Các hành vi pháp lý vô hiệu theo pháp luật phá sản ở Việt Nam - 4

Có thể hiểu mục đích của các qui định của Luật Phá sản năm 2004 về các hành vi pháp lý vô hiệu do thương nhân lâm vào tình trạng phá sản tiến hành nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ trong việc lấy nợ trên khối tài sản phá sản của thương nhân, và bảo vệ quá trình khôi phục và tái tạo lại khối tài sản của con nợ phục vụ cho việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục đích sau vừa nói gián tiếp bảo vệ quyền lợi của chủ nợ.

* Tặng cho động sản và bất động sản cho người khác

Những hành vi pháp lý này được liệt kê đầu tiên trong danh mục các hành vi pháp lý bị tuyên bố vô hiệu vì bản chất của chúng đi ngược lại với mục tiêu tiên quyết của hoạt động kinh doanh là thu lời.

Hành vi pháp lý này có đặc điểm là việc thương nhân chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình mà không nhận lại bất kỳ một lợi ích vật chất nào. Hành vi này là bất bình thường bởi mục đích chính liên quan đến hoạt động thương mại là kiếm lời, nhưng thương nhân lại làm mình nghèo đi trong khi không có khả năng trả những khoản nợ chính đáng của người khác. Vì vậy bất luận trong trường hợp nào thì cũng nên tuyên vô hiệu các hợp đồng này. Tặng cho ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các hành vi mang tài sản của mình cho người khác bằng nhiều hình thức khác nhau như: đóng góp phúc lợi, khen thưởng hoặc tài trợ một cách bất hợp lý hay hoang phí.

* Thanh toán hợp đồng song vụ trong đó phần nghĩa vụ của thương nhân rõ ràng là lớn hơn phần nghĩa vụ của bên kia

Những hành vi pháp lý này có đặc điểm là sự không tương xứng về lợi ích giữa các bên tham gia, mà bên thương nhân bị phá sản có nghĩa vụ lớn hơn rõ ràng so với bên kia, hay nói cách khác, lợi ích mà thương nhân nhận lại ít hơn rõ ràng so với lợi ích mà anh ta phải mất đi cho phía bên kia.

Khoản 5, Điều 6, Luật Phá sản năm 2004 định nghĩa: "Hợp đồng song vụ là hợp đồng trong đó các bên tham gia ký kết đều có quyền và nghĩa vụ; quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại" [19]. Định nghĩa này

cho thấy việc cân bằng quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng song vụ là cơ sở để xác định tuyên một hành vi pháp lý là vô hiệu.

Khác với giao dịch tặng cho, trong loại hành vi này tuy thương nhân có thu được một số lợi ích vật chất nhất định nhưng phần lợi ích mà thương nhân nhận lại rõ ràng thua kém hơn so với những gì mà thương nhân bỏ ra. Như vậy các hợp đồng kiểu này cũng làm cho tài sản của thương nhân bị suy giảm. Xét ra các hợp đồng này cũng trái với mục đích tồn tại của thương nhân, và cũng trở thành một thủ đoạn để thương nhân bị phá sản tẩu tán tài sản của mình.

* Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.

Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn, xét về mặt bản chất thương mại, không phải là hành vi bất chính đáng. Tuy nhiên khi thương nhân lâm vào tình trạng không thể trả được các khoản nợ tới hạn mà có hành vi trả nợ như vậy thì buộc phải xem là hành vi đáng ngờ. Phá sản là một cơ chế lấy nợ tập thể, tức là ngăn cản việc lấy nợ của một cá nhân ai đó trên khối tài sản của con nợ. Vậy nếu không vô hiệu hóa hành vi trả nợ như vậy, thì con nợ có thể vì ưu ái chủ nợ này chống lại các chủ nợ còn lại trong cơ chế lấy nợ tập thể. Vì vậy, hủy bỏ việc thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn là cần thiết nhằm bảo đảm cho cơ chế lấy nợ tập thể và sự bình đẳng giữa các chủ nợ, đồng thời ngăn cản sự thông đồng để tẩu tán tài sản trong hoàn cảnh nhất định.

* Thực hiện việc thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ

Các hành vi pháp lý vô hiệu theo pháp luật phá sản ở Việt Nam - 4

Đối với loại hành vi pháp lý này có lẽ phải được phân loại và xem xét kỹ lưỡng tới hoàn cảnh trước khi tuyên bố vô hiệu. Nhưng có lẽ nên xác định rõ hơn là "thực hiện việc cầm cố, thế chấp tài sản đối với các khoản nợ trước đó", vì các ngân hàng, tổ chức tín dụng thường chỉ chấp thuận yêu cầu vay vốn của thương nhân nếu có biện pháp bảo đảm thanh toán nợ như cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh. Vấn đề ở đây là thương nhân đã được nhận khoản tín dụng, khi đứng trước nguy cơ phá sản lại xác lập biện pháp bảo đảm cho

khoản nợ đã giao kết nhằm tạo ra một sự ưu tiên giả tạo cho chủ nợ có khoản nợ được đảm bảo bằng biện pháp thế chấp, cầm cố mới xác lập.

Tuy nhiên, thực tế có thể xảy ra trường hợp thương nhân phải ký kết một giao dịch bảo đảm để đổi lại việc ngân hàng gia hạn hợp đồng tín dụng đối với một khoản nợ không có bảo đảm để đáo hạn. Việc xác lập biện pháp bảo đảm này không đáng ngờ và không nên bị hủy bỏ, vì được coi như là thực hiện bảo đảm cho một khoản tín dụng mới.

* Các giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp

Xuất phát từ thực tế là pháp luật soạn thảo ra thường khó có thể đầy đủ và chi tiết cho mọi tình huống phát sinh trên thực tế. Vì vậy quy định này là một kỹ năng mà các nhà làm luật sử dụng để phòng khi xuất hiện một dạng giao dịch chưa được liệt kê trong danh mục thì các thẩm phán vẫn có thể vận dụng trong quá trình xét xử.

Trong trường hợp các giao dịch nêu trên bị tuyên bố vô hiệu thì những tài sản thu hồi được từ các giao dịch vô hiệu đó phải nhập vào khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong điều kiện bình thường doanh nghiệp, hợp tác xã được quyền tự quyết định chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các quyết định đó. Doanh nghiệp, hợp tác xã được quyền quy định tham gia hoặc không tham gia vào quan hệ kinh doanh này hay quan hệ kinh doanh khác mà không một tổ chức, cá nhân nào được quyền can thiệp trái pháp luật. Tuy nhiên, trong điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì việc can thiệp và cấm doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện một hoặc một số giao dịch nhất định là cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ. Quy định này nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản hoặc cố ý làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thông qua các giao dịch bất hợp pháp với mục đích tẩu tán tài sản.

Liên quan đến việc cấm doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thực hiện một hoặc một số hoạt động nhất định, Điều 31, Luật Phá sản năm 2004 cũng có những quy định về các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm hoặc bị hạn chế như sau:

1. Kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;


b) Thanh toán nợ không có bảo đảm;


c) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;


d) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp.

2. Sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, các hoạt động sau đây của doanh nghiệp, hợp tác xã phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện:

a) Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản;

b) Nhận tài sản từ một hợp đồng chuyển nhượng;

c) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

d) Vay tiền;

đ) Bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản;

e) Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã [19].

Ngoài việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản phải còn phải kiểm kê toàn bộ tài sản theo

bảng kê chi tiết đã nộp cho tòa án và xác định trị giá các tài sản đó; nếu thấy cần có thời gian dài hơn thì phải có văn bản đề nghị thẩm phán gia hạn nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Quy định này giúp cho thẩm phán cũng như Tổ quản lý, thanh lí tài sản có thể nhanh chóng nắm bắt được một cách chính xác thực trạng tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và có những giải pháp hợp lý, cần thiết trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản và dễ dàng hơn trong việc phát hiện việc tẩu tán tài sản hay trả nợ không phù hợp với các qui định của pháp luật về phá sản.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Tổ quản lý, thanh lí tài sản, thẩm phán phụ trách thủ tục phá sản có quyền quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên theo quy định của Luật Phá sản năm 2004 thì quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của thẩm phán chỉ được thực hiện sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo quy định tại Điều 55, Luật Phá sản năm 2004, các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà thẩm phán có thể quyết định áp dụng, bao gồm:

- Cho bán những hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ;

- Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp;

- Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng;

- Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp;

- Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, cá nhân tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định.

Đây là những quy định rất quan trọng để có thể bảo toàn được tài sản của doanh nghiệp, tránh được một phần tổn thất cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phục hồi cho doanh nghiệp.

Khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tùy tính chất của vụ việc và yêu cầu của việc áp dụng mà thẩm phán xem xét, đánh giá một cách thận trọng để quyết định áp dụng một hay một số biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nhằm mục đích bảo toàn tài sản của doanh nghiệp nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp tạm thời như: kê biên, niêm phong tài sản, niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu có liên quan cũng như phong tỏa tài khoản chỉ được thẩm phán quyết định đối với doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản mà không thể áp dụng với cá nhân, tổ chức có liên quan. Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

Điều 45, Luật Phá sản 1993 quy định:

1- Chấp hành viên đề nghị Tòa án ra quyết định thu hồi lại tài sản, giá trị tài sản của doanh nghiệp hay phần chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp nếu trong sáu tháng trước ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã có những vi phạm sau đây:

a) Tẩu tán tài sản của doanh nghiệp dưới mọi hình thức;

b) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn;

c) Từ bỏ quyền đòi nợ đối với các khoản nợ;

d) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm;

đ) Bán tài sản của doanh nghiệp thấp hơn thực giá.

2- Trước khi thu hồi lại tài sản hoặc phần chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, Tổ thanh toán tài sản có trách nhiệm xuất trình quyết định của Tòa án, giải thích rõ lý do thu hồi lại tài sản hoặc phần chênh lệch giá trị tài sản doanh nghiệp

cho đương sự biết. Những tranh chấp về thu hồi lại tài sản hay phần chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp do Tòa án giải quyết [18].

Nội dung này đã tiếp tục được kế thừa và hoàn thiện hơn tại Điều 43 và Điều 44, Luật Phá sản năm 2004.

Theo yêu cầu của chủ nợ không có bảo đảm, tổ quản lý, thanh lí tài sản, Tòa án tuyên bố các giao dịch của doanh nghiệp quy định tại khoản 1, Điều 43, Luật Phá sản năm 2004 là vô hiệu. Trong trường hợp này, Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lí tài sản có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định của Tòa án để thu hồi lại tài sản của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản (Điều 44, Luật Phá sản năm 2004).

Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện theo yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lí tài sản nếu xét thấy việc đình chỉ thực hiện hợp đồng đó có lợi hơn cho doanh nghiệp (Điều 45, Luật Phá sản năm 2004).

Yêu cầu tòa án ra quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện phải được làm thành văn bản với nội dung như quy định tại Khoản 1, Điều 46, Luật Phá sản năm 2004. Kèm theo văn bản yêu cầu là các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho việc đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực là có lợi hơn về mặt tài sản (vật chất) cho doanh nghiệp. Thẩm phán phải xem xét, quyết định trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Nếu chấp thuận thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng, nếu không chấp thuận thì thông báo cho người đề nghị biết.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được coi là có lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc đình chỉ thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật khi các thiệt hại tài sản tạm tính (với tư cách là hậu quả pháp lý xấu) mà doanh nghiệp phải gánh chịu nếu đơn phương đình

chỉ thực hiện hợp đồng nhỏ hơn các thiệt hại tạm tính (các khoản lỗ, thiệt hại) mà doanh nghiệp phải gánh chịu nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng.

2.2. Việc xác định tính có lợi hơn cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đình chỉ thực hiện hợp đồng được thực hiện như sau:

a. Tạm tính các khoản lỗ, thiệt hại mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải gánh chịu nếu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng;

b. Tạm tính các thiệt hại tài sản (với tư cách là hậu quả pháp lý xấu) mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải gánh chịu nếu đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng [23].

Như vậy, trong giai đoạn này pháp luật về phá sản cũng tạo mọi điều kiện để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, để doanh nghiệp có lợi nhất, có điều kiện phục hồi được hoạt động kinh doanh.

Kể từ ngày tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, việc thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là người phải thi hành cũng như việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp là một bên đương sự trong vụ án đó phải được đình chỉ.

Trường hợp việc thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là người phải thi hành bị đình chỉ thì người được thi hành án có quyền nộp đơn cho tòa án yêu cầu được thanh toán trong khối tài sản của doanh nghiệp như một chủ nợ không có bảo đảm hoặc như một chủ nợ có bảo đảm, nếu có bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật kê biên tài sản của doanh nghiệp để bảo đảm thi hành án. Quy định này của Luật Phá sản năm 2004 thể hiện sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu của các nhà lập pháp đối với thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Việc đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là người có nghĩa vụ phải thi hành nhằm bảo đảm duy trì một khối lượng tài sản cần thiết cho doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản có khả năng tốt nhất để phục hồi hoạt động kinh doanh.

Xem tất cả 94 trang.

Ngày đăng: 21/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí