chống tư tưởng cầu an, lo bảo toàn tính mạnh mà không kiên quyết đấu tranh;
chống tư tưởng cục bộ địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, các tỉnh uỷ đã tổ chức, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể, nhân dân khắp nơi rầm rộ mít tinh, biểu tình mừng thắng lợi. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đông tới 500 - 700 người, thậm chí tới hàng chục nghìn người đã diễn ra trong vùng quân đội liên hiệp Pháp tạm đóng, điển hình là ở Gò Công có tới 30 000 người.
Trước phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ, rầm rộ của nhân dân, quân đội Pháp đã ngang nhiên đàn áp dã man như ở Củ Chi, Sài Gòn-Chợ Lớn, Gò Công, Vĩnh Trà, Bến Tre...Nhận thấy các cuộc biểu tình của nhân dân diễn ra ở gần nơi quân Pháp đóng quân bị chúng đàn áp, để bảo vệ an toàn cho nhân dân, giữ gìn lực lượng cho đấu tranh sau này, Trung ương Cục miền Nam chỉ thị các tỉnh uỷ không nên tổ chức biểu tình, mít tinh, treo cờ gần nơi quân Pháp đồn trú, tránh bị địch đàn áp. Vì “Lúc này là chúng ta đương chuyển hướng phong trào. Chúng ta cần bảo tồn lực lượng, củng cố cơ sở, nuôi dưỡng tinh thần của nhân dân và đề phòng âm mưu khiêu khích, phá hoại của bọn hiếu chiến” [174].
2.2.2.3. Bố trí lại lực lượng, chuẩn bị chuyển vào hoạt động bí mật, bảo
vệ tổ chức Đảng và lực lượng cách mạng
Trong và sau khi ta chuyển quân tập kết, trên những địa bàn Pháp chiếm đóng về quân sự, tình hình rất khó khăn phức tạp, nhất là vấn đề tổ chức; chúng ráo riết thực hiện mọi hoạt động nhằm "hạn chế, làm yếu, cuối cùng tiêu diệt ta".
Ngày 12 - 9 - 1954, Ban Tổ chức Trung ương chỉ thị cho Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam về một số vấn đề cần lưu ý trong công tác tổ chức, nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát triển cơ sở của ta, trong đó lưu ý việc tổ chức bộ máy để lại Nam Bộ phải gọn để tránh địch phát hiện; cân nhắc kỹ lưỡng khi cho các tổ chức, cán bộ hoạt động công khai, phải bảo đảm bí mật, bảo toàn lực lượng; chưa nên phát triển Đảng, nơi nào thật cần thiết cũng chỉ nên kết nạp ít và thận trọng; tổ chức Đảng hoạt động bí mật; tổ chức quần chúng thì hết sức lợi dụng hình thức công khai và bán công khai [42]
Có thể bạn quan tâm!
- Lãnh Đạo Phát Triển Nền Kinh Tế Kháng Chiến, Tăng Cường Khối Đại Đoàn Kết Dân Tộc
- Thực Hiện Nghĩa Vụ Quốc Tế, Giúp Đỡ Nhân Dân Campuchia Kháng
- Lãnh Đạo Đấu Tranh Sau Hiệp Định Giơnevơ, Chuyển Hướng
- Xứ Ủy Nam Bộ, Trung Ương Cục Miền Nam Được Tổ Chức Và Hoạt Động Sát Hợp Với Đặc Điểm Địa Bàn Phụ Trách, Đạt Hiệu Quả Lãnh Đạo Cao
- Thực Hiện Hiệu Quả Nhiệm Vụ Giúp Đỡ Cuộc Kháng Chiến Của Nhân Dân Campuchia, Góp Phần Xây Dựng Liên Minh Chiến Đấu Của Hai Dân Tộc Chống Kẻ Thù
- Quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam từ năm 1945 đến năm 1954 - 18
Xem toàn bộ 182 trang tài liệu này.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương về công tác tổ chức, song song với chuyển quân tập kết, Trung ương Cục miền Nam chỉ thị các tỉnh ủy kiên quyết nắm vững và nỗ lực thi hành các công tác trọng tâm: Chuyển hướng tổ chức, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.[179; 183].
Về chuyển hướng tổ chức, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 46/CT- TWC, ngày 18-8-1954, yêu cầu các tỉnh tập trung thực hiện một số khâu công tác cấp bách để kịp thời chuyển hướng hoạt động của cả tổ chức Đảng và quần chúng; có kế hoạch bảo vệ, duy trì tổ chức Đảng và quần chúng trong vùng địch chiếm đóng. Khâu quan trọng trước hết là củng cố các chi ủy bí mật, nắm vững các tiểu tổ nòng cốt của các chi bộ, coi trọng thành phần đảng viên là bần, cố, trung nông. Các tỉnh ủy đặc biệt chú trọng củng cố các xã căn cứ của huyện, tỉnh để làm chỗ đứng chân lãnh đạo phong trào. Các Liên Khu ủy đôn đốc, kiểm tra toàn bộ công tác này và chịu trách nhiệm trước Trung ương Cục miền Nam.
Đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân: Tại một số vùng Cao Đài, Hòa Hảo, sau khi bộ đội rút đi, một số lãnh tụ đạo giáo tổ chức hoạt động chống phá cách mạng, giết hại nhân dân. Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các Tỉnh ủy phải hết sức chú ý đề phòng những hoạt động khủng bố nhằm mục đích tiêu hao lực lượng cốt cán của ta, cần "biết tránh và biết ở”. Phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không được để bộc lộ lực lượng tổ chức Đảng và quần chúng, đề phòng mọi mưu mô khiêu khích của địch, không hoang mang sợ sệt, không manh động. Tại những nơi địch lập ngụy quyền xã, cần vận động nhân dân đấu tranh đòi thi hành bầu cử chính quyền hoặc đưa người của ta vào nắm ngụy quyền. Trong tình hình địch khủng bố, tàn sát, cướp bóc nhân dân, cần vận dụng những hình thức đấu tranh nhẹ nhàng, hợp pháp nhằm bảo vệ tính mạng tài sản nhân dân; giữ gìn trật tự, an ninh cho nhân dân, lấy xóm ấp làm cơ sở tranh đấu.
Trung ương Cục miền Nam nhấn mạnh: đây là giai đoạn chuyển biến từ hình thức đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, nên quần chúng, đảng viên còn nhiều lúng túng; trong khi địch luôn thực hiện âm mưu khủng bố, khiêu khích, gây rất nhiều khó khăn cho ta. Vì vậy, các tỉnh ủy phải hết sức theo dõi, nắm sát tình hình, những biến chuyển trong tư tưởng của cán bộ, nhân dân, đi sát quyền
lợi, nguyện vọng của nhân dân để đề ra khẩu hiệu đấu tranh và cách thức tổ chức đấu tranh cho phù hợp và đạt hiệu quả, tránh lãnh đạo theo ý muốn chủ quan. Trong lãnh đạo đấu tranh, phải thấm nhuần và nắm vững phương châm "kiên nhẫn, thận trọng, cảnh giác, trường kỳ, gian khổ nhất định thắng lợi".
Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi nhưng cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mới hoàn thành trên nửa nước, từ vĩ tuyến 17 trở vào, đồng bào, đồng chí miền Nam tạm thời dưới quyền kiểm soát của chính quyền tay sai Mỹ. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới trong điều kiện quốc tế và trong nước có những thuận lợi to lớn, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, phức tạp.
Do điều kiện, hoàn cảnh mới, vấn đề tổ chức và lãnh đạo của các Đảng bộ miền Nam cần có sự điều chỉnh. Bộ Chính trị yêu cầu tổ chức Đảng ở Nam Bộ phải đảm bảo nghiêm mật, trong sạch, gọn nhẹ; cơ quan lãnh đạo vững chắc, gọn gàng; thống nhất về lãnh đạo. Trung ương Đảng quyết định chấm dứt hoạt động của Trung ương Cục miền Nam và thành lập Xứ uỷ Nam Bộ cho phù hợp với điều kiện Đảng rút vào hoạt động bí mật.
Ngày 6 -9- 1954, Bộ Chính trị quyết định: "Bỏ Cục Trung ương miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ và các khu ủy... Trung ương sẽ thành lập một bộ phận giúp Trung ương chỉ đạo miền Nam; bộ phận này do một đồng chí trong Bộ Chính trị phụ trách"[69, tr.281]. Trung ương tăng cường những cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu chiến trường vào miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, về tổ chức của các Đảng bộ miền Nam trong giai đoạn mới, tháng 10- 1954, tại căn cứ Chắc Băng (Cà Mau), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được tiến hành. Xứ uỷ Nam Bộ là cấp uỷ trực thuộc Trung ương, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam.
Căn cứ vào chủ trương, chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và việc tái lập Xứ ủy Nam Bộ, trên danh nghĩa, Trung ương Cục miền Nam kết thúc hoạt động, hoàn thành sứ mệnh, vai trò và nhiệm vụ của một phân cục Trung ương của Đảng ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Do tình hình
Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong thời gian đầu, việc chuyển hướng đấu tranh còn nhiều khó khăn, lúng túng, việc tổ chức, bộ máy và nhân sự cho Xứ ủy tái lập và sự vận hành cần có thời gian, nên trên thực tế, Trung ương Cục miền Nam vẫn trực lãnh đạo các Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ tiếp tục thực hịên một số nhiệm vụ của cách mạng miền Nam cho đến cuối năm 1954.
* *
*
Trực tiếp lãnh đạo kháng chiến trên địa bàn Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam luôn nắm vững đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, kịp thời lãnh đạo các cấp bộ Đảng và nhân dân Nam Bộ đẩy mạnh toàn diện kháng chiến, hòa nhịp với chiến trường cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam và các cấp bộ Đảng, quân dân Nam Bộ đã tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng được phong trào đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp trên các địa bàn trong đợt hoạt động phối hợp Đông Xuân 1954-1954 và chiến trường chính Điện Biên Phủ; đấu tranh phối hợp với quá trình đàm phán của ta tại Giơnevơ. Trung ương Cục miền Nam tiếp tục lãnh các cấp bộ Đảng và nhân dân Nam Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng rất thành công, sáng tạo, vừa giải quyết được quyền lợi về ruộng đất cho nông dân, vừa đảm bảo thực hiện tốt chính sách Mặt trận đoàn kết dân tộc của Đảng và tư tưởng Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, tổ chức Đảng các cấp ở Nam Bộ không ngừng được kiện toàn gắn với các nhiệm vụ trung tâm của Nam Bộ. Mặc dù có những vấn đề chưa thành công như lãnh đạo đấu tranh kinh tế với địch, bảo vệ, giữ giá trị đồng bạc Việt Nam trong các khu căn cứ, những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện chính sách ruộng đất..., nhưng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đề cao tính chủ động, năng động sáng tạo của các địa phương; chú trọng tổng kết thực tiễn, thực hiện nghiêm túc công tác phê bình, kịp thời khắc phục những sai lầm trong chỉ đạo thực tiễn là một nhân tố thành công trong hoạt động lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam giai đoạn này.
3.1. Nhận xét
Chương 3
NHẬN XÉT, KINH NGHIỆM
3.1.1. Duy trì Xứ ủy Nam Bộ rồi thành lập Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng
Trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, duy trì Xứ ủy Nam Bộ rồi thành lập Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của phong trào kháng chiến ở Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Về việc duy trì Xứ ủy Nam Bộ: Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cùng với việc nắm chính quyền trên toàn quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương từng bước tiến hành hiệu chỉnh hệ thống bộ máy tổ chức cho phù hợp với những biến đổi về đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc kháng chiến kiến quốc. Trung ương Đảng chủ trương kết thúc hoạt động của các Xứ ủy, thiết lập sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương tới các tỉnh bộ. Tháng 10 - 1946, Trung ương Đảng quyết định giải thể Xứ uỷ Trung Bộ và đến tháng 6- 1947 giải thể Xứ ủy Bắc Bộ.
Do đặc điểm cụ thể của tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, nhất là do khoảng cách địa lý và sự chia cắt của chiến trường, việc thiết lập sự lãnh đạo tập trung, trực tiếp của Trung ương Đảng đối với các Đảng bộ tỉnh ở Nam Bộ như đã thực hiện tại Bắc Bộ và Trung Bộ rất khó khăn, nên Trung ương chủ trương duy trì và củng cố Xứ ủy Nam Bộ. Xứ ủy Nam Bộ là tổ chức lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ Nam Bộ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (đóng ở Việt Bắc), chịu trách nhiệm lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng. Quyết định của Trung ương Đảng phù hợp với hoàn cảnh nhân dân Nam Bộ vừa tiến hành xây dựng chế độ
mới, vừa phải kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chỉ sau 28 ngày đất nước giành được độc lập, nội bộ Đảng bộ Nam Bộ còn tồn tại sự bất đồng và chia rẽ về tổ chức, cần phải có một cơ quan lãnh đạo tại chỗ, tập trung, thống nhất, đủ sức khắc phục hạn chế, chấn chỉnh đội ngũ và lãnh đạo phong trào kháng chiến.
Trong quá trình hoạt động, tuy có thời gian bị gián đoạn, Xứ ủy Nam Bộ đã thực hiện vai trò lãnh đạo phong trào kháng chiến tại Nam Bộ trong những năm đầu chống quân xâm lược Pháp và giúp phong trào kháng chiến của nhân dân Campuchia. Trên nhiều vấn đề, nhiều nội dung lãnh đạo, Xứ ủy đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, có những đóng góp to lớn vào lý luận và thực tiễn lãnh đạo kháng chiến nói chung cũng như công tác xây dựng Đảng. Bước trưởng thành của Đảng bộ và phát triển vượt bậc của phong trào kháng chiến của quân và dân Nam Bộ trong nửa đầu cuộc kháng chiến là minh chứng cho sự vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo nguyên tắc tổ chức của Đảng Mác-Lênin vào hoàn cảnh của Việt Nam, của Nam Bộ lúc bấy giờ.
Về việc lập Trung ương Cục miền Nam: Từ năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên cả nước chuyển sang giai đoạn phản công và tiến công. Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn kháng chiến, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951) quyết định thành lập các “Cục Trung ương” để "chỉ đạo các địa phương xa".
Tại Nam Bộ, phong trào kháng chiến phát triển, nhiều yêu cầu mới đặt ra trong công tác lãnh đạo, như: đẩy mạnh phong trào kháng chiến phối hợp nhịp nhàng, kịp thời với các chiến trường trên phạm vi Đông Dương; thực hiện chính sách ruộng đất, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở chấp hành chủ trương chung của Đảng, đồng thời, phải phù hợp với đặc điểm của Nam Bộ... Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn Đảng lần thứ II về việc thành lập tại mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng riêng chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc kháng chiến của mỗi dân tộc đi đến thắng lợi và gia tăng mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, Đảng chủ trương giúp lực
lượng cách mạng Campuchia thành lập Đảng nhân dân cách mạng Khơme, thực
hiện nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Campuchia theo phương thức mới.
Những yêu cầu mới đặt ra trong công tác lãnh đạo đối với phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Bộ cũng như trong tăng cường liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia phù hợp với hoàn cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương chia tách đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính chiến lược, nhạy bén, trực tiếp và kịp thời ở cấp cao nhất của Đảng. Mô hình tổ chức và thẩm quyền của cơ quan lãnh đạo cao nhất ở Nam Bộ cho đến lúc này là cấp Xứ - cấp thừa hành, bộc lộ nhiều bất cập và không thích hợp nữa. Mặt khác, dù đã thiết lập phương thức lãnh đạo thông qua liên lạc điện đài thường xuyên, nhưng Trung ương vẫn gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình hình và lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Nam Bộ.
Từ yêu cầu thực tiễn đó, căn cứ Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ II, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành (khóa II) họp từ ngày 13 đến ngày 16-3- 1951 quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ. Cũng cần thấy rằng, yêu cầu nâng cấp cơ quan lãnh đạo ở miền Nam đã được đặt ra từ năm 1949, song, việc thiết lập một cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương có bộ máy tổ chức và cơ cấu nhân sự hoàn chỉnh, trực tiếp phụ trách một địa bàn cụ thể là vấn đề hệ trọng, cần phải được xem xét và chủ trương ở cấp lãnh đạo cao nhất là Đại hội Đảng.
Thành lập Trung ương Cục miền Nam để trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Nam Bộ vào năm 1951 là một quyết định đúng đắn xuất phát từ những đề xuất rất sáng tạo của Đảng bộ Nam Bộ và cán bộ lãnh đạo của Đảng tại Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng vô sản theo chủ nghĩa Lênin.
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tổ chức theo nguyên lý tổ chức Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Lênin: Đảng là một chỉnh thể thống nhất “hết sức có tổ chức” [100, tr.286], Đảng tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ tập trung, “cấp dưới phải phục tùng cấp trên”, “bộ phận phục tùng toàn bộ và
thiểu số phục tùng đa số..., dưới quyền lãnh đạo của một cơ quan Trung ương” [101, 460-461]. Lênin viết:
Các đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ …đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong đảng có một kỷ luật sắt, gần giống như kỷ luật quân sự, và nếu Trung ương Đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi, được toàn thể đảng viên tin cậy [102, tr.253].
Những nguyên tắc trên nhất là nguyên tắc "một cơ quan Trung ương"' luôn được Đảng Cộng sản Đông Dương tuân thủ, được qui định trong các bản Điều lệ của Đảng ban hành từ khi thành lập và được thực thi một cách nghiêm minh trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng. Trong thực tế, do hoàn cảnh hoạt động bí mật, liên tục bị kẻ thù khủng bố, từ năm 1930, đã xuất hiện các "địa bộ phận Trung ương" phụ trách các địa bàn Trung Kỳ, Nam Kỳ. Tuy nhiên các "địa bộ phận Trung ương" (một số tài liệu viết là phân cục Trung ương) không hình thành tổ chức, chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, không được qui định trong Điều lệ Đảng; không được chế định nguyên tắc làm việc, dễ dẫn đến nguy cơ phân quyền, biệt phái, nhất là trong hoàn một nước nông nghiệp thuộc địa, phong kiến lạc hậu, đảng viên đại đa số xuất thân từ thành phần nông dân.
Chủ trương thành lập Trung ương Cục đã được quyết định ở cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội Đảng, được ghi trong Điều lệ Đảng, đúng với nguyên tắc tổ chức dân chủ, tập trung của chính đảng vô sản theo chủ nghĩa Lênin, tạo ra sự thống nhất cao và điều kiện cho Trung ương Cục thực thi nhiệm vụ được thuận lợi. Bên cạnh đó, Trung ương Cục được chế định rõ và chặt chẽ về nguyên tắc tổ chức và cơ chế hoạt động. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của Trung ương Cục do Ban Chấp hành Trung ương ấn định. Trung ương Cục căn cứ vào chủ trương chung của Trung ương mà đề ra chủ trương, nhiệm vụ