Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - 2


DANH MỤC CÁC HÌNH, BẢNG BIỂU

Bảng 3.1: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển du lịch 51

Bảng 3.2: Kết quả thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực cho du lịch của thị xã Sa Pa 57

Bảng 3.3. Thực trạng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của thị xã Sa Pa ... 58 Bảng 3.4: Các cơ sở kinh doanh liên quan đến du lịch tại thị xã Sa Pa 60

Bảng 3.5: Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch tại thị xã Sa Pa 63

Bảng 3.6: Kết quả khảo sát sự hài lòng của các đơn vị kinh doanh đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch 65

Bảng 3.7: Kết quả khảo sát ý kiến của cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về du lịch tại thị xã Sa Pa 66

Hình 3.1: Sơ đồ bộ máy quản lý nhà nước về du lịch tại thị xã Sa Pa 55


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

MỞ ĐẦU


Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - 2

1. Tính cấp thiết của đề tài

Lào Cai là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch hàng đầu tại Việt nam, trong đó có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn mà nổi tiếng nhất là khu du lịch Sa Pa. Thị xã miền núi Sa Pa từ lâu trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Khí hậu Sa Pa mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, khác biệt hẳn so với khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam. Vì vậy, đây là nơi tránh nóng lý tưởng trong mùa hè, là điểm ngắm tuyết độc đáo vào mùa đông mà còn hấp dẫn khách du lịch với những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc Mông, Dao đỏ, Dáy. Sa Pa luôn nằm trong Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Top 9 điểm đến được trông đợi nhất của thế giới. Gần đây nhất, kênh truyền hình National Geopraphic (Mỹ) đã bình chọn Hoàng Liên Sơn - Sa Pa đứng thứ 7 trên tổng số 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019, và là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á năm 2019. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu đặc trưng và văn hóa dân tộc độc đáo, Sa Pa được coi là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn của Việt Nam và chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận là Khu du lịch quốc gia vào năm 2017, tạo ra một thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Sa Pa trong giai đoạn mới. Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây du lịch Sa Pa đã và đang có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng với tốc độ tăng trưởng đạt 23,4%. Riêng năm 2018, Sa Pa đón 2,7 triệu lượt khách với tổng doanh thu du lịch và dịch vụ đạt

5.507 tỷ đồng; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của Sa Pa đang dần được hoàn thiện; các dịch vụ du lịch ngày càng phong phú. Du lịch Sa Pa đã và đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành du lịch ở Vùng du lịch Bắc Bộ, thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời cũng mang


lại một nguồn thu lớn huy động vào ngân sách của tỉnh Lào Cai nói riêng và ngân sách Nhà nước nói chung.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong những năm qua du lịch Sa Pa còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức như: Sự quá tải của đô thị Sa Pa gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, làm mất cân bằng sinh thái, cảnh quan bị xâm hại, suy thoái; sự thay đổi về thị trường khách từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thông; quá trình đô thị hóa nhanh làm cho bản sắc văn hóa bị mai một, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; Cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao; Du lịch cộng đồng phát triển mang tính tự phát, người dân tộc thiểu số ít được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch; Nhiều dự án lớn đang được triển khai sẽ tạo ra những cơ hội, bước đột phá mới cho du lịch Sa Pa xong cũng mang lại những thách thức lớn đối với Sa Pa như công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, sự bùng nổ về lượng khách gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trong những nguyên nhân của những hạn chế nói trên có một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề quản lý Nhà nước về du lịch ở Thị xã Sa Pa hiệu quả còn chưa thực sự hiệu quả. Điều này đặt ra cho Thị xã nhiệm vụ quan trọng là phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa quản lý Nhà nước về du lịch. Để từ đó, định hướng cho sự phát triển về mọi mặt của ngành du lịch, đem lại lợi nhuận ngày càng nhiều cho nền kinh tế toàn tỉnh Lào Cai. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc nghiên cứu công tác quản lý nhà nước về du lịch là hết sức cấp thiết nhằm nắm bắt được thực trạng cũng như đánh giá được những ưu điểm và những mặt hạn chế còn tồn tại. Trên cơ sở đó, có đề xuất những giải pháp phù hợp và kịp thời nhằm tăng cường quản lý nhà nước về du lịch tại Sapa, đưa Sapa trở thành một trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, tôi lựa chọn nghiên cứu vấn đề: Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai” làm đề tài Luận văn Thạc sĩ.


2. Mục tiêu nghiên cứu

2.1. Mục tiêu chung

Nghiên cứu đề tài Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã Sa Pa nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã, qua đó thúc đẩy ngành du lịch của Thị xã Sa Pa phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phù hợp xu hướng với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước về du lịch.

- Đánh giá, phân tích thực trạng công tác nhà nước về du lịch của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương;

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thị xã Sapa.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi không gian: Đề tài được tổ chức nghiên cứu tại Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

- Phạm vi thời gian: Số liệu nghiên cứu của đề tài được thu thập trong khoảng thời gian 2017 - 2019.

- Phạm vi nội dung: Đề tài nghiên cứu các nội dung về hoạt động quản lý nhà nước về du lịch của Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo các quy định hiện hành của Pháp luật

4. Ý nghĩa khoa học của luận văn

- Về mặt lý luận, đề tài tập trung nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch bao gồm: các khái niệm cơ


bản, vai trò, nội dung cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về du lịch . Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động quản lý nhà nước về du lịch tại một số địa phương tại Việt Nam, đề tài đã tổng hợp các bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý du lịch tại Sapa.

- Luận văn đã đi sâu nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về du lịch trong giai đoạn 2017 - 2019; từ đó phân tích, đánh giá những mặt thành công, những tồn tại của công tác quản lý để đề xuất những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý tại địa phương.

- Về mặt thực tiễn, luận văn là công trình nghiên cứu đáng tin cậy, có thể giúp cho UBND thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai tham khảo vận dụng vào thực tiễn và có thể được sử dụng tham khảo cho các nghiên cứu khác có liên quan.

5. Bố cục của luận văn

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, bố cục của luận văn chia làm 4 chương:

- Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về du lịch.

- Chương 2: Phương pháp nghiên cứu.

- Chương 3: Thực trạng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

- Chương 4: Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH‌


1.1. Cơ sở lý luận của quản lý Nhà nước về du lịch

1.1.1. Các khái niệm liên quan đến du lịch

1.1.1.1. Khái niệm du lịch

Ngày nay, du lịch bắt đầu phát triển mạnh và trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến. Nhiều nước đã lấy chỉ tiêu đi du lịch của dân cư là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, mà du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Tuy nhiên, thế nào là du lịch xét từ góc độ của người du lịch và bản thân người làm du lịch, thì cho đến nay vẫn còn có sự khác nhau, chưa thống nhất trong quan niệm giữa những người nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực này. (Nguyễn Văn Đính, 2018)

Vào năm 1941, Hunziker và Kraff (Thụy Sỹ) đưa ra định nghĩa: “Du lịch là tổng hợp những hiện tượng và các mối quan hệ nảy sinh từ việc di chuyển và dừng lại của con người tại nơi không phải là nơi cư trú thường xuyên của họ; hơn nữa, họ không ở lại đó vĩnh viễn và không có bất kỳ hoạt động nào để có thu nhập tại nơi đến”.

Hội nghị LHQ về du lịch họp tại Rome - Italia (21/8 - 5/9/1963), các chuyên gia đưa ra định nghĩa về du lịch: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”.

Theo Liên hiệp quốc tế các tổ chức lữ hành chính thức (International Union of Official Travel Oragnization: IUOTO): “Du lịch được hiểu là hành động du hành đến một nơi khác với địa điểm cư trú thường xuyên của mình


nhằm mục đích không phải để làm ăn, tức không phải để làm một nghề hay một việc kiếm tiền sinh sống”.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Organization): “Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành tạm trú với mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm ở bên ngoài môi trường sống định cư nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền”. Tại Việt Nam, mặc dù du lịch là một lĩnh vực khá mới mẻ nhưng các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng đưa ra các khái niệm xét trên nhiều góc độ

nghiên cứu khác nhau.

Các học giả biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (1966) đã tách 2 nội dung cơ bản của du lịch thành 2 phần riêng biệt:

Thứ nhất, du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức, tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích: nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa nghệ thuật. Theo nghĩa này, du lịch được xem xét ở góc độ cầu, góc độ người đi du lịch.

Thứ hai, du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước; đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình; về mặt kinh tế du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn; có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ. Theo nghĩa này, du lịch được xem xét ở góc độ một ngành kinh tế. (Nguyễn Văn Đính, 2018)

Luật Du lịch do Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 11, kỳ họp lần thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 đã đưa ra định nghĩa như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.


Từ những khái niệm trên, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về du lịch như sau:

Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên; Chuyến du lịch ở nơi đến mang tính tạm thời, trong một thời gian ngắn;

Mục đích của chuyến du lịch là thỏa mãn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng hoặc kết hợp đi du lịch với giải quyết những công việc của cơ quan và nghiên cứu thị trường, nhưng không vì mục đích định cư hoặc tìm kiếm việc làm để nhận thu nhập nơi đến viếng thăm;

Du lịch là thiết lập các quan hệ giữa khách du lịch với nhà cung ứng các dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương và cư dân ở địa phương.

1.1.1.2. Hoạt động du lịch

Trước đây, hoạt động du lịch được coi là một hoạt động mang tính chất văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí và những nhu cầu hiểu biết của con người, nó không được coi là hoạt động kinh tế, không mang tính chất kinh doanh và ít được đầu tư phát triển. Ngày nay, du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới xem xét là một ngành kinh tế quan trọng thì quan niệm hoạt động du lịch được hiểu một cách đầy đủ hơn. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm các hoạt động khá đa dạng từ dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống, mua bán đồ lưu niệm và hàng hóa… Các dịch vụ này được gọi là hoạt động du lịch. (Nguyễn Văn Đính, 2018)

Luật Du lịch năm 2005 và năm 2017 đưa ra khái niệm về hoạt động du lịch như sau: “Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch”. Với cách tiếp cận như vậy, hoạt động du lịch được nhìn nhận dưới 3 khía cạnh:

Thứ nhất, hoạt động của khách du lịch nghĩa là việc di chuyển và lưu trú tạm thời của người du lịch đến một nơi ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ để tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 01/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí