Những Biến Động Lớn Của Xã Hội


chính sách “Pháp - Việt đề huề”; phát động các phong trào “Âu hoá”, “Vui vẻ trẻ trung” ở khắp các thành thị để mê hoặc và ru ngủ lớp thanh niên mới lớn. Song song với các chủ trương mị dân này, thực dân Pháp còn xây dựng và thiết lập hệ thống giáo dục, trong đó, tiếng Pháp đã lấn át tiếng mẹ đẻ. Mục đích của chương trình này là nhằm đào tạo ra những con người phục vụ cho chính quyền thực dân. Tuy nhiên, trong các trường Pháp - Việt, học sinh, sinh viên Việt Nam cũng có điều kiện tiếp thu được một phần nền văn hóa tiến bộ của phương Tây.

Có thể thấy rằng, với công cuộc khai thác về kinh tế, việc áp đặt về chính trị, thực hiện chính sách ngu dân cực kỳ thâm độc; chế độ thực dân nửa phong kiến hình thành khiến đời sống nhân dân ta, đặc biệt là nông dân lâm vào cơ cực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, đối với tình hình trì trệ lâu đời của xã hội phong kiến Việt Nam, quá trình khai thác thuộc địa, việc thiết lập hệ thống chính trị mới của thực dân Pháp ở nước ta về khách quan đã mang đến những biến đổi lớn lao làm cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam đều thay đổi trong đó có văn học nghệ thuật nói chung và nghiên cứu văn học nói riêng.

1.1.2. Những biến động lớn của xã hội


Như đã trình bày, chính quá trình khai thác thuộc địa ngày một mở rộng cùng với việc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở một số đô thị lớn như Hải Phòng, Vinh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã làm cho sự phân hóa giai cấp diễn ra vô cùng sâu sắc và nhanh chóng làm xuất hiện nhiều giai cấp và tầng lớp mới trong xã hội. Trước hết là sự xuất hiện của giai cấp tư sản. Đây là những người tham gia hoạt động kinh tế ở các lĩnh vực thương mại, sản xuất có qui mô lớn, nhỏ khác nhau tùy theo sự thành đạt. Do điều kiện kinh doanh, giai cấp tư sản Việt Nam tự phân thành hai bộ phận: tư sản


mại bản và tư sản dân tộc. Tư sản mại bản là những nhà đại lý cho tư bản nước ngoài, những tư sản hùn vốn kinh doanh với tư sản Pháp hoặc có quan hệ buôn bán với nước ngoài. Tư sản dân tộc có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Lực lượng này đáng lẽ ra phải đóng vai trò “ông chủ” mới của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng thực tế vừa mới ra đời đã bị tư bản Pháp chèn ép, kìm hãm nên thế lực kinh tế yếu. Vì thế, để tồn tại và phát triển, bộ phận này thường liên kết với nhau trong kinh doanh và do đó nhìn chung họ có tinh thần dân tộc.

Tiếp đến là sự hình thành giai cấp công nhân. Đây chính là con đẻ của giai cấp nông dân nhưng đã bị tước đoạt hết ruộng đất, bị bần cùng hóa, phải từ giã ruộng vườn kéo nhau ra thành thị để bán sức lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng... Dù bị bóc lột nặng nề nhưng về cơ bản, họ có thu nhập ổn định nên có nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Đó cũng là lý do để hoạt động văn học đổi mới và phát triển.

Cuối cùng là sự xuất hiện của giai cấp tiểu tư sản. Chính quá trình khai thác thuộc địa, sự xuất hiện hệ thống thành thị kiểu phương Tây và nền giáo dục mới ra đời đã làm cho lực lượng này ngày càng trở nên đông đảo. Trong khi đó, ở nông thôn giai cấp địa chủ không những không bị thu hẹp mà trái lại được phát triển đủ mạnh để có thể trở thành nền tảng xã hội của chế độ thuộc địa. Và sau lũy tre xanh vẫn là một vòng tròn khép kín, tù đọng đè nặng, làm cho đời sống của người nông dân sống nơi “bùn lầy nước đọng” ngày càng bị bần cùng hóa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 227 trang tài liệu này.

Trong các giai cấp và tầng lớp mới xuất hiện này, có thể thấy, tầng lớp trí thức tiểu tư sản giữ một vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Tầng lớp này, tuy có hoàn cảnh xuất thân không giống nhau: trí thức (học sinh, sinh viên), tiểu thương (những người buôn bán nhỏ), thợ thủ công, nhưng về cơ bản, họ sống ở các đô thị, có nếp sống tương


Quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 4

đối ổn định và đầy đủ trong một xã hội đang nhanh chóng thay đổi. Họ có điều kiện để học hành, để tiếp xúc với những thông tin về chính trị, văn hóa, xã hội. Chính tầng lớp này và cuộc sống đô thị đã làm nảy sinh những nhu cầu mới về hưởng thụ văn hóa khác với nhu cầu của con người dưới chế độ phong kiến. Họ cần cập nhật thông tin, vì thế báo chí ra đời; cần cập nhật tác phẩm vì thế xuất bản phát triển. Văn học nghệ thuật trở thành hàng hóa, vì vậy xuất hiện ngành kinh doanh hàng hóa văn học bao gồm những người kinh doanh và viết văn. Đời sống văn học hình thành nên một đội ngũ tác gia mới - những nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề và với nghề. Chính họ là những người quyết định sự phát triển của nền văn học mới. Từ đây: người ta quan niệm việc cầm bút viết văn như một chuyên môn của một số trí thức nhằm hướng đạo xã hội, phụng sự nghệ thuật, trong xã hội xuất hiện tầng lớp nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề viết văn, thậm chí “Vợ dại con thơ, sự sinh hoạt trông nhờ một ngọn bút” (Giấc mộng con).

Nhìn chung, chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Paul Doumer và lần thứ hai của Albert Sarraut (trước và sau đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914 - 1918) là nhân tố chính làm chuyển biến sâu sắc cơ cấu xã hội Việt Nam. Lúc bấy giờ, nền kinh tế phong kiến bị phân giải, người nông dân bị bần cùng hoá. Do quá trình khai thác thuộc địa ngày càng được đẩy mạnh nên từ Nam chí Bắc, những trung tâm kinh tế, văn hoá của xã hội thực dân nửa phong kiến đã mọc lên. Sự ra đời của thành thị đã làm xuất hiện nhiều tầng lớp xã hội mới như: tư sản, tiểu tư sản (viên chức, học sinh, dân nghèo thành thị…), công nhân như đã nói ở trên. Cùng với sự phát triển của các đô thị, số thị dân cũng tăng nhanh. Trong quá trình sinh tồn, thị dân đã tạo ra một lối sống riêng, tập quán riêng, vừa kế thừa những giá trị truyền thống, nhưng đồng thời cũng có những nét khác với lối sống của nông dân. Hệ thống thành thị phát triển, thị dân ngày càng đông đúc là những tiền đề, những điều kiện


để tiếp nhận văn hóa phương Tây và thúc đẩy nền văn học nhanh chóng hiện đại hóa trong đó có hoạt động nghiên cứu văn học.

1.2. Tiền đề văn hóa - văn học

1.2.1. Công cụ biểu đạt mới

Đầu thế kỷ XX, cùng với những biến đổi về lịch sử - xã hội, đời sống văn hoá cũng có những nét mới đáng kể. Yếu tố đầu tiên quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển của văn học nói chung và hoạt động nghiên cứu văn học nói riêng giai đoạn này là sự phổ biến chữ quốc ngữ.

Như đã biết, chữ quốc ngữ là thứ chữ được các giáo sĩ phương Tây cùng các trí thức Việt Nam xây dựng từ thế kỷ XVII để ghi âm tiếng Việt với mục đích là truyền đạo Thiên Chúa. Từ khi nước ta thành thuộc địa, chính quyền thực dân đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức và cả biện pháp hành chính, kinh tế cưỡng bức nhân dân ta học chữ quốc ngữ. Trong nghị định ngày 6 - 4 - 1878, thực dân Pháp đã đặt ra yêu cầu: “Kể từ ngày 1 - 1 - 1882 không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai trong tình trạng không viết được chữ quốc ngữ” [79,tr.33]. Đồng thời, để khuyến khích việc học chữ quốc ngữ, thực dân Pháp cũng đã dùng những chính sách đãi ngộ như: miễn thuế thân, miễn tạp dịch và thưởng hậu hĩnh đối với công chức, nhân viên, các quan tòa, sĩ quan... phụ trách việc chỉ huy binh lính và dân chúng mọi địa hạt nếu họ tích cực học chữ quốc ngữ [79,tr.34]. Mặt khác, thực dân Pháp cũng đã “Không ngần ngại phát những trợ cấp lúc ban đầu từ 50 đến 100 quan cho những làng nào viết được các công văn bằng chữ quốc ngữ” (Thông tư ngày 28 - 10 - 1874). Ngoài ra, trong các trường Pháp - Việt, cùng với việc học tiếng Pháp là chính, thực dân Pháp còn bắt buộc học chữ quốc ngữ và chữ Hán. Và trong kỳ thi Hương (1906), cũng có qui định một phần thi luận chữ Việt (quốc ngữ). Mục đích của người Pháp ở đây là muốn đem chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán và


chữ Nôm, cách ly nhân dân Việt Nam khỏi truyền thống văn hoá dân tộc, cũng như khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, và trước mắt chặt đứt ảnh hưởng của giới sĩ phu đối với nhân dân... để dễ dàng thống trị nước ta.

Đối với nhân dân ta, trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX, ngày càng có nhiều người hơn theo học chữ quốc ngữ, thế nhưng nhìn chung, thứ văn tự này vẫn ít được tín nhiệm, bởi nó bị xem là thứ chữ của “quân cướp nước” nên không dễ dàng thay thế được chữ Hán - Nôm. Dù vậy, cùng với sự phát triển của đô thị và sự xuất hiện của nhiều tầng lớp xã hội mới, chữ quốc ngữ từng bước được công chúng làm quen và thực sự được thừa nhận vào thập niên đầu của thế kỷ XX. Riêng đối với các sĩ phu Việt Nam, lúc đầu, họ xem chữ quốc ngữ là sản phẩm và công cụ cai trị của quân xâm lăng nên không tiếp nhận. Đến đầu thế kỷ XX, các nhà Nho yêu nước và duy tân nhận rò ưu thế dễ đọc, dễ viết của chữ quốc ngữ nên đã chuyển từ thái độ phản ứng sang nhiệt tình cổ động, hô hào học và dùng chữ quốc ngữ

“Trước hết phải học ngay quốc ngữ Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau; Chữ ta, ta phải thuộc làu,

Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài, Sẵn cơ sở để khai tâm trí...

(Thơ Đông Kinh nghĩa thục)

hay “Một đằng thì mất mấy năm trời để đi học một thứ chữ khác hẳn tiếng mình mà vẫn không có công hiệu, một đằng thì chỉ mất không tới sáu tháng là học ngay được văn tự của tiếng mình. Vậy thì không thể không theo chữ nước ta” (Văn minh tân học sách - 1904). Sự truyền bá chữ quốc ngữ qua các phong trào Minh Tân (ở Nam Bộ), phong trào Đông Kinh nghĩa thục (ở Bắc Bộ) vào những năm 1907 - 1908 đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng khiến thứ chữ này dần dần được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong sự tiếp thu


của nhiều tầng lớp nhân dân. Ngay nhà Nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là người kiên quyết không hợp tác với Pháp nhưng lại có ý thức tiếp nhận chữ quốc ngữ khi đồng ý cho con gái là Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh, sau này là chủ bút tờ Nữ giới chung - tờ báo nữ giới đầu tiên tại Việt Nam, cũng là tờ báo có chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ) học chữ quốc ngữ. Các phong trào duy tân này là động lực của bước đầu hiện đại hóa văn học Việt Nam, không những trên hình thức mà cả trong chiều sâu tư tưởng của văn chương.

Chữ quốc ngữ cũng ảnh hưởng tích cực và phần nào mang tính quyết định đến sự ra đời và phát triển của nền văn xuôi nước ta. Với sự phát triển nhanh chóng, chữ quốc ngữ đã khiến câu văn xuôi tiếng Việt có nhiều đổi mới, đồng thời việc sáng tác văn chương bằng quốc ngữ cũng giúp cho chữ quốc ngữ ngày càng diễn đạt tinh tế hơn cuộc sống, tâm tư tình cảm của con người. Góp công đầu trong việc đổi mới này phải kể đến các học giả như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Trọng Quản... ở miền Nam, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn... ở miền Bắc. Trong số này, người có công đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837-1898) - nhà bác học biết nhiều thứ tiếng nhưng vẫn dành tâm huyết cho việc phiên âm các văn bản văn chương cổ điển và biên soạn văn học dân gian bằng chữ quốc ngữ như Truyện Kiều (1875), Đại Nam quốc sử diễn ca (1887), Lục súc tranh công (1889), Phan Trần truyện (1889), Lục Vân Tiên truyện (1889)...

Có thể thấy rằng, sau hàng nghìn năm bị lệ thuộc phong kiến phương Bắc và tiếp biến nền giáo dục khoa cử Trung Hoa, người Việt Nam đã mượn chữ Hán làm công cụ diễn đạt nhận thức cũng như tâm tư tình cảm của mình qua các trang viết (sáng tác, nghiên cứu, thi cử...). Tuy nhiên, chữ Hán chỉ được tiếp nhận bởi những tầng lớp quan lại trong hệ thống triều đình phong


kiến Việt Nam, đại đa số người bình dân Việt Nam không thể tiếp cận được văn bản chữ Hán. Đến khi ý thức độc lập dân tộc thực sự được khôi phục thì chữ Nôm ra đời, nhưng chữ Nôm lại dựa trên cơ sở của chữ Hán, và vì vậy, dù rất có ý thức độc lập tự chủ, chữ Nôm vẫn là một loại chữ khó học. Chính vì thế, chữ quốc ngữ La-tinh đã thực sự trở thành một thứ chữ viết dễ học và dễ đọc. Nó đã phát triển nhanh chóng và thật sự thuyết phục trước nhu cầu biết đọc và biết viết của người Việt. Thông qua các nhà văn Tây học, chữ quốc ngữ đã thật sự trở thành công cụ diễn đạt hữu hiệu nhằm phản ánh cuộc sống và tâm tư, tình cảm con người Việt Nam, được sử dụng phổ biến và đưa văn học đến gần với người đọc. Chính vì thế, nó trở thành một công cụ, một phương tiện quyết định để chuyển tải văn hóa, văn học phương Tây thâm nhập vào đời sống văn học Việt Nam, giúp văn học dân tộc từng bước tiệm cận với dòng chảy chung của văn chương thế giới. Có thể khẳng định, chữ quốc ngữ La-tinh là một trong những nhân tố quyết định góp phần vào quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam nói chung và quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học nói riêng.

1.2.2. Nền giáo dục mới

Năm 938, với chiến công hiển hách của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, dân tộc Việt Nam khôi phục nền độc lập, thống nhất quốc gia, xây dựng nhà nước phong kiến. Nền giáo dục phong kiến được hình thành và phát triển. Trải qua 10 thế kỷ, nội dung, cách tổ chức việc dạy và học, thi hành chế độ khoa cử của nền giáo dục phong kiến qua các triều đại cơ bản là giống nhau. Chẳng hạn: nội dung dạy và học từ lớp ở thôn xã đến các trường ở lộ, phủ, kinh đô đều lấy Tứ thư, Ngũ kinh làm sách giáo khoa; các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn tổ chức các khoa thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình) về cơ bản là giống nhau… Trải qua nghìn năm lịch sử, nền giáo dục phong kiến Việt Nam đã đào tạo nên nhiều nhà bác học, nhà văn, nhà viết sử, nhà giáo,


thầy thuốc … có danh tiếng cùng những thế hệ trí thức giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng, vun đắp nền văn hiến Việt Nam. Một nền giáo dục phong kiến coi trọng luân lý, lễ nghĩa, góp phần cơ bản xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Tuy nhiên, ý thức tồn cổ của Nho giáo đã cản trở những tư tưởng cải cách, kìm hãm sự phát triển của xã hội; phương pháp học khuôn sáo, giáo điều,... là những hạn chế của nền giáo dục phong kiến Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Ngay khi nắm chính quyền ở Việt Nam, bên cạnh những hoạt động về chính trị và kinh tế, thực dân Pháp cũng chú ý đến việc truyền bá văn hóa Pháp, hạn chế ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong đời sống người dân Việt Nam. Vì vậy, một trong những việc đầu tiên của người Pháp lúc này là phải thay thế nền giáo dục phong kiến bằng một hệ thống giáo dục mới nhằm phục vụ cho guồng máy cai trị. Cho nên, khi vừa chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học. Kỳ thi Hương bị xóa bỏ ở Nam Kỳ sớm nhất (1864). Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ là năm Ất Mão (1915), và ở Huế năm Mậu Ngọ (1918). Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) ở Huế.

Từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Trên tinh thần ấy, trước tiên thực dân Pháp dựng lên những cơ sở văn hóa để truyền bá chữ Pháp và thiết lập các trường đào tạo thông ngôn. Đây là những bước đầu trong việc thiết lập một nền giáo dục của Pháp.

Khi xây dựng nền giáo dục mới nhằm thay thế dần lối học khoa cử của Nho gia, thực dân Pháp đã hướng giáo dục vào mục đích đào tạo lớp người thừa hành chính sách xâm lược của mình ở Việt Nam và cả Đông Dương, tiếp đến là truyền bá tư tưởng Pháp, và cuối cùng là nhằm vào mục đích mị dân.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/07/2022