Bối Cảnh Mới Tác Động Đến Hoạt Động Quản Lý Các Dịch Vụ Trên Internet


CHƯƠNG 4

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CÁC DỊCH VỤ TRÊN INTERNET TẠI CÔNG TY ĐIỆN TOÁN VÀ

TRUYỀN SỐ LIỆU ĐẾN NĂM 2020


4.1 Bối cảnh mới tác động đến hoạt động quản lý các dịch vụ trên Internet

4.1.1 Bối cảnh quốc tế

Thị trường Internet thế giới đang và sẽ phát triển thành thị trường đa dạng các dịch vụ Internet và dịch vụ giá trị gia tăng. Đây là xu thế phát triển tất yếu trong bối cảnh giá cước dịch vụ truyền dẫn, di động ngày càng giảm. Mặc dù doanh thu của các nhà cung cấp viễn thông cao nhưng lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ truy nhập không còn nhiều. Hơn nữa, truy cập Internet đơn thuần đang trở nên nhàm chán. Ngày nay, người dùng không sử dụng Internet chỉ để check và gửi email hay lướt web nữa mà còn để tham gia thương mại điện tử, giải trí trực tuyến tương tác, Elearning, … Lợi nhuận từ dịch vụ Internet đang dần chiếm phần lớn trong hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp.

ICT tiếp tục duy trì vị thế là ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới trong những năm 2011 và 2012, 6.6% gấp 1,7 lần tăng trưởng GDP toàn cầu. Mặc dù chỉ đóng góp 6% GDP toàn cầu, các mặt hàng và dịch vụ ICT chiếm tỷ trọng cao, chiếm 14% giao thương hàng hóa và 10% giao thương dịch vụ toàn cầu. Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, dịch vụ outsourcing ICT bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là tại Ấn Độ nơi có truyền thống là nguồn cung dịch vụ outsourcing ICT lớn của thế giới

Về sản phẩm dịch vụ, xu hướng dịch chuyển rõ rệt của ngành sang dịch vụ trên nền tảng đám mây và thông qua các thiết bị di động. Một xu hướng nữa, như đã thể hiện qua bức tranh kinh doanh của ngành, là sự chuyển dịch thị phần sang phần mềm, dịch vụ và nội dung số.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.

Do các chuyển dịch nhanh chóng theo các xu hướng nêu trên, để duy trì sức cạnh tranh và đảm bảo tăng trưởng bền vững, các hãng công nghệ lớn đang tiến


Quản lý các dịch vụ trên Intetnet tại Công ty Điện toán và Truyền số liệu - 9

hành mạnh mẽ các hoạt động liên kết, sát nhập, với mục tiêu mở rộng các mảng hoạt động hoạt động của mình để bao trùm phần lớn các tầng công nghệ, tạo “hệ sinh thái” hay “hệ cộng sinh” cho các sản phẩm dịch vụ của mình cũng nư của các đối tác chiến lược, để kiểm soát toàn bộ các tầng công nghệ. Điển hình như Apple đã kiểm soát chặt chẽ phần cứng và phần mềm của các sản phẩm của họ, đồng thời tạo ra nền tảng của các dịch vụ nội dung số (Appstore) cho các đối tác trong hệ sinh thái các sản phẩm của Apple. Google (nắm phần dịch vụ nội dung số và tìm kiếm, đồng thời đang kiểm soát phần mềm cho thiết bị di động và mở rộng sang thiết bị phần cứng) và Microsoft (trong hợp tác chiến lược với Nokia, cũng như trong các hoạt động riêng, như sản phẩm Surface) cũng đi theo hướng này.

4.1.2 Bối cảnh trong nước

Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chính sách, hoạch định chiến lược mạnh mẽ thúc đẩy phát triển CNTT nước nhà. Đặc biệt nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam khóa 11 về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 đã chủ trương “Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dụng thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng… Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển mạnh công nghiệp CNTT, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững”.

Với chủ trương Đảng coi CNTT là “hạ tầng của hạ tầng quốc gia” sẽ giúp tạo nhận thức sâu sắc của các cấp các ngành trong toàn xã hội về thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình hiện đại hóa đất nước và là sự nghiệp chung của toàn Đảng toàn dân


Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng và nhà nước được đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách hành chính. Tính đến tháng 12/2013, hầu hết các bộ và tỉnh thành đều có trang/cổng thông tin cho phép người dân truy cập, khai thác thông tin. Hiện cả nước có 98439 dịch vụ công trong đó 860 là cấp 3 và 11 dịch vụ công trực tuyến cấp 4 sẵn sàng cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các dự án dịch vụ công trực tuyến như Hiện đại hóa hành chính thuế, hải quan điện tử, Hộ chiếu điện tử… thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT đồng bộ vào các lãnh vực như giáo dục, ngân hàng, giao thông vận tải, an ninh công cộng…

Việc đảm bảo an toàn thông tin vẫn là mối quan ngại lớn của nhiều cơ quan nhà nước khi thúc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh đảm bảo an toàn thông tin có diễn biến phức tạp hiện nay.. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng hiện nay chủ yếu là các nhóm thiết bị, phần mềm và giải pháp bảo vệ hệ thống đơn giản. Tỷ lệ áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn vẫn còn là con số khiêm tốn cũng như các đơn vị áp dụng quy chế về an toàn thông tin và có cán bộ chuyên trách còn ít.

Các dịch vụ Games online vẫn phát triển mạnh: Hàng chục online games được phát hành trong thời gian qua đã mang về hàng triệu khách hàng và doanh thu không nhỏ cho VinaGame, VTC. Các nhà cung cấp dịch vụ đầu tư nhiều triệu đô la để mua game và phát triển, dịch vụ trò chơi trực tuyến rõ ràng đã bứt tốp ngoạn mục trong một thời gian ngắn. Qua mặt các đàn anh phát triển nhiều năm trước như các dịch vụ tin tức, online game nhận được sự quan tâm rất lớn của hầu hết các đại gia công nghệ như FPT, VDC, VTC.

Các dịch vụ tin tức tiếp tục thống trị: Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn từ doanh thu, bản quyền đến chi phí hàng tháng cho đội ngũ phóng viên, tin tức trực tuyến vẫn là một trong những dịch vụ thu hút đông người dùng nhất trong thời gian tới. Vị trí độc tôn của một vài tờ báo điện tử sẽ bị lung lay bởi phiên bản báo điện tử của các tờ báo giấy lớn, cộng thêm sự chia sẻ cho các dịch vụ đặc thù như tin thể thao, tin thời trang, blog… Cuộc chiến trên vùng đất này hứa hẹn sẽ hết sức căng thẳng và kịch tính.


Các dịch vụ giải trí được tăng cường: Tốc độ truy cập ngày càng cao, giá máy chủ, phí thuê hosting ngày càng rẻ chính là những động lực lớn nhất để các dịch vụ giải trí trực tuyến nở rộ thời gian qua từ nhạc trực tuyến, video trực tuyến đến chia sẻ ảnh, phim… Chỉ chịu thua hai đàn anh là games và tin tức, các dịch vụ giải trí online hứa hẹn sẽ tạo nên một vườn hoa đầy màu sắc.

Kết bạn, mạng xã hội, dịch vụ cộng đồng, blog sẽ phát triển: Có thể nói Việt Nam đã sắp bước qua thời “ăn no mặc ấm”, giờ người dùng Internet đang bị bão hoà và có phần bội thực thông tin. Người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, cá nhân hơn, sự chăm sóc, phục vụ và nhu cầu được tham gia điều khiển cuộc chơi rõ rệt hơn bao giờ hết.

Các dịch vụ tìm kiếm được đầu tư lớn và khởi sắc: Với tỷ lệ 41% tổng ngân sách chi cho tìm kiếm trực tuyến (theo Interactive Advertising Bureau), đây là mảnh đất màu mỡ nhất của Internet. Bamboo, Zing, 7sac, Socbay, Timnhanh… lần lượt được đầu tư từ các quỹ lớn và cạnh tranh khốc liệt. Với tham vọng xây dựng một Baidu của Việt Nam cạnh tranh với Google bằng nội dung địa phương bằng “độc chiêu” tìm kiếm MP3 và blog Việt, các cỗ máy tìm kiếm “made in Vietnam” đang có những thành công bước đầu. Tuy nhiên cuộc chiến này là mô hình Zero-sum game (chỉ có 1 người chiến thắng tuyệt đối), liệu ai sẽ thực sự chiếm ngôi vị độc tôn?

Rao vặt – thương mại điện tử sẽ bùng nổ: Mặc dù thời gian qua hầu hết các trang TMĐT trong nước chỉ dừng ở chức năng rao vặt, các thương vụ đa phần được thực hiện offline (do rào cản thanh toán trực tuyến), hàng loạt công ty vẫn đầu tư dài hơi cho miếng bánh này. Zalora, Chodientu, Rongbay, muare, 123mua… đều đang chờ thời điểm để bùng phát. Đang trong “phòng thí nghiệm” nhưng chắc chắn sẽ có những tên tuổi lớn tham gia và chiếm ưu thế là các chuyên mục rao vặt của các báo điện tử. Dự kiến chiếm 17% ngân sách quảng cáo trực tuyến, rao vặt và catalogs hứa hẹn sẽ không phụ lòng các nhà đầu tư.

Chat, email trong nước vẫn do Google và Yahoo thống trị: Có thể thấy lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi Internet toàn cầu nằm ở giá trị địa phương, ngôn ngữ, văn hoá và sự chăm sóc khách hàng. Dịch vụ email, chat đã


được khá nhiều các ISP như VDC, FPT thực hiện từ khá lâu nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Dịch vụ Messenger của VietnamNET không khởi sắc. Gần đây VinaGame cũng tham gia với tham vọng lật đổ Yahoo tại Việt Nam.

Xu hướng về công nghệ: Dự đoán sẽ có hai xu hướng chính: Mua công nghệ nước ngoài về Việt hoá và tự phát triển. Hầu hết các sản phẩm lớn đều được mua sản phẩm đang thành công ở nước ngoài và đưa về Việt Nam, Việt hoá, làm marketing và bán hàng. Đặc trưng là các online games dạng MMORPG mà tiêu biểu là Võ Lâm Truyền Kỳ (Trung Quốc), Audition (Hàn Quốc), MU (Hàn Quốc)… Cyworld.vn là mạng xã hội đầu tiên được Việt hóa (từ Cyworld Hàn Quốc).

Một số dịch vụ nhỏ hơn, đặc biệt các mô hình web 2.0 lại có thể được sản xuất trong nước. Với lợi thế dễ thích nghi, dễ sửa đổi, các mô hình nhỏ gọn này hoàn toàn có thể nhanh chân chiếm được các thị trường khe, nơi các đại gia chưa kịp dòm ngó đến.

4.2 Mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển các dịch vụ trên Internet của công ty VDC đến năm 2020

4.2.1 Mục tiêu

4.2.1.1 Mục tiêu tổng quát

Thực hiện chiến lược phát triển công nghệ thông tin - viễn thông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Hoàn thành cơ cấu mô hình hoạt động mới của công ty theo đề án tái cơ cấu của tập đoàn VNPT; Xây dựng VNPT nói chung thành một tập đoàn Công nghệ thông tin và Viễn thông lớn trong khu vực và trên thế giới; Ưu tiên phát triển các dịch vụ trên Internet và các dịch vụ chuyên dụng phụ vụ cho các Ban, Bộ, Ngành. Theo chỉ thị số 07/CT-BBCVT của Bộ Thông tin và Truyền thông về định hướng chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với hai phương châm: Lấy phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin và Truyền thông có trình độ và chất lượng cao làm khâu đột phá; Lấy việc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước để từng bước vững chắc mở rộng sang thị trường khu vực và toàn cầu làm khâu quyết định.


Trên cơ sở mục tiêu chung của VNPT, công ty VDC đã xác định mục tiêu tổng quát về quản lý các dịch vu trên Internet đến năm 2020 là:

+ Hoàn chỉnh hệ thống chính sách, chiến lược cho quản lý đối với dịch vụ trên Internet ở VDC nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng VDC trở thành một công ty lớn mạnh ở trong và ngoài nước, một trọng điểm thực hiện Chiến lược phát triển CNTT-VT của Việt Nam, một trung tâm dịch vụ trên Internet của khu vực vực Vịnh Bắc Bộ và cả nước.

+ Lấy sự phát triển dịch vụ trên Internet là động lực, là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện để xây dựng Công ty hiện đại, trở thành trung tâm mạnh về khoa học công nghệ thông tin – viễn thông, trung tâm chuyển giao công nghệ về dịch vụ trên Internet, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển của khu vực phía Bắc và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghệ, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông của Việt Nam.

4.2.1.2 Mục tiêu cụ thể

Để quản lý đối với dịch vụ trên Internet ở VDC một cách hiệu quả phải đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng lưới tiến tới thay thế hoàn toàn bằng công nghệ Internet tốc độ cao.

- Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của dịch vụ trên Internet trong tổng thể dịch vụ của VNPT chiếm trên 50% doanh thu.

- Tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển VDC thành trung tâm dịch vụ trên Internet lớn của khu vực phía Bắc và của cả nước: nơi có trụ sở, văn phòng giao dịch; nơi tổ chức, điều hành các hoạt động dịch vụ trên Internet của các doanh nghiệp; nơi thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ trên Internet; là đầu mối cung cấp dịch vụ trên Internet lớn nhất khu vực phía Bắc của nước ta. VDC sẽ là trung tâm của mối liên kết mạng phát triển dịch vụ trên Internet khu vực phía Bắc và là một đầu mối quan trọng liên kết với mạng dịch vụ trên Internet của khu vực và thế giới.


- Hoạch định chính sách nhằm thực hiện mục tiêu phát triển dịch vụ trên Internet ở VDC ngang tầm khu vực, đưa VDC từng bước tham gia vào chuỗi dịch vụ trên Internet của khu vực và thế giới. Mục tiêu đến năm 2020 VDC sẽ đầu tư phát triển dịch vụ trên Internet tại ít nhất 05 quốc gia ở nước ngoài.

4.2.2 Định hướng

Đến năm 2020, VDC phát triển toàn diện, bền vững trở thành một công ty dịch vụ Công nghệ thông tin – Viễn thông chủ đạo; xây dựng một cơ sở hạ tầng thông tin vững chắc; kinh doanh đa dạng với các dịch vụ viễn thông và tin học là nòng cốt; phục vụ tốt công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. VDC hoạt động trên nhiều lĩnh vực; gồm nhiều trung tâm trực thuộc với các loại hình sở hữu đan xen, hỗn hợp; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế; có năng lực cạnh tranh và hội nhập có hiệu quả trên thị trường quốc tế. Cụ thể như sau.

Trong sự phát triển đi lên chung của kinh tế cả nước, kinh tế Tập đoàn VNPT nói chung và của VDC nói riêng cũng không ngừng phát triển. Để đảm bảo cho sự phát triển vững chắc và nhằm đạt được mục tiêu đổi mới phương thức quản lý. Định hướng cho quản lý đối với dịch vụ Internet ở VDC được cụ thể như sau:

VDC cần xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ Internet. Coi dịch vụ Internet là một trong những ngành dịch vụ chất lượng cao mũi nhọn của công ty trong định hướng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế nói chung của công ty. Thực tiễn kinh nghiệm phát triển dịch vụ Internet ở các nước cho thấy dịch vụ Internet là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và dịch vụ Internet phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác phát triển theo.

Phát triển nhanh, đa dạng hóa, khai thác hiệu quả các loại hình dịch vụ trên cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia nhằm cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ viễn thông với chất lượng cao, an toàn, bảo mật, giá cước thấp hơn hoặc tương đương mức bình quân các nước trong khu vực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước


Quản lý đối với dịch vụ Internet ở VDC phải định hướng để hình thành mô hình kinh doanh đa dịch vụ mang lại cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích và giá trị đích thức, trên cơ sở cung cấp chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời đa dạng, mở rộng mối quan hệ tốt và bền vững với các đối tác, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra thị trường quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới trong chiến lược phát triển dịch vụ Internet và cũng là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Internet.

VDC cần tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm tạo bước đột phá trong việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với dịch vụ Internet. Trong đó, cần ưu tiên trong việc đầu tư tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng mạng lưới dịch vụ. Tập đoàn VNPT cần tập trung đầu tư kiểm soát, tạo điều kiên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Internet; hình thành và phát triển trung tâm dịch vụ Internet ở VDC có uy tín và tập hợp các công ty lớn đa sở hữu kinh doanh dịch vụ Internet hợp tác cũng phát triển.

Xây dựng, đào tạo một đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn và năng lực kinh doanh giỏi; cơ cấu hợp lý, thích ứng với yêu cầu về quản lý, công nghệ trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập. Hoàn thiện một hệ thống cơ chế, chính sách về thu nhập tạo động lực kích thích, động cơ thúc đẩy người lao động nâng cao năng suất lao động, phát huy sáng kiến, say mê, sáng tạo và tận tâm với công việc. Phát triển nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực quản lý, kỹ thuật, kinh doanh, có phẩm chất chính trị tốt. Phát huy truyền thống ngành, thực hiện tốt các chính sách xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên tương xứng với năng suất lao động, hiệu quả đạt được.

Với định hướng trọng tâm cũng là nhiệm vụ mà VDC quản lý đối với dịch vụ Internet phải thực hiện đó cũng là định hướng của đề tài này để có giải pháp đúng hướng nhằm đổi mới căn bản về quản lý dịch vụ Internet ở VDC.

Xem tất cả 98 trang.

Ngày đăng: 20/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí