Người Miền Nú I Với Thế Giới Nội Tâm Đa Chiều

cuộc sống đang kiểm chứng sự kiên cường của tinh thần họ. Thim trong Người săn gấu chính là một điển hình. Nhân vật của Cao Duy Sơn phải chịu cả sự mất mát về tình thương lẫn sự mất mát về tình yêu. Mới 12 tuổi, Thim đã trở thành một cậu bé mồ côi, không nơi nương tựa, "sống một mình trong một túp lều lẻ loi cuối bản". Tận mắt chứng kiến cảnh cả cha và gấu cùng lao xuống đáy vực hun hút đã khiến cậu luôn sống trong một sự ám ảnh khôn nguôi. Nhưng cuối cùng, nhờ nghị lực kiên cường và tình người dân bản đã giúp Thim dần trở thành một chàng trai cường tráng. Những tưởng rằng, kể từ đây, cậu sẽ được sống một quãng đời hạnh phúc nhưng không, số phận thật khéo trêu người. Thim rơi vào nỗi đau mất mát lần thứ hai khi tình yêu dang dở. Với hi vọng có thể thoát khỏi hiện thực đầy đớn đau, Thim đã gia nhập quân đội và đi chinh chiến khắp các chiến trường nhưng hi vọng đó trở lên thật mong manh khi mà thời gian cũng không thể giúp được gì. Quá khứ với những nỗi đau vẫn luôn luôn bám riết khiến cho Thim cả đời phải sống trong cô đơn và những ám ảnh hằn sâu trong kí ức.

Hoán trong truyện ngắnThằng Hoán cũng là nhân vật chịu nhiều đắng cay, bất hạnh trong cuộc đời. Cũng giống như Ò Lình, Hoán sinh ra đã có một thân hình không hoàn chỉnh. Sự không hoàn chỉnh về bề ngoài này đã kéo theo sự không hoàn chỉnh trong cuộc sống hàng ngày của anh. Tuy vậy, niềm bất hạnh này vẫn không là gì so với những đớn đau mà chính người vợ đã từng sinh sống với anh đã gây ra. Làn Dì - vợ anh là một người phụ nữ đẹp, vẻ đẹp ấy tựa hồ như một bông hoa Kim Anh rực rỡ khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Người đàn bà ấy đã ngang nhiên đi ngoại tình với một tay thợ cả, kết quả của cuộc ngoại tình xấu hổ ấy là sự ra đời của một đứa trẻ không phải con Hoán. Gia đình Hoán theo đó mà cũng tan vỡ. Dù đau khổ tột cùng nhưng vốn là một người nhân hậu, giàu tình thương, Hoán đã giang tay đón nhận đứa trẻ không phải con mình với một tình thương chân thành. Bỗng nhiên đứa bé lại trở thành động lực sống, niềm vui sống của cả phần đời còn lại của anh. Thế

nhưng, sự đời thật lắm éo le, ngang trái: sau vài năm biền biệt, Làn Dì trở về đòi đón đứa bé ấy đi. Sự kiện này khiến Hoán cảm thấy "mình như đang bị rơi xuống khe vực thăm thẳm giá buốt", anh lặng người đi "như một tảng đá mồ côi" và rồi anh nghĩ "Thôi thế là hết... Mìn ơi, con ơi, từ nay bố sẽ không còn nhìn thấy con nữa". Trái tim anh như đang tan vỡ ra từng mảnh, anh như rơi xuống tận cùng của sự đau đớn. Anh hiểu đứa con là niềm an ủi tinh thần duy nhất của anh nhưng nó cũng là máu thịt của Làn Dì, anh cũng hiểu lòng người mẹ sẽ đau đớn thế nào khi phải chia lì đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Đó là lí do mà anh đã dặn lòng để con ra đi và ôm nỗi chua chát, thua thiệt về mình. Phẩm chất đầy hi sinh cao cả ấy không chỉ có ở Hoán mà nó còn là phẩm chất điển hình của những người dân miền núi nhân hậu, thật thà.

Mỗi trang viết là một trang đời. Cao Duy Sơn đã mở ra một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống nơi vùng cao - nơi hàng ngày vẫn tồn tại biết bao số phận bất hạnh, tủi cực. Với việc khắc họa thành công hình ảnh những con người nhỏ bé mà chịu vô vàn những bất hạnh, bi kịch trong cuộc sống, nhà văn đã đưa tác phẩm của mình vượt ra khỏi ranh giới của một địa phương để đến với đông đảo bạn đọc trên cả nước. Đồng thời qua đó cũng bộc lộ thái độ cảm thông sâu sắc và chân thành của ông.

2.2.3. Người miền nú i với thế giới nội tâm đa chiều

Cùng là nhà văn thành công với mảng đề tài viết về miền núi, cùng xuất phát từ mảnh đất Cao Bằng, cùng viết về con người miền núi nơi đây nhưng giữa tác giả Vi Hồng và Cao Duy Sơn ta nhận ra nhiều điểm khác biệt nhau. Nhân vật trong sáng tác của Vi Hồng thường được xây dựng theo hai tuyến đối lập: Thiện và Ác. Người tốt thì trong sáng thánh thiện như thiên thần; kẻ xấu thì gian sảo, tà ác như ma quỷ hiện hình. Đó là các nhân vật như: Đoác, Tạp Tạng trong Vào hang, Ba và Tú trong Người trong ống, Hỷ và Quản trong Gã ngược đời... Nhân vật thường được xây dựng theo hai tuyến đối lập luôn va chạm, mâu thuẫn, xung đột với nhau và cuối cùng là: cái Thiện thắng cái Ác,

cái Đẹp thắng cái Xấu. Đối với Cao Duy Sơn, tác giả là tìm ra cho mình một mảnh đất mới khi khám phá con người miền núi Cao Bằng.

Tìm hiểu toàn bộ truyện ngắn của Cao Duy Sơn chúng tôi thấy người miền núi trong sáng tác của ông là thế giới nhân vật đa dạng, tính cách đa chiều, nhiều uẩn khúc. Nó chứng tỏ cái nhìn cuộc sống và con người phong phú, toàn vẹn của tác giả. Ở Cao Duy Sơn tồn tại cả cách phân chia nhân vật mang đậm màu sắc truyền thống (chính diện và phản diện rành mạch), cả cách phân chia nhân vật mang hơi hướng hiện đại (nhìn nhận con người ở mọi phương diện, khuất lấp). Thông qua sự quan sát tinh tế, nhạy bén của mình, nhà văn phát hiện ra con người không đơn giản, một chiều mà luôn luôn nhiều uẩn khúc, phức tạp. Trong mỗi người luôn tồn tại cả mặt thiện - mặt ác, cả mặt mạnh và những thiếu sót trong tính cách... Đó là lỗi viết, là tư duy viết của con người sau đổi mới. Chính điểm này làm nên nét phong cách riêng của Cao Duy Sơn, khiến tên tuổi nhà văn luôn được khẳng định trong nên văn học viết về miền núi nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

Lão Khuề trong truyện ngắn Âm vang vong hồn chỉ vì thời trẻ hèn nhát, không dám đứng lên bảo vệ tình yêu của mình mà cả cuộc đời lão đã phải sống trong những dằn vặt, day dứt, ân hận để rồi cuối cùng gục chết ngay trên đường đưa tiễn người yêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Một kết thúc mở gợi ra biết bao suy nghĩ cho người đọc “tại sao tự nhiên lão Khuề lại chết? Lão chết vì bệnh hay vì những đau khổ, dằn vặt kia? Hay... liệu có phải vì khi sống lão không được ở cạnh người yêu, giờ muốn cùng chết với người yêu?... Dù sao thì lão cũng là một người đáng được trân trọng vì lão đã biết sám hối cho những sai lầm của bản thân” [53].

Dồ trong truyện ngắn Hòn bi đá màu trắng là một người kéo nhị tài hoa "Người bình thường. Gã từng là công dân bình thường như bao kẻ bình thường khác. Tuy nhiên gã cũng là tay độc đáo trong mắt mọi người ở đất Cô Sầu. Ấy là khiếu kéo nhị. Bầu nhị lúc nào cũng trắng mốc nhựa thông từ cây mã vĩ căng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

bằng lông đuôi ngựa cất lên những đêm trăng. Chỉ đêm trăng thôi mới kéo...", "Tiếng nhị vẫn đều đặn cất lên những đêm trăng... Nhiều lắm! Dồ có cả một kho tàng truyện cổ tích, chuyện tình bi ai họa bằng những âm thanh ngân vang trong cái đầu rối bù tổ quạ." [55, tr.127]. Dồ được cả dân Cô Sầu yêu quý, coi trọng. Đến khi Soóng xuất hiện với tiếng Sáo và một con rắn hổ mang biết múa, trong lòng Dồ dần dần thay đổi, anh không còn vui vẻ, không thể tập trung kéo nhị được nữa bởi người dân Cô Sầu lúc này ít người còn thích nghe tiếng nhị của Dồ. Chứng kiến cảnh người dân ngày càng tò mò, kéo đến nghe Soóng thổi sáo, xem con rắn hổ mang múa và lạnh nhạt dần với tiếng nhị của mình, Dồ nghĩ: "Quan nhất thời dại, dân vạn đại ngu mà, đâu có gì đáng trách. Khó bây giờ là tiếng nhị của Dồ chỉ còn lọt tai ít người. Số đông cái tai đã hướng về nhà thằng Soóng. Hay nó định cướp những đồng xu sắt của dân Cô Sầu định quyên góp cho mình. Đồ cháo loãng cầm hơi, đáng gì mà làm thế. Mấy lần Soóng ngỏ ý: "Dồ nhị, Soóng sáo hai người song tấu phục vụ nhân dân". Dồ nhếch mép cười mỉa. Cái đồ mù âm, áo rách đòi sánh hoàng bào". [55, tr.134]. Chính vì thói tự phụ và lòng đố kị ấy mà cả cuộc đời Dồ đã phải sống trong đau khổ, dằn vặt "Hai mắt gã bỗng nóng bừng. Gã nhắc mình đừng có khóc như thế. Nhưng không thể. Gã là đồ khốn, một kẻ chẳng ra gì. Đã hắt hủi và làm tổn thương thằng bé. Sao gã nỡ từ chối máu thịt của mình, dù chỉ là trong tâm tưởng. Gã run rẩy gọi tên con "Ki ơi" rồi cầm cây nhị đi về dãy núi phía nam..." [52, tr.143]. Giá như anh đừng đố kị, đừng để cho cái tôi quá lớn mạnh mà biết lắng nghe, dung hòa, hòa nhập với Soóng thì chắc chắn gia đình anh đã không tan vỡ, những thành viên trong gia đình cũng không phải chịu những nỗi tủi hờn như vậy.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, hình tượng con người tha hóa và sám hối xuất hiện rõ nét trong ba truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Ở mỗi truyện ngắn, mức độ thể hiện cũng như hiệu quả nghệ thuật mà hình tượng nhân vật này đem lại cũng không giống nhau. Nếu như đem đặt cả ba nhân vật trong ba truyện

Phong cách truyện ngắn Cao Duy Sơn - 7

ngắn này ngang hàng với nhau để so sánh, đối chiếu thì chúng ta sẽ thấy hình tượng con người tha hóa và sám hối trong truyện ngắn Hấp hối được nhà văn khắc họa thành công, gây ra một sự ám ảnh mạnh mẽ hơn rất nhiều so với nhân vật trong Âm vang vong hồn Hòn bi đá màu trắng. Điều đáng nói hơn nữa là nhà văn đã sử dụng thủ pháp giấc mơ để làm nổi bật thế giới nội tâm đầy giằng xé của nhân vật Kình. Đây được đánh giá là một cách tân độc đáo trong bút pháp nghệ thuật của Cao Duy Sơn. Khi còn trẻ, ông Kình chỉ vì thỏa mãn thú tính của mình đã tổ chức, bắt cóc và hãm hiếp một người phụ nữ đã có chồng. Việc làm vô đạo đức ấy đã làm cho một gia đình đang hạnh phúc trở lên tan nát, rơi vào bi kịch khổ đau. Nhà văn không trực tiếp mà sử dụng giấc mơ hãi hùng buộc nhân vật của mình phải đối diện với chính nạn nhân và đứa con trai - cái mầm sống mà ông đã gieo trong cái đêm đầy tội lỗi ấy. Đặc biệt, với tinh thần nhân đạo sâu sắc, nhà văn đã không để cho nhân vật chìm đắm mãi trong tội ác. Với chi tiết nghệ thuật đắt giá: ông Kình soi mặt mình xuống giếng rồi nhận ra sự biến dạng quái gở của bản thân đã đem lại một sự ám ảnh mạnh mẽ. Đối diện với tòa án lương tâm, ông Kình đã nhận ra bản chất thật của mình: một con dã thú đội lốt người. Mặc dù, đã có ý thức để cho nhân vật tự nhận ra bản chất của mình song nhà văn lại không để cho sự nhận thức ấy chuyển hóa thành hành động. Sau khi giấc mơ kết thúc, ông Kình lại tiếp tục cuộc sống như mọi ngày một cách thản nhiên. Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra: liệu có phải là do nhà văn đã chưa tìm được lối thoát triệt để cho nhân vật? Hay kết thúc ấy nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn: một con người - một quan chức - một con thú mà có một vỏ bọc đẹp đẽ, tội ác được che đậy một cách khéo léo và ngày càng leo cao trên con đường danh vọng thì thử hỏi những số phận dưới sự cai trị của kẻ đó sẽ đi đến đâu? Câu hỏi mới chỉ được đặt ra thôi nhưng nó đã khiến cho tất cả mọi người phải rùng mình ghê sợ.

Mặc dù, chỉ đề cập đến thế giới nội tâm của nhân vật tha hóa, sám hối ở vẻn vẹn ba truyện ngắn nhưng Cao Duy Sơn đã khắc họa thành công một loại

người không thể bỏ qua trong xã hội hiện tại. Loại con người ấy vừa có những nét đáng thương vừa có những nét đáng sợ. Thông qua loại nhân vật này, nhà văn muốn đưa ra một quan niệm, một triết lí về cuộc đời: cuộc sống là cả một hành trình dài đầy rẫy những thử thách và bất trắc, mỗi người trong hành trình khó khăn ấy đều có thể mắc những sai lầm; điều quan trọng là phải biết nhận thức, sửa sai và đứng dậy. Và có những lỗi lầm luật pháp có thể ra tay trừng trị nhưng cũng có những lỗi lầm do được che đậy quá kĩ càng mà luật pháp không thực hiện được công lý, những lỗi lầm ấy sẽ bị soi chiếu bởi chính tòa án lương tâm của con người đó.

Ngoài những nhân vật tha hóa, sám hối, nội tâm đa chiều của con người miền núi cũng được thể hiện ở những nhân vật chính diện. Chẳng hạn như thầy giáo Hạc trong Ngôi nhà xưa bên suối. Thầy giáo Hạc là một người "hát hay, đàn giỏi, lại bặt thiệp, lịch lãm nhưng cũng sôi nổi và pha chút nghịch ngợm", có rất nhiều cô gái đem lòng yêu thương thầy nhưng đồng thời cũng là một người hiền lành đến mức nhu nhược mà như nhân vật Bền nhận xét "yêu còn chẳng dám". Thầy yêu và thương nhớ nàng tiên xứ Páo Lò lắm nhưng "cứ nghĩ đến những cuộc họp hội đồng nhà trường, đè cổ thầy ra bắt đọc kiểm điểm hàng đêm, rồi tập thể bổ sung viết lại cho chỉnh, rồi lại đọc, lại bổ sung... Thầy thấy nó kinh sợ như bệnh nhân mang khối u, bị đưa lên bàn mổ mà không được gây mê. Nhớ lại vẫn chưa hết hãi hùng" [55, tr.11]. Sự sợ hãi, niềm hãi hùng của thầy cao đến mức mà khi gặp lại nàng tiên ấy thầy đã cảm thấy ái ngại, rồi từ ái ngại thầy lại tính đến việc chuyển trường như một giải pháp để chạy trốn. Mỗi lần thầy gặp nàng là một lần thầy nơm nớp lo sợ. Bao nhiêu nỗi sợ cứ liên tiếp đua nhau hiện lên trong tâm trí thầy: thầy sợ có điều gì đó kì quái, không hay sẽ đến với thầy; thầy sợ bị mọi người hiểu lầm, thanh danh của thầy sẽ mất, sợ bị kỉ luật, đặc biệt là sợ những ánh mắt kinh thường, nhìn thầy như một kẻ tội phạm của những người đồng nghiệp, những học trò của thầy... Chính những

nỗi sợ hãi, bất an đó khiến tâm hồn thầy không lúc nào được yên ổn, nó luôn trào lên những biến động, những suy nghĩ khôn nguôi.

Trong truyện ngắn Song Sinh, người đọc thật khó phân định rạch ròi trong hai anh em sinh đôi ấy ai là kẻ xấu, ai là người tốt bởi trong tâm hồn của cả hai con người ấy tồn tại cả cái thiện và cái ác. Sìu chỉ vì đem lòng yêu chính người chị dâu của mình mà đã làm một việc trái với luân thường đạo lý, một việc mà bất kỳ ai cũng không thể chấp nhận được - giả làm Du để làm nhục Lu nhưng ngược lại lại là một người thẳng thắn, sống thật với tình cảm của bản thân, nhất là người dám làm dám chịu. Khi thấy Du ra lời đay nghiến, trách móc Lu, mặc dù sợ nhưng Sìu vẫn nói với giọng lem lép: "- Đừng trách mắng Lu, tại một mình tao thôi, giết tao cũng được nhưng không được nhổ lời có độc vào mặt nó" [55, tr.75]. Bị Du mắng và trừng mắt, Sìu chỉ biết cúi đầu cam chịu bởi anh ý thức được việc làm sai trái, không thể tha thứ của mình "Sìu liếc sang phía Lu. Nàng thảm hại quá. Sìu chợt thấy lòng cồn lên tiếc nuối. Tim gã đập chộn rộn. Gã hít một hơi sâu nén lại cảm xúc" [55, tr.78]. Và để trả giá cho hành động của mình, Sìu đã chấp nhận đưa toàn bộ số tiền dành dụm bấy lâu cho Du, thay Du trở về đơn vị để rồi không lâu sau đó trở về với đôi bàn chân không còn lành lặn. Cùng với Sìu là Du. Du cũng là một trong những nhân vật có nội tâm đa chiều. Du là anh sinh đôi với Sìu, không giống với Sìu (tính làm kinh tế) Du xin đi tòng quân và trở thành niềm ngưỡng mộ của cả làng. Mặc dù vậy ở Du vẫn tồn tại những mặt xấu của một con người bình thường: Du mơ được đi đây đi đó, đặc biệt là hám gái từ khi mới là cậu bé mười lăm tuổi và để trả thù hành động làm nhục vợ mình của Sìu, Du đã bắt người em trai ruột phải lựa chọn giữa hai con đường một là nhận lấy cái chết, hai là thay anh trở lại quân ngũ. Thực ra, dù chọn con đường nào thì Sìu cũng phải đối diện với cái chết chỉ là con đường thứ nhất cái chết sẽ đến trực tiếp và nhanh hơn còn con đường thứ hai Sìu có thể thoát chết nhờ may mắn. Tất cả mọi hành động, lời nói đều được Du thực hiện trong sự lạnh lùng, dứt khoát.

Bản thân là một nhà văn tiêu biểu của phong trào đổi mới, Cao Duy Sơn đã không ngừng nghỉ chiêm nghiệm, suy nghĩ và đổi mới tư duy nghệ thuật của mình. Do vậy mà khi nhìn những con người hiện đại trong hoàn cảnh xã hội mới, nhà văn đã không khó để nhận ra mọi mặt khuất lấp của con người dưới mọi góc độ. Con người hiện đại luôn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn cả những mặt tốt và mặt xấu. Chính sự đa diện, đa chiều ấy đã làm nảy sinh hàng loạt những tính cách tưởng chừng như đối lập của họ.

Dường như đọc truyện ngắn Cao Duy Sơn đọc giả có cảm giác mỗi trang văn của ông là một trang đời bởi ở đó có biết bao nhiêu số phận với những tính cách khác nhau. Nhà văn như đang nói hộ những ước mơ, những khát khao, đang giãi bày những xót xa, những giông bão trong tâm hồn, tính cách của những con người nhỏ bé, bình dị miền sơn cước. Những trang viết của ông đã mở ra một bức tranh toàn cảnh nơi cuộc sống vùng cao. Kể về số phận, tính cách của những con người miền núi nhưng những tác phẩm của Cao Duy Sơn "đã vượt ra khỏi ranh giới địa phận người dân tộc đạt đến một ý nghĩa sâu xa hơn - nỗi đau chung vẫn hằn trong tâm thức con người" (Tiểu Quyên). Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, từ trái tim nhạy cảm, giàu tình yêu thương con người của nhà văn.

2.3. Các biện pháp xây dựng nhân vật

Như đã đề cập ở trên nhân vật là một phương thức nghệ thuật. Một tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật bởi nó là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, một trường phái hoặc một dòng phong cách nào đó. Giáo sư Phương Lựu trong cuốn Lí luận văn học đã đưa ra ý kiến: "Nhân vật văn học là con người được miêu tả thể hiện trong các tác phẩm bằng phương pháp văn học" [38, tr.277].

Tùy vào ý đồ nghệ thuật của từng nhà văn mà nhân vật có thể có tên hoặc không có tên; có thể là những người được miêu tả đầy đặn về ngoại hình, nội tâm, tính cách nhưng cũng có thể là những người thiếu hẳn những nét đó,

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 29/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí