Trong cuốn “Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới"tác giả Thái Duy Tuyên, đã phân loại các phương pháp dạy học, hệ thống các phương pháp dạy học hiện đại, so sánh phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại. Đặc biệt tác giả nhấn mạnh bản chất, chức năng hoạt động quản lí phương pháp dạy học của hiệu trưởng theo tiếp cận hệ thống như: Lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra đánh giá. Để giải quyết có hiệu quả vấn đề đổi mới PPDH trong nhà trường, người hiệu trưởng giữ vai trò vô cùng quan trọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho việc đổi mới PPDH trong nhà trường thời gian qua chưa hiệu quả có lẽ là do người hiệu trưởng chưa thật mặn mà với công tác quan trọng này [26].
Trong công trình nghiên cứu “Đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới PPDH ở trường phổ thông"tác giả Phạm Quang Huân khẳng định, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cần thực hiện một số vấn đề trọng tâm trong quản lí, trong đó có nêu lên công tác tổ chức, chỉ đạo đổi mới PPDH như sau [16]:
- Tổ chức nghiên cứu, học tập vấn đề đổi mới PPDH cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường;
- Tổ chức quản lí, chỉ đạo các hoạt động thực hành đổi mới PPDH thường xuyên trong năm học;
- Đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá các hoạt động đổi mới PPDH; Tăng cường xây dựng hệ điều kiện cho quá trình đổi mới PPDH.
Trong tài liệu “Bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp dạy học"của tác giả Lương Việt Thái. Để thực hiện tốt việc đổi mới PPDH thì cần phải chú ý nâng cao năng lực sử dụng chuẩn kiến thức, kỹ năng trong công tác quản lí và dạy học, đồng thời chú ý tới tính thống nhất, đồng bộ giữa công tác quản lí, dạy học, kiểm tra- đánh giá, thi cử [25].
Ngoài công trình nghiên cứu nêu trên, một số tác giả cũng đi sâu nghiên cứu đổi mới PPDH các môn KHTN như:
“Một số vấn đề đổi mới PPDH môn Toán - THCS" (2008) của nhóm tác giả Tôn Thân, Phan Thị Luyến, Đặng Thu Thủy;
“Một số vấn đề đổi mới PPDH môn Vật lý - THCS" (2008) của nhóm tác giả Đoàn Duy Huynh, Lê Phương Hồng, Vũ Trọng Rỹ, Lương Việt Thái;
“Một số vấn đề đổi mới PPDH môn Hóa - THCS" (2008) của tác giả Cao Thị Thặng, Vũ Anh Tuấn;
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học tự nhiên ở trường trung học cơ sở huyện Lâm Thao, Phú Thọ - 1
- Quản lý đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học tự nhiên ở trường trung học cơ sở huyện Lâm Thao, Phú Thọ - 2
- Nội Dung Đổi Mới Ppdh Các Môn Khtn Ở Trường Thcs
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Quản Lí Đổi Mới Ppdh Các Môn Khtn Ở Trường Thcs
- Đội Ngũ Giáo Viên Các Môn Khtn Trường Thcs Huyện Lâm Thao, Năm Học 2017-2018
Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.
“Một số vấn đề đổi mới PPDH môn Sinh học - THCS" (2008) của tác giả Trần Quý Thăng, Phạm Thanh Hiền;
Bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, hoạt động quản lí đổi mới PPDH đã được quan tâm, các hội thảo nghiên cứu từ cấp Bộ, Sở đến các Phòng GD và nhà trường nhằm tìm ra các giải pháp trong thực hiện đổi mới PPDH. Mặc dù quá trình đổi mới phương pháp dạy học đã có những kết quả nhất định nhưng việc nghiên cứu hầu như chỉ chú trọng ở mức độ lý thuyết, chưa được cụ thể hóa nên khó áp dụng vào thực tiễn giảng dạy hơn nữa năng lực, nhận thức của một số giáo viên còn hạn chế trong việc đổi mới PPDH. Về công tác quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THCS hiệu quả chưa cao, chưa tích cực, chưa đồng bộ. Hiện nay, tình trạng phổ biến vẫn là thầy giảng trò chép, giảng giải xen kẽ vấn đáp, thỉnh thoảng giải thích, minh họa bằng tranh. Giáo viên chưa chú trọng rèn cho học sinh phương pháp học tập.
Như vậy có thể khái quát, trong nhà trường phổ thông, công tác quản lí hoạt động đổi mới PPDH đã được các tác giả trên nêu lên với nhiều khía cạnh khác nhau như: Tập trung vào các khâu của quá trình quản lí từ xây dựng kế hoạch đến kiểm tra, đánh giá; chỉ đạo sinh hoạt tổ chuyên môn về đổi mới PPDH; chỉ đạo giáo viên thực hiện quy chế chuyên môn, sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng CNTT trong dạy học, tổ chức tập huấn về đổi mơi PPDH cho GV... Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít công trình nghiên cứu đề cập tới vấn đề đổi mới PPDH các môn KHTN và quản lí đổi mới PPDH các môn KHTN ở các trường THCS một cách đầy đủ và có hệ thống, do đó vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay.
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.1. Quản lí, quản lý giáo dục
1.2.1.1. Quản lý
Có nhiều khái niệm về quản lý, mỗi một cách tiếp cận có khái niệm về quản lý khác nhau:
Một số tác giả nước ngoài cho rằng: “Quản lí là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong các nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã định" [10, tr. 29].
Hay theo X.T.Groupe, Lewin khái niệm quản lí là "Hoạt động chính thống về phối hợp các nguồn lực trong đơn vị (nhân lực, tài chính, thiết bị) nhằm đạt mục tiêu xác định" [10, tr.203].
Ở Việt Nam, khái niệm "quản lý"cũng đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu như sau:
Tác giả Nguyễn Ngọc Quang đã viết: "Quản lý là tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến những người lao động nói chung, là khách thể quản lý nhằm thực hiện được những mục tiêu dự kiến" [23].
Theo Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt cho rằng: "Quản lý là một quá trình định hướng, quá trình có mục tiêu, quản lý một hệ thống nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Những mục tiêu này đặc trưng cho trạng thái mới của hệ thống mà người quản lý mong muốn" [20].
Tác giả Hà Sỹ Hồ cho rằng: "Quản lý là quá trình có tác động có định hướng, có tổ chức dựa trên các thông tin về tình trạng của đối tượng và môi trường, nhằm giữ cho sự vận hành của đối tượng được ổn định và làm cho nó phát triển tới mục đích đã định" [13].
Có nhiều khái niệm khác nhau về quản lý, song tựu chung đều thể hiện: Quản lý là một thuộc tính bất biến nội tại của mọi quá trình lao động xã hội. Lao động quản lý là điều kiện quan trọng để làm cho xã hội loài người tồn tại, vận hành và phát triển ngày càng tiến bộ. Quản lý phải bao gồm các yếu tố như: Phải có mục tiêu đặt ra cho cả đối tượng và chủ thể làm căn cứ định hướng cho mọi hoạt động của tổ chức, phải có nội dung, phương pháp, phương tiện và kế hoạch hành động, một môi trường nhất định.
Vậy ta có thể hiểu: Quản lý là sự tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt được mục tiêu mong muốn bằng các chức năng quản lý kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.
1.2.1.2. Quản lý giáo dục
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo: "Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động của nhà quản lý điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu xã hội" [1].
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: "Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ thống vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng thực hiện được các tính chất mà nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất" [23].
Tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng: "Quản lý nhà trường, quản lý giáo dục nói chung là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, có nghĩa là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới, mục tiêu đào tạo đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, đối với thế hệ trẻ và với từng học sinh, hay cụ thể hơn Quản lý nhà trường, quản lý giáo dục là tổ chức hoạt động dạy học... Có tổ chức hoạt động dạy học, thực hiện được các tính chất của nhà trường phổ thông Việt Nam XHCN... mới quản lý được giáo dục, tức là cụ thể hóa đường lối giáo dục của Đảng, biến đường lối đó thành hiện thực, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, của đất nước" [12].
Qua các khái niệm trên ta có thể hiểu: Quản lý giáo dục là những tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng tới đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý mà chủ yếu nhất là quá trình dạy học và giáo dục ở các trường học.
1.2.2. Phương pháp; Phương pháp dạy học
1.2.2.1. Phương pháp
Thuật ngữ “Phương pháp"có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Metodos"có nghĩa chung nhất là con đường, cách thức mà chủ thể sử dụng để tác động nhằm chiếm lĩnh hoặc biến đổi đối tượng theo mục đích đã định.
Theo từ điển Tiếng Việt: Phương pháp là cách thức, con đường để thực hiện một hoạt động nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Vậy tôi sử dụng khái niệm làm khái niệm công cụ để nghiên cứu trong luận văn.
1.2.2.2. Phương pháp dạy học
- Có nhiều định nghĩa khác nhau về PPDH. Theo tác giả Lu.K. Babanxki, (1983) PPDH là cách thức tương tác giữa thầy và trò nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển trong quá trình dạy học;
- Theo I. Ia. Lecne (1981) “PPDH là hệ thống những hành động có mục đích của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của học sinh, đảm bảo HS lĩnh hội nội dung học vấn" ( dẫn theo [26, tr. 38]).
- Theo tác giả Phan Trọng Ngọ (2005), “Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường”, đưa ra khái niệm “Phương pháp dạy học là tổng hợp các cách thức hoạt động của người dạy và người học trong quá trình dạy học, nhằm thực hiện được nội dung dạy học" [19, tr. 147].
Tuy có nhiều cách hiểu, chúng ta có thể thống nhất khái niệm về PPDH: Phương pháp dạy học là cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học nhằm thực hiện tối ưu mục tiêu và các nhiệm vụ dạy học.
1.2.3. Đổi mới, Đổi mới PPDH; Đổi mới PPDH các môn KHTN
1.2.3.1. Đổi mới
Theo Đại từ điển Tiếng Việt thì “Đổi mới là thay đổi hoặc làm cho thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước" (dẫn theo [25)].
Vậy ta dùng khái niệm này để sử dụng trong luận văn.
1.2.3.2. Đổi mới phương pháp dạy học
Trong điều 28 Luật Giáo dục có nêu về PPGD như sau: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh" [18, tr. 12]
Theo tác giả Thái Duy Tuyên “Đổi mới PPDH không phải là thay đổi các PPDH đã có mà cần phát huy các yếu tố tích cực của PPDH hiện nay, vận dụng các PPDH hiện đại nhằm thay đổi cách dạy của thầy, phương pháp học của trò, chuyển từ học tập thụ động sang học tập tích cực, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học" [26, tr. 581].
Vậy: Đổi mới PPDH là những cải tiến về PPDH, vận dụng các PPDH hiện đại để thay đổi cách dạy của thầy, phương pháp học của trò, nhằm nâng cao chất lượng dạy - học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh.
1.2.3.3. Đổi mới phương pháp dạy học các môn KHTN
- Phương pháp dạy học các môn KHTN
Từ khái niệm về PPDH ta có thể hiểu: Phương pháp dạy học các môn KHTN là cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học nhằm thực hiện tối ưu mục tiêu và các nhiệm vụ dạy học với đặc thù của các môn KHTN.
- Đổi mới PPDH các môn KHTN
Từ khái niệm về đổi mới dạy học ta có thể hiểu: Đổi mới PPDH các môn KHTN là những cải tiến tiến về PPDH các môn KHTN, vận dụng các PPDH hiện đại nhằm thay đổi cách dạy của thầy, cách học học của trò, nâng cao chất lượng dạy - học các môn KHTN, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh.
Đổi mới PPDH các môn KHTN phải phát huy vai trò học sinh là trung tâm của quá trình dạy học, tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh; vận dụng triệt để phương pháp thực hành, thí nghiệm, dạy học giải quyết vấn đề, tích hợp liên môn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học; tránh lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; chú ý việc tổ chức dạy học phân hóa phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau.
1.2.4. Quản lí đổi mới PPDH các môn KHTN
1.2.4.1. Quản lí đổi mới PPDH
Từ các khái niệm Quản lí; Quản lí PPDH; Đổi mới PPDH, có thể hiểu quản lí đổi mới PPDH như sau:
Quản lí đổi mới PPDH là quá trình tác động có kế hoạch, có mục đích, có tổ chức của nhà quản lí (hiệu trưởng nhà trường) đến đội ngũ giáo viên và học sinh nhằm làm cho hoạt động đổi mới PPDH đạt được mục tiêu chung đã đề ra.
Quản lí đổi mới PPDH được thực hiện theo chức năng của quản lí đó là Lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra đánh giá với chủ thể quản lí là Hiệu trưởng nhà trường, khách thể quản lí là tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên, nhân viên, các tổ chức và đoàn thể trong trường và các điều kiện CSVC phục vụ đổi mới PPDH.
1.2.4.2. Quản lí đổi mới PPDH các môn KHTN
Từ các khái niệm Đổi mới PPDH các môn KHTN và Quản lí đổi mới PPDH ta có thể hiểu Quản lí đổi mới PPDH các môn KHTN như sau:
Quản lí đổi mới PPDH các môn KHTN là quá trình tác động có kế hoạch, có mục đích, có tổ chức của nhà quản lí (Hiệu trưởng) đến đội ngũ giáo viên và học sinh nhằm làm cho hoạt động đổi mới PPDH các môn KHTN hiệu quả hơn, đạt được mục tiêu chung đã đề ra.
1.3. Một số vấn đề cơ bản về quản lí đổi mới phương pháp dạy học các môn Khoa học tự nhiên ở trường Trung học cơ sở
1.3.1. Đổi mới phương pháp dạy học các môn Khoa học tự nhiên ở trường Trung học cơ sở
1.3.1.1. Ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới PPDH các môn KHTN
Trong một thời gian dài, thầy cô chúng ta được trang bị phương pháp để truyền thụ tri thức cho học sinh theo quan hệ một chiều: Thầy truyền đạt, trò tiếp nhận. Với phương pháp giảng dạy này, các em học sinh như một cái kho và thầy cô chúng ta đem bất kỳ một điều tốt đẹp nào của khoa học để chất đầy cái kho đó. Kết quả là học sinh học tập một cách thụ động, thiếu tính độc lập sáng tạo trong quá trình học tập.
Theo quan điểm giáo dục hiện đại, dạy học là một quá trình tương tác (GV - HS, HS - HS, HS - GV, HS với những người hiểu biết hơn…), trong đó, “học"là một hoạt động trung tâm. Và, người học - đối tượng của hoạt động “dạy”, đồng thời là chủ thể của hoạt động “học"- được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ, chưa có chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt. Để đạt được điều ấy, trong quá trình dạy học, người thầy cần phải thức tỉnh trong tâm hồn các em học sinh tính ham hiểu biết, dạy các em biết suy nghĩ và hành động tích cực. Vì thế, việc đổi mới PPDH để học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập là một vấn đề cần thiết và không thể thiếu được. Bởi, chỉ có đổi mới PPDH, chúng ta mới góp phần khắc phục những biểu hiện trì trệ nghiêm trọng trong giáo dục hiện nay; chỉ có đổi mới PPDH chúng ta mới góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Các môn KHTN thường được cho là khô khan, cách truyền thụ kiến thức của giáo viên cho học sinh còn mang tính áp đặt, CSVC trang thiết bị dạy học của nhiều trường còn thiếu nên việc dạy học, tổ chức thực hành cho học sinh chưa được chú trọng. Cách kiểm tra, đánh giá của giáo viên hiện nay chưa đổi mới nên học sinh cảm thấy khó khăn khi học các môn KHTN. Để đáp ứng với việc đổi mới giáo dục, đổi mới PPDH hiện nay đòi hỏi giáo viên dạy các môn KHTN phải đổi mới PPDH;
Trong chương trình giáo dục mới lần này sẽ được áp dụng vào năm học 2019- 2020, giáo dục KHTN với chủ trương tích hợp thành một môn học ở THCS và phân
hoá sâu thành các môn ở THPT, đây là việc cần thiết phải đổi mới nội dung, chương trình dạy học nhưng cũng là thách thức, khó khăn với đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý. Nắm bắt được xu thế, vì vậy chúng ta phải tích cực đổi mới PPDH các môn học tự nhiên. Khi thực hiện đổi mới PPDH nói chung, đổi mới PPDH các môn KHTN nói riêng không thể không có công tác quản lý.
1.3.1.2. Quan điểm về đổi mới PPDH ở trường THCS hiện nay
Định hướng chung về đổi mới PPDH đã được qui định trong Luật giáo dục và được cụ thể hoá trong những định hướng xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa THCS. Định hướng đó là: phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Có thể nói cốt lõi của đổi mới PPDH ở trường THCS là hướng tới giúp học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, từ bỏ thói quen học tập thụ động, ghi nhớ máy móc. Cụ thể là:
- Đổi mới tính chất và nội dung hoạt động của giáo viên và học sinh, chuyển từ dạy học truyền thụ một chiều, học tập thụ động, chủ yếu là ghi nhớ kiến thức để đối phó với thi cử sang học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, chú trọng hình thành năng lực tự học dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn, tổ chức của giáo viên.
- Đổi mới các hình thức tương tác xã hội trong dạy học, chuyển từ dạy học đồng loạt cả lớp đối diện với giáo viên, học tập đơn phương sang tổ chức dạy học theo các hình thức tương tác, học cá nhân, học theo nhóm...
- Đổi mới các hình thức tổ chức dạy học:
+ Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học, làm cho việc học sinh động, lý thú, tránh nhàm chán, đơn điệu, từ đó có thể khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh của các hình thức tổ chức dạy học khác nhau
+ Làm cho việc học gắn với môi trường thực tế, gắn với kinh nghiệm sống của cá nhân học sinh, tạo điều kiện tổ chức học tập với hình thức điều tra, nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống,...