của khách hàng doanh nghiệp, năng lực đổi mới của khách hàng doanh nghiệp và các hành vi này ảnh hưởng đến phát triển thị trường như thế nào. Đồng thời, đối với sự chuyển đổi ngành hàng, phát triển sản phẩm mới do chính phủ khởi xướng trong nền kinh tế đang phát triển thì không thể không tích hợp lý thuyết thể chế vào mối quan hệ trên. Từ đó, xem xét tác động của các thể chế chính thức (hỗ trợ của chính phủ) đến hành vi chiến lược của doanh nghiệp và khách hàng doanh nghiệp đến phát triển thị trường ra sao (Hình 2.5). Vì vậy, để phát triển mô hình lý thuyết phát triển thị trường thông qua định hướng thị trường, năng lực đổi mới tập trung vào doanh nghiệp sản xuất đầu mối, định hướng thị trường khách hàng doanh nghiệp trong mối quan hệ kinh doanh, dưới sự điều tiết của chính phủ trong phát triển ngành hàng mới thì việc tích hợp nhiều lý thuyết lại với nhau là cần thiết.
Hình 2.7: Khái quát các lý thuyết được tiếp cận trong luận án này Nguồn. Tác giả tổng hợp và đề xuất
2.3 Tổng hợp các nghiên cứu trước đây liên quan nghiên cứu
2.3.1 Nghiên cứu mối quan hệ giữa định hướng thị trường, năng lực đổi mới và phát triển thị trường
Nhiều tác giả đã nghiên cứu triển khai về các chiến lược tăng trưởng công ty. Young và cộng sự (1989) đã đề cập phát triển thị trường là chiến lược hành động nâng cao hiệu quả hoạt động qua làm tăng tổng thị trường bằng cách tìm kiếm và bán sản phẩm hiện có cho khách hàng và thị trường mới hoặc cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng và thị trường hiện tại. Để tạo ra tăng trưởng, phát triển thị trường, doanh nghiệp trong ngành phải có khả năng sử dụng các nguồn lực theo những phương thức phù hợp với thay đổi của thị trường, môi trường kinh doanh; trong đó, các phương thức, công cụ được xem là chiến lược
marketing, là chìa khóa tạo ra lợi thế cạnh tranh, sử dụng nguồn lực hiệu quả gồm có định hướng thị trường, năng lực đổi mới.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh kết quả phát triển thị trường chịu tác động tích cực định hướng thị trường được xem là các công cụ marketing. Voss & Voss (2000) cho rằng với việc sử dụng marketing để định hướng chiến lược phát triển thị trường gồm việc định hướng khách hàng cung cấp cho công ty sự hiểu biết tốt hơn về khách hàng của mình tạo sự hài lòng của khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty được nâng cao có thể dẫn đến việc quá tập trung vào khách hàng mà quên những yếu tố khác. Voss & Voss (2000) đã đề xuất sử dụng định hướng thị trường như định hướng chiến lược tác động đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp trong ngành sân khấu chuyên nghiệp phi lợi nhuận ở nhiều góc độ cả chủ quan và khách quan. Voss & Voss (2000) sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, khảo sát và thu được 101 bảng trả lời và kiểm định bằng phân tích hồi quy thứ bậc. Kết quả chỉ ra rằng mối liên hệ giữa định hướng thị trường đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thay đổi tùy thuộc vào loại thước đo hiệu suất được sử dụng. Tuy nhiên, kết quả thực nghiệp rõ ràng nhất là định hướng khách hàng thể hiện mối liên hệ tiêu cực với doanh số bán vé, tổng doanh thu và thặng dư / thâm hụt ròng (Voss & Voss, 2000). Harris (2002) nghiên cứu phát triển đo lường mức độ tương quan định hướng thị trường với khả năng sinh lời, tăng trưởng và kết quả doanh nghiệp chung ở ba góc độ (doanh nghiệp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh). Phương pháp định lượng được sử dụng thông qua dữ liệu khảo sát nhà quản lý cấp cao của 123 công ty tại Anh quốc thông qua phân tích độ tin cậy, đánh giá tính hợp lệ, phân tích tương quan. Tác giả đã khẳng định có ý nghĩa tương quan với khả năng sinh lời, tăng trưởng và kết quả doanh nghiệp chung (Harris, 2002). Langerak (2003) khẳng định vai trò của định hướng thị trường ảnh hưởng trực tiếp sử dụng chiến lược cạnh tranh nhằm nâng cao kết quả hoạt động doanh nghiệp mà không bị ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh. Kaynak và Kara (2004) xem xét sức mạnh của định hướng thị trường ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động các công ty ở Trung Quốc (môi trường kinh tế, văn hóa và kinh tế xã hội đại diện tại Châu Á khác gì Hoa Kỳ và Tây Âu). Bảng câu hỏi thiết kế câu hỏi theo dạng thang đo likert 5 mức độ. Nhóm tác giả sử dụng thang đo định hướng thị trường MARKOR của Kohli và Jaworski (1990). Phương pháp phân tích được sử dụng gồm phân tích độ tin cậy Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khẳng định. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhà quản lý Trung Quốc có định hướng thị trường và không định hướng thị trường về phản ứng của họ đối với các tuyên bố về mức độ định hướng thị trường.
N. A. Morgan và cộng sự (2009) đóng góp cho lý thuyết dựa vào nguồn lực kiểm tra trực tiếp định hướng thị trường và kết quả hoạt động doanh nghiệp ở nhiều ngành như thiết bị âm thanh và video; thiết bị gia dụng v.v tại Hoa Kỳ. Morgan và cộng sự (2009) sử dụng phương pháp định lượng với 230 mẫu, thiết kế trả lời theo thang đo Likert 7 bậc. Phương pháp phân tích số liệu gồm SEM và phân tích hồi quy phân cấp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng định hướng thị trường và khả năng tiếp thị là những tài sản bổ sung góp phần vào hoạt động vượt trội của công ty. Tuy nhiên, kết quả cho thấy rằng định hướng thị trường chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi tức trên tài sản (ROA) của các công ty, không có tác động đến hiệu quả hoạt động của công ty về cảm nhận
gồm (doanh số bán hàng, thị phần). Do đó, các hướng nghiên cứu cần xem xét mối quan hệ định hướng thị trường đến doanh số bán hàng và thị phần.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển thị trường vật liệu xây không nung đồng bằng sông Cửu Long - 5
- Lý Thuyết Dựa Vào Nguồn Lực (Resource Based Theory)
- Lý Thuyết Các Bên Có Liên Quan Và Định Hướng Thị Trường
- Xây Dựng Giả Thuyết Nghiên Cứu Và Mô Hình Nghiên Cứu
- Nhận Thức Về Xu Hướng Phát Triển Và Lợi Ích Của Vlxkn Tại Đbscl Và Việt Nam
- Xây Dựng Thang Đo Các Khái Niệm Nghiên Cứu
Xem toàn bộ 294 trang tài liệu này.
Nghiên cứu của Guo và Wang (2015) kiểm tra cách thức ba thành phần định hướng thị trường (định hướng khách hàng, định hướng đối thủ cạnh tranh và phối hợp chức năng) ảnh hưởng đến kết quả quản lý quan hệ khách hàng của các nhà sản xuất công nghiệp (duy trì khách hàng B2B, sự hài lòng của khách hàng) trong bối cảnh doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ở Hoa Kỳ từ 279 công ty sản xuất. Phương pháp phân tích số liệu gồm phân tích nhân tố khám phá, phân tích độ tin cậy, phân tích nhân tố khẳng định, và hồi quy người kiểm duyệt phân cấp. Hạn chế của nghiên cứu là dữ liệu thu thập chỉ có sự tự đánh giá của công ty sản xuất cung cấp là chưa chính xác, cần có sự đánh giá của các công ty khách hàng về nhà sản xuất / nhà cung cấp nữa thì kết quả nghiên cứu có đóng góp nhiều hơn. Kumar và cộng sự (2011) sử dụng dữ liệu bảng được xây dựng từ phản hồi của các nhà quản lý hàng đầu được khảo sát nhiều lần tại 261 công ty có định hướng thị trường từ 1997 đến 2005. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng công ty có sớm phát triển định hướng thị trường thì đạt được nhiều hơn về doanh số và lợi nhuận so với các công ty chậm phát triển định hướng thị trường vì định hướng thị trường tập trung nỗ lực vào việc giữ chân khách hàng hơn là sự mua lại của khách hàng. Công ty nhỏ nhận được lợi ích từ việc định hướng thị trường trong môi trường cạnh tranh cao (Chaudhary và cộng sự, 2022).
Xét mối quan hệ giữa định hướng thị trường và năng lực đổi mới, Drucker (1954) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường (tạo ra khách hàng) và đổi mới để đạt sự thành công của doanh nghiệp trong quản trị kinh doanh. Có rất nhiều nghiên cứu khám phá mối quan hệ giữa định hướng thị trường và đổi mới trong các ngành sản xuất và cả dịch vụ. W. Baker và Sinkula (1999b) đã nhấn mạnh rằng định hướng thị trường là yếu tố cần thiết và quan trọng xây dựng điều kiện cần và đủ để tạo thành môi trường tối ưu liên quan đến đổi mới. Slater và Narver (1994b) đã tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa định hướng của thị trường và kết quả của sự đổi mới trong nghiên cứu của họ. Định hướng thị trường đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng đổi mới và đổi mới sáng tạo được đánh dấu bằng sự thành công của việc bán các sản phẩm mới nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng và cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty (Hurley & Hult, 1998). Theo Jensen và Harmsen (2001), bản thân định hướng thị trường được coi là một yếu tố quan trọng của hoạt động đổi mới của các công ty được đặc trưng bởi mức độ thành công của việc phát triển sản phẩm mới. Hooley và cộng sự (2005) khẳng định định hướng thị trường tác động tích cực đến lợi thế đổi mới và khác biệt hóa thị trường tạo nên kết quả thị trường cao hơn (chất lượng cảm nhận, sự hài lòng của khách hàng) và do đó, hiệu quả tài chính cao hơn (lợi nhuận, thị phần). Nghiên cứu này dựa vào tiếp cận dựa vào nhu cầu và lý thuyết dựa vào nguồn lực. Bối cảnh thực nghiệm là 184 bảng trả lời phiếu khảo sát trong ngành khách sạn được phân tích độ tin cậy, tính hợp lý, phân tích mô hình cấu trúc để kiểm định giả thuyết. Murray và cộng sự (2011) chứng minh rằng có mối quan hệ tương tác đáng kể giữa định hướng thị trường và đổi mới. Điều này cho thấy rằng các công ty có khả năng đổi mới cao sẽ có thể tận dụng để cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty. Kết quả của thấy rằng mức độ cải tiến, đổi mới được gắn với thị trường của công ty càng lớn thì giá trị mang lại càng lớn. Beck và cộng sự (2011) cho rằng định hướng thị trường là tiền đề quan trọng của đổi mới trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình. Vì thế hệ nắm quyền kiểm soát chủ yếu
định hình các đặc điểm của tổ chức của công ty gia đình, các tác giả xem xét các mối quan hệ giữa thế hệ nắm quyền kiểm soát, định hướng thị trường và đổi mớ.Sử dụng phân tích hồi quy, nghiên cứu chứng minh rằng các thế hệ sau thể hiện mức độ hành vi theo định hướng thị trường thấp hơn, rằng mối quan hệ tích cực giữa định hướng thị trường và đổi mới được duy trì và phát triển công ty gia đình mẫu. Các thế hệ nắm quyền thông qua ảnh hưởng của định hướng thị trường mà phát triển khả năng đổi mới.
Nghiên cứu của Kirca và cộng sự (2005) đóng góp khá lớn cho lý thuyết và thực tiễn liên quan mối quan hệ giữa định hướng thị trường và năng lực đổi mới của doanh nghiệp. Thị trường và đổi mới đều quan trọng như nhau và có thể đạt được hiệu quả tổng hợp bằng cách sử dụng tác động của định hướng thị trường đối với hoạt động của doanh nghiệp và tác động này càng mạnh hơn khi định hướng thị trường được kết hợp cùng với các nguồn lực bổ sung từ bên trong doanh nghiệp, chẳng hạn như tính đổi mới (Menguc & Auh, 2006). Menguc & Auh (2006) phát triển mô hình và giải thích được ảnh hưởng của định hướng thị trường đối với hoạt động của doanh nghiệp được tăng cường khi định hướng thị trường được kết hợp cùng với các nguồn lực bổ sung bên trong, chẳng hạn như năng lực đổi mới. Snoj và cộng sự (2007) khám phá và khẳng định định hướng thị trường tác động tích cực đến kết quả hoạt động thị trường và tài chính của các công ty một cách gián tiếp thông qua khả năng đổi mới và danh tiếng trong nền kinh tế đang chuyển đổi của Slovenia. Phân tích nhân tố, phân tích độ tin cậy cronbach’s alpha, phân tích mô hình cấu trúc sử dụng SEM, LISREL. Kết quả nghiên cứu đóng góp cho lý thuyết dựa vào nguồn lực (RBT) và lý thuyết nguồn lực marketing (Snoj và cộng sự, 2007).
Như vậy, có thể nói rằng từ cả định hướng thị trường và năng lực đổi mới đều là nhân tố chủ chốt giúp đạt kết quả phát triển thị trường, tăng trưởng doanh nghiệp cao hơn. Định hướng thị trường và năng lực đổi mới là cách thức trong thực thi chiến lược của doanh nghiệp hướng đến đạt lợi thế cạnh tranh. Tổng hợp ở trên đã cho thấy từ lý thuyết đến các nghiên cứu thực nghiệm đã có bằng chứng cho thấy định hướng thị trường tác động tích cực hay kích thích đến đổi mới doanh nghiệp đạt sự tăng trưởng doanh nghiệp. Tuy nhiên, phân tích chi tiết hơn, các nghiên cứu trước đây xét định hướng thị trường thiên về quan điểm của Narver và Slater (1990) nhiều hơn của Jaworski và Kohli (1993). Nghĩa là tập trung vào định hướng khách hàng, định hướng đối thủ cạnh tranh, phối hợp các chức năng và nguồn lực của công ty nhiều hơn việc xem trọng định hướng thị trường bằng cách chia sẻ thông tin, sử dụng thông tin khuếch tán ra trong nội bộ và ra thị trường, phối hợp với hành động đáp ứng với thị trường từ nội bộ đến thị trường trong mối quan hệ với đổi mới doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thị trường và đổi mới hiệu quả hơn. Đây khoảng trống để khai thác, đặc biệt trong những ngành hàng mới, cần sử dụng sức mạnh của thông tin trong định hướng thị trường như quan điểm định hướng thị trường của Kohli và cộng sự (1993). Hơn nữa, năng lực đổi mới và định hướng thị trường được giới thiệu khoảng ba thập kỷ qua, các nghiên cứu tập trung vào xem xét cạnh tranh ở cấp độ công ty, ít xem xét các mối quan hệ bên ngoài nên áp dụng vào mối quan hệ đối tác kinh doanh cần được quan tâm khám phá nhiều hơn (Min và cộng sự, 2007).
Khi xem xét đến phát triển thị trường dựa vào định hướng thị trường trong mối quan hệ đối tác. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh các công ty phụ thuộc vào các
46
đối tác nhà cung ứng trong sản xuất và cả phân phối sản phẩm, dịch vụ của mình (Braunscheidel & Suresh, 2009). Xem xét đến sự đa dạng về nhu cầu của khách hàng, sự gia tăng nhiều loại sản phẩm trên thị trường, các công ty ngày càng dựa vào các nhà cung cấp của họ để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và thực hiện định hướng thị trường của họ. Cho đến nay, đã có một vài nghiên cứu về định hướng thị trường trong mối quan hệ đối tác (T. Baker và cộng sự, 1999; Gligor và cộng sự, 2019; Siguaw và cộng sự, 1998). Định hướng thị trường được thừa nhận rộng rãi là có lợi cho công ty (Selnes và cộng sự, 1996), nhưng phải nói rằng thực hiện điều này sẽ tốn kém và mất thời gian (Kohli và Jaworski 1990). Thêm vào đó, T. Baker và cộng sự (1999) chứng minh một số công ty dành thời gian và nỗ lực đáng kể để thực hiện định hướng thị trường với các đối tác kênh của họ để hướng đến sự hài lòng của đối tác một cách lâu dài. Nghiên cứu của Baker, W. E., & Sinkula, J.
M. (1999) là một trong những nghiên cứu đầu tiên điều tra rõ ràng các tác động của định hướng thị trường trong bối cảnh kênh tiêu thụ. Nghiên cứu này đã chứng minh rằng nhận thức của nhà cung cấp về định hướng thị trường của người mua đi bán lại sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của nhà cung cấp về mối quan hệ marketing chính yếu. Dữ liệu thu thập từ 380 nhà cung cấp được sử dụng để kiểm tra các giả thuyết. Tất cả các giả thuyết đã được ủng hộ sau khi phân tích độ tin cậy, phân tích khác biệt, phân tích tương quan các cấu trúc bằng LISREL. Nhóm tác giả cũng nhận ra rằng nếu sử dụng bộ dữ liệu khớp từ nhà cung cấp và nhà mua đi bán lại sẽ giúp đo lường mối quan hệ marketing rõ ràng hơn. Nghiên cứu của Simpson và cộng sự (1999) gợi ý rằng định hướng thị trường của nhà cung cấp đối với nhà phân phối của mình qua sự tin tưởng, sự hợp tác, các giá trị được chia sẻ và sự phụ thuộc lẫn nhau. Langerak (2001) đã kiểm tra các mối quan hệ giữa nhà cung cấp - nhà sản xuất và khách hàng, nhận thấy rằng định hướng thị trường ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ hợp tác giữa người mua và nhà cung cấp. Gligor và cộng sự (2019) khẳng định tác động định hướng thị trường của công ty đầu mối (công ty khách hàng) đến định hướng thị trường của công ty cung ứng sản phẩm, dịch vụ và có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty đầu mối (công ty khách hàng) khi thu thập dữ liệu của 241 cặp công ty tại Hoa Kỳ. Giới hạn nghiên cứu của Gligor và cộng sự (2019) là (1) chỉ tập trung vào một mối quan hệ cặp đôi của công ty tiêu điểm và công ty cung cấp chính của mình, (2) xét hiệu quả doanh nghiệp của công ty tiêu điểm chỉ một tiêu chí hiệu quả tài chính là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) mà chưa xét đến các hiệu quả phi tài chính như hiệu quả thị trường hay các yếu tố khác trong hiệu quả tài chính như lợi nhuận trên doanh thu, lợi nhuận trên vốn đầu tư.
Mặc khác, các nghiên cứu về tích hợp nghiên cứu định hướng thị trường và năng lực đổi mới của các đối tác là có lợi trong mối quan hệ đối tác liên quan trong tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh như cải tiến thiết kế sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm (Ragatz và cộng sự, 2002). Song và Thieme (2009) cho rằng sự tham gia của nhà cung cấp vào các hoạt động thu thập thông tin thị trường (market intelligence gathering) của công ty sản xuất trong ngành công nghệ cao ở cấp độ dự án từng sản phẩm có liên quan tích cực đến sự thành công trong các đổi mới liên tục trong các hoạt động thiết kế trước và thương mại hóa. Tuy nhiên, sự tham gia của nhà cung cấp ở mức độ từng dự án sản phẩm công nghệ cao vào các hoạt động thu thập thông tin thị trường được cho là không có tác động nhiều đến thị phần và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản phẩm trong thực hiện đổi mới triệt để (Song & Thieme, 2009). Điều này đã từng
47
được Song và cộng sự (1998) nhận ra sự tham gia của nhà cung ứng trong quá trình thu thập thông tin thị trường ở cấp độ dự án sẽ khác ở cấp doanh nghiệp. Nghiên cứu của Kibbeling và cộng sự (2013) khám phá định hướng thị trường và tính đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng ở nhiều ngành khác nhau tại Hà Lan thông qua khảo sát bằng bảng câu hỏi ở cả ba đối tượng công ty trong 88 bộ ba mẫu dữ liệu gồm 88 nhà cung cấp, 88 công ty đầu mối (công ty sản xuất) và 88 khách hàng. Kibbeling và cộng sự (2013) đã chứng minh tính đổi mới sáng tạo nói chung có tác động giữa các đối tác. Đây cũng là một khoảng trống trong nghiên cứu để xem xét định hướng thị trường tác động như thế nào đến các khía cạnh khác nhau / các loại khác nhau của đổi mới trong mối quan hệ đối tác kinh doanh. D'Souza và cộng sự (2021) cho rằng vai trò của năng lực đổi mới như yếu tố trung gian của định hướng thị trường và kết quả hoạt động của DNVVN ở quốc gia đang phát triển vẫn cần được các nghiên cứu sâu hơn nữa. Tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm tiêu biểu liên quan mối quan hệ giữa định hướng thị trường, năng lực đổi mới và phát triển thị trường ở Bảng 2.2 (Xem thêm các nghiên cứu thực hiện liên quan khác ở Phụ lục 1)
2.3.2 Nghiên cứu mối quan hệ giữa hỗ trợ của chính phủ, định hướng thị trường, năng lực đổi mới và phát triển thị trường
Thể chế đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt nền kinh tế đang chuyển đổi cần nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ (Powell & DiMaggio, 2012). Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh hỗ trợ chính phủ là yếu tố đóng vai trò thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, ngành (Hillman và cộng sự, 1999). Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy hỗ trợ thể chế lại có tác động tiêu cực phát triển của doanh nghiệp như Feldstein (2009); Russo và cộng sự (2011) và Chadee & Roxas (2013).
Du và Li (2019) dựa vào số liệu tổng cục thống kê quốc gia của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc từ 1998 đến 2007 để phân tích mối quan hệ giữa hỗ trợ chính phủ và đổi mới của ngành năng lượng mới. Các tác giả sử dụng mô hình tham số probit hoặc logit để ước tính mô hình xác suất, thực hiện phân tích hồi quy. Kết quả nghiên cứu cho thấy hai điều. Thứ nhất, trong những năm bình thường, sự hỗ trợ của chính phủ chỉ có thể thúc đẩy sản lượng của các công ty đã đổi mới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ không thể thúc đẩy xác suất đổi mới của các doanh nghiệp không đổi mới. Sự hỗ trợ của chính phủ chỉ có thể nâng cao biên độ đổi mới sâu rộng chứ không thể nâng cao biên độ đổi mới sâu rộng với ít cạnh tranh hơn. Thứ hai, trong tình hình môi trường kinh tế xấu và cạnh tranh gay gắt, xác suất đổi mới của các công ty tăng lên khi sự hỗ trợ của chính phủ tăng lên. Weng và cộng sự (2015) cũng trên quan điểm các bên có liên quan, cho rằng chính phủ tác động tích cực đáng để đến các hoạt động đổi mới xanh qua khảo sát thực nghiệm 202 công ty sản xuất và dịch vụ của Đài Loan. Kim và cộng sự (2016) chứng minh chương trình hỗ trợ của chính phủ là biến điều tiết, có tác động tích cực cho không những doanh nghiệp lớn mà còn doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sản phẩm. Kim và cộng sự (2016) đã phân tích hồi quy logistic nhị phân dữ liệu khảo sát 615 doanh nghiệp ngành dịch vụ tại Hàn Quốc hoạt động từ 2009 – 2011.
Sheng và cộng sự (2011) cho thấy doanh nghiệp phụ thuộc vào môi trường thể chế để phát triển kinh doanh. Nghiên cứu của Shu và cộng sự (2012) cho thấy rằng quan hệ chính phủ và chính quyền địa phương là hỗ trợ chính phủ chính thống giúp doanh nghiệp tăng kiến thức để có đổi mới sản phẩm và quy trình có hiệu quả thông qua phân tích SEM từ dữ liệu khảo sát
48
270 doanh nghiệp tại Trung Quốc. Chadee và Roxas (2013) cho thấy chất lượng quy định, các pháp lý trong kinh doanh, tham nhũng có tác động tiêu cực, trực tiếp và mạnh mẽ đến cả năng lực đổi mới và hiệu quả thị trường của doanh nghiệp (Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng bán hàng). Đồng thời, năng lực đổi mới làm yếu tố trung gian tác động giữa yếu tố thể chế và kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Chadee & Roxas (2013) sử dụng số liệu thứ cấp từ Ngân hàng thế giới (World Bank) năm 2009 của 787 doanh nghiệp vừa và nhỏ cả ngành sản xuất và dịch vụ Nga. Các tác giả phân tích mô hình phương trình cấu trúc (SEM) sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất một phần (PLS), WarpPLS v. 2.
Thêm vào đó, Cai và cộng sự (2015) khẳng định chính sách hỗ trợ chính phủ tác động tích cực cho định hướng thị trường và năng lực đổi mới công nghệ thông qua phân tích dữ liệu khảo sát 248 công ty tại Trung Quốc. Shu và cộng sự (2016) chứng minh rằng sự hỗ trợ của chính phủ là một lợi ích thể chế chính thức làm trung gian tác động mạnh tới đổi mới sản phẩm triệt để (radical) nhiều hơn là tác động của nó đối với đổi mới sản phẩm liên tục (incremental). Nhóm tác giả khảo sát 303 bảng câu hỏi được trả lời ghép nối (từ một quản lý cấp cao và một quản lý cấp trung cho mỗi công ty tại Trung Quốc). Shu và cộng sự (2016) đã điều chỉnh thang đo được phát triển bởi Li và Atuahene-Gima (2001) và Sheng và cộng sự (2011) để đo lường sự hỗ trợ của chính phủ. Nghiên cứu của Shu và cộng sự (2016) phân tích EFA, Cronbach‘s alpha SEM để kiểm định giả thuyết. Shu và cộng sự (2019) chỉ ra rằng hỗ trợ thể chế của chính phủ trong một nền kinh tế đang chuyển đổi có thể nâng cao hiệu quả của tổ chức, giúp nâng cao hiệu quả tài chính và danh tiếng của công ty. Các tác giả đã phân tích dữ liệu khảo sát 230 công ty tại Trung Quốc bằng mô hình phương trình cấu trúc SEM. Bamgbade và cộng sự (2017) chứng minh rằng hỗ trợ của chính phủ là công cụ của chính phủ để thúc đẩy phát triển ngành xây dựng Malaysia bền vững hơn. Najib và cộng sự (2021) đã khẳng định hỗ trợ của chính phủ tác động đến đổi mới của các DNVVN.
Tóm lại, các nghiên cứu tổng hợp trên cho thấy các nghiên cứu nhiều chiều từ hỗ trợ thể chế của chính phủ đến đổi mới, năng lực đổi mới, định hướng thị trường và kết quả hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy nghiên cứu nào về hỗ trợ thể chế của chính phủ, định hướng thị trường, năng lực đổi mới và phát triển thị trường trong mối quan hệ đối tác kênh tiêu thụ. Tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm từ mục
2.3. trong Phụ lục 1A – Tổng hợp các nghiên cứu trước đây có liên quan.
2.4 Tổng kết khoảng trống nghiên cứu
Từ tổng hợp tài liệu nghiên cứu trên, nghiên cứu mối quan hệ giữa định hướng thị trường, năng lực đổi mới và yếu tố phát triển thị trường - một phần hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (kết quả thị trường) đã ngày càng phát triển không phân biệt ngành sản xuất hay dịch vụ. Đây được xem là nguồn lực thực hiện chiến lược tạo ra lợi thế cạnh tranh đạt được phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành hàng trong nền kinh tế. Sau khi lược khảo tài liệu đã cho thấy một số khoảng trống trong nghiên cứu chủ đề định hướng thị trường, năng lực đổi mới và phát triển thị trường và vẫn còn chưa được khám phá đầy đủ như sau:
Các nghiên cứu về định hướng thị trường tác động tích cực hiệu quả hoạt động doanh nghiệp ở phạm vi dự án sản phẩm (Song và Thieme, 2009) nhưng xét ở cấp độ mối quan hệ đối tác, các bên có liên quan còn ít được khai thác. Đa phần là mối quan hệ
49
đối tác gồm nhà cung ứng và nhà sản xuất hoặc hỗn hợp, chưa quan tâm đến khai thác mối quan hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng doanh nghiệp trong mối quan hệ kênh tiêu thụ (Min và cộng sự, 2007). Vì vậy, luận án khai thác sức mạnh của định hướng thị trường và năng lực đổi mới trong bối cảnh kênh tiêu thụ giữa nhà sản xuất và khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, giới hạn trong thu thập dữ liệu phân tích cũng tạo ra khoảng trống nghiên cứu. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ xem xét định hướng thị trường trong mối quan hệ kênh tiêu thụ theo quan điểm của nhà cung cấp sản phẩm như Siguaw và cộng sự (1998) hay có khảo sát các đối tác chính trong mối quan hệ theo tỷ lệ 1:1 (ví dụ: một nhà cung ứng – một nhà sản xuất – một khách hàng) như Langerak,
F. (2001); Kibbeling, M và cộng sự (2013). Chưa tìm thấy nghiên cứu nào khai thác dữ liệu theo tỷ lệ một công ty đầu mối tương ứng với nhiều (ít nhất hai) đối tác chính. Do đó, trong luận án này, tác giả thực hiện khảo sát dữ liệu theo mối quan hệ một nhà sản xuất (công ty tiêu điểm) với hai đối tác khách hàng doanh nghiệp chính và trung bình.
Thêm vào đó, kết quả tác động giữa định hướng thị trường và kết quả hoạt động doanh nghiệp lại không ổn định như tác động tích cực của Morgan và cộng sự (2009), Kirca và cộng sự (2005), (Gligor và cộng sự, 2019) hay không có tác động của Han và cộng sự (1998) hay không có mối quan hệ nào có thể được thiết lập giữa định hướng thị trường của công ty đầu mối và định hướng người dùng cuối của nhà cung cấp (Kibbeling và cộng sự, 2013). Khía cạnh này được nhiều tác giả trước đây đề xuất cần được khám phá và phát triển nhiều hơn sức mạnh của định hướng thị trường trong nhiều bối cảnh khác nhau. Đặc biệt, khai thác vai trò của định hướng thị trường trong mối quan hệ kênh tiêu thụ sản phẩm trong đơn ngành sẽ giúp phát triển từng ngành đơn lẻ (Langerak, 2001). Vì vậy, nghiên cứu của luận án khám phá định hướng thị trường trong mối quan hệ kênh tiêu thụ.
Khi xét mối quan hệ giữa định hướng thị trường, năng lực đổi mới và kết quả phát triển thị trường, đa phần các nghiên cứu chỉ mới quan tâm đến tính đổi mới sáng tạo. Các khía cạnh khác nhau của năng lực đổi mới liên tục như đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới marketing, đổi mới tổ chức, đổi mới hành chính, v.v. chưa được đưa vào khám phá để thực hiện các dạng năng lực đổi mới cụ thể và xét nó trong mối quan hệ đối tác kinh doanh (đặc biệt khách hàng doanh nghiệp). Bên cạnh đó, định hướng thị trường chưa được khám phá đầy đủ, nhiều nghiên cứu tập trung thiên về định hướng thị trường ở góc độ văn hóa gồm định hướng khách hàng, định hướng đối thủ (Guo và Wang (2015). Vì vậy, tác giả muốn xem xét định hướng thị trường ở góc độ hành vi thực hiện của công ty trong mối quan hệ với các loại năng lực đổi mới của doanh nghiệp.
Các nghiên cứu trước đây chưa quan tâm đến yếu tố hỗ trợ của chính phủ trong điều tiết phát triển những ngành hàng mới trong nền kinh tế chuyển đổi mà chỉ quan tâm đến mức độ tác động hỗ trợ thể chế chính phủ trong nghiên cứu và phát triển sản lượng sáng chế mới. Điều này cho thấy các nghiên cứu trước đây tập trung vào nghiên cứu yếu tố hỗ trợ của chính phủ tập trung vào những dự án nghiên cứu mà chưa thật sự xem xét việc đưa sản phẩm vào thị trường như thế nào hay thực hiện đổi mới theo nhu cầu của thị trường. Vì vậy, luận án muốn bổ sung nhánh nghiên cứu xem xét yếu tố hỗ trợ của chính phủ là yếu tố tác động đến định hướng thị trường, năng lực đổi mới nhằm định hướng phát triển thị trường sản phẩm trong mối quan hệ tiêu thụ. Đặc biệt, trong ngành
50