long: Các hoạt động bổ sung trên vịnh Hạ Long khá đa dạng, bên cạnh hoạt động tàu du lịch đưa đón khách tham quan, các loại hình dịch vụ du lịch khác cũng khá phát triển như: tham quan hang động, vui chơi giải trí, bao gồm chèo thuyền kayak, đi xuồng cao tốc, kéo phao chuối, dù kéo, dù lượn... Cùng với hoạt động chèo thuyền nan đưa khách tham quan vịnh, bà con còn tham gia vớt rác, bảo vệ môi trường vịnh. Theo thống kê, trung bình mỗi tháng có khoảng 20.000 lượt khách tham gia sử dụng dịch vụ này, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, còn khá nhiều các dịch vụ khác như bán hàng lưu niệm, tham quan làng nghề nuôi cấy ngọc trai trên vịnh... Có thể nói, các yếu tố cấu thành điểm đến Hạ Long đã có sự phát triển mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên, việc phát triển các yếu tố này còn gặp phải một số khó khăn như: các điểm điểm hấp dẫn du lịch tại Hạ Long vẫn chưa phát huy được tính chuyên nghiệp và khả năng thu hút khách đến; giao thông đi lại tại Hạ Long chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vị thế...