Phối hợp với chiến trường toàn miền Nam, tháng 05 – 1964, Thường vụ Khu ủy và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương mở đợt hoạt động trên toàn chiến trường trong Thu - Đông năm 1964, nhằm tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh phong trào phá ấp, giành dân.
Trong chiến dịch Thu Đông này, lực lượng địa phương các tỉnh, huyện và dân quân du kích có nhiệm vụ tiến công địch ở khắp các tỉnh đồng bằng, tạo thế cho quần chúng nổi dậy phá ATS. Riêng các trung đoàn chủ lực tập trung lực lượng đánh một số trận tiêu diệt lớn có tác dụng làm rung động chiến trường, hỗ trợ các lực lượng địa phương và quần chúng phá ATS, động viên khí thế của bộ đội và nhân dân. Về kế hoạch phá ấp giành dân, lợi dụng sơ hở của quân đội VNCH là chỉ tập trung củng cố các ATS và chú ý đề phòng ở các vùng tranh chấp và vùng giáp căn cứ của ta, nhưng lại bỏ lỏng vùng sâu, ta chủ trương bí mật đưa lực lượng vào vùng địch và bất ngờ phá từ trong lòng chúng phá ra. Trọng điểm giành dân được Khu ủy xác định là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Tháng 05 – 1964, Hội nghị Quân khu ủy VI đã xác định phương thức đánh phá ATS phải dùng ba thứ quân phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng và qua nhiệm vụ phá ấp giành dân mà mở rộng diện du kích đánh nhỏ lẻ và nâng mức đánh tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch.
Tháng 06 – 1964, Khu ủy VI họp hội nghị lần 3 đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang nhằm đập tan âm mưu địch củng cố lại ATS, đánh phá căn cứ, cắt đứt đường hành lang của ta.
3.2.3. Chủ trương của Tỉnh ủy các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ
Trước yêu cầu của cách mạng, Đảng bộ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đến Ninh Thuận, Bình Thuận đã vận dụng sáng tạo đường lối của TW Đảng, chủ trương Khu ủy V, Khu ủy VI để đề ra biện pháp phá ATS phù hợp với tình hình địa phương để thực hiện nhiệm vụ chung: làm phá sản các âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ địch, trong đó tập trung làm phá sản “quốc sách ấp chiến lược”, giành quyền làm chủ ở nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu.
Ở Khánh Hòa, tháng 02 – 1964, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại A Xây (Hòn Dù) quán triệt phương châm “hai chân, ba mũi” giáp công, tiến lên đánh bại các âm mưu và thủ đoạn của Mỹ - chính quyền VNCH, trong đó việc phá ATS xem là một nhiệm vụ trọng tâm.
Ở Quảng Ngãi, tháng 04 – 1964, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt và bàn biện pháp thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy V. Tỉnh ủy chủ trương: Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân, khẩn trương liên tục tiến công địch, ra sức phá ấp tân sinh, phá thế kìm kẹp, giành dân ở đồng bằng, tạo ra một số mảng làm chủ lớn. Nghị quyết nêu rõ ba mục tiêu chủ yếu là: Phá hàng mảng ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp; giành và làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân địch; củng cố và phát triển lực lượng ta về mọi mặt … Từ quyết tâm trên, Hội nghị chủ trương chuẩn bị mọi mặt để phát động nhân dân nổi dậy ở đồng bằng.
Ở Bình Định, tháng 04 – 1964, Tỉnh ủy mở Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết Khu ủy V (01 – 1964); đồng thời thảo luận các chủ trương, biện pháp đưa phong trào đấu tranh chống, phá ATS tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn. Nội dung quan trọng của hội nghị là tổng kết công tác phát động quần chúng nổi dậy phá kẹp, giành lại đồng bằng nông thôn trong những năm 1961 – 1963. Hội nghị chủ trương mở chiến dịch “Đồng khởi Khu Đông”, lấy các xã Đông Nam Phù Cát, Đông An Nhơn và Đông Bắc Tuy Phước làm trọng điểm, đặt mục tiêu giành từ 90.000 dân đến 100.000 dân ở vùng sâu, đồng thời tạo hành lang và bàn đạp tiến công quân địch ở thị xã Quy Nhơn.
Ở Bình Thuận, tháng 04 năm 1964, Tỉnh ủy đã xác định phải tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, chính trị để làm nồng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng phá kìm kẹp, phá ATS. Tranh thủ huấn luyện nâng cao trình độ chiến đấu của các lực lượng vũ trang, tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch ở các ATS, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng. Đến tháng 06 – 1964, Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết Khu ủy là ra sức tiêu hao, tiêu diệt làm tan rã nhiều sinh lực địch, phá nhiều ATS, mở rộng vùng giải phóng, tranh chấp, thu hẹp vùng kiểm soát của địch.
Có thể bạn quan tâm!
- Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ 1961 – 1965 - 11
- Chương Trình Lập Ấp Tân Sinh Của Mỹ - Chính Quyền Việt Nam Cộng Hõa
- Quá Trình Triển Khai Chương Trình Ấp Tân Sinh Ở Các Tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ
- Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ 1961 – 1965 - 15
- Góp Phần Làm Phá Sản Hoàn Toàn Chiến Lược “Chiến Tranh Đặc Biệt” Của Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam Cộng Hòa Ở Nam Trung Bộ
- Trong Giai Đoạn Đầu, Một Số Cán Bộ Lãnh Đạo Địa Phương Còn Có Tư Tưởng Chủ Quan, Chưa Nhận Thức Được Đầy Đủ Mức Độ Khó Khăn, Ác Liệt
Xem toàn bộ 215 trang tài liệu này.
Ở Ninh Thuận, tháng 07 – 1964, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị phải ra sức tiêu diệt sinh lực địch, phá nhiều ATS, mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp vùng kiểm soát của địch, tạo ra thế ba vùng chiến lược, tích cực phá hoại giao thông, kho tàng, động viên nhân tài vật lực, phát triển lực lượng nhanh chóng về mọi mặt.
Ở Quảng Nam và Quảng Đà, tháng 08 – 1964, Tỉnh ủy ra Nghị quyết phát động quần chúng khởi nghĩa giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, trong đó trọng điểm là giải phóng vùng Đông của Quốc lộ I và vùng cát của các huyện. Lực lượng đồng khởi là quần chúng, chủ yếu là quần chúng tại chỗ; lực lượng vũ trang có nhiệm vụ chủ động tiến công địch hỗ trợ cho quần chúng tiến hành đồng khởi. Mục tiêu đề ra là phá tan bộ máy kìm kẹp của địch ở thôn, xã; phá cho được 2/3 số ATS và biến ATS thành làng chiến đấu.
Ở Phú Yên, Tỉnh ủy chủ trương tranh thủ thời cơ dùng cú đấm quân sự hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, phá ATS đưa dân về làng cũ. Từ ngày 08 đến 14 – 01 – 1965, Đảng bộ Phú Yên họp Đại hội đại biểu lần thứ 2 đề ra chủ trương cho năm 1965: “Hoạt động của lực lượng vũ trang chủ yếu là phía trước và đồng bằng. Các lực lượng vũ trang phải coi trọng nhiệm vụ bám dân, phát động quần chúng, phá ấp, phá kìm kẹp, phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh, xây dựng thôn, xã chiến đấu vững chắc, rộng khắp là nhiệm vụ hàng đầu. Tích cực phản kích địch càn quét, lấn chiếm” [11, tr.240-241].
3.3. ĐẤU TRANH CHỐNG, PHÁ ẤP TÂN SINH Ở CÁC TỈNH DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ
Cuối năm 1963 và đầu năm 1964, tình hình miền Nam có sự thay đổi, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và quân dân các địa phương chủ động mở các cuộc tiến công nhằm đánh bại các cuộc hành quân càn quét của quân đội VNCH trong việc gom dân lập ATS.
Đầu tháng 05 – 1964, Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương mở chiến dịch Thu Đông nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào chống phá ATS, giành dân, với trọng điểm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
3.3.1. Ở Quảng Nam – Quảng Đà
Từ sau cuộc đảo chính Diệm – Nhu (đầu tháng 11 – 1963) đến hết tháng 03 – 1964, nhân dân Quảng Nam – Quảng Đà đã tổ chức 214 cuộc đấu tranh chính trị, 252 cuộc mít tinh với hơn 50.000 người tham gia, hàng trăm gia đình bỏ khu tập trung để về quê cũ làm ăn, vận động được 1.000 binh sĩ VNCH rã ngũ, một số binh sĩ đi theo cách mạng. Lực lượng cách mạng đã làm chủ thêm 94 thôn với 89.000 dân ở Quảng Đà; các xã Kỳ Long, Kỳ Thịnh (Tam Kỳ), một số thôn, xã ở huyện Tiên Phước, Thăng Bình, Tây Quế Sơn ở Quảng Nam. Đây là cơ sở để quân và dân Quảng Nam – Quảng Đà tiến lên đồng khởi phá ATS, làm chủ nông thôn đồng bằng trong nửa sau năm 1964.
Bước vào chiến dịch Thu Đông, ngày 09 – 08 – 1964, Tiểu đoàn 90 kết hợp với bộ đội địa phương huyện Tam Kỳ tấn công một tiểu đoàn quân đội VNCH bảo vệ 6 ATS ở Kỳ Sanh (Nam Tam Kỳ), phá lỏng các ATS ở Kỳ Sanh, diệt đồn Chóp Chài (Kỳ Nghĩa), bức rút đồn Kỳ Sơn, tiến công bọn bảo an, dân vệ ở chợ Trạm, cầu Ông Bộ, cầu An Tân, vùng Ổ Gà, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá ATS, giải phóng các xã Kỳ Khương, Kỳ Chánh, Kỳ Xuân, Kỳ Hòa. Mặc dù chưa diệt được cụm cứ điểm Kỳ Sanh, nhưng đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng chủ lực Khu V đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân đội VNCH.
Từ Tam Kỳ, phong trào phát triển sang các huyện khác trong tỉnh. Rạng sáng ngày 04 – 09 – 1964, Tiểu đoàn 70 của tỉnh cùng với lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình diệt đồn Đất Đỏ, phối hợp với nhân dân nổi dậy phá ATS Hà Châu, giải phóng xã Bình Phú; tiến công cơ quan xã Bình Dương, phá banh ATS, lập chính quyền tự quản xã. Nhân cơ hội đó, nhân dân các xã Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Triều và phần lớn xã Bình Phục lần lượt nổi dậy, phá ATS, lập chính quyền tự quản. Chỉ trong vòng 20 ngày tiến công và nổi dậy phá ATS, 7 xã phía Đông huyện Thăng Bình cùng với 50.000 dân được hoàn toàn giải phóng.
Ngày 08 – 09 – 1964, phối hợp với cơ sở bên trong làm nội ứng, bộ đội địa phương Bắc Tam Kỳ tấn công tiêu diệt đồn Ngọc Nha (Kỳ Quế), tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá banh 22 ATS, giải phóng các xã Kỳ Sơn, Kỳ Quế, Kỳ
Long, Kỳ Yên, Kỳ Trà; Kỳ Anh và phần lớn xã Kỳ Phú, nối thông vùng giải phóng phía Tây thị xã Tam Kỳ với vùng giải phóng phía Đông huyện Thăng Bình.
Ở huyện Quế Sơn, lực lượng vũ trang và đội công tác huy động lực lượng quần chúng truy bắt tề điệp, phá banh 22 ATS, giải phóng các xã Phú Phong, Phú Diên, Phú Thạnh, Phú Hiệp, Phú Thọ, Sơn Thượng, Sơn Trung, Sơn Xuân. Phối hợp với phong trào đấu tranh ở Quế Sơn và Thăng Bình, lực lượng vũ trang huyện Duy Xuyên cùng với nhân dân các xã Xuyên Phước, Xuyên Thọ, Xuyên Tân, Xuyên An, Xuyên Long đồng loạt phá banh các ATS, phá rã 11 trung đội dân vệ, giành quyền làm chủ.
Cùng với Duy Xuyên, ngày 27 – 09 – 1964, Ban Cán sự thị xã Hội An cùng với chi bộ Đảng cơ sở lãnh đạo quần chúng nổi dậy, vây bắt các viên hội đồng xã và liên gia trưởng, giải phóng xã Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Châu. Tại huyện Hòa Vang, tính đến ngày 04 – 10 – 1964, vùng Đông của huyện gồm các xã Hòa Hải, Hòa Long, Hòa Lân, Hòa Phụng hoàn toàn giải phóng. Ở huyện Điện Bàn, tính đến tháng 11 – 1964, lực lượng vũ trang huyện phối hợp cùng với nhân dân nổi dậy phá banh các ATS, giải phóng các xã Điện Bình, Điện Nam, Điện Quang. Ở huyện Đại Lộc, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với quần chúng nhân dân tiến công địch, phá banh các ATS ở xã Lộc Quý, Lộc Thành, Lộc Vĩnh, Lộc Hòa, Lộc Sơn.
Tính trong năm 1964, lực lượng vũ trang hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà cùng với nhân dân địa phương phá banh 189/238 ATS ở Quảng Nam, phá rã 244/361 ATS ở Quảng Đà [7, tr.463].
Các xã giải phóng của hai tỉnh hợp thành những mảng lớn, một ở vùng cát chạy suốt từ huyện Hòa Vang đến Nam Tam Kỳ; một ở trên Quốc lộ 1 từ Nam sông Cẩm Lệ đến Bắc sông Thu Bồn; mảng từ huyện Tiên Phước, Tây Tam Kỳ, Tây Thăng Bình, Quế Sơn; vùng B Đại Lộc, Tây Duy Xuyên; mảng tam giác Đông Đại Lộc, Tây Điện Bàn, Hòa Vang giáp căn cứ ở miền núi. Đại bộ phận nông thôn đồng bằng của hai tỉnh đã được giải phóng.
Thực hiện chủ trương của Khu ủy V mở chiến dịch Xuân 1965 lấy tên “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” trên chiến trường toàn Khu, trong đó Quảng Nam là trọng điểm của chiến dịch này. Ngày 07 – 02 – 1965, quân và dân Quảng Nam,
Quảng Đà mở đầu chiến dịch bằng việc đồng loạt nổ súng tiến công địch. Tại Quảng Nam, bộ đội chủ lực Khu diệt cứ điểm Việt An (Tây huyện Thăng Bình), bứt rút hàng loạt các đồn bót của quân đội VNCH ở dọc Đường 16 (Dương Leo, Cây Cốc, Phước Hà, An Tráng), giải phóng 5 xã: Bình Lãnh, Bình Quế, Bình Sơn, Bình Lâm, Bình Định. Tại miền Tây huyện Quế Sơn, bộ đội chủ lực Khu tấn công diệt 10 trung đội nghĩa quân, dân vệ, phá banh các ATS, giải phóng các xã Sơn Thọ, Sơn Phúc, Sơn Thượng làm cho quân đội VNCH tại đây hoang mang, tan rã. Chớp thời cơ, Huyện ủy Quế Sơn phát động quần chúng nổi dậy làm chủ các ATS, giải phóng liên tiếp các xã Sơn Khánh, Sơn Lãnh, Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Lộc, Sơn Thắng, Sơn Châu, Sơn Hòa, Sơn Tây, Sơn Tú. Vùng giải phóng Quế Sơn được nối liền từ Tây sang Đông với 22/29 xã. Tại Tam Kỳ, bộ đội chủ lực diệt đồn Chà Vu, bứt rút đồn Đá Nẻ hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ các ATS, giải phóng các xã Kỳ Phước, Kỳ An, Kỳ Thịnh, Kỳ Nghĩa, Kỳ Xuân, Kỳ Hòa. Tính đến cuối tháng 02 – 1965, Nam Tam Kỳ giải phóng hoàn toàn 4/12 xã, Bắc Tam Kỳ giải phóng 7/12 xã. Ở huyện Tiên Phước, quần chúng đã nổi dậy giải phóng 13 xã, chính quyền VNCH chỉ còn kiểm soát 4 xã ở xung quanh quận lỵ Hậu Đức là Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Châu.
Sau Đợt 1 chiến dịch Xuân 1965, vùng giải phóng của tỉnh Quảng Nam đã tạo thành thế liên hoàn với nhau, gắn đồng bằng với miền núi gồm 54 xã, 66 thôn với hơn 300.000 dân kéo dài từ huyện Quế Sơn, Thăng Bình xuống Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ và nối liền với vùng giải phóng của tỉnh Quảng Đà.
Phối hợp với chiến trường chính của lực lượng chủ lực ở Quảng Nam, ngay từ ngày 05 – 02 – 1965, lực lượng chủ lực tỉnh Quảng Đà mở cuộc tiến công vào Xuyên Lộc, Xuyên Khương và khu Tây huyện Duy Xuyên hỗ trợ quần chúng phá ATS, giải phóng 18/19 xã với 96.000 dân.
Cùng với lực lượng vũ trang tỉnh, lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn tiêu diệt 2 đại đội bảo an, 7 trung đội dân vệ, hỗ trợ nhân dân nổi dậy đốt phá trụ sở Hội đồng xã, phá banh các ATS, giải phóng hàng loạt xã Điện Chính, Điện Nhơn, Điện Phong, Điện Tân, giành quyền làm chủ xã Điện Phương, Điện Minh, tiêu diệt các đồn La Thọ, Bầu Sấu. Đến tháng 03 – 1965, đã có 29 xã thuộc huyện Điện Bàn
được giải phóng. Tại huyện Đại Lộc, lực lượng vũ trang huyện cùng với nhân dân 8 xã Lộc Vĩnh, Lộc Thành, Lộc Sơn, Lộc Hòa, Lộc Quý, Lộc Phước, Lộc Tân, Lộc Quang đồng loạt nổi dậy phá ATS, giải phóng khoảng 80.000 dân. Ở huyện Hòa Vang, đến đầu năm 1965, đã có 17/25 xã, 68/98 thôn với 55.000/80.000 dân toàn huyện hoàn toàn giải phóng [6, tr.462]. Chính quyền VNCH chỉ còn nắm giữ các ATS ở các xã Hòa Minh, Hòa Khánh, Hòa Phát, Hòa Thanh, Hòa Thọ và các thị trấn Cẩm Lệ, Nam Ô, Túy Loan.
Đến tháng 04 – 1965, tại Quảng Nam, chính quyền VNCH chỉ còn kiểm soát ở một số vùng xung quanh Thượng Đức, chi khu Hoán Mỹ, quận lỵ Đại Lộc. Hầu hết các ATS ở vùng nông thôn đồng bằng tỉnh Quảng Đà đã được giải phóng, bao gồm 80 xã với khoảng 400.000 dân. Chính quyền VNCH chỉ còn nắm được khu vực Đà Nẵng, Hội An, các quận lỵ và các cứ điểm dọc Quốc lộ 1, các trục đường giao thông chính. Khi tổng kết chiến dịch Xuân 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V nhận xét: “Quảng Đà là một tỉnh lực lượng vũ trang còn ít, không có lực lượng hỗ trợ trực tiếp của quân chủ lực Quân khu, nhưng đã biết phát động quần chúng nổi dậy với khí thế long trời lở đất, nên đã phá được hầu hết các ấp tân sinh, căn bản giải phóng nông thôn đồng bằng” [6, tr.463].
Như vậy, đến tính Xuân 1965 ở tất cả các huyện nông thôn đồng bằng và ven thị xã hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà đều đồng loạt nổi dậy giành quyền làm chủ ở 134 xã với hơn 700.000 dân.
3.3.2. Ở Quảng Ngãi
Từ giữa năm 1964, lực lượng chủ lực tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn tiến công các cứ điểm địch, diệt viện ở Trì Bình (Bình Nguyên) hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ATS. Bộ đội đặc công 506A san bằng cứ điểm Gò Su (huyện Tư Nghĩa). Tiểu đoàn 83 phối hợp với quần chúng phá banh ATS Nhơn Lộc (huyện Nghĩa Hành). Lực lượng vũ trang huyện Sơn Tịnh tấn công tiêu diệt trung đội dân vệ, cùng với quần chúng phá banh các ATS ở Tịnh Khê, Minh Quang, Tịnh Hòa. Lực lượng vũ trang và du kích huyện Bình Sơn tiến công, phá vỡ nhiều ATS. Đặc biệt trong tháng 07 – 1964, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển mạnh, có 04 cuộc nhập thị lớn vào thị xã và 15 cuộc nhập thị vào các huyện lỵ
với sự tham gia của hơn 20 vạn người, trong đó huyện Đức Phổ và Bình Sơn là hai huyện có phong trào mạnh nhất. Ngày 04 – 09 – 1964, hơn 20.000 quần chúng nhân dân ở các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh đã tổ chức kéo vào trung tâm thị xã để biểu tình, phản đối chính sách gom dân, lập ATS của chính quyền VNCH. Tiếp đó, ngày 15 – 12 – 1964, bộ độ địa phương và du kích tiến công diệt đồn Sơn Giang (Sơn Tịnh) hỗ trợ cho hơn 1.500 quần chúng nhân dân xóm Gò và xóm Đồng nổi dậy phá banh 2 ATS.
Điều đáng chú ý trong năm 1964 là phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị, phá banh nhiều ATS. Ở đồng bằng, lực lượng cách mạng đã xây dựng được 193 thôn chiến đấu, trong đó huyện Đức Phổ có 66 thôn. Tính đến cuối năm 1964, quân và dân trong tỉnh với sức mạnh của lực lượng quân sự và chính trị, đấu tranh bằng “hai chân, ba mũi” đã liên tục tiến công, liên tục nổi dậy với hơn 894 trận đánh, phá banh 232 ATS, giải phóng
334.500 dân [8, tr.207]. Ở miền núi, lực lượng cách mạng giải phóng vùng lưu vực sông Hre (Sơn Cao, Sơn Hà), phá hơn 50% ATS và biến những ấp này thành thôn, xã chiến đấu. Ở đồng bằng, vùng giải phóng mở rộng và kéo dài từ vùng giáp ranh miền núi đến sát ven biển (từ huyện Bình Sơn đến huyện Sơn Tịnh và từ Nam sông Vệ đến đèo Bình Đê, từ Đông huyện Tư Nghĩa đến Đông huyện Đức Phổ), làm chủ 177 thôn với 278.569 dân.
Sang đầu năm 1965, thực hiện chủ trương của TW Đảng, Khu ủy, các lực lượng vũ trang tỉnh liên tục mở các cuộc tiến công, hỗ trợ quần chúng phá ATS. Tại huyện Sơn Tịnh, ngay trong đêm 15 – 02 – 1965, Đại đội 401 của huyện mở cuộc tập kích diệt hai trung đội dân vệ ở thôn Bình Đông, giải phóng xã Tịnh Bình, diệt chốt điểm ở cầu Tam Hân, giải phóng xã Tịnh Bắc, phá tan toàn bộ các ATS ở đây. Ở huyện Bình Sơn, các lực lượng vũ trang và du kích huyện tiến công các lực lượng chốt giữ các ấp ATS thuộc các xã Bình Dương, Phú Long (xã Bình Phước), Nam Yên (xã Bình Hòa), Liên Trì và đồi Ông Râu (xã Bình Hiệp), đồng thời hỗ trợ quần chúng phá ấp, xây dựng các làng chiến đấu. Ngày 06 – 03 – 1965, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Tư Nghĩa và quần chúng nhân dân nổi dậy phá ATS, giải phóng ba xã Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa, Nghĩa Dõng. Lực lượng vũ trang các huyện ở phía Nam tỉnh cũng đồng loạt tiến công quân đội VNCH ở An