Tài Nguyên Du Lịch Tự Nhiên Khác Biệt


Hệ thống giáo dục phổ thông phát triển rộng khắp, đặc biệt các cơ sở đào tạo du lịch trình độ cao đẳng và đại học có ở tất cả các tỉnh, thành. Nhân lực du lịch ở địa bàn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn, nhất là ngoại ngữ, kiến thức lịch sử, văn hóa... cần được bồi dưỡng thêm mới có thể vận hành sản phẩm du lịch đặc thù.

Về văn hóa, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, mỗi vùng có đặc trưng riêng. Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, trải dài từ thời kì sơ sử với văn hóa Sa Huỳnh, sau đó văn hóa Champa, tiếp đến văn hóa Việt Nam.; giá trị đặc sắc thể hiện qua di tích khảo cổ, lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa dân gian, làng nghề, lễ hội… gắn với nền “văn minh lúa nước”. Tiêu biểu và độc đáo nhất trong các lễ hội dân gian của cư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ là lễ hội Cầu Ngư, mang đậm dấu ấn văn hóa biển… Tây Nguyên là địa bàn cư trú của nhiều tộc người thiểu số với các sắc thái văn hóa bản địa phong phú, đa dạng biểu hiện qua di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Kho tàng văn học truyền miệng, nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, sử thi và lễ hội của các dân tộc ở Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo gắn liền với nền “văn minh nương rẫy”. Sự khác biệt văn hóa ở 2 tiểu vùng là điều kiện tốt nhất cho việc liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi vùng và toàn vùng.

Các nhân tố kinh tế

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - cửa ngõ của Tây Nguyên, có điều kiện kinh tế rất thuận lợi; nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng về du lịch, có lợi thế phát triển du lịch biển đảo và du lịch văn hóa, một trong ba trung tâm du lịch lớn của cả nước (ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), nổi bật là dải Đà Nẵng

- Hội An - Qui Nhơn - Vịnh Xuân Đài - Gành Đá Đĩa - Vũng Rô - Vịnh Vân Phong

- Nha Trang - Cam Ranh - Ninh Chữ - Mũi Né với tài nguyên du lịch khác biệt và sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn.

Tây Nguyên có lợi thế trong sản xuất cây ăn quả và cây công nghiệp với các vùng chuyên canh tập trung có qui mô lớn về cây trồng, vật nuôi đã tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa qui mô lớn, nguồn cung cấp thực phẩm và vật phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách.


2.3. Tài nguyên du lịch khác biệt

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

2.3.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên khác biệt

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Phú Yên phong phú và đa dạng, là cơ sở để phát triển sản phẩm du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên - 8

- Bãi biển: Phú Yên có bờ biển dài 189km, cấu trúc khá đẹp với 25 bãi biển cát trắng/vàng tự nhiên, hoang sơ (Trung tâm Qui hoạch và Quản lí tổng hợp vùng Duyên hải, 2014) (Phụ lục 1.1).

- Đảo: ven biển có 16 hòn đảo, 21.000ha đất ngập nước, 300ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển và 210ha rừng ngập mặn (Trung tâm Qui hoạch và Quản lí tổng hợp vùng Duyên hải, 2014) (Phụ lục 1.2).

- Gành đá: dạng địa hình đặc trưng ven biển với đá granit, bazan đa sắc màu: màu đen của gành Đá Đĩa, gành Ông; màu vàng của gành Đèn, gành Yến; màu đỏ của gành Đá Hòa Thắng (Phụ lục 1.2).

- Đầm/vũng/vịnh: nơi bảo tồn các loài cỏ biển (10), rong biển (62), san hô (151), sinh vật phù du (256), động vật phù du (43) và thực vật ngập mặn (35) (Trung tâm Qui hoạch và Quản lí tổng hợp vùng Duyên hải, 2014) (Phụ lục 1.3).

- Cảnh quan: Phú Yên phổ biến dạng địa hình núi đá ven biển với độ cao từ 300-700m, núi cao trên 1.000m ở khu vực phía Tây, một số núi thấp và cao nguyên đang phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng (Phụ lục 1.4).

- Khu bảo tồn: Bắc Đèo Cả, Krông Trai là nơi bảo tồn nguồn gen hệ sinh vật và tính đa dạng sinh học, có ý nghĩa lớn về khoa học - giáo dục và kinh tế - du lịch (Phụ lục 1.5).

- Sông/suối: Sông Ba có tiềm năng thủy điện, thủy lợi và du lịch; suối khoáng nóng Phú Sen, suối lạnh Hòa Thịnh... tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe và chữa bệnh, làm đẹp (Phụ lục 1.6).

- Thác/hồ: Phú Yên có thác Hòa Nguyên, vực phun Hòa Mỹ, hồ thủy điện Sông Hinh và sông Ba Hạ... tiềm năng về du lịch tham quan sông nước, câu cá, ngắm cảnh, cắm trại... (Phụ lục 1.7).

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Phú Yên không chỉ phong phú và đa dạng mà còn chứa đựng bên trong các tài nguyên du lịch tự nhiên khác biệt, là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.


• Bãi Xép

Bãi Xép thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 15km về phía Bắc.

Vẻ đẹp thiên tạo được chọn làm cảnh quay trong phim “Hoa vàng cỏ xanh”. Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phác họa bức tranh tuổi thơ đẹp đến nao lòng ở miền quê khốn khó vào thập niên 1980. Câu chuyện trở nên lung linh từ khi chuyển thể thành phim và khung cảnh làng quê trở nên rực rỡ sau khi quay tại Phú Yên - một vùng đất hoang sơ, đẹp đẽ.

Kì tích của bộ phim nhờ vào nội dung mang tính hoài niệm, hoài cổ và khung cảnh vùng quê Phú Yên đẹp một cách bình dị, lạ thường. Từ đây, Phú Yên như cô gái đẹp ngủ quên chợt bừng tỉnh giấc. Du khách mọi miền đất nước đổ về nơi này để trải nghiệm không gian xanh bất tận hòa quyện bởi đồi cỏ xanh ngát trên Gành Ông và nước biển xanh trong dưới Bãi Xép. Từ đó “Hoa vàng cỏ xanh” cùng Bãi Xép gắn liền với quê hương xứ Nẫu và con người đất Phú, ngẫu nhiên trở thành thương hiệu du lịch của điểm đến Phú Yên.

Đảo Nhất Tự Sơn

Đảo Nhất Tự Sơn thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 45km về phía Bắc và cách đất liền khoảng 300m.

Nhất Tự Sơn là đảo đẹp nhất vịnh Xuân Đài, có diện tích 6ha, thế nằm giống chữ “Nhất” trong Hán tự. Điều độc đáo của Nhất Tự Sơn là con đường bộ vượt biển ra đảo, chìm dưới làn nước trong xanh và ẩn hiện khi thủy triều lên xuống, tạo nên cảnh quan ngoạn mục đầy kích thích đối với du khách.

Đến đảo Nhất Tự Sơn, du khách sẽ bước vào khu rừng nguyên sinh bao phủ toàn bộ hòn đảo với thảm thực vật quí hiếm, vách núi dựng đứng và các hang động hình thành do xâm thực của sóng biển; thưởng thức ẩm thực địa phương như cá ngừ đại dương, ốc nhảy Sông Cầu, sò huyết Ô Loan, rượu cá ngựa Quán Đế; trên đảo có bãi tắm đẹp, rộng 30m, bãi thoải, cát trắng mịn, sóng nhỏ, nước biển sạch trong…; du khách có thể kết hợp nghỉ dưỡng ở bãi Vịnh Hòa trải dài hàng chục km gần đó, nước biển trong xanh, rừng dương xanh mát; chinh phục đồi cát trắng Từ Nham

rộng 2km2 cùng ngắm cảnh, trượt cát… rất thú vị. Sự kết hợp giữa biển cả, núi rừng,

hang động và đường bộ vượt biển đã tạo nên nét đặc sắc/nổi trội của Nhất Tự Sơn.


• Hòn Yến

Hòn Yến thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 20km về phía Bắc và cách đất liền khoảng 400m.

Quần thể Hòn Yến gồm: Hòn Yến, Gành Yến, Hòn Đụn, Hòn Bàn Than, Hòn Choi, Vũng Choi tạo nên cảnh quan tự nhiên đa dạng bên bờ biển. Nơi đây có các giá trị tự nhiên - văn hóa nổi trội với địa chất độc đáo, địa mạo đa dạng, sinh vật phong phú, văn hóa cộng đồng địa phương đặc sắc; trong đó, Hòn Yến là di tích - danh thắng nổi bật nhất.

Hòn Yến là nơi trước đây rất nhiều chim yến làm tổ nên có tên như vậy. Quần thể Hòn Yến có rạn san hô khá đẹp, đa sắc màu, chủng loại (14 loài), diện tích trải dài khoảng 30ha; khi thủy triều rút xuống, bãi đá san hô lộ thiên khoe sắc dưới ánh bình minh/hoàng hôn tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách. Đảo San hô của Ninh Thuận cũng có bãi đá san hô lộ thiên song so với Hòn Yến của Phú Yên thì đơn điệu hơn về màu sắc và nghèo nàn hơn về chủng loại, do vậy giá trị thẩm mĩ - du lịch thấp hơn.

Quần thể Hòn Yến còn có các núi đá và đảo đá thấp. Trong đó, Hòn Đụn nằm gần bờ nhất, chỉ cách đất liền 100m, diện tích 0,1ha, độ cao 20m; ra phía biển 50m là Hòn Yến, có diện tích 2ha, độ cao 70m. Khu vực nối liền giữa bờ biển và Hòn Đụn, giữa Hòn Đụn và Hòn Yến tương đối cạn, thủy triều rút xuống tạo thành bãi đá nối tiếp bãi san hô lộ thiên đẹp mắt. Phía Tây Bắc là Hòn Choi, một hòn núi nhỏ cao 40m chạy dài ôm lấy bờ biển cát mịn trắng xóa.

Quần thể Hòn Yến hình thành bởi hoạt động kiến tạo địa chất, đáng kể nhất là hoạt động phun trào núi lửa cách đây khoảng 10 triệu năm nên hệ thống bãi đá, đảo đá và núi đá ở đây được cấu tạo từ đá bazan. Hòn Yến có dạng một khối đá bazan hình trụ ghép hình lục giác theo hướng thu nhỏ dần tạo thành khối chóp nhọn bên trên. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa của cộng đồng cư dân ven biển. Phần lớn dân cư ở làng Yến sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Vì thế, lễ hội Cầu Ngư là hoạt động văn hóa tín ngưỡng nổi bật nơi này. Hệ thống lăng Ông, miếu Bà và danh thắng Hòn Yến tạo nên các giá trị tổng hợp về lịch sử và tự nhiên - văn hóa cho quần thể Hòn Yến.


• Gành Đá Đĩa

Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 40km về phía Bắc.

Gành Đá Đĩa là một trong 3 kì quan thiên nhiên ở dạng này trên thế giới, đạt được 5 yếu tố tự nhiên độc đáo (Nguyễn Hữu Xuân, 2015):

- Gành Đá Đĩa rất đặc sắc về giá trị địa chất - địa mạo, là di tích địa chất “độc nhất vô nhị” về phun trào bazan dạng cột ven biển Việt Nam; có diện tích 2km2, chiều rộng tối thiểu 50m, chiều dài tối đa 2.000m, phần lộ trên mặt 200m, phần còn lại chìm dưới biển, chiều cao 20m; cấu tạo bởi những khối đá bazan màu đen/xanh đen đặt sít/lỗ hổng xếp dạng cột tháp với các cột đá dựng đứng liền khít có độ dài, ngắn khác nhau cùng các khối đá nằm ngang, xiên chéo và thẳng đứng có mặt 4-6 cạnh, lớp đá dày 30-200m, độ cứng cấp 4-6.

- Gành Đá Đĩa hình thành qua nhiều giai đoạn với rất nhiều lần phun trào khác nhau; các khối đá bazan có nguồn gốc từ hoạt động núi lửa của cao nguyên Vân Hòa cách vị trí này 30km vào 5,5 đến 2,5 triệu năm trước. Những cột đá bazan với các thế nằm ngang, xiên chéo, thẳng đứng và bề mặt đá có nhiều cạnh tứ giác, ngũ giác, lục giác thể hiện rõ các giai đoạn phun trào khác nhau.

- Gành Đá Đĩa có cấu tạo chặt xít xen kẻ cấu tạo bọt trong các khối đá bazan. Gành gồm các tảng đá lớn màu đen/xanh đen với hình dạng khác nhau, mỗi viên đá rộng từ 30-50cm; cột đá có độ dài, ngắn khác nhau, dài nhất 12m. Hầu hết bề mặt khối đá cấu tạo bọt nên có hình dạng lỗ hổng (tổ ong) trên mặt.

- Gành Đá Đĩa nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm và ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên (sóng, biển, gió, mưa...) nên các khối đá chịu tác động phá hủy, mài mòn của các nhân tố ngoại sinh và tạo nên những hình thù đặc biệt. Gành nhìn gần như tổ ong, nhìn xa như chồng đĩa khổng lồ nên có tên như vậy.

- Gành Đá Đĩa có sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và yếu tố văn hóa vùng phụ cận. Phía Bắc là Gành Đèn với ngọn hải đăng cao vút và những tảng đá granit nhiều sắc màu. Phía Nam là Bãi Bàng dài 3km với bãi cát trắng, mịn, sạch, nước biển trong, điều kiện tốt hình thành khu nghỉ dưỡng biển. Phía Tây là đồi núi thoai thoải có đỉnh tròn thoải với đá bazan ở vùng thấp xen kẻ đá granit ở vùng cao. Phía Đông là vịnh Xuân Đài với nhiều đảo và bãi biển đẹp.


• Mũi Đại Lãnh

Mũi Đại Lãnh thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía Nam.

Mũi Đại Lãnh biết đến với nhiều tên gọi: Varella Cap (Pháp), mũi Kê Gà (Việt Nam), mũi Điện (Phú Yên); dưới chân mũi có bãi Môn, một bãi biển nhỏ nằm giữa mũi Nạy (phía Bắc) và mũi Điện (phía Nam). Danh thắng là kết hợp hài hòa của cảnh quan tự nhiên với công trình kiến trúc ngọn hải đăng nằm trên đỉnh núi.

Mũi Đại Lãnh - Phú Yên và mũi Đôi - Khánh Hòa được xem là điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam, gần hải phận quốc tế nhất. Đây là mỏm núi nối liền với dãy Đèo Cả, chạy dài về phía Đông, nhô thẳng ra biển và kết thúc bởi khối đá dựng đứng trước đại dương mênh mông.

Bãi Môn dài 400m đẹp tự nhiên, hoang sơ; cát trắng, sạch, mịn; bãi biển bằng phẳng, độ dốc thấp, thoải dần ra xa; nước biển trong, sóng nhẹ; có dòng suối nhỏ quanh năm không cạn chảy ra từ rừng Đèo Cả, có thể thấy cá suối trôi ra biển và cá biển dạt vào bờ.

Mũi Đại Lãnh thuộc khu bảo tồn Bắc Đèo Cả nên hệ sinh thái quanh vùng được bảo vệ khá tốt và liên tục tái sinh. Thực vật có loài đặc trưng như cồng, trâm, chò, thị, dẻ… Động vật có sơn dương, nhím, công, sóc, khỉ…; một số loài quí hiếm như gấu mặt đỏ, báo hoa, trĩ sao, tê tê… và rất nhiều loài chim. Môi trường tự nhiên nơi đây trong lành, khí hậu mát mẻ.

Vùng phụ cận của Mũi Đại Lãnh có cảnh quan tự nhiên gắn liền với di tích lịch sử văn hóa Vũng Rô (huyền thoại con Tàu không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển) thuộc khu căn cứ miền Đông tỉnh Phú Yên thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ven bờ có bãi biển đẹp hoang sơ như Bãi Gốc, Bãi Bàng, Bãi Tiên… ở phía Bắc; Bãi Chùa, Bãi Chính, Bãi Ngà… ở phía Nam.

Nơi đây là địa điểm lí tưởng tham quan, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng…; tham gia các hoạt động teambuilding, thể thao, leo núi, tắm biển, lặn biển, câu cá, ẩm thực…; tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa của vùng biển địa phương góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975… Tất cả tạo nên sự cộng hưởng thú vị và ý nghĩa cho du khách tham quan.


• Đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc địa phận các xã An Hòa, An Thạch, An Ninh Đông và An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 25km về phía Bắc.

Đầm có diện tích mặt nước khoảng 1.300ha. Trên đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan giống một con chim đen sải cánh bay giữa bầu trời xanh quang đãng; vì thế đầm mới có tên là Ô Loan (chim loan màu đen).

Đầm Ô Loan được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi thoai thoải và các làng mạc trù phú; trong đầm sở hữu một nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm, cua, cá, ghẹ, sứa, hàu, ốc, sò… cho giá trị xuất khẩu cao.

Loại thủy sản đặc hữu tạo ra thương hiệu đầm Ô Loan là sò huyết Ô Loan. Không giống sò huyết các vùng biển khác, sò huyết Ô Loan có hương vị ngon ngọt đậm đà hơn, con sò lớn hơn, chứa nhiều huyết hơn; đặc biệt vỏ sò có khe liền khít, thẳng tắp nối nhau từ mặt vỏ trên xuống mặt vỏ dưới chứ không so le như các loại sò huyết nơi khác. Cách chế biến và thưởng thức cũng có khác biệt; có thể ăn theo kiểu la-cốt, nướng, chấy tỏi, xào me… độc đáo nhất là món tiết canh sò huyết mà không nơi nào có. Vỏ sò còn được các nghệ nhân làng gốm Quảng Đức dùng vào việc chế tác gốm sứ mĩ nghệ mang đặc thù riêng và không lẫn với bất kì dòng gốm nào khác; sản phẩm gốm sứ Quảng Đức từ xa xưa đã từng có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Gắn liền với đầm Ô Loan là khu ẩm thực đặc sản địa phương cầu An Hải với hàng chục nhà hàng nổi trên mặt nước, chuyên phục vụ du khách đặc sản của đầm Ô Loan như cua huỳnh đế, tôm sỏi, hàu sữa, sò huyết, cá mú… và đặc sản các đầm/vịnh/biển khác như sò mồng và ghẹ đầm Cù Mông, tôm hùm và tôm sỏi vịnh Xuân Đài, ốc nhảy Sông Cầu, cá ngừ đại dương... Nếu có nhiều thời gian, du khách có thể theo ngư dân lên thuyền đánh bắt thủy sản đầm Ô Loan, đem về tự chế biến và nhâm nhi với rượu cá ngựa Quán Đế - Sông Cầu.

Hàng năm, vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch diễn ra Lễ hội đầm Ô Loan với các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc như lễ cúng đầm, hội đua thuyền, hát hò khoan, ca bài chòi… Danh thắng đầm Ô Loan có lễ hội và ẩm thực Ô Loan tạo nên nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân ven biển.


• Vũng Rô

Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Nam.

Vũng Rô là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên và Khánh Hòa; có 3 dãy núi cao che chắn 3 phía: Đèo Cả (phía Bắc), Đá Bia (phía Đông) và Hòn Bà (phía Tây); phía Nam là Hòn Nưa cao hơn 100m, trên đỉnh có một ngọn hải đăng. Vũng Rô - Đèo Cả - Đá Bia là cảnh quan hùng vĩ, ngoạn mục ở địa phương.

Vũng Rô an toàn, kín gió được địa phương chọn làm cảng biển dầu khí; trong lòng vũng có vô số hải sản tươi ngon và rạn san hô nhiều tầng, nhiều lớp. Xung quanh khu vực Vũng Rô có tổng cộng 12 bãi: bãi Lách, bãi Bàng, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chính, bãi Nhỏ, bãi Hang, bãi Hồ, bãi Lau, bãi Nhãn, bãi Mù U và bãi Trân Châu. Bãi Lách là nơi mà người dân địa phương lập nên xóm làng; bãi Bàng có dòng suối mát lạnh từ triền núi cao chảy xuống, nơi đây cây bàng mọc rất nhiều; bãi Ngài còn được gọi là bãi Ba Ngài, gắn liền với truyền thuyết 3 vị tiên ông trên núi Đá Bia xuống đây ngồi đánh ván cờ thiên cổ; từ bãi Ngài dùng thuyền vượt qua mỏm núi nhỏ là đến bãi Chùa, ở đây nước cạn, sóng nhỏ đến nỗi không khuấy động lớp bùn ven bãi, trên bãi có vườn dừa, ghe thuyền thường vào nấp bão. Hệ thống bãi trong Vũng Rô là tiềm năng rất lớn cho du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, hiện đại và chuyên biệt với các dịch vụ du lịch đặc biệt mang tầm cỡ quốc tế như lướt sóng, nhảy dù, tham quan biển bằng trực thăng…

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là 1 trong 19 bến thuộc 9 tỉnh của Việt Nam tiếp nhận vũ khí và các phương tiện chiến tranh từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng những chuyến Tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chuyến Tàu không số. Chuyến tàu thứ tư sau khi cập bến bị địch phát hiện. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho đường Hồ Chí Minh trên biển, quân dân Phú Yên đã phá hủy tàu chìm xuống nước. Hiện nay, xác tàu vẫn nằm sâu dưới mặt nước, gần khu vực Bãi Chùa, có cột di tích bên trên; sự kiện đó đã trở thành một chứng tích hào hùng của tinh thần quả cảm, ý chí sắc đá của quân dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/03/2023