1.2.4. Hệ vừa làm vừa học và quản lý đào tạo hệ vừa làm vừa học
- Hệ vừa làm vừa học
Hệ VLVH được Bộ giáo dục và Đào tạo sử dụng thay cho hệ tại chức (thuộc hệ thống giáo dục không chính quy) theo Quyết định số 01/2001/QĐ- Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ngày 29/01/2001. Đây là loại hình đào tạo song song với loại hình chính quy trong các trường đại học, cao đẳng, giúp mọi người VLVH, học liên tục, học suốt đời nhằm nâng cao học vấn, mở rộng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và dễ dàng tiếp cận với xã hội hiện đại.
Đào tạo VLVH trong tương quan với đào tạo hệ chính quy tập trung, là hình thức đào tạo không chính quy (KCQ). Đào tạo KCQ nhất là hình thức đào tạo VLVH hay (trước đây là đào tạo tại chức) có từ rất sớm ở Việt Nam và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục - đào tạo quốc dân.
Đào tạo KCQ có ưu điểm cho những người không có điều kiện học chính quy (do tuổi tác, yêu cầu công tác nên không thể nghỉ làm,…) cũng có thể học được đại học, chi phí rẻ hơn và có điều kiện, khả năng gắn học với hành. Nét chung chủ yếu của hình thức đào tạo này là giáo dục nhà trường gắn với sự mở rộng nhất định cho những hình thức giáo dục đào tạo VLVH, liên thông, văn bằng 2, phục vụ đối tượng lớn tuổi, đã qua thực tế, chưa có điều kiện đến trường học tập trung dài hạn.
Trong nửa sau thế kỉ XX, việc học KCQ “bùng nổ” khắp nơi trên thế giới. Ở những nước công nghiệp pháp triển, nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động gia tăng nhanh chóng, dần dần hình thành lĩnh vực “Giáo dục thường xuyên”, “Giáo dục từ xa”,… bao gồm nhiều đối tượng học là người lớn tuổi, học theo nhu cầu của mình, ngoài những người học để lấy bằng như đã nêu trên. Đông đảo người lớn ngày càng có ý thức phải học, đòi được học thì mới tồn tại và phát triển được; vì vậy làm cho công tác đào tạo đạt được một bước phát triển rất mạnh; điều này phù hợp với chính sách phát triển nguồn nhân lực và tính tất yếu của xu thế giáo dục đại chúng, xu thế học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập trong thế kỉ XXI.
- Quản lý đào tạo hệ vừa làm vừa học
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay ở nước ta có khoảng hơn 1 triệu học viên hệ KCQ trong tổng số khoảng 2 triệu người học, tức là hệ KCQ chiếm khoảng một nửa tổng số người học đại học. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hệ đào tạo KCQ và nhu cầu của người học ngày một thay đổi. Cùng với xu thế phát triển của hệ đào tạo hệ VLVH thì một vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý đào tạo hệ VLVH đạt hiệu quả.
Nhiệm vụ quản lý hệ VLVH ở trường cao đẳng, đại học phải được thể hiện từ công tác tuyển sinh đầu vào, quản lý quá trình đào tạo đến quản lý đầu ra. Trong quá trình đó chương trình đào tạo phải đáp ứng được các yêu cầu:
a. Chương trình đào tạo bổ sung, tu nghiệp định kỳ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng; đào tạo lại và bồi dưỡng người lao động làm việc theo chu kỳ 5 năm một lần và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý từ trung ương đến địa phương.
b. Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học. Chương trình giáo dục tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng sở thích cá nhân và giáo dục định hướng tương lai.
c. Chương trình giáo dục để giúp người học đạt được văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức VLVH, học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn.
Như vậy, quản lý đào tạo hệ VLVH là quá trình quản lý có mục đích, có tổ chức nhằm bồi dưỡng và đào tạo những phẩm chất, kỹ năng, kỹ xảo cho người học trên cơ sở những kiến thức, năng lực đã có để họ có thể hành nghề một cách hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động và xã hội.
1.2.5. Năng lực và phát triển năng lực người học ở trường Đại học
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm về năng lực, chúng tôi đưa ra định nghĩa chung về năng lực như sau: Năng lực là hệ thống khả năng của con người đã được phát triển và được hiện thực hoá thể hiện trong việc con người thực hiện linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả một loại hoạt động nào đó. Thành tố cơ bản của năng lực là tri thức, kỹ năng và động cơ thực hiện, trong đó tri thức đóng vai trò nền tảng, kỹ năng là mặt thực hiện của năng lực trong thực tiễn, động cơ là động lực thúc đẩy con người vận dụng tri thức và kỹ năng vào thực tiễn. Có 2 dạng năng lực cơ bản: năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực của người học có thể chia thành hai loại chính: năng lực chung và năng lực cụ thể, chuyên biệt:
Năng lực chung là năng lực cơ bản, thiết yếu để con người có thể sống và làm việc bình thường trong xã hội. Năng lực này được hình thành và phát triển do nhiều môn học, liên quan đến nhiều môn học. Đây là loại năng lực được hình thành xuyên chương trình.
Năng lực cụ thể, chuyên biệt là năng lực riêng được hình thành và phát triển do một lĩnh vực/môn học nào đó. Đây là dạng năng lực chuyên sâu, góp phần giúp mọi người giải quyết các công việc chuyên môn trong lĩnh vực công tác hẹp của mình.
Năng lực chỉ có thể thấy được khi quan sát hoạt động của sinh viên ở các tình huống nhất định. Năng lực được hình thành không chỉ trong quá trình học tập tại trường mà cả ngoài trường và xã hội.
Trong lịch sử phát triển giáo dục có 3 cách tiếp cận khác nhau trong việc xây dựng CTĐT: Tiếp cận nội dung, tiếp cận mục tiêu và tiếp cận phát triển (tiếp cận năng lực). Tại mỗi thời điểm của lịch sử phát triển giáo dục, các quốc gia cũng như mỗi nhà trường cần có cách tiếp cận riêng phù hợp với sứ mệnh của riêng mình. Ngày nay, giáo dục đang đi theo hướng tiếp cận năng lực. Tiếp cận năng lực là chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra.
Theo chúng tôi, năng lực được cấu thành từ những bộ phận cơ bản:Kiến thức về lĩnh vực hoạt động, điều kiện tâm lí để tổ chức và thực hiện kiến thức, kỹ năng đó trong một cơ cấu thống nhất và theo một định hướng rõ ràng, như ý chí - động cơ, tình cảm - thái độ đối với nhiệm vụ. Do vậy, phát triển năng lực cần dựa trên cơ sở các thành phần của năng lực (các kiến thức, kỹ năng, thái độ,...). Trong đó phải được:“thực hành”, huy động tổng hợp các thành phần trong các tình huống đa dạng, từ đó mà năng lực được hình thành, phát triển.
Vì vậy, theo chúng tôi giáo dục là một quá trình, phải phát triển tối đa mọi tiềm năng trong mỗi con người, giúp họ làm chủ được những tình huống, đương đầu với những thách thức sẽ gặp phải trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp một cách chủ động và sáng tạo. Giáo dục là quá trình tiếp diễn liên tục trong suốt cuộc đời mỗi con người, như vậy nó không chỉ được đặc trưng chỉ bằng một mục đích cuối cùng nào.
1.2.6. Quản lý đào tạo hệ vừa làm vừa theo hướng phát triển năng lực người học tại trường Đại học
Nếu như chương trình đào tạo được ví như một bản kế hoạch chi tiết với mục tiêu, nội dung và các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể thì khâu tổ chức quản lý đào tạo là đảm bảo việc thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu của đào tạo hệ VLVH là hướng tới phát triển năng lực người học. Vì vậy, với tư cách là nhà quản lý, để quản lý tốt hệ đào tạo VLVH theo hướng PTNL người học thì nhà quản lý cần quản lý tốt từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình đến hoạt động kiểm tra, đánh giá… Qúa trình đào tạo phải lấy người học làm trung tâm, chú trọng hình thành các năng lực cho người học, với mục tiêu học để đáp ứng yêu cầu công việc; Những điều đã học cần thiết bổ ích cho cuộc sống và công việc sau này.
Theo chúng tôi quản lý đào tạo hệ VLVH theo hướng PTNL là một hướng đi tất yếu. Khi nhu cầu học tập của con người là suốt đời, và nền kinh tế thế giới luôn luôn vận động, phát triển không ngừng. Giáo dục phải đi trước một bước, phải khơi gợi, phát triển năng lực cá nhân người học và đáp ứng được sự đòi hỏi của nền kinh tế hơn nữa đối tượng học của hệ VLVH là những người đang đi làm, vì vậy nhà trường luôn quan tâm đến nhu cầu, năng lực của từng nhóm cá nhân để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, song song với đó là quản lý và phát triển chương trình.
1.3. Đào tạo hệ vừa làm vừa theo hướng phát triển năng lực người học tại trường Đại học
1.3.1. Quan niệm về đào tạo hệ vừa làm vừa học theo hướng phát triển năng lực người học
Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm đào tạo hệ VLVH, trong luận văn này tác giả dựa vào quan niệm được nêu trong Nghị định và các văn bản pháp quy khác của Nhà nước ta về đào tạo hệ VLVH hiện nay như:
Giáo dục thường xuyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như: không tập trung, không chính quy, tại chức, bổ túc, từ xa…. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi trình độ có thể học tập thường xuyên, suốt đời, phù những nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ… trong các hình thức đó có hình thức đào tạo hệ VLVH. Trong điều 44 của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi năm 2009 ) đã chỉ rõ: "Đào tạo hệ VLVH là phương thức giáo dục giúp mọi người VLVH học liên tục, học suốt đời, nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm và thích nghi với đời sống xã hội" [22;10]
Nghị quyết lần thứ 8, Ban chấp hành Trung Ương khóa XI Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập Quốc Tế đã đề ra là: “ Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.”
1.3.2. Một số đặc điểm của đào tạo hệ vừa làm vừa học theo hướng phát triển năng lực người học
Chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực (định hướng phát triển năng lực) nay còn gọi là dạy học định hướng kết quả đầu ra được bàn đến nhiều từ những năm 90 của thế kỷ 20 và ngày nay đã trở thành xu hướng giáo dục quốc tế. Giáo dục định hướng phát triển năng lực nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học.
Giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp. Chương trình này nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức.
Bảng 1.1. Bảng so sánh chương trình định hướng nội dung và chương trình định hướng phát triển năng lực
Chương trình định hướng nội dung | Chương trình định hướng phát triển năng lực | |
Mục tiêu giáo dục | Mục tiêu dạy học được mô tả không chi tiết và không nhất thiết phải quan sát, đánh giá được | Kết quả học tập cần đạt được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được; thể hiện được mức độ tiến bộ của SV một cách liên tục |
Nội dung giáo dục | Việc lựa chọn nội dung dựa vào các khoa học chuyên môn, không gắn với các tình huống thực tiễn. Nội dung được quy định chi tiết trong chương trình. | Lựa chọn những nội dung nhằm đạt được kết quả đầu ra đã quy định, gắn với các tình huống thực tiễn. Chương trình chỉ quy định những nội dung chính, không quy định chi tiết. |
Phương pháp dạy học | GV là người truyền thụ tri thức, là trung tâm của quá trình dạy học. SV tiếp thu thụ động những tri thức được quy định sẵn. | - GV chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ SV tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức. Chú trọng sự phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp,…; - Chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; các phương pháp dạy học thí nghiệm, thực hành |
Hình thức dạy học | Chủ yếu dạy học lý thuyết trên lớp học | Tổ chức hình thức học tập đa dạng; chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học |
Đánh giá kết quả học tập của SV | Tiêu chí đánh giá được xây dựng chủ yếu dựa trên sự ghi nhớ và tái hiện nội dung đã học. | Tiêu chí đánh giá dựa vào năng lực đầu ra, có tính đến sự tiến bộ trong quá trình học tập, chú trọng khả năng vận dụng trong các tình huống thực tiễn. |
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý đào tạo hệ vừa làm vừa học theo hướng phát triển năng lực người học ở trường Đại học Hùng Vương - 1
- Quản lý đào tạo hệ vừa làm vừa học theo hướng phát triển năng lực người học ở trường Đại học Hùng Vương - 2
- Một Số Khái Niệm Cơ Bản Của Đề Tài
- Hoạt Động Kiểm Tra, Đánh Giá Đào Tạo Hệ Vlvh Theo Hướng Ptnl Người Học
- Cơ Cấu Bộ Máy Tổ Chức Trường Đại Học Hùng Vương
- Thực Trạng Đào Tạo Hệ Vừa Làm Vừa Học Theo Hướng Phát Triển Năng Lực Người Học Ở Trường Đại Học Hùng Vương
Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.
Qua bảng so sánh trên có thể thấy chương trình định hướng nội dung và chương trình định hướng phát triển năng lực có nhiều điểm khác nhau. Khác với chương trình định hướng nội dung, chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực tập trung vào việc mô tả chất lượng đầu ra, có thể coi là ”sản phẩm cuối cùng” của quá trình dạy học. Việc quản lý chất lượng dạy học chuyển từ việc điều khiển “đầu vào” sang điều khiển “đầu ra”, tức là kết quả học tập của SV.
Chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực không quy định những nội dung dạy học chi tiết mà quy định những kết quả đầu ra mong muốn của quá trình giáo dục, trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả dạy học nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu dạy học tức là đạt được kết quả đầu ra mong muốn. Kết quả học tập mong muốn được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được..
Những ưu điểm nổi trội của đặc điểm đào tạo theo hướng PTNL người học được cụ thể hóa trong sơ đồ dưới đây:
Hình 1.1. Đặc điểm đào tạo theo hướng PTNL người học
1.3.3. Nội dung đào tạo hệ vừa làm vừa học theo hướng phát triển năng lực người học
1.3.3.1. Công tác tuyển sinh hệ VLVH
Tuyển sinh là khâu then chốt, phản ánh chất lượng đào tạo, uy tín và thương hiệu của các trường đại học. Giữa bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của các trường đại học như hiện nay, công tác tuyển sinh gặp phải rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, việc xây dựng và phát triển hệ đào tạo vừa làm vừa học (VLVH) là một hướng đi đúng đắn nhằm đa dạng hóa ngành đào tạo, thu hút thêm các đối tượng học viên, tạo công việc và tăng thêm nguồn thu cho các trường.
Để công tác tuyển sinh đạt kết quả cao các trường cần chú ý đến nhu cầu của người học, nhu cầu này phụ thuộc nhiều vào xu hướng phát triển kinh tế trong nước và trên thế giới. Đồng thời cần chú ý đến năng lực của đối tượng tuyển sinh để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, để đầu ra đạt kết quả cao.
Vì vậy, công tác tuyển sinh cần xây dựng một kế hoạch tuyển sinh cụ thể, có những hoạt động quảng bá tích cực và tổ chức tuyển sinh chặt chẽ, khoa học đúng quy định.
1.3.3.2. Chương trình, kế hoạch đào tạo hệ VLVH theo hướng PTNL người học
Chương trình, kế hoạch đào tạo được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo của một trường Đại học. Nội dung đào tạo cần được cụ thể hóa ở từng ngành học. Kế hoạch đào tạo cần được xây dựng trước khi chương trình đi vào thực hiện. Các trường Đại học cần công khai chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo đến tất cả các sinh viên. Đối với sinh viên hệ VLVH thì yếu tố này càng quan trọng hơn. Bởi đặc thù của các sinh viên này là vừa đi làm, vừa đi học nên họ cần biết trước kế hoạch đào tạo để có sự bố trí, sắp xếp công việc hợp lý để có thể theo học. Mục tiêu đi học của SV hệ VLVH rất thiết thực là để phục vụ cho công việc mà các học viên đang làm nên việc công khai chương trình môn học là rất quan trọng. Để làm tốt khâu này các trường cần có sự chuẩn bị chu đáo, đi trước đón đầu để đáp ứng được nhu cầu của người học. Nội dung chương trình đào tạo cần hoàn thiện từ khâu rà soát, so sánh đối chiếu và xây dựng khung chương trình đào tạo đến khâu xây dựng đề cương chi tiết học phần...
Kế hoạch đào tạo cần xây dựng từ đầu năm học để sinh viên theo dõi và đăng ký môn học. Kế hoạch đào tạo được phân chia theo từng kỳ dựa trên nguyên tắc xây
dựng từng ngành học. Các trường tổ chức đào tạo theo khóa học, năm học. Khóa học là thời gian để sinh viên hoàn thành một chương trình cụ thể. Căn cứ khối lượng kiến thức quy định cho các chương trình, hiệu trưởng phân bổ số học phần cho từng năm học, từng học kỳ. Đầu khóa học, trường thông báo công khai về nội dung về kế hoạch học tập của từng chương trình; quy chế đào tạo; nghĩa vụ, quyền lợi của sinh viên; giảng viên dạy môn học, hình thức đánh giá, thi, kiểm tra. Đầu mỗi năm học, trường phải thông báo công khai lịch trình học của từng chương trình trong từng học kỳ, danh sách các học phần bắt buộc và tự chọn, đề cương chi tiết học phần và điều kiện để được đăng ký học cho từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra và thi các học phần, giáo trình, tài liệu có liên quan.
1.3.3.3. Hình thức đào tạo hệ vừa làm vừa học tại cơ sở giáo dục theo hướng PTNL người học
Hình thức đào tạo hệ VLVH thuộc phương thức giáo dục không chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là hình thức đào tạo mà phần lớn thời gian học viên vừa phải học vừa phải làm. Trong đó các lớp được mở trực tiếp ở cơ sở GD như các trường cao đẳng, đại học, học viện…
Hiện nay tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều áp dụng phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là phương thức thực hiện quá trình giáo dục - dạy học nhằm truyền đạt cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ được xác định trong mục tiêu của chương trình đào tạo, đồng thời ghi nhận các kết quả học tập của người học thông qua việc tích lũy khối lượng học tập (tích lũy tín chỉ) để đạt được một văn bằng.
Đào tạo theo tín chỉ là mô hình tổ chức quá trình đào tạo mềm dẻo với nhiều môn học được xác định bằng những tín chỉ để cho SV chọn lựa đăng ký học tập. Tuỳ theo sức học, điều kiện mà SV tự quyết định kế hoạch học tập của mình dưới sự giúp đỡ của cố vấn học tập, Đào tạo theo HCTC có các đặc tính cơ bản sau:
- Tính liên thông: đảm bảo kết nối các môn học theo các phương pháp được thừa nhận trong phạm vi một hệ thống giáo dục.
- Tính chủ động: qua việc chọn lựa từng loại môn học và bố trí môn học, sinh viên chủ động xây dựng chương trình và kế hoạch học tập phù hợp với những điều kiện cá nhân của mình.