thể chế trong cả nước. Các tác giả này đã chỉ ra chiến lược chính sách phát
triển khu kinh tế ven biển thông qua một số bước như: (1) Xây dựng các đặc khu kinh tế; (2) Tăng cường mở cửa thành phố cảng ven biển; (3) xây dựng khu kinh tế tự do ven biển.
2.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Các chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước
Mặc dù là một quốc gia biển nhưng cho tới trước năm 2007 mô hình quản lý kinh tế biển của Việt Nam chưa thực sự hình thành. Chỉ tới khi ra đời Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mô hình quản lý kinh tế biển của Việt Nam mới được định hình rõ nét. Mô hình quản lý kinh tế biển của Việt Nam tập trung chủ yếu vào năm điểm chính là: (1) Khai thác và chế biến khoáng sản (trọng tâm vào dầu, khí);
(2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác và chế biến hải sản; (4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; (5) Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển.
Năm điểm này được nêu rõ trong Nghị quyết trên chính là sự tiếp tục đường lối đổi mới, mở cửa nền kinh tế trong tình hình mới. Theo Nghị quyết này, mục tiêu tổng quát trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là “đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Mục tiêu cụ thể về kinh tế là “phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước”. Việt Nam sẽ triển khai “xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh… Xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển”.
Để thực hiện chủ chương của Đảng và Nhà nước, vấn đề quản lý kinh tế biển được đặt lên hàng đầu. Nhiều chính sách và qui định pháp luật đã được
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam - 1
- Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam - 2
- Cơ Sở Lý Luận Về Quản Lý Kinh Tế Biển. Trong Chương Này,
- Một Số Quan Điểm Và Cách Tiếp Cận Về Quản Lý Kinh Tế Biển
- Chính Sách Quản Lý Thúc Đẩy Phát Triển Các Trung Tâm Kinh Tế Biển Trong Cạnh Tranh Quốc Tế
Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.
đưa ra. Hàng loạt các quy định pháp lý đã ra đời. Đặc biệt là năm 2012, Quốc
hội Việt Nam đã thông qua Luật biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý kinh tế biển Việt Nam. Về cơ bản, Luật biển Việt Nam phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Luật biển Việt Nam nêu rõ các nguyên tắc phát triển kinh tế biển Việt Nam là:
(1) Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (2) Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; (3) Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; (4) Gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo. Luật biển Việt Nam còn đưa ra 6 ngành nghề kinh tế biển mà Nhà nước ưu tiên phát triển là: (1) Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; (2) Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; (3) Du lịch biển và kinh tế đảo; (4) Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; (5) Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; (6) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.
Các công trình nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam, có một số công trình tiêu biểu nghiên cứu về về kinh tế
biển
và quản lý kinh tế
biển. PGS. TS. Chu Đức Dũng với Đề
tài cấp Nhà
nước “Chiến lược phát triển kinh tế biển Đông của một số nước Đông Á - Tác động và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” (Chu Đức Dũng , 2011). Trong đề tài này, tác giả đã trình bày một cách toàn diện những vấn đề lý luận cũng như thực tiến về quản lý và phát triển kinh tế biển. Tác giả đã nêu lên một số quan điểm khá mới mẻ về kinh tế biển như: Quản lý tổng hợp biển, phát triển trung tâm kinh tế biển, phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ chặt chẽ với biến
đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững. Tác giả đã nghiên cứu kỹ
lưỡng và sâu sắc kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của một số nước Đông Á, điển hình là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, từ đó rút ra một số vấn đề chung có tính qui luật và có những gợi ý chính sách cụ thể đối với phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
PGS. TS. Bùi Tất Thắng, đã có nhiều bài viết về kinh tế biển. Trong bài
viết “Tầm nhìn kinh tế hải đảo: Bài học và cơ hội của Việt Nam” ( Bùi Tất
Thắng, Báo Diễn đàn đầu tư, ngày 15/10/2012), PGS. TS. Bùi Tất Thắng đã
luận giải một cách khoa học về chiến lược chính sách phát triển biển của Việt nam đến 2020. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, trước mắt cần chủ trương tập trung xây dựng một số đảo có điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển, đảo, hình thành một số sản phẩm mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản,… nâng cao mức đóng góp của kinh tế đảo trong kinh tế cả nước. Các lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên trước hết gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo, coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích nhân dân ra định cư và lao động dài ngày trên các đảo và vùng biển quanh đảo; Phát triển một số ngành/sản phẩm chủ lực, có lợi thế của kinh tế đảo, bao gồm: Đánh bắt và chế biến hải sản, du lịch biển, đảo, các ngành dịch vụ biển, đảo, phát triển các ngành/sản phẩm kinh tế khác; Phát triển các lĩnh vực giáo dục, xã hội; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học-công nghệ biển; Tập trung xây dựng một số đảo trọng điểm về kinh tế, trước mắt là phát triển du lịch tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế biển, đảo trong thời gian tới thành các đảo có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, trong bài viết “Về chiến lược kinh tế biển
của Việt Nam” (Trần Đình Thiên, Báo Tia Sáng, ngày 12/8/2011), ông đã nêu
rõ, đã đến lúc cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược quản lý để
phát triển kinh tế biển. Phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc”
sang phương thức kết hợp: Khai thác mặt tiền (biển - lợi thế địa chiến lược) + tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển.
Để định hình tư duy mới về kinh tế biển, theo ông, có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, việc định hình chiến lược quản lý để phát triển kinh tế biển cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện. Một là khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển); Hai là khai thác vùng bờ biển (vùng duyên hải với các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển); Ba là phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và
các khu vực kết nối (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển khoa
học - công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển, kết nối tuyến du lịch đất liền, v.v.). Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục của một chuỗi phát triển cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào. Thiếu một khâu bất kỳ nào, các ngành kinh tế biển cũng đều sẽ bị mất cân đối, khó vươn lên thành
ngành hiện đại, hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh quốc tế. Thứ
hai, cùng với cách tiếp cận chuỗi (hệ thống tổng thể), cần chú ý nguyên tắc tập trung phát huy lợi thế trong phát triển. Với nguồn lực có hạn, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm trong chiến lược biển để ưu tiên thực hiện là một yêu cần bắt buộc đối với Việt Nam. Thực chất của yêu cầu này là căn cứ vào điều kiện cụ thể và lợi thế hiện có - hiện nay, đối với nước ta, chủ yếu là lợi thế “tĩnh”, bao gồm các lợi thế về tài nguyên biển và lợi thế địa kinh tế, lợi thế địa chiến lược để lựa chọn điểm đột phá cụ thể cho từng lĩnh vực, ngành kinh tế biển. Việc thực hiện nó nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán trong đầu tư phát triển kinh tế biển, gây lãng phí và kém hiệu quả.
Công trình tập thể của Ban Tuyên giáo Trung ương “Chiến lược biển Việt Nam: Từ quan điểm tới thực tiễn” (Ban Tuyên giáo Trung ương , 2010) đã làm nổi bật được tiềm năng biển đảo Việt Nam cũng như các vấn đề thực tiễn của kinh tế biển Việt Nam. Đặc biệt việc gắn kết giữa phát triển kinh tế biển và an ninh biển đảo, cũng như việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng được đề cập đến ở đây.
PGS. TS. Đào Huy Quát và PGS. TS. Phạm Văn Linh, với cuốn sách “Phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam” (Đào Huy Quát và Phạm Văn Linh, 2011), đã tập trung nghiên cứu các vấn đề về quản lý, điều tra, khai thác tài nguyên biển đảo, phát triển kinh tế hàng hải, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ngoài các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên còn có một số luận văn luận án nghiên cứu về kinh tế biển và quản lý kinh tế biển Việt Nam như luận văn thạc sĩ của Lý Kim Thụy với đề tài “Phát triển kinh tế biển tỉnh Cà Mau - Thực trạng và giải pháp” năm 2011; luận văn thạc sĩ của Phạm Thị Hoàng Dung với đề tài “Đánh giá tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển kinh
tế biển huyện Gò Công Đông (Tỉnh Tiền Giang)” năm 2009; luận văn thạc sĩ
của Nguyễn Thụy Ngọc Trang với đề tài “Tiềm năng, thực trạng và định
hướng phát triển kinh tế biển Tỉnh Ninh Thuận” năm 2011. Đây là các công trình nghiên cứu đặc thù về phát triển kinh tế biển và quản lý kinh tế biển của các tỉnh thành trong cả nước. Các công trình này đều nêu ra được một số khái niệm về kinh tế biển, thực trạng phát triển kinh tế biển của địa phương và đưa ra được một số giải pháp cho địa phương mình.
2.3. Những vấn đề đã thống nhất, các vấn đề còn tranh luận, các vấn đề còn bỏ ngỏ liên quan đến luận án
Các vấn đề đã thống nhất
Qua việc điểm lại các công trình nổi bật trong và ngoài nước có thể thấy được các thành tựu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phần lớn các công trình nghiên cứu đã đề cập nhiều đến khái niệm thế nào là kinh tế biển. Các khái niệm này cũng đã được làm rõ nhưng chưa có một sự thống nhất. Nhưng nhìn chung các khái niệm về kinh tế biển được chỉ ra từ các công trình nghiên cứu đều xuất phát từ thực tiễn về phát triển kinh tế biển. Các khái niệm này đều cho rằng kinh tế biển chính là các hoạt động về kinh tế có liên quan trực tiếp hoặc liên quan gián tiếp tới biển. Trong đó, hoạt động kinh tế biển nếu được hiểu theo nghĩa hẹp thì nó là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì nó còn bao gồm các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển, tuy không phải diễn ra trên biển nhưng những hoạt động kinh tế này lại nhờ vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển. Còn quản lý kinh tế biển ở góc độ quản lý vĩ mô thì chính là các hoạt động quản lý, các chính sách quản lý các hoạt động kinh tế biển. Quản lý kinh tế biển ở góc độ vi mô chính là hoạt động quản lý ở cấp độ doanh nghiệp hoặc các chủ thể trực tiếp khai thác biển.
Thứ hai, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra được vai trò cũng như tầm quan trọng của quản lý kinh tế biển. Đây là một trong những yếu tố quyết định tới phát triển kinh tế biển cũng như phát triển kinh tế nói chung của các quốc gia ven biển. Các siêu cường như Mỹ và các cường quốc như Nhật Bản, Anh,
… đều đi lên từ kinh tế biển và kinh tế biển chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển
kinh tế của họ. Tuy nhiên, luận điểm cho rằng chỉ có các quốc gia ven biển
(tức là tối thiểu phải có bờ biển) thì biển mới có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế không phải lúc nào cũng đúng. Thực thế đã cho thấy, có những quốc gia không có đường bờ biển vẫn có thể coi biển làm một nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế, chẳng hạn như: Mông Cổ, một quốc gia không có biển nhưng vẫn phát triển kinh tế hàng hải, vẫn có đội tàu và thực hiện các dịch vụ về kinh tế hàng hải; Thụy Sỹ có công ty vận tải bằng tàu biển lớn nhất thế giới.
Thứ ba, các nghiên cứu trên đã nêu được các nội dung của quản lý kinh tế biển như: (1) Các chính sách quản lý kinh tế biển; (2) Các tổ chức cơ quan nhằm quản lý kinh tế biển.
Còn nội dung của phát triển kinh tế biển chủ yếu gồm: (1) Kinh tế hàng hải; (2) Khai thác tài nguyên biển; (3) Khai thác thủy hải sản; (4) Du lịch biển;
(5) Các khu kinh tế ven biển. Đây là những lĩnh vực chủ chốt của hoạt động kinh tế biển.
Các vấn đề còn tranh luận
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên trong các
nghiên cứu đi trước, vẫn thiếu vắng một số vấn đề chưa được đi sâu nghiên cứu kỹ.
Thứ nhất, sự tranh cãi gay gắt nhất diễn ra xoay quanh vấn đề thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển: Cần có quan điểm hệ thống phát triển kinh tế biển hay quan điểm tập trung vào một số ngành, vùng then chốt. Quan điểm hệ thống cho rằng cần phát triển đồng đều các ngành và các sản phẩm của kinh tế biển ngay từ đầu, nếu không sẽ dẫn tới lãng phí lợi thế phát triển và tạo ra khoảng cách phát triển kinh tế giữa các vùng, miền. Quan điểm tập trung vào một số ngành, vùng then chốt chứng minh rằng: Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nếu dàn trải cùng một lúc phát triển nhiều ngành, nhiều sản phẩm sẽ dẫn tới phân tán nguồn vốn và nguồn lực và phát triển không hiệu quả. Nếu ngay từ đầu, biết chọn ra các lĩnh vực mà mình có lợi thế nhất và có khả năng thành công nhất, tập trung nguồn lực vào đó thì sự phát triển sẽ mang lại hiệu
quả
cao hơn. Hơn nữa, sự
phát triển theo kiểu “cực tăng trưởng” sẽ có tác
dụng lan toả, lôi kéo các vùng khác phát triển theo, cuối cùng cũng dẫn tới sự
phát triển đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Thực tế đã chỉ ra rằng, có những quốc gia phát triển đồng đều tất cả các lĩnh vực liên quan tới kinh tế biển miễn là có thể phát triển được (như Trung Quốc, Malaysia) thì cũng có thể đạt được những thành quả nhất định trong khi đó có những quốc gia chỉ phát triển một vài lĩnh vực nhưng vẫn đạt được thành công trong phát triển kinh tế (như Singapore là một quốc đảo nhưng hầu như không phát triển ngành khai thác hải sản, không làm muối, phần lớn hải sản ở Singapore được nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam).
Thứ hai, về quan hệ giữa quản lý kinh tế biển và phát triển kinh tế biển cũng còn nhiều vấn đề còn để ngỏ. Có một số người cho rằng: Phát triển kinh tế biển và quản lý kinh tế biển là hai lĩnh vực tương đối tách biệt, không nhất thiết có quan hệ với nhau. Một số người khác lại khẳng định: Phát triển kinh tế biển và quản lý kinh tế biển có mối quan hệ khăng khít, gắn bó, không thể tách rời, nếu xét theo mục đích hiệu quả cuối cùng.
Thứ ba, về mối quan hệ giữa kinh tế biển và vấn đề về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn có nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo thì phải phát triển kinh tế biển. Những ý kiến ngược lại cho rằng, phát triển kinh tế biển không nhất thiết phải đi đôi với vấn đề an ninh quốc phòng.
Thứ tư, cuối cùng vẫn còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về quản lý kinh tế biển, mà trong đó đề cập tương đối đầy đủ các vấn đề như: Những vấn đề lý luận của quản lý kinh tế biển, quan điểm và tư duy về quản lý kinh tế biển, nội dung của quản lý kinh tế biển, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế biển
3. Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu các vấn đề về lý luận và thực tiễn của quản lý kinh tế biển của một số nước trên thế giới, trường hợp Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
4. Phạm vi nghiên cứu
Quản lý kinh tế biển là một lĩnh vực rộng, nó bao gồm cả quản lý doanh
nghiệp, quản lý nhà nước về kinh tế biển. Chính vì vậy, phạm vi nghiên cứu của đề tài này chỉ tập trung nghiên cứu ở tầm vĩ mô, tức là nghiên cứu quản lý của nhà nước đối với kinh tế biển, trong đó tập trung vào các chính sách quản lý kinh tế biển và các cơ quan quản lý kinh tế biển, với trọng tâm là quản lý nhà nước đối với vào năm lĩnh vực là kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản biển, khai hải sản, du lịch biển và các khu kinh tế biển.
Đề tài cũng đặt trọng tâm vào nghiên cứu kinh nghiệm quản lý kinh tế biển của 3 nước Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
Về thời gian, đề tài nghiên cứu kinh nghiệm quản lý kinh tế biển của các nước trong giai đoạn từ những năm 1980 tới nay (2011), bởi vì giai đoạn những năm 1980 đến nay là thời kỳ kinh tế biển của các nước này phát triển mạnh và có nhiều nét đặc trưng nổi bật.
5. Mục đích nghiên cứu
Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của quản lý kinh tế biển của Trung Quốc, Malaysia và Singapore nhằm rút ra kinh nghiệm có ích cho Việt Nam, từ đó có một số gợi ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.
6. Phương pháp nghiên cứu
Ngoài các phương pháp cơ
bản được sử
dụng trong việc nghiên cứu
khoa học xã hội nói chung cũng như trong kinh tế học nói riêng như phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp logic lịch sử, phương pháp trừu tượng hoá khoa học, đề tài còn sử dụng phương pháp thống kê, phân tích - tổng hợp, so sánh, dự báo để làm rõ hơn nội dung nghiên cứu.
Về số liệu, đề tài sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp là các nghiên cứu đáng tin cậy của các học giả và các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.
Đề tài còn sử dụng phương pháp hội thảo khoa học, phương pháp trao đổi, khảo sát thực tế,…
7. Những đóng góp của đề tài