tôn tạo nguồn tài nguyên, các giá trị văn hóa, môi trường sinh thái bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn phải đáp ứng nhu cầu DL của các thế hệ tương lai.
5.1.4. Quan điểm viễn cảnh lịch sử
Hoạt động DL luôn luôn vận động và phát triển, ngày càng có nhiều hình thức và dịch vụ DL mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Cần có sự kế thừa chọn lọc và phát huy những điểm, tuyến, loại hình DL đã khai thác có hiệu quả, xem xét thực trạng phát triển DL, các nguồn lực phát triển DL để thấy được những quy luật phát triển trong quá khứ, hiện tại, đồng thời dự báo được các định hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển DL cho tương lai lâu dài.
5.2. Các phương pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp, xử lý số liệu, tài liệu
Đây là phương pháp được sử dụng để nghiên cứu những đối tượng có mối quan hệ đa chiều và biến động trong không gian và thời gian. Để việc nghiên cứu có hiệu quả cao, tác giả thu thập, sưu tầm, tham khảo nhiều tài liệu, nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến ngành DL trên thế giới, ở Việt Nam, và tại Cao Bằng để làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu các vấn đề lý luận, thực tiễn. Tổng quan, kế thừa những nghiên cứu trước đó và có cơ sở để đưa ra những nhận định và kết luận của công trình. Tiến hành phân tích, so sánh, cân đối để có nguồn thông tin đầy đủ, xác thực khoa học.
Đề tài có liên quan nhiều đến các số liệu về số lượng khách DL, doanh thu từ DL, vốn đầu tư, CSHT - VCKT phục vụ cho DL, lao động phục vụ DL,… Các số liệu thu thập được tác giả xử lý, tính toán để lập nên các biểu đồ, các bảng số liệu. Từ đó, rút ra những nhận xét, kết luận cho đề tài nghiên cứu.
5.2.2. Phương pháp khảo sát thực địa
Đây là phương pháp nghiên cứu địa lý truyền thống để khảo sát thực tế, áp dụng việc nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn để bổ sung cho lý luận ngày càng hoàn chỉnh hơn. Trước và trong khi thực hiện đề tài, tác giả đã trực tiếp đi
thực tế, điều tra, khảo sát, thu thập những thông tin, tài liệu, số liệu tại các cơ quan, ban ngành cũng như ban quản lý các cụm, điểm DL trên địa bàn tỉnh Cao Bằng để kiểm nghiệm những thông tin cần thiết cho quá trình phân tích, xử lý số liệu đảm bảo tính xác thực, cập nhật.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trong xu thế hội nhập - 1
- Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trong xu thế hội nhập - 2
- Căn Cứ Vào Phạm Vi Lãnh Thổ Của Chuyến Đi Du Lịch
- Hiện Trạng Khách Du Lịch Và Tổng Thu Từ Du Lịch Giai Đoạn 2005 - 2015
- Thực Tiễn Phát Triển Du Lịch Ở Vùng Trung Du Và Miền Núi Bắc Bộ
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
5.2.3. Phương pháp bản đồ - biểu đồ
Bản đồ mô phỏng hình ảnh thu nhỏ một cách trung thực nhất các đối tượng nghiên cứu Địa lý Du lịch với sự phân bố về bề mặt không gian lãnh thổ cũng như một số mặt về định lượng và định tính của đối tượng. Đó là phương tiện để cụ thể hóa, biểu đạt kết quả nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã tham khảo, phân tích, chọn lọc bản đồ, lược đồ có liên quan, xây dựng, biên vẽ các biểu đồ, bản đồ biểu hiện kết quả nghiên cứu. Xây dựng các biểu đồ, các số liệu được thể hiện rõ ràng, chỉ ra được thực trạng và xu hướng phát triển của hiện tượng.
5.2.4. Phương pháp dự báo
Đây là phương pháp tính toán nhằm phân tích, lập kế hoạch, dự báo sự phát triển của cả hệ thống, lãnh thổ. Nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan, các điều kiện trong nước và quốc tế, trong và ngoài ngành DL, những thuận lợi và khó khăn có ảnh hưởng đến hoạt động DL, dự báo các tiêu chí phát triển DL bền vững về số lượng khách DL, doanh thu từ DL,…
5.2.5. Phương pháp phân tích SWOT
Sử dụng phương pháp SWOT để phân tích những điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) đối với DL Cao Bằng, giúp khai thác tối đa những tiềm năng sẵn có, hạn chế những tồn tại và có những giải pháp phát triển DL tối ưu nhất.
6. Những đóng góp chính của luận văn
- Tổng quan những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển DL trong xu thế hội nhập.
- Đánh giá những tiềm năng chủ yếu cho phát triển DL tỉnh Cao Bằng.
- Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển DL trong xu thế hội nhập và việc khai thác các điểm, tuyến, cụm DL tỉnh Cao Bằng.
- Xây dựng các tuyến, điểm DL và đề xuất các giải pháp phát triển DL bền vững, hiệu quả trong xu thế hội nhập của tỉnh Cao Bằng.
- Xây dựng các bản đồ: bản đồ hành chính, bản đồ TNDL, bản đồ hiện trạng phát triển DL, bản đồ định hướng phát triển không gian DL Cao Bằng đến năm 2030 và một số biểu đồ có liên quan đến hoạt động DL trên địa bàn nghiên cứu.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cấu trúc luận văn được chia làm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch trong xu thế hội nhập
Chương 2. Các nhân tố ảnh hưởng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trong xu thế hội nhập.
Chương 3. Định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trong xu thế hội nhập.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG XU THẾ HỘI NHẬP
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Các khái niệm về du lịch
1.1.1.1. Khái niệm du lịch
Hoạt động DL đã xuất hiện từ lâu và phát triển rất nhanh trong lịch sử phát triển của loài người. Ngày nay, nó đã trở thành một hiện tượng KT-XH phổ biến, một vấn đề mang tính toàn cầu, một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia.
Một số học giả cho rằng: “thuật ngữ “du lịch” trong ngôn ngữ nhiều nước được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “tornos” với nghĩa đi một vòng và được La tinh hóa thành “tornus” và sau đó thành “tourisme” (tiếng Pháp); tourism (tiếng Anh), “mypuzm” (tiếng Nga) v.v…” [4].
Với các quan điểm tiếp cận, góc độ nghiên cứu khác nhau, ngôn ngữ, cách hiểu khác nhau nên có nhiều khái niệm khác nhau. Hội nghị Liên hợp quốc về DL họp ở Roma năm 1963, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa nhằm quốc tế hóa khái niệm DL như sau: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”.
Trong từ điển Bách Khoa toàn thư Việt Nam (1966) đã tách hai nội dung cơ bản của DL thành hai phần riêng biệt:
- Nghĩa thứ nhất (mục đích của chuyến đi): "Du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích: nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, nghệ thuật,…" [5].
- Nghĩa thứ hai (đứng trên góc độ kinh tế): “Du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên
nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần tăng thêm tình yêu đất nước; đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình; về mặt kinh tế, du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn; có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ [5].
DL được xác định là một ngành kinh tế tổng hợp, quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, đáp ứng được các nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng của con người, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển KT - XH. Trong Luật Du lịch của Việt Nam, tại điều 10, thuật ngữ “Du lịch” được hiểu như sau: “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [9].
Như vậy, DL là một hiện tượng KT - XH, thể hiện sự di chuyển và tạm thời lưu trú ngoài nơi ở thường xuyên của các cá nhân hoặc tập thể nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của họ, nhưng đồng thời cũng là ngành dịch vụ hoạt động gắn chặt với những kết quả kinh tế (sản xuất, tiêu thụ) do chính nó tạo ra, đem lại lợi ích lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
1.1.1.2. Khái niệm khách du lịch
Định nghĩa về khách DL xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ XVIII tại Pháp, sau đó là tại Vương Quốc Anh (1800), Áo (đầu thế kỷ XX). Các định nghĩa đưa ra đều chưa đầy đủ, chủ yếu mang tính chất phản ánh sự phát triển của DL đương thời và xem xét không đầy đủ.
Ở nước ta, Luật Du lịch Việt Nam (2005) quy định: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến”[9].
Khách DL bao gồm khách DL nội địa và khách DL quốc tế. Năm 1993, theo đề nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới, Hội đồng Thống kê Liên hiệp Quốc (United Nations Statistical Commission) đã công nhận những thuật ngữ sau để thống nhất soạn thảo thống kê DL:
“Khách du lịch quốc tế (International tourist) bao gồm: Khách DL quốc tế đến (Inbound tourist) gồm những người từ nước ngoài đến DL một quốc gia và khách DL quốc tế ra nước ngoài (Outbound tourist) gồm những người đang sống trong một quốc gia đi DL nước ngoài.
Khách du lịch nội địa (Domestic tourist): bao gồm khách DL trong nước và khách DL quốc tế đến” [Dẫn theo 4, tr. 24 - 25].
Như vậy, xét một cách tổng quát, các khái niệm đề cập đến khách DL phải là người khởi hành rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình với mọi mục đích khác nhau có thể là đi tham quan, nghỉ dưỡng, thăm thân, kết hợp kinh doanh trừ mục đích lao động để kiếm tiền ở nơi đến, có thời gian lưu trú ít nhất là 24 giờ (hoặc có sử dụng ít nhất một tối trọ) nhưng không được quá một năm.
1.1.1.3. Khái niệm sản phẩm du lịch
Sản phẩm DL là một loại sản phẩm đặc biệt do nhiều yếu tố hợp thành, bao gồm cả những yếu tố hữu hình (hàng hóa) và những yếu tố vô hình (dịch vụ) như: dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tham quan, giải trí, hàng hóa tiêu dùng và đồ lưu niệm, các dịch vụ thông tin, dịch vụ trung gian, dịch vụ bổ sung và dịch vụ khác phục vụ khách DL,… cung cấp cho du khách dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng DL nhằm tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị, sự thoải mái, hài lòng, lưu giữ những ấn tượng riêng có tại nơi khách đến DL.
Theo Michael M.Coltman: “ Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”, [Dẫn theo 22]
Theo Luật du lịch Việt Nam (2005), “ Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch” [9].
Như vậy sản phẩm DL gồm dịch vụ DL và TNDL. Chất lượng sản phẩm DL phần lớn phụ thuộc vào sự đánh giá của khách DL, được xác định dựa vào
sự chênh lệch giữa mức độ kỳ vọng và mức độ cảm nhận về chất lượng của khách DL. Sản phẩm DL thường được tạo ra gắn với TNDL, không thể dịch chuyển được. Để tiêu thụ sản phẩm DL thì phải thu hút khách DL, đó là bài toán khó cho các nhà kinh doanh ngành DL, yếu tố quan trọng trong việc khai thác các tiềm năng DL.
1.1.1.4. Khái niệm tài nguyên du lịch
TNDL là một dạng đặc sắc của tài nguyên nói chung, khái niệm TNDL luôn gắn liền với khái niệm DL. Thực chất, đó là các điều kiện tự nhiên, các đối tượng văn hóa - lịch sử đã bị biến đổi ở mức độ nhất định dưới ảnh hưởng của nhu cầu xã hội và khả năng sử dụng trực tiếp vào mục đích DL.
TNDL được xem như là tiền đề để phát triển DL, có ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ, đến việc hình thành chuyên môn hóa và hiệu quả kinh tế của hoạt động DL, TNDL càng phong phú, đặc sắc và mức độ tập trung cao thì càng có sức hấp dẫn du khách, hiệu quả kinh doanh DL cao.
Ở nước ta, TNDL cũng có nhiều khái niệm khác nhau, theo Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ, trong cuốn Địa lí Du lịch Việt Nam năm 2010: “Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, văn hóa - lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực, trí lực của con người, khả năng lao động vào sức khỏe của họ…” [24]. Một khái niệm khác khá đầy đủ và cụ thể, dễ hiểu: “Tài nguyên du lịch là tất cả những gì thuộc về tự nhiên và các giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra có sức hấp dẫn du khách, có thể được bảo vệ, tôn tạo và sử dụng cho ngành Du lịch mang lại hiệu quả về KT - XH và môi trường”. [35].
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005) quy định: “Tài nguyên du lịch là các cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.[9].
Như vậy, số lượng và mức độ tập trung các nguồn TNDL là cơ sở cần thiết để xác định khả năng khai thác và tiềm năng của hệ thống lãnh thổ nghỉ
ngơi, DL. Đa số các loại TNDL tạo nên lực hút CSHT và dòng DL tới nơi tập trung các loại tài nguyên đó. TNDL có khả năng sử dụng nhiều lần nếu tuân theo các quy định về sử dụng tự nhiên một cách hợp lý. Hiệu quả và khả năng khai thác TNDL phụ thuộc vào các yếu tố: khả năng nghiên cứu, trình độ khoa học công nghệ, nguồn tài sản quốc gia.
Khác với các loại tài nguyên khác, TNDL phong phú, đa dạng, có các giá trị thẩm mỹ cao, văn hóa lịch sử, tâm linh, giải trí, có sức hấp dẫn với du khách. Thường được khai thác và xuất khẩu tại chỗ, mang tính mùa vụ.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005), khoản 1, điều 13 ghi rõ:
“Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng vào mục đích du lịch”
“Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể sử dụng vào mục đích du lịch”.[9].
1.1.2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch.
1.1.2.1. Điểm du lịch
Điểm DL là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị về mặt lãnh thổ, quy mô nhỏ, thời gian lưu lại của khách DL không quá 1 - 2 ngày vì sự hạn chế của đối tượng DL, “Điểm DL là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”[9]. Điểm DL Có 2 loại: điểm tài nguyên và điểm chức năng.
1.1.2.2. Khu du lịch
Khái niệm Khu du lịch theo Luật DL Việt Nam “Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường” [9].