Hiệu trưởng chỉ đạo, hướng dẫn GV theo nhóm, theo tổ xây dựng giáo án mẫu ở những tiết khó, bài khó để họ có thể tham khảo nhằm thống nhất về mục đích, yêu cầu và nội dung kiến thức GDMT lồng ghép để tránh lệch lạc xảy ra. GV cần có giáo án trước khi lên lớp, các đồ dùng, thiết bị dạy học phù hợp với tiết học cần phải được chuẩn bị như: tranh ảnh, tài liệu liên quan…sau các tiết dạy giáo viên tự rút kinh nghiệm về những kiến thức, phương pháp GDMT để tích lũy tạo nguồn tư liệu cho quá trình giảng dạy.
Song song với việc dự giờ chuyên môn, Hiệu trưởng cần có kế hoạch dự giờ các tiết có lồng ghép tích hợp GDMT ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở nội dung chương trình đã biên soạn, kế hoạch dự giờ nên tập trung vào những môn học mang tính trọng tâm và dàn đều các môn trong kỳ học, năm học. Dự nhiều GV khác nhau ở đầy đủ các môn ở các khối lớp.
Hiệu trưởng cũng chỉ đạo các tổ chuyên môn lập kế hoạch dự giờ theo đợt, theo kỳ phù hợp với kế hoạch chung của nhà trường. Chủ động thực hiện kế hoạch, phân công GV dạy và mời Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dự. Hiệu trưởng nhất thiết phải tham gia các tiết thao giảng và phân tích bài dạy. Qua đó giúp GV các tổ định hướng, phân tích, đánh giá giờ dạy theo đúng mục tiêu, đồng thời kết luận những mặt đã đạt được, những tồn tại cần khắc phục để GV từng bước vận dụng vào tiết dạy.
* Chỉ đạo thực hiện kế hoạch
- Chỉ đạo GV làm kế hoạch GDMT năm học, học kỳ, kế hoạch tháng, kế hoạch các môn học có lồng ghép GDMT, kế hoạch tổ chuyên môn. Dựa trên kế hoạch đó Hiệu trưởng lên kế hoạch chung của nhà trường. Sau đó các cá nhân, các tổ chuyên môn điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện chung của nhà trường. Chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện GDMT hiệu quả.
- Đảm bảo phương tiện dạy học trong GDMT: phương tiện dạy học đóng vai trò rất quan trọng trong giảng dạy, GDMT. Các nhà GD phải biết khai thác, sử dụng phương tiện dạy học một cách có hiệu quả.
- Tổ chức dự giờ, thao giảng của GV trong giảng dạy GDMT: thông qua dự giờ, thao giảng giúp cho GV và tổ chuyên môn rút được kinh nghiệm về nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy và sử dụng phương tiện trong quá trình dạy học.
Quản lý hoạt động của HS về GDMT: hoạt động của HS về GDMT được thể hiện qua tri thức, kỹ năng, hành vi và thái độ đối với môi trường. Thông qua các hoạt động GDMT, HS sẽ trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết về môi trường, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các vấn đề môi trường, để từ đó có thái độ, cách ứng xử đúng đắn, có trách nhiệm với môi trường.
* Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá các hoạt động GDMT
- Xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động GDMT, Hiệu trưởng dựa vào các tiêu chí theo các thời điểm khác nhau, qua đó Hiệu trưởng phát hiện ra những sai sót và điều chỉnh kịp thời.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Kiểm Tra, Đánh Giá Hoạt Động Giáo Dục Môi Trường Cho Học Sinh Ở Các Trường Trung Học Phổ Thông
- Thực Trạng Chỉ Đạo Thực Hiện Hoạt Động Giáo Dục Môi Trường Cho Học Sinh Ở Các Trường Trung Học Phổ Thông
- Các Biện Pháp Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Môi Trường Cho Học Sinh Ở Các Trường Thpt Thị Xã Phổ Yên, Tỉnh Thái Nguyên
- Chỉ Đạo Đảm Bảo Các Điều Kiện Hỗ Trợ Hoạt Động Giáo Dục Môi Trường Cho Học Sinh
- Quản lý hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh ở các trường trung học phổ thông thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - 14
- Quản lý hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh ở các trường trung học phổ thông thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - 15
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
Sau mỗi học kỳ, năm học, Ban Giám hiệu nhà trường cần chuẩn bị nội dung và tiến hành hội nghị sơ kết, tổng kết về kết quả học tập và giáo dục môi trường cho học sinh để chỉ ra những ưu điểm và hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế và rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo cho những năm học tiếp theo đạt kết quả cao hơn.
3.2.1.3. Điều kiện thực hiện
- Để nâng cao tính hiệu quả của các kế hoạch này, người hiệu trưởng cần phải xây dựng kế hoạch thật cụ thể, rõ ràng, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình của nhà trường; Để tránh quá tải trong việc lập kế hoạch, hiệu trưởng nên mạnh dạn phân cấp quản lí cho các bộ phận, phân công cho các bộ phận tự lập kế hoạch cho công việc mình phụ trách
- Hiệu trưởng chỉ đạo huy động nguồn kinh phí từ sự ủng hộ của doanh nghiệp, từ phụ huynh HS…để tổ chức thực hiện hoạt động GDMT.
- Để nâng cao chất lượng chức năng tổ chức hoạt động GDMT, người Hiệu trưởng cần quan tâm, theo dõi, hướng dẫn, động viên, chỉ đạo sát sao, điều chỉnh, sửa chữa kịp thời để các hoạt động GDMT diễn ra đúng kế hoạch và đạt kết quả cao.
- Để triển khai công tác kiểm tra, đánh giá Hiệu trưởng cần: Xây dựng được bộ các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động GDMT sát với mục đích yêu cầu của các chủ đề hoạt động, trong từng thời điểm. Xây dựng được lực lượng đánh giá có uy tín đối với từng hoạt động. Việc triển khai, đánh giá phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện và điều chỉnh những lệch lạc, sai sót trong quá trình thực hiện kế hoạch.
3.2.2. Chỉ đạo tích hợp nội dung giáo dục môi trường và đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục môi trường cho học sinh
3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp
Tích hợp nội dung giáo dục môi trường nhằm cung cấp cho HS các kiến thức về môi trường, nhằm giúp HS có được sự hiểu biết về môi trường, có kĩ năng sống và làm việc trong một môi trường trong lành, bền vững. Giúp người học có thái độ, cách ứng xử đúng đắn trước các vần đề về môi trường và luôn thân thiện với môi trường, biết sử dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương. Tích hợp nội dung giáo dục môi trường cần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm thực hiện nhiệm vụ GDMT đạt kết quả tốt nhất.
3.2.2.2. Nội dung và cách thức thực hiện
* Chỉ đạo xây dựng nội dung giáo dục môi trường cho HS:
Chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục môi trường: GDMT trong nhà trường có thể tìm thấy trong nhiều môn học và hoạt động. Ngoài những môn học về môi trường được đưa vào giảng dạy chính thức, nội dung GDMT có thể lồng ghép vào nội dung rất nhiều môn học khác. Tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học chương Chuyển hóa vật chất và năng lượng", Sinh học lớp 11; Tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học phần Sinh thái học, Sinh học lớp 12; Tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học Vật lí 12; Vận dụng tiếp cận hệ thống để tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học Sinh thái học cấp độ trên cơ thể, Sinh học 12…
Nội dung giáo dục môi trường phải được coi là nội dung chính thống, có hệ thống, có chất lượng và phải hiệu quả. Cách thức đưa vào chương trình phổ thông và phương thức đào tạo có thể mềm dẻo nhưng việc đánh giá kết quả phải được đặt ra một cách tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Cần phải giúp cho học sinh tự mình chiếm lĩnh được tri thức, kỹ năng và tự thân các học sinh xác định thái độ phái đối xử đúng đắn với thiên nhiên như chính ngôi nhà của mình.
