Phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng - 17

cá tính qua ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. Dương "có chủ đích giáo dục thói kiêu căng của Thuật" nên khơi mào về tranh cãi, trong đối thoại, để che giấu sự lỗ mỗ về học thuật, Dương đã sử dụng lớp từ vựng từ đậm màu sắc chính trị: đồng chí, kinh nghiệm, công tác nhân sự, chủ nghĩa, bản chất sự việc, chân lý, phép biện chứng, thiết lập, mối quan hệ, quan điểm toàn diện, quán triệt, khái niệm, hiện tượng sự vật... và lối đánh tráo khái niệm để dồn ép Thuật vào chân tường, buộc phải tuân phục. Thuật - thông minh, sắc sảo, kiêu ngạo và bất mãn đến cực độ, qua lời thoại, bộc lộ sự coi thường và giả dối của Dương, uất ức, cay cú đến không thể kiềm chế, lời thoại ào ạt tuôn ra như thác lũ: chủ nghĩa, định luật, công thức là cái gì? Nó chẳng qua là phương tiện để ta nhận thức, phương tiện, nghĩa là nó như đôi giày tôi đang đi, để lội bùn; để đá bóng... cuộc sống con người là muôn năm... chúng ta hành nghề như mọi người khác hành nghề, chúng ta không phải bậc á thánh...; sự thật không có gì phải giấu giếm... học sinh rất cần để nhận diện chân xác chúng ta...; chiếm giữ quyền lực là chiếm hữu tinh tế... (Đám cưới không có giấy giá thú). Qua dòng thác ngôn từ ấy, không thể phủ nhận ở Thuật một con người có óc phân tích sắc sảo, thẳng thắn đến cực đoan. Chính sự cực đoan ấy khiến cho Thuật, khi va đập với giáo điều, cơ hội, quỷ quyệt đội lốt chính trị đã mất thăng bằng, tự chủ, nổi khùng trong đối thoại và với lớp ngôn từ đường phố Thuật thực sự đánh mất mình. Cái kết bi hài và đậm mùi vị chua xót là màn đối đáp giữa Thuật với Cẩm: Cẩm nghiến răng: Về chỗ và im đi. Ai im. Mày! Chính mày... Dương vò mái tóc làu bàu: quá trớn hết sức! Phải chuyên chính! Phải chuyên chính! (Đám cưới không có giấy giá thú). Từ cuộc thoại ấy, người đọc có thể hình dung ra không gian sống và làm việc của các nhân vật, tính cách, sự mâu thuẫn trong lề thói, tư tưởng và hành động, tất cả những điều đó khiến cho nhân vật va đập với nhau, làm tổn thương nhau, giày vò nhau, mối quan hệ liên cá nhân giữa các nhân vật lỏng lẻo và sẵn sàng tan vỡ trước một lực tác động từ hành vi ngôn ngữ.

Ở một cực trái chiều, ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng lại cho ta biết về đời sống dưới đáy xã hội. Xem cuộc thoại của gia

đình mụ Đống (Bến bờ), các nhân vật gồm người mẹ - mụ Đống, con trai cả - Tư, con trai thứ - Túc, con gái cả - Lụa. Chủ đề của cuộc thoại là Thảo, con gái, em gái út của gia đình này bị bắt vì tội vô ý giết người. Qua lời thoại, các nhân vật hiện ra, từ người mẹ đến những đứa con, tất cả thuộc một tầng văn hóa hạ lưu, cặn bã xã hội nghề nghiệp kiếm sống bất lương: vô nghề nghiệp, phe vé, bán dâm, ngôn ngữ giao tiếp dày đặc biệt ngữ, tiếng lóng: tiền là "đạn, sìn", đi tù là "nghỉ mát nhà đá" chết là "toi đời", chia tiền là "cưa đôi"... Lối nói của mụ Đống ám chỉ quan hệ tính dục của con người một cách hạ đẳng và dựa trên quan hệ mua bán qua hàng loạt những câu ca dao phường phố tục tằn dơ dáy (Nứng c thì vác đến nhà. L còn đau mắt chưa ra đến ngoài; Trăm năm trăm tuổi trăm chồng, hễ ai có bạc thì bồng trên tay), chửi con bằng những lối so sánh ví von tàn tệ, thô lậu (đẻ con khôn... đẻ con dại... cha con mẹ đẻ chúng mày... đồ đểu, đồ ba que, tiên nhân cha chúng mày, đmẹ...). Người mẹ lăng loàn, dâm ô, hư hỏng như thế nên lũ con khinh bỉ mẹ, hỗn láo, nhơn nhơn xem thường, chuyện đứa em gái vô ý giết người với chúng chả có gì liên quan, không mảy may bận lòng xúc động hay sợ hãi, lo lắng cho em, hoặc thương xót người chết. Qua cuộc thoại, cả gia đình bộc lộ sự thất học, vô đạo đức, không có ngôi thứ, khinh ghét, thù hận lẫn nhau và thù hận xã hội.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, Ma Văn Kháng là nhà văn có biệt tài xử lý ngôn ngữ đối thoại. Ở từng kiểu nhân vật, có những đặc trưng ngôn ngữ riêng không thể trộn lẫn. Ngôn ngữ đối thoại của Ma Văn Kháng sống động, tinh tế, sắc nét, góp phần lột tả tính cách và nội tâm nhân vật, khơi gợi cho người đọc những tưởng tượng về ngoại hình, cử chỉ, hành động của nhân vật một cách rõ nét ở trong những thời điểm và hoàn cảnh đã cá tính hóa nhân vật, khu biệt nhân vật với nhân vật ở trong từng tiểu thuyết, đồng thời làm rõ kiểu nhân vật với tư cách loại hình độc đáo hấp dẫn. Ngôn ngữ đối thoại của tiểu thuyết Ma Văn Kháng ngoài ý nghĩa cá tính hóa nhân vật còn có một đặc điểm có ý nghĩa bao quát về ngôn ngữ của vùng miền, lối tư duy của con người trong những không gian khác nhau.

4.1.3.2. Ngôn ngữ độc thoại

Những lời đối thoại, như trên đã nói chỉ phản ánh được một phần nổi của nội tâm con người, ở tầng sâu nhất, lời độc thoại nội tâm có một ý nghĩa quan trọng trong cá tính hóa nhân vật. Nó giúp cho người đọc tiếp tục hình dung ra nhân vật trong những bối cảnh và sự kiện tâm lý cụ thể, mà chính ở trong tình huống ấy tính cách của anh ta rõ nét hơn bao giờ hết. Độc thoại nội tâm với tư cách "lời phát ngôn của nhân vật tự nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó" [37, tr. 106] và "là hình thức đối thoại của nhân vật, trong đó, người đối thoại là chính mình, nói cách khác là một sự phân thân: mình nói chuyện với mình, một mình đóng cả hai vai người nói và người nghe và nói lại bằng một giọng khác, một suy nghĩ khác" [44, tr. 77].

Độc thoại nội tâm của Ma Văn Kháng trong các tiểu thuyết sử thi chỉ xuất hiện trong một số tình huống nhất định, khi tác giả muốn đẩy sự phát triển tính cách đến cao trào. Điển hình là màn độc thoại nội tâm của nhân vật Pao khi bị bắt trói ở nhà Giàng Súng lúc anh đến cứu Seo Ly, chính Giàng Lử, người anh ruột của Pao đã chỉ vào mặt anh nói "Đmẹ, thằng này phải cho ngựa kéo" [83, tr. 526], với tình huống ấy, cả một dòng thác tâm tư sôi sục trong anh. Những dòng tâm tư phẫn uất cực độ của anh qua độc thoại nội tâm đi thẳng vào trái tim người đọc, tác động đến tâm não người đọc, khiến người đọc đồng cảm sâu sắc với những cảm xúc cuồng nộ ấy.

Với ý thức "rút ngắn khoảng cách của tiểu thuyết" [44, tr. 76], từ sau Mưa mùa hạ, Ma Văn Kháng đã chuyển từ lời độc thoại của nhân vật sang người kể trong một dòng tâm tư triền miên của ý thức, hay còn gọi là kỹ thuật "dòng ý thức" [44, tr. 81]. Miêu tả tâm trạng bằng điểm nhìn hướng nội qua độc thoại nội tâm để phân tích hành vi và xúc cảm của nhân vật, khám phá nội tâm nhân vật là những bước tiến trong nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Với độc thoại nội tâm qua kỹ thuật dòng tâm tư, thời gian trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng có ý nghĩa như là đối tượng của

những suy nghĩ trực tiếp của nhân vật và cách tổ chức thời gian cho dòng tâm tư cũng là một sự lựa chọn đậm màu sắc cá nhân.

Lấy ví dụ, dòng tâm tư của Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Mở đầu tác phẩm là giấc chiêm mộng của Thiêm trong khi anh đang lạc vào mê cung của ân ái, ký ức hiện về như ảo ảnh là bãi đá Mèo La Pan Tẩn. Từ thực tại, dòng suối tâm tư của anh lạc về quá khứ "Một buổi sáng mùa đông kỳ lạ... anh đang ở trong mơ, đang sống giữa gió trời và sương núi, giữa một vùng sinh thái khác, vừa trỗi dậy một ao ước, một gắng gỏi chiếm lĩnh đỉnh cao, đạt tới một hoài bão, còn rất mơ hồ nhưng có thực và xa lắm cao lắm..." [78, tr. 308]. Từ giấc chiêm mộng ấy, những câu chuyện ký ức ào ạt trở về, những cảm xúc, suy tư về con người, ngoại cảnh, thời gian cũng lần lượt triền miên tiếp nối. Qua dòng tâm tư ấy, ta bắt gặp những sự kiện tâm lý, hồi ức về các nhân vật có kèm theo đánh giá. Đó là hồi ức của Thiêm về Quốc Thanh, Thúy, Hố Pẩu, Giàng Dìn Tếnh, Seo Mùa... tất cả nhưng người ấy được anh nhìn nhận, phân tích, lý giải và từ ký ức, họ bước thẳng đến hiện tại vượt qua khoảng cách không gian, thời gian. Tuy nhiên, một đặc điểm của dòng tâm tư trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng vẫn không hoàn toàn thuần túy của ý thức nội tâm nhân vật, nó còn có sự pha trộn của các yếu tố khác như lời trữ tình ngoại đề của người kể chuyện...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

Độc thoại nội tâm đã tạo nên vẻ đẹp của chất suy tưởng trong nhân vật tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Những đoạn độc thoại nội tâm của Trọng (Mưa mùa hạ) về con ngõ nhỏ, về tình yêu với Loan, về tổ mối trong thân đê, về Nam... cho thấy một nhân cách trí thức đầy nhiệt huyết và lý tưởng, yêu và sống rõ ràng chuẩn mực nhưng không khô cứng. Độc thoại nội tâm của Luận (Mùa lá rụng trong vườn)về khu vườn, căn phòng, người vợ anh yêu quý, về những người thân của anh cho thấy chất suy tưởng ở con người này đậm màu sắc triết lý. Độc thoại của ông Bằng lại hướng tới những tình cảm mâu thuẫn trong thế giới nội tâm trước cái nhìn hướng ra bên ngoài. Độc thoại của Tự (Đám cưới không có giấy giá thú) về văn chương, về đồng nghiệp có ý nghĩa bộc lộ nội tâm con người anh một cách chi tiết và chính xác, tỷ mỷ như là một ca phẫu

thuật tế vi. Từ độc thoại nội tâm, những mối quan hệ của Tự với các nhân vật khác hiện ra, và tính cách của các nhân vật khác cũng hiện ra từ trong cảm xúc và trí nghĩ của Tự: Xuyến hư hỏng, Thuật hoang tưởng, ông Thống trầm uất và tự kỷ triền miên, chính Tự cũng chìm vào sự khủng hoảng tâm thần khi anh buộc phải đối diện với quá nhiều tình huống và sự kiện tâm lý.

Phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng - 17

Đến Ngược dòng nước lũ, độc thoại của Khiêm, Hoan về tình yêu, về đồng nghiệp, về thói lọc lừa phản trắc đã mở ra một không gian sâu thẳm trong lòng người với vô vàn ẩn ức, ham muốn tính dục và khát vọng chế ngự để hoàn thiện nhân cách con người. Hãy xem một đoạn độc thoại của Khiêm, trong đoạn độc thoại nội tâm này, sự pha trộn giữa hồi ức và hiện tại của Khiêm bắt đầu bằng câu chuyện về Giuda kẻ phản chủ bắt đầu bằng xác định thời gian "Đó là ngày thứ nhất của Lễ Bánh không men..." [84, tr. 206], tiếp đến là hồi ức kinh hoàng về sự phản bội của đồng đội trong chiến tranh: "hai kẻ phản bội đang tâm bóp cổ giết chết bạn mình. Và sau đó, họ thực hiện âm mưu để thoát tội phản trắc, sự đê hèn nhất của con người. Rồi đến lần thứ ba, hồi ức về phản bội đê hèn của gã tiểu đoàn trưởng đầy lòng đố kỵ và thói hiểm ác đẩy Khiêm đến trước lưỡi hái tử thần: Chỉ vì qua sóng vô tuyến, cố tình lộ cho địch biết hướng phá vây của anh. Đường mở của anh ngập xác đồng đội. Giờ, gã đang đeo lon sĩ quan cao cấp [84, tr. 209-210]. Từ dòng hồi ức đó, ấn tượng của nhân vật trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời dần được khám phá, cùng với những thái độ đánh giá của nhân vật về con người, về thói đạo đức giả, sự phản trắc, những bất công ngang trái vừa ngẫu nhiên vừa tất nhiên. Tâm trạng Khiêm cay đắng xót xa đến tuyệt vọng khi nghĩ đến những xác đồng đội đã ngã xuống, thời điểm "Giờ" có ý nghĩa là sự đối chứng cho sự tàn nhẫn, lọc lừa, phản trắc lại khoác áo vinh quang. Độc thoại nội tâm ở đây, vì thế, đã khám phá con người Khiêm ở một tầng sâu, một thế giới mà trước đó, anh hầu như không bộc lộ ra và không ai nhìn thấy được nếu chỉ căn cứ vào đối thoại trực tiếp.

Ở những tiểu thuyết gần đây, kỹ thuật dòng ý thức của Ma Văn Kháng đã tỏ ra vô cùng nhuần nhuyễn, thích hợp nhất với tiểu thuyết tự thuật. Một mình

một ngựa chính là một dạng "truyện tâm tư" của tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Nếu như trong các tiểu thuyết thế sự đời tư yếu tố độc thoại nội tâm không rõ nét, đôi khi nó bị nhòe sang trữ tình ngoại đề của người kể thì ở tiểu thuyết tự thuật, Ma Văn Kháng đã khắc phục được nhược điểm đó. Dòng tâm tư của Toàn được bắt đầu từ hiện tại, trở về với chuyến đò ngang quá khứ đưa anh sang một bến bờ khác. Bước sang bờ bên kia, dòng hồi tưởng của anh bắt đầu tuôn chảy. Một dòng hồi ức miên man bắt đầu từ cuộc chia tay, đến "câu chuyện đã manh nha từ học kỳ hai năm trước. Nghĩa là đã hơn một năm rồi" [92, tr. 12], rồi tiếp tục trở về với thực tại trong quá khứ. Nói một cách khác, hồi ức của Toàn là hồi ức của hồi ức. Không xây dựng tình huống đối thoại mà chỉ kể lại lời thoại như là trích lọc thông tin, coi đó là điểm nhấn trong diễn ngôn, thúc đẩy sự việc diễn tiến theo dòng hồi ức, Ma Văn Kháng đã xác lập một lời kể gián tiếp để ở đoạn sau triển khai thành lời kể gián tiếp tự do. Tiếp đến là những sự kiện tâm lý, hồi ức về các nhân vật trong dòng suy tư bắt đầu được Toàn kể lại trong sự vận động của thời gian hồi thuật. Có một điểm đáng chú ý đó là, câu chuyện quá khứ của Toàn không đơn thuần là sự miêu tả hiện thực bằng ngôn ngữ. Mà ở đây, Ma Văn Kháng đã thể hiện một sự dịch chuyển ngôn ngữ ở điểm nhìn trần thuật qua thái độ đánh giá có ý thức của người kể với thông tin. Đó là sự đánh giá đã được dịch lại qua chủ quan của Toàn thời hiện tại chứ không phải là chủ quan đánh giá của Toàn ở chính thời điểm đó.

Trong Bóng đêm, dòng tâm tư của Nhâm về tội ác dã man của tên nghiệt súc Thuyên, về "đời sống tâm linh của con người là một vùng bí ẩn" trong lễ gọi vong, khi anh rùng mình kinh sợ trước một vũ điệu ma mị hư huyền của người phụ nữ cầm cành phan, về sông nước phương Nam, người đàn bà chèo thuyền đưa anh đi bắt cướp, về người con gái anh yêu, về thói dâm dục dung dưỡng cho tội ác, về chính anh trong dòng tâm tư ấy. Tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời cho sự lựa chọn con đường của mình, Nhâm đã soi chiếu tất cả trong dòng tâm tư để nhận ra mình "có một cuộc đời kịch tính và rất đẹp" [96, tr. 302]. Đó còn là dòng tâm tư của Điền (Bến bờ) qua câu chuyện

con gián, như một thủ pháp để giãn cách mạch kể, làm giảm diễn tiến của câu chuyện, Điền ở trong một tình huống trớ trêu, là đại diện cho công lý, luật pháp nhưng anh lại phải ẩn mật trong bóng tối để truy bắt tội phạm, nằm chung với những con gián, kinh tởm lên đến đỉnh điểm khiến cho anh nghĩ "mình đang mọc lông lá, biến thành người nguyên thủy ăn lông ở lỗ rồi", kinh khủng hơn, như một trò đùa của ngẫu nhiên, đúng lúc Điền ở trong trạng thái kiềm tỏa nhất của ý thức, một con gián cụ lại thò râu ngoáy mũi anh. Ngẫu nhiên đầy oái oăm và thử thách con người. Ở tình cảnh ấy, thần kinh căng thẳng cực độ vì hai tên cướp có vũ khí có thể bắn chết anh bất kỳ lúc nào, cái gì khiến cho Điền thăng bằng trở lại. Bản năng ham sống tự nhiên đã đã điều phối ý chí, hay ngược lại đã biến anh thành vô tri, vô giác để "quy tập một năng lượng duy nhất", chiến thắng chính mình, bắt tội phạm quy hàng.

Đó còn là dòng tâm tư của Lập (Bến bờ) khi đứng bên ngoài ngôi nhà của chính mình, chứng kiến cảnh vợ mình, đắm trong "cuộc tính giao" với một kẻ thủ ác vừa mãn hạn tù khi vừa rời chồng khoảng chừng một giờ đồng hồ. Anh "muốn hét lên mà không còn hơi sức", "thân xác vô hồn", bừng dậy sau khoảnh khắc ấy là những suy nghĩ cuồng dại, phẫn nộ, căm uất muốn giết người, muốn hành hạ trả thù người đàn bà dâm loạn... theo tất cả các kiểu trả thù mà anh biết. Trở về khu trại, dòng tâm tư của anh trong "đêm đen mờ, lạnh lẽo" nhớ tới ngôi chùa làng với những cảnh tượng tra khảo nơi địa phủ, suy tưởng của anh về tội ác muôn hình muôn vẻ, về bản chất của độc ác con người, chính lúc ấy, trong trại giam, một vụ giết người lại xảy ra, tội ác ở chính nơi giam giữ tội ác. Kết thúc dòng tâm tư ấy, "hai hàng nước mắt ròng ròng trên gò má" là tột độ của đau đớn và hoang mang về con người. Mất mát này với anh lớn lao quá "vì đó không chỉ là hạnh phúc mà dường như là toàn bộ cuộc sống, niềm tin tưởng và chính bản thân mình". Sau dòng tâm tư ấy, là nỗi đau đớn của một người đàn ông bị mất mát, tổn thương sâu sắc trước thói dâm loạn và sự phản bội.

Có thể nói rằng, ở thể loại tiểu thuyết Ma Văn Kháng có một bước phát triển trong thể hiện dòng tâm tư của nhân vật. Không quá chú trọng

"xem lời nói của nhân vật là phương tiện xây dựng nên các hình tượng nghệ thuật" [44, tr. 86], mà hướng tới phát triển lời kể gián tiếp tự do để biến lời kể sang lời thoại và ngược lại, nhằm mục đích hiện tại hóa cốt truyện, Ma Văn Kháng đã "rút ngắn khoảng cách giữa nhân vật và người đọc, rút ngắn khoảng cách giữa cốt truyện và truyện - sự di động ấy đã làm nên khoảng cách mỹ học" cho tiểu thuyết Ma Văn Kháng từ sử thi đến các hình thức khác của thể loại tiểu thuyết [44, tr. 86]. Độc thoại nội tâm với kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng ở giai đoạn sau cho thấy ở nhà văn, ý thức sáng tạo luôn luôn là nỗ lực của ông trên đường lao động nghệ thuật.

4.2. GIỌNG ĐIỆU

Vấn đề giọng điệu có vai trò đặc biệt quan trọng trong tạo lập phong cách nhà văn. Không thể nói nhà văn có phong cách khi ông ta không tạo cho mình một giọng điệu riêng. Giọng điệu của nhà văn cũng góp phần thể hiện bản sắc của một trào lưu, một giai đoạn văn học, một thời đại trong văn học. Bàn về giọng điệu, Khrapchenko cho rằng: "Do chỗ giọng điệu gắn liền với việc dùng hình tượng để miêu tả đối tượng của sáng tác, cho nên nó có đặc điểm của các nhìn nhận riêng của cá nhân với cuộc sống" [104, tr. 171]. Trần Đình Sử viết: "Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả trong lời văn... Giọng điệu... có vai trò rất lớn trong việc tạo lập phong cách nhà văn" [37, tr. 134]. Nguyễn Thái Hòa đi từ góc nhìn thi pháp kể chuyện khẳng định: "Giọng điệu chính là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống cụ thể" [67, tr. 154].

Tìm hiểu giọng điệu với ý nghĩa như là một phương diện biểu hiện phong cách cá nhân nhà văn, chúng tôi nhận thấy Ma Văn Kháng luôn có một ý thức tìm tòi để khẳng định tiếng nói cá nhân của mình trong dòng chảy văn học. Nhìn tổng thể, xuất phát từ quan điểm sáng tác viết để ca ngợi cái đẹp của cuộc sống, xuyên suốt hệ thống tiểu thuyết của ông ở cả hai giai đoạn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022