Phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng - 18

sáng tác, ở các vùng thẩm mỹ khác nhau vẫn là một tình yêu tha thiết với đất nước con người, thái độ ngưỡng vọng lịch sử và những con người có lý tưởng sống đẹp của quá khứ và hiện tại, là khát vọng tận hiến tài năng, tâm sức, trí lực của mình cho đất nước, cho nhân dân, là tâm niệm khát khao viết cho thật hay, cho thật rung động. Từ xuất phát điểm ấy, trong hành trình sáng tạo tiểu thuyết, Ma Văn Kháng đã xác lập cho mình những giọng chủ đạo ở từng giai đoạn cụ thể: giọng hào sảng trữ tình tha thiết gắn bó với cuộc đời với con người. Bên cạnh đó là giọng hoài nghi, trầm tư, khắc khoải, giọng triết lý tranh biện, giọng giễu nhại bi hài. Đó là những giọng điệu chính trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng - một giọng điệu nghệ thuật tiểu thuyết độc đáo hấp dẫn, bước đầu có tính chất đa thanh.

4.2.1. Giọng hào sảng trữ tình

Giọng điệu hào sảng trữ tình thể hiện trong cách miêu tả thiên nhiên và cuộc sống con người qua thái độ ngưỡng vọng tự hào mãnh liệt dù ở tiểu thuyết sử thi hay thế sự đời tư, tự thuật hay hình sự tâm lý. Giọng điệu hào sảng trữ tình ấy có thể xem là giọng chủ âm chi phối sáng tác tiểu thuyết của Ma Văn Kháng ở đề tài miền núi, ở các tác phẩm về đề tài thành thị, giọng điệu này mờ đi nhường chỗ cho các giọng khác tùy thuộc vào chủ đề mà tác giả thể hiện trong mỗi tiểu thuyết. Tuy cung bậc và cách thể hiện khác nhau, nhưng tựu trung lại, giọng điệu ấy thể hiện một tâm hồn gắn bó sâu nặng với con người, với cuộc đời ở mỗi đoạn đời nhà văn nếm trải nơi biên ải hay mảnh đất Hà Nội ở giai đoạn sau này.

Giọng điệu hào sảng trữ tình tha thiết của Ma Văn Kháng trong tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Trăng non, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn thể hiện ở mạch chuyện đầy ắp những sự kiện lịch sử lớn lao của vùng đất biên ải từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến những năm 70 của thế kỷ XX. Đó là thái độ ngưỡng vọng qua cảm hứng sử thi bi hùng về những con người mang kích thước vĩ đại trong tâm hồn và lý tưởng sống, ở tình yêu tha thiết với miền biên viễn của đất nước vừa hoang sơ vừa tráng lệ, vừa khắc

nghiệt dữ dội vừa nên thơ nên họa. Chất hào sảng ấy được thể hiện ngay trong những cách bắt đầu câu chuyện, khơi dòng mạch kể bằng những mở đầu độc đáo về Lào Cai, từ dòng đầu tiên đã mở ra một thế giới khác, thu hút sự chú ý của bạn đọc: "Thị trấn biên giới này đã từng nổi tiếng một thời là viên kim cương của vùng địa đầu đất nước. Đã có biết bao trang giấy viết về nó, phủ lên nó một vẻ đẹp huyễn hoặc..." [82, tr. 29] ở Đồng bạc trắng hoa xòe. Hay dòng suy ngẫm của tên quan tư Pháp Phơ-rô-pông, về số phận của hắn, về những mộng tưởng và âm mưu chiếm lại Lào Cai, về một dân tộc Mông trong mở đầu Vùng biên ải:

Một dân tộc không đất đai, vô Tổ quốc, lang thang trong suốt trường kỳ lịch sử, lúc nào cũng cảm thấy thiếu không gian sinh tỏa, luôn ấm ức, không khuất phục, cuồng tín, đa nghi, do hun đúc liên miên trong cạnh tranh mà xuất hiện tài năng chinh chiến, trải qua bao xáo trộn càng trở nên cố chấp, cực đoan trong việc bảo lưu nền văn hóa riêng biệt của mình [83, tr. 21].

Hay một buổi cúng gọi hồn lang thang trên núi của thầy cúng Pao Sử với một không gian tâm linh đậm màu huyền thoại và những con người vừa cuồng tín, vừa ngây thơ, vừa huyền bí vừa đơn giản "trong nhà, gian giữa đầy người, khói từ hai cái bếp lò ở gian bên bốc lên mù mù, phả ra gian giữa, bay lên, lọt qua ván gỗ thông, ủ trắng cả mái nhà... ngọn đèn" [78, tr. 8] trong Trăng non. Và tới Gặp gỡ ở La Pan Tẩn là giấc mơ của Thiêm khi anh đang lạc trong mê cung tình ái - hình ảnh thân thương lại trở về đánh thức anh - bãi đá làng Mèo La Pan Tẩn.

Khơi dòng từ những mở đầu độc đáo, ấn tượng ấy, giọng điệu hào sảng trong các tiểu thuyết sử thi đã cất lên một tiếng nói tha thiết, gắn bó, tự hào về mảnh đất Lào Cai. Đó là giọng điệu hào sảng khi ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ bất tận núi non trùng điệp: "không gian mênh mang bỗng trở nên đằm thắm vì làn hương quen thuộc của núi rừng, đồng ruộng... cây cỏ ngải mọc tràn trên bờ ruộng, trên nương đồi, khóm ngải tàn, khóm ngải lại xanh" [83, tr. 47].

Đó còn là tình yêu tha thiết với: "những ngôi làng Mông... xa xăm, ám sương khói có bóng núi âm u che phủ, thở ra mùi già nua vĩnh cửu... [78, tr. 223 ].

Giọng điệu hào sảng còn thể hiện ở cái nhìn ngưỡng vọng những anh hùng chiến trận bảo vệ Lào Cai trước sự nổi loạn của thổ phỉ trong một trận chiến "rõ ràng không cân sức. Lực lượng phỉ có hàng ngàn tên, có máy bay Pháp yểm hộ, trong khi ấy giữ thị trấn chỉ là một trung đội bộ đội và hai trung đội du kích... chiến đấu trên từng ngõ phố, từng căn nhà" [82, tr. 245]. Đó còn là lời ca ngợi tư thế vùng lên, rũ bỏ xích xiềng nô lệ của những người dân bản địa, là chân dung các chiến sĩ đã đổ máu hy sinh cho mảnh đất này, là "nước mắt xối xả, xót xa, đau đớn" [82, tr. 590] trước sự ra đi của đồng đội. Là dáng đứng trên trận địa "tóc Pao đầy bụi đất. Tấm áo lanh rách toạc một bên vai. Khẩu poọc hoọc đeo chéo bên sườn. Mặt Pao căng đỏ. Hai con mắt xếch chéo rung theo nhịp nổ của tràng đạn bay về phía địch... Đầu nòng súng phùn phụt ánh lửa căm hờn" [82, tr. 591].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

Đến tiểu thuyết thế sự đời tư, giọng điệu hào sảng ấy vẫn tiếp tục chảy mạnh mẽ. Đó là tình yêu với thành phố "cái vầng sáng hồng hào và khỏe mạnh" [94, tr. 139]. Là cảm xúc về màu hoa phượng chói rực sân trường: "Phượng... chưa bao giờ giai điệu nào đẹp, trong sáng, xúc động như thế" [67, tr. 43]. Là tâm trạng "đủ niềm vui sống, không bao giờ hết buồn nản trước cái khuyết thiếu thiệt thòi" [67, tr. 43], là "lòng căm phẫn bị xúc phạm, ngấm nghía nỗi đau đời. Một nỗi đau đời không thể chịu đựng nổi" [67, tr. 43] của người trí thức - giữa bao oan trái bất công vẫn "mô phạm mà không mờ nhạt lòng nhiệt thành, tinh thần triệt để, cùng chiều sâu tri thức và sức lan tỏa của tư duy..." [67, tr. 97], là hình ảnh người mẹ - người bà với tấm lòng "nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là tuyết sạch giá trong, là tình thương, là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh" [90, tr. 275] Giọng điệu hào sảng ấy còn là thái độ ngưỡng mộ những con người chiến đấu trong bóng đêm chống lại tội ác, bảo vệ con người, tự nguyện dấn thân "khi ta chết, ta chẳng còn gì ngoài những thứ ta cho kẻ khác!" [96, tr. 207], là tâm trạng "sung sướng vì cảm nhận ra vẻ đẹp và điều kỳ vĩ của cuộc sống" [96, tr. 207].

Đó còn là nỗi xót xa, đau đớn trước cái chết bi hùng của Trừng, Nhâm, Điền... những con người trẻ trung, trong sáng, rạng rỡ ở nhân cách và chiều sâu tâm hồn, bị cái ác, sự tàn độc hủy diệt khi họ đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng - 18

Có thể nói rằng, giọng hào sảng trữ tình tha thiết gắn bó với đất nước con người trong tiểu thuyết một sự chọn lựa vô cùng thích hợp của Ma Văn Kháng cho sáng tác tiểu thuyết của ông. Từ giọng chủ đạo ấy, các giọng điệu khác có ý nghĩa như bổ sung, minh họa, làm rõ thêm cho giọng chính. Đó là giọng phẫn nộ khi lên án tội ác hay phê phán kẻ thù. Giọng điệu xót xa thương cảm khi hướng tới nạn nhân. Giọng hài hước giễu nhại châm biếm khi nói về những cái tồn tại, yếu kém hay chủ quan duy ý chí khi miêu tả những chân dung tha hóa nghịch dị. Giọng hoài nghi, trầm tư khắc khoải, giọng triết lý hóm hỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc thấm thía…

Nắm được quy luật nội tại của thể loại: "tiểu thuyết là một thể loại luôn biến chuyển" [9, tr. 66], không chấp nhận sự tĩnh tại, Ma Văn Kháng trên đường sáng tạo đã luôn có ý thức tìm tòi trên mọi phương diện để vượt lên chính mình. Với ý thức "luôn luôn đi tìm những con đường để tiếp cận sự thật và tự do" [42, tr. 249], để vươn tới sự hoàn hảo "một trang tiểu thuyết viết hay, là trang tiểu thuyết nhiều màu sắc và âm vang, người đọc sẽ thưởng thức bằng tai và bằng mắt" [42, tr. 307]. Ma Văn Kháng đã có sự tìm tòi thay đổi chất trong giọng điệu ngôn ngữ tiểu thuyết của mình. Từ sau Mưa mùa hạ, tiểu thuyết đánh dấu sự chuyển mình trong tư duy nghệ thuật Ma Văn Kháng, giọng điệu nhà văn có thêm những chất mới.

4.2.2. Giọng hoài nghi

Hoài nghi là tinh thần của tiểu thuyết hiện đại. Đó là khúc xạ của sự khủng hoảng tâm lý con người trong một giai đoạn, một thời điểm nào đó. Với nhu cầu nhận thức và đánh giá lại mọi xác tín bằng một cái nhìn nhiều chiều, Ma Văn Kháng đã thể hiện một giọng điệu hoài nghi trong tiểu thuyết của ông, bắt đầu từ Mưa mùa hạ càng về sau mức độ càng đậm đặc hơn, có thể xem là giọng chủ âm của những tiểu thuyết thế sự đời tư giai đoạn sau.

Giọng hoài nghi thể hiện tâm lý hẫng hụt của con người trước thực tại cuộc sống, đó là sự đổ vỡ niềm tin vào xác tín một thời: "chả lẽ thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, có sự lãnh đạo mà lại thua kém thời phong kiến hủ bại hay sao?" [67, tr. 183]. Trong Đám cưới không có giấy giá thú, giọng hoài nghi thể hiện qua những dòng độc thoại nội tâm đầy khắc khoải suy tư của nhân vật Tự. Đối mặt với một thực tại phũ phàng khi học trò viết trên bảng: "Đời là một vại dưa muối hỏng!" [67, tr. 50], Tự bắt đầu hành trình tự vấn về mình và những người xung quanh. Bắt đầu từ:

Cái đoạn đời hai mươi năm cuộc đời đã qua của anh? Đâu phải bao giờ nó cũng cho anh cảm tưởng mình đẹp, mình mạnh, như khi anh đứng trên bục giảng này, cái đoạn đời đã qua của anh, nó lộn xộn, chắp vá, vừa đa diện, vừa giản đơn, và hình như chẳng chịu sự chi phối của quy luật nào [67, tr. 54].

Sự khởi đầu cho dòng hoài nghi để Tự nhận thức lại chính bản thân mình đã cho anh nhìn lại chính mình bằng một cái nhìn khác. Không lấp lánh hào quang, Tự chỉ là một thầy giáo không lo nổi đời sống cho bản thân mình, bị khinh miệt, bị giễu cợt bởi chính những người mà anh yêu thương. Anh đau đớn dằn vặt trong câu hỏi: "Thời buổi tạo ra bi kịch hay bi kịch vốn nằm trong bản thể cuộc sống?" [67, tr. 90]. Sự hoài nghi lên đến đỉnh điểm khi anh ở trong những tình thế bi kịch không lối thoát:

Vì sao đời Tự lại như cuốn sách hay để lầm chỗ, vì sao Tự không gặp gỡ được lý tưởng?... Vì sao? Vì sao cái xấu xa, tồi tệ, sự lộn ngược, dẫu không là toàn cảnh, thì cũng đã lây lan, phổ biến đến mức ở rất nhiều nơi đã phát sinh ra thứ tiên dược để dung hòa sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tế nham nhở là sự dối trá ngụy tạo...Cái căn nguyên lộn ngược kia là ở đâu? [67, tr. 381].

Những câu hỏi liên tiếp chưa có trả lời ấy phản ánh một sự đổ vỡ niềm tin, khủng hoảng tâm lý của con người vốn có lòng tin thánh thiện vào những tín điều đã được rèn đúc trong một quãng thời gian dài. Trong giọng hoài nghi

ấy, có nỗi đau đớn khắc khoải của một nhân cách ý thức sâu sắc về giá trị đời sống, về sự thật.

Ngược dòng nước lũ, giọng điệu hoài nghi thể hiện trong những băn khoăn trở: "Có nghề nghiệp nào, loại người nào mà không có những kẻ khốn nạn?" [84, tr. 234], "có thời đại nào lại không tự cho thời đại mình là vĩ đại quan trọng? [84, tr. 151], "có gì quan trọng hơn sức khỏe của con người... Chết là hết. Với cái chết mọi sự chấm dứt. Cõi niết bàn Cực lạc hoặc thiên đường, nơi hoa hồng nở chín cánh của Đăng Tơ đến giờ cũng chỉ là niềm an ủi cho cuộc đời vốn lắm truân chuyên của con người trần thế mà thôi" [84, tr. 235].

Xã hội đương đại với những bóng đêm tăm tối trong lòng người và những kẻ thủ ác tàn bạo, thú tính, lối sống tha hóa... đã khiến cho nhà văn luôn có tâm trạng hoài nghi. Nó hiện diện trong nội tâm nhân vật, trong dòng suy tư của người kể chuyện, tha thiết một nỗi niềm đau đáu trước số phận con người và sự suy đồi của nhân cách đạo đức. Đó là dòng suy tư, chất vấn của lương tâm người chiến sĩ công an, hiệp sĩ ánh sáng "đối mặt với bóng đêm, tội ác. Để làm gì? tại sao ta dấn thân vào nghề nghiệp này" [95, tr. 34], con đường tiếp cận chân lý và sự thật trong trí nghĩ các anh "về căn bản vẫn chỉ là công việc mò mẫm được hình dung như là của một kẻ mắc chứng đui mù!" [95, tr. 56], đó còn là những suy tư về tội ác để truy tìm căn nguyên, lý giải nó. Trước những ngẫu nhiên tất yếu của số phận, giọng điệu hoài nghi còn thể hiện một ám ảnh khôn nguôi "cuộc sống bao hàm cả cái ác, cái ngẫu nhiên, cái phi lý, cái mu mơ không thể hiểu nổi!" [95, tr. 268], "vì cơn cớ gì mà cuộc sống bị đảo lộn ghê gớm như thế?", "khoa học trị được bệnh hiểm nghèo, nhưng thói tật vô đạo đức, đểu giả đang tràn lấn xã hội thì chữa làm sao?" [96, tr. 287].

Giọng hoài nghi gắn với ý vị chua xót đầy cảm thán về cuộc đời con người đã bộc lộ thái độ của nhà văn trước sự tha hóa đang hoành hành trong xã hội. Đó là thái độ phê phán nghiêm khắc, là sự trăn trở bất an của một con người có lương tri, lương năng, lương tâm trước sự suy đồi của xã hội. Chính giọng hoài nghi ấy đã đem đến cho tiểu thuyết của Ma Văn Kháng ở giai đoạn sau tiếng nói đa thanh, nhiều chiều khi nhìn nhận các vấn đề cuộc sống.

4.2.3. Giọng triết lý

Ma Văn Kháng là nhà văn ưa triết lí - một lối triết lí nhẹ nhàng mà sâu sắc thấm thía. Để tìm hiểu giọng điệu triết lí của nhà văn ở thể loại tiểu thuyết, chúng tôi quan tâm tới các nội dung: chủ đề, đề tài triết lí, sự thể hiện giọng điệu triết lí qua người kể chuyện và nhân vật.

Chủ đề, đề tài triết lí trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng phong phú, đa dạng và sâu rộng. Nội dung triết lý bao quát rộng lớn nhiều vấn đề trong cuộc sống, thể hiện tầm tư tưởng của nhà văn, thái độ nhà văn với cuộc đời. Ở những tiểu thuyết sử thi, nội dung hướng tới miêu tả con người trong những sự kiện lịch sử lớn lao, chủ đề triết lí vì thế thường hướng tới những nội dung mang tính chất chính trị như dân tộc, lịch sử, cách mạng có ý nghĩa như phân tích, giải phẫu khái niệm nhưng được diễn đạt bằng một giọng điệu bình tĩnh, giản dị, sâu sắc, thấm thía. Chẳng hạn, triết lí về dân tộc Mông, qua lời nhân vật A Chỉnh: "Dân tộc anh có những ưu điểm lớn. Kiên trinh bất khuất, phóng khoáng, chịu khó, giàu tinh thần cộng đồng. Nhưng nó chưa thoát khỏi tình trạng thấp kém về văn hóa vì từ lâu bị dìm trong dốt nát, tối tăm" [78, tr. 223], "những con người đã hàng nghìn năm bị quá khứ đè nặng và sùng kính quá khứ với tâm lí cố hữu, những con người bị lôi kéo bởi lực hướng tâm và bài ngoại luôn lo sự một cuộc sống đổi thay khác trước" [83, tr. 314]. Vẫn về dân tộc này, qua lời Thiêm, cái nhìn từ một dân tộc khác lại thấy rõ "họ, một dân tộc không lịch sử thành văn, không chữ viết này... khép kín trong đơn độc và nguy cơ thoái hóa biểu hiện rõ nét nhất là cảm giác trì trệ: thời gian không có ý nghĩa, hôm nay không khác hôm qua, và ngày mai không có bóng hình trong dự tưởng" [78, tr. 418], "liên minh với những người bạn chân thành... dân tộc Mông mới đảm bảo an toàn cho sự tồn tại và phát triển của bản thân mình" [83, tr. 387].

Hay triết lí về chiến tranh, cách mạng và những bài học của nó: "Chiến tranh bao giờ cũng đi cùng với những cơn chấn động, những khúc ngoặt bất ngờ" [83, tr. 11], "cách mạng không phải là một cuộc thí nghiệm... cách mạng bao giờ cũng là một khoa học theo đúng nghĩa của từ này" [83, tr. 311], "cách

mạng là một khoa học, khoa học nghiệt ngã" [83, tr. 315], "giải phóng con người thật là một khoa học lớn và khó khăn" [83, tr. 317], "lịch sử xã hội tuân theo quy luật khách quan, nhưng lại phụ thuộc vào ý chí, trình độ tổ chức và năng lực của con người" [83, tr. 358], "sai lầm đã xảy ra, sẽ xảy ra một khi người lãnh đạo không nắm bắt, vận dụng được quy luật của cuộc sống" [83, tr. 390], "dân là lực lượng phá phách. Dân có thể là lực lượng xây dựng vô tận" [83, tr. 391], "mọi cuộc các mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ" [78, tr. 497]. Những triết lí ấy, ở thời điểm tác phẩm ra đời, nó là cả một sự đánh giá mang tính tiên cảm và dự báo những quy luật xã hội mà sau này thực tế cho thấy hoàn toàn chính xác.

Từ sau Mưa mùa hạ, những vấn đề mang tính chất chính trị, xã hội lớn lao vẫn xuất hiện nhưng lại ở một góc nhìn khác, thể hiện một tư tưởng triết lí khác, vì thế, không còn giọng điệu triết lí mang tính chất ca ngợi, tôn vinh, mà bắt đầu có xu hướng hoài nghi, đôi lúc gần như giễu nhại. Chẳng hạn, giọng điệu triết triết lí về cách mạng qua cái nhìn của ông Quyết Định: "Chính trị là thủ đoạn, là quyền biến, là sự từng trải, là một thái độ khẳng định và khéo léo" [92, tr. 44], "một cuộc cách mạng không thể triệt tiêu lợi ích cá nhân... vấn đề của cách mạng là giải phóng sức mạnh cá nhân" [92, tr. 99]. Hay triết lí mang giọng điệu phân tích mổ xẻ: "Cách mạng không chỉ nảy sinh ra những anh hùng, cách mạng còn hàm ẩn trong nó cả sự hỗn độn... nuôi dưỡng các thực thể hồn mang, các quái trạng, cặn bã" [92, tr. 170], cách mạng có khi "làm hư. Hỏng con người ta. Nó làm hư hỏng... anh. Nó khiến anh trở nên nhỏ mọn và vô cùng tầm thường" [92, tr. 312]. Và "chủ nghĩa tập thể thô sơ triệt tiêu cá nhân là... tiền đề sinh ra tầng lớp lãnh đạo đặc quyền đặc lợi" [92, tr. 345].

Thể hiện sự vận động trong tư duy nghệ thuật, các tiểu thuyết ở giai đoạn sau của Ma Văn Kháng đã hướng tầm triết lí tới con người và các vấn đề xoay quanh nó ở tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Triết lí về con người là một trong những triết lí hiện diện đậm đặc ở các sáng tác tiểu thuyết sau này của Ma Văn Kháng. Từ Mưa mùa hạ, con người trở thành đối tượng triết lí do nhu cầu phản biện và tranh luận, đối thoại giữa nhà văn và bạn đọc. Có những lúc

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022