“Window shopping” (tạm dịch là đi xem hàng hoá) cũng được du khách ưa thích. Có thể họ không mua gì, đi chỉ để ngắm nhìn đường phố Sài Gòn về đêm, xem người Sài Gòn sinh hoạt ra sao.
2.3.6. Các thành phần chính của sản phẩm du lịch đêm thành phố Hồ Chí Minh
(i) Các dịch vụ vui chơi – giải trí
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 22 rạp chiếu phim, ngoại trừ một số rạp của tư nhân như Cinebox, Diamond Cinema, Galaxy Cinema… tương đối đông khách do được đầu tư hiện đại, có nhiều phim mới lạ còn lại đều đang trong cảnh “èo uột”. Hiện nay, Công ty Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh quản lý 17 rạp chiếu phim nhưng chỉ có khoảng 7 rạp hoạt động tốt, số còn lại công suất ít khi nào vượt quá 50% số ghế.
Thêm vào đó, thời gian hoạt động của các điểm du lịch, của hệ thống siêu thị, nhà hàng, các điểm mua sắm, các điểm vui chơi giải trí ở Việt Nam bị thu hẹp là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả là hoạt động du lịch phục vụ du khách vào ban đêm bị hạn chế. Theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động văn hóa – xã hội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang trước công chúng không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng mà không được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố Hồ Chí Minh nơi biểu diễn cho phép; hoạt động vũ trường, hoạt động karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này (Vũ trường, phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng); hoạt động trò chơi điện tử, các hoạt động vui chơi và các dịch vụ giải trí khác không được hoạt động sau 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng.
(ii) Dịch vụ lưu trú
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.823 cơ sở lưu trú du lịch với 41.773 phòng đã được phân loại, xếp hạng theo Nghị định 92 bao gồm: 1.246 khách sạn với 33.870 phòng từ 1 đến 5 sao (trong đó có 92 khách sạn từ 3 đến 5 sao với
11.409 phòng), 575 cơ sở lưu trú du lịch với 7.753 phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, 01 khu căn hộ du lịch cao cấp với 240 căn hộ cho thuê, 01 bệnh viên khách sạn 5 sao với 150 phòng bệnh.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Điều Kiện Phát Triển Hoạt Động Du Lịch Đêm Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
- Các Điều Kiện Về An Ninh Chính Trị, An Toàn Xã Hội Và Các Chính Sách Phát Triển Du Lịch
- Xúc Tiến Bán Sản Phẩm Du Lịch Đêm Thành Phố Hồ Chí Minh
- Định Hướng Phát Triển Du Lịch Của Thành Phố Hồ Chí Minh
- Đối Với Sở Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch Thành Phố Hồ Chí Minh
- "thành Phố Hồ Chí Minh – 100 Điều Thú Vị”
Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.
Chỉ trong nửa đầu năm 2012, lượng khách sạn mới tại thành phố Hồ Chí Minh đã lên tới 130 vì cứ mỗi tháng trung tâm thành phố lại có thêm hơn 20 khách sạn mới. Ông Trương Vĩnh Thọ - Trưởng phòng Khách sạn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, cho biết phần lớn các khách sạn mới là khách sạn từ 1 - 2 sao, với số phòng nhỏ nhất khoảng 10 phòng cho loại 1 sao và 20 phòng cho loại 2 sao. Lượng khách chủ yếu của những khách sạn này là khách nước ngoài đi du lịch tự do và cả khách trong nước.
Lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm 2013 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,8 triệu lượt. Công suất phòng của các khách sạn nhờ đó cũng cải thiện. Công suất cho thuê phòng của các khách sạn tại khu trung tâm chiếm 79% thị phần và có hoạt động tốt hơn các khách sạn ngoài trung tâm.
Khách thuê phòng tại đa số các khách sạn ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phần lớn là khách du lịch. Khách doanh nhân và khách MICE chỉ chiếm phần nhỏ.
(iii) Dịch vụ vận chuyển
Đi du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều phương tiện cho khách lựa chọn như: xe bus, xe taxi, xe ôm, xe đạp…
Giá vé xe bus ở thành phố Hồ Chí Minh rất rẻ, tuyến dài khoảng 5.000VNĐ và tuyến ngắn là 3.000 – 4.000VNĐ. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn hàng đầu của du khách vì xe bus chỉ hoạt động tới 20 giờ hàng ngày.
Xe taxi rong ruổi suốt ngày khắp các con đường, mang bên hông là số điện thoại của hãng taxi mà xe đó hoạt động. Các xe taxi ở thành phố Hồ Chí Minh thường có giá 12.000VNĐ cho 1km đầu tiên, 18.000VNĐ cho những km tiếp theo và 15.000VNĐ cho km thứ 10 trở lên. Du khách nên chọn những hãng taxi có uy tín, tránh chọn các xe taxi không có logo kiểm soát hoặc không có bộ đếm cước để
tránh bị lừa hoặc bị “hét” giá. Các hãng taxi lớn hoạt động tại thành phố như Mai Linh Group 083.38.38.38., Taxi Future 083.8181818, Taxi Vinasun 08.38.27.27.27, Vinataxi 08.38.111.111…
Xe ôm thì có mặt hầu như tất cả các con hẻm ở thành phố Hồ Chí Minh và giá thì thỏa thuận giữa hành khách và lái xe, thường thì 1km thì 5.000VNĐ và 10km thì khoảng 30.000VNĐ. Tuy nhiên, ở thành phố Hồ Chí Minh nên hạn chế đi xe ôm vào ban đêm nếu du khách không rõ nơi mình đến là đâu vì có thể bạn sẽ bị lừa hoặc hơn nữa là bạn sẽ bị nguy hiểm.
Nếu du khách vừa muốn khám phá thành phố về đêm vừa rèn luyện sức khỏe thì có thể tự thuê xe đạp để đi. Giá thuê xe đạp tại thành phố Hồ Chí Minh là 70.000VNĐ/xe/ngày.
Nhưng phương tiện được du khách yêu thích nhất để đi du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh là “đôi chân”. Du khách đi lang thang để ngắm cảnh, khi mỏi thì có thể ghé vào bất kỳ hàng quán nào để vừa nghỉ ngơi vừa thưởng thức ẩm thực.
2.3.7. Phát triển sản phẩm du lịch đêm thành phố Hồ Chí Minh
Với vai trò là trung tâm, đầu tàu của ngành du lịch cả nước, trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy có hiệu quả các sản phẩm du lịch theo hướng khai thác, đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống, đồng thời đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn liền với sản phẩm du lịch truyền thống; đa dạng hóa các sản phẩm và các loại hình du lịch, phát huy liên kết vùng, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch; tập trung đầu tư tôn tạo và khai thác tài nguyên du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù.
Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đêm với các loại hình du lịch truyền thống như: du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch tham quan… Để thu hút du khách đến với thành phố Hồ Chí Minh, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển thêm một số sản phẩm du lịch mới như du lịch MICE, du lịch đường sông.
Hiện nay MICE được xem là sản phẩm du lịch tổng hợp của những sản phẩm du lịch đơn lẻ kết hợp với sự tổ chức và hạ tầng cơ sở nhất định. Thị trường khách MICE là thị trường rất tiềm năng đối ngành Du lịch, được đánh giá là tạo nguồn thu lớn nhờ số lượng khách đông, cùng lúc sử dụng nhiều dịch vụ với mức chi tiêu cao… Hiệu quả của loại hình du lịch MICE có thể gấp chục lần tour du lịch bình thường, nhưng đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải có tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm cao. Vì đối với khách MICE giá cả không quan trọng bằng chất lượng phục vụ và sự sáng tạo của nhà cung cấp dịch vụ. Đối tượng khách này là khách hạng sang, chủ yếu là các doanh nhân, chính khách... sẵn sàng chi trả cao để hưởng những dịch vụ tốt, tiện ích tốt và sản phẩm đắt tiền từ khách sạn, nhà hàng, đến vận chuyển, hướng dẫn viên... Với loại hình dịch vụ này chi phí của chuyến đi đã được các công ty tổ chức thanh toán nên những cá nhân tham gia có thêm điều kiện tài chính để mua sắm, chi tiêu của họ cao hơn chi tiêu của khách du lịch thông thường. Do đó, điểm đến của du lịch MICE phải hội đủ các điều kiện về cư trú, ẩm thực, khu vui chơi mua sắm, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ hội nghị. Đây là loại hình du lịch mới đối với Việt Nam nhưng bước đầu các tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển loại hình này. Trong đó, có thể nói thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội đủ đầy đủ nhất các yếu tố để phát triển du lịch MICE.
2.4 Những thuận lợi và hạn chế trong việc phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh
2.4.1. Thuận lợi
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và khá hấp dẫn (như đã trình bày ở Chương 2, mục 2.2), thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch đêm nói riêng.
Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được nhiều tên tuổi lớn như khi nhắc tới doanh nghiệp du lịch Việt Nam, không thể không nhắc đến những thương hiệu Saigontourist, Bến Thành Tourist, Vietravel, VYC, Du lịch Hòa Bình; các
khách sạn Rex, Majestic, Grand, Đệ Nhất... và còn rất nhiều tên tuổi khác của ngành Du lịch thành phố đã và đang có chỗ đứng xứng đáng trong lòng du khách.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước. Là địa phương đi đầu trong việc đề ra các giải pháp phát triển du lịch liên quan đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà điểm nhấn là chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” - sản phẩm du lịch lần đầu tiên xuất hiện trong cả nước. Bên cạnh đó, còn tập trung triển khai Chương trình du lịch đường sông, Chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch, Chương trình dịch vụ đạt chuẩn du lịch… Công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu điểm đến và các sản phẩm du lịch của thành phố đến với du khách trong và ngoài nước được tăng cường. Việc tổ chức các sự kiện được chú trọng với các hoạt động thiết thực, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và du khách, trong đó điểm nhấn là các sự kiện như: Đường hoa Nguyễn Huệ - Lễ hội Bánh tét; Ngày hội Du lịch; Lễ hội Trái cây Nam bộ, Triển lãm Quốc tế Du lịch ITE, Liên hoan Ẩm thực “Món ngon các nước”… không ngừng được đổi mới về cách thức tổ chức, nâng cao chất lượng và dần trở thành một thương hiệu, nét riêng độc đáo của du lịch thành phố.
2.4.2 Hạn chế
Thành phố Hồ Chí Minh đang dần mất đi vị thế đầu mối của du lịch Việt Nam. Những năm trước, khách bay thẳng đến thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu di chuyển dài ngày để tham quan khắp Việt Nam. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam ngày càng kém, nên hành trình tour dài ngày cũng bị rút ngắn. Cộng với kinh tế khó khăn, tour dài ngày cũng không còn là lựa chọn trước nhất. Đối với du khách quốc tế đặt mục tiêu nghỉ dưỡng và tham quan danh thắng, thì thành phố Hồ Chí Minh không phải là ưu tiên.
Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát huy hết trong hoạt động quảng bá xúc tiến, còn thiếu kênh thông tin quan trọng. Chẳng hạn, khách đến thành phố Hồ Chí Minh muốn lựa chọn sản phẩm du lịch như: chọn tour, giá cả, phương tiện… không biết
tìm ở đâu. Không có một kênh thông tin, một ấn phẩm tạp chí nào đầy đủ về vấn đề này, kể cả các bảng quảng cáo giới thiệu cũng ít ỏi và thiếu thông tin.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch, các quận, huyện trong thành phố với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố chưa có sự đồng bộ. Năm 2007, các doanh nghiệp du lịch muốn tổ chức một hội chợ ngành du lịch để giới thiệu mình ra thế giới, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố lại không muốn làm. Trong khi muốn thu hút khách, muốn xác định vị trí cạnh tranh với các thành phố khác của các nước, phải có thông điệp chuyển cho du khách, thông điệp đó phải chuyển tải được thông tin của thành phố và đặc thù của sản phẩm giới thiệu. Hay như thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị được gom những cơ sở kinh doanh nhạy cảm này vào một khu vực vì thành phố cho rằng tình hình mại dâm trên địa bàn diễn biến phức tạp, không chỉ bằng hành vi giao cấu giữa kẻ mua và người bán tại khách sạn hoặc một số nhà hàng, vũ trường, karaoke mà phổ biến là việc khiêu dâm, kích dục tại các điểm từ bình dân đến cao cấp, núp bóng quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu, xông hơi, xoa bóp, y học cổ truyền... Tuy nhiên, các quận, huyện không muốn gom các điểm kinh doanh ngành nghề nhạy cảm về một khu vực vì sợ nảy sinh các phố đèn đỏ trên địa bàn mình. Trong khi nếu được quy hoạch và quản lý tốt như Thái Lan, dịch vụ này sẽ tăng nguồn thu đáng kể cho ngành Du lịch thành phố.
Một khó khăn nữa của ngành Du lịch thành phố là sản phẩm du lịch chưa đổi mới, thiếu tính cạnh tranh. Sự hấp dẫn giá rẻ so với các nước cũng không còn nữa.
Hiện nay thành phố vẫn chưa có biện pháp kéo du khách quay lại lần sau. Chỉ 46% du khách tham gia cuộc khảo sát của tác giả cho biết họ sẽ quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh, 17% du khách khẳng định là họ sẽ không quay trở lại và 37% du khách còn đang lưỡng lự, không biết có nên quay trở lại hay không. Phân tích nguyên nhân, các nhà làm du lịch cho rằng ngoài việc thành phố chưa làm mới sản phẩm, còn có những quy định tự trói mình. Chẳng hạn, việc quy định giờ đóng cửa các khu vui chơi là một hạn chế lớn. Những nơi thăm thú du khách chỉ đi một hai lần, còn lại những dịch vụ khách thường sử dụng có thể là mua sắm và vui chơi về
ban đêm. Với việc đóng cửa các điểm vui chơi vào lúc 24 giờ, thành phố đã tạo rào cản ngăn khách du lịch đến.
Mỗi thị trường du khách có những đặc điểm và nhu cầu riêng, có thị trường khách rất thích thú khi đi dạo quanh thành phố hoặc tham quan danh lam thắng cảnh, thị trường khác mong muốn tìm hiểu di tích lịch sử, khảo sát thị trường hoặc hào hứng với các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, có thị trường du khách chỉ thích nghỉ dưỡng, hòa mình trong môi trường sinh thái… Hiện tại chúng ta đang thiếu giai đoạn phân khúc thị trường khách hàng mục tiêu, tất cả các chương trình chiêu thị, sản phẩm hiện có của chúng ta đều không nhằm vào phân khúc thị trường khách hàng rõ ràng nào. Do vậy, tính hiệu quả trong các chương trình chiêu thị cũng như tạo niềm hứng khởi của khách hàng rất hạn chế. Chúng ta vẫn biết rằng, mỗi du khách ở mỗi quốc gia và ở các độ tuổi khác nhau đều có nhu cầu, mong muốn, sở thích… khác nhau, nhưng để làm thế nào tiếp cận từng phân khúc này thì chúng ta chưa tiến hành nghiên cứu sâu rộng.
Trong khi đa phần du khách thích những hoạt động biểu diễn văn hóa có chiều sâu và mang đặc trưng của Việt Nam. Chúng ta cũng chưa có những trung tâm biểu diễn đặc trưng như võ thuật, nghệ thuật, các trung tâm kịch nghệ trình diễn có bài bản, hệ thống, có tính khái quát hoặc chuyên sâu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều các đơn vị cung ứng, tuy nhiên để kiểm soát được chất lượng thì lại không có quy định chuẩn nào, mỗi doanh nghiệp đều có cam kết riêng với khách hàng. Phần lớn các doanh nghiệp không chuyên thường chỉ quan tâm đến làm sao để thuyết phục được du khách hiện tại (du khách đã đến) tham gia trong tour của họ mà không cần quan tâm tới việc làm gì và làm như thế nào để những du khách này tiếp tục quay lại, vì thực tế không ai bắt họ phải làm điều này. Theo họ đây thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp Nhà nước. Cùng một chương trình tour, cùng một chất lượng dịch vụ đăng ký nhưng mỗi nhà cung cấp giới thiệu một loại giá khác nhau. Điều này dẫn tới du khách có cảm giác không biết đâu là thật, đâu là giả. Nguyên nhân này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua và quyết định đặt lòng tin của du khách. Chúng ta không thể chứng minh cho
bạn bè quốc tế rằng chúng ta đang làm du lịch chuyên nghiệp nếu như cứ để tình trạng này xảy ra.
Vấn đề nóng nhất hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch vẫn là sự bất ổn trong môi trường du lịch. Tình trạng cướp giật, móc túi, mất an ninh trật tự đã ảnh hưởng tới khách du lịch và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Hiện nay lực lượng của Sở còn thiếu, chỉ riêng đội ngũ cán bộ để thực hiện thanh tra, kiểm tra trực thuộc Sở cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Công tác quản lý hoạt động du lịch tại chính quyền địa phương còn yếu nên nhiều trường hợp vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có hơn 40.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Trong đó tỉ lệ lao động được đào tạo mang tính chất quốc tế chỉ chiếm gần 5%. Đây là con số rất khiêm tốn so với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng ngành Du lịch để đáp ứng lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh ngày một tăng.