Khái Niệm Hoạt Động Dạy Học Môn Tiếng Việt Ở Trường Tiểu Học

[22]. Như thế cũng như tiếng Nga ở nước Nga, việc dạy học tiếng Anh ở Singapore chú trọng vào năng lực sử dụng ngôn ngữ và đánh giá năng lực không chỉ ở môn học này mà ở tất cả các “kết quả học tập mà họ đạt được”.

Ý thức được sứ mệnh mang tính “công cụ, phương tiện” quyết định chất lượng giáo dục của ngôn ngữ quốc gia trong chương trình giáo dục phổ thông, vào năm 2010, Hội đồng các Thống đốc và Giám đốc giáo dục các bang của Hoa Kỳ đã thống nhất Chuẩn chung cốt lõi về môn tiếng Anh cùng với những yêu cầu đọc/viết tối thiểu cho các môn học khác, với mục đích “phát triển và hỗ trợ các kỹ năng học trên đại học và đi tìm việc làm về đọc, viết, nói, nghe và diễn đạt ngôn ngữ”… Chuẩn đưa ra các yêu cầu chung chẳng những cho môn Tiếng Anh nghệ thuật (ELA) mà còn cho các môn Lịch sử/nghiên cứu xã hội, Khoa học tự nhiên và kỹ thuật…[23].

1.1.2. Ở Việt Nam

Từ lâu, Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò công cụ của tiếng Việt trong nhiều văn bản từ tiểu học đến THPT. Nhưng trên thực tế dường như tiếng Việt chỉ được chú ý tập trung cao độ ở cấp tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp. Các lớp này nếu không biết đọc, biết viết thì không thể học lên cao hơn. Và do vậy việc coi tiếng Việt như là công cụ, phương tiện là tất yếu, không có gì phải bàn cãi, tranh luận cả. Vấn đề chỉ xuất hiện khi HS càng học lên cao (THCS, THPT, ĐH…) thì dường như tiếng Việt không được coi trọng nữa. Hầu hết mọi người bằng lòng với vốn tiếng Việt ở trình độ tối thiểu đã được trang bị ở Tiểu học cộng với bản năng tiếng mẹ đẻ của mình. Càng lớn lên, họ càng cảm thấy không cần học tiếng Việt nữa cũng được, miễn là đọc được, viết được tiếng Việt. Tình trạng cứ nhìn vào mặt chữ trên trang giấy đọc được ra tiếng Việt là coi như đã biết đọc, đã hiểu văn bản… khá phổ biến. Rất nhiều người không phân biệt được “mù chữ” và “mù văn”.

Trong khi cuộc sống, khoa học- công nghệ vẫn phát triển liên tục, mạnh mẽ. Để giao tiếp có hiệu quả trong thế giới hiện đại, các kỹ năng ngôn ngữ cần được trang bị và rèn luyện liên tục, không ngừng nghỉ. Chính cuộc sống hiện đại đòi hỏi chương trình giáo dục nhiều nước phải bổ sung thêm các kỹ năng mới, ngoài 4 kỹ

năng cơ bản (đọc, nghe, nói, viết) cần có thêm nhìn/quan sát (viewing) và trình bày (presenting).

Năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn đã được thông qua; trong đó môn Tiếng Việt bậc tiểu học sẽ giúp HS hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể (yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn...); Giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản (đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản...) [24].

Trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hiện nay, nhiều nghiên cứu tập trung vào triển khai định hướng giáo dục mới vào thực tiễn giáo dục và công tác quản lý ở các trường phổ thông hiện nay. Điển hình là nghiên cứu của đề tài luận văn thạc sĩ: Quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt ở các trường Tiểu học thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh” [5]. Quản lý chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5 ở một số trường tiểu học tại quận 6, thành phố Hồ Chí Minh [16]. Quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt ở các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên [12].

Các đề tài trên đã nghiên cứu nhiều vấn đề, nhiều mặt của hoạt động dạy học và quản lý hoạt động dạy học tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào đề cập một cách trực tiếp, toàn diện về quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt theo CT GDPTM ở các trường Tiểu học cụ thể. Vì vậy, vấn đề luận văn này đặt ra ở đây là tìm hiểu hoạt động dạy học môn Tiếng Việt theo CT GDPTM ở các trường Tiểu học huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học của huyện Vân Đồn, chính là vấn đề mà tôi quan tâm nghiên cứu trong luận văn này.

1.2. Một số khái niệm cơ bản

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

1.2.1. Khái niệm quản lý, quản lý giáo dục

* Quản lý:

Quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở các trường tiểu học huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - 3

Quản lý là một quá trình tác động, gây ảnh hưởng của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý một cách hợp quy luật nhằm đạt được mục tiêu chung.

Theo tác giả Harol Koontz: "Quản lý là một nghệ thuật nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra thông qua việc điều khiển, chỉ huy, phối hợp, hướng dẫn hoạt động của những người khác" [25].

Theo tác giả Nguyễn Minh Đạo: "Quản lý là sự tác động chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người nhằm đạt tới mục tiêu đã đề ra" [26].

Theo tác giả Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: "Quản lý là hoạt động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức" [3, tr.1].

Tác giả Vũ Dũng đưa ra khái niệm: "Quản lý là sự tác động có định hướng, có mục đích, có kế hoạch và có hệ thống thông tin của chủ thể đến khách thể của nó" [4, tr.47].

Từ những quan niệm này cho thấy, quản lý là một hoạt động liên tục và cần thiết khi con người kết hợp với nhau trong tổ chức. Đó là quá trình tạo nên sức mạnh gắn liền các hoạt động của các cá nhân với nhau trong một tổ chức nhằm đạt được mục tiêu chung.

Giáo dục là một hoạt động đặc trưng của lao động xã hội. Đây là một hoạt động chuyên môn nhằm thực hiện quá trình truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội qua các thế hệ, đồng thời là một động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Để hoạt động này vận hành có hiệu quả, giáo dục phải được tổ chức thành các cơ sở, tạo nên một hệ thống các cơ sở giáo dục, điều này dẫn đến một tất yếu là phải có một lĩnh vực hoạt động có tính độc lập tương đối trong giáo dục, đó là công tác quản lý giáo dục, để quản lý các cơ sở giáo dục có trong thực tiễn.

* Quản lý giáo dục:

Trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực quản lý giáo dục, đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước đưa ra các khái niệm với các cách biểu thị khác nhau:

+ Theo tác giả M.I. Kônđacốp: "Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả

các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến Trường) nhằm mục đích đảm bảo việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển thể lực và tâm lý của trẻ em" [11, tr.10].

+ Theo tác giả Phạm Minh Hạc: "Quản lý giáo dục là quản lý trường học, thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục, để tiến tới mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh" [7, tr.19].

+ Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: "Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối, nguyên lý của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ thống giáo dục đến mục tiêu dự kiến tiến lên trạng thái về chất" [14, tr.35].

+ Theo tác giả Nguyễn Gia Quý: "Quản lý giáo dục là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục tới mục tiêu đã định, trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng những quy luật khách quan của hệ thống giáo dục quốc dân" [15, tr.12].

Tác giả Đặng Quốc Bảo cho rằng: "Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển của xã hội" [2, tr.4]...

Những khái niệm trên tuy có cách diễn đạt khác nhau nhưng đều thể hiện một số điểm chung về quản lý giáo dục: Là sự tác động có tổ chức, có định hướng phù hợp với quy luật khách quan của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục ở từng cơ sở và của toàn bộ hệ thống giáo dục đạt tới mục tiêu đã định.

1.2.2. Khái niệm quản lý hoạt động dạy học

Quản lý hoạt động dạy học thực chất là những tác động của chủ thể quản lý vào quá trình dạy học (được tiến hành bởi tập thể giáo viên và học sinh, với sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng xã hội) nhằm góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách học sinh theo mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Quản lý hoạt động dạy học là một trong những công việc quan trọng nhất trong công tác quản lý nhà trường. Quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường là nội dung, là cách thức mà chủ thể quản lý cần cụ thể hoá để thực hiện các chức năng quản lý giáo dục và mục tiêu quản lý giáo dục. Trong quá trình dạy học, các yếu tố mục đích, nội dung, phương pháp, tổ chức, phương tiện dạy học, luôn vận động và kết hợp chặt chẽ với nhau thông qua hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò là hai hoạt động trung tâm của quá trình dạy học, là hai hoạt động có tính chất khác nhau nhưng thống nhất biện chứng với nhau trong mối quan hệ qua lại giữa thầy với trò, giữa dạy với học, chúng cùng lúc diễn ra trong những điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật nhất định. Nếu coi quá trình dạy học như một hệ thống thì trong đó quan hệ dạy của thầy với học của trò thực chất là mối quan hệ điều khiển. Với tác động sư phạm của nhà giáo, thầy tổ chức điều khiển hoạt động của trò.

Quản lý hoạt động dạy học là phải quản lý các thành tố cấu trúc của quá trình dạy học vì vậy nội dung quản lý dạy học bao gồm quản lý mục tiêu, chương trình, nội dung dạy học, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học, giáo viên, học sinh, kết quả dạy học.

1.2.3. Khái niệm hoạt động dạy học môn Tiếng Việt ở trường tiểu học

Hoạt động dạy học môn Tiếng Việt là hoạt động được thực hiện theo một chương trình đã được thiết kế, tác động đến người học nhằm hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. GV xây dựng, thiết kế hoạt động dạy học một cách đầy đủ và cụ thể bao nhiêu thì công việc dạy học càng hiệu quả bấy nhiêu.

Hoạt động dạy học nằm trong chuỗi hoạt động của con người nhưng là hoạt động nghề nghiệp, không phải là hoạt động của mọi người. Người hoạt động dạy học phải có tiêu chuẩn và năng lực nghề nghiệp mới tham gia được hoạt động này. Hoạt động dạy học là hoạt động tương tác, GV tác động vào HS, HS phát triển, GV căn cứ vào sự thay đổi ở HS để điều chỉnh hoạt động dạy.

Hoạt động dạy học nhìn từ phía hoạt động của người thầy trong tương tác với họat động học của trò là hướng dẫn, tổ chức và điều khiển hoạt động học của HS.

Trong cuốn Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, các tác giả đã định nghĩa hoạt động dạy học như sau: “Hoạt động dạy là hoạt động của người lớn tổ chức điều khiển hoạt động của trẻ nhằm giúp chúng lĩnh hội nền văn hóa xã hội, tạo ra sự phát triển tâm lý, hình thành nhân cách của chúng” [27].

Tóm lại hoạt động dạy học môn Tiếng Việt: “Là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể; hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản theo yêu cầu của môn học.

1.2.4. Khái niệm quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt ở trường tiểu học

Quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt là những tác động của chủ thể quản lý vào hoạt động môn Tiếng Việt được tiến hành hoạt động với sự kết hợp của giáo viên, học sinh và sự hỗ trợ, ủng hộ của các lực lượng xã hội như: gia đình và cha mẹ học sinh nhằm góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh theo mục tiêu chương trình môn Tiếng việt.

Quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt là quá trình tác động có chủ đích của cán bộ quản lý nhà trường đến giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục trong các tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học môn Tiếng Việt nhằm đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện. Hay nói cách khác quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt là quá trình thực hiện có định hướng và hợp quy luật các chức năng kế hoạch hóa, tổ chức chỉ đạo và kiểm tra nhằm đạt tới mục tiêu cấp tiểu học phù hợp với mục tiêu giáo dục chung đã đề ra.

Quản lý hoạt động dạy học môn Tiếng Việt của học sinh trong trường phổ thông về thực chất là quản lý mục tiêu, nội dung chương trình, quản lý phương pháp, các hình thức tổ chức, chỉ đạo và đánh giá các hoạt động dạy học.

1.3. Hoạt động dạy học môn Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường tiểu học

1.3.1. Đặc điểm của môn Tiếng Việt ở tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

Là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mĩ - nhân văn; giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; đồng thời cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc; phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha,...

Bằng hoạt động đọc, viết, nói và nghe, môn Tiếng Việt có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như các năng lực cốt lõi để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời.

Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh. Mục tiêu của giai đoạn này là giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học, hoạt động giáo dục khác [24].

1.3.2. Mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở Tiểu học

1.3.2.1. Mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở Tiểu học

Giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh.

Giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn (chủ yếu là bài văn kể và tả); phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói.

Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học [24].

1.3.2.2. Yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở Tiểu học

a) Năng lực ngôn ngữ:

Đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc.

Ở cấp tiểu học, yêu cầu về đọc gồm yêu cầu về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu. Đối với học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2), chú trọng cả yêu cầu đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản.

Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản. Từ lớp 1 đến lớp 3, viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; ở lớp 4 và lớp 5 bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.

Viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học sinh tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc; giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học sinh. Viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học sinh khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học sinh nhiều cảm xúc; nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu

Xem tất cả 107 trang.

Ngày đăng: 20/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí