Dự Báo Xu Hướng Phát Triển Bảo Tàng Ngoài Công Lập


xác định các chủ thể quản lý bảo tàng ngoài công lập trong đó có chủ thể quản lý gián tiếp bao gồm các các đơn vị chỉ đạo quản lý và các đơn vị phối hợp quản lý xác định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị cụ thể. Cùng với chủ thể quản lý gián tiếp là chủ thể quản lý trực tiếp trong đó có lãnh đạo bảo tàng và các phòng, đơn vị trực thuộc.

Phân tích cơ chế phối hợp giữa hai chủ thể quản lý làm rò sự tương tác giữa chủ thể quản lý gián tiếp và trực tiếp có tác động đến hiệu quả quản lý. Khảo sát phân tích hiệu quả quản lý của chủ thể gián tiếp qua các nội dung: ban hành văn bản và tổ chức thực hiện, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng, tạo điều kiện cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực, thanh tra, kiểm tra. Khảo sát phân tích hiệu quả quản lý của chủ thể quản lý trực tiếp qua các nội dung cơ bản từ khoa học quản lý, xây dựng kế hoạch, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, giám sát kiểm tra thực hiện kế hoạch.

Từ thực trạng quản lý của các chủ thể quản lý, NCS đã rút ra các ưu điểm, hạn chế của cả 2 chủ thể quản lý gián tiếp và trực tiếp. Các mặt hạn chế của các chủ thể quản lý được xác định là cơ sở để đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý bảo tàng ngoài công lập trong thời gian tới. Những nội dung giải quyết trong chương 2 được xây dựng theo lý thuyết vai trò là một trong những cơ sở cơ bản để giải quyết mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài luận án.


Chương 3

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO

HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CÁC BẢO TÀNG NGOÀI CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM

3.1. Dự báo xu hướng phát triển bảo tàng ngoài công lập

3.1.1. Xu hướng phát triển bảo tàng tư nhân (private museum) trên thế giới

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 273 trang tài liệu này.

Các nhà bảo tàng học quốc tế đã nhận định “Các bảo tàng là để dành cho con người và do đó tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rò [67]. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã tác động đến sự phát triển kinh tế, đời sống của con người ngày một được cải thiện. Nhu cầu thưởng thức văn hóa và nhu cầu giải trí của công chúng không ngừng tăng lên. Trong thế kỷ XX, đặc biệt là ở ba thập kỷ cuối, đã có sự bùng nổ của các bảo tàng.

Thứ nhất, số lượng các bảo tàng trên toàn thế giới đã tăng lên gấp đôi (từ 30.000 lên tới 60.000) [91]. Dự kiến trong thế kỷ XXI sẽ có sự bùng nổ lần thứ hai. Cùng với bảo tàng, các thiết chế văn hóa khác, các loại hình dịch vụ văn hóa và vui chơi giải trí cũng tăng lên đáng kể. Bảo tàng phải cạnh tranh với các thiết chế đó để thu hút công chúng về phía mình. Theo báo cáo mới nhất năm 2019, châu Âu là nơi có số lượng bảo tàng ngoài công lập lớn nhất thế giới, chiếm 45% số lượng bảo tàng ngoài công lập toàn thế giới, châu Á chiếm 33%, Bắc Mỹ 15%. Các khu vực có số lượng bảo tàng ngoài công lập ít bao gồm: Châu Mỹ Latin 4%, Trung Đông và châu Phi 2%, Úc 1% [91]. Hiện nay, theo số liệu thống kê năm 2019 có khoảng 55.000 bảo tàng tại 202 quốc gia trên thế giới (theo số liệu của ILMS). Số lượng các bảo tàng tư nhân đã tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qua, chỉ riêng bảo tàng nghệ thuật tư nhân đã tăng khoảng hơn 317 bảo tàng. Theo Hội đồng Bảo tàng quốc tế ICOM, số lượng bảo tàng tư nhân trên thế giới nhiều hơn so với các bảo tàng công cộng. Đa số các bảo tàng này ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Đức, mặc dù các bảo tàng tư nhân cũng đã được thành lập ở Brazil, Canada, Đan Mạch, Ai Cập, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine và nhiều quốc gia khác. Thành phố Seoul của Hàn Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng với 13 bảo tàng, tiếp theo là Berlin và Bắc Kinh với 9 bảo tàng [91].

Thứ hai, về loại hình bảo tàng có xu thế phát triển mạnh bên cạnh xu thế hoàn thiện nâng cao chất lượng khoa học. Những phát minh mới trong nghiên cứu khoa học đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác nghiên cứu, giáo dục, trưng bày và cả nhu cầu mở rộng không gian bảo tàng cho kho hiện vật và tổ chức trưng bày. Bảo tàng sẽ có nhiều biện pháp


mạnh mẽ và tích cực hơn để nâng cao nhận thức của công chúng về khoa học. Sẽ ngày càng có nhiều các cuộc trưng bày liên ngành xuất hiện trong mọi loại hình của bảo tàng. Bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng ngoài trời, bảo tàng sinh thái đang trở thành xu hướng được quan tâm, khuyến khích của thế giới nhằm mục tiêu bảo vệ, khai thác hợp lý, giáo dục tri thức về tài nguyên sinh thái và phát triển du lịch. Các bảo tàng nhân chủng học, dân tộc học, các bảo tàng làng nghề thủ công truyền thống, các bảo tàng văn hóa dân gian cũng sẽ phát triển nhiều hơn nữa để gìn giữ, duy trì và tôn vinh những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc tránh được sự mai một thất truyền những giá trị văn hóa truyền thống trong xu thế toàn cầu hóa. Phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian sẽ được tăng cường ứng dụng trong bảo tàng, nâng cao nhận thức văn hóa cho mọi tầng lớp công chúng.

Thứ ba, sự phát triển đa dạng về hình thức sở hữu với xu hướng xã hội hóa hoạt động văn hóa. Loại hình bảo tàng thuộc các tổ chức xã hội, các tập thể và cá nhân sẽ phát triển (bảo tàng ngoài công lập). Đối với loại hình bảo tàng ngoài công lập, những bức xúc về kinh phí của Nhà nước cho hoạt động bảo tàng sẽ giảm bớt phần nào vì các hoạt động văn hóa trong bảo tàng sẽ phát triển hơn, tạo nguồn để tái đầu tư cho bảo tàng. Như vậy, hoạt động bảo tàng còn có thể kết hợp các hoạt động kinh tế mang lại lợi ích cho cộng đồng và trực tiếp cho hoạt động bảo tàng ngoài công lập.

Thứ tư, về nguồn nhân lực bảo tàng, bảo tàng phát triển, số người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng sẽ ngày càng tăng và càng phải đa dạng, cải tiến nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo cũng như thời gian và đối tượng cần được đào tạo. Mà trước hết nguồn nhân lực ngành bảo tàng phải được trang bị kiến thức ở ba lĩnh vực: Lý luận về bảo tàng học và những nguyên tắc nghiệp vụ; những kiến thức cơ bản về bộ môn khoa học hay ngành nghề mà loại hình bảo tàng đó chọn là đối tượng nghiên cứu và trưng bày; những kiến thức chung về quản lý và hoạt động kinh tế trong văn hóa. Người làm bảo tàng cần phải có trình độ cao, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa.

Thứ năm, bảo tàng ngoài công lập góp phần giáo dục văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ và hoạt động bảo tàng với các hoạt động văn hóa khác. Xu thế hoạt động của bảo tàng ngoài công lập sẽ có những thay đổi nhất định, theo hướng kết hợp giữa những hoạt động bảo tàng với những hoạt động văn hóa tương ứng hoặc liên quan. Bởi chức năng của bảo tàng sẽ được mở rộng hơn, không chỉ đóng khuôn trong việc nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, mà việc thoả mãn các nhu cầu văn hóa khác của con người, kể cả những yêu cầu giải trí, thư giãn tích cực


cũng sẽ được bảo tàng quan tâm đưa vào hệ thống hoạt động của mình và sẽ cung cấp các sản phẩm cần thiết theo nhu cầu của khách tham quan.

Thứ sáu, xu thế mở rộng liên kết, giao lưu hợp tác và hội nhập quốc tế. Hoạt động bảo tàng sẽ ngày càng mở rộng trong xu hướng liên kết quốc tế để đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, hội nhập văn hóa. Do sự phát triển nhanh chóng của hệ thống bảo tàng ngoài công lập trên toàn thế giới nên ngày càng có nhiều các diễn đàn, hiệp hội dành cho đại diện của các bảo tàng tư nhân. Các diễn đàn, hiệp hội này có thể có quy mô quốc gia, tiểu vùng, châu lục hoặc quy mô toàn cầu. Ở châu Á có thể kể đến Diễn đàn bảo tàng tư nhân do ART HK được ra mắt năm 2011 - nơi tập hợp giám đốc, chủ sở hữu các bảo tàng tư nhân trên toàn thế giới. Cho đến nay, diễn đàn này đã tổ chức được một số cuộc gặp mặt, trao đổi, tọa đàm về các chủ đề có liên quan đến bảo tàng tư nhân; Diễn đàn phát triển bảo tàng nghệ thuật tư nhân của Trung Quốc ra mắt và tổ chức họp mặt tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 8/9/2013 [93].

3.1.2. Dự báo xu hướng phát triển bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam

Một là, số lượng bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam cũng đang phát triển mạnh theo xu hướng chung của thế giới. Tính đến tháng 3/2021, theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Việt Nam đã có 54 bảo tàng ngoài công lập tập trung chủ yếu ở một số tỉnh/thành phố. Đây là số lượng bảo tàng theo danh sách thống kê dựa trên cơ sở giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập do chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cấp và gửi về cho Cục Di sản văn hóa. Tuy nhiên, theo khảo sát của NCS, trên thực tế số lượng các bảo tàng ngoài công lập đã và đang hoạt động có thể nhiều hơn so với con số thống kê chính thức của Cục Di sản văn hóa vì rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do chủ sở hữu các bảo tàng sau khi được UBND tỉnh/thành phố cấp phép hoạt động đã chưa kịp thời gửi giấy phép thành lập về Cục Di sản văn hóa để bổ sung vào danh sách các bảo tàng ngoài công lập. Hiện nay, một số bảo tàng ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động nhưng không có trong danh sách thống kê của Cục Di sản văn hóa, ví dụ: Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam được thành lập bởi Công ty Fito Pharma tại địa chỉ 41 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam tại địa chỉ 87 Láng Hạ... Nghiên cứu khảo sát thực tiễn số lượng bảo tàng ngoài công lập sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Số lượng bảo tàng ngoài công lập sẽ phát triển mạnh do Đảng và Nhà nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi về các mặt như chủ trương, chính sách về


luật pháp, các địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất, các cơ quan chủ quản giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ.

Biểu đồ 3.1: Sự phát triển về số lượng bảo tàng ngoài công lập từ 2015 – 2021


Người lập biểu đồ NCS So sánh số lượng bảo tàng ngoài công lập thông qua 1

(Người lập biểu đồ: NCS) So sánh số lượng bảo tàng ngoài công lập thông qua biểu đồ trên có thể thấy rằng,

số lượng bảo tàng đã không ngừng phát triển qua các năm. Sau 5 năm (2015 - 2020) đã tăng gấp đôi số lượng bảo tàng ngoài công lập trên cả nước, từ 25 bảo tàng năm 2015 lên 52 bảo tàng năm 2020 và đến tháng 3 năm 2021 là 54 bảo tàng. Hiện nay, thực tiễn cho thấy ở một số tỉnh/thành phố có nhiều nhà sưu tập đã có đủ điều kiện và nguyện vọng thành lập bảo tàng. Nhiều nhà sưu tập tư nhân tại các địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hoà Bình, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Huế… đang có ý định thành lập và giới thiệu các sưu tập hiện vật của mình đến với công chúng. Với ý kiến và nguyện vọng của một số nhà sưu tập tư nhân ở một số địa phương tuy chưa thể đại diện được cho ý kiến của tất cả các nhà sưu tập nhưng có thể thấy rằng có nhiều nhà sưu tập tư nhân mong muốn xây dựng và thành lập được bảo tàng trong tương lai gần nhằm bảo tồn, giới thiệu, quảng bá sưu tập tài liệu hiện vật của mình đến với công chúng. Điều này thể hiện rất rò qua việc thành lập mới các bảo tàng ngoài công lập trong năm 2021, bất chấp bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, du lịch ở Việt Nam và thế giới. Như vậy, số lượng các bảo tàng ngoài công lập sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa ở các địa phương trong cả nước nhất là ở những nơi đang có nhiều nhà sưu tập tư nhân. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, xã hội hoá hoạt động văn hoá trong đó có bảo tàng. Trên thực tế, nhiều tỉnh/ thành phố có chính sách hỗ trợ các bảo tàng thành lập và phát triển bằng những hình thức khác nhau. Các địa phương đều nhận thức được vai trò và vị thế của bảo tàng ngoài công lập đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá, giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch. Năm 2020, Hội đồng nhân dân Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên


địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” trong đó có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tàng ngoài công lập như: hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh bảo tàng trên các phương tiện truyền thông… Đây là văn bản quan trọng góp phần khẳng định vai trò, vị trí của bảo tàng ngoài công lập đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm cụ thể bằng chính sách của chính quyền các cấp đối với sự phát triển của bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn trong tương lai. Dựa trên thực tế về sự gia tăng số lượng của bảo tàng ngoài công lập trong 5 năm từ năm 2015 đến năm 2020, nhu cầu, mong muốn thành lập bảo tàng ngoài công lập của các nhà sưu tập tư nhân ở ba miền Bắc – Trung – Nam và đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển của bảo tàng ngoài công lập ở các tỉnh/ thành phố, NCS đã sử dụng hàm mũ FORECAST.ETS (tính toán hoặc dự đoán giá trị tương lai dựa trên giá trị hiện có (lịch sử) bằng cách sử dụng phiên bản AAA của giải thuật làm nhẵn hàm mũ (ETS). Giá trị dự đoán là phần nối tiếp vào các giá trị lịch sử tại ngày được chỉ định và là phần nối tiếp vào đường thời gian) để đưa ra dự đoán xu hướng phát triển về số lượng bảo tàng ngoài công lập trong 10 năm (từ 2021 đến 2031):

Biểu đồ 3.2: Dự báo số lượng bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam đến năm 2031


Người lập biểu đồ NCS Nhìn vào số liệu của biểu đồ trên có thể thấy 2

(Người lập biểu đồ: NCS)

Nhìn vào số liệu của biểu đồ trên có thể thấy sự gia tăng số lượng của bảo tàng ngoài công lập trong vòng 10 năm tới có thể lên đến 103 bảo tàng. Tuy nhiên, dự báo về triển vọng phát triển bảo tàng trong tương lai còn phụ thuộc vào một số yếu tố như: tình hình chính trị và các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự phát triển kinh tế của quốc gia trong tương lai, môi trường xã hội cũng ảnh hưởng đến hành vi của con người (khách tham quan tiềm năng


của bảo tàng) và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ. Đặc biệt là dịch Covid-19 đang lan rộng và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới. Do đó, dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam và thế giới trong tương lai.

Hai là, sự gia tăng số lượng bảo tàng ngoài công lập sẽ tỷ lệ thuận với tăng trưởng nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tàng và một số ngành nghề khác có liên quan. Các bảo tàng ngoài công lập sẽ chủ động tuyển dụng nhân viên được đào tạo về bảo tàng học để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn của cơ quan quản lý ngành cũng như của các bảo tàng ngoài công lập. Đồng thời, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực kinh tế, luật, công nghệ thông tin…. cũng sẽ được các bảo tàng ngoài công lập chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của bảo tàng. Các cơ sở đào tạo cũng có xu hướng đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thực hành và đào tạo thêm kỹ năng phù hợp với thực tế công việc tại các bảo tàng ngoài công lập.

Ba là, chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, toàn diện của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa Việt Nam có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Trong tương lai, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các bảo tàng ngoài công lập có thể mở rộng giao lưu văn hóa, hội nhập văn hóa với các bảo tàng công lập và ngoài công lập trong khu vực và trên thế giới nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quản lý, phát triển bảo tàng.

Bốn là, bảo tàng ngoài công lập ra đời phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, huy động mọi nguồn lực của xã hội vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, gắn kết văn hóa với kinh tế và du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các di sản văn hóa được lưu giữ rất nhiều trong nhân dân, khi chưa có văn bản luật cho phép thì các di sản ấy mới chỉ được giới thiệu giới hạn thông qua một số các cuộc triển lãm, trưng bày. Cũng như các loại bảo tàng khác, các bảo tàng ngoài công lập luôn cố gắng tạo cho mình những nét đặc sắc riêng biệt. Đó chính là thế mạnh để thu hút khách tham quan đến nghiên cứu và hưởng thụ những giá trị văn hóa đó.

Năm là, chủ trương “xã hội hóa” hoạt động văn hóa đã thu được những kết quả thiết thực, bước đầu huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội. Xã hội hóa được coi


là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa trong đó có bảo tàng; thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, sở hữu… tạo nên sự đa dạng, mang đến sự hấp dẫn thu hút công chúng. Về hình thức sở hữu, hiện nay các bảo tàng ngoài công lập chủ yếu được thành lập và điều hành bởi các chủ sở hữu tư nhân. Họ có thể là doanh nhân, nhà giáo, công chức về hưu, hoạ sỹ, nhà báo, cựu chiến binh, cộng đồng làng (trường hợp Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá) và cả những nhà bảo tàng học... Sự khác biệt cơ bản giữa bảo tàng ngoài công lập với các bảo tàng khác là ở chỗ nó được các cá nhân, tổ chức tư nhân đầu tư vốn thành lập và điều hành. Dù bảo tàng ngoài công lập được thành lập vì bất kỳ ý tưởng, mục đích gì, chẳng hạn tưởng niệm tổ tiên, dòng tộc; duy trì, phát triển và sẻ chia niềm đam mê sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật; thể hiện vị thế của bản thân… thì người thành lập bảo tàng luôn đóng vai trò quyết định cho quá trình ra đời và hoạt động của bảo tàng đó. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nhân thành đạt có niềm đam mê và ý thức sưu tầm, lưu giữ các cổ vật, các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học lưu lại cho các thế hệ mai sau. Họ cũng có những hiểu biết nhất định về chuyên môn hoặc có được sự hỗ trợ về chuyên môn từ các chuyên gia am hiểu về di sản văn hóa nói chung và cổ vật nói riêng nên đã sưu tầm được số lượng hiện vật có giá trị cao, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, kiểu dáng… Bên cạnh đó, có một số cựu chiến binh có khát vọng lưu giữ những kỷ vật của đồng đội để tưởng nhớ một thời oanh liệt trong quá khứ và góp phần giáo dục thế hệ trẻ, ngoài ra còn có nhiều thành phần khác trong xã hội như hoạ sỹ, công nhân viên chức đã nghỉ hưu… cũng dày công sưu tầm cổ vật trở thành chủ sở hữu bảo tàng ngoài công lập. Có thể bảo tàng ngoài công lập thuộc sở hữu của doanh nhân, các tập đoàn sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai.

3.2. Quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với phát triển bảo tàng ngoài công lập ở nước ta

3.2.1. Quan điểm phát triển bảo tàng ngoài công lập

Hoạt động bảo tàng là một bộ phận của hoạt động văn hoá Việt Nam. Quan điểm phát triển bảo tàng được bắt nguồn từ những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022