Quản Lý Cơ Sở Vật Chất Của Hiệu Trưởng Nhà Trường Thcs

1.2.2. Quản lý giáo dục

Các nhà lý luận về quản lý giáo dục Liên Xô (cũ) đã đưa ra một số định nghĩa về quản lý giáo dục, cụ thể như M.M.Mechti Zađe cho rằng: “Quản lý giáo dục là tập hợp những biện pháp (tổ chức, phương pháp, cán bộ, giáo dục, kế hoạch hóa, tài chính, cung tiêu…) nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống giáo dục, đảm bảo sự tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về mặt số lượng cũng như về mặt chất lượng” [dẫn theo 20, tr.34].

Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Quang đã viết: “Quản lý giáo dục (nói riêng quản lý trường học) là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý (hệ giáo dục) nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường XHCN Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học

- giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến tới trạng thái mới về chất" [27]. Theo tác giả Nguyễn Đức Trí quản lý giáo dục được hiểu là sự tác động của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý trong lĩnh vực hoạt động giáo dục hay công tác giáo dục. Nói một cách đầy đủ hơn, quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý trong hệ thống giáo dục, là sự điều hành hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quản lý giáo dục là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục theo yêu cầu phát triển xã hội.

Nhà trường là hệ thống cuối cùng và cơ bản nhất của quản lý giáo dục. Dạy học và giáo dục trong sự thống nhất là hoạt động trung tâm của nhà trường. Mọi hoạt động đa dạng và phức tạp khác của nhà trường cũng đều hướng vào tiêu điểm này.

Do đó, quản lý nhà trường thực chất là quản lý quá trình lao động sư phạm của thầy, hoạt động học tập - tự giáo dục của trò diễn ra trong quá trình dạy học - giáo dục. Như vậy, có thể nói quản lý nhà trường thực chất là quản lý quá trình dạy học - giáo dục.

1.2.3. Quản lý nhà trường - Quản lý trường THCS

1.2.3.1. Quản lý nhà trường

Nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên biệt, có đội ngũ các nhà giáo được đào tạo, nội dung chương trình được chọn lọc, phương pháp giáo dục phù hợp với mọi lứa tuổi, các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho giáo dục, mục đích giáo dục của nhà trường phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Nhà trường là một tổ chức chuyên biệt trong xã hội, thực hiện chức năng tái tạo nguồn nhân lực phục vụ cho duy trì và phát triển của xã hội.

Trường học là tổ chức giáo dục cơ sở mang tính nhà nước, xã hội là nơi trực tiếp làm công tác đào tạo thế hệ trẻ, là đơn vị tế bào trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Quản lý nhà trường, quản lý trường học là gì?

Tác giả Phạm Minh Hạc đã đưa ra định nghĩa về quản lý nhà trường: "Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa trường vận hành theo nguyên lý giáo dục, để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh" [15].

Quản lý cơ sở vật chất ở các trường trung học cơ sở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh - 4

Theo quan điểm trên, chúng tôi thấy bản chất của quản lý trường học là quản lý những tổ chức có chức năng tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm đạt tới mục đích giáo dục và được hiểu trên hai phương diện:

Quản lý của các cơ quan chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục đối với các nhà trường (bao gồm ý nghĩa quản lý các hệ con của hệ thống giáo dục).

Quản lý của chủ thể quản lý nhà trường (Hiệu trưởng) đối với các hoạt động giáo dục trong nhà trường (bao gồm ý nghĩa quản lý giáo dục ở cấp vi mô).

Trong luận văn này, chúng tôi giới hạn khái niệm trên ở mức độ các hoạt động quản lý của Hiệu trưởng đối với các hoạt động của nhà trường. Như vậy có thể hiểu quản lý nhà trường là những tác động hợp qui luật của chủ thể quản lý nhà trường (Hiệu trưởng) đến khách thể quản lý nhà trường (giáo viên, nhân viên và học sinh,...) nhằm đưa các hoạt động giáo dục và dạy học của nhà trường đạt tới mục tiêu giáo dục của nhà trường.

1.2.3.2. Quản lý trường THCS

* Vị trí, vai trò của trường THCS trong hệ thống giáo dục quốc dân:

Tại Điều 4, Luật giáo dục 2005 quy định: Các cấp học và trình độ đào tạo của Hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; Giáo dục phổ thông có tiểu học, THCS, THPT; Giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; Giáo dục đại học và sau đại học đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ [29, tr. 63].

Vị trí của trường THCS được xác định trong Điều lệ trường trung học như sau: “Trường THCS là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng” [29, tr.5].

Có thể nói, giáo dục THCS là một bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là cấp học nối tiếp chương trình giáo dục tiểu học và là bước chuẩn bị để HS có thể tiếp tục học lên trung học phổ thông hoặc học các trường nghề, hay đi vào đời sống lao động.

* Mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục THCS:

- Mục tiêu: Điều 27, Luật giáo dục năm 2005 quy định: "Giáo dục THCS nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kĩ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học ở THPT, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động” [23, tr. 7].

- Nội dung: Điều 28, Luật giáo dục 2005 quy định: “ Giáo dục THCS phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc, kiến thức khác về khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có những hiểu biết cần thiết tối thiểu vể kĩ thuật và hướng nghiệp” [23, tr.8].

- Phương pháp: Luật giáo dục 2005, Điều 28 quy định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương

pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh” [23, tr.8].

* Người hiệu trưởng trường THCS:

Ở trường THCS, Hiệu trưởng nhà trường là chủ thể quản lý. Hiệu trưởng là người phụ trách cao nhất, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân và trước cấp trên trực tiếp về mọi HĐGD của nhà trường. Luật Giáo dục 2005 quy định trách nhiệm của người Hiệu trưởng tại Điều 54 như sau: “Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận” [23, tr.19].

1.3. Quản lý cơ sở vật chất

1.3.1. Khái niệm cơ sở vật chất trường học

Theo tác giả Hà Sĩ Hồ và Lê Tuấn đã viết: CSVC là những hệ thống các phương tiện vật chất và kỹ thuật khác nhau được sử dụng để phục vụ việc giáo dục và đào tạo toàn diện HS trong nhà trường. Đó là những đồ vật, những của cải vật chất và khung cảnh tự nhiên xung quanh nhà trường.

Một cách khái quát CSVC của trường học bao gồm:

- CSVC của xã hội được nhà trường sử dụng vào mục tiêu đào tạo bao gồm: các trang thiết bị và công cụ của nhà máy xí nghiệp, nhà văn hóa, nhà truyền thống, câu lạc bộ, sân bãi thể dục thể thao của địa phương ... Nhà trường không trực tiếp quản lý và sử dụng.

- CSVC trong nhà trường đó là các khối công trình, nhà cửa, sân chơi, thư viện, TBGD và các trang thiết bị khác… được trang bị riêng cho nhà trường, và chia ra làm 3 bộ phận: trường sở, TBGD và thư viện. Nhà trường trực tiếp quản lý và sử dụng.

+ Trường sở: là nơi tiến hành dạy học và giáo dục. Đó là những tòa nhà, sân chơi, vườn trường… và quang cảnh tự nhiên bao quanh trường. Là một trong ba bộ phận quan trọng hình thành nên CSVC của trường học, bao gồm các khối, khu công trình:

- Khối phòng học, phòng học bộ môn;

- Khối phục vụ học tập;

- Khối phòng hành chính;

- Khu sân chơi bãi tập;

- Khu vệ sinh;

- Khu để xe.

+ TBGD: Bao gồm các thiết bị giảng dạy và học tập tại lớp, thiết bị phòng thí nghiệm, thiết bị thể dục thể thao, thiết bị nhạc - họa và các thiết bị khác trong xưởng trường, vườn trường, phòng truyền thống… nhằm đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

+ Thư viện: bao gồm sách báo, phòng đọc và cho mượn, kho sách, các trang thiết bị chuyên dùng và băng, đĩa multimedia cùng các thiết bị vi tính … phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của GV, HS và công nhân viên trong nhà trường” [13, tr.268].

Như vậy, có thể khẳng định rằng: CSVC là thành phần không thể thiếu được trong việc đào tạo con người trong nhà trường; là yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình giáo dục và góp phần quyết định vào chất lượng giáo dục của nhà trường; là điều kiện thiết yếu của quá trình sư phạm; là phương tiện để tác động đến thế giới tâm hồn của HS và cũng là phương tiện để truyền thụ lĩnh hội tri thức. Là thành tố quan trọng trong hệ thống giáo dục.

Nghiên cứu ở đây là nghiên cứu mối quan hệ giữa: Mục đích dạy học - Nội dung dạy học - Phương pháp dạy học - Phương tiện dạy học cũng chính là nghiên cứu mối quan hệ giữa: Mục tiêu giáo dục - Nội dung giáo dục - Nguyên lý giáo dục - Phương tiện và điều kiện giáo dục trong đó có CSVC. Và chỉ thực hiện đầy đủ mục tiêu với một CSVC phù hợp thì mới góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để nhằm phục vụ cho công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN.

Vì vậy, để làm tốt các vai trò trên thì toàn bộ khung cảnh nhà trường với các công trình phải được xây dựng đúng chuẩn mực, trang bị đầy đủ khang trang sạch đẹp thể hiện nét hiện đại của nhà trường XHCN, bền vững theo thời gian, phù hợp với tâm sinh lý của HS, tạo được cảm giác yên tâm của các bậc phụ huynh, đồng thời nó sẽ có giá trị giáo dục hết sức to lớn, gây ấn tượng sâu sắc và lưu lại suốt đời trong ký ức HS.

1.3.2. Quản lý cơ sở vật chất trường học

Quản lý CSVC là một trong các nhiệm vụ quản lý của người Hiệu trưởng. Đó là quá trình tác động có tính định hướng, có tổ chức dựa trên những thông tin về tình trạng của CSVC và đặc điểm đặc thù của mỗi nhà trường, nhằm đảm bảo cho việc đầu tư, khái thác, sử dụng CSVC phát triển phù hợp với mục tiêu đào tạo của mỗi nhà trường.

Công tác quản lý CSVC chịu sự chi phối rất lớn của nhiệm vụ, mục tiêu cũng như trình độ sư phạm của giáo viên ở mỗi nhà trường. Đó là những yếu tố đặc trưng nhất, quyết định nội dung, hình thức cũng như phạm vi hoạt động của công tác quản lý CSVC. Để hiểu rõ hơn về quản lý CSVC cần phân tích thêm các chức năng cơ bản của quản lý CSVC.

Nếu tiếp cận quản lý như một quá trình với các chức năng thì quản lý CSVC được hiểu là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra việc trang bị và sử dụng các phương tiện phục vụ cho dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng chúng. Dưới đây xin trình bày một số chức năng chính của quản lý CSVC:

- Lập kế hoạch: Đó là quá trình thiết lập các mục tiêu về CSVC, hệ thống các hoạt động và điều kiện đảm bảo thực hiện các mục tiêu đó. Nội dung của kế hoạch bao gồm:

+ Đầu tư theo nhu cầu, tức là xác định các nhu cầu đầu tư về CSVC cho mỗi môn học nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu dạy học đã đặt ra.

+ Xây dựng các quy định, quy trình quản lý và sử dụng CSVC nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đặt ra là nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi phí sử dụng.

- Tổ chức: Là quá trình sắp xếp, phân bổ công việc, quyền hạn và các nguồn lực cho các thành viên của tổ chức để họ có thể đạt được mục tiêu về quản lý sử dụng CSVC một cách có hiệu quả nhất.

- Chỉ đạo: Là điều hành (điều khiển) giúp người quản lý thực hiện trách nhiệm quản lý CSVC một cách thuận lợi nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

- Kiểm tra: Người quản lý phải kiểm tra việc quản lý và sử dụng CSVC theo các mục tiêu đã đề ra. Có ba yếu tố cơ bản của công tác kiểm tra:

+ Là xây dựng chuẩn đánh giá khi thực hiện;

+ Đánh giá việc thực hiện trên cơ sở so sánh với chuẩn;

+ Điều chỉnh hoạt động (nếu xét thấy có sự chênh lệch) hoặc trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh mục tiêu.

Như vậy, hoạt động quản lý CSVC đối với một nhà trường đều phải qua ba nội dung cơ bản là: Tổ chức và lãnh đạo việc thực hiện kế hoạch; kiểm tra đánh giá các hoạt động và thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Một cách phân loại khác, trong đó tách quá trình quản lý CSVC theo hai giai đoạn:

+ Giai đoạn đầu tư và trang bị.

+ Giai đoạn khai thác và sử dụng.

Hai giai đoạn này có mối quan hệ mật thiết với nhau và hỗ trợ cho nhau. Để nâng cao hiệu quả sử dụng PTDH phải tiến hành đầu tư đúng hay lựa chọn đúng CSVC và trong sử dụng phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định.

1.4. Quản lý cơ sở vật chất của Hiệu trưởng nhà trường THCS

1.4.1. Vai trò của công tác quản lý CSVC trong trường học

Công tác quản lý CSVC có vai trò to lớn trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác và sử dụng CSVC ở mỗi nhà trường.

- Công tác quản lý CSVC sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng quan về vai trò, tốc độ phát triển của CSVC và mức độ ảnh hưởng của nó tới công nghệ dạy học ở trong nước, khu vực và trên thế giới. Đưa ra các lý thuyết làm cơ sở khoa học cho giáo viên và học sinh khai thác và sử dụng một cách hiệu quả.

- Thông qua công tác quản lý CSVC sẽ đánh giá một cách chính xác thực trạng CSVC của nhà trường, quá trình đầu tư mua sắm, bảo quản và chất lượng sử dụng, khai thác CSVC của các nhà trường. Từ đó, hoạch định chiến lược phát triển CSVC một cách lâu dài.

- Công tác quản lý dạy học sẽ giúp các nhà quản lý giáo dục đánh giá chính xác trình độ sư phạm của giáo viên, nhân viên kỹ thuật trong việc sử dụng CSVC vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sự tác động của CSVC đến chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu nâng cao trình độ, tay nghề giáo viên.

1.4.2. Nội dung công tác quản lý CSVC của Hiệu trưởng nhà trường THCS.

1.4.2.1. Công tác đầu tư mua sắm, bảo quản CSVC

Quản lý đầu tư CSVC là quản lý về vốn đầu tư, cách thức hiệu quả, kế hoặch đầu tư, bảo quản CSVC của các cơ sở đào tạo.

Các tổ chức, bộ phận trong nhà trường giúp Hiệu trưởng hệ thống lại những thiết bị, CSVC cần sửa chữa, trang bị mua sắm mới như cán bộ thư viện, giáo viên phụ trách phòng bộ môn giúp Hiệu trưởng hệ thống lại CSVC phục vụ cho dạy và học cần mua sắm, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Rất cần thiết, cần thiết, chưa cần thiết, sau đó tham khảo giá cả thị trường, tìm hiểu nguồn cung cấp, dự toán kinh phí cần thiết cho từng đợt. Hiệu trưởng xem xét lượng kinh phí nhà trường có thể đầu tư là bao nhiêu, cần xin hỗ trợ là bao nhiêu, cần huy động sức dân là bao nhiêu.

Hiệu trưởng lập tờ trình trình Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch đầu tư, mua sắm CSVC phục vụ cho dạy và học, xin trợ cấp kinh phí và đề nghị được phép huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh. Khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương, Hiệu trưởng họp Ban đại diện cha mẹ học sinh thông qua kế hoạch để có được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, phát huy truyền thống sẵn có lập quỹ tự nguyện để trang bị CSVC kêu gọi cha mẹ học sinh, các đoàn thể, các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong địa bàn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/02/2023