Một Số Khái Niệm Cơ Bản Của Đề Tài 67445

Chương 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề

1.1.1. Nghiên cứu ở nước ngoài

a. Hướng nghiên cứu về hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong đó có kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh

Thế kỷ XIX, C.Mác (1818-1883) và Ph.Ăngghen (1820-1895) đã xây dựng học thuyết mới trong lịch sử phát triển loài người. C.Mác và Ph.Ăngghen đã xác định mục đích nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là tạo ra "con người phát triển toàn diện". Quan điểm giáo dục của hai ông là phát triển nhân cách con người về mọi mặt theo "phương thức giáo dục kết hợp với lao động sản xuất". Chính quan điểm này đã được V.I.Lênin kế thừa và phát triển thành hiện thực nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, kết quả của giáo dục là con người có sức khoẻ, biết làm và có khả năng thích ứng với sự biến đổi của nghề nghiệp đặc biệt biết có kĩ năng biết tự bảo vệ mình. Trong những nghiên cứu về giáo dục, Lênin đã đánh giá rất cao vai trò của kĩ năng tự bảo vệ trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người mà trong đó kĩ năng tự bảo vệ cho học sinh chính là phương tiện dẫn đến việc hình thành, phát triển nhân cách con người trong xã hội [1].

Các chương trình, dự án về kĩ năng sống nói chung trong đó có kĩ năng tự bảo vệ đã được triển khai bởi nhiều tổ chức trên thế giới thực hiện như Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO),... Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em khẳng định vai trò và tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng sống nói chung và kĩ năng tự bảo vệ cho học sinh nói riêng: “Các bậc cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ con cái của mình,... đồng thời có các biện pháp giáo dục phù hợp nhằm hình thành kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ em” [27]. Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc giúp cho trẻ em trong đó có học sinh tiểu học được bảo vệ và được giáo dục để có kĩ năng tự bảo vệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Giáo dục cho trẻ em nói chung và học sinh nói riêng các kĩ năng sống đặc biệt là các kĩ năng tự bảo vệ bản thân tránh xâm hại tình dục, tránh được hiểm họa từ tự nhiên, đời sống xã hội.

b. Hướng nghiên cứu về quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong đó có kĩ năng tự bảo vệ cho học sinh

Các nghiên cứu về quản lí giáo dục kĩ năng sống trên thế giới được nghiên cứu lồng ghép trong các nghiên cứu về quản lí hoạt động giáo dục trong nhà trường với tư cách là hoạt động giáo dục cơ bản trong trường học. Đại diện cho hướng nghiên cứu này là tác giả V.P.Xtrêzicodin, Jaxapob, Xvecxlerơ. Các tác giả này đã xác định việc quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong nhà trường của Hiệu trưởng như: Phải phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên trong nhà trường một cách hợp lí và có những biện pháp quản lí cụ thể thì sẽ đạt hiệu quả cao; phải xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và trình độ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường; phải tổ chức hội thảo khoa học trong đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; phải tổ chức dự giờ và phân tích sư phạm bài dạy. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác quản lí của lãnh đạo nhà trường [24].

Đồng quan điểm về vấn đề này, cũng có rất nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu, tiêu biểu như: ullivan và Glanz (2000), Tổ chức Alberta Learning (2002), Hill (2006), Visser (2005), Prinsloo (2007), họ đều nhận mạnh vai trò của công tác quản lí của Hiệu trưởng với các giáo viên, của giáo viên với các học sinh trong việc quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh [12].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

1.1.2. Nghiên cứu trong nước

a. Hướng nghiên cứu về hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong đó có kĩ năng tự bảo vệ cho học sinh

Quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh ở các trường tiểu học huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - 3

Unicef đã hỗ trợ thực hiện chương trình thực nghiệm giáo dục “Sống khỏe mạnh và kĩ năng sống”. Chương trình tập trung vào việc tổ chức giáo dục cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tại 20 trường của tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang về kiến thức và kĩ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các tệ nạn xã hội như nghiện thuốc lá, rượu bia; phòng tránh xâm hại tình dục; phòng tránh và ứng phó với tình huống căng thẳng [27].

Vụ thể chất thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hợp tác với Unicef triển khai dự án “Giáo dục kĩ năng sống trong giáo dục sức khỏe cho học sinh ”. Đây là chương trình dành cho học sinh tiểu học miền núi. Chương trình này hướng đến việc hỗ trợ xây dựng tài liệu giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học miền núi. Trong đó hướng nhiều tới việc xây dựng các tài liệu giáo dục các kĩ năng sống mà học sinh miền núi

cần để thích ứng được với môi trường sống khắc nghiệt (nhiều thiên tại hạn hán, bão lụt,...), giúp các em biết tránh hoặc xử lí những tai nạn về sông nước, điện giật, sét đánh, động vật cắn, bom mìn; giáo dục kĩ năng ăn uống vệ sinh, an toàn [25]. Dưới đây là một số nghiên cứu của các tác giả Việt Nam về vai trò và tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng sống cho học sinh cũng được công bố. Cụ thể:

Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Đặng Hồng Minh (2011), với quyển sách có tựa đề: “Giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống cho học sinh tiểu học” [21]. Trong sách này, nhóm tác giả đã chỉ rõ vai trò và tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong nhà trường. Các tác giả cũng khẳng định, việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là cơ sở quan trọng, nền tảng vững chắc để giúp học sinh tạo dựng giá trị sống cho bản thân.

Tác giả Lục Thị Nga đã phân tích tầm quan trọng của kĩ năng sống trong việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh tiểu học và cho rằng: Nhân cách được hình thành qua hai con đường cơ bản trong nhà trường: con đường dạy học và con đường giáo dục ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh việc làm rõ những vấn đề cơ bản về giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học, phương pháp dạy học tích hợp kĩ năng sống vào môn khoa học tác giả đưa ra phương pháp dạy học tích hợp kĩ năng sống vào hoạt động ngoài giờ lên lớp và phân tích ý nghĩa thực tiễn của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong việc rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh tiểu học và chỉ ra những yếu tố cần thiết, hiệu quả của hoạt động ngoài giờ lên lớp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học [25].

b. Hướng nghiên cứu về quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong đó có kĩ năng tự bảo vệ cho học sinh

Trương Thị Ngọc Loan, với bài viết “Quản lí hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong các trường mầm non quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội ”. Kết quả nghiên cứu khẳng định: Hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em về nội dung, hình thức, các nguồn lực cho hoạt động được đánh giá ở mức độ khá tốt. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em bao gồm nhiều yếu tố và mức độ ảnh hưởng rất nhiều được xếp theo thứ bậc: 1) Yếu tố thuộc về giáo viên mầm non; Yếu

tố thuộc về gia đình và xã hội; 2) Yếu tố thuộc về môi trường quản lí; 3) Yếu tố thuộc về Hiệu trưởng trường mầm non [20].

Tiếp đến là rất nhiều công trình nghiên cứu khác: Ví dụ như: Hoàng Thúy Nga (2016), với luận án tiến sĩ quản lí giáo dục “Quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học thành phố Hà Nội”; Phạm Thị Nga (2016),với luận án “Quản lí hoạt động giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống cho học sinh các trường trung học cơ sở trong bối cảnh đổi mới giáo dục”; Trần Lưu Hoa (2018), với luận án “Quản lí giáo dục kĩ năng sống thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh các trường Tiểu học thành phố Hà Nội trong bối cảnh hiện nay”;… Các luận án đều đồng hướng nghiên cứu về hoạt động giáo dục kĩ năng sống và quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ em ở các trường phổ thông.

Gần đây nhất, Nguyễn Lê Thy Giang (2019), với luận án tiến sĩ “Quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh tiểu học ở các xã miền núi thành phố Hà Nội”, tác giả Thy Giang đã xây dựng cơ sở lý luận về quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh tiểu học; Đã khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh tiểu học của các xã miền núi trực thuộc thành phố Hà Nội; Đã đề xuất được một số biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh tiểu học ở các xã miền núi thành phố Hà Nội [12].

Khái quát hóa kết quả của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước tác giả luận văn nhận thấy: Vấn đề kĩ năng sống, giáo dục kĩ năng sống và quản lí giáo dục kĩ năng sống nói chung cho học sinh được khá nhiều các tác giả trên thế giới và trong nước nghiên cứu. Các nghiên cứu về kĩ năng tự bảo vệ bản thân, giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân, quản lí giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân của học sinh chủ yếu là được lồng ghép trong các nghiên cứu về giáo dục kĩ năng sống. Các nghiên cứu tập trung vào các hướng như: nghiên cứu về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ của học sinh; Nghiên cứu về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục kĩ năng tự bảo vệ của học sinh; Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ của học sinh. Các nghiên cứu được triển khai bài bản, công phu và được tiến hành trên nhiều quốc gia khác nhau, các nghiên cứu triển khai trên tất cả các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông,...

Tuy nhiên, đến hiện nay một nghiên cứu chuyên sâu từ góc độ khoa học quản lí về hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân của học sinh tiểu học ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thì chưa có nghiên cứu nào. Điều này khẳng định rất cần phải có một nghiên cứu chuyên sâu theo hướng nghiên cứu này. Do vậy, luận văn “Quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh các trường tiểu học huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang” là có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm góp phần giúp học sinh tiểu học hoàn thiện và phát triển kĩ năng tự bảo vệ bản thân, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách.

1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài

1.2.1. Kĩ năng sống

* Kĩ năng

Cho đến nay có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về kĩ năng và đưa ra rất nhiều khái niệm kĩ năng khác nhau, những khái niệm này thường bắt nguồn từ góc nhìn chuyên môn và quan niệm cá nhân của người nghiên cứu.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận rằng kĩ năng được hình thành khi cá nhân áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Qua nghiên cứu tài liệu cho thấy có thể hiểu kĩ năng theo ba cách cơ bản sau:

Thứ nhất, xem kĩ năng với ý nghĩa kĩ thuật hành động, hoạt động. Đại diện cho khuynh hướng này có tác giả: Đặng Vũ Hoạt, cho rằng: Người có kĩ năng là người biết vận dụng hệ thống các thao tác, thủ thuật để thực hiện hành động theo đúng yêu cầu kĩ thuật và đạt được kết quả [23].

Theo tác giả Đặng Thành Hưng [18], “Kĩ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng vận động và những điều kiện của sinh vật, tâm lí khác của cá nhân (chủ thể có kĩ năng đó) như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá nhân ... để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn hay qui định.

Thứ hai, xem xét kĩ năng với ý nghĩa năng lực hành động. Theo quan niệm này các nhà khoa học đã nhấn mạnh mặt hiệu quả của hành động, coi kĩ năng là khả năng con người tiến hành công việc có kết quả trong những điều kiện cụ thể, với khoảng thời gian tương ứng. Khuynh hướng này có tác giả Phạm Tất Dong [9]: Kĩ năng là khả năng thực hiện hành động có hiệu quả một nhiệm vụ về lí luận hay thực tiễn nhất định hay cụ thể hơn là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần

thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.

Tóm lại: Có nhiều cách tiếp cận, cách diễn đạt khác nhau về kĩ năng nhưng các nhà khoa học đều thống nhất ở một số điểm:

- Kĩ năng là phương thức thực hiện hành động phù hợp với mục đích và điều kiện của hành động.

- Kĩ năng là sự vận dụng những tri thức, kĩ xảo đã có để lựa chọn thực hiện những phương thức hành động.

- Kĩ năng có được do quá trình rèn luyện do vậy kĩ năng có thể phát triển được.

Trong nghiên cứu này, xem xét dưới góc độ kĩ năng sống tác giả luận văn hướng theo quan điểm khái niệm kĩ năng là hành động hay một chuỗi hành động của chủ thể được thực hiện tự giác trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm).

* Kĩ năng sống

Cũng như kĩ năng, kĩ năng sống có rất nhiều quan niệm và mỗi quan niệm lại được diễn đạt theo những cách khác nhau:

* UNESCO (Tổ chức văn hoá - khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc) đưa ra quan niệm “ Kĩ năng sống là năng lực cá nhân giúp cho việc thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày”

* WHO (Tổ chức y tế thế giới) lại cho rằng: “Kĩ năng sống là năng lực tâm lý xã hội, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống” [27].

* UNICEF (UNICEF Thái Lan, 1995) cho rằng: “Kĩ năng sống là khả năng phân tích tình huống và ứng xử, khả năng phân tích cách ứng xử và khả năng tránh được các tình huống". Các kĩ năng sống nhằm giúp chúng ta chuyển đổi kiến thức" cái chúng ta biết" và thái độ, giá trị "cái chúng ta nghĩ, cảm thấy tin tưởng" thành hành động thực tế (làm gì và làm cách nào)”, là tích cực nhất và mang tính xây dựng [27].

Theo Mạc Văn Trang: Kĩ năng sống là năng lực biểu hiện những giá trị sống trong hoạt động và giao tiếp hàng ngày. Kĩ năng sống giúp người ta học tập, làm việc hiệu quả hơn, giao tiếp với mọi người thân thiện, vui vẻ, hợp tác, thành công hơn; biết tự điều chỉnh bản thân làm việc tốt, tránh việc xấu.

Từ các quan niệm trên và thông qua phân tích, đánh giá và vận dụng vào vấn đề nghiên cứu tác giả luận văn rút ra quan niệm của mình về kĩ năng sống như sau: Kĩ năng sống là năng lực vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mỗi cá nhân vào thực tiễn, được hình thành thông qua học tập trải nghiệm của cá nhân đó trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Kĩ năng sống giúp con người có thể làm chủ bản thân, có khả năng ứng xử phù hợp với người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống. kĩ năng sống bao gồm cả hành vi vận động của cơ thể và tư duy trong não bộ của con người. Kĩ năng sống có thể hình thành một cách tự nhiên, thông qua giáo dục hoặc tự rèn luyện.

1.2.2. Kĩ năng tự bảo vệ bản thân

* Tự bảo vệ

Khi nhắc đến thuật ngữ “tự bảo vệ” người ta thường liên tưởng đến cá nhân nào đó có thể đang rình dập mối nguy hiểm đến sinh mạng và họ phải nghĩ đến việc dùng cách thức nào đó để tự vệ, chống trả, ứng phó để đem lại sự an toàn cho bản thân: Ví dụ: Kĩ năng an toàn khi tự chơi, kĩ năng tìm lối thoát hiểm, kĩ năng tránh bị xâm hại cơ thể, kĩ năng cảm nhận cơ thể rét tự mặc thêm áo, kĩ năng hiểu biết kĩ thuật tay ướt thì không cắm phích điện,… Trong đó, có những tình huống tự bảo vệ bản thân thuộc về bản năng sinh tồn vốn có của con người, nhưng thông thường “tự bảo vệ” cá nhân có được là do học tập và trải nghiệm. Những thuật ngữ gần nghĩa với kĩ năng tự bảo vệ: Kĩ năng thoát hiểm; Kĩ năng sinh tồn; Kĩ năng sống còn; Kĩ năng ứng phó với tình huống nguy hiểm; Kĩ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp; Kĩ năng tự vệ;...

Đối với học sinh tiểu học tự bảo vệ bản thân là bé tự biết được những nguy hiểm đang đe dọa mình, trong những hoàn cảnh nguy hiểm có thể ứng phó và thoát khỏi những nguy hiểm. Bé trong độ tuổi từ 6-12 tuổi dễ bị lợi dụng và rơi vào những hoàn cảnh nguy hiểm do các bé chưa thể ý thức được những nguy cơ đe dọa đến mình.

Theo Từ điển Tiếng Việt tự bảo vệ có nghĩa là: Tự che chở, tự bảo vệ lấy mình, tự mình giữ lấy mình, chống lại sự xâm hại của kẻ khác [38].

Ngoài những thuật ngữ nêu trên, đôi khi chúng ta còn được nghe đến thuật ngữ “giữ an toàn”. Theo tác giả Yayne Dendhire, trong bộ sách Healthy Habits của nhà

xuất bản giáo dục Macmillan, Úc đã đưa ra khái niệm về giữ an toàn (safety) như sau: “Giữ an toàn là tránh khỏi những nguy hại, khỏi những mối nguy hiểm như bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần.

Như vậy, “giữ an toàn” và “tự bảo vệ” có nội hàm tương đồng nhau, ý nghĩa là đều với mục đích đem lại sự an toàn cho cá nhân nào đó.

* Kĩ năng tự bảo vệ bản thân

Nói đến kĩ năng này, trong luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Lê Thy Giang (2019), cho rằng: Kĩ năng tự bảo vệ bản thân là sự vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có của cá nhân để nhận diện và biết cách ứng phó trước các tình huống bất lợi, những hoàn cảnh nguy hiểm xảy đến để bản thân được an toàn” [12]..

Kế thừa quan niệm trên và kết hợp với việc phân tích khái niệm kĩ năng, khái niệm tự bảo vệ và phân tích những biểu hiện của kĩ năng và tự bảo vệ đã nêu dẫn ở trên, trong nghiên cứu này, tác giả luận văn có thể tóm tắt ý hiểu về khái niệm kĩ năng tự bảo vệ như sau:

Kĩ năng tự bảo vệ bản thân là khả năng ứng phó, đối phó những tình huống nguy hiểm với bản thân, dựa trên những kiến thức và kĩ năng có sẵn đã được trau dồi qua hoạt động học tập và trải nghiệm.

1.2.3. Hoạt động giáo dục

Theo Đặng Thành Hưng, hoạt động giáo dục là hoạt động do người lớn tổ chức theo kế hoạch, chương trình giáo dục, trực tiếp điều hành chúng và chịu trách nhiệm về chúng chính là nhà trường, các giáo viên và các nhà giáo dục có liên quan như cha mẹ học sinh, các tổ chức giáo dục xã hội và các cơ sở giáo dục nhà nước (Dạy học hiện đại, lí luận, phương pháp và kĩ thuật, NXB ĐHQG Hà Nội, 2002).

Từ quan niệm trên, có thể hiểu hoạt động giáo dục như sau:

HĐGD được tổ chức có định hướng về mặt giá trị, thí dụ đạo đức, thẩm mỹ, thể thao, lao động… nhằm tạo ra những môi trường hoạt động và giao tiếp có định hướng của người học. Khi tham gia các HĐGD, người học tiến hành các hoạt động của mình theo những nguyên tắc chung, những mục tiêu chung, những chuẩn mực giá trị chung và những biện pháp chung, nhờ vậy họ được giáo dục theo những tiêu chí chung.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/02/2023