Tổ chuyên môn xây dựng các chủ đề quy tụ để tích hợp giáo dục môi trường.
Chúng tôi đề xuất các chủ đề sau:
- Chủ đề “Môi trường và sự phát triển bền vững”:
- Chủ đề “Môi trường không khí”: GV tích hợp nội dung sau: Thời tiết và khí hậu; Các hình thái thời tiết cực đoan, Hiệu ứng nhà kính; Ô nhiễm không khí; Ảnh hưởng của sự tăng, giảm nhiệt độ; Bảo vệ sự cân bằng bầu khí quyển.
- Chủ đề “Môi trường nước”: Ảnh hưởng của sự thay đổi lượng mưa; Mưa axit và ảnh hưởng của mưa axit; Lũ lụt và hạn hán; Kịch bản nước biển dâng; Hấp thụ khí nhà kính; Sử dụng hợp lý các nguồn nước; Bảo vệ tài nguyên sông, cửa sông, biển…; Chống ô nhiễm nước và bảo vệ nguồn thủy sản.
- Chủ đề “Môi trường đất”: Lũ lụt và hạn hán; Chống xói mòn đất và thoái hóa đất; Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đất; Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản; Canh tác bền vững và sự hấp thụ khí nhà kính; Quy hoạch môi trường lãnh thổ.
- Chủ đề “Môi trường kinh tế - xã hội”: Đạo đức môi trường; Kinh tế và môi trường; Chính trị và môi trường; Chiến lược và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Đổi mới phương pháp dạy học giáo dục môi trường cho học sinh
Chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy: Việc lựa chọn phương pháp nào để phù hợp với nội dung GDMT là một việc làm có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao hiệu quả GDMT. Trong GDMT, ngoài việc sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống cần chú ý vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hướng người học gắn với các hoạt động thực tiễn. Đặc biệt là những phương pháp mang tính đặc thù của GDMT.
Phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan
Trong GDMT, việc sử dụng các phương tiện trực quan có một ý nghĩa lớn, bởi vì HS chỉ có thể quan sát được một số các vấn đề về MT trên thực tế, còn phần lớn các vấn đề MT ở Việt Nam và trên thế giới HS không có điều kiện quan sát trực tiếp, mà chỉ có thể nhận biết được trên cơ sở các phương tiện trực quan.
Phương tiện trực quan trong dạy học GDMT khá đa dạng, song các tranh ảnh; băng, đĩa hình có nội dung về MT giúp HS có thể dễ dàng nhận biết được
những vấn đề của MT như hiện tượng ô nhiễm không khí, nguồn nước ; hiện tượng xói mòn, sạt lở đất…
Bản chất của phương pháp sử dụng tranh ảnh, băng, đĩa hình là phương pháp hướng dẫn HS quan sát, phân tích các hình ảnh để lĩnh hội kiến thức. Khi hướng dẫn HS quan sát, trước hết GV cần xác định mục đích, yêu cầu quan sát; sau đó yêu cầu HS xác định xem bức tranh/ đoạn băng đó thể hiện hiện tượng gì, vấn đề gì và ở đâu, mô tả hiện tượng; cuối cùng GV gợi ý HS nêu nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng.
Cần kết hợp với phương pháp dùng lời, tránh tình trạng cho học sinh xem tư liệu, tranh ảnh mà không có lời giải thích. Sử dụng vừa phải để bài giảng không đi lệch trọng tâm. Khi sử dụng tranh ảnh giáo viên có thể yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi về nội dung bức tranh, có thể yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi về nội dung bức tranh, có thể nêu câu gợi ý, dẫn dắt hoặc giới thiệu thêm một số sự kiện có liên quan giúp cho việc tri giác được sâu sắc, đầy đủ.
Phương pháp thảo luận
Bản chất của phương pháp thảo luận là tổ chức cho HS thảo luận theo lớp hoặc nhóm về các vấn đề MT có liên quan đến nội dung bài học. PP này tạo cho HS cơ hội trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình và để nghe ý kiến của các bạn trong lớp về một vấn đề nào đó. PP thảo luận thường được sử dụng khi GV muốn biết ý kiến và kinh nghiệm của HS trước một vấn đề đặt ra. Qua thảo luận, GV có thể đánh giá được sự hiểu biết, thái độ, cảm xúc của HS, khuyến khích HS hình thành chính kiến có cơ sở của mình đối với vấn đề đang thảo luận.
Cũng như một số phương pháp khác, khi sử dụng phương pháp thảo luận, trước hết GV cần xác định rõ ràng mục tiêu thảo luận, sau đó nêu vấn đề/ câu hỏi thảo luận.
Hình thức thảo luận có thể là thảo luận cả lớp hoặc nhóm. Nếu là thảo luận nhóm thì trước hết phải chia nhóm, bố trí chỗ ngồi cho các nhóm; sau đó GV giao nhiệm vụ cho các nhóm., các nhóm có thể thảo luận cùng một vấn đề hoặc mỗi nhóm thảo luận một vấn đề tuỳ thuộc vào nội dung bài học.
Sau khi HS thảo luận, GV tóm tắt các ý kiến thảo luận và chốt lại các ý chính.
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề của HS.
Bản chất của phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là đặt ra trước HS các vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, chuyển HS vào tình huống có vấn đề, kích thích họ tự lực, chủ động và có nhu cầu mong muốn giải quyết vấn đề.
Mấu chốt của phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là tạo ra các tình huống có vấn đề phù hợp với trình độ nhân thức của HS. Tình huống đặt ra nếu quá dễ hoặc quá khó đều không đưa lại sự ham muốn giải quyết vấn đề và vì thế nó không trở thành tình huống có vấn đề. Việc tạo tình huống có vấn đề kết thúc ở chỗ vấn đề được nêu lên dưới hình thức câu hỏi nêu vấn đề.
Phân tích những vấn đề môi trường ở trong trường học. Khai thác thực trạng môi trường làm nguyên liệu để xây dựng bài học. Xây dựng bài tập xuất phát từ kiến thức môn học, nhưng gắn liền với thực tế địa phương. Sử dụng các phương tiện dạy học làm nguồn tri thức được “vật chất hoá” như là điểm tựa, cơ sở để phân tích, tìm tòi, khám phá các kiến thức cần thiết về môi trường. Sử dụng tài liệu tham khảo (các bài báo, các đoạn trích trong các sách khoa học, các tư liệu, số liệu mới điều tra, công bố, các ảnh mới chụp nhất…) để làm rõ thêm về vấn đề môi trường. Thực hiện các tiết học có nội dung gần gũi với môi trường ở ngay chính trong một địa điểm thích hợp của môi trường, vườn trường, đồng ruộng, điểm dân cư tập trung…
Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa
Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa không chỉ là phương pháp dạy học đặc trưng, mà còn là phương pháp đạt hiệu quả cao trong GDMT. Phương pháp này không chỉ giúp HS kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp, mà còn phát triển kĩ năng quan sát và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với MT.
Việc khảo sát thực địa giúp HS cảm nhận được sự phong phú, đa dạng, vẻ đẹp của tự nhiên; đồng thời qua đó thấy được hiện trạng cũng như một số vấn đề của MT, nguyên nhân và hậu quả của sự suy giảm, suy thoái và ô nhiễm MT.
Phương pháp này có thể tiến hành dưới các hình thức: Tổ chức cho các nhóm HS điều tra, khảo sát tình hình MT ở địa phương và viết báo cáo (kết quả khảo sát, phương án cải thiện MT). Việc tổ chức cho các nhóm HS điều tra, khảo sát có thể tiến hành giao cho HS thực hiện các dự án nhỏ, phù hợp với điều kiện của nhà trường và với trình độ của HS.
Dạy học theo dự án là một hình thức dạy học, trong đó HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành, tự lực lập kế hoạch và thực hiện. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm, kết quả thực hiện dự án là những sản phẩm hành động có thể giới thiệu được.
Chúng tôi thiết kế dự án ‘Tìm hiểu vấn đề môi trường ở địa phương” như sau: Bước 1: Xác định chủ đề
Mỗi nhóm có thể chọn một trong những vấn đề tiêu biểu cho MT ở địa phương như: ô nhiễm nước, không khí; suy giảm tài nguyên khoáng sản…
Bước 2: Xây dựng đề cương
+ Hiện trạng môi trường ở địa phương
+ Nguyên nhân và hậu quả
+ Giải pháp khắc phục
Bước 3: Xác định thời gian và phương pháp tiến hành
+ Thời gian thực hiện dự án: 1 tuần (hoặc 2 tuần, 1 tháng…)
+ Phương pháp tiến hành: Khảo sát thực địa; phân tích tài liệu địa lí địa phương, các báo cáo của cơ quan có thẩm quyền; phỏng vấn người dân địa phương…
Bước 4: Thực hiện dự án
+ Lựa chọn địa điểm khảo sát: Khảo sát thực tế, thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau và phỏng vấn nhân dân về hiện trạng của MT, nguyên nhân, hậu quả và biện pháp giải quyết.
+ Xử lí thông tin và viết báo cáo.
Bước 5: Giới thiệu sản phẩm (các bài viết, tranh ảnh , biểu đồ, bảng số liệu…)
Bước 6: Đánh giá.
+ GV tổ chức cho HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau về kết quả làm việc của từng nhóm.
+ GV tổng kết, đánh giá về phương pháp tiến hành và kết quả làm việc của từng nhóm.
* Đổi mới hình thức GDMT
Tổ trưởng chuyên môn yêu cầu các GV bộ môn tiến hành thực hiện các chủ đề GDMT qua tích hợp đa môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn. Chúng tôi đề xuất kiến thức tích hợp liên môn trong dạy học GDMT như sau: Kiến thức về "Sự chuyển thể của các chất", "Độ ẩm của không khí" trong môn Vật lí 10 và kiến thức về "Ngưng đọng hơi nước trong khí quyển. Mưa" trong môn Địa lí 10... Trong chương trình các môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân, có các nội dung kiến thức chung thuộc các chủ đề như: Môi trường, Bùng nổ dân số, Dịch bệnh, Truyền thống dân tộc, Xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa...; Kiến thức về "Chất rắn kết tinh. Chất rắn vô định hình", "Biến dạng cơ của vật rắn" trong môn Vật lí 10 và kiến thức về "Liên kết ion, tinh thể ion", "Tinh thể nguyên tử và tinh thể phân tử" trong môn Hóa học 10.
Các kiến thức liên môn có thể nằm ở chương trình của các lớp khác nhau và đều có thể được lựa chọn để xây dựng thành các chủ đề dạy học tích hợp liên môn. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhà trường có thể xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn phù hợp. Trong thời gian đầu, để tránh sự xáo trộn nhiều gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch giáo dục chung, nhà trường có thể chọn các nội dung kiến thức liên môn nằm trong chương trình của một lớp để xây dựng chủ đề dạy học tích hợp liên môn, đảm bảo hoàn thành chương trình môn học của khối đó trong năm học. Trong những năm học tiếp theo, trên cơ sở các chủ đề tích hợp liên môn đã được xây dựng và thực hiện, nhà trường tiếp tục mở rộng xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn trong toàn bộ kế hoạch giáo dục nhà trường